Émile Hay Là Về Giáo Dục
QUYỂN MỘT P2
Vậy tôi đã quyết định cho mình một học trò tưởng tượng, và giả định mình có tuổi tác, sức khỏe, tri thức và mọi tài năng thích đáng để giáo dục cậu học trò đó, giáo dục từ lúc cậu ra đời cho đến khi trưởng thành, cậu không cần người hướng dẫn nào khác nữa ngoài bản thân mình. Tôi thấy phương pháp này hữu ích để ngăn một tác giả vốn nghi ngờ chính mình khỏi lạc vào các ảo tượng; bởi, mỗi khi vừa xa rời cách làm thông thường, tác giả chỉ cần thử thách cách làm của bản thân đối với học trò của mình, là lập tức cảm nhận được, hoặc độc giả sẽ cảm nhận giúp tác giả, rằng liệu anh có đi theo bước tiến bộ của tuổi thơ và bước vận hành tự nhiên của lòng người hay không.
Đó là điều tôi đã cố gắng làm trước mọi khó khăn từng xuất hiện. Để cuốn sách khỏi dày lên một cách vô bổ, tôi chỉ đặt ra những nguyên tắc mà mỗi người ắt đều cảm nhận được chân lý. Còn về những quy tắc có thể cần chứng cớ, tôi đều áp dụng với Émile của tôi hay với các thí dụ khác, và đã cho thấy, qua các chi tiết mở rộng, những gì mà tôi xác lập có thể được thực hành như thế nào; chí ít đó cũng là kế hoạch tôi đặt ra cho mình. Xét đoán xem tôi có thành công hay không là việc của độc giả.
Do vậy mà thoạt tiên tôi ít nói tới Émile, bởi những phương châm đầu tiên của tôi về giáo dục, mặc dù trái ngược với những phương châm đã được xác lập, đều hiển nhiên đến mức bất kỳ người nào có lý trí đều khó lòng không đồng tình. Nhưng dần dần theo chừng tôi tiến lên, thì học trò của tôi, được dẫn dắt khác với học trò các vị, không còn là đứa trẻ bình thường nữa; phải có một chế độ đặc biệt riêng cho nó. Lúc ấy nó xuất hiện thường xuyên hơn trên sân khấu, và vào thời gian cuối tôi không còn rời mắt khỏi nó một lúc nào, cho đến khi, dù nó có nói gì chăng nữa, thì nó cũng chẳng còn mảy may cần đến tôi.
Ở đây tôi không hề nói đến các phẩm chất của một thầy chỉ đạo tốt; tôi giả định các phẩm chất ấy, và giả định rằng bản thân tôi được phú mọi phẩm chất như vậy. Đọc tác phẩm này, các vị sẽ thấy tôi rộng rãi với mình như thế nào.
Tôi chỉ nhận xét một điều, trái với dư luận chung, rằng thầy chỉ đạo của một đứa bé cần phải trẻ tuổi, thậm chí trẻ hết mức một hiền nhân có thể trẻ được. Tôi những muốn bản thân ông cũng là trẻ thơ, nếu có thể, những muốn ông thành được bầu bạn của học trò mình, và lôi cuốn được lòng tin cậy của nó bằng cách vui đùa cùng nó. Giữa trẻ thơ và người đứng tuổi không có đủ những điều chung để hình thành một niềm quyến luyến vững chắc với khoảng cách như vậy. Trẻ con đôi khi chiều nịnh các cụ già, nhưng chúng không bao giờ yêu các cụ.
Mọi người những muốn rằng ông thầy chỉ đạo đã từng thực hiện một sự giáo dục. Thế là quá; cùng một người chỉ có thể thực hiện một sự giáo dục mà thôi: Nếu phải có hai sự giáo dục mới thành công được, thì ta có quyền gì mà tiến hành sự giáo dục thứ nhất?.
Có nhiều kinh nghiệm hơn ta sẽ biết làm tốt hơn, nhưng ta sẽ không thể làm được nữa. Ai đã một lần thực hiện chức nghiệp này đủ trọn vẹn để cảm nhận được tất cả những cực nhọc của nó, thì không hề định lại làm tiếp; còn nếu lần đầu người ấy thực hiện dở, thì đó là một tiền lệ xấu cho lần thứ hai.
Theo dõi một thanh niên bốn năm ròng, hoặc dẫn dắt chàng trai hai mươi lăm năm ròng, là chuyện rất khác nhau, tôi thừa nhận như vậy. Các vị cho cậu con trai đã hình thành tính cách của các vị một thầy chỉ đạo; tôi thì tôi muốn cậu ta có một thầy chỉ đạo trước khi ra đời. Con người của các vị có thể thay đổi học trò năm năm một lần; con người của tôi sẽ chỉ có một học trò mà thôi. Các vị phân biệt gia sư và thầy chỉ đạo: Lại một sự điên rồ nữa! Các vị có phân biệt đồ đệ với học trò hay không? Chỉ có một khoa học cần dạy dỗ cho trẻ em: Đó là khoa học về các bổn phận của con người. Khoa học ấy là đơn nhất, và, cho dù Xénophon có nói gì đi nữa về sự giáo dục của những người Ba Tư, khoa học ấy không chia sẻ. Vả chăng, tôi gọi ông thầy của khoa học này là thầy chỉ đạo thì đúng hơn là gia sư, bởi với ông vấn đề là dẫn dắt nhiều hơn dạy dỗ. Ông không được đưa ra các quy tắc, ông phải làm cho các quy tắc được tìm ra.
Nếu phải chọn ông thầy chỉ đạo hết sức công phu, thì ông này cũng hoàn toàn được phép chọn học trò của mình, đặc biệt khi đây là một mẫu mực để đề xuất. Sự chọn lựa này không thể nhằm vào tài năng hay tính cách của đứa trẻ, mà ta chỉ biết khi công việc kết thúc, mà tôi nhận phụ trách trước khi nó ra đời. Nếu tôi được chọn, thì tôi chỉ chọn một đầu óc bình thường, tôi giả định học trò mình như vậy. Ta chỉ cần giáo dưỡng những người bình phàm mà thôi; chỉ có việc giáo dục họ là phải làm gương cho việc giáo dục những con người tương tự. Những người khác tự giáo dưỡng bất kể sự phản đối.
Xứ sở không phải là không quan hệ đến sự mở mang giáo hóa con người; họ chỉ là tất cả những gì họ có thể ở những miền khí hậu ôn hòa. Tại những miền khí hậu cực đoan, sự bất lợi là rõ rệt. Một con người không như cái cây trồng tại một xứ sở để ở lại đó mãi mãi; và người nào xuất phát từ một trong các cực để đến cực bên kia, bắt buộc phải đi gấp đôi đoạn đường của người xuất phát từ hạn giới trung bình để đến cùng hạn giới.
Cư dân một xứ sở ôn hòa có liên tiếp đi khắp hai cực, thì lợi thế của anh ta vẫn là hiển nhiên; vì, dù anh có bị biến đổi ngang với người đi từ cực này sang cực kia, anh vẫn xa thể chất tự nhiên của mình ít hơn một nửa. Một người Pháp sống được ở Guinée[27] và ở Laponie[28], nhưng một người da đen sẽ không sống được như vậy ở Tornea[29], và một người Samoinède[30] cũng không sống được như vậy ở Benin[31]. Lại hình như tổ chức của não tại hai miền cực kém hoàn hảo. Người da đen cũng như người Laponie không có cảm quan của người Châu Âu. Vậy nếu tôi muốn học trò của tôi có thể là cư dân trên Trái đất, tôi sẽ chọn cậu ta ở một miền ôn đới; thí dụ như ở Pháp, hơn là các nơi khác.
Tại phương Bắc mọi người tiêu thụ nhiều trên một miền đất xấu; tại phương Nam họ tiêu thụ ít trên một miền đất phì nhiêu; từ đó nảy sinh một khác biệt mới khiến những người này siêng năng còn những người kia ưa thưởng ngoạn. Xã hội bày ra trước chúng ta tại cùng một nơi hình ảnh của những khác biệt đó giữa người nghèo và người giàu; người nghèo ở miền đất xấu còn người giàu ở nơi phì nhiêu.
Người nghèo không cần đến giáo dục; sự giáo dục do cảnh huống của họ là bắt buộc, họ chẳng thể có sự giáo dục nào khác; ngược lại, sự giáo dục mà người giàu nhận được từ cảnh huống của họ là sự giáo dục ít thích hợp nhất cả cho họ cả cho xã hội. Vả lại sự giáo dục tự nhiên ắt phải làm cho một con người thích hợp được với mọi thân phận: mà dạy dỗ một người nghèo để thành giàu không hợp lý bằng dạy dỗ một người giàu để thành nghèo; bởi theo tỷ lệ hai cảnh huống thì số người phá sản nhiều hơn số người phất lên. Vậy chúng ta hãy chọn một kẻ giàu; chí ít cũng chắc chắn là đã đào tạo được thêm một con người, trong khi một kẻ nghèo có thể tự mình thành người được.
Cũng vì lý do đó, tôi sẽ không phật ý nếu Émile là con nhà dòng dõi. Thì vẫn sẽ là một nạn nhân được giải thoát khỏi thành kiến.
Émile mồ côi. Không cần cậu có cha có mẹ. Khi gánh vác nghĩa vụ của họ, tôi kế thừa mọi quyền của họ. Cậu phải tôn kính cha mẹ, nhưng chỉ phải nghe theo một mình tôi. Đó là điều kiện thứ nhất hay đúng hơn là duy nhất của tôi.
Tôi phải thêm vào đó điều này, nó chỉ là phần sau của điều kiện trên, là người ta sẽ chỉ tách chúng tôi khỏi nhau khi được chúng tôi đồng ý. Điều khoản này là thiết yếu, thậm chí tôi còn muốn học trò và thầy chỉ đạo đối với nhau keo sơn khăng khít đến mức số phận cuộc đời họ luôn là mục tiêu chung của họ. Họ chỉ vừa hình dung sự chia lìa trong tương lai, họ chỉ vừa dự liệu khoảng khắc khiến họ thành xa lạ với nhau, là họ đã chia lìa xa lạ rồi; mỗi người tạo lập riêng hệ thống nhỏ của mình; và cả hai, bận lòng về thời kỳ sẽ không còn ở cùng nhau nữa, chỉ ở lại cùng nhau một cách miễn cưỡng mà thôi. Đồ đệ chỉ nhìn thầy như chiêu bài và tai ương của tuổi thơ; thầy chỉ nhìn đồ đệ như một gánh nặng mà ông nóng lòng sốt ruột muốn được trút bỏ; họ cùng mong mỏi thời điểm người nọ thoát được người kia; và bởi giữa hai người chưa bao giờ có sự quyến luyến thực sự, nên người này ắt kém cẩn thận chu đáo, người kia ắt kém ngoan ngoãn dễ bảo.
Nhưng khi họ coi nhau như ắt phải cùng chung sống, thì người nọ cần làm cho người kia yêu mến mình, và chính bởi thế mà họ thành thân thiết với nhau. Học trò thì không hề xấu hổ vì trong thời thơ ấu mình đi theo con người ắt phải là bạn mình khi mình trưởng thành; thầy chỉ đạo thì quan tâm đến những chăm sóc mà mình ắt phải gặt hái kết quả, và toàn bộ giá trị mà ông đem lại cho học trò là một cái vốn ông đầu tư cho lợi ích của tuổi già mình.
Bản hiệp ước trước này giả định một việc sinh nở thuận lợi, một đứa trẻ được cấu tạo tốt, khỏe khoắn và lành mạnh. Một người cha không thể lựa chọn và không được ưu ái riêng ai trong gia đình do Chúa ban cho: mọi đứa con của ông đều là con ông hết; ông phải chăm sóc và yêu thương tất cả như nhau. Dù chúng què quặt hay lành lặn, dù chúng lừ đừ uể oải hay cường tráng thì mỗi đứa con đều là một vật ký thác mà ông nợ bàn tay trao cho ông, và hôn nhân là một khế ước xác lập với tự nhiên cũng như xác lập giữa hai vợ chồng.
Nhưng người nào tự buộc cho mình một nghĩa vụ không hề do tự nhiên áp đặt thì trước đó phải biết chắc mình có phương tiện để làm tròn nghĩa vụ ấy; nếu không thể, là anh ta tự khiến mình phải chịu trách nhiệm về điều sẽ không thể làm được. Người nào nhận chăm lo một đứa trẻ tàn tật và ốm yếu là đổi chức nghiệp thầy chỉ đạo thành chức nghiệp hộ lý; anh ta mất vào việc săn sóc một cuộc sống vô dụng thời gian mà anh định dành để tăng giá trị cuộc sống ấy; anh ta tự để lâm vào cảnh một ngày kia thấy một bà mẹ rầu rĩ khóc than trách móc anh về cái chết của đứa con trai mà anh bảo tồn được cho bà ta rất lâu rồi.
Tôi sẽ không đảm đương một đứa trẻ yếu đuối và hay đau ốm, dù nó có sống đến tám mươi tuổi. Tôi không muốn một học trò luôn luôn vô dụng với bản thân và với người khác, chỉ chăm lo duy nhất việc tự bảo tồn, một học trò mà thân thể làm hại cho sự giáo dục tâm hồn. Tôi sẽ làm gì trong khi săn sóc nó một cách vô bổ, nếu không phải là gây tổn thất cho xã hội gấp đôi, làm xã hội mất hai người thay vì một người? Chẳng có tôi, xin để một ai khác chăm lo kẻ tàn tật ấy, tôi đồng ý, và tôi tán thành lòng nhân ái của người này; nhưng tài năng của tôi không phải tài năng đó: Tôi không hề biết dạy cách sống cho kẻ chỉ nghĩ đến chuyện ngăn mình đừng chết.
Thân thể phải có sức mạnh để tuân theo tâm hồn: một người phục vụ tốt phải cường tráng. Tôi biết sự vô độ kích thích các đam mê; về lâu dài nó cũng làm thân thể tiều tụy suy nhược; những sự hành xác, nhiều khi sinh ra cùng một hiệu quả do nguyên nhân trái ngược. Thân thể càng yếu ớt, nó càng sai khiến; càng mạnh mẽ, nó càng tuân phục. Mọi đam mê nhục dục đều cư ngụ trong những thân thể ẻo lả; chúng càng bị kích động nhiều hơn bởi ít có thể thỏa mãn được các đam mê này.
Một thân thể yếu đuối làm bạc nhược tâm hồn. Từ đó mà có quyền lực của ngành y, kỹ thuật độc hại cho con người hơn mọi bệnh tật mà nó bảo là nó chữa được. Về phần tôi, thì tôi chẳng biết các thầy thuốc chữa khỏi cho chúng ta bệnh gì, nhưng tôi biết rằng họ đem lại cho chúng ta những bệnh thật ác hại: Bệnh hèn nhát, bệnh nhu nhược, bệnh cả tin, bệnh kinh hãi cái chết; nếu họ chữa khỏi thân thể, thì họ lại giết chết lòng can đảm. Ta cần gì họ làm cho các thây ma đi lại được? Ta cần những con người, và ta chẳng thấy những con người từ tay họ mà ra.
Y học hợp thời thượng trong chúng ta; nó ắt phải như vậy. Đó là trò vui của những người vô công rồi nghề nhàn rỗi, vì chẳng biết làm gì với thời gian, bèn dùng nó để tự bảo tồn. Nếu chẳng may họ sinh ra bất tử, thì họ sẽ là những sinh linh khốn khổ nhất: một sự sống mà họ không bao giờ sợ mất sẽ chẳng có giá trị gì với họ hết. Những người ấy cần có các thầy thuốc dọa nạt họ để chiều nịnh họ, mỗi ngày lại cho họ thú vui duy nhất mà họ cảm nhận được, thú vui không chết.
Ở đây tôi không hề có ý định nói rộng về sự tự cao tự đại của y học. Mục tiêu của tôi chỉ là xem xét nó về phương diện tinh thần. Tuy nhiên tôi không thể không nhận xét rằng mọi người ngụy biện về việc sử dụng y học hệt như việc kiếm tìm chân lý. Bao giờ họ cũng giả định rằng khi điều trị một bệnh nhân là người ta chữa khỏi cho người ấy, còn khi tìm kiếm một chân lý là người ta tìm thấy nó. Họ không thấy là cần phải cân nhắc cái lợi của một sự khỏi bệnh do thầy thuốc thực hiện với cái chết của một trăm bệnh nhân do ông ta làm tử vong, và cân nhắc sự hữu ích của một chân lý được phát hiện với mối hại do những lầm lạc diễn ra đồng thời. Khoa học dạy cho biết và y học chữa cho khỏi, chắc hẳn là rất tốt; nhưng khoa học lừa dối và y học làm chết người thì xấu. Vậy các vị hãy dạy cho chúng tôi phân biệt những điều trên. Đó là mấu chốt của vấn đề. Nếu ta không biết chân lý, ta sẽ chẳng bao giờ là kẻ bị lừa dối; nếu ta biết không muốn khỏi bất kể tự nhiên, ta sẽ chẳng bao giờ chết vì bàn tay của thầy thuốc: Hai điều kiêng này sẽ là khôn ngoan; tuân theo chúng hiển nhiên ta được lợi. Vậy tôi chẳng tranh cãi về chuyện y học cũng có ích cho một số người, nhưng tôi bảo là nó có hại cho loài người.
Người ta sẽ bảo tôi, như người ta vẫn không ngừng bảo, rằng lỗi là do thầy thuốc, còn bản thân y học không bao giờ lầm lỗi. Tốt thôi; nhưng thế thì y học hãy đến mà đừng có thầy thuốc; bởi nếu y học và thầy thuốc còn đến cùng với nhau, thì ta phải e sợ những sai lầm của kỹ thuật viên gấp trăm lần trông mong sự cứu giúp của kỹ thuật.
Kỹ thuật dối lừa ấy, hợp với bệnh tật của tinh thần hơn bệnh tật của thân thể, chẳng ích lợi với số người này hơn số người kia: Nó chữa cho chúng ta khỏi bệnh ít hơn là truyền cho chúng ta niềm kinh sợ bệnh; nó đẩy lùi cái chết ít hơn là khiến ta cảm nhận trước về cái chết; nó làm cuộc sống mòn mỏi thay vì kéo dài cuộc sống; và, nếu nó có kéo dài cuộc sống chăng nữa, thì vẫn là gây thiệt hại cho nòi giống, vì nó tách chúng ta khỏi xã hội bởi những chăm sóc nó buộc ta phải theo, và tách ta khỏi các bổn phận bởi những hoảng sợ nó gây cho ta. Chính việc biết các nguy hiểm khiến ta sợ nguy hiểm: Người nào tin rằng mình bất khả xâm phạm sẽ chẳng sợ gì hết. Cứ trang bị mãi cho Achille chống lại hiểm nghèo, nhà thơ tước đi của Achille giá trị; bất kỳ ai khác ở vào vị trí của chàng cũng là một Achille với cùng cái giá đó.
Các vị mà muốn tìm thấy những con người thực sự can đảm, xin hãy tìm kiếm họ ở nơi nào không hề có thầy thuốc, nơi người ta không biết đến hậu quả của bệnh tật, nơi người ta chẳng mấy nghĩ đến cái chết. Theo tự nhiên, con người biết đau khổ một cách kiên nhẫn và chết một cách an bình. Chính các thầy thuốc với những đơn thuốc của họ, các triết gia với những châm ngôn của họ, các linh mục với những lời khuyến cáo của họ, khiến lòng người hèn hạ đi và làm con người quên những gì đã học để biết chết.
Hãy cho tôi một học trò không cần đến tất cả những loại người trên, hoặc là tôi xin kiếu. Tôi chẳng muốn những người khác làm hỏng công trình của mình; tôi muốn một mình tôi giáo dưỡng học trò, hoặc là không dính dáng vào. Locke hiền minh, đã dành một phần cuộc đời để học ngành y, thường dặn dò kỹ đừng bao giờ cho trẻ dùng thuốc, dù vì phòng ngừa hay vì những chứng khó ở nhẹ. Tôi còn đi xa hơn, và tuyên bố rằng, do chẳng bao giờ gọi thầy thuốc cho mình, tôi sẽ không bao giờ gọi thầy thuốc cho Émile của tôi, trừ phi sự sống của nó bị nguy hiểm hiển nhiên; bởi lúc đó thầy thuốc chẳng thể làm cho nó điều gì tệ hại hơn việc giết nó.
Tôi biết rõ là thầy thuốc thế nào cũng khai thác cái lợi từ sự trì hoãn này. Nếu đứa trẻ chết, là tại người ta gọi thầy thuốc quá muộn; nếu nó thoát được, là thầy thuốc đã cứu nó. Được: Thầy thuốc cứ thắng đi; nhưng cần nhất là chỉ gọi ông ta khi nguy khốn.
Vì không biết tự chữa khỏi, đứa trẻ hãy biết ốm: Nghệ thuật này bù cho nghệ thuật kia, và thường thành công hơn rất nhiều; đó là nghệ thuật của tự nhiên. Khi con vật ốm, nó đau lặng lẽ và nằm yên: mà ta không thấy nhiều con vật lừ đừ uể oải hơn là những con người. Sự nôn nóng, nỗi sợ hãi, niềm lo lắng, và nhất là các phương thuốc, đã giết chết bao người mà bệnh tật lẽ ra không làm chết và chỉ riêng thời gian lẽ ra chữa được lành! Người ta sẽ bảo tôi rằng các con vật, sống theo cách hợp với tự nhiên hơn, ắt ít bị bệnh hơn chúng ta. Này! Cách sống ấy chính là cách tôi muốn đem lại cho học trò mình; vậy học trò của tôi ắt phải rút được từ cách sống ấy mối lợi giống như vậy.
Bộ phận hữu ích duy nhất của y học là phép vệ sinh; mà vệ sinh lại là một đức tính hơn một khoa học. Sự tiết độ và lao động là hai thầy thuốc thực thụ của con người: Lao động kích thích ngon miệng, còn tiết độ ngăn con người lạm dụng sự ngon miệng.
Để biết chế độ sinh hoạt nào hữu ích nhất cho sự sống và sức khỏe, chỉ cần biết chế độ nào được theo bởi các dân tộc khỏe mạnh nhất, cường tráng nhất, và sống lâu nhất. Nếu qua các quan sát chung mà không thấy việc sử dụng y học khiến con người có sức khỏe vững hơn hoặc sống lâu hơn, thì chính do điều đó mà nghệ thuật này không ích lợi, nó có hại, bởi nó dùng thời gian, con người và sự vật một cách hoàn toàn uổng phí. Chẳng những thời gian bỏ vào việc bảo tồn sự sống bị mất đi không sử dụng được, cần suy ra như vậy; mà, khi thời gian ấy bị dùng để dằn vặt ta thì nó còn tệ hơn là vô hiệu, nó tiêu cực; và, để tính toán một cách công bằng, thì phải trừ đi chừng ấy thời gian trong số thời gian còn lại cho chúng ta. Một người sống mười năm không cần thầy thuốc là sống cho bản thân và cho người khác nhiều hơn cái người ba mươi năm sống làm nạn nhân cho thầy thuốc. Đã trải qua cả hai thử thách trên, tôi nghĩ rằng hơn ai hết tôi có quyền rút từ đó ra kết luận.
Đó là những lý do khiến tôi chỉ muốn một học trò cường tráng và lành mạnh, và đó là những nguyên tắc của tôi để giữ cho học trò được như vậy. Tôi sẽ không ngừng chứng minh lợi ích của lao động chân tay và luyện tập thân thể để làm cho tính tình và sức khỏe thêm mạnh mẽ; không ai tranh cãi điều này: Hầu như tất cả các tấm gương về những cuộc sống thọ nhất đều được rút từ những người đã luyện tập nhiều nhất, đã chịu đựng nhọc nhằn và lao động nhiều nhất[32]. Tôi cũng sẽ không đi vào các chi tiết dài dòng về những chăm lo cho riêng mục tiêu này; mọi người sẽ thấy các điều ấy đi vào sự thực hành của tôi một cách tất yếu thành thử chỉ cần nắm được tinh thần là không phải giải thích thêm gì nữa.
Các nhu cầu bắt đầu cùng với sự sống. Cần một vú nuôi cho trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ đồng ý thực hiện bổn phận của mình, thì thật tốt: Người ta sẽ viết ra cho bà các chỉ dẫn; bởi cái lợi ích này cũng có đối lực của nó và khiến thầy chỉ đạo ở hơi xa học trò mình. Nhưng nên tin rằng lợi ích của đứa trẻ và lòng quý trọng đối với người mà bà muốn giao phó vật ký thác hết sức thân thương sẽ khiến người mẹ chú ý đến lời khuyên của ông thầy; và tất cả những gì bà muốn làm, chắc chắn bà sẽ làm tốt hơn một người khác. Nếu cần một vú nuôi là người lạ, thì ta hãy bắt đầu bằng việc chọn lựa cho tốt.
Một trong những nỗi khốn khổ của người giàu là việc gì cũng bị lừa. Nếu họ xét đoán kém về con người, có gì là lạ? Chính sự giàu có làm hư họ; và do một sự phản hồi đúng lẽ, họ là những người đầu tiên cảm nhận thấy sự khiếm khuyết của công cụ duy nhất mà họ biết. Ở nhà họ mọi sự đều dở, trừ những gì bản thân họ làm; và hầu như họ chẳng làm gì hết. Nếu phải tìm một vú nuôi, thì họ để người đỡ đẻ tìm. Điều này sẽ đưa đến cái gì? Đến việc người vú tốt nhất bao giờ cũng là người đã trả cho người đỡ đẻ nhiều tiền nhất. Vậy tôi sẽ không hỏi ý kiến người đỡ đẻ về vú nuôi Émile; tôi sẽ tự mình chọn lựa. Có thể tôi sẽ không lý luận hay ho về chuyện này bằng một thầy thuốc ngoại khoa, nhưng chắc chắn tôi nhiều thiện chí hơn, và nhiệt tình hăng hái của tôi sẽ khiến tôi ít bị lừa hơn lòng tham lợi của ông thầy thuốc.
Việc chọn lựa này không phải một bí mật hết sức to tát; các quy tắc đều được biết rõ; nhưng tôi không hiểu liệu có nên chú ý hơn một chút đến tuổi của sữa cũng như đến chất lượng sữa hay không. Sữa non hoàn toàn là tương dịch, nó phải gần như mang tính khai vị để tẩy cứt xu còn lại trong ruột đứa trẻ vừa ra đời. Dần dần sữa đặc lên và cung cấp chất dinh dưỡng chắc hơn cho đứa trẻ đã khỏe hơn để tiêu hóa chất đó. Không phải vô cớ mà ở giống cái của tất cả các loài, thiên nhiên tăng độ đặc của sữa tùy theo độ tuổi của con vật sơ sinh.
Vậy cần cho một đứa trẻ mới sinh một vú nuôi mới ở cữ. Điều này có trở ngại của nó, tôi biết; nhưng cứ vừa ra khỏi trật tự thiên nhiên, thì cái gì muốn làm tốt cũng có những trở ngại của nó. Chước thuận tiện duy nhất là làm dở; đó cũng là cái chước mà ta chọn.
Cần một vú nuôi lành mạnh về cả tâm hồn lẫn thân thể: Những điều không thuận trong các đam mê có thể làm sữa biến chất, cũng như những điều không thuận trong các chất dịch của cơ thể; hơn nữa, chỉ dựa vào thể chất, là chỉ nhìn thấy một nửa của đối tượng. Sữa có thể tốt còn người vú nuôi lại dở; một khí chất tốt cũng thiết yếu như một tính tình tốt. Nếu ta chọn một phụ nữ có nhiều tật xấu, tôi không bảo là đứa trẻ do người ấy nuôi sẽ nhiễm những tật xấu đó, nhưng tôi bảo là đứa trẻ sẽ bị khổ vì chúng. Cùng với dòng sữa, người vú chẳng phải đem lại cho trẻ những chăm sóc đòi hỏi nhiệt tình, lòng nhẫn nại, niềm dịu dàng, sự sạch sẽ hay sao? Nếu vú nuôi tham ăn, không tiết độ, vú sẽ sớm làm hỏng sữa; nếu vú cẩu thả hoặc hay cáu, thì một đứa trẻ khốn khổ chẳng thể tự bảo vệ chẳng thể than phiền, sẽ ra sao đây ở dưới quyền định đoạt của vú? Những người độc ác chẳng bao giờ tốt cho bất cứ việc gì điều gì hết.
Việc chọn vú nuôi càng quan trọng bởi trẻ sơ sinh chẳng thể có người trông nom dạy dỗ nào khác ngoài người vú, cũng như nó chẳng thể có gia sư nào khác ngoài thầy chỉ đạo. Tục lệ này là tục lệ của cổ nhân, ít nói lý hơn song khôn ngoan hơn chúng ta. Sau khi nuôi nấng các bé gái, các vú nuôi không rời các em nữa. Vì thế mà trong các vở kịch của người xưa, phần lớn những người bạn tâm phúc là các vú nuôi. Một đứa trẻ liên tiếp chuyển qua tay nhiều người không thể được giáo dục tốt. Mỗi lần thay đổi là nó lại ngầm so sánh, những so sánh bao giờ cũng có khuynh hướng giảm niềm quý trọng của nó đối với những người dạy dỗ nó, và vì thế mà giảm uy quyền của những người này với nó. Nếu chỉ một lần nó nghĩ rằng có những người lớn chẳng có lý hơn trẻ con, thì toàn bộ uy tín của tuổi tác mất hết và sự giáo dục bị lỡ dở. Một đứa trẻ không được biết người trên nào khác ngoài cha và mẹ nó, hoặc, thay cho bố mẹ, là vú nuôi và thầy chỉ đạo; mà một trong hai người cũng đã thừa rồi; nhưng sự phân chia này là cần thiết; và tất cả những gì ta có thể làm để sửa chữa điều đó là người đàn bà và người đàn ông dạy dỗ điều khiển đứa trẻ phải hết sức đồng tình về nó, cả hai chỉ là một đối với nó.
Cần để người vú sinh hoạt dễ dàng thuận tiện hơn một chút, để họ ăn các thức bổ dưỡng hơn một chút, nhưng đừng thay đổi hẳn lối sống; vì một sự thay đổi gấp gáp và hoàn toàn, dù từ xấu đến tốt hơn, bao giờ cũng nguy hiểm cho sức khỏe; và bởi chế độ bình thường của người vú đã để cho bà ta hoặc khiến cho bà ta khỏe khoắn và mạnh mẽ, thì bắt bà ta thay đổi làm gì?
Phụ nữ nông dân ăn ít thịt và nhiều rau hơn phụ nữ thành thị; và chế độ ăn nhiều thực vật này hình như có lợi hơn là có hại cho họ và con cái họ. Khi họ nuôi trẻ sơ sinh thị dân, người ta cho họ ăn thịt bò hầm, tin rằng xúp và canh thịt khiến họ có dưỡng chất tốt hơn và nhiều sữa hơn. Tôi không hề tán thành ý kiến này; và tôi có kinh nghiệm cho thấy những đứa trẻ được nuôi dưỡng như thế thường hay bị đau bụng và có giun hơn là các trẻ khác.
Điều này không đáng ngạc nhiên mấy, bởi chất động vật khi thối rữa thường lúc nhúc dòi bọ; chất thực vật thì không như vậy. Sữa, dù được tạo thành trong cơ thể động vật, lại là một chất thực vật[33]; việc phân tích sữa chứng tỏ như thế, sữa dễ chuyển thành chua; và không hề đem lại dấu vết gì của chất kiềm dễ bay hơi, như các chất động vật, sữa, giống như cây cỏ, cho một chất muối trung tính chủ yếu.
Sữa của động vật giống cái ăn cỏ dịu hơn và lành hơn của động vật ăn thịt. Được tạo thành bởi một chất đồng chủng với chất của nó, sữa này bảo tồn được bản chất tốt hơn, và ít bị thối rữa hơn. Nếu nhìn số lượng, ai cũng biết là các chất bột tạo nhiều máu hơn chất thịt; vậy chúng ắt cũng tạo nhiều sữa hơn. Tôi không tin rằng một đứa trẻ mà người ta không cho cai sữa quá sớm, hoặc chỉ cho cai sữa với các thức ăn thực vật, và người vú cũng chỉ ăn đồ ăn thực vật, lại có giun được.
Có thể các thức ăn thực vật cho một chất sữa chóng bị chua hơn; nhưng tôi chẳng hề coi sữa hóa chua là thức ăn không lành: Có những dân tộc chẳng có thức ăn nào khác mà rất khỏe mạnh, và tôi thấy toàn bộ các thiết bị hấp thu nước chỉ là trò lừa bịp. Có những khí chất không hề hợp với sữa, và chẳng chất hấp thu nước nào làm cho những khí chất ấy chịu được sữa; các khí chất khác chịu được sữa chẳng cần chất hấp thu. Người ta sợ sữa tách chiết hay sữa đông: Đó là sự điên rồ, bởi ta biết rằng bao giờ sữa cũng đông lại trong dạ dày. Như vậy nó trở thành một thức ăn đủ chắc để nuôi trẻ em và các con vật non: Nếu không đông lại, thì sữa chỉ đi qua mà không nuôi dưỡng chúng[34]. Người ta đã dùng hàng ngàn cách để pha sữa, đã sử dụng hàng ngàn chất hấp thu, song ai ăn sữa đều tiêu hóa được phó mát; điều này không có ngoại lệ. Dạ dày rất hợp để khiến sữa đông lại, thành thử dạ dày loài bê được dùng để làm đặc sữa.
Vậy tôi nghĩ rằng thay vì đổi thực phẩm thông thường của các vú nuôi, chỉ cần cho họ thực phẩm dồi dào hơn và chọn lọc tốt hơn là đủ. Không phải do bản chất các thức ăn mà đồ chay làm tăng nhiệt, chỉ có cách chế biến làm cho thức ăn thành không lành mà thôi. Hãy cải tổ các quy tắc nấu nướng, đừng có món cháy cạnh cũng như món rán; sao cho bơ, muối, thức ăn bằng sữa, không qua lửa; sao cho rau luộc chỉ pha chế thêm gia vị khi được dọn nóng hôi hổi lên bàn ăn: Thức chay chẳng khiến vú nuôi tăng nhiệt mà lại làm cho sữa dồi dào và có chất lượng tốt[35]. Có thể nào chế độ thức ăn thực vật được thừa nhận là tốt nhất cho trẻ, mà chế độ thức ăn động vật lại tốt nhất cho người vú được chăng? Như thế là mâu thuẫn.
Không khí tác động đến thể chất của trẻ em, đặc biệt trong những năm đầu đời. Không khí thâm nhập qua mọi lỗ chân lông vào một làn da mịn và mềm, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thân thể mới nảy nở này, nó để lại trong chúng những cảm giác không hề phai mờ. Vậy tôi sẽ không đồng ý khi người ta kéo một phụ nữ nông dân khỏi làng quê để nhốt người ấy trong một căn phòng ở thành phố và nuôi đứa trẻ tại nhà; tôi thích để đứa trẻ đi hít thở không khí trong lành nơi thôn dã hơn là để người vú hít thở không khí độc hại của thị thành. Đứa trẻ sẽ tiếp nhận cảnh huống của người mẹ mới, nó sẽ ở ngôi nhà mộc mạc quê mùa của bà, và thầy chỉ đạo sẽ theo nó đến đấy. Độc giả hãy nhớ kỹ rằng ông thầy này không phải là một người làm thuê; đó là bạn của người cha. Nhưng khi không tìm ra người bạn này, khi sự di chuyển không dễ dàng, khi chẳng điều gì ông khuyên có thể thực hiện được, thì làm gì để thay vào đó, người ta sẽ bảo tôi thế?…Tôi đã nói với các vị rồi, làm điều các vị làm; việc ấy chẳng cần lời khuyên.
Con người không được tạo nên để chen chúc đông như kiến, mà để phân tán trên mặt đất mà họ phải canh tác. Càng tụ tập, họ càng hư hỏng. Những tàn tật của thân thể, cũng như những thói xấu của tâm hồn, là kết quả không sao tránh khỏi của sự tụ hội quá đông đảo. Trong tất cả các động vật, người là động vật ít có thể sống bầy đàn nhất. Người mà sống chen chúc như cừu sẽ chết hết trong thời gian rất ngắn. Hơi thở của người có thể làm chết đồng loại: Điều này đúng cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Các thành phố là vực thẳm của loài người. Sau vài thế hệ, nòi giống tiêu vong hoặc thoái hóa; phải đổi mới nòi giống, và nông thôn bao giờ cũng cống hiến cho sự đổi mới ấy. Vậy các vị hãy gửi con cái đi đổi mới, có thể nói là tự chúng đổi mới bản thân, và phục hồi giữa đồng ruộng sự cường tráng mà người ta mất đi trong không khí độc hại của những nơi chốn quá đông đúc. Các phụ nữ có thai đang ở nông thôn vội vã quay về sinh nở tại thành phố: Lẽ ra họ phải làm hoàn toàn ngược lại, nhất là những ai muốn nuôi con. Họ sẽ ít phải nuối tiếc hơn họ tưởng; và, ở một nơi hợp với nòi giống một cách tự nhiên hơn, thì những hoan lạc gắn với bổn phận của tự nhiên sẽ sớm làm họ mất đi thích thú với những hoan lạc không liên quan đến các bổn phận ấy.
Trước hết, sau khi sinh, người ta tắm đứa trẻ bằng nước ấm mà họ thường pha lẫn rượu vang. Tôi thấy ít cần cho thêm vang như vậy. Bởi thiên nhiên không sản sinh ra thứ gì lên men, thì chẳng nên tin rằng việc dùng một chất nước nhân tạo quan hệ đến sự sống của các tạo vật của thiên nhiên.
Cũng bởi lý do trên, cẩn thận làm ấm nước cũng không cần thiết; và quả thực vô số dân tộc tắm cho trẻ sơ sinh ở sông hay biển chẳng câu nệ gì. Nhưng trẻ sơ sinh của chúng ta, trước khi sinh đã suy nhược do sự bạc nhược của cha mẹ, lúc ra đời mang theo một khí chất đã hư hỏng, mà thoạt tiên không nên bắt mạo hiểm ngay với tất cả những thử thách có nhiệm vụ hồi phục nó. Chỉ bằng cách dần dần từng mức độ, ta mới có thể đưa trẻ trở lại sự cường tráng nguyên sơ. Vậy thoạt tiên hãy bắt đầu bằng cách làm theo tập quán, và chỉ xa rời tập quán một cách từ từ. Hãy thường xuyên tắm rửa cho trẻ; sự bẩn thỉu của chúng cho thấy cần làm như vậy. Nếu chỉ lau chùi, ta khiến chúng xây xước; nhưng theo chừng chúng mạnh mẽ lên, hãy giảm dần độ ấm của nước, cho tới khi cuối cùng các vị tắm được cho chúng mùa hè cũng như mùa đông bằng nước lạnh, thậm chí lạnh giá. Vì, để khỏi nguy hiểm cho trẻ, việc giảm này cần chậm rãi, liên tục và khó nhận biết, nên có thể dùng nhiệt kế để đo cho chính xác.
Tập quán tắm này một khi đã xác lập, không được đứt đoạn, và cần duy trì suốt đời. Tôi không chỉ coi trọng điều này về phương diện sạch sẽ và sức khỏe, mà còn như một dụng tâm bổ ích để làm cho kết cấu các đường gân thớ thịt mềm dẻo hơn, khiến chúng chịu được các độ nóng lạnh khác nhau không cần cố gắng và không gặp nguy hiểm. Về điểm này tôi những muốn khi lớn lên người ta dần dần quen với việc thỉnh thoảng tắm nước nóng ở mọi độ có khả năng chịu được, và thường thường tắm nước lạnh ở mọi độ có thể. Như vậy, sau khi đã tập quen chịu đựng mọi nhiệt độ của nước, vốn là một chất lỏng dày đặc hơn nên đụng chạm đến ta qua nhiều điểm hơn và ảnh hưởng đến ta nhiều hơn, ta trở nên hầu như vô cảm với các nhiệt độ khác nhau của không khí.
Vào khoảng khắc đứa trẻ hít thở khi ra khỏi những lớp bọc của nó, xin đừng để người ta cho nó các lớp bọc khác khiến nó bị chật chội hơn. Không dải mũ ghìm đầu, không băng đai, không tã nịt; tã rộng và bồng bềnh, để tứ chi nó thoải mái, và đừng khá nặng nề để vướng víu cử động của nó, cũng đừng khá nóng để ngăn nó cảm nhận ảnh hưởng của không khí[36]. Hãy đặt trẻ vào một chiếc nôi lớn[37] nhồi lót cẩn thận, ở đó trẻ có thể cử động thoải mái và không nguy hiểm. Khi trẻ bắt đầu có sức, cứ để cho nó bò trong phòng; để cho nó phát triển, duỗi những chân tay bé bỏng của nó; các vị sẽ thấy nó mạnh lên từng ngày. Hãy so sánh nó với một đứa trẻ cùng độ tuổi được quấn bó kỹ càng; các vị sẽ ngạc nhiên vì sự khác biệt trong những tiến bộ của chúng[38].
Ta phải dự liệu sự phản đối quyết liệt của những người vú nuôi, đứa trẻ quấn bó kỹ khiến họ đỡ vất vả hơn đứa trẻ phải coi sóc không ngừng. Vả chăng sự bẩn thỉu của trẻ dễ thấy hơn trong quần áo mở; phải rửa ráy cho nó luôn. Cuối cùng tục lệ là một lập luận mà người ta sẽ không bao giờ phản bác tại một số nước, theo ý muốn của dân chúng mọi quốc gia.
Các vị đừng nói lý lẽ với những người vú nuôi; hãy ra lệnh, hãy xem việc làm, và đừng nề hà điều gì để cho những sự chăm sóc mà các vị quy định được dễ dàng thoải mái trong thực hành. Tại sao các vị không cùng tham gia những chăm sóc ấy? Trong những sự dưỡng dục bình thường, ở đó người ta chỉ nhìn vào thể chất, miễn là đứa trẻ sống và không suy yếu đi, chuyện còn lại không đáng kể mấy; nhưng ở đây, khi sự giáo dục bắt đầu cùng với sự sống, thì đứa trẻ sinh ra đã là đồ đệ rồi, không phải đồ đệ của người dạy dỗ, mà của tự nhiên. Người dạy dỗ chỉ học tập, nghiên cứu dưới ông thầy thứ nhất này và làm sao cho những sự chăm sóc của ông thầy ấy không bị cản trở. Người ấy coi sóc đứa trẻ sơ sinh, quan sát nó, theo dõi nó, cẩn thận rình rập ánh le lói đầu tiên của trí năng yếu ớt nơi nó, giống như, sắp tới kỳ thượng huyền, các tín đồ Hồi giáo rình rập lúc trăng lên.
Chúng ta sinh ra với khả năng học tập, nhưng chẳng hiểu gì hết, chẳng biết gì hết. Tâm hồn, bị trói buộc trong những khí quan chưa hoàn chỉnh và hình thành nửa vời, không cảm nhận ngay cả sự tồn tại của chính nó. Các cử động, các tiếng kêu khóc của đứa trẻ vừa ra đời là những tác động máy móc đơn thuần, không có tri giác và ý muốn.
Ta hãy giả định một đứa trẻ khi sinh ra có vóc dáng và sức lực của một người trưởng thành, hãy giả định từ bụng mẹ ra nó được trang bị đầy đủ, như Pallas[39] từ não của Jupiter ra; cái người lớn – trẻ con đó sẽ là một gã ngu ngốc hoàn toàn, một người máy, một pho tượng bất động và hầu như vô cảm: Hắn sẽ chẳng nhìn thấy gì, hắn sẽ chẳng nghe thấy gì, hắn sẽ chẳng biết ai hết, hắn sẽ chẳng biết hướng mắt về cái mà hắn cần nhìn; chẳng những hắn không nhận thấy một đối tượng nào trở lại cơ quan cảm giác làm cho hắn nhận thấy đối tượng; các màu sắc sẽ không ở trong mắt hắn, các âm thanh sẽ không ở trong tai hắn, các thân thể mà hắn đụng chạm sẽ không ở trên thân thể hắn, thậm chí hắn không biết mình có một thân thể; sự tiếp xúc của bàn tay hắn sẽ ở trong não hắn; tất cả các cảm giác sẽ tụ tập ở một điểm duy nhất; hắn chỉ tồn tại trong trung khu cảm giác chung; hắn sẽ chỉ có một ý tưởng, đó là ý tưởng về cái tôi, mọi cảm giác được hắn quy về cái tôi đó; và ý tưởng ấy hay cảm nhận ấy thì đúng hơn, là điều duy nhất hắn có được hơn một đứa trẻ bình thường.
Cái người lớn, được hình thành bất thình lình như vậy, cũng không biết đứng thẳng dậy trên hai bàn chân; hắn sẽ phải mất nhiều thời gian để tập giữ được thăng bằng trên hai chân; có lẽ hắn cũng chẳng thử xem, và các vị sẽ thấy cái thân hình cao lớn, khỏe mạnh và cường tráng ấy ở yên tại chỗ như một tảng đá, hoặc bò và lết như một con chó nhỏ.
Hắn sẽ cảm thấy bất an vì những nhu cầu mà hắn chẳng biết, và chẳng hề tưởng tượng ra một cách nào để cung cấp cho những nhu cầu đó. Không hề có sự liên lạc trực tiếp nào giữa các cơ của dạ dày và các cơ của cánh tay bắp chân, sự liên lạc này làm cho hắn, dù quanh người là thức ăn, vẫn bước lện một bước để đến gần các thức ăn ấy hoặc duỗi bàn tay để cầm lấy chúng; và, vì thân thể hắn đã nảy nở, vì tứ chi đã phát triển, do vậy hắn không có những lo lắng cũng chẳng có các cử động liên tục của trẻ em, và hắn có thể chết vì đói trước khi động đậy để tìm đồ ăn. Chỉ suy nghĩ một chút thôi về thứ tự và bước tăng tiến của tri thức nơi chúng ta, là đã không thể chối cãi rằng sự thể trên đây gần như là trạng thái dốt nát nguyên sơ và ngây ngô tự nhiên của con người trước khi học tập được ở kinh nghiệm hoặc ở đồng loại.
Vậy là ta biết, hoặc có thể biết điểm đầu tiên mà mỗi chúng ta xuất phát để đi tới mức độ thông thường của trí năng; nhưng ai biết được cực bên kia? Mỗi người tiến lên nhiều hay ít tùy theo tinh anh, thị hiếu, nhu cầu, tài năng, nhiệt tình và các cơ hội mình có được để thi thố những điều trên. Tôi chưa biết một triết gia nào còn đủ táo bạo để bảo rằng: Đây là hạn giới con người có thể đạt đến và không sao vượt qua được. Chúng ta chẳng biết bản chất tự nhiên của mình cho phép mình được là những gì; chưa ai trong chúng ta từng đo khoảng cách có thể có giữa một con người và một con người khác. Có tâm địa hèn mọn nào mà chưa từng bị ý nghĩ này kích thích, mà thỉnh thoảng trong niềm kiêu ngạo lại không tự nhủ: Ta đã vượt được bao nhiêu kẻ! Ta còn có thể vươn tới bao nhiêu kẻ! Tại sao cái kẻ bằng ta lại đi được xa hơn ta?.
Tôi xin nhắc lại, sự giáo dục con người bắt đầu từ khi anh ta ra đời; trước khi nói, trước khi nghe thấy, con người đã học tập rồi. Kinh nghiệm đến trước các bài học; vào lúc biết người vú nuôi, con người đã thu nhận được nhiều rồi. Người ta sẽ kinh ngạc vì những hiểu biết của con người thô lậu nhất, nếu theo rõi bước tiến của anh ta từ thời điểm ra đời cho đến thời điểm anh ta đạt tới. Nếu phân chia toàn bộ khoa học của con người làm hai phần, một phần chung cho tất cả mọi người, phần kia riêng của các nhà thông thái, thì phần riêng này sẽ rất nhỏ bé so với phần kia. Nhưng chúng ta ít nghĩ đến những tri thức phổ quát, bởi những tri thức này hình thành mà người ta chẳng nghĩ đến và thậm chí hình thành trước tuổi hiểu biết; bởi kiến thức chỉ bộc lộ qua những khác biệt, mà giống như trong các phương trình đại số, các đại lượng chung chẳng đáng kể.
Ngay loài vật cũng thu nhận được rất nhiều. Chúng có các giác quan, chúng cần phải học sử dụng những giác quan ấy; chúng có các nhu cầu, chúng cần phải học cung cấp cho những nhu cầu ấy; chúng cần phải học ăn, học đi, học bay. Động vật bốn chân vừa sinh ra đã đứng như không vì thế mà biết đi; cứ nhìn những bước đầu tiên của chúng là thấy đó là những thử nghiệm không vững vàng chắc chắn. Những con chim yến thoát khỏi lồng không hề biết bay, bởi chúng chưa từng bay bao giờ. Tất cả đều là dạy dỗ đối với các sinh thể có cảm giác. Nếu cỏ cây có một sự vận động tăng tiến, thì chúng phải có cảm quan và thu nhận hiểu biết; không thế thì chẳng bao lâu các giống loài sẽ diệt vong.
Những cảm giác đầu tiên của trẻ đơn thuần thuộc cảm tính; chúng chỉ nhận thấy niềm thích thú và sự đau đớn. Không thể bước đi không thể nắm lấy, chúng cần rất nhiều thời gian để hình thành dần dần các cảm giác tiêu biểu chỉ cho chúng những đối tượng ở bên ngoài bản thân chúng; nhưng trong khi chờ đợi các đối tượng này triển khai, có thể nói là tách xa khỏi mắt chúng, và mang kích thước mang hình dáng đối với chúng, thì sự trở lại của các cảm nhận cảm tính bắt đầu đặt chúng dưới sự chi phối của thói quen; ta thấy mắt chúng không ngừng quay về phía ánh sáng, và, nếu ánh sáng chiếu xiên vào chúng, thì mắt cũng theo dần hướng xiên này; thành thử ta phải cẩn thận để trẻ đối mặt với ánh sáng, kẻo chúng thành lác mắt hoặc quen nhìn xiên. Cũng cần để trẻ sớm quen với bóng tối; nếu không chúng sẽ kêu khóc ngay khi thấy mình ở chỗ tối. Thức ăn và giấc ngủ, nếu ước lượng quá chính xác, thì cứ đúng những khoảng cách ấy lại thành cần thiết cho chúng; và chẳng bao lâu ham muốn không còn do nhu cầu mà do thói quen, hoặc nói đúng hơn thì thói quen thêm một nhu cầu mới vào nhu cầu của tự nhiên: Đó là điều cần phòng ngừa trước.
Thói quen duy nhất phải để trẻ có là không nhiễm bất kỳ thói quen nào; đừng bế trẻ bên cánh tay này nhiều hơn bên cánh tay kia; đừng làm trẻ có thói quen chìa bàn tay này hơn bàn tay kia, sử dụng bàn tay nọ thường xuyên hơn bàn tay kia, muốn ăn, ngủ, hoạt động vào những giờ giấc nhất định, không thể ở một mình cả ban đêm lẫn ban ngày. Hãy sớm chuẩn bị cho trẻ thói quen tự do và sử dụng sức lực của nó, bằng cách để thân thể nó có thói quen tự nhiên, bằng cách đặt nó trong trạng thái luôn được tự chủ, được làm mọi điều theo ý muốn của nó, một khi nó có một ý muốn nào.
Khi trẻ bắt đầu phân biệt được các vật thể, cần chọn lựa những vật thể mà ta chỉ ra cho trẻ xem. Dĩ nhiên tất cả những đồ vật mới lạ đều khiến con người chú ý. Con người cảm thấy mình hết sức yếu đuối thành thử nó sợ tất cả những gì nó không biết: Thói quen nhìn thấy những đồ vật mới lạ mà không bị ảnh hưởng sẽ phá đi nỗi sợ ấy. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà sạch sẽ, nơi người ta không chịu được nhện, thì sợ hãi những con nhện và nỗi sợ hãi này nhiều khi vẫn còn khi trẻ đã lớn. Tôi chưa hề thấy người dân quê sợ nhện, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con.
Vậy tại sao sự giáo dục một đứa trẻ không bắt đầu trước khi nó biết nói và biết nghe, bởi riêng việc chọn những đồ vật mà ta đưa ra cho nó đã khiến nó thành nhút nhát hay can đảm? Tôi muốn người ta tập cho trẻ quen nhìn thấy các đồ vật mới, các con vật xấu xí, ghê tởm, kỳ cục, nhưng là dần dần, từ xa, cho đến khi trẻ quen đi, và do cứ nhìn người khác sờ mó những đối tượng ấy, cuối cùng bản thân nó sờ mó chúng. Nếu, trong thời thơ ấu, trẻ đã nhìn mà không hoảng sợ những con cóc, con rắn, con tôm, thì khi lớn, nó sẽ nhìn không kinh hãi bất kỳ con vật nào. Sẽ không còn đối tượng khủng khiếp với ai ngày nào cũng trông thấy chúng.
Tất cả trẻ con đều sợ các mặt nạ. Tôi bắt đầu bằng việc chỉ cho Émile một mặt nạ có hình dạng dễ thương; sau đấy một người nào đó đứng trước Émile úp mặt nạ này lên mặt; tôi bật cười, mọi người đều cười, và đứa trẻ cũng cười như mọi người. Dần dần tôi khiến nó quen với những mặt nạ kém dễ thương hơn, và sau cùng là các mặt nạ xấu xí. Nếu tôi khéo sắp xếp sự tiệm tiến, thì nó sẽ chẳng hề sợ hãi chiếc mặt nạ cuối cùng mà sẽ cười như với chiếc mặt nạ đầu tiên. Sau đó tôi không còn lo người ta làm nó sợ hãi bằng những chiếc mặt nạ nữa.
Khi Andromaque và Hector từ biệt nhau, chú bé Astyanax, hoảng sợ vì chòm lông vũ phất phơ trên mũ của cha, không nhận ra cha, vừa kêu vừa lao vào lòng vú nuôi, khiến mẹ chú phải mỉm nụ cười hòa lẫn nước mắt, ta phải làm gì để bé khỏi kinh hãi đây? Làm đúng cái điều Hector làm, là đặt chiếc mũ xuống đất, rồi vuốt ve đứa trẻ. Giá như ở một thời điểm yên bình hơn, người ta sẽ không dừng ở đó; người ta sẽ đến gần chiếc mũ, sẽ chơi đùa với những chiếc lông vũ, sẽ cho đứa trẻ sờ mó chúng; cuối cùng vú nuôi sẽ cầm lấy mũ và vừa cười vừa đặt mũ lên đầu mình, nếu như bàn tay của một người đàn bà dám động đến vũ khí của Hector.
Nếu phải tập cho Émile quen tiếng súng, thì mới đầu tôi đốt một mồi thuốc trong khẩu súng tây. Ngọn lửa đột ngột và thoáng qua này, loại ánh chớp này khiến Émile thích thú; tôi lặp lại điều trên và tăng thêm thuốc; dần dần tôi nạp một liều nhỏ thuốc mà không có vật nhồi, rồi nạp nhiều hơn, cuối cùng tôi khiến Émile quen với tiếng súng, tiếng trái phá, tiếng đại bác, với những tiếng nổ kinh khủng nhất.
Tôi đã nhận xét thấy trẻ em hiếm khi sợ sấm sét, trừ phi tiếng sấm khủng khiếp và thực sự làm thương tổn cơ quan thính giác; nếu không thì chúng chỉ thấy sợ khi biết được rằng sấm sét đôi khi gây thương tích và làm chết người. Khi lý trí bắt đầu khiến chúng sợ, các vị hãy làm cho thói quen khiến chúng an tâm. Với một sự tiệm tiến thong thả và cẩn trọng, ta khiến người lớn và trẻ con dạn dĩ gan góc với mọi sự.
Ở bước đầu đời, khi trí nhớ và tưởng tượng còn chưa hoạt động, đứa trẻ chỉ chú ý đến những gì hiện đang ảnh hưởng đến giác quan nó; do các cảm giác là vật liệu đầu tiên của hiểu biết nơi đứa trẻ, nên việc đem lại cho trẻ các cảm giác theo một trật tự thích hợp, đó là chuẩn bị cho trí nhớ của trẻ một ngày nào đó sẽ cung cấp các vật liệu này cho trí năng theo trật tự giống thế; nhưng, bởi trẻ chỉ chú ý đến các cảm giác của mình, nên thoạt đầu chỉ cần cho trẻ thấy thật rõ mối liên lạc của chính những cảm giác ấy với các đối tượng gây ra chúng. Trẻ muốn đụng chạm đến tất cả, sờ mó tất cả: Các vị đừng chống lại sự băn khoăn ấy; nó gợi cho trẻ một sự học tập rất cần thiết. Chính nhờ vậy mà trẻ học cảm nhận cái nóng, cái lạnh, sự cứng, sự mềm, cái nặng, cái nhẹ của các vật thể, bằng cách nhìn, rờ rẫm[40], nghe, nhất là bằng cách đối chiếu việc nhìn và sờ, dùng mắt để đánh giá cảm giác do vật thể gây ra dưới các ngón tay mình.
Chỉ nhờ sự vận động mà ta biết được rằng có các vật không phải là ta; và chỉ nhờ sự vận động của chính ta mà ta lĩnh hội được ý niệm về khoảng rộng. Bởi trẻ không hề có ý niệm này nên nó giơ tay ra để nắm lấy vật chạm vào nó hoặc vật ở cách nó một trăm bước cùng một cách như nhau không phân biệt. Các vị thấy sự cố gắng của nó như một dấu hiệu quyền lực, một mệnh lệnh nó đưa ra bảo đồ vật hãy lại gần, hoặc bảo các vị đem đồ vật đến cho nó; song không phải, đó chỉ là vì cũng những đồ vật mà thoạt tiên nó nhìn thấy trong não, rồi trên mắt, thì giờ đây nó nhìn thấy ở đầu cánh tay nó, và nó chỉ tưởng tượng được khoảng rộng mà nó có thể với tới. Vậy các vị hãy chú ý cho trẻ đi dạo thường xuyên, chú ý đem trẻ từ chỗ này qua chỗ khác, cho trẻ cảm nhận sự thay đổi nơi chốn, để tập cho nó xét đoán các khoảng cách. Khi nào trẻ bắt đầu hiểu biết về những khoảng cách thì phải đổi phương pháp, và chỉ di chuyển trẻ tùy theo ý các vị chứ không tuân tùy theo ý trẻ; vì khi trẻ vừa không bị giác quan đánh lừa nữa, là sự cố gắng của nó thay đổi nguyên nhân: Sự thay đổi này rất đáng chú ý, và cần được giải thích.
Sự bất an do các nhu cầu biểu lộ qua các dấu hiệu khi cần người khác giúp đỡ để cung ứng cho những nhu cầu này: Vì thế mà trẻ kêu gào. Chúng khóc nhiều lắm; phải như vậy thôi. Bởi mọi cảm nhận của trẻ đều thuộc cảm tính, nên khi các cảm nhận này dễ chịu, thì chúng lặng lẽ hưởng thụ; khi cảm nhận khó chịu, thì chúng nói lên điều ấy bằng ngôn ngữ của chúng, và yêu cầu giúp đỡ. Chừng nào chúng thức thì chúng hầu như không thể ở trạng thái thờ ơ thản nhiên; chúng ngủ, hoặc chịu ảnh hưởng.
Tất cả các ngôn ngữ đều là công trình của kỹ năng. Người ta đã tìm tòi rất lâu xem liệu có một ngôn ngữ tự nhiên và chung cho tất cả mọi người hay không; chắc hẳn là có, và đó là ngôn ngữ mà trẻ con nói trước khi biết nói. Ngôn ngữ này không được phát âm rõ ràng, nhưng nó có giọng điệu, vang to, hiểu được. Việc sử dụng các ngôn ngữ của chúng ta đã khiến chúng ta coi nhẹ ngôn ngữ kia đến mức hoàn toàn quên mất nó. Ta hãy nghiên cứu trẻ em, và ở gần chúng, chẳng bao lâu ta sẽ học lại được ngôn ngữ đó. Các bà vú là thầy dạy chúng ta về ngôn ngữ này; họ nghe được mọi điều mà những đứa trẻ họ nuôi nói lên; họ trả lời chúng, họ và chúng đối thoại rất có mạch lạc; và dù họ thốt ra từ ngữ, song các từ ngữ này hoàn toàn vô ích; trẻ không hề hiểu nghĩa của từ, mà hiểu giọng điệu đi kèm từ đó.
Thêm vào ngôn ngữ của âm thanh là ngôn ngữ của cử chỉ, cũng mạnh mẽ không kém. Cử chỉ này không ở trong những bàn tay yếu ớt của trẻ, mà ở trên gương mặt chúng. Thật đáng ngạc nhiên là những diện mạo chưa hình thành hẳn hoi ấy đã có thần sắc; đường nét của chúng chốc chốc lại đổi thay nhanh khó tưởng tượng nổi: Các vị nhìn thấy ở đó nụ cười, mong muốn, niềm kinh hãi nảy sinh và qua đi như chừng ấy ánh chớp: mỗi lần các vị lại ngỡ thấy một gương mặt khác. Chắc chắn trẻ có các cơ mặt linh động hơn chúng ta. Ngược lại, cặp mắt lờ đờ của chúng hầu như không nó lên gì hết. Loại ký hiệu của chúng ắt phải như vậy ở một tuổi mà người ta chỉ có các nhu cầu thể chất; cảm giác biểu lộ qua những sự nhăn nhó, tình cảm biểu lộ qua ánh mắt.
Bởi trạng thái đầu tiên của con người là khốn khổ và yếu đuối, nên những tiếng nói đầu tiên của con người là than vãn và khóc lóc. Đứa trẻ cảm nhận được các nhu cầu của mình, và vì không thể thỏa mãn những nhu cầu ấy, nó nhờ người khác giúp đỡ bằng tiếng kêu khóc: Nếu nó đói hoặc khát, nó khóc, nếu nó nóng quá hoặc lạnh quá, nó khóc; nếu nó cần cử động mà người ta giữ nó nằm yên, nó khóc; nếu nó muốn ngủ mà người ta rung lắc nó, nó khóc. Cách tồn tại của nó càng ít tùy thuộc nó xử lý, thì nó càng thường xuyên đòi mọi người thay đổi các tồn tại ấy. Nó chỉ có một ngôn ngữ, bởi có thể nói là nó chỉ có một kiểu trạng thái khó chịu bất an: Trong tình trạng các khí quan chưa hoàn chỉnh, nó không phân biệt được những cảm giác khác nhau của các khí quan; với nó mọi điều không hay chỉ tạo thành một cảm giác đau đớn mà thôi.
Từ những tiếng khóc mà ta tưởng chẳng đáng chú ý gì, nảy sinh quan hệ đầu tiên của con người với tất cả những gì xung quanh nó: Tại đó hình thành khâu đầu tiên của chuỗi mắt xích tạo nên trật tự xã hội.
Khi đứa trẻ khóe, là nó đang khó chịu, nó có nhu cầu nào đó mà nó không thỏa mãn được: Người ta xem xét, người ta tìm nhu cầu ấy, người ta tìm thấy, người ta cung ứng cho nó. Khi người ta không tìm thấy nhu cầu hoặc không thể cung ứng cho nó, thì tiếng khóc tiếp tục, người ta bị quấy rầy: Người ta nựng nịu đứa trẻ để nó im đi, người ta ru nó, người ta hát để dỗ nó ngủ: Nếu nó khăng khăng, mọi người sốt ruột, dọa dẫm nó: Những người vú nuôi thô bạo đôi khi đánh nó. Đó là những bài học lạ lùng cho bước đầu vào đời của trẻ.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên là đã nhìn thấy một trong những đứa quấy rầy hay khóc bị vú nuôi đánh như thế. Nó im tức khắc: Tôi ngỡ nó sợ. Tôi tự nhủ: Đây sẽ là một kẻ hèn hạ mà chỉ có sự hà khắc mới bảo ban được. Tôi lầm: Thằng bé tội nghiệp phát nghẹn vì tức giận, nó đã nghẹt thở; tôi thấy nó tím tái đi. Một lát sau là những tiếng gào chói tai; một dấu hiệu của sự oán hận, nỗi thịnh nộ, niềm tuyệt vọng ở độ tuổi này, đều có trong giọng điệu của nó. Tôi sợ nó tắt thở trong cơn khích động ấy. Giá như tôi còn nghi ngờ rằng cảm giác về công bình và bất công sinh ra đã có trong lòng người, thì chỉ một tấm gương ấy đã khiến tôi phải tin. Tôi chắc chắn rằng một que củi cháy bỏng ngẫu nhiên rơi xuống bàn tay đứa trẻ đó cũng không khiến nó mẫn cảm như cái phát kia, khá nhẹ thôi nhưng rõ ràng có ý định xúc phạm nó.
Khuynh hướng của trẻ em dễ cáu kỉnh, bực tức, giận dữ, đòi hỏi phải cực kỳ nương nhẹ. Boerhaave[41]nghĩ rằng bệnh tật của trẻ phần lớn thuộc loại co giật, vì theo tỷ lệ thì đầu chúng to hơn và hệ thần kinh trải rộng hơn so với người lớn, nên khí chất thần kinh dễ bị kích thích hơn. Các vị hãy hết sức chú ý tách xa trẻ em những gia nhân làm chúng bị kích thích, bực bội, tức giận: Những kẻ đó nguy hiểm và độc hại với trẻ gấp trăm lần những tổn hại do gió máy do thời tiết. Chừng nào trẻ chỉ thấy sự chống cự ở các sự vật chứ không bao giờ ở các ý chí, thì chúng sẽ không bao giờ trở thành hay chống đối, hay phát khùng, và chúng sẽ duy trì được sức khỏe tốt hơn. Đây là một trong những lý do tại sao trẻ con nhà thường dân, tự do thoải mái hơn, độc lập hơn, nhìn chung ít tàn tật hơn, ít yếu ớt mảnh khảnh hơn, cường tráng hơn những trẻ mà người ta cho là được nuôi dạy tốt hơn bằng cách làm trái ý chúng không ngừng; nhưng cần luôn luôn nghĩ rằng vâng theo trẻ và không làm trái ý trẻ khác nhau rất nhiều.
Những tiếng khóc đầu tiên của trẻ là những lời khẩn cầu: Nếu ta không cẩn thận, những tiếng khóc này chẳng bao lâu sẽ thành mệnh lệnh; chúng bắt đầu bằng việc xin giúp đỡ, chúng kết thúc bằng việc sai khiến phục vụ. Như vậy là từ chính sự yếu đuối của chúng, thoạt tiên đưa tới cảm giác phụ thuộc, sau đó nảy sinh ý tưởng về quyền lực và sự thống trị; nhưng ý tưởng này do nhu cầu của trẻ kích thích ít hơn là do sự phục vụ của chúng ta, ở đây bắt đầu bộc lộ những hiệu quả tinh thần mà nguyên nhân trực tiếp không nằm trong bản chất tự nhiên; và ta đã thấy vì sao, ngay từ tuổi thơ ban đầu này, cần phải khám phá ý định ngấm ngầm xui khiến nên cử chỉ hay tiếng kêu khóc.
Khi đứa trẻ cố gắng giơ tay ra mà không nói năng gì, nó tưởng với được đến đồ vật vì nó không đánh giá đúng khoảng cách; nó lầm; nhưng khi nó than vãn và vừa giơ tay vừa kêu khóc, thì lúc ấy nó không còn nhầm lẫn về khoảng cách nữa, nó ra lệnh cho đồ vật lại gần, hoặc ra lệnh để các vị đem đến cho nó. Trong trường hợp thứ nhất, các vị hãy mang nó đến với đồ vật một cách thong thả qua từng bước đi ngắn; trong trường hợp thứ hai, các vị chớ có ra vẻ nghe thấy nó, không chỉ như vậy mà nó cũng kêu gào, các vị phải càng không nghe nó. Cần sớm tập cho nó quen không ra lệnh với con người, vì nó không phải ông chủ của họ, cũng không ra lệnh cho sự vật, vì sự vật không hề nghe thấy nó. Như vậy khi một đứa trẻ muốn vật gì đấy mà nó nhìn thấy và ta định cho nó, thì đem trẻ đến với đồ vật tốt hơn là mang đồ vật đến cho trẻ: Nó rút ra từ sự thực hành này một kết luận hợp với thời nó, và không có cách nào khác để khơi gợi được kết luận ấy cho nó.
Linh mục De Saint-pierre gọi con người là những đứa trẻ lớn; ta có thể gọi ngược lại trẻ con là những người lớn bé nhỏ. Những lời nói này có chân lý của chúng với tư cách là châm ngôn; với tư cách là nguyên lý, chúng cần được giải thích. Nhưng khi Hobbes gọi kẻ tai ác là một đứa trẻ cường tráng, thì ông đã nói một điều mâu thuẫn tuyệt đối. Bất kỳ sự tai ác nào cũng từ sự yếu đuối mà ra; đứa trẻ chỉ tai ác vì nó yếu đuối; hãy làm cho nó mạnh, nó sẽ tốt: Người nào có thể thực hiện mọi điều sẽ không bao giờ làm điều ác. Trong mọi đặc tính của Thần linh tối thượng, lòng tốt là đặc tính mà nếu thiếu nó người ta khó quan niệm về Thần linh hơn cả. Tất cả những dân tộc từng thừa nhận hai nguyên lý đều luôn luôn coi cái xấu thấp hơn cái tốt; nếu không thể họ sẽ có một giả định phi lý. Các vị hãy xem ở phần sau Lời phát biếu về tín ngưỡng của Phó giám mục người xứ Savoie.
Chỉ riêng lý trí dạy chúng ta biết cái tốt và cái xấu. Vậy lương tâm khiến ta yêu cái nọ và ghét cái kia, dù độc lập với lý trí, vẫn không thể phát triển nếu không có lý trí. Trước thời có lý trí, chúng ta làm điều tốt và điều xấu mà không biết; và trong hành động của chúng ta không hề có quan niệm đạo đức, tuy quan niệm này đôi khi có trong cảm nghĩ về hành động của người khác mà có liên quan đến ta. Một đứa trẻ muốn xáo lộn tất cả những gì nó nhìn thấy: Nó làm gãy, đập vỡ mọi thứ nó với tới được; nó tóm lấy một con chim như nó có thể tóm một hòn đá, và bóp nghẹt con chim mà không biết mình đang làm gì.
Tại sao lại như vậy? Thoạt tiên triết học sẽ thuyết giải điều này bằng các tật xấu tự nhiên: Niềm kiêu ngạo, đầu óc thống trị, lòng tự ái, sự tai ác của con người; triết học có thể nói thêm rằng cảm nhận về sự yếu đuối của mình khiến đứa trẻ háo hức tỏ rõ sức mạnh, và háo hức tự chứng mình với bản thân quyền lực của chính nó. Nhưng các vị hãy nhìn ông lão tàn tật và già nua kia, do vòng tuần hoàn của đời người đưa trở lại tình trạng yếu đuối của tuổi thơ: Chẳng những ông bình tĩnh ở yên một chỗ, mà ông còn muốn mọi thứ quanh ông cứ như thế; sự thay đổi nhỏ nhặt nhất cũng khiến ông bối rối và băn khoăn áy náy, ông những muốn thấy một sự yên tĩnh phổ quát ngự trị. Làm sao mà tình trạng bất lực giống nhau kết hợp với những khát vọng giống nhau lại có thể sản sinh ra những hiệu quả hết sức khác biệt ở hai độ tuổi, nếu như nguyên nhân gốc không thay đổi? Và ta có thể tìm sự khác biệt về nguyên nhân này ở đâu, nếu không ở trạng thái thể chất của hai cá nhân? Nguyên động lực, chung cho cả hai, ở cá nhân này thì phát triển lên còn ở cá nhân kia thì tàn lụi đi; cá nhân này đang hình thành, còn cá nhân kia đang tự hủy hoại; cá nhân này hướng tới sự sống, còn cá nhân kia hướng đến cái chết. Hoạt động đang suy yếu đi tập trung trong lòng ông lão; trong lòng đứa trẻ, hoạt động ấy quá dư thừa và trải rộng ra bên ngoài; có thể nói là đứa trẻ tự cảm thấy đủ sức sống để đem sinh khí lại cho mọi thứ vây quanh nó. Dù nó làm hay nó phá, chẳng can hệ gì; chỉ cần nó thay đổi tình trạng của sự vật là đủ, và bất kỳ sự thay đổi nào cũng là một hành động. Nếu trẻ dường như có khuynh hướng phá hoại nhiều hơn, thì đó không hề do tai ác đó là do hành động tạo tác bao giờ cũng chậm chạp, còn hành động phá hoại, vì nhanh chóng hơn, nên phù hợp hơn với sự hăng hái của trẻ.
Khi Tạo hóa ban cho trẻ em nguyên động lực này, thì người đồng thời cũng cẩn thận sao cho nó ít gây hại, bằng cách cho trẻ ít sức lực để mà sử dụng nó. Nhưng trẻ vừa mới có thể coi những người xung quanh như những công cụ tùy ý chúng sai bảo hành động, là chúng dùng ngay họ để đi theo thiên hướng của chúng và bù đắp cho sự yếu đuối của chính chúng. Chúng trở nên hay quấy rầy, bạo ngược, hống hách, tai ác, bất trị, như vậy đó; bước tăng tiến này không xuất phát từ một đầu óc thống trị mang tính tự nhiên, mà đem lại cho trẻ đầu óc thống trị ấy; bởi chẳng cần một trải nghiệm lâu dài mới cảm nhận được rằng thật dễ chịu biết mấy khi hành động bằng tay của kẻ khác và chỉ cần khua động miệng lưỡi là làm chuyển dịch được thế giới.
Khi lớn lên, người ta có được sức mạnh, người ta trở nên bớt băn khoăn áy náy, bớt hiếu động, người ta thu mình lại nhiều hơn. Có thể nói là linh hồn và thể xác đi vào trạng thái cân bằng, và tự nhiên chỉ còn đòi hỏi ở chúng ta sự vận động cần thiết để tự bảo tồn mà thôi. Nhưng ham muốn chỉ huy không lụi tắt cùng với nhu cầu đã làm nảy sinh ham muốn ấy; quyền lực đánh thức và vuốt ve lòng tự ái, còn thói quen tăng cường nó: ý ngông kế tục nhu cầu như vậy các thiên kiến bén những chiếc rễ đầu tiên như vậy.
Một khi đã biết được căn nguyên, chúng ta thấy rõ nơi người ta rời khỏi con đường của tự nhiên; ta hãy xem cần phải làm những gì để ở vững trên con đường này.
Trẻ em chẳng có sức lực thừa, thậm chí không có đủ sức lực cho tất cả những gì mà tự nhiên đòi hỏi ở chúng; vậy cần phải để cho chúng sử dụng mọi sức lực do tự nhiên ban cho chúng và chúng sẽ không thể lạm dụng những sức lực đó. Phương châm thứ nhất.
Cần giúp đỡ trẻ em và bổ khuyết những gì chúng thiếu, hoặc về trí năng, hoặc về sức lực, trong mọi điều thuộc nhu cầu thể chất. Phương châm thứ hai.
Trong khi giúp đỡ chúng, cần giới hạn duy nhất ở điều thực sự có ích, không chấp nhận một cái gì cho ý ngông hoặc cho ham muốn không lý do; vì ý ngông sẽ chẳng hề quấy nhiễu trẻ khi ta không làm nó nảy sinh, do ý ngông không thuộc bản chất tự nhiên. Phương châm thứ ba.
Cần phải nghiên cứu cẩn thận ngôn ngữ và các dấu hiệu của trẻ, nhằm phân biệt được trong các mong muốn của chúng cái gì trực tiếp đến từ tự nhiên và cái gì đến từ quan niệm. Phương châm thứ tư.
Tinh thần của các quy tắc này là chấp nhận cho trẻ nhiều tự do thực sự hơn và ít quyền lực hơn, là để chúng tự làm lấy nhiều hơn và đòi hỏi người khác ít hơn. Như vậy, do sớm quen giới hạn ham muốn trong tầm sức lực của mình, trẻ sẽ ít cảm thấy thiếu thốn đối với những gì không thuộc quyền định đoạt của chúng.
Đó lại là một lý do mới mẻ và rất quan trọng để cho thân thể và chân tay trẻ được hoàn toàn tự do, điều đề phòng duy nhất là tránh cho trẻ nguy cơ rơi ngã và để xa bàn tay trẻ mọi thứ có thể làm chúng bị thương.
Một đứa trẻ mà thân thể và các cánh tay được tự do nhất định sẽ khóc ít hơn một đứa trẻ bị quấn chặt trong tã nịt. Trẻ nào chỉ biết các nhu cầu thể chất thì chỉ khóc khi đau đớn, và đó là một điều lợi to lớn; bởi như vậy ta hiểu được đúng lúc khi nào nó cần giúp đỡ, và ta phải giúp nó không được chậm trễ một khoảnh khắc nào, nếu như có thể. Nhưng nếu các vị không thể làm nó đỡ đau, thì hãy yên lặng, đừng nựng nịu để nó nguôi dịu; những cái vuốt ve của các vị chẳng khiến nó khỏi được đau bụng. Tuy nhiên nó sẽ nhớ những gì cần phải làm để được nựng nịu; và một khi nó biết được cách làm các vị chăm lo cho nó theo ý nó, là nó đã thành chủ nhân của các vị; mọi sự hỏng hết.
Ít bị trở ngại trong các cử động, trẻ sẽ ít khóc hơn; ít bị những tiếng khóc của trẻ quấy rầy, ta sẽ ít day dứt khắc khoái để làm chúng nín; ít bị dọa nạt hay ít được nâng nịu thường xuyên, trẻ sẽ ít sợ sệt hoặc ít ương ngạnh, và sẽ giữ được bản tính tự nhiên nhiều hơn. Trẻ bị mắc chứng thoát vị do cứ để cho chúng khóc thì ít hơn là do vội vã làm chúng nguôi nín; và bằng chứng của tôi là những trẻ bị bỏ lơ nhiều nhất lại ít bị chứng ấy hơn những đứa khác. Tôi chẳng hề muốn người ta vì thế mà bỏ lơ trẻ; ngược lại, cần phải đón trước ý chúng, và đừng để những tiếng kêu khóc của trẻ báo cho biết về nhu cầu của chúng. Nhưng tôi cũng không muốn những sự chăm sóc đối với trẻ bị chúng hiểu lầm. Sao chúng lại không khóc khi chúng thấy rằng những tiếng khóc của mình có lợi rất nhiều? Biết được cái giá mọi người dành cho sự im lặng của mình, chúng chẳng ban phát rộng rãi sự im lặng ấy. Cuối cùng chúng làm cho sự im lặng này cao giá đến mức người ta không thể trả được nữa; và thế là cứ khóc mãi mà không kết quả, chúng cố sức, kiệt lực, và tự giết mình.
Những trận khóc dai của một đứa trẻ không bị buộc chặt không đau ốm, và không bị mọi người để cho thiếu thốn gì, chỉ là những trận khóc do thói quen và do ương ngạnh. Những trận khóc ấy không hề là công trình của tự nhiên, mà là công trình của người vú nuôi, do không biết chịu đựng sự quấy rầy, người vú gia tăng gấp bội sự quấy rầy này, mà không nghĩ rằng dỗ đứa trẻ nín hôm nay chính là kích thích nó ngày mai khóc nhiều hơn nữa.
Cách duy nhất để chữa trị hoặc để phòng ngừa thói quen này là không hề chú ý đến nó. Chẳng ai muốn nhọc công vô ích, ngay cả trẻ con cũng vậy. Chúng bướng bỉnh tron, sẽ khiến trẻ vui ngang với những đồ tầm phào lộng lẫy nọ, và sẽ không có cái bất lợi là khiến trẻ quen với sự xa hoa ngay từ lúc ra đời.
Người ta đã thừa nhận rằng bột quấy với sữa không phải đồ dinh dưỡng thật lành. Sữa nấu chín và bột sống tạo rất nhiều chất bã, và không hợp với dạ dày của chúng ta. Trong món bột quấy sữa, bột không chín bằng trong bánh mì, hơn nữa lại chưa lên men; tôi thấy xúp nấu bằng bánh mì, cháo gạo tốt hơn. Nếu mọi người nhất thiết muốn quấy bột với sữa, thì trước đó nên rang qua bột cho chín. Ở xứ sở của tôi, người ta dùng bột đã sao chín này làm món xúp rất ngon và rất lành. Canh thịt và cháo thịt cũng là thức ăn không tốt lắm nên sử dụng càng ít càng hay. Điều quan trọng là thoạt tiên trẻ phải tập nhai cho quen; đó là phương kế thực sự giúp răng dễ mọc; và khi chúng bắt đầu nuốt, thì các chất dịch của nước bọt hòa lẫn thức ăn khiến việc tiêu hóa được dễ dàng.
Vậy tôi sẽ cho trẻ nhai các quả khô, các vỏ bánh. Tôi sẽ cho chúng chơi những thỏi nhỏ bánh mì cứng hoặc bích quy giống như bánh mì Piémont, mà ở địa phương người ta gọi là grisse. Cứ ngậm mãi khiến bánh mềm đi trong miệng, cuối cùng trẻ sẽ nuốt chút ít: Răng sẽ mọc lên, và trẻ hầu như cai sữa mà người ta chưa nhận ra. Dân quê thường có dạ dày rất tốt, và người ta chẳng cai sữa cho trẻ em thôn quê cầu kỳ hơn cách trên đây.
Trẻ em nghe người ta nói từ lúc chúng mới sinh ra; người ta nói với chúng, chẳng những trước khi chúng hiểu điều người ta nói, mà trước khi chúng có thể lặp lại những tiếng chúng nghe. Khí quan hãy còn tê dại của chúng chỉ dần dần mới thích ứng với việc bắt chước các âm thanh người ta dạy chúng, và không chắc các âm thanh này trước tiên đến tai chúng cũng rõ ràng như đến tai chúng ta. Tôi không phản đối việc người vú nuôi làm trẻ vui bằng những bài ca và những giọng điệu rất tươi vui và rất đa dạng; nhưng tôi phản đối việc người vú làm trẻ rối trí không ngớt bằng vô số lời lẽ vô bổ mà trẻ chỉ hiểu được mỗi giọng nói của vú. Tôi muốn những phát âm đầu tiên người ta cho trẻ nghe phải thưa thớt, dễ dàng, rành rõ, lặp lại nhiều lần, và những từ ngữ được các phát âm này diễn tả chỉ liên quan đến các sự vật hữu hình mà trước hết người ta có thể chỉ ra cho trẻ. Cái thói dễ dàng tai hại nói những điều mà ta chẳng hiểu gì bắt đầu sớm hơn ta nghĩ. Học trò nghe ở lớp những lời lẽ dài dòng của giáo viên, cũng như khi còn quấn tã nó đã nghe những điều líu lo tâm phào của vú nuôi. Tôi thấy nuôi dạy trẻ để nó không hiểu gì về những điều ấy có lẽ chính là dạy dỗ nó một cách rất hữu ích.
Vô số suy nghĩ nảy sinh khi ta muốn lo đến việc tập luyện ngôn ngữ và những lời lẽ đầu tiên của trẻ. Dù ta có làm gì chăng nữa, thì bao giờ trẻ cũng học nói theo cùng một cách, và ở đây mọi tư biện triết lý đều hết sức vô bổ.
Thoạt tiên, có thể nói là trẻ em có một ngữ pháp của lứa tuổi chúng, ở đó cú pháp có những quy tắc khái quát hơn cú pháp của chúng ta; và nếu ta thật chú ý, thì ta sẽ ngạc nhiên vì sự chính xác của trẻ trong một số loại suy, bảo là rất sai cũng được, nhưng lại rất hợp quy tắc, và những loại suy này chỉ chướng vì chúng cứng cỏi hoặc không được tập quán chấp nhận. Tôi vừa nghe thấy một đứa trẻ tội nghiệp bị cha mắng mỏ rất nhiều vì đã bảo ông: Mon père irai-je-t-y? (Thưa cha con có đi đến đó không?) Mà ta thấy đứa trẻ này theo đúng phép loại suy hơn các nhà ngữ pháp của chúng ta, vì mọi người thường bảo nó Va-s-y (Hãy đi đến đó), thì tại sao nó lại không bảo Irai-je-t-y chứ! Hơn nữa xin lưu ý rằng nó đã rất khéo léo tránh sự gặp gỡ của hai nguyên âm trong irai-je-y hoặc trong y irai-je? Nếu chúng ta đã tước đi của câu này trạng từ y một cách không đúng lúc, vì ta chẳng biết làm gì với nó, thì có phải lỗi ở thằng bé tội nghiệp kia đâu? Thật là một thói thông thái rởm không sao chịu nổi và một sự cẩn thận rất thừa khi cứ chăm chăm sửa chữa cho trẻ tất cả những lỗi nho nhỏ trái với tập quán này, mà với thời gian thế nào chúng cũng tự sửa chữa lấy. Các vị hãy luôn luôn nói năng chính xác trước mặt trẻ, làm sao cho chúng không thấy thích thú với ai bằng với các vị, và hãy tin chắc rằng ngôn ngữ của chúng sẽ dân dã tự thanh lọc theo ngôn ngữ của các vị mà các vị chẳng bao giờ phải trách mắng chúng.
Nhưng một tật xấu có tầm quan trọng khác hẳn, và cũng dễ phòng ngừa không kém, là quá vội tập cho trẻ nói, như thể sợ chúng không tự học nói được. Sự sốt sắng thô lỗ này tạo ra một hiệu quả trái ngược hẳn với hiệu quả mà người ta mong đợi. Trẻ sẽ vì thế mà nói chậm hơn, mập mờ hơn: do người ta cực kỳ chú ý đến mọi điều chúng nói thành thử chúng khỏi cần phát âm rõ ràng; và bởi chúng chỉ hạ cố hé miệng gọi là, nên nhiều trẻ giữ suốt đời tật phát âm dở và lối nói mập mờ khiến người ta hầu như không hiểu được chúng.
Tôi đã sống nhiều với dân quê, và chưa từng nghe thấy một người thôn quê nào nói chớt, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai đều không. Vì sao như vậy? Khí quan của nông dân được cấu tạo khác khí quan của chúng ta hay sao? Không, nhưng chúng được luyện tập khác hẳn. Đối diện cửa sổ phòng tôi là một gò đất nơi trẻ em quanh đấy thường tụ tập để chơi đùa. Dù chúng ở khá xa tôi, song tôi hoàn toàn nghe rõ mọi điều chúng nói, và tôi thường rút từ đó ra nhiều kỷ niệm hay để viết cuốn sách này. Ngày nào tai tôi cũng khiến tôi bị lầm về độ tuổi của chúng; tôi nghe thấy những giọng nói của trẻ mười tuổi; tôi nhìn, tôi thấy vóc dáng và dung mạo của những trẻ lên ba lên bốn. Không chỉ riêng mình tôi có trải nghiệm này; những người thành thị đến thăm tôi, và được tôi hỏi ý kiến về việc đó, tất thảy đều lầm lẫn y như tôi.
Sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do trẻ em thành phố, cho đến năm hay sáu tuổi, được nuôi nấng trong phòng và nương náu dưới bóng cô dạy trẻ, chỉ cần lầm bầm là được mọi người nghe thấy: Chúng vừa mấp máy môi là mọi người để tâm lắng nghe; mọi người dạy chúng những từ mà chúng nhắc lại không đúng, song, vì cứ chú ý mãi, nên vẫn những người không ngừng ở quanh chúng đoán ra được những gì chúng muốn nói hơn là những gì chúng đã nói.
Ở thôn quê, chuyện hoàn toàn khác hẳn. Một phụ nữ nông thôn không phải lúc nào cũng quẩn quanh bên con mình; đứa bé buộc phải tập nói rất rõ và rất to điều nó cần làm cho mẹ nó nghe thấy. Ngoài đồng ruộng, những đứa trẻ ở rải rác, xa mẹ, cha, và các trẻ khác, chúng tập nói để mọi người ở xa nghe được, và tập ước lượng sức mạnh của giọng nói dựa theo khoảng cách ngăn chúng với những người mà chúng muốn được họ nghe thấy. Người ta thực sự học phát âm như vậy đó, chứ không phải bằng cách ấp úng vài nguyên âm bên tai một cô dạy trẻ ân cần chú ý. Bởi thế, khi ta hỏi han đứa trẻ con người dân quê sự xấu hổ có thể cản trở nó trả lời; nhưng những gì nó nói, thì nó nói lên rõ rành; trong lúc đó người hầu gái phải làm thông ngôn cho đứa trẻ thành thị; nếu không thì mọi người chẳng hiếu tí gì về những điều nó lầm bầm giữa kẽ răng[42].
Khi lớn lên, trẻ em trai sẽ phải sửa chữa khuyết điểm này ở trường học, còn trẻ em gái sửa chữa tại tu viện; quả thực, nhìn chung các trẻ này nói năng rõ rành hơn những trẻ vẩn cứ được nuôi dạy tại gia đình. Nhưng điều khiến chúng không bao giờ đạt được cách phát âm rành rọt như cách phát âm của dân quê, đó là sự cần thiết phải học thuộc lòng rất nhiều điều, và phải đọc to lên những gì đã học; vì, trong khi học, chúng quen nói lúng búng, quen phát âm cẩu thả và sai; khi đọc thuộc lòng, thì còn tệ hơn nữa; chúng cố gắng tìm từ ngữ, chúng rề rà và kéo dài các âm tiết; khi trí nhớ chao đảo, ngôn từ không thể không ấp úng theo. Các tật về phát âm bị tiêm nhiễm hoặc bị duy trì như vậy đó. Sau đây ta sẽ thấy Émile của tôi không mặc những tật này, hay ít ra Émile cũng không bị nhiễm vì cùng những nguyên nhân trên.
Tôi thừa nhận rằng dân chúng và người thôn quê thường rơi vào một cực đoan khác, rằng hầu như bao giờ họ cũng nói to hơn mức cần thiết, và khi phát âm quá chính xác, họ có cách nói mạnh và thô, có giọng điệu thái quá, họ chọn từ ngữ không đúng v.v…
Nhưng, thứ nhất, tôi thấy cực đoan này ít xấu hơn cực đoàn kia rất nhiều, bởi quy tắc đầu tiên của diễn ngôn là làm cho mọi người nghe được mình, thì lỗi lớn nhất ta có thể mắc phải là nói mà người ta không nghe được. Tự phụ vì mình không hề có giọng điệu, chính là tự phụ vì tước đi cái duyên và khí lực của câu chữ. Giọng điệu là linh hồn của diễn ngôn, giọng điệu đem lại cho diễn ngôn tình cảm và tính chân thực. Giọng điệu ít dối trá hơn lời lẽ; có thể vì vậy mà những người có giáo dục sợ nó đến thế. Chính từ tập quán nói mọi điều bằng cùng một giọng điệu mới sinh ra tập quán nhạo báng người ta mà người ta không cảm nhận thấy. Kế tục cho giọng điệu bị bài trừ, là các lỗi phát âm nực cười, kiểu cách, theo mốt, như ta đặc biệt nhận thấy ở những người trẻ tuổi chốn cung đình. Kiểu cách trong lời lẽ và tư thái là điều nói chung khiến cho việc tiếp cận người Pháp thành khó chịu và phát sợ đối với các dân tộc khác. Thay vì đưa giọng điệu vào cách nói năng, anh ta lại đưa vào đó điệu bộ. Đấy không phải là phương kế để mọi người có thiện cảm với anh ta.
Tất cả những khuyết điểm nho nhỏ về ngôn ngữ mà người ta rất sợ trẻ em nhiễm phải chẳng là gì hết; ta phòng ngừa hoặc ta sửa chúng hết sức dễ dàng; nhưng những khuyết điểm mà ta làm trẻ tiêm nhiễm, khi khiến cho cách nói của chúng thành không rõ, thành mơ hồ, rụt rè, do ta không ngớt phê phán giọng điệu của chúng, do ta soi mói từng ly từng tí mọi từ ngữ của chúng, thì không bao giờ sửa chữa được. Một người chỉ tập nói giữa các khe giường, sẽ không được mọi người nghe rõ khi đứng đầu một đạo quân, và sẽ chẳng mấy áp đảo được dân chúng trong một cuộc bạo động. Trước hết hãy dạy trẻ em nói với nam giới, chúng sẽ biết nói hay với phụ nữ khi cần thiết.
Được nuôi dưỡng ở thôn quê, trong toàn bộ sự mộc mạc chất phác nơi đồng ruộng, con cái các vị sẽ có một giọng nói vang vọng hơn; chúng sẽ không tiêm nhiễm tại đó lối ấp úng mập mờ của trẻ em thành thị; chúng cũng không nhiễm cách nói năng hay giọng điệu của làng quê, hoặc chí ít chúng cũng dễ dàng mất đi cách nói ấy giọng điệu ấy, khi thầy giáo, sống cùng chúng từ lúc chúng ra đời, và ngày càng chuyên chú sống ở đó, nhờ ngôn ngữ chính xác của thầy, sẽ phòng ngừa hoặc xóa mờ được dấu ấn ngôn ngữ của dân quê. Émile sẽ nói một thứ tiếng Pháp cũng thật thuần khiết như tôi có thể biết được, nhưng em sẽ nói rõ rành hơn và phát âm hay hơn tôi nhiều.
Đứa trẻ đang muốn nói ắt chỉ nghe những từ ngữ mà nó có thể nghe được, chỉ nói những từ ngữ mà nó có thể phát âm được. Những cố gắng của nó trong việc này khiến nó lặp lại cùng một vần, như để tập phát âm vần ấy cho rõ ràng hơn. Khi nó bắt đầu ấp úng, các vị đừng quá ư băn khoăn để đoán ra điều nó nói. Cho rằng mình luôn luôn được lắng nghe cũng lại là một kiểu quyền lực, và đứa trẻ không được sử dụng một quyền lực nào hết. Các vị chỉ còn cung ứng thật chu đáo cho điều cần thiết là đủ; chính đứa trẻ phải cố gắng làm cho các vị hiểu được những gì không cần thiết. Lại càng không nên vội vã đòi hỏi trẻ nói; bản thân trẻ dần dà sẽ tự biết nói chừng nào nó cảm thấy ích lợi của việc đó.
Quả thực người ta nhận xét thấy những trẻ bắt đầu nói rất muộn thường không bao giờ nói được thật rõ ràng như các trẻ khác; nhưng không phải vì chúng chậm nói mà khí quan của chúng vẫn cứ bị trắc trở, ngược lại chính vì chúng sinh ra với một khí quan có trắc trở mà chúng bắt đầu nói muộn; bởi, nếu không có chuyện ấy, thì vì sao chúng lại chậm nói hơn các trẻ khác? Cơ hội để chúng nói ít hơn chăng? Và mọi người khuyến khích chúng ít hơn chăng? Ngược lại, mối lo lắng vì sự chậm trễ ấy, ngay khi vừa mới nhận ra, khiến người ta băn khoăn dằn vặt nhiều hơn để làm cho chúng bập bẹ, so với những trẻ biết phát âm sớm; và sự sốt sắng bị hiếu sai này có thể góp phần rất nhiều khiến cách nói năng của chúng thành mập mờ, cách nói mà nếu ta bớt hấp tấp thì chúng sẽ có thời gian để hoàn thiện hơn.
Những đứa trẻ bị thúc giục nói sớm quá không có thời gian học phát âm cho đúng, cũng không có thời gian hiểu rõ những gì người ta bảo chúng nói: Còn nếu người ta để chúng tự làm lấy, thì thoạt tiên chúng tập nói những vần dễ phát âm nhất; và bằng cách dần dần kết hợp vào đó một vài ý nghĩa mà ta hiểu được qua cử chỉ của chúng, chúng phát ra cho ta những từ ngữ của chúng trước khi nhận những từ ngữ của ta: Điều này khiến chúng chỉ nhận những từ ngữ của ta sau khi đã hiểu rõ. Do chúng bị thúc giục dùng các từ đó, chúng bắt đầu bằng việc quan sát kỹ xem các vị cho những từ này nghĩa gì; và khi đã chắc chắn rồi, chúng liền dung nạp các từ ấy.
Cái hại lớn nhất của việc vội vã làm cho trẻ nói trước tuổi, không phải ở chỗ những lời lẽ đầu tiên ta nói với trẻ và những tiếng đầu tiên trẻ thốt ra chẳng có nghĩa gì với chúng, mà ở chỗ những lời những tiếng ấy có một nghĩa khác với nghĩa của ta, song ta chẳng nhận ra được điều này; thành thử, trong khi trẻ có vẻ như đang đáp lại ta một cách rất chính xác, chúng lại nói mà không hiểu ta và ta cũng chẳng hiểu chúng. Thường thường chính do những sự mập mờ tối nghĩa như vậy mà đôi khi ta kinh ngạc vì lời lẽ của trẻ, được ta gán cho các ý tưởng mà trẻ không hề đặt vào đó. Tôi thấy việc ta không lưu ý đến nghĩa thực sự của từ ngữ đối với trẻ là nguyên nhân của những lầm lẫn đầu tiên nơi trẻ; và các lầm lẫn này, ngay cả khi đã được chữa khỏi, vẫn ảnh hướng đến cách suy nghĩ của trẻ trong quãng đời còn lại của chúng. Sau này tôi sẽ có nhiều dịp lý giải rõ điều ấy bằng các thí dụ.
Vậy các vị hãy thu hẹp từ vựng của trẻ đến hết mức có thể. Một trong những bất lợi lớn là trẻ có nhiều từ ngữ hơn ý tưởng, và biết nói nhiều điều hơn là những gì nó có thể nghĩ. Tôi cho rằng một trong các lý do khiến người dân quê nói chung thường có đầu óc đúng đắn hơn người thành thị, đó là vốn từ vựng của họ kém rộng rãi hơn. Họ có ít ý tưởng, nhưng họ so sánh đối chiếu các ý tưởng rất giỏi.
Những bước phát triển đầu tiên của tuổi thơ hầu như diễn ra tất cả đồng thời. Trẻ tập nói, tập ăn, tập đi gần như cùng một thời gian. Đây đích thực là thời kỳ đầu tiên của cuộc đời nó. Trước đó nó chẳng là gì hơn cái nó đã là ở trong bụng mẹ; nó không có một cảm nhận nào, một ý tưởng nào; nó chỉ hơi cố cảm giác một chút; nó không cảm thấy ngay cả sự tồn tại của chính nó:
Vivitt, et est vitae nescius ipse suae[43].
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.