Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN MỘT P1



Mọi thứ từ bàn tay Tạo hóa mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người. Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác; con người hòa trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa; con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nộ lệ của mình; họ đảo lộn mọi thứ, họ làm biến đổi xấu xí mọi thứ, họ ưa sự dị dạng, các quái vật; họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế; họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy; họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ.

Không có điều này, thì mọi sự có lẽ còn tệ hơn nữa, và giống loài chúng ta không muốn được đào luyện nửa vời. Trong tình trạng từ nay trở đi của sự vật, một con người bị phó mặc cho bản thân giữa những người khác ngay từ khi ra đời, sẽ là kẻ bị biến dạng nhiều nhất. Các thành kiến, uy quyền, sự cần thiết, tấm gương, mọi thể chế xã hội, trong đó chúng ta bị chìm ngợp, sẽ bóp ngẹt bản tính tự nhiên ở anh ât, và chẳng để gì thay thế vào đó. Ở đấy bản chất tự nhiên sẽ như một cây non mà sự tình cờ làm mọc ra giữa đường, và người qua kẻ lại chẳng bao lâu sẽ làm chết, khi va vào nó từ mọi phía và uốn nó theo mọi hướng.

Chính là tôi đang nói với bà đấy, bà mẹ giàu yêu thương và biết lo xa[12], người biết tránh con đường lớn và bảo đảm cho cây con mới mọc khỏi sự va chạm của dự luận người đời! Hãy vun trồng, hãy tưới tắm cho cây non trước khi nó chết: một ngày kia quả của nó sẽ khiến bà được hưởng lạc thú ngọt ngào. Hãy sớm lập một vành đai quanh tâm hồn con mình, một người khác có thể đánh dấu chu vi, nhưng riêng bà phải đặt rào chắn.

Người ta uốn nắn cây nhờ vun trồng, và đào luyện con người nhờ giáo dục. Nếu con người sinh ra vốn cao lớn và mạnh mẽ, thì tầm vóc và sức mạnh của anh ta sẽ vô dụng đối với anh cho đến khi anh học được cách sử dụng chúng; chúng sẽ bất lợi cho anh, bởi ngăn trở những người khác nghĩ đến việc giúp đỡ anh[13]; và, bị phó mặc cho bản thân, anh ta sẽ chết vì khốn khổ trước khi biết được nhu cầu của mình. Người ta phàn nàn về trạng thái của tuổi thơ; người ta không biết rằng loài người sẽ tiêu vong, nếu như con người không khởi đầu bằng việc là trẻ thơ.

Chúng ta sinh ra yếu đuối, chúng ta cần sức mạnh; chúng ta sinh ra chẳng có gì, chúng ta cần sự giúp đỡ; chúng ta sinh ra ngu ngốc, chúng ta cần sự phán đoán. Tất cả những gì chúng ta không có khi ra đời và chúng ta cần đến khi lớn lên, đều được sự giáo dục đem lại cho ta.

Sự giáo dục đó đến với chúng ta từ tự nhiên, hoặc từ con người hoặc từ sự vật. Bước phát triển nội tại của các khả năng và các cơ quan của chúng ta là sự giáo dục của tự nhiên; việc sử dụng các bước phát triển đó, do mọi người dạy cho ta, là sự giáo dục của con người; và những gì thu nhận được do kinh nghiệm của chính chúng ta về các đối tượng ảnh hưởng đến ta là sự giáo dục của sự vật.

Vậy mỗi người trong chúng ta được đào tạo bởi ba loại thầy giáo. Người đồ đệ nào mà ở anh ta những bài học khác biệt của các ông thầy đó mâu thuẫn nhau, là người được giáo dục dở, và sẽ không bao giờ đồng tình với bản thân; người nào mà ở anh ta tất cả các bài học cùng nhằm trúng những điểm như nhau, và hướng về những mục đích như nhau, người đó một mình đi đến mục tiêu và sống một cách nhất quán. Chỉ có người ấy là được giáo dục tốt.

Trong ba sự giáo dục khác biệt ấy, sự giáo dục của tự nhiên không hề phụ thuộc vào chúng ta; sự giáo dục của sự vật chỉ phụ thuộc vào chúng ta ở một số phương tiện. Sự giáo dục của con người là điều duy nhất mà chúng ta thực sự làm chủ; song chúng ta cũng chỉ làm chủ trên giả định; bởi ai có thể hy vọng điều khiển hoàn toàn được các diễn ngôn và các hành vi của tất cả những người ở xung quanh một đứa trẻ?.

Vậy nếu như giáo dục là một nghệ thuật, thì nó lại hầu như không có khả năng thành công, bởi sự hợp lực cần thiết cho thành tựu của nó chẳng tùy thuộc vào ai hết. Tất cả những gì ta có thể làm do hết sức chăm lo là đến gần được mục đích nhiều hay ít, nhưng phải có may mắn mới đạt tới mục đích.

Mục đích ấy là gì? Đó chính là mục đích của tự nhiên; điều này vừa mới được chứng tỏ. Bởi sự hợp lực của ba nền giáo dục là cần thiết cho tính hoàn hảo của chúng, thì chính nền giáo dục mà ta không thể tác động gì được là điều mà ta phải lái hai nền giáo dục kia hướng tới. Nhưng có lẽ cái tiếng tự nhiên có một ý nghĩa quá mơ hồ; ở đây cần cố gắng xác định nó.

Tự nhiên, như mọi người thường bảo chúng ta, chỉ là thói quen. Thế nghĩa là gì? Chẳng phải có những thói quen ma ta chỉ tập nhiễm do cưỡng bức, và chúng mãi mãi bóp nghẹt tự nhiên đó sao? Thí dụ như thói quen của những cái cây bị người ta ngăn trở chiều hướng thẳng đứng. Khi được tự do cái cây vẫn giữ chiều nghiêng mà người ta đã ép nó khuôn theo; nhưng nhựa cây không vì thế mà thay đổi chiều hướng nguyên sơ; và nếu cây tiếp tục sinh trưởng, phần mọc dài ra của nó thẳng đứng trở lại. Các xu hướng của con người cũng thế. Chừng nào người ta vẫn ở trong cùng một trạng thái, người ta có thể giữ những xu hướng hình thành do thói quen, và với ta những xu hướng này là ít tính tự nhiên nhất; nhưng, tình thế vừa thay đổi, là thói quen ngừng và cái tính tự nhiên trở lại. Chắc chắn giáo dục chỉ là một thói quen. Mà chẳng phải có những người quên đi và mất đi sự giáo dục, có những người khác vẫn giữ được sự giáo dục đó sao? Sự khác biệt này từ đâu ra? Nếu phải giới hạn danh từ tự nhiên vào những thói quen phù hợp với tự nhiên, ta có thể tránh cho mình những lời lẽ rắc rối trên.

Chúng ta sinh ra có cảm giác, và từ khi ra đời, chúng ta chịu ảnh hưởng theo nhiều cách, từ những đối tượng bao quanh ta. Ngay khi có thể nói rằng ta ý thức được cảm giác của mình, là ta có khuynh hướng tìm kiếm hoặc trốn chạy những đối tượng sản sinh ra cảm giác ấy, thoạt tiên tùy theo những cảm giác này dễ chịu hay khó chịu với ta, sau đó, tùy theo sự thích hợp hay không thích hợp mà ta thấy giữa ta và các đối tượng, cuối cùng, tùy theo các phán đoán của ta về đối tượng theo quan niệm về hạnh phúc hay tính hoàn hảo mà lý trí đem lại cho ta. Các khuynh hướng này dần mở rộng và củng cố tương xứng với việc chúng ta trở nên mẫn cảm hơn và sáng suốt hơn; nhưng, bị thói quen của chúng ta câu thúc, chúng biến chất đi ít hay nhiều do các ý kiến của chúng ta. Trước khi có sự biến chất đó, chúng là cái mà tôi gọi là bản tính tự nhiên ở ta.

Vậy cần phải quy tất cả mọi điều vào các khuynh hướng nguyên sơ đó; và điều này là có thể, nếu ba sự giáo dục của chúng ta chỉ khác biệt nhau mà thôi: Nhưng làm thế nào khi chúng đối lập nhau; khi mà, thay vì giáo dưỡng một con người cho bản thân anh ta, người ta lại muốn giáo dưỡng anh ta cho những người khác? Lúc ấy sự hòa hợp là không thể. Buộc phải chống lại bản tính tự nhiên hoặc các thể chế xã hội, ta cần chọn giữa việc đào tạo một con người hay một công dân; bởi ta không thể đồng thời đào tạo cả người nọ lẫn người kia.

Bất kỳ một quần thể mang tính bộ phận nào, khi nó hẹp và thật đoàn kết, cũng xa lìa quần thể lớn. Bất kỳ người ái quốc nào cũng khắc nghiệt với dân ngoại quốc: Họ chỉ là con người mà thôi, họ chẳng là gì trong mắt anh ta hết[14]. Điều bất lợi này không tránh khỏi, nhưng nó yếu ớt. Điều cốt yếu là tốt với những người mà mình sống cùng. ở bên ngoài thì người dân thành Sparte[15] đầy tham vọng, keo kiệt, bất công.; nhưng lòng vô tư bất vụ lợi, sự công bằng, sự hòa hợp, ngự trị bên trong những bức tường thành. Các vị hãy phòng ngừa những nhà thế giới chủ nghĩa, họ kiếm tìm xa xôi trong sách vở những bổn phận mà họ chẳng buồn làm trọn ở xung quanh họ. Như triết gia nọ yêu quý những con người Tartare, để khỏi phải yêu quý láng giềng của mình.

Con người tự nhiên là tất cả đối với mình; anh ta là sự thống nhất số học, là số nguyên tuyệt đối, chỉ có quan hệ với bản thân hay với đồng loại của mình. Con người dân sự chỉ là một đơn vị phân số liên quan đến mẫu số, và giá trị là ở quan hệ với số nguyên, tức là xã hội. Thể chế xã hội tốt là những thể chế biết phi tự nhiên hóa con người hơn cả, biết tước đi ở anh ta sự tồn tại tuyệt đối để cho anh ta một sự tồn tại tương đối, và đem cái tôi vào sự thống nhất chung; sao cho mỗi cá nhân không còn cho mình là đơn nhất, mà là bộ phận của sự thống nhất, và chỉ còn được cảm nhận trong tổng thể.

Một công dân thành La Mã chẳng phải Cailus, cũng chẳng phải Lucius; đó là một người La Mã; anh ta yêu tổ quốc độc hữu của mình. Resgulus bảo mình là người Carthage, bởi ông đã thành tài sản của các chủ nhân mình. Với tư cách người ngoại bang, ông từ chối dự họp Viện Nguyên lão La Mã; phải có một người Carthage ra lệnh cho ông làm việc ấy. Ông công phẫn vì mọi người định cứu mạng mình. Ông thắng, và đắc thắng quay về chết trong cực hình[16]. Tôi thấy điều này chẳng liên quan nhiều đến những con người mà chúng ta quen biết.

Persdarète người Lacédémonie ứng cử vào hội đồng ba trăm thành viên; ông không trúng: Ông quay về rất vui sướng vì ở Sparte có ba trăm con người ưu tú hơn ông. Tôi coi sự biểu lộ này là thành thật; và có lý do để tin rằng nó thành thật: Người công dân là thế đó.

Một người phụ nữ Sparte có năm con trai trong quân đội, và chờ tin tức về trận chiến. Một nô lệ đi tới; bà run run hỏi tin. “Năm người con của bà đều bị giết chết-Tên nô lệ hèn hạ kia, ta đã hỏi ngươi chuyện đó sao?-Chúng ta đã chiến thắng!”. Bà mẹ chạy đến đền thờ, và tạ ơn thần linh. Người nữ công dân là thế đó.

Người nào vẫn muốn duy trì quyền tối thượng của các tình cảm tự nhiên trong trật tự dân sự, thì không biết mình muốn gì. Luôn mâu thuẫn với bản thân, luôn bấp bênh do dự giữa thiên hướng và bổn phận, anh ta sẽ chẳng bao giờ là con người cũng chẳng là công dân; anh ta sẽ chẳng tốt cho mình cũng chẳng tốt cho người khác. Đó sẽ là một trong những người của thời đại chúng ta, một người Pháp, một người Anh, một thị dân; đó sẽ chẳng là gì hết.

Để là một cái gì đó, để là bản thân mình và luôn luôn đơn nhất, cần phải hành động như ta nói; cần luôn luôn quả quyết về điều mình phải chọn, chọn một cách đường hoàng và đi theo mãi. Tôi chờ mọi người chỉ cho tôi xem con người phi phàm ấy để được biết anh ta là con người hay công dân, hoặc anh ta làm thế nào để đồng thời là cả con người cả công dân.

Từ các mục tiêu đối lập một cách tất yếu này, mà có hai hình thức thể chế trái ngược nhau: một thể chế công và chung, một thể chế riêng và thuộc gia đình.

Các vị muốn có một quan niệm về nền giáo dục công, xin hãy đọc lại Cộng hòa của Platon. Đó không phải là một tác phẩm chính trị, như ý nghĩ của những người chỉ xét đoán các cuốn sách qua tiêu đề: Đó là khái luận hay nhất về giáo dục mà người ta từng viết.

Khi người ta muốn liên hệ đến xứ sở của các ảo tưởng hão huyền, người ta thường nêu lên thể chế của Platon. Nếu như Lycurgue[17] chỉ viết ra thể chế của ông ta mà thôi, tôi sẽ thấy nó còn hão huyền hơn thế nhiều. Platon chỉ làm cho lòng người thành cao thượng; Lycurgue đã làm nó biến mất.

Thể chế công không còn tồn tại, và không thể tồn tại nữa, bởi nơi nào không còn tổ quốc, thì không thể có các công dân nữa. Hai từ Tổ quốc và công dân phải được xóa khỏi các ngôn ngữ hiện đại. Tôi biết rõ lý do của điều này, nhưng tôi không muốn nói ra; lý do ấy chẳng động gì đến đề tài của tôi.

Tôi không thể coi là thể chế công những tổ chức nực cười mà người ta gọi là học viện (collège)[18]. Tôi cũng không kể sự giáo dục của xã hội, vì sự giáo dục này do hướng về hai mục đích tương phản mà lỡ cả hai: Sự giáo dục ấy chỉ thích hợp để tạo nên những con người kép luôn ra vẻ đem lại tất cả cho người khác, song bao giờ cũng chỉ mang lợi cho riêng mình mà thôi. Mà những sự bày tỏ ấy, vì toàn thiên hạ đều thế cả, nên chẳng lừa được ai. Đó là những sự nhọc công uổng phí.

Từ những mâu thuẫn này, nảy sinh mâu thuẫn mà chúng ta không ngừng cảm thấy trong bản thân chúng ta. Bị tự nhiên và con người lôi kéo vào những con đường tương phản, buộc phải chia cắt mình giữa những xung động khác biệt ấy, chúng ta đi theo một xung động phức hợp chẳng dẫn ta tới mục đích nọ cũng như mục đích kia. Bị chống lại và cứ bấp bênh do dự như vậy suốt đời, chúng ta kết thúc cuộc đời mà chẳng từng hòa hợp được với mình, và chẳng từng tốt cho ta cũng chẳng tốt cho người khác.

Rốt cuộc còn lại sự giáo dục của gia đình hay sự giáo dục của tự nhiên, nhưng một con người được giáo dưỡng duy chỉ cho anh ta sẽ trở thành cái gì cho mọi người? Có lẽ nếu mục tiêu kép mà ta tự đề xuất có thể hợp nhất thành một, thì khi cất bỏ những mâu thuẫn của con người, ta sẽ cất bỏ một trở lực lớn cho hạnh phúc của anh ta. Để xét đoán điều này, phải nhìn thấy anh ta đã hoàn toàn được đào tạo; phải từng quan sát các thiên hướng của anh ta, từng nhìn thấy những tiến bộ của anh ta, từng theo dõi bước đi của anh ta; tóm lại, cần phải biết con người tự nhiên. Tôi cho rằng sau khi đọc tác phẩm này, mọi người sẽ tiến được vài bước trong những tìm tòi nghiên cứu trên.

Để đào tạo con người hiếm hoi ấy, chúng ta phải làm gì? Chắc hẳn rất nhiều: Đó là ngăn cản để đừng điều gì được làm hết. Khi vấn đề chỉ là đi ngược gió thì ta đi vát; nhưng nếu biển dữ và ta muốn ở yên chỗ, thì phải buông neo. Hỡi người hoa tiêu trẻ, hãy cẩn thận kẻo dây cáp lỏng hoặc neo trôi, và tàu bị giạt đi trước khi anh nhận ra.

Trong trật tự xã hội, nơi mọi vị trí đều được đánh dấu, mỗi người phải được giáo dưỡng cho vị trí của mình. Nếu một cá nhân được đào tạo cho vị trí của anh ta mà ra khỏi vị trí ấy, anh ta không còn thích hợp cho việc gì nữa hết. Sự giáo dục chỉ hữu ích chừng nào cảnh ngộ phù hợp với khuynh hướng của các bậc cha mẹ; ở bất kỳ trường hợp nào khác nó là có hại cho học sinh, dù chỉ do các thiên kiến nó đã đem lại cho học sinh đó. Tại Ai cập, nơi người con trai buộc phải theo nghề nghiệp của cha mình, sự giáo dục ít ra cũng có một mục đích chắc chắn; nhưng, ở chúng ta, nơi chỉ các thứ bậc là còn lại, nơi mà con người không ngừng thay đổi thứ bậc, chẳng ai biết được rằng khi giáo dưỡng con trai mình cho thứ bậc của nó, liệu mình có hành động chống lại nó hay không.

Trong trật tự tự nhiên, do mọi người đều bình đẳng, nên khunh hướng chung của họ là địa vị làm người; và ai được giáo dưỡng tốt cho địa vị này thì không thể thực hiện dở các địa vị có liên quan đến địa vị đó. Người ta dự định cho học trò tôi làm quân nhân, giáo sĩ, trạng sư, điều ấy ít quan hệ đến tôi. Tự nhiên vời gọi anh ta đến với đời sống con người, trước cả khuynh hướng của bố mẹ. Sống là nghề mà tôi muốn dạy anh ta. Ra khỏi bàn tay tôi, anh ta sẽ chẳng là pháp quan, binh sĩ, linh mục, tôi thừa nhận điều này; anh ta sẽ là con người trước hết; tất cả những gì con người phải là như thế; anh ta sẽ biết là như thế khi cần, y hệt bất kỳ ai khác; và vận mệnh tha hồ làm anh thay đổi vị trí, bao giờ anh cũng vẫn ở vị trí của mình. Occupavi te Fortuna atque cepi; omnesque aditus tuos interclusi, ut ad me aspirare non posses[19].

Việc học tập đích thực của chúng ta là học tập về thân phận con người. Theo tôi ai trong chúng ta biết chịu đựng tốt hơn cả các điều hay điều dở của cuộc đời này là người được giáo dục tốt hơn cả; từ đó mà thấy rằng sự giáo dục đích thực ở trong các giới huấn ít hơn là ở trong luyện tập. Chúng ta bắt đầu học hỏi khi bắt đầu sống; sự giáo dục của chúng ta bắt đầu cùng với chúng ta; gia sư đầu tiên của chúng ta là vú nuôi chúng ta. Bởi thế từ giáo dục ở cổ nhân có một nghĩa khác mà ngày nay chúng ta không đem lại cho từ đó nữa: Nó có nghĩa là thức nuôi dưỡng. Varron nói rằng Educit obstetrix, educat nutrix, instituit pedagogus, docet magister[20]. Như vậy việc giáo dưỡng, sự dạy dỗ, sự giáo dục là ba điều khác nhau trong mục đích cũng như cô giáo dạy trẻ, gia sư và ông thầy. Nhưng những sự phân biệt này không được hiểu đúng; và, để được dẫn dắt tốt, đứa trẻ chỉ được đi theo một người hướng dẫn mà thôi.

Vậy cần phải khái quát hóa các kiến giải của chúng tôi, và cần phải xem xét trong học trò của chúng ta con người trừu tượng, con người bị đặt trước mọi biến cố ngẫu nhiên của đời người. Nếu mọi người sinh ra gắn bó với mảnh đất của một xứ sở, nếu vẫn một mùa kéo dài suốt năm, nếu ai nấy dính líu với cảnh ngộ của mình đến nỗi chẳng bao giờ có thể thay đổi nó, thì phương pháp hiện hành có lẽ là tốt ở một số phương diện nào đó; đứa trẻ được giáo dưỡng cho địa vị của nó, do chẳng bao giờ ra khỏi địa vị ấy, nên không thể có nguy cơ gặp những khó khăn trắc trở của một địa vị khác. Nhưng, vì tính biến động của sự thế, vì đầu óc bồn chồn bất an và hiếu động của thế kỷ này cứ mỗi thế hệ lại đảo lộn mọi sự, ta có thể quan niệm một phương pháp nào vô lý hơn là việc dạy dỗ một đứa trẻ như thể nó sẽ không bao giờ ra khỏi căn phòng của nó, như thể nó sẽ không ngừng được gia nhân bao quanh? Nếu kẻ bất hạnh ấy chỉ bước một bước trên mặt đất, nếu nó xuống chỉ một bậc thôi, là nó lâm nguy. Không phải là dạy nó chịu đựng sự khổ sở; đó là tập cho nó cảm nhận sự khổ sở.

Mọi người chỉ nghĩ đến bảo tồn con mình; như thế không đủ; cần dạy nó tự bảo tồn khi là người trưởng thành, dạy nó chịu đựng các đòn của số phận, dạy nó không sợ giàu sang và nghèo khổ, dạy nó sống nếu cần, trên băng giá miền Islande hay trên núi đá nóng bỏng vùng Malte. Các vị tha hồ phòng ngừa để nó đừng chết, tuy nhiên rồi nó sẽ phải chết; và dù cái chết của nó không phải do sự chăm sóc của các vị, những sự chăm sóc này vẫn sẽ bị hiểu không đúng. Vấn đề là làm cho nó sống hơn là ngăn cản nó chết. Sống, không phải là hít thở, đó là hành động; đó là sử dụng các khí quan của chúng ta, sử dụng các giác quan, các năng lực, mọi bộ phận của bản thân chúng ta, sử dụng các giác quan, các năng lực, mọi bộ phận của bản thân chúng ta, chúng cho ta cảm giác về sự tồn tại của mình. Con người đã sống nhiều nhất không phải là người đã đếm được nhiều năm nhất, mà là người đã cảm nhận cuộc đời được nhiều nhất. Có kẻ sống đến trăm tuổi, mà đã chết từ khi ra đời. Giá như người đó xuống mồ ở tuổi thanh xuân lại hơn, nếu như người đó sống ít ra là cho tới lúc ấy. Toàn bộ sự khôn ngoan của chúng ta gồm những thành kiến nô lệ; toàn bộ các tập quán của chúng ta chỉ là sự lệ thuộc, ngượng ngùng bứt rứt và câu thúc. Con người dân sự ra đời, sống và chết đi trong sự nô lệ; khi sinh ra, mọi người quấn chặt nó trong một cái tã nịt; khi chết đi mọi người đóng đanh nó trong một quan tài; chừng nào còn giữ bộ mặt người, nó còn bị xiềng xích bởi các thể chế của chúng ta.

Mọi người nói rằng nhiều bà đỡ nắn bóp đầu của những đứa trẻ sơ sinh và bảo là họ làm cho đầu đứa bé có một hình dáng thích hợp hơn, thế mà mọi người chịu để họ làm vậy! Có lẽ đầu chúng ta dở do cách thức của Đấng Tạo tác nên chúng ta: Phải uốn nắn nhào nặn những đầu óc ấy ở bên ngoài do các bà đỡ, còn bên trong do các triết gia. Những người dân miền Caraibes sung sướng hơn chúng ta nửa phần.

“ Đứa trẻ vừa ra khỏi bụng mẹ, vừa mới được tự do động đậy và duỗi chân duỗi tay, là người ta cho nó những ràng buộc mới. Người ta bó chặt nó trong tã nịt, người ta để nó nằm đầu cố định còn chân duỗi ra, hai cánh tay buông xuôi cạnh thân hình; đủ loại quần áo và vải vóc quấn xung quanh nó, không cho nó thay đổi tư thế. Thật may nếu người ta đã không xiết chặt đến mức ngăn nó thở, và nếu người ta đã cẩn thận đặt nó nằm nghiêng, để những chất nước nó trớ ra có thể tự rơi xuống! Bởi nó sẽ không được tự do quay đầu cho nước ấy dễ chảy[21].”

Đứa trẻ sơ sinh có nhu cầu duỗi chân tay và động đậy chân tay, để kéo chân tay ra khỏi trạng thái tê độn do chúng đã co quắp quá lâu. Quả là người ta có duỗi chân tay đứa trẻ ra, nhưng người ta lại cản trở chân tay nó động đậy; thậm chí người ta còn dùng dải chằng[22] để ức chế đầu đứa trẻ; dường như người ta sợ nó có vẻ đang sống.

Như vậy xung động của những bộ phận bên trong một thân thể đang muốn tăng trưởng gặp một trở lực không thể vượt qua đối với những cử động mà xung động ấy đòi hỏi ở thân thể. Đứa trẻ liên tục thực hiện những cố gắng vô bổ làm cạn kiệt sức lực của nó hoặc làm chậm sự tiến triển của các sức lực ấy. Ở trong lớp màng bọc thai nhi, nó còn đỡ bị chật chội, bị vướng víu, bị đè ép hơn là trong tã nịt; tôi chẳng thấy nó được lợi gì khi ra đời.

Giữ chân tay đứa trẻ trong trạng thái bất động, câu thúc chỉ có thể làm tắc nghẽn việc lưu thông máu và các chất dịch, cản trở đứa trẻ tăng trưởng, mạnh lên, và làm thể chất nó xấu đi. Ở nơi nào không có sự cẩn thận vô lý như trên, tất cả mọi người đều cao lớn, mạnh mẽ, cân đối. Những xứ sở ở đó người ta quấn bó trẻ con là những xứ sở đầy rẫy người gù, người khập khiễng, người chân vòng kiềng, người còm cõi, người còi cọc, những kẻ bất thành nhân dạng đủ loại. Vì sợ các thân thể biến dạng do những cử động tự do thoải mái, người ta vội vàng làm thân thể biến dạng bằng các ép buộc chúng. Người ta sẵn sàng làm chúng bị tê bại đi, để ngăn chúng mắc tật.

Một sự câu thúc tàn ác đến thế có thể nào không ảnh hưởng đến khí chất cũng như tính tình những đứa trẻ? Cảm giác đầu tiên của chúng là một cảm giác đau đớn và khổ sở: Chúng chỉ thấy toàn trở lực cho mọi cử động mà chúng có nhu cầu: Còn khổ hơn một tội phạm bị xiềng xích, chúng có những nỗ lực vô bổ, chúng tức tối, chúng kêu la. Các vị bảo rằng những tiếng đầu tiên của trẻ là tiếng khóc ư? Tôi tin như vậy lắm: Các vị làm trái ý chúng ngay khi chúng ra đời; điều đầu tiên các vị tặng cho chúng là xiềng xích, sự đối xử đầu tiên chúng cảm nhận là những hành hạ. Chỉ có mỗi tiếng nói là tự do, làm sao chúng không dùng nó để than vãn chứ? Chúng kêu khóc nỗi khổ mà các vị gây ra cho chúng: giả sử các vị bị trói như thế, có lẽ các vị sẽ kêu gào to hơn chúng.

Tập quán phi lý này từ đâu ra? Từ một tập quán trái với tự nhiên. Từ khi các bà mẹ coi khinh bổn phận đầu tiên của mình, không muốn nuôi con nữa, thì những đứa trẻ bị giao phó cho các phụ nữ làm thuê, những người này, do phải làm mẹ những đứa trẻ xa lạ mà bản tính tự nhiên chẳng gợi lên ở họ điều gì đối với chúng hết, nên họ chỉ tìm cách tránh vất vả cho mình. Giả sử một đứa trẻ được tự do thoải mái, thì phải không ngừng coi sóc nó; nhưng, khi nó đã bị bó chặt, người ta quẳng nó vào một xó chẳng vướng bận gì về tiếng kêu khóc của nó. Miễn là không có chứng cứ về sự cẩu thả của người vú nuôi, miễn là đứa bé không gãy chân gãy tay, thì có sao đâu, nếu nó chết hoặc thành tàn tật suốt đời? Người ta lo giữ gìn chân tay nó khiến thân thể nó chịu thiệt thòi, và dù có xảy ra chuyện gì, thì người vú nuôi vẫn không bị kết tội.

Những bà mẹ dịu dàng kia, rũ được con cái, vui vẻ buông mình vào các cuộc vui chơi chốn thị thành, trong khi ấy họ có biết đứa trẻ quấn trong tã nịt được đối xử thế nào ở làng quê không? Xảy ra chuyện phiền nhiễu nhỏ nhặt gì, là người ta móc nó lên một chiếc đanh như một bọc quần áo cũ; và trong lúc người vú ung dung thư thả lo công kia việc nọ của mình, đứa trẻ bất hạnh cứ chịu khổ hình như vậy. Tất cả những đứa trẻ người ta thấy trong tình cảnh này, mặt đều tím ngắt; lồng ngực bị ép chặt không để máu lưu thông, máu lại dồn lên đầu; và người ta cứ tưởng kẻ chịu khổ hình rất thuần hòa bình thản, vì nó không có sức mà kêu khóc. Tôi chẳng biết một đứa trẻ có thể ở trong tình trạng đó bao nhiêu giờ mà không bỏ mạng, nhưng tôi không chắc có thể được lâu. Tôi nghĩ đây là một trong những tiện lợi to lớn của cái tã nịt.

Người ta bảo rằng những đứa trẻ được tự do có thể có những tư thế xấu, và tự làm những động tác có khả năng gây hại cho hình thể tốt của chân tay chúng. Đó là một trong những lập luận hão huyền của sự khôn ngoan sai lầm của chúng ta, chưa từng được một thí nghiệm nào xác nhận hết. Trong vô số trẻ em, thuộc những dân tộc biết lẽ phải hơn chúng ta, người ta chưa từng thấy em nào tự gây thương tích hay tự làm què quặt; chúng không đưa được vào các cử động của chúng sức mạnh có thể khiến những cử động này thành nguy hiểm; và khi chúng có một tư thế dữ dội, thì cái đau lập tức báo cho chúng thay đổi tư thế.

Chúng ta còn chưa nghĩ đến chuyện quấn tã nịt cho chó con mèo con; ta có thấy điều bất lợi nào xảy ra cho vì sự sơ xuất này không? Đồng ý là trẻ con nặng hơn: Nhưng theo tỷ lệ thì trẻ con cũng yếu ớt hơn. Chúng chỉ có thể động đậy chút ít; chúng tự làm mình tàn tật thế nào được? Nếu ta để chúng nằm ngửa, chúng có thể chết trong tư thế ấy, như con rùa, chẳng bao giờ có thể lật mình lại.

Chẳng những ngừng cho con bú, phụ nữ còn ngừng muốn làm việc ấy; hậu quả là điều tự nhiên. Khi tình trạng làm mẹ tốn kém, người ta lập tức tìm ra cách để hoàn toàn rũ bỏ được nó; người ta muốn làm một việc vô ích, đặng luôn luôn tái diễn nó, và người ta khiến sức hấp dẫn để gia tăng giống loài thành bất lợi cho giống loài. Tập quán này, bổ sung vào các nguyên nhân khác làm giảm dân số, báo trước cho chúng ta số phận sắp tới của Châu Âu. Khoa học, nghệ thuật, triết học và các phong tục do nó sinh ra, chẳng bao lâu sẽ khiến Châu Âu thành một sa mạc. Châu Âu sẽ sinh sôi nhiều thú dữ: Châu Âu sẽ không thay đổi nhiều về cư dân.

Thỉnh thoảng tôi đã thấy thủ đoạn của những thiếu phụ giả vờ muốn nuôi con. Người ta biết cách làm cho mọi người thúc ép mình từ bỏ ý ngông này: Người ta khéo léo làm cho các ông chồng, các thầy thuốc[23]can thiệp vào, và nhất là các bà mẹ. Một người chồng dám đồng ý để vợ nuôi con sẽ là một người vứt đi; mọi người sẽ biến anh ta thành một kẻ sát nhân muốn rũ bỏ vợ mình. Hỡi các ông chồng khôn ngoan thận trọng, cần hy sinh tình cha con cho sự an bình. May mà ở nông thôn có những người vợ tiết dục hơn vợ của các vị! Còn may hơn nếu thời gian mà các bà này kéo dài được chẳng dành cho ai ngoài các vị!.

Bổn phận của phụ nữ là điều chắc chắn: Nhưng người ta tranh cãi xem nếu phụ nữ coi thường bổn phận ấy, thì việc những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa của người khác liệu có như nhau hay không. Câu hỏi này, mà các thầy thuốc là người phán xét, tôi coi như đã được giải quyết đúng như ý của phụ nữ; về phần tôi, thì tôi còn nghĩ rằng đứa trẻ bú sữa của một bà vú nuôi khỏe mạnh tốt hơn là bú sữa của một bà mẹ suy thoái, nếu phải sợ một cái hại mới nào từ dòng máu tạo nên nó.

Nhưng có nên chỉ xem xét vấn đề ở phương diện vật chất mà thôi? Và đứa trẻ cần sự chăm sóc của mẹ ít hơn cần bầu vú của bà? Những người đàn bà khác, thậm chí cả những con vật, có thể cho đứa trẻ dòng sữa mà mẹ nó không chịu cho nó: Sự ân cần mang tình mẫu tử không hề thay thế được. Người đàn bà nuôi con người khác thay vì đứa con của mình là một người mẹ tồi: Bà ta sẽ là một vú nuôi tốt làm sao được? Bà ta có thể trở thành vú nuôi tốt, nhưng một cách từ từ; cần phải để thói quen làm thay đổi bản tính tự nhiên: Và đứa trẻ bị chăm sóc không cẩn thận sẽ đủ thì giờ để chết hàng trăm lần trước khi bà vú có được với nó tình yêu thương của người mẹ.

Từ chính lợi thế đó mà có một điều bất lợi, riêng điều bất lợi này có lẽ phải tước đi ở bất kỳ người phụ nữ nhạy cảm nào lòng can đảm để cho một người khác nuôi con mình, điều bất lợi ấy là chia sẻ quyền làm mẹ, hay đúng hơn là tha hóa nó; là thấy con mình yêu một phụ nữ khác ngang bằng và hơn cả yêu mình; là cảm thấy tình thương mến đối với mẹ nuôi của nó là một bổn phận: Bởi, ở nơi tôi từng tìm được sự chăm sóc của một người mẹ, tôi chẳng có nghĩa vụ quyến luyến như một đứa con hay sao?

Cách chúng ta cứu vãn điều bất lợi này là gây cho trẻ niềm khinh miệt các vú nuôi chúng, bằng cách đối xử với họ như những người hầu thực thụ. Khi công việc họ phục vụ đã hoàn tất, người ta lấy lại đứa trẻ, hoặc người ta cho vú nuôi thôi việc; do cứ tiếp đãi lạnh nhạt, người ta khiến bà vú nản không muốn đến thăm đứa bé. Sau vài năm không gặp vú nuôi nữa, nó không còn quen biết bà ta nữa. Người mẹ, tưởng mình thay thế người vú và sửa chữa sự hờ hững của mình bằng sự tàn nhẫn, đã nhầm. Thay vì làm cho một đứa nhũ nhi mất bản chất tự nhiên thành một đứa con giàu lòng yêu thương, bà đã tập cho nó thói vô ơn; bà dạy cho nó một ngày kia sẽ khinh miệt người sinh ra nó cũng như người đã nuôi nó bằng dòng sữa của mình.

Tôi sẽ nhấn mạnh điểm này biết bao nhiêu nữa, nếu việc lặp đi lặp lại những đề tài hữu ích bớt gây nản lòng!. Điều này liên quan đến nhiều chuyện hơn ta nghĩ. Các vị có muốn trả mỗi người về với những bổn phận đầu tiên của họ hay không? Xin hãy bắt đầu từ các bà mẹ; các vị sẽ ngạc nhiên vì những thay đổi do các vị tạo nên. Mọi điều đều liên tiếp từ sự hư hỏng đầu tiên đó mà ra: Toàn bộ phạm trù đạo đức biến chất đi; tính tự nhiên lụi tắt trong mọi con tim; bên trong nhà có một vẻ bớt sống động; cảnh tượng cảm động của một gia đình mới nảy nở không còn khiến những người chồng quyến luyến, không còn buộc những người lạ tôn trọng; người ta bớt kính nể bà mẹ mà người ta chẳng thấy con cái đâu; trong các gia đình không hề có chốn cư trú; thói quen không còn củng cố các quan hệ huyết thống nữa; chẳng còn cha còn mẹ, còn con cái, còn anh em chị em nữa; tất cả mọi người chỉ còn gọi là hơi biết nhau; làm thế nào họ sẽ yêu quý nhau được? Mỗi người chỉ còn nghĩ đến mình mà thôi. Khi ngôi nhà chỉ còn là một nỗi cô đơn buồn bã, thì phải đi vui vẻ ở chỗ khác thôi.

Nhưng nếu các bà mẹ rủ lòng chiếu cố nuôi dưỡng con, thì phong hóa sẽ tự thay đổi, tình cảm tự nhiên thức dậy trong mọi trái tim; Quốc gia sẽ lại đông dân: Điểm đầu tiên này, chỉ một điểm này thôi sẽ tập hợp được tất cả. Sức hấp dẫn của cuộc sống gia đình là thứ thuốc giải độc tốt nhất đối với các phong tục xấu xa hư hỏng. Sự quấy rầy của trẻ con, mà người ta tưởng là phiền nhiễu, trở nên dễ chịu; nó khiến người cha và người mẹ cần thiết cho nhau hơn, gần gũi thân thiết với nhau hơn; nó thắt chặt hơn mối liên hệ vợ chồng giữa họ. Khi gia đình sống động và linh hoạt, thì những sự chăm sóc gia đình thành công việc bận bịu thân thương nhất của người vợ và thú vui êm đềm nhất của người chồng. Như vậy chỉ riêng việc thói xấu này được sửa chữa chẳng bao lâu sẽ dẫn tới một sự cải tổ tổng quát, chẳng bao lâu tự nhiên sẽ giành lại mọi quyền của nó. Một khi đàn bà trở lại làm mẹ, lập tức đàn ông trở lại làm cha, làm chồng.

Những lời lẽ thừa vô dụng! Thậm chí ngay nỗi buồn chán các thú vui chốn giao tế cũng chẳng bao giờ dẫn trở về những thú vui gia đình! Phụ nữ đã thôi làm mẹ; họ sẽ không làm mẹ nữa; họ không muốn làm mẹ nữa. Nếu có muốn chăng nữa, họ cũng khó mà thực hiện; ngày nay khi tập tục trái ngược đã được xác lập, mỗi người sẽ phải đấu tranh với sự phản đối của tất cả nững người phụ nữ tiếp cận mình, họ liên minh chống lại một tấm gương mà số ngươi này đã không nêu ra còn số người khác thì không muốn theo.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng hãy còn những thiếu phụ có bản tính tốt dám chống lại sự thống trị của thời thượng và những tiếng la hét của giới mình về điểm này, họ thực hiện với lòng dũng cảm đầy đức hạnh bổn phận thật êm đềm mà tự nhiên đặt để cho họ. Mong sao con số những phụ nữ này gia tăng nhờ sự hấp dẫn của những điều hay dành cho những ai hiến mình cho bổn phận ấy!. Dựa trên những hệ quả mà lập luận đơn giản nhất cũng cho thấy rõ, và dựa trên những quan sát mà tôi chưa từng thấy bị phản bác, tôi dám hứa với các bà mẹ xứng đáng này một tình quyến luyến vững chắc và chung thủy của các ông chồng, một tình thương yêu thực sự hiếu thảo của các con, sự quý trọng và niềm tôn kính của mọi người, việc sinh nở suôn sẻ và không bị sản hậu, một sức khỏe vững vàng và dồi dào, sau cùng là niềm vui một ngày kia thấy mình được các con gái làm theo, và được nêu ra như một tấm gương cho con gái người khác.

Không có mẹ thì không có con. Giữa mẹ và con bổn phận là tương hỗ; và nếu ở phía này bổn phận không được làm tròn thì ở phía kia nó sẽ bị sao nhãng. Đứa trẻ phải yêu mẹ mình trước khi biết là mình phải yêu mẹ. Nếu tiếng nói của huyết thống không được củng cố nhờ thói quen và sự chăm sóc, nó sẽ lịm tắt trong những năm đầu đời, và trái tim có thể nói là chưa nảy nở đã chết. Như vậy là ngay từ những bước đi đầu tiên chúng ta đã ở bên ngoài tự nhiên.

Người ta còn ra khỏi tự nhiên bằng một con đường trái ngược, khi người mẹ thay vì sao nhãng việc chăm nom, lại chăm nom đến mức thái quá; khi bà biến con thành thần tượng, khi bà gia tăng và nuôi dưỡng sự yếu đuối của con để ngăn nó cảm nhận sự yếu đuối ấy, và do hy vọng miễn trừ cho con các luật lệ của tự nhiên, bà gạt ra xa con các va chạm nặng nề, mà chẳng nghĩ rằng để nhất thời giữ gìn cho con khỏi vài điều bất tiện, bà lại tích tụ từ xa bao tai ương và nguy hiểm trên đầu con, và kéo dài tình trạng yếu đuối của tuổi thơ dưới những mệt mỏi của người đã trưởng thành là một sự cẩn trọng xiết bao man rợ. Theo huyền thoại, để làm cho con trai của mình thành bất khả xâm hại, Thétis[24] nhúng con xuống nước của dòng sông Âm phủ. Ám dụ này thật hay và rõ. Các bà mẹ ác nghiệt mà tôi nói đến lại làm khác; do cứ nhúng mãi con mình vào tình trạng nhu nhược, các bà chuẩn bị cho con bị đau khổ; các bà mở các lỗ chân lông của con cho mọi loại tai ương bệnh tật, khi lớn lên thế nào chúng cũng làm mồi cho những tai ương bệnh tật này.

Các vị hãy quan sát tự nhiên, và hãy đi theo con đường mà tự nhiên vạch ra cho các vị. Tự nhiên rèn luyện trẻ em không ngừng; tự nhiên làm tính tình chúng cứng rắn lên bằng đủ loại thử thách; tự nhiên sớm dạy cho chúng biết thế nào là khổ sở và đau đớn. Những chiếc răng mọc lên khiến chúng sốt; những cơn đau bụng cấp khiến chúng quằn quại; những cơn ho dài làm chúng ngạt thở; giun quấy chúng; chứng đa huyết làm máu chúng xấu đi; nhiều chất men khác nhau dậy lên trong máu, gây những bột phát nguy hiểm. Gần như toàn bộ tuổi thơ ban đầu đều là bệnh tật và nguy cơ: một nửa số trẻ ra đời chết trước tám tuổi. Khi các thử thách đã trải, đứa trẻ đã mạnh lên; và nó chỉ vừa mới có thể sử dụng cuộc sống, là căn nguyên nhờ thế mà càng thêm vững chắc.

Đó là quy tắc của tự nhiên. Tại sao các vị lại làm trái tự nhiên? Các vị chẳng thấy rằng khi tưởng mình sửa chữa tự nhiên, là các vị phá hoại công trình của tự nhiên, ngăn trở hiệu quả những sự chăm sóc của tự nhiên hay sao? Theo các vị, nếu ta làm ở bên ngoài điều mà tự nhiên làm ở bên trong, là tăng gấp bội nguy cơ; song ngược lại, đó chính là dụ nguy cơ ra chỗ khác, là giảm bớt nguy cơ. Kinh nghiệm cho thấy trẻ em được nuôi dạy một cách nâng niu thận trọng thường tử vong nhiều hơn những trẻ khác. Miễn là đừng vượt quá mức độ sức lực của trẻ, thì sử dụng các sức lực ấy ít nguy cơ hơn là nương nhẹ chúng. Vậy hãy rèn luyện cho trẻ về những xâm hại mà một ngày kia chúng sẽ phải chịu đựng. Hãy làm cho cơ thể chúng cứng rắn trước những thất thường bất lợi của thời tiết, của khí hậu, của các yếu tố thiên nhiên, trước cái đói, cái khát, cái mệt; hãy nhúng chúng xuống nước sông Âm phủ. Trước khi thói của thân thể hình thành, ta muốn đem lại cho thân thể thói quen nào tùy ta, không nguy hiểm gì; nhưng, một khi thân thể đã ổn định chắc chắn, thì bất kỳ sự biến đổi nào cũng thành hiểm nghèo. Một đứa trẻ chịu đựng được những thay đổi mà người lớn không chịu nổi: Khí chất của trẻ, mềm mại và uyển chuyển, chẳng cần cố gắng cũng dễ dàng uốn theo nếp do ta đem lại; khí chất của người lớn, cứng cỏi hơn, chỉ thay đổi nếp cũ với sự cưỡng bách dữ dội. Vậy ta có thể làm cho một đứa trẻ cường tráng mà không mạo hiểm với tính mạng và sức khỏe của nó; và giả dụ có một vài nguy hiểm nào đó, cũng đừng nên do dự. Bởi đó là những nguy hiểm gắn liền với đời sống con người, ta có thể làm gì tốt hơn là đẩy những nguy hiểm đó vào khoảng thời gian của đời người mà chúng ít gây hại nhất?.

Một đứa trẻ càng lớn lên càng trở thành quý giá. Thêm vào giá trị của bản thân nó là giá trị của những chăm nom săn sóc; thêm vào việc mất mạng sống là ý thức ở nó về cái chết. Vậy phải nghĩ trước hết đến tương lai khi chăm lo bảo tồn đứa trẻ; phải trang bị cho trẻ vũ khí chống lại những tai họa của tuổi thanh xuân trước khi trẻ đạt đến tuổi ấy; bởi, nếu giá trị cuộc sống cứ tăng lên cho đến độ tuổi làm được cho cuộc sống trở thành hữu ích, thì có sự điên rồ nào bằng tránh vài điều hại cho tuổi thơ để tăng những điều hại ấy lên gấp bội ở tuổi biết nghĩ? Đó mà là những bài học của ông thầy ư?

Số phận của con người là đau khổ ở mọi thời. Bản thân sự chăm nom để bảo tồn con người gắn với cực nhọc. Hạnh phúc thay nếu trong tuổi thơ chỉ biết những nỗi đau thể chất, ít tàn ác hơn, ít nhức nhối hơn những nỗi đau khác rất nhiều, và so với những nỗi đau khác, thì rất hiếm khi làm ta khước từ cuộc sống! Người ta chẳng hề tự sát vì cái đau của bệnh thống phong; chỉ những nỗi đau tâm hồn mới sinh ra niềm tuyệt vọng. Chúng ta xót thương cho số phận của tuổi thơ, thế mà chính số phận chúng ta mới cần xót thương. Những nỗi đau lớn nhất của chúng ta do chúng ta mà ra.

Khi sinh ra, một đứa trẻ kêu gào; nó khóc lóc suốt tuổi thơ ban đầu. Khi thì người ta rung rinh nó, dỗ dành để nó nguôi dịu; khi thì người ta dọa nạt nó, đánh đập để nó im đi. Hoặc chúng ta làm điều nó thích, hoặc chúng ta đòi hỏi nó điều ta thích; hoặc chúng ta phục tùng các ý ngông của nó, hoặc chúng ta bắt nó phục tùng các ý ngông của ta: Không có khoảng giữa, nó phải ra lệnh hoặc phải nhận lệnh. Như vậy, những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và khuất phục. Nó hạ lệnh trước khi biết nói, nó vâng theo trước khi có thể hành động; và đôi khi người ta trừng phạt nó trước khi nó có thể biết lỗi, hoặc nói đúng hơn là có thể phạm lỗi. Như vậy là người ta sớm rót vào trái tim non nớt của nó những đam mê mà sau đó người ta quy tội cho tự nhiên, và sau khi đã nhọc công làm nó thành tai ác, người ta lại phàn nàn vì thấy nó tai ác.

Một đứa trẻ trải qua sáu hoặc bảy năm theo cách đó trong tay những người đàn bà, là nạn nhân của sự trái tính trái nết ở họ và ở nó; và sau khi đã cho nó học điều này điều nọ, tức là sau khi đã nạp vào trí nhớ của nó hoặc những từ ngữ mà nó không thể hiểu được, hoặc những điều chẳng ích lợi gì cho nó hết; sau khi đã bóp nghẹt tính tự nhiên bằng những đam mê do người ta làm nảy nở, người ta giao sinh thể nhân tạo này vào tay một gia sư, ông này hoàn tất việc phát triển những mầm mống do con người gia công mà ông ta thấy đã hình thành đâu vào đấy rồi, và dạy cho nó mọi thứ, trừ việc tự hiểu mình, trừ việc khai thác lợi ích từ bản thân, trừ việc biết sống và khiến mình hạnh phúc. Cuối cùng, khi đứa trẻ này, vừa nô lệ vừa bạo chúa, được quẳng vào xã hội và bày ra tại đó sự vụng về ngu xuẩn, sự kiêu ngạo và mọi thói xấu, nó khiến thiên hạ phàn nàn xót xa cho nỗi khốn khổ và sự tàn ác của con người. Thiên hạ nhầm đấy; đó là con người do sở thích của chúng ta: Con người của tự nhiên hình thành khác hẳn thế.

Vậy nếu các vị muốn đứa trẻ giữ được hình thái bản lai của nó, xin hãy duy trì hình thái ấy ngay từ lúc nó chào đời. Nó vừa sinh ra, các vị hãy chiếm giữ ngay lấy nó, và đừng rời nó nữa cho đến khi nó là người lớn: Không thể các vị sẽ chẳng bao giờ thành công.. Bởi người vú nuôi thực sự chính là người mẹ, thì người gia sư thực thụ chính là người cha. Cha mẹ hãy đồng tình với nhau trong chức phận cũng như trong phương pháp: Sao cho từ những bàn tay của mẹ đứa trẻ chuyển sang tay của cha. Đứa trẻ được một người cha có óc phán đoán đúng đắn song kiến thức hạn chế giáo dục sẽ tốt hơn là được ông thầy giỏi giang nhất thế giới giáo dục; bởi sự nhiệt tình hăng hái bù cho tài năng tốt hơn là tài năng bù cho nhiệt tình hăng hái.

Nhưng còn các công việc, còn các chức trách, các bổn phận…Ôi! Các bổn phận, chắc hẳn bổn phận cuối cùng là bổn phận làm cha[25]! Người vợ đã không thèm nuôi nấng con, thì người đàn ông cũng chẳng thèm dạy dỗ nó, điều này chẳng có gì khiến ta ngạc nhiên. Không có bức tranh nào dễ thương hơn bức tranh gia đình; nhưng chỉ một nét hỏng khiến mọi nét khác đều xấu xí biến dạng. Nếu người mẹ quá ít sức khỏe nên không nuôi được con, thì người cha sẽ quá nhiều công việc nên không dạy dỗ được nó. Những đứa con, bị đưa đi xa, bị phân tán trong các ký túc xá, các tu viện, các trường học, sẽ mang đi nơi khác tình yêu ngôi nhà của cha ông, hay, để nói đúng hơn, sẽ mang về ngôi nhà ấy thói quen không lưu luyến gì hết. Các anh em chị em chẳng biết nhau là mấy. Khi tất cả đoàn tụ theo nghi thức, chúng có thể rất nhã nhặn với nhau; chúng sẽ đối xử với nhau như người xa lạ. Khi không còn tình thân mật giữa cha mẹ nữa, khi sự giao tiếp trong gia đình không tạo nên sự êm đềm của đời sống nữa, thì phải nhờ cậy đến những thói tục xấu xa để bù đắp vào đó. Đâu là con người khá ngu xuẩn để không nhìn thấy chuỗi quan hệ của tất cả những điều này?.

Một người cha, khi sinh thành và nuôi dưỡng con cái, chỉ mới thực hiện một phần ba nhiệm vụ mà thôi. Người cha ấy mắc nợ giống loài những con người, mắc nợ xã hội những con người có tính hợp quần; mắc nợ quốc gia những công dân. Bất kỳ người nào có thể trả ba món nợ này mà không thực hiện đều có tội, và có lẽ mắc tội hơn nữa nếu chỉ trả nửa vời. Ai không thể làm tròn nghĩa vụ người cha thì không có quyền trở thành người cha. Chẳng có cảnh nghèo nào, công việc nào, sự tôn trọng nào của mọi người miễn được cho người cha việc nuôi dưỡng con và tự mình dạy dỗ chúng. Bạn đọc, các bạn có thể tin tôi. Tôi báo trước cho ai có tâm can mà sao nhãng những nghĩa vụ hết sức thiêng liêng như vậy, rằng họ sẽ nhỏ những giọt nước mắt cay đắng vì lỗi lầm của mình rất lâu, và sẽ chẳng bao giờ nguôi khuây được.

Nhưng con người giàu có kia, người cha của gia đình hết sức bận rộn kia, và cứ theo lời ông ta thì ông ta buộc phải bỏ mặc các con, ông ta làm gì đây? Ông ta bỏ tiền thuê một người khác để thực hiện những sự chăm sóc chúng là gánh nặng cho ông ta. Con người vụ lợi hèn hạ! Anh tưởng anh dùng tiền mà đem lại cho con trai anh một người cha khác hay sao? Anh chớ lầm; anh chẳng cho con anh ngay cả một thầy giáo, mà là một gã đầy tớ. Hắn sẽ sớm đào tạo nên một gã đầy tớ thứ hai.

Mọi người lý luận nhiều về các phẩm chất của một ông thầy chỉ đạo[26]* tốt. Phẩm chất đầu tiên mà tôi đòi hỏi, và chỉ riêng phẩm chất ấy coi như có rất nhiều phẩm chất khác, đó không phải một con người mua bán được. Có những nghề nghiệp hết sức cao quý, thành thử không thể làm vì tiền mà chẳng tỏ ra mình thiếu tư cách để làm nghề ấy; thí dụ như nghề nghiệp của quân nhân; thí dụ như nghề nghiệp của thầy giáo. Vậy ai sẽ dạy dỗ con tôi đây? Tôi đã bảo anh rồi, bản thân anh chứ ai. Tôi không thể làm được. Anh không thể làm được ư?…Vậy anh hãy kết thân với một người bạn. Tôi không thấy phương kế nào khác.

Một thầy chỉ đạo! Ôi tâm hồn cao cả làm sao!…Quả thực, để làm nên một con người, thì bản thân mình phải là cha hoặc cao hơn một con người. Đó là chức phận mà các vị bình thản phó thác cho những kẻ làm thuê đấy.

Ta càng nghĩ về điều này, lại càng nhận ra những khó khăn mới. Lẽ ra thầy chỉ đạo cần phải được giáo dục cho học trò của ông ta, lẽ ra tôi tớ của ông ta, cần phải được giáo dục cho chủ nhân của họ, lẽ ra tất cả những ai tiếp cận ông ta cần nhận được những cảm giác mà họ phải truyền sang cho ông ta; lẽ ra, từ sự giáo dục này đến sự giáo dục kia, cần phải đi ngược lên mãi tận đâu không biết nữa. Làm sao một đứa trẻ có thể được giáo dục tốt bởi người nào đó mà bản thân không được giáo dục tốt?.

Con người hiếm hoi ấy phải chăng không thể tìm ra? Tôi chẳng biết. Ai mà biết được vào cái thời suy đồi trụy lạc này, tâm hồn con người còn có thể đạt tới mức độ đạo đức nào? Nhưng cứ giả định là tìm được con người phi phàm ấy. Cứ xem xét những gì người ấy phải làm, ta sẽ thấy những gì người ấy phải là. Điều tôi ngỡ thấy trước được là một người cha mà cảm nhận được toàn bộ giá trị của một ông thầy chỉ đạo tốt sẽ quyết định không cần đến ông ta; bởi tìm được ông ta còn vất vả hơn là tự mình trở thành ông ta. Người cha muốn kết thân với một người bạn ư? Hãy giáo dục con trai mình để thành người bạn ấy; thế là ông khỏi phải đi tìm đâu xa, và thiên nhiên đã làm nửa phần công việc rồi.

Một người mà tôi chỉ biết thân thế, địa vị đã chuyển lời đề nghị tôi dạy dỗ con ông. Hẳn là ông đã làm vinh dự cho tôi rất nhiều; nhưng ông đừng nên phàn nàn vì tôi từ chối mà cần khen tôi thận trọng mới phải. Nếu tôi nhận lời ông, và nếu phương pháp của tôi sai lạc, đó sẽ là một sự giáo dục lỡ dở; nếu tôi thành công, thì còn tệ hại hơn, con trai ông sẽ từ bỏ tước vị của mình, cậu sẽ không muốn làm công tước nữa.

Tôi quá thấm thía tính cao cả của nghĩa vụ gia sư, và cảm nhận quá rõ mình không có năng lực, thành thử chẳng bao giờ dám nhận một công việc như vậy dù là ai đề nghị; và chính mối quan tâm đến tình thân hữu lại là một lý do mới với tôi để khước từ. Tôi nghĩ rằng sau khi đọc cuốn sách này, sẽ ít người định đề nghị tôi việc đó; và tôi xin những ai có thể đề nghị, đừng mất công vô ích nữa. Trước đây tôi đã từng thể nghiệm nghề này đủ để biết chắc rằng mình không thích hợp, và giả dụ như tài năng có khiến tôi làm được, thì cảnh huống của tôi cũng sẽ miễn cho tôi việc đó. Tôi nghĩ cần công khai tuyên bố như vậy với những ai dường như không đủ lòng quý trọng đối với tôi để tin là tôi chân thành và có căn cứ trong các quyết định của mình.

Không thể thực hiện nhiệm vụ hữu ích nhất, chí ít tôi sẽ mạo muội thử thực hiện nhiệm vụ dễ dàng nhất: Theo gương bao người khác, tôi sẽ không bắt tay vào việc, mà bắt tay vào viết; và thay vì làm điều cần làm, tôi sẽ cố gắng nói lên điều đó.

Tôi biết rằng, trong các công việc tương tự việc này, tác giả bao giờ cũng thoải mái trong những hệ thống mà mình chẳng phải đem ra thực hành, nên thường dễ dàng ban bố nhiều quy tắc hay ho không sao theo nổi, và do thiếu chi tiết cũng như các thí dụ, nên ngay những điều có thể thực hành mà tác giả nói lên cũng không dùng được khi ông chưa chỉ ra cách ứng dụng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.