Émile Hay Là Về Giáo Dục

QUYỂN NĂM P1



Thế là chúng ta đã đi tới hồi cuối của tuổi thanh niên nhưng chúng ta vẫn chưa tới lúc gỡ nút. Con người mà cô đơn thực chẳng tốt đẹp gì, Émile là con người, chúng ta đã hứa với anh ta một cô bạn tình, cần phải trao cô ta cho anh. Cô bạn tình đó là Sophie. Chỗ ở của cô ta ở những nơi nào? Chúng ta có thể tìm được cô ta ở đâu? Muốn tìm thấy cô, phải biết cô. Trước tiên chúng ta nên biết cô là người như thế nào, chúng ta sẽ phán đoán đúng hơn những nơi cô ở; và khi chúng ta gặp được cô, mọi chuyện vẫn sẽ chưa được hoàn tất. Locke nói rằng, vì nhà quý tộc trẻ của chúng ta đã sẵn sàng để cưới vợ đây là lúc để cho anh ta gần gũi với người mình yêu. Ông kết thúc tác phẩm của mình như vậy. Với tôi, là người không có vinh dự được gây dựng cho một nhà quý tộc, tôi sẽ tránh cho mình khỏi bắt chước Locke trong việc này.

SOPHIE HAY NGƯỜI ĐÀN BÀ

Sophie phải là người đàn bà cũng như Émile là người đàn ông, nghĩa là có đủ thứ phù hợp với cấu tạo của giống loài và của giới tính của mình để làm trọn vị thế của mình về phương diện thể xác và tinh thần. Vậy chúng ta hãy bắt đầu xem xét những điều phù hợp và những khác biệt về giới của cô ta với giời của chúng ta.

Trong tất cả những gì công gắn liền với giới tính, thì người đàn bà là người đàn ông: Cô ta có cùng những bộ phận cơ thể ấy, cùng những nhu cầu ấy cùng những năng lực ấy; bộ máy được chế tạo theo cùng một cách, các bộ phận đều cùng như nhau, hoạt động của cỗ máy này cũng là hoạt động của cỗ máy kia, bộ mặt là giống nhau; và dù xem xét trên phương diện nào, chúng cũng chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hơn và ít hơn mà thôi.

Trong tất cả những gì gắn liền với giới tính, thì người đàn bà và người đàn ông ở chỗ nào cũng có những điều tương hợp và ở chỗ nào cũng có những điều khác biệt: Sự khó khăn trong việc so sánh họ là khó mà xác định rõ trong thể trạng của người này và người kia thì cái gì là thuộc về giới tính còn cái gì thì không. Qua giải phẫu học so sánh, và chỉ qua riêng việc xem xét, người ta tìm thấy những khác biệt chung giữa họ với nhau lại cỏ vẻ như không dính líu đến giới tính; dù sao chúng vẫn cứ gắn liền với giới tính, nhưng bằng những mối liên hệ ngoài khả năng nhận biết của chúng ta: Chúng ta không rõ là các mối liên hệ này có thể trải ra đến đâu; mà chỉ biết có một một điều chắc chắn là mọi điểm chung là thuộc giống loài còn mọi điểm khác là thuộc giới tính. Dưới quan điểm kép này, chúng ta tìm thấy giữa hai người bao nhiêu là sự tương hợp và bao nhiêu là sự đối lập, đó có thể là một trong những điều tuyệt vời của tự nhiên vẫn có thể được tạo tác ra hai sinh thể quá ư giống nhau trong khi cấu tạo lại quá khác biệt.

Các tương hợp và các dị biệt này phải ảnh hưởng lên tinh thần; hậu quả là có thể nhận biết được, phù hợp với kinh nghiệm, và bộc lộ sự phù phiếm của các cuộc tranh luận để sự ưu thắng hay sự bình đẳng của các giới: dường như mỗi giới, trong khi tiến đến các mục tiêu của tự nhiên theo sự sắp đặt riêng cho mình, chỉ hoàn hảo hơn nếu giống với giới kia nhiều hơn về những điều mà họ giống nhau thì hai giới là bình đẳng; còn về những gì khác nhau thì không đem so sánh được. Một người đàn bà hoàn hảo và một người đàn ông hoàn hảo không phải là giống nhau về trí tuệ, cũng như về vẻ mặt, và sự hoàn thiện không phải là nhiều hay ít hơn.

Trong tập hợp các giới thì mỗi giới cùng tham gia như nhau vào mục tiêu chung, nhưng không phải theo cùng một kiểu cách. Từ sự khác biệt này nảy sinh ra sự khác nhau đầu tiên có thể xác định được giữa các mối quan hệ tinh thần của giới này và của giới kia. Giới này thì phải năng động và mạnh mẽ, giới kia thì thụ động và mềm yếu: Nhất thiết giới này cần phải muốn và có thể, giới kia chống lại một chút, là đủ rồi.

Nguyên tắc này đã được thiết lập, từ đó suy ra rằng người đàn bà được đặc biệt tạo ra để làm đẹp lòng người đàn ông. Nếu đến lượt mình người đàn ông phải làm đẹp lòng người đàn bà thì đó là một sự cần thiết ít trực tiếp hơn: giá trị của người đàn ông là ở sức mạnh của họ, anh ta làm đẹp lòng chỉ do anh ta mạnh. Đây không phải là quy luật của tình yêu, tôi cũng đồng ý thế, nhưng đó là luật của tự nhiên có trước cả tình yêu.

Nếu như người đàn bà được tạo ra để làm đẹp lòng và để được chinh phục, cô ta phải làm cho đàn ông thích thay vì gây gổ với anh ta; ở cô thì bạo lực nằm trong những nét duyên dáng của cô; chính là bằng cái duyên ấy mà cô buộc anh đàn ông tìm thấy được sức mạnh của anh ta và sử dụng nó. Nghệ thuật chắc chắn nhất để hoạt hoá sức mạnh ấy là dùng sự kháng cự để làm cho sức mạnh ấy trở nên cần thiết. Lúc đó lòng tự ái kết hợp với dục vọng, và người này thì đắc chí vì cái chiến thắng mà người kia rắp tâm mang đến cho hắn. Từ đó nảy sinh ra sự tấn công và sự kháng cự, sự dũng mãnh của giới này và sự nhút nhát của giới kia, rốt cuộc là sự thuỳ mị và sự e thẹn mà tự nhiên đã võ trang cho phái yếu để nô lệ hoá phái mạnh.

Ai có thể nghĩ rằng tự nhiên đã vô tình định đoạt cùng những tiền định như nhau cho những người này và cho cả những người kia, và người đầu tiên hình thành các dục vọng cũng phải là người đầu tiên bày tỏ chúng ra? Sao sự phán đoán lại sai lạc kỳ lạ đến thế! Sự trù liệu có những kết quả quá khác nhau cho hai giới, liệu có tự nhiên hay chăng nếu họ cùng táo bạo như nhau mà lao vào đó? Làm sao người ta không thấy rằng với tính chất không đồng đều quá lớn trong sự sắp đặt chung, nếu như sự thận trọng không áp đặt cho giới này sự tiết chế mà tự nhiên áp đặt cho giới kia, thì sẽ mau chóng gây ra sự tàn lụi của hai giới, và loài người sẽ diệt vọng bởi những phương tiện đã được tạo ra để duy trì loài người? Người đàn bà gây xúc động các giác quan của đàn ông thật dễ dàng, và đi tới chỗ thức tỉnh tận đáy lòng họ những gì còn lại của một khí chất hầu như lụi tàn, nên nếu trên mặt đất này lại có vài vùng khí hậu tồi tệ nào đó mà lý thuyết đem vào đó cái tập quán này, nhất là ở các xứ nóng, ở đó người ta đẻ con gái nhiều hơn trai, thì bị đàn bà áp chế, cuối cùng đàn ông sẽ trở thành nạn nhân của đàn bà và tất cả thấy mình sẽ bị dẫn tới cái chết mà không bao giờ có thể tự vệ được.

Nếu như giống cái của loài súc vật không có sự xấu hổ như thế, thì sẽ ra sao? Liệu chúng có những dục vọng vô hạn độ mà sự xấu hổ ấy làm cái phanh hãm như ở những người đàn bà hay không? Dục vọng chỉ đến với chúng cùng với nhu cầu; nhu cầu thoả mãn rồi, thì dục vọng ngừng lại; chúng xua đuổi con đực không phải là giả đò, mà là thực sự: Chúng hành động hoàn toàn trái ngược với hành vi của con gái của Auguste; chúng không nhận thêm hành khách nữa khi con tàu đã đầy hàng hoá. Ngay cả trong lúc chúng tự do, các thời kỳ sẵn sàng đón nhận của chúng cũng ngắn ngủi và mau chóng qua đi; bản năng thúc đẩy chúng mà bản năng cũng bắt chúng ngừng lại. Đâu sẽ là sự bổ sung của cái bản năng phủ định này ở những người đàn bà, khi mà bạn tước bỏ của họ sự e thẹn? Mong cho họ đừng để ý đến đàn ông nữa thì cũng như mong đợi đàn ông không còn làm được trò trống gì.

Thượng đế đã muốn làm vẻ vang cho loài người trong mọi sự: Trong khi phú cho đàn ông những khuynh hướng vô chừng mực, Người lại đồng thời ban cho anh ta luật lệ để điều chỉnh những khuynh hướng ấy nhằm cho anh ta được tự do và điều khiển được chính mình; trong khi phó mặc anh ta cho những đam mê vô chừng mực, Người để bên các đam mê ấy lý trí để chỉ huy chúng; trong khi phó mặc đàn bà cho những dục vọng vô hạn độ, Người gắn vào các dục vọng ấy sự e thẹn để kìm nén chúng lại. Người còn bổ sung them vào đó một tưởng thưởng tức thời cho việc sử dụng đúng đắn các năng lực của con người, tức là biết ham thích những việc đúng đắn khi con người ta dung nó làm quy tắc cho hành động của mình. Theo tôi thì mọi chuyện này cũng đáng giá chẳng kém bản năng của súc vật.

Vậy dù giống cái của con người có chia sẻ hay không các dục vọng của đàn ông và có muốn hay không muốn thoả mãn chúng, nhưng họ cứ luôn luôn xua đuổi anh ta và bao giờ cũng chống cự, nhưng không phải bao giờ cũng với cùng một sức mạnh ấy, và do đó không phải bao giờ cũng thành công như nhau. Để cho kẻ tấn công được thắng thì kẻ bị tấn công phải cho phép hoặc khiến cho anh ta thắng; bởi vì có biết bao nhiêu là mánh lới khôn khéo để buộc kẻ tấn công phải dùng sức mạnh! Cử chỉ tự do nhất và dịu dàng nhất trong mọi cử chỉ không hề chấp nhận sự cưỡng bức thực sự, tự nhiên và lý trí chống lại điều đó: Tự nhiên thì chống lại bằng cách để cho kẻ yếu hơn có đủ sức mạnh cần thiết để chống cự khi kẻ đó thích thế, lý trí thì chống lại bằng cách làm cho một cưỡng bức thực sự không chỉ là cử chi thô bạo nhất trong mọi cử chỉ, mà còn là cử chì trái ngược nhất với mục đích của nó, hoặc vì  người đàn ông khi làm thế là tuyên chiến với bạn tình, và cho phép cô ta bảo vệ con người và tự do của mình dù phương hại đến cuộc sống của kẻ tấn công, hoặc vì chỉ riêng người đàn bà mới thẩm định được tình huống mà cô ta đang lâm vào, và vì một đứa con sẽ không có cha nếu mà người đàn ông có thể lấn quyền trong việc này.

Vậy đây là hệ quả thứ ba của sự cấu tạo các giới tính, đó là kẻ mạnh hơn bề ngoài thì ra vẻ ông chủ, nhưng thực ra lại phụ thuộc vào kẻ yếu hơn; và điều đó không phải do một tập quán tán tỉnh phù phiếm, cũng không phải do sự cao thượng khoe mẽ của người che chở, mà do một quy luật bất biến của tự nhiên trong khi phú cho người đàn bà nhiều thuận lợi trong việc khêu gợi dục vọng hơn là cho người đàn ông thuận lợi để mà thoả mãn các dục vọng đó lại làm cho anh ta bị phụ thuộc vào cái ý thích chuyên chế của người kia, dù rằng anh ta cũng có ý thích ấy, và buộc anh ta phải đến lượt mình tìm cách làm vui lòng người kia để được cô ta thuận tình cho mình là kẻ mạnh hơn. Thế thì cái dịu ngọt nhất của người đàn ông trong chiến thắng của anh ta là nghi ngờ rằng liệu có phải sự yếu đuối nhượng bộ sức mạnh, hay có khi lại là ý chí đầu hàng; và cái tinh quái thông thường của đàn bà lại là luôn luôn để mặc cho cái nghi vấn ấy cứ lởn vởn giữa cô ta và người ấy. Đầu óc của những người đàn bà về chuyện này tương xứng thật hoàn hảo với thể trạng của họ, đáng ra là xấu hổ vì sự yếu đuối của mình thì họ lại lấy thế làm tự đắc: Những cơ bắp mềm mại của họ đều không có sức bền bỉ: Họ cứ làm ra vẻ không sao nâng nổi những vật nặng dù là nhẹ nhất; họ sẽ xấu hổ nếu như mình mạnh mẽ. Tại sao vậy? Điều đó chẳng phải chỉ là để tỏ ra thanh tú, mà là do một trung tâm khôn khéo hơn; họ tiên liệu từ xa các cớ tạ lỗi và quyền được yếu đuối khi cần.

Sự tăng thêm các hiểu biết nhiễm từ các thói xấu của chúng ta đã làm thay đổi rất nhiều các dư luận cũ kỹ trong chúng ta về điểm này, và người ta không còn nói mấy về sự cưỡng bức nữa từ khi những việc đó chẳng còn cần thiết mấy nữa và người đàn ông không còn tin chắc vào việc ấy nữa[264]; chứ như thời thượng cổ Hy Lạp và Do thái thì những chuyện ấy là rất phổ biến, bởi vì chính các kiến giải cũ kỹ ấy đều ở trong sự giản đơn của tự nhiên, và duy chỉ có kinh nghiệm về thói đồi truỵ mới có thể trừ tuyệt được chúng. Nếu như ngày nay ta thấy ít nói đến các hành động cưỡng bức hơn, thì chắc chắn đó không phải do người đàn ông ngày nay ôn hoà hơn mà chính là do họ ít có lòng cả tin hơn, và do một sự than phiền nào đó ngày xưa có thể thuyết phục được đám dân thường còn ngày nay thì chỉ thu hút những tiếng cười nhạo báng; con người ta tốt hơn là im chuyện ấy đi. Trong cuốn Deuteronome có một luật lệ là một cô gái bị cưỡng dâm thì bị trừng phạt cùng với kẻ quyến rũ nếu như tội lỗi đã phạm là ở thành phố; nhưng nếu tội lỗi xảy ra ở nông thôn hay ở những vùng xa thì chỉ riêng người đàn ông bị trừng phạt; Bởi vì điều luật nói rằng cô gái đã kêu cứu nhưng không ai nghe thấy. Cách diễn giải khoan dung này dạy cho các cô gái đừng để bị dụ dỗ ở những nơi đông người qua lại.

Hiệu quả của những khác biệt ý kiến về các tập tục này là để nhận ra. Sự tán tỉnh phụ nữ theo phong cách hiện đại chính là thành quả của điều đó. Những người đàn ông, khi thấy rằng những vui thú của mình tuỳ thuộc vào ý chí của phái đẹp nhiều hơn là anh ta tưởng, đã chế ngự ý chí ấy bằng những sự chiều chuộng mà phái này đền bù xứng đáng cho anh ta.

Hãy xem thể xác dắt dẫn chúng ta một cách khó nhận biết đến tinh thần như thế nào, và từ sự kết hợp thô thiển của hai giới dần dần nảy sinh ra những luật lệ dịu ngọt nhất của tình yêu như thế nào.

Thể lực của những người đàn bà không hề dành cho họ bởi vì những người đàn ông muốn như thế, mà bởi vì tự nhiên muốn như thế-thế lực ấy đã thuộc về họ trước khi họ có vẻ như có nó. Chính Hereule ngỡ mình cường bức năm mươi người con gái của Thespius, song vẫn phải kéo sợi bên cạnh Omphale[265]; và Samson mạnh mẽ lại không mạnh bằng Dalila. Thế lực này là thuộc về đàn bà, và không thể tước bỏ khỏi họ được, ngay cả khi họ lạm dụng nó: Nếu họ có thể mất nó, thì họ đã mất nó từ lâu rồi.

Chẳng có sự tương đồng nào về mặt hậu quả của giới tính giữa hai giới. Con đực chỉ là con đực trong một số khoảnh khắc nào đó, còn con cái lại là con cái suốt cả đời, hay ít ra là suốt tuổi thanh xuân; mọi thứ luôn không ngừng nhắc nhở cho cô ta về giới tính của mình, và để làm tròn các chức năng của giới, thì cần phải có một thể trạng tương ứng. Với cô ta cần phải có sự tiết chế trong thời kỳ mang thai, cần phải nghỉ ngơi khi sinh nở; cô cần có một cuộc sống êm ả và ít đi ra khỏi nhà để cho con bú, muốn dạy con cô lại cần có sự kiên nhân và dịu dàng, nhiệt tâm, trìu mến không biết chán; cô ta là mối dây liên hệ giữa các con cô và cha chúng, chỉ riêng mình cô làm được cho chúng yêu mến cha mình và làm cho ông ta tin và gọi chúng là các con của mình. Cô cần đến biết bao nhiêu là tình âu yếm và chăm sóc để duy trì toàn thể gia đình trong sự hợp nhất! Và rốt cuộc thì tất cả các điều đó không hẳn là những đức hạnh mà lại là các hứng thú, thiếu nó thì loài người chẳng mấy chốc mà lụi tàn.

Tính nghiêm cẩn của các bổn phận liên quan đến hai giới không là và ông không thể là như nhau. Khi người đàn bà phàn nàn về sự không bình đẳng bất công mà người đàn ông đưa vào đó thì cô ta đã lầm; sự bất bình đẳng này không hề là do con người định ra, hay ít ra là nó cũng không hề là sản phẩm của thiên kiến, mà là của lẽ phải: Người nào mà thiên nhiên gửi gắm những đứa con phải đảm bảo chúng cho người kia. Rõ ràng là không ai được phép vi phạm lời thề ước của mình, và người chồng không chung thủy nào tước mất của vợ mình cái giá duy nhất cho các nghĩa vụ khắc nghiệt của nữ giới là một người đàn ông bất chính và dã man; nhưng người vợ không chung thủy lại còn tệ hơn, cô ta phá tan gia đình và huỷ hoại mọi mối gắn bó của tự nhiên; trong khi gán cho người đàn ông những đứa con không phải của hắn, cô ta phản bội cả người này lẫn người kia, sự không chung thủy còn có cả sự nham hiểm. Tôi khó mà thấy sự dâm đãng nào và tội lỗi nào lại không dính líu tới điều này. Nếu có một tình huống thê thảm ở đời, thì đó là tình trạng một người cha bất hạnh mất hết lòng tin vào vợ mình, không dám buông mình cho những tình cảm dịu dàng nhất của lòng mình, và trong khi ôm hôn con mình lại nghi ngờ liệu có phải mình đang ôm hôm đứa con của một kẻ khác, cái vật chứng của sự ô danh của mình, kẻ cướp đoạt tài sản của những đứa con thực sự của mình hay không. Lúc đó thì gia đình còn là cái gì, nếu không phải là một tập hội những kẻ thù giấu mặt mà một người vợ phạm tội vũ trang cho kẻ này chống lại kẻ kia trong khi cứ bắt họ phải đóng trò yêu mến lẫn nhau?

Vậy điều quan trọng là chẳng những người vợ chung thủy, mà cô ta cần được chồng mình, những người gần gũi, được tất cả mọi người đánh giá là chung thủy; cô ta cần phải khiêm nhường, ân cần, kín đáo và cần phải đem lại cho con mắt người khác cũng như cho lương tâm của chính mình, cái bằng chứng về đức hạnh của mình. Cuối cùng nếu một người cha yêu các con mình là điều hệ trọng thì việc người cha ấy yêu mến mẹ chúng cũng hệ trọng không kém. Những điều ấy là những lý do làm cho chính cái bề ngoài cũng nằm trong số những bổn phận của người vợ, đem lại cho những người vợ danh tiết và tiếng tốt cần thiết không kém sự trinh bạch. Từ những nguyên tắc này mà suy ra một lý do mới về bổn phận và sự thích đáng đòi hỏi những người vợ phải đặc biệt thận trọng về hạnh kiểm của mình, về cung cách của mình, về tư thái của mình. Cứ cổ vũ một cách mơ hồ rằng hai giới là bình đẳng, rằng bổn phận của họ đều như nhau, chính là đi lạc vào những lối nói hoa mỹ hão huyền, chính là không nói lên được điều gì cũng như người ta không hưởng ứng điều đó.

Phải chăng đó là một cách lập luận thật vững vàng, khi đưa ra những ngoại lệ để chống lại các quy luật chung đã được thiết lập rõ ràng? Quý vị nói rằng, những người vợ chẳng phải bao giờ cũng sinh con đó sao! Không, nhưng sứ mệnh riêng của họ là làm việc đó. Sao! Bởi vì có khoảng một trăm thành phố lớn trong thế giới này có những người vợ vì sống phóng túng mà đẻ ít con, các vị bảo rằng thể trạng của người đàn bà là đề đẻ ít! Và các thành phố của quý vị sẽ ra sao, nếu những vùng nông thôn xa xôi, nơi mà những người đàn bà sống giản dị hơn và trong trắng hơn, không bù đắp cho sự vô sinh của các quý phu nhân? Ở bao nhiêu tỉnh lẻ những người đàn bà chỉ đẻ có bốn hay năm con đã bị coi là kém mắn đẻ rồi?[266] Cuối cùng thì người đàn bà này hay người đàn bà nọ đẻ ít thì có hệ trọng gì? Phải chăng địa vị của những người đàn bà được làm mẹ sẽ kém đi? Và phải chăng các quy luật chung của tự nhiên và của phong tục phải bù đắp cho tình trạng ấy?

Khi có những khoảng cách khá dài giữa các thời kỳ mang thai như người ta dự định, liệu rằng một người đàn bà có chuyển đổi đột ngột và lần lượt lối sống của mình mà không nguy hiểm và không rủi ro chăng? Liêu rằng họ ngày hôm nay là người mẹ cho con bú rồi ngày mai lại thành chiến binh chăng? Liệu họ có thay đổi khí chất và thị hiếu giống như một con tắc kè hoa đổi màu chăng? Họ có chuyển đột ngột từ bóng mát kín cổng cao tường và những lo toan nội trợ sang những xâm hại của khí trời, sang công việc lao động, sang những nỗi nhọc nhằn, sang những hiểm nguy của chiến trận được chăng? Liệu họ có lúc thì sợ sệt[267], lúc thì dũng mãnh, lúc thì ẻo lả, lúc thì mạnh mẹ không? Nếu những người trẻ tuổi lớn lên ở Paris khó mà chịu nổi binh nghiệp, thì những người đàn bà chưa từng đối mặt với Mặt trời, và đi bộ cũng còn khó khăn, liệu họ có chịu đựng nổi cái nghề ấy sau năm mươi năm sống dật lạc không? Liệu các bà ấy có chọn cái nghề khó nhọc ấy ở độ tuổi mà người đàn ông thì đã bỏ nghề ấy rồi?

Có những xứ sở mà ở đó đàn bà sinh nở hầu như chẳng khó khăn gì và nuôi con hầu như chẳng cần chăm sóc gì: Nhưng ở chính các xứ sở ấy những người đàn ông ở trần đi ra ngoài vào bất cứ lúc nào, hạ gục những con dã thú, vác một cái thuyền cứ như mang một cái tay nải, đi săn xa nhà đến bảy tám trăm dặm, ngủ ngoài trời ngay trên mặt đất, chịu đựng sự mệt nhọc ghê gớm, và sống nhiều ngày chẳng ăn gì. Khi đàn bà trở nên mạnh mẽ thì đàn ông lại còn trở nên hơn thế nữa; khi đàn ông ẻo lả đi thì đàn bà còn èo lả hơn; khi chỉ số cả hai phái thay đổi như nhau thì khoảng cách vẫn cứ giữ như cũ.

Trong cuốn Cộng hoà, Platon cho đàn bà cũng những cách hành xử như đàn ông; tôi tin điều đó. Trong khi bỏ đi các gia đình riêng khỏi chỉnh thể của ông, và chẳng còn biết làm gì hơn với những người đàn bà, ông thấy mình đành phải cho họ làm đàn ông vậy. Bậc kỳ tài này đã trù liệu tất cả, đã dự phòng mọi việc: Ông đón trước một sự phản bác mà có lẽ chẳng ai nghĩ tới chuyện đặt ra với ông; nhưng ông đã không giải quyết được tốt điều phản bác mà người ta nêu ra cho ông. Tôi không nói gì về cái gọi là cộng đồng của những người đàn bà, mà sự chê bai lặp đi lặp lại bao nhiêu lần chứng tỏ rằng những người chê bai ông chưa từng bao giờ đọc ông; mà tôi nói về sự lộn xộn về dân sự đem trộn lẫn khắp nơi hai giới trong cùng những chức nghiệp như nhau, trong cùng những việc làm như nhau, và không thể không gây ra những lạm dụng quá đáng; tôi nói về sự huỷ hoại ấy của những tình cảm êm đềm nhất của tự nhiên, bị hy sinh cho một tình cảm màu mè giả tạo chỉ có thể tồn tại nhờ những lạm dụng ấy: Cứ như là không phải cần đến một gắn kết tự nhiên để hình thành nên những mối liên hệ theo ước lệ! Cứ như tình yêu mà người ta dành cho những người thân chẳng phải là nguyên khởi tình yêu mà ta phải dành cho Nhà nước! Cứ như chẳng phải do tổ quốc nhỏ bé là gia đình mà trái tim gắn bó với tổ quốc lớn! Cứ như chẳng phải là người con ngoan, người chồng tốt, người cha tốt trở thành người công dân tốt!

Kể từ lúc chứng minh được rằng người đàn ông và người đàn bà không phải và cũng không nên được cấu thành y như nhau, cả về tính cách lẫn khí chất thì ta đã kết luận rằng họ không nên được giáo dục như nhau. Theo những chi phối của tự nhiên, họ phải hiệp đồng hoạt động, nhưng họ không phải làm cùng những việc giống nhau, công việc thì có mục đích chung, nhưng loại công việc cho mỗi giới là khác nhau và do đó các thị hiếu hướng dẫn công việc cũng khác nhau. Sau khi đã cố gắng đào tạo con người của tự nhiên, để tránh cho tạo phẩm của chúng ta thiếu hoàn hảo, chúng ta phải xét đến cả việc người đàn bà thích hợp với người đàn ông ấy phải tự đào tạo như thế nào.

Quý vị muốn luôn luôn được đi đúng hướng thì xin hãy luôn luôn theo đúng các chỉ dẫn của tự nhiên. Tất cả những gì biểu thị giới tính đều phải được tôn trọng như là được tạo dựng nên bởi tự nhiên. Quý vị cứ luôn mồm nói rằng: Đàn bà có những nhược điểm này nọ mà chúng ta không có. Niềm kiêu hãnh của quý vị làm cho quý vị nghĩ lầm; đó là các khuyết điểm của quý vị đấy, mà đó lại là các phẩm chất của đàn bà; mọi chuyện sẽ chẳng tốt đẹp được như thế đâu nếu đàn bà không có các phẩm chất ấy. Quý vị hãy ngăn trở sự biến chất của những điều gọi là các khuyết điểm ấy nhưng hãy cẩn trọng đừng huỷ hoại chúng.

Về phần mình, những người đàn bà lại cứ luôn mồm la lối lên rằng chúng ta giáo dục cho họ thói phù phiếm và làm đỏm, rằng chúng ta cứ lừa họ vào những trò chơi trẻ con để dễ dàng làm chủ họ hơn, họ công kích chúng ta về những khuyết điểm mà chúng ta trách cứ họ. Thật điên rồ làm sao! Và những người đàn ông lại dính líu vào việc giáo dục các cô gái từ bao giờ vậy? Ai là người cản trở các bà mẹ giáo dục các cô như họ mong muốn? Các cô chẳng hề có các trường trung học: Chẳng hề gì! Ồ, giá như nhờ trời trên con trai cũng chẳng hề có trường? Chúng sẽ được giáo dục hợp lý hơn và đúng đắn hơn. Ai mà bắt được con gái các bà phải phí thì giờ của mình vào các chuyện ba láp chứ! Ai mà buộc được họ dành nửa đời mình cho việc trang điểm, theo gương của các bà? Có ai cản trở các bà dạy dỗ con gái mình và cho dạy dỗ chúng theo ý các bà đâu? Phải chăng là lỗi của chúng tôi nếu các cô làm chúng tôi ưa chuộng khi thấy các cô xinh đẹp, nếu thói nhõng nhẽo của các cô quyến rũ chúng tôi, nếu cái nghệ thuật mà các cô học được ở các bà lại thu hút và mơn trớn được chúng tôi, nếu chúng tôi thích nhìn thấy các cô ăn mặc thanh nhã, nếu chúng tôi để các cô mặc sức mà mài dũa các vũ khí mà các cô dùng đem chinh phục chúng tôi? Ô! Các bà hãy quyết định giáo dục các cô con gái mình như những người đàn ông đi, đàn ông sẽ sẵn lòng tán thành ngay việc này. Các cô càng muốn giống họ thì các cô càng chi phối họ ít đi, và chính vì thế mà họ sẽ thực sự trở thành các chủ nhân ông.

Một năng lực chung cho hai giới không phải là được phân phối cho họ như nhau; nhưng xét về tổng thể thì chúng bù đắp cho nhau. Người đàn bà có giá trị hơn khi xét họ như người đàn bà, kém giá trị hơn khi xét họ như người đàn ông, ở chỗ nào mà họ đòi quyền lợi của họ thì họ thắng thế, ở chỗ nào họ muốn lấn quyền chúng ta, thì họ rớt xuống bên dưới chúng ta. Ta chỉ có thể cãi lại cái chân lý phổ biến này bằng những ngoại lệ; đây là cái cung cách bất biến để biện minh của những người theo đuổi lối tán tỉnh phái đẹp.

Trau dồi ở đàn bà những phẩm chất đàn ông, và sao nhãng việc trau dồi những phẩm chất được dành riêng cho họ, vậy rõ ràng là làm thiệt hại cho họ. Những người đàn bà giảo quyệt thấy quá rõ điều đó nên chẳng dễ bị lừa; trong khi cố sức lấn lướt những mặt trội của chúng ta, họ chẳng từ bỏ những ưu điểm của mình; nhưng do đó mà, vì không thể nào điều hoà được các phẩm chất này với các phẩm chất kia bởi vì chúng tương kỵ, những người đàn bà ấy rớt xuống dưới tầm của họ mà cũng không thể vươn tới tầm của chúng ta, và mất đi một nửa giá trị của mình. Hãy tin tôi, hỡi người mẹ thấu tình đạt lý, xin đừng biến con gái mình thành một người đàn ông ngay thật, như thể muốn đính chính tự nhiên; xin hãy biến con gái mình thành một người đàn bà đức hạnh và xin hãy tin chắc rằng như thế là có giá trị hơn cho cô ta và cho chúng tôi.

Kết quả là liệu cô ta cứ phải được giáo dục một cách hạn chế trong các chức năng của người nội trợ mà không biết tí gì về mọi việc khác chăng? Người đàn ông sẽ làm cho người bạn đời thành con hầu của mình chăng? Khi ở cạnh cô anh ta sẽ nhịn niềm hứng khởi lớn nhất là giao du với mọi người chăng? Để nô lệ hoá cô ta cho chắc chắn hơn liệu anh ta có cản trở để cô không cảm nhận được gì, không biết một tí gì chăng? Liệu anh có làm cho cô thành một kẻ ngu đần thực sự chăng? Rõ ràng là không; mà tự nhiên cũng không có ý như vậy khi phú cho người đàn bà một tâm trí dễ thương đến thế và tế nhị đến thế; trái lại, tự nhiên muốn cho họ biết suy nghĩ, biết phán đoán, biết yêu, biết tìm hiểu, biết trau dồi tâm trí mình như trau dồi bộ mặt mình; đó là những vũ khí mà tự nhiên cung cấp cho họ để hỗ trợ thêm cho sự thiếu hụt của họ về sức mạnh và để điều khiển sức mạnh của chúng ta. Các cô phải học rất nhiều chuyện, nhưng chỉ học những gì các cô nên biết mà thôi.

Hoặc là tôi có xét đến cái đích riêng cho giới tính, hoặc là tôi có khảo sát các khuynh hướng của giới, hoặc là tôi có đề cập đến những bổn phận của giới, mọi thứ đó đều cùng góp phần như nhau vào việc chỉ ra cho tôi hình thức giáo dục nào là phù hợp với giới. Người đàn bà và người đàn ông được tạo ra là để vì nhau, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau của họ lại không ngang nhau: Đàn ông phụ thuộc vào đàn bà bởi dục vọng của mình; đàn bà phụ thuộc vào đàn ông vừa do dục vọng của họ vừa do nhu cầu của họ; chúng ta có thể sống thiếu họ hơn là họ có thể sống mà thiếu chúng ta. Để cho họ có thứ cần dùng, để cho họ được ở địa vị đàng hoàng, thì chúng ta phải cung cấp điều đó cho họ, chúng ta phải muốn cung cấp điều đó cho họ, chúng ta phải đánh giá họ xứng đáng với điều đó; họ phụ thuộc vào tình cảm của chúng ta, vào việc đánh giá của chúng ta về họ, khi xét đến cái duyên dáng và đức hạnh của họ. Cũng do chính quy luật của tự nhiên, những người đàn bà, cả họ lẫn con cái của họ, đều chịu sự chi phối hoàn toàn của những phán quyết của những người đàn ông: Họ đáng quý mến là không đủ mà họ phải được quý mến; họ xinh đẹp là chưa đủ mà phải là họ được yêu thích; họ trinh thục là chưa đủ mà họ phải được công nhận là như thế; danh giá của họ không chỉ ở hạnh kiểm của họ mà là ở tiếng tăm của họ; và không thể nào có ai đành lòng để bị coi là ô nhục lại có thể trở nên chính trực được bao giờ. Người đàn ông, trong khi làm việc thiện, chỉ phụ thuộc vào bản thân mình, và có thể bất chấp sự phán xét của công chúng nhưng người đàn bà, khi làm việc thiện chỉ mới làm có một nửa công việc của mình, và điều mà ta nghĩ về cô ta không kém phần quan trọng với cô so với điều mà cô làm trong thực tế. Từ đó suy ra rằng xét về phương diện này thì hệ thống giáo dục cho nữ giới phải trái hẳn với hệ thống của chúng ta: dư luận là mồ chôn đức độ với đàn ông còn với đàn bà thì dư luận lại làm cho đức hạnh của họ lên ngôi.

Thể trạng của con trẻ tuỳ thuộc trước hết vào thể trạng của các bà mẹ, việc giáo dục đầu tiên cho những người đàn ông tuỳ thuộc vào sự chăm sóc của những người đàn bà; những thói quen, những đam mê, những thị hiếu, những thú vui, ngay cả hạnh phúc của họ nữa cũng phụ thuộc vào những người đàn bà. Như vậy thì toàn bộ việc giáo dục của người đàn bà phải có quan hệ với người đàn ông. Được họ yêu mến, có ích cho họ, làm cho họ yêu mình và làm cho họ tôn trọng mình, giáo dục họ lúc họ còn trẻ, chăm sóc họ lúc họ lớn khôn, khuyên nhủ họ, an ủi họ, làm cho cuộc sống của họ thoải mái và êm đềm: Đó là những bổn phận của người đàn bà trong mọi thời đại, và đó là điều mà phải dạy cho họ từ khi còn thơ ấu. Chừng nào mà người ta còn chưa đạt tới được nguyên tắc này, người ta sẽ còn rời xa mục đích, và mọi giáo huấn mà người ta đem lại cho họ chẳng phục vụ gì được cho hạnh phúc của họ cũng như cho hạnh phúc của chúng ta.

Nhưng, dù rằng mọi người đàn bà đều muốn được đàn ông yêu thích và phải muốn được như thế, nhưng lại thực quá khác biệt giữa việc làm cho người đàn ông có chân giá trị, cho người đàn ông thực sự đáng yêu đem lòng yêu thích mình với việc làm cho những kẻ hèn mọn dễ thương chuyên làm nhục giới của chúng và làm nhục giới mà chúng bắt chước đem lòng yêu thích mình. Chẳng có bản tính nào lẫn lý trí nào có thể làm cho người đàn bà đem lòng yêu mến ở người đàn ông những điều giống mình, và cũng không phải cô ta dùng những cung cách đàn ông là khiến cho người ta yêu mình.

Như vậy thì, trong khi từ bỏ cái giọng nói nhu mì và đoan trang của giới mình, các cô lại bắt chước thói của những kẻ thô thiển ấy, đáng lẽ giữ theo thiên hướng của mình, các cô lại rũ bỏ nó; các cô tước bỏ của chính mình những quyền mà các cô nghĩ rằng trấn đoạt được. Các cô bảo rằng nếu các cô sống khác đi thì đàn ông sẽ không còn yêu thích các cô nữa. Các cô nói dối. Có là con điên mới đi yêu những thằng khùng; ham muốn quyến rũ những con người ấy vạch rõ cái thị hiếu của con người phó mình cho ham muốn ấy. Nếu không có những người đàn ông phù phiếm, cô vội vàng để tạo ra bên họ; và sự phù phiếm của họ thì đúng là tạo phẩm của cô hơn là những thói phù phiếm của cô là tạo phẩm của họ. Người đàn bà yêu những người đàn ông chân thật và muốn họ yêu mình, dùng những cách thức phù hợp với chủ ý của mình. Người đàn bà hay làm dáng do bản tính; nhưng sự làm dáng thay đổi hình thức và đối tượng theo quan niệm của họ; hãy điều chỉnh các quan niệm ấy theo các quan niệm của tự nhiên thì người đàn bà được hấp thụ sự giáo dục thích hợp với họ.

Các bé gái, hầu như là thích trang điểm từ thuở lọt lòng: Không bằng lòng là mình xinh đẹp, các bé gái muốn rằng người ta thấy chúng xinh đẹp: Người ta thấy rằng sự quan tâm này đã làm bận tâm các bé, qua các dáng vẻ bé tí xíu của chúng rồi; và khi các bé vừa mới hiểu được người ta nói với chúng điều gì, thì người ta điều khiển chúng bằng cách nói ra điều mà người ta sẽ nghĩ về chúng. Đúng là cái ý định ấy mà đem áp dụng cho các bé trai một cách thiếu cân nhắc thì có mà còn xơi mới áp đặt được lên chúng sự chi phối giống như thế. Chúng quan tâm rất ít đến điều mà người ta sẽ có thể nghĩ về chúng miễn là chúng không bị phụ thuộc và chúng có niềm vui. Chỉ bỏ ra nhiều thời gian và công sức người ta mới bắt được chúng theo cũng quy luật ấy.

Bài học đầu đời này từ đâu đến với các bé gái cũng đều rất tốt. Chính vì thân xác sinh ra có thể nói là trước tâm hồn, nên sự rèn luyện đầu tiên phải là rèn luyện thân thể: Thứ tự này là chung cho cả hai giới. Nhưng mục tiêu của sự rèn luyện ấy lại khác nhau: Ở giới này thì mục tiêu ấy là phát triển các sức mạnh, ở giới kia lại là trau dồi các duyên sắc: Các phẩm chất này không phải là độc hữu của mỗi người, riêng có thứ tự là bị đảo lộn: Đàn bà cần đủ sức lực để làm mọi việc mà họ làm một cách duyên dáng; đàn ông cần đủ khéo léo để làm tất cả những việc mà họ làm một cách dễ dàng.

Tính ôn nhu của đàn ông khởi phát do tính ôn nhu thái quá của đàn bà. Đàn bà không cần phải tráng kiện như họ, mà là vì họ, để cho đàn ông phát sinh từ người đàn bà cũng được tráng kiện. Để được như thế các trường nữ học nội trú của giáo hội Thiên chúa nuôi dưỡng các nữ sinh nội trú bằng những thực phẩm thô, nhưng với rất nhiều cuộc chạy nhảy nô đùa, chạy thi, các trò chơi ngoài trời và trong vườn đáng được ưa thích hơn so với ở nhà cha mẹ, ở đó thì một thiếu nữ được nuôi dưỡng thật tinh tế, luôn được mơn trớn hoặc bị trách mắng, luôn luôn ngồi trong tầm mắt của mẹ trong phòng cửa đóng chặt, không dám cả đứng lên, lẫn nói năng, đi lại, không cả dám thở nữa, và chẳng có lấy một lúc nào được tự do mà chơi đùa, chạy nhảy, la hét, buông mình vào sự hăng say tự nhiên của lứa tuổi mình: Lúc nào cũng hoặc buông thả nguy hiểm hoặc nghiêm ngặt hiểu một cách sai lầm; chẳng bao giờ theo lý trí. Người ta tàn phá thể xác và tâm hồn thanh niên như thế đấy.

Các cô thiếu nữ Sparte tập luyện như con trai các trò chơi quân sự, không phải để ra trận mà đã một ngày nào đó mang thai những đứa con có thể chịu đựng được những vất vả khó nhọc của chiến trận. Điều mà tôi tán thưởng không phải là điều ấy: Để cung cấp lính cho nhà nước thì không cần cho các bà mẹ phải vác súng hoả mai và tập tành theo kiểu Phổ; nhưng tôi cho rằng nhìn chung giáo dục của Hy Lạp là rất giỏi ở phần này. Các thiếu nữ thường hay xuất hiện luôn trước công chúng nhưng không trà trộn vào các thiếu niên nam mà tụ tập lại với nhau. Hầu như chẳng có ngày hội nào, cuộc hiến tế nào, cuộc tế lễ nào mà người ta không thấy có những đoàn thiếu nữ là con gái của các công dân hạng nhất đội vòng hoa trên đầu xếp thành hàng hát tụng ca, họp thành đội múa hát, mang theo những cái làn, những chiếc bình, những đồ cúng lễ và phô diễn trước cảm quan hư hỏng của đàn ông Hy Lạp một cảnh tượng dễ thương và thích hợp đề cân bằng hiệu quả xấu của sự luyện tập thể dục thiếu đoan trang của họ. Dù tập quán này gây ấn tượng gì lên trái tim những người đàn ông thì bao giờ nó cũng rất tốt cho việc tạo ra ở đàn bà một thể trạng tốt trong tuổi thanh xuân bằng những bài tập luyện thoải mái, vừa phải, bổ ích, và cho việc mài giũa và hình thành thị hiếu của họ bằng lòng ham muốn được yêu thích luôn luôn mà chẳng bao giờ khiến phẩm hạnh của mình bị nguy hiểm.

Ngay khi những cô gái trẻ ấy lấy chồng, người ta không còn nhìn thấy họ ở chốn công cộng nữa; giam mình trong nhà, mọi lo toan của họ chỉ hạn chế trong việc nội trợ và gia đình của họ. Đấy là lối sống mà tự nhiên và lý trí đã quy định cho đàn bà. Cho nên từ những người mẹ này sinh ra những người đàn ông lành mạnh nhất, cường tráng nhất, cân đối nhất của thế gian; và mặc cho tiếng xấu của một vài hòn đảo nào đó, còn thì bao giờ, vẫn thấy trong mọi dân tộc trên thế giới, không loại trừ ngay cả những người La Mã, người ta không thể nêu ra được bất kỳ một nơi nào mà người đàn bà vừa thông minh hơn vừa khả ái hơn và lại kết hợp được tốt hơn phẩm hạnh với sắc đẹp như là Hy Lạp cổ đại.

Ta biết rằng sự thoải mái của những y phục không làm vướng bận thân thể chút nào đã góp phần rất nhiều cho thân thể cả hai giới có những cân đối mà ta thấy ở những pho tượng của họ; những sự cân đối này vẫn còn dung làm mẫu cho nghệ thuật khi tự nhiên bị biến thái đã thôi không cung cấp cho nghệ thuật khuôn mẫu đó trong chúng ta. Về tất cả những xiềng xích của trào lưu Gothique, về vô số những dây nhợ chằng buộc chèn ép chân tay chúng ta từ mọi phía, họ chẳng phải chịu một thứ nào hết. Phụ nữ nước họ không biết những chiếc gọng, chiếc nịt mà phụ nữ nước chúng ta dùng để nguỵ tạo eo lưng chứ không chịu để lộ nó ra. Tôi không sao hiểu được rằng cái thói xấu này đã được đẩy lên một điểm không sao hiểu nổi ở Anh, rốt cuộc lại không làm thoái hoá giống loài, và tôi cũng quả quyết rằng người ta lấy đó làm mục tiêu duyên sắc, thì thật là kém thẩm mỹ. Thật chẳng dễ chịu gì khi nhìn thấy một người đàn bà bị cắt làm đôi như một con ong vò vẽ; điều đó thật chướng mặt và làm tổn thương trí tưởng tượng. Sự thanh tú của tầm vóc cũng như mọi thứ còn lại đều có sự cân đối của nó, có kích thước của nó, vượt qua cái đó thì chắc chắn là một khuyết tật: Khuyết tật này thậm chí sẽ đập vào mắt khi loã thể: Tại sao nó lại là cái đẹp được khi khuất lấp dưới y phục!

Tôi không dám cãi lại các lý lẽ làm cho các bà cứ khăng khăng tự bó mình lại như thế: Một bộ ngực chảy xệ, một cái bụng phệ ra v.v… Điều đó thật chẳng làm được cho ai ưa thích, tôi tán thành điều đó, khi đó là chuyện của một người hai mươi tuổi, những chuyện ấy không còn làm cho người ta thấy chướng ở tuổi ba mươi; và bất chấp ý muốn của chúng ta, cần phải luôn luôn tồn tại thuận ý tự nhiên, và trong chuyện này con mắt của người đàn ông không lầm đâu, những khuyết tật ấy thật ít làm cho người ta khó chịu ở mọi lứa tuổi hơn là sự kiểu cách dở hơi của một cô gái bốn mươi.

Mọi sự cản trở và gò ép tự nhiên đều khó coi; điều đó là đúng cho những đồ trang sức của thân thể giống như những thứ tô điểm cho tâm hồn. Sự sống, sức khỏe, lý trí, sự an lạc phải được coi trọng hơn mọi thứ, sự duyên dáng không thể hiện ra được nếu thiếu sự thoải mái; sự tế nhị dịu đàng không hề là sự uể oải, không chịu được độc hại để làm cho người ta yêu thích mình. Người ta khêu gợi lòng thương cảm khi người ta đau khổ; nhưng sự hoan lạc và dục vọng lại tìm kiếm cái tươi mát của sức khỏe.

Trẻ em ở cả hai giới có rất nhiều trò vui đùa giống nhau, và điều đó là phải thế, phải chăng chúng cứ như thế khi lớn lên? Chúng cũng có những thị hiếu riêng làm cho chúng khác nhau. Các trẻ em trai tìm kiếm sự vận động và tiếng ồn: Những cái trống ếch, những con quay, những cỗ xe ngựa nhỏ; các thiếu nữ thích hơn những cái ưa nhìn và dùng làm đồ trang trí: Những chiếc gương, những đồ trang sức, những mảnh vải vụn, nhất là những con búp bê: Con búp bê là đồ chơi đặc thù của giới này; thật hiển nhiên là thị hiếu của giới được xác định bởi dụng ý của nó. Bản chất của nghệ thuật làm người ta yêu thích là ở sự trang điểm: Đó là tất cả những gì mà bọn trẻ có thể trau dồi về nghệ thuật này.

Hãy xem một bé gái chơi suốt ngày với con búp bê của nó, không ngừng thay đổi cách trang sức cho nó, mặc quần áo cho nó, thay quần áo cho nó hàng trăm lần, không ngừng nghỉ tìm tòi kết hợp những bộ đồ trang điểm mới được kết hợp khéo léo hay vụng về, không hề gì, những ngón tay còn vụng về, thị hiếu chưa hình thành, nhưng khuynh hướng đã lộ ra; trong cái bận rộn bất tận đó thời gian trôi đi mà cô bé chẳng để ý đến; hàng giờ qua đi mà các cô không biết, cô quên cả bữa ăn, cô đói đồ trang sức hơn là đói thức ăn. Nhưng quý vị bảo sao, cô bé trang điểm cho con búp bê của mình chứ không trang điểm cho con người mình. Hẳn là thế, cô bé nhìn thấy con búp bê của cô mà không nhìn thấy bản thân cô, cô bé không thể làm gì được cho chính cô, cô bé chưa được đào tạo, cô bé không có cả tài lẫn sức, cô bé còn chưa là gì cả, cô bé tồn tại tất cả trong con búp bê của mình, cô bé đem vào đó tất cả cái tính làm đỏm của mình. Cô sẽ chẳng để thế mãi đâu, cô đợi cái lúc chính cô là con búp bê nọ.

Vậy đó là một thị hiếu đầu tiên đã được xác định rõ: Quý vị chỉ còn phải theo dõi nó và điều chỉnh nó. Chắc chắn là cô bé hết lòng muốn biết cách trang điểm cho con búp bê của mình, làm những chiếc nơ ở tay áo nó, khăn quàng của nó, chiếc diềm vải xếp nếp cho gấu áo, dải đăng ten của nó; trong mọi chuyện này người ta làm cho cô tuỳ thuộc ngặt nghèo vào ý muốn của người khác, thành thử cô sẽ thuận tiện hơn nhiều khi nhờ tất cả vào kỹ xảo của mình. Đấy là lý do để người ta đưa ra những bài học đầu tiên cho cô: Không phải là người ta chỉ định các nhiệm vụ cho cô, mà là những thiện ý của mọi người với cô. Và thực ra hầu như tất cả các bé gái đều chán ghét học đọc, học viết, còn về việc cầm cây kim lại là việc các cô bao giờ cũng vui lòng mà học. Các cô kịp thời tưởng tượng ra mình đã lớn, và sung sướng nghĩ rằng những tài năng ấy có ngày sẽ có thể giúp cho các cô trang điểm cho mình.

Thật dễ dàng đi theo con đường đầu tiên đã được khai thông này: Việc khâu vá thêu thùa, thêu ren tự nó lần lượt đến. Việc dệt thảm còn chưa khiến cho các cô thích thú lắm: Các đồ đạc trong nhà quá xa với các cô, chúng không có gì gắn bó trực tiếp với con người mà gắn bó với những kiến giải khác. Việc dệt thảm là trò chơi của các bà; nó chẳng bao giờ gây được một thích thú quá lớn cho các cô thiếu nữ.

Những tiến triển tự nguyện này dễ dàng trải rộng đến cả hội hoạ, vì nghệ thuật này không phải là không quan hệ tới nghệ thuật ăn mặc có thẩm mỹ: Nhưng tôi không muốn người ta đem những tiến bộ ấy ứng dụng vào phong cảnh, mà vào chân dung thì lại càng ít muốn hơn. Những tán lá, những chum quả, những chùm hoa, những màn trướng, tất cả mọi thứ có thể tạo nên một hình thái lịch sự cho những đồ trang trí, và để tự mình tạo nên một mẫu thêu khi người ta không tìm được mẫu như ý, thế là đủ rồi. Nói chung cần phải hạn chế việc học của đàn ông trong những kiến thức thích dụng, điều đó còn cần hơn cho đàn bà, bởi lẽ cuộc sống của họ, dù rằng ít khó nhọc hơn, vẫn có hoặc luôn luôn phải có sự chăm sóc của họ, và lại còn chia sẻ ra thành nhiều thứ cần chăm sóc khác nhau, không cho phép họ được tự do lựa chọn một năng lực nào xâm hại đến bổn phận của họ.

Dù những kẻ thích khôi hài nói thế nào, song lương tri đều có ở cả hai giới. Nói chung, các cô thiếu nữ để bảo hơn các cậu thiếu niên, và thậm chí người ta phải dùng đến nhiều quyền lực hơn đối với các cô, như tôi sắp nói đến sau đây; nhưng không phải vì thế mà được đòi hỏi ở các cô những cái mà các cô không thể thấy rõ ích lợi; nghệ thuật của các bà mẹ là vạch rõ cho các cô thấy ích lợi trong mọi điều mà các bà sai khiến các cô làm, và điều đó càng dễ dàng hơn, vì trí thông minh ở các thiếu nữ có sớm hơn ở các nam thiếu niên. Quy tắc này loại trừ ra khỏi giới nữ cũng như giới nam, không chỉ mọi việc học nhàn tản chẳng đem lại điều gì tốt lành, thậm chí không làm cho những người đã học hành điều đó được người khác thấy là dễ thương hơn, mà còn loại trừ tất cả những lợi ích không hợp độ tuổi, mà đứa trẻ không thể dự cảm được trong một độ tuổi lớn hơn. Tôi còn chẳng muốn người ta thúc giục các em trai phải học đọc, huống chi là ép buộc các em gái trước khi làm cho các em cảm thấy rõ ràng việc đọc sách dùng để làm gì; và trong cái cung cách mà người ta thường chỉ ra sự ích lợi đó, người ta theo đuổi ý tưởng riêng của họ hơn là ý tưởng của các cô. Sau hết, đâu là sự cần thiết để một cô bé phải biết đọc và viết sớm đến thế có phải là cô ta phải điều khiển việc nội trợ sớm đến thế chăng. Thật có các cô gái sử dụng nhiều hơn là lạm dụng cái khoa học không tránh khỏi này; và tất cả các cô đều hơi quá hiếu kỳ thành thử không thể không học mà chẳng cần phải ép khi các cô rảnh rỗi hay khi có dịp có thể là các cô phải học tính đếm trước tiên, bởi vì chẳng có gì sánh được với tính toán trong việc đem lại ích lợi rõ ràng ở mọi thời đại, đòi hỏi sử dụng lâu dài và lại dễ bị sai hơn thế. Nếu cô bé chỉ được những trái anh đào trong bữa ăn quà chiều nhờ một phép tính số học thì tôi cam đoan với quý vị rằng cô sẽ nhanh chóng biết làm tính.

Tôi biết một cô bé học viết sớm hơn học đọc, và bắt đầu viết bằng cây kim trước khi viết bằng ngòi bút. Viết gì đi nữa thì cô cũng chỉ muốn viết chữ O trước tiên. Cô viết không ngơi nghỉ những chữ O to và bé, những chữ O đủ mọi kích cỡ, những chữ O lồng vào nhau, và bao giờ cũng viết ngược chiều. Khốn thay, một hôm cô đang bận rộn với bài tập hữu ích ấy thì nhìn thấy mình trong một cái gương; và vì thấy cái tư thế gò bó ấy làm cho cô có vẻ thô kệch, cứ như là một Minerve[268] thứ hai vậy, cô bé bèn quẳng bút đi và chẳng them viết những chữ O nữa. Việc viết lách thì cậu em cũng chẳng thích gì hơn cô chị; nhưng điều làm cho cậu không thích là sự vướng bận, và không phải là vì nó đem lại cho cậu cái dáng vẻ thế nào. Người ta phải dùng một thủ thuật khác để đưa cô bé trở lại với việc tập viết: Cô bé khó tính và phù phiếm, cô không muốn quần áo của mình được dùng cho các em gái mình; người ta vẫn viết chữ để đánh dấu quần áo, người ta không còn muốn đánh dấu quần áo nữa; phải để cô bé tự mình viết chữ để đánh dấu lấy quần áo: Người ta hiểu phần còn lại của sự tiến triển.

Xin hãy luôn biện giải cho các chăm sóc của quý vị đối với các cô thiếu nữ, nhưng xin hãy luôn luôn ép các cô phải theo những điều đó. Sự rảnh rỗi và tính khó bảo là những khuyết tật nguy hiểm nhất cho các cô, mà khi đã mắc phải nó thì ta sửa được ít nhất. Các cô phải thận trọng và cần cù; đó chưa phải là tất cả: Các cô còn phải bị câu thúc từ sớm. Nếu như đó là một điều bất hạnh cho các cô, thì nó lại không tách biệt với giới tính của các cô; và luôn luôn các cô chỉ thoát ra khỏi đó để mà chịu đựng những bất hạnh còn hiểm độc hơn. Suốt đời các cô phải bị lệ thuộc vào sự câu thúc triền miên và khắc nghiệt nhất, đó là sự câu thúc của lễ tiết. Thoạt đầu phải tập cho các cô quen chịu sự bó buộc, để sự bó buộc không khó nhọc đối với các cô; tập quen chế ngự mọi sở thích riêng, để các cô thuần phục ý chí của người khác. Nếu các cô muốn lúc nào cũng làm lụng, thì đôi khi ta lại phải buộc các cô đừng làm gì hết. Tính phung phí, tính phù phiếm, tính không kiên định là những khuyết điểm dễ dàng nảy sinh từ những thị hiếu đầu tiên bị hư hỏng và cứ triền miên như thế. Để dự phòng sự quá đáng này, hãy dạy cho các cô cần nhất là phải chiến thắng được bản thân. Trong các thể chế điên khùng của chúng ta, cuộc sống của người đàn bà đức hạnh là một cuộc đấu tranh bất tuyệt chống lại bản thân; đúng là giới nữ phải cùng chia sẻ những đau khổ do những cái hại mà giới đó gây ra cho chúng ta. Xin hãy đừng để cho các cô gái buồn chán trong các công việc của họ, đừng để cho các cô đam mê trong sự vui chơi, như thường luôn luôn xảy đến trong cách giáo dục tầm thường, mà ở đó như Fénelon nói là người ta xếp mọi sự buồn chán sang một bên còn bên kia là mọi thú vui. Cái phiền phức thứ nhất trong hai cái đó sẽ chỉ xảy ra nếu ta theo đúng các quy tắc nêu trên, khi mà những người sẽ sống cùng các cô làm cho các cô khó chịu. Một cô bé yêu bà mẹ hay cô bạn gái sẽ làm lụng suốt ngày bên họ mà chẳng buồn chán gì, riêng chuyện phiếm cũng sẽ bù đắp cho mọi sự phiền toái của cô. Nhưng nếu người điều khiển cô làm cho cô khó chịu thì mọi điều cô sẽ làm trước mắt người ấy, cô đều cho là cũng đáng chán ghét như thế. Cô nào mà không thích ở bên mẹ hơn ở bên bất kỳ người nào khác thì thật khó lòng một ngày nào đó có thể trở thành người tốt nhưng muốn xét đoán những tình cảm thật của các cô thì phải nghiên cứu chúng, và đừng tin vào điều các cô nói ra; vì các cô hay nói khéo, hay giả đò, và biết cách trí trá từ sớm. Ta cũng không được bắt các cô phải yêu mẹ mình; nghĩa vụ không đem lại sự trìu mến, và đây đâu phải là chỗ dùng đến sự ép buộc. Sự quyến luyến, những chăm sóc, chỉ thói quen thôi, sẽ làm cho các cô con gái yêu mẹ mình, nếu như bà mẹ không làm gì để gây ra sự oán hận của con gái. Ngay cả tình trạng câu thúc của con gái do bà mẹ duy trì nếu khéo điều khiển thì không hề làm giảm bớt sự quyến luyến ấy mà chỉ có tăng lên, bởi vì sự phụ thuộc là một thân phận tự nhiên dành cho đàn bà, các cô gái cảm nhận được là họ được sinh ra là để nghe lời.

Vì chính cái lý do ấy mà các cô có hoặc phải có ít tự do thôi, các cô sử dụng quá mức cái tự do mà ta dành cho họ; các cô lao vào các trò chơi với sự phấn khích nhiều hơn các cậu bé: Đó là điều phiền hà thứ nhì mà tôi sắp nói tới. Sự phấn khích này phải có chừng mục; bởi vì đó là nguyên nhân gây ra nhiều tật xấu riêng cho đàn bà, trong số những tật xấu khác, chẳng hạn sự say đắm luôn thay đổi thất thường mà một người đàn bà hôm nay thì gán cho một đối tượng được say mê như thế mà ngày mai cô ta sẽ chẳng nhòm ngó đến nữa. Sự thất thường của các thị hiếu cũng hành hạ họ thống khổ như là sự ham thích thái quá, và cả điều này lẫn điều kia đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc. Đừng tước bỏ của họ niềm vui, tiếng cười, sự ồn ào, những trò vui trẻ con; nhưng hãy ngăn đừng để cho các cô chán trò chơi này chuyển sang trò chơi khác, đừng để cho một lúc nào trong đời, các cô không còn biết tự kiềm chế nữa. Xin hãy làm cho các cô quen với việc phải ngừng giữa cuộc chơi đùa và được đưa vào những chăm nom khác mà không lẩm bẩm phàn nàn. Trong việc này chỉ riêng thói quen vẫn là đủ, bởi vì thói quen trợ giúp tự nhiên.

Từ số câu thúc đã quen chịu đựng này gây nên được tính dễ bảo mà người đàn bà cần đến suốt đời mình, chính vì họ không ngừng bị phụ thuộc vào hoặc một người đàn ông, hoặc những xét đoán của đàn ông mà chẳng bao giờ họ được tự đặt mình lên trên những xét đoán ấy. Cái phẩm chất đầu tiên và quan trọng nhất của người đàn bà là sự dịu dàng: Sinh ra để nghe lời một sinh thể kém hoàn hảo đến như người đàn ông, thường lại đầy rẫy những tật xấu, và bao giờ cũng đầy rẫy những nhược điểm, cô gái phải sớm học được cách chịu đựng ngay cả sự bất công và những lầm lẫn của chồng mình mà không trách oán; chẳng phải là vì người chồng, chính là vì cô mà cô phải dịu hiền. Thói đanh đá và cố chấp của người đàn bà bao giờ cũng chỉ tăng thêm đau khổ cho họ và những đối phó tệ bạc của những ông chồng; họ cảm nhận rằng không phải bằng những vũ khí ấy mà các bà vợ có thể chiến thắng được họ. Không phải Thượng đế ban cho họ tính khéo nói và giỏi thuyết phục để biến họ thành bà La Sát; Thượng đế không làm cho họ mềm yếu để lại thành một bà thích làm tàng, thích ra oai; người ban cho họ giọng nói thỏ thẻ không phải để nói ra những lời sỉ nhục; người ban cho họ những đường nét hết sức thanh tú không phải để cho cơn lôi đình làm biến dạng chúng đi. Khi các cô nổi giận, các cô quên mất mình: Thường thì các cô có lý để phàn nàn nhưng để gầm lên thì bao giờ các cô cũng sai lầm. Mỗi người phải gìn giữ cái sắc thái riêng của giới mình, một ông chồng quá hiền có thể khiến một bà vợ thành lăng loàn; nhưng trừ khi người đàn ông là một quái vật, cái hiền dịu của người vợ kéo chồng lại và chẳng chóng thì chầy rồi cũng thắng anh ta.

Làm sao cho các cô thiếu nữ luôn luôn biết phục tùng, và làm sao cho các bà mẹ không phải bao giờ cũng nghiêm khắc. Muốn khiến cho một cô gái trẻ biết nghe lời thì không được làm cho cô ta phải khổ sở; muốn biến cô ta thành một con người biết khiêm nhường, không được làm cho cô u mê đi; trái lại, tôi sẽ không phật lòng nếu người ta để cho cô bé đôi khi phải khéo léo một chút, đừng có khéo léo để tránh sự trách phạt khi mình khó bảo mà khéo léo để miễn cho mình khỏi phải vâng lời. Đây không phải là vấn để khiến cho sự phụ thuộc của cô ta thành ra nặng nề khó chịu, chỉ cần làm cho cô ta cảm nhận được sự phụ thuộc này là đủ rồi. Sự tinh ranh là một tài năng của nữ giới, và, vì tin rằng mọi khuynh hướng tự nhiên đều tốt và tự thân nó là chính đáng, tôi nghĩ rằng ta nên trau dồi nó như những khuynh hướng khác: Nhưng phải phòng ngừa sự lạm dụng nó.

Tôi căn cứ vào mọi nhà quan sát có thiện tâm đối với tính xác thực của nhận định này. Tôi không hề muốn người ta khảo sát chính những người đàn bà: Những thể chế phiền hà của chúng ta có thể ép buộc họ phải mài sắc tâm hồn họ. Tôi muốn người ta nghiên cứu các cô thiếu nữ, các cô bé, có thể nói là các cô chỉ được sinh ra mà thôi: Tôi muốn rằng người ta so sánh họ với những bé trai cùng tuổi; và nếu những bé trai này không tỏ ra là nặng nề, khờ khạo, ngu đần khi ở cạnh các cô thì tôi sẽ nhầm lẫn không còn cãi vào đâu được.Mong sao người ta đưa ra cho tôi một ví dụ độc nhất thôi lấy từ trong tất cả sự ngây thơ của con trẻ.

Ta rất thường hay cấm đoán trẻ con không được đòi thêm tí gì ở bàn ăn; vì chẳng bao giờ ta lại cho rằng việc giáo dục trẻ thành công hơn khi mà việc đó lại bị quá tải bằng những giáo huấn vô ích, giống như nếu một miếng này hay miếng kia sẽ được cho hay từ chối ngay tức thì[269], mà không ngừng làm khổ đến chết một đứa trẻ tội nghiệp vì sự thèm thuồng bị kích thích thêm do mong đợi. Ai cũng biết cái khéo léo của một cậu bé chịu tuân theo luật lệ này, cậu ta bị mọi người quên khuấy đi mất bên bàn ăn, bèn nghĩ ra cách xin chút muối v..v.. Tôi không nói rằng người ta có thể phê bình vặt cậu bé vì đã trực tiếp đòi muối để gián tiếp đòi thịt; sự bỏ quên cậu ta thật là tai ác, thành thử giá như cậu bé có công khai vi phạm quy tắc và nói toạc ra rằng cậu đói, tôi không thể nào tin được rằng người ta lại phạt cậu về việc này. Nhưng đây là chuyện tôi được chứng kiến, một cô bé sáu tuổi xử lý việc này như thế nào trong một trường hợp còn khó hơn nhiều; vì ngoài việc cô bị cấm dứt khoát không bao giờ được đòi dù là trực tiếp hay gián tiếp bất kỳ một thứ gì, sự không vâng lời còn không thể tha thứ được, bởi cô đã ăn tất cả các món, ngoại trừ mỗi một món, mà người ta đã quên mất không đưa cho cô, và đó là món mà cô rất thèm.

Thế thì muốn được người ta sửa chữa sự quên ấy mà không thể trách cứ cô không vâng lời thì cô chỉ ngón tay điểm lại tất cả các món, vừa chỉ vừa nói to lên: Con đã ăn món này, con đã ăn món này; nhưng cô rõ ràng là có chủ ý bỏ qua không nói gì đến món mà cô chưa hề ăn, để cho có ai đó thấy thế bèn bảo cô: Thế còn món này, con đã ăn chưa? Ồ! Chưa ạ, cô bé tham ăn trả lời nhỏ nhẹ trong khi cặp mắt cô nhìn xuống thấp. Tôi sẽ không bàn thêm điều gì; xin hãy so sánh: Thủ thuật này là cái ranh mãnh của con gái, còn thủ thuật kia là cái ranh mãnh của con trai.

Cái gì tồn tại đều tốt, và không có luật phổ biến nào là xấu cả. Sự khôn khéo đặc biệt mà nữ giới được ban là một sự đền bù rất công minh cho sự kém cỏi về sức mạnh; thiếu cái đó thì người đàn bà sẽ không làm bạn đời của người đàn ông được, mà cô sẽ làm kẻ nô lệ của hắn: Chính vì có ưu thế về tài năng ấy mà cô duy trì được sự ngang hàng của mình, và cô điều khiển hắn bằng cách vâng lời hắn. Người đàn bà có đủ thứ chống lại cô ta, những khuyết điểm của chúng ta, sự nhút nhát của cô ta, sự mềm yếu của cô; cô chỉ có cái tài và sắc đẹp của mình ủng hộ mà thôi. Cô trau dồi cả hai thứ đó có là chính đáng hay không? Nhưng sắc đẹp thì không phải là phổ thông; nó mất đi bởi hàng ngàn tai biến, nó tàn đi theo năm tháng; mà sự quen thuộc lâu rồi cũng làm tiêu ma ảnh hưởng của nó. Riêng chỉ có tâm hồn là nguồn lực thực sự của nữ giới: Không phải là cái tâm hồn dại khờ mà người ta đề cao hết sức trong giới giao tiếp và nó chẳng giúp ích được gì để làm cho cuộc sống được hạnh phúc, mà là cái tâm hồn thuộc về bản chất nữ, cái mánh lợi dụng tâm hồn chúng ta và tự phụ về những lợi thế của chính chúng ta. Người ta không biết là cái khéo léo ấy của đàn bà ích lợi xiết bao cho chính bản thân chúng ta, nó làm tăng thêm sự quyến rũ trong việc giao du giữa hai giới xiết bao, nó kiềm chế bớt sự hăng máu của con trẻ xiết bao, nó kìm giữ được các ông chồng vũ phu đến chừng nào, nó gìn giữ được tốt đến chừng nào các gia đình mà thiếu nó thì sự bất hoà sẽ làm rối tung lên. Những người đàn bà giả dối và độc ác lạm dụng điều này, tôi biết rõ như thế; nhưng cái gì mà thói xấu chẳng lạm dụng được? Chúng ta đừng có tiêu huỷ những phương tiện làm nên hạnh phúc bởi vì những kẻ độc ác đôi khi đã sử dụng nó để làm điều xấu.

Người ta có thể nổi bật do trang sức, nhưng người ta chỉ khiến người khác ưa thích bởi bản thân con người. Những đồ trang sức của chúng ta không hề là chúng ta; thường thường chúng làm cho ta mất đẹp đi do quá cầu kỳ và những cái thường hay làm cho người ta đề ý đến người mang nó nhiều nhất lại là những cái người ta để ý đến ít nhất. Việc giáo dục cho các cô thiếu nữ thật là hoàn toàn trái ngược trong điểm này. Người ta hứa cho các cô những đồ trang sức để làm phần thưởng, người ta làm cho các cô yêu thích những đồ nữ trang cầu kỳ: Cô ta mới đẹp làm sao chứ! Người ta bảo các cô như thế khi các cô mang rất nhiều đồ trang sức. Mà hoàn toàn ngược lại, người ta phải làm cho các cô hiểu rằng đồ trang sức nhiều đến thế chẳng qua chỉ được chế tạo ra để che đậy những khuyết tật mà thôi, và hiểu rằng cái thắng lợi thực sự của sắc đẹp là để tự nó nổi bật. Sự ham hố thời trang thật là kém thẩm mỹ, bởi vì bộ mặt người ta chẳng thay đổi cùng với thời trang, và bởi khuôn mặt vẫn còn cứ thế mãi, cái gì đã hợp một lần ở mặt thì cứ hợp với nó mãi.

Khi tôi thấy cô thiếu nữ vênh váo trong những đồ nữ trang của mình, tôi sẽ tỏ ra lo lắng cho khuôn mặt cô ta bị giả trang như vậy và lo ngại về điều mà người ta có thể nghĩ về chuyện ấy; tôi sẽ bảo: Tất cả các đồ trang sức này tô điểm cho cô quá nhiều, thật là đáng tiếc: Quý vị có tin rằng cô ta vẫn có thể trụ vững được khi giản dị hơn? Có phải là cô đủ xinh đẹp để chẳng cần đến cái này hoặc cái kia không? Thế thì có lẽ cô lại là người đầu tiên xin người ta bỏ đồ trang sức ấy đi cho cô và để người ta phán xét: Đây là trường hợp đáng hoan nghênh cô, nếu như nó xảy ra. Tôi sẽ không bao giờ tán tụng cô cho đến khi cô sẽ trở thành người trang điểm đơn giản nhất. Khi cô chỉ coi đồ trang sức như là một trợ thủ cho cái duyên dáng của con người cô và như một sự thú nhận ngầm rằng cô cần đến sự trợ giúp để được ưa thích, cô sẽ không hề tự hào về đồ trang sức của mình, cô sẽ trở nên khiêm nhường; và nếu như, có trang điểm quá mức bình thường, cô lại nghe thấy nói: Cô ta mới đẹp làm sao! Cô sẽ đỏ mặt lên vì bực bội.

Vả chăng, có những gương mặt cần trang điểm, nhưng chẳng hề có gương mặt nào đòi hỏi phải dùng đồ nữ trang sang trọng. Những đồ trang sức tốn kém là thói dị hợm của đẳng cấp chứ không phải của con người, những đồ trang sức ấy chỉ gắn với thiên kiến. Tính làm dáng thực sự thì đôi khi là cầu kỳ, nhưng nó không bao giờ xa xỉ; và Junon[270] trang phục lộng lẫy kiêu sa hơn cả Vénus[271].

Vì không vẽ được bà ta cho đẹp, anh đã vẽ bà thành sang trọng, Apelle[272] đã nói thế với một hoạ sĩ bất tài vẽ bức chân dung Hélène[273] mang đầy nữ trang. Tôi cũng đã có nhận xét rằng những bộ trang sức lộng  lẫy nhất thường hay nói lên rằng người mang nó là những người đàn bà xấu xí; người ta không còn có một thói khoe khoang nào vụng về hơn. Hãy đưa cho một cô thiếu nữ có khiếu thẩm mỹ, và xem thường thời trang, những dải ruy băng, những đồ bằng the bằng sa mỏng và những bông hoa; chẳng có kim cương, chẳng cần những búp len trên mũ, chẳng có hang thêu ren[274], cô sẽ tự mình tạo ra một bộ trang phục khiến cô thành xinh đẹp gấp trăm lần điều có thể tạo nên bằng tất cả những mảnh vải lông lẫy của nhà Duchapt[275].

Vì cái gì tốt thì luôn luôn tốt, và phải luôn luôn tốt hết mức có thể, những phụ nữ biết phục sức chọn những phục sức tốt cho mình, gắn bó với cách phục sức ấy, mà không thay đổi hằng ngày, họ ít quan tâm đến điều đó hơn những phụ nữ chẳng biết quyết định thế nào. Sự chăm lo phục sức đích thực đòi hỏi không nhiều trang phục. Các tiểu thư trẻ tuổi ít có những trang phục hoa mỹ; công việc, những giờ học chiếm đầy thời gian trong ngày, tuy nhiên, nói chung là, họ trang phục, trừ son ra, cũng kỹ lưỡng ngang với các phu nhân, và thường là thanh nhã hơn. Sự lạm dụng trang điểm không như người ta nghĩ đâu, nó xuất phát từ sự buồn chán nhiều hơn là thói hợm hĩnh. Một bà trang điểm mất sáu giờ đồng hồ không phải không biết rằng trang điểm xong bà ta vẫn chẳng hơn gì một bà chỉ mất nửa giờ cho việc đó; nhưng đó là chừng ấy thời gian giành được của thì giờ chán ngán dài đằng đẵng, và thà tự dối mình còn hơn là buồn phiền về tất cả. Không trang điểm thì người ta sẽ làm gì với cuộc sống từ trưa cho đến chín giờ tối? Trong khi tụ tập các phụ nữ quanh mình, người ta vui chơi bằng cách làm cho họ sốt ruột, thế đã là một cái gì rồi; người ta lại tránh được chạm trán với một đức ông chồng chỉ gặp vào lúc đó, thế là lại được nhiều hơn, thế rồi đến tiếp là các bà chào hàng, các ông buôn đồ cũ, các ngài bé mọn, các tác gia không tên tuổi, những bài thơ, những khúc ca, những tập sách mỏng: Không có trang điểm thì không bao giờ tụ tập đầy đủ đến vậy mọi thứ đó. Cái lợi thực sự độc nhất gắn liền với chuyện này là có dịp để trưng ra hơn một chút khi người ta diện bộ cánh: Nhưng cái lợi này có thể là chẳng được lớn đến như người ta tưởng, và các bà diện bộ cánh đẹp chẳng nhờ đó mà có lợi được bao nhiêu như các bà bảo. Đừng ngại ngần gì việc giáo dục nữ tính cho các bà, hãy làm cho các bà ưa thích những lo toan của giới mình, cho các bà có tính khiêm nhường, cho các bà biết trông coi việc nội trợ, và chăm lo mọi việc trong gia đình; bộ váy áo dạ hội rồi tự nó sẽ bị bỏ rơi, và các bà sẽ chỉ ăn mặc một cách thanh nhã hơn mà thôi.

Việc đầu tiên mà các cô gái trẻ nhận xét thấy trong khi lớn lên, đó là mọi đồ trang sức ở bên ngoài này chưa đủ cho các cô, nếu các cô không có những thứ trang sức thuộc về các cô. Chẳng bao giờ người ta có thể tự ban cho mình sắc đẹp, và người ta cũng không phải đạt được cách làm đỏm ngay đâu; nhưng người ta có thể tìm cách tạo cho mình những cử chỉ duyên dáng, cho tiếng nói của mình có một giọng êm tai, biết gìn giữ tư thế của mình, biết đi đứng nhẹ nhàng, biết tạo nên những thái độ yêu kiều duyên dáng, và ở bất cứ nơi nào thì cũng chọn được cách làm nổi bật mình lên. Tiếng nói không còn những giọng the thé, trở nên ổn định, và mang âm sắc riêng, các cánh tay nảy nở đầy đặn, dáng đi tự tin, và người ta nhận ra rằng, có phục sức cách nào đi nữa, vẫn có một nghệ thuật để làm cho người ta chú ý đến mình. Từ đó vấn đề không chỉ còn là cây kim và kỹ xảo; những tài năng mới xuất hiện, và đã làm cho người ta cảm nhận được ích lợi của chúng.

Tôi biết rằng các ông giáo tiểu học nghiêm khắc muốn rằng ta đừng dạy cho các thiếu nữ cả hát lẫn khiêu vũ, cùng bất kỳ một thứ nghệ thuật giải trí nào như nhạc, hoạ v.v… Chuyện này với tôi cứ như đùa; và vậy thì họ muốn dạy các thứ đó cho ai chứ? Cho các bé trai ư? Ai trong số những người đàn ông và đàn bà nên có các tài năng ấy hơn cả? Họ trả lời rằng chẳng có ai; những bài hát phàm tục là biết bao tội lỗi; khiêu vũ là một phát minh của quỷ, một cô thiếu nữ chỉ có thể có sự vui thú trong công việc và nguyện cầu. Đó là những cuộc vui chơi xa lạ với một đứa trẻ mười tuổi. Với tôi, tôi rất lo ngại rằng tất cả những thiên thần bé nhỏ bị người ta ép phải nguyện cầu Chúa suốt thời thơ ấu lại trải qua thời thanh niên của mình với những chuyện khác hẳn, và khi đã lấy chồng thì lại ra sức bù đắp thời gian mà họ cho rằng đã bị uổng phí thời con gái. Tôi tin rằng phải chú ý đến cái gì phù hợp với lứa tuổi cũng y như cái gì phù hợp với giới tính; một thiếu nữ không thể nào buộc phải sống như bà nội cô ta; cô ta phải hoạt bát, vui tươi, đùa nghịch, hát hỏng, nhảy múa tuỳ thích, và thưởng thức mọi thú vui trong trắng của lứa tuổi cô; thời gian để điềm đạm trang trọng và giữ gìn tư thái nghiêm trang hơn sẽ chỉ đến quá nhanh mà thôi.

Nhưng có thực là cần đến sự thay đổi ấy không? Có lẽ nào đó còn chưa phải là một hậu quả của những thiên kiến của chúng ta? Trong khi bắt những người đàn bà đứng đắn phải tuân thủ một mực những bổn phận chẳng có gì vui, người ta đã tước bỏ hết khỏi cuộc sống vợ chồng mọi điều có thể làm cho người đàn ông thích thú. Có còn lạ gì nếu thái độ trầm mặc mà những người đàn ông thấy ngự trị trong nhà họ như xua đuổi họ khỏi nhà, hoặc là họ chẳng còn thiết chọn một cảnh huống gây bực bội đến vậy? Càng cường điệu mọi bổn phận thì Thiên chúa giáo lại càng làm cho chúng không thể thực hiện được và thành hão huyền; càng cấm các bà ca hát, khiêu vũ, và mọi thú vui của giới giao tiếp, thì lại càng làm cho họ trở nên gắt gỏng, hay mắng mỏ, không sao chịu đựng nổi ở nhà họ. Không có tôn giáo nào mà hôn nhân lại tuân phục những nghĩa vụ ngặt nghèo đến thế, và không có ở đâu mỗi cam kết thiêng liêng đến thế lại bị xem thường đến thế. Người ta đã làm quá nhiều để ngăn trở không cho các bà vợ được trở nên khả ái, đến nỗi đã làm cho các ông chồng trở nên thờ ơ. Điều đó có lẽ không nên tồn tại, tôi hiểu quá rõ: Nhưng tôi thì tôi nói rằng điều đó ắt phải tồn tại, chính vì rốt cuộc thì những người Thiên chúa giáo cũng là người. Đối với tôi, tôi mong muốn một phu nữ trẻ người Anh trau dồi hết sức cẩn thận những tài năng được ưa chuộng để làm cho một người chồng sẽ cưới nàng phải thích, một phụ nữ trẻ người Albanie trau dồi những cái đó để vào hậu cung của Ispahan. Người ta bảo các ông chồng chẳng quan tâm gì nhiều lắm đến những tài năng ấy. Đúng là tôi tin điều đó, khi mà những tài năng ấy, lại không hề được sử dụng để đẹp long chồng, mà chỉ dùng làm mồi nhử để thu hút các chàng trai trơ tráo đến nhà họ để làm ô danh họ. Nhưng quý vị có cho rằng một người vợ đáng yêu và hiền thục, có đủ các tài năng ấy, và dành trọn chúng cho thú vui của chồng mình, lại không gia tăng hạnh phúc của chồng, và không ngăn được chồng đi tìm những cuộc giải trí ở bên ngoài lúc vừa ra khỏi phòng làm việc với đầu óc đã mệt mỏi cạn kiệt? Ai mà chẳng thấy các gia đình hạnh phúc gắn bó với nhau như thế, ở đó mỗi người biết đem thú vui của mình cung ứng cho thú vui chung? Người đó hãy nói xem liệu lòng tin cậy và gắn liền với nó là tình thân mật, liệu sự trong trắng và dịu ngọt của những lạc thú mà người ta nếm trải trong gia đình chẳng bù lại được quá đủ những gì ồn ào nhất trong các thú vui công cộng đó sao?

Người ta đã quy rút các tài năng được ưa chuộng một cách quá đáng thành các kỹ năng: Họ đã khái quát hoá quá mức; họ đã biến tất cả thành châm ngôn, thành bài giảng, và họ đã làm cho các cô gái trẻ quá chán ngán những điều chỉ nên là sự vui chơi và các trò đùa nghịch cho các cô. Tôi hình dung ra rằng không có gì buồn cười hơn là thấy một ông thầy già dạy khiêu vũ hoặc dạy hát đến gặp với thái độ nhăn nhó các cô gái trẻ chỉ tìm cách vui cười, và dạy cho các cô môn học phù phiếm của mình bằng cái giọng còn thông thái rởm, còn oai nghiêm hơn cả khi dạy giáo lý đạo Thiên chúa. Chẳng hạn, có phải là nghệ thuật ca hát gắn liền với âm nhạc viết thành bài bản không? Liệu người ta có biết được cách làm cho giọng hát của mình uyên chuyền và đúng, học hát với khiếu thưởng thức, ngay cả hát thành bè đệm cho nhau mà không cần biết đến một nốt nhạc nào không? Cùng một loại ca khúc liệu rằng có phù hợp với mọi giọng hát không? Cùng một phương pháp liệu có hợp với mọi đầu óc không? Người ta sẽ không bao giờ làm cho tôi tin được rằng cũng những tư thế ấy, cũng những bước nhảy ấy, cũng những động tác ấy, cũng những cử chỉ ấy cũng những vũ điệu ấy vừa phù hợp với một cô bé tóc nâu lanh lợi và đẹp sắc sảo, vừa phù hợp với một cô cao lớn tóc vàng có cặp mắt thẫn thờ. Vậy khi tôi thấy một ông thầy dạy cho cả hai loại người này đúng những bài học y hệt nhau, tôi bảo rằng: Ông này đi theo lối mòn mà chẳng hiểu gì về nghệ thuật của ông ta.

Người ta hỏi rằng các cô gái trẻ có cần phải có thầy hoặc cô giáo không. Tôi không rõ: Tôi thì rất muốn rằng các cô chẳng cần đến cả thầy lẫn cô, tôi muốn cho các cô được tự do học hỏi điều mà các cô có nhiều khuynh hướng muốn học, và muốn rằng người ta sẽ không còn thấy không ngừng lang thang trong các thành phố của chúng ta những vũ công, diễn viên phục sức loè loẹt nữa. Tôi thật khó mà tin rằng sự giao lưu với những người này lại không nguy hại cho các cô thiếu nữ hơn là ích lợi mà các bài học của họ đem lại cho các cô, và rằng thứ tiếng lóng khó hiểu của họ, giọng điệu của họ, thái độ của họ nhiễm cái hứng thú đầu tiên về những gì là phù phiếm, quá quan trọng đối với họ, và chẳng muộn màng gì mà không noi gương họ để lấy đó làm mối quan tâm duy nhất của mình.

Trong các môn nghệ thuật chỉ lấy sự giải trí làm đối tượng, bất cứ ai cũng có thể làm thầy cho các cô được: Từ người cha, người mẹ, người anh, người chị rồi các bạn, các bà gia sư, cho đến cả cái gương cô soi hằng ngày, và nhất là thị hiếu của riêng cô. Người ta không nên đề nghị giảng bài cho các cô, việc này cứ phải do các cô yêu cầu; người ta không nên khiến một sự ân thưởng thành một nhiệm vụ; nhất là trong các loại môn học mà thành tựu đầu tiên là muốn thành công. Còn thì, nếu nhất thiết phải có các bài học quy củ, tôi sẽ không quyết đoán những người dạy các cô phải thuộc giới nào. Tôi không rõ sao lại cứ phải là một ông thầy dạy vũ nắm lấy bàn tay trắng trẻo và mịn màng của cô nữ sinh trẻ, cứ phải là ông ta bắt cô phải rút ngắn cái váy đi, phải ngước mắt nhìn lên, dang các cánh tay ra, ưỡn bộ ngực đang phập phồng; nhưng tôi biết rõ là chẳng điều gì trên đời này khiến được tôi muốn làm các ông thầy này.

Nhờ có kỹ xảo và các tài năng mà hình thành nên thị hiếu; nhờ có thị hiếu mà tinh thần vô tình mở ra cho các ý tưởng về cái đẹp đủ loại, và cuối cùng là cho các khái niệm đạo đức tương ứng với những cái đẹp ấy. Có thể đó là một trong những lý do vì sao mà ý tưởng về sự đoan trang và về đức hạnh sớm thấm vào các cô gái hơn các cậu con trai; bởi vì, muốn tin rằng ý tưởng sớm nảy sinh là công lao của các bà gia sư thì phải thật là thiếu hiểu biết về tính tình con người. Tài ăn nói chiếm hàng đầu trong nghệ thuật làm cho người ta ưa thích; chính là nhờ ở có mỗi một cái tài ấy mà người ta có thể tăng them những nét duyên mới vào những nét duyên và tập quán đã khiến cho các giác quan quen thuộc. Chính là đầu óc không những hoạt hoá thân xác, mà có thể nói là còn đổi mới thân xác, chính là do sự nối tiếp của các ý tưởng và tình cảm mà nó kích thích và làm biến đổi diện mạo; và chính nhờ các lời nói do nó khơi gợi mà sự chú ý, luôn tập trung, duy trì được lâu dài cùng một hứng thú với cùng một đối tượng. Tôi cho rằng chính do tất cả các lý do đó mà các cô thiếu nữ cùng tập nhiễm mau chóng được cái cách nói nhí nhảnh dễ thương mà các cô đem sắc điệu vào những điều bày tỏ của mình ngay từ lúc chưa cảm nhận ra nó, mà những, người đàn ông nghe thế thì lại mê mẩn ngay cả khi các cô chưa thể nào hiểu được điều đó; bọn đàn ông rình rập cái giây phút đầu tiên của sự thông minh ấy để nhân đó thâm nhập thời điểm đầu tiên của tình cảm.

Đàn bà có cái lưỡi dẻo; họ nói sớm hơn, dễ dàng hơn và dễ nghe hơn bọn đàn ông. Người ta cũng lên án họ là nói nhiều hơn: Hẳn là phải thế, nhưng tôi sẽ thích đổi sự phản bác này thành khen ngợi; cái miệng và cặp mặt của các cô cũng hoạt động y như thế, và vì cùng một lý do ấy. Đàn ông thì nói điều anh ta biết, còn đàn bà thì nói ra điều để được ưa thích; đàn ông để nói cần có sự hiểu biết, còn đàn bà để nói cần có khiếu thẩm mỹ; đàn ông phải lấy mục tiêu chính là những việc có ích, còn đàn bà lại lấy mục tiêu chính là những chuyện thích thú. Lời nói của họ chỉ phải có một dạng chung, đó đều là sự thật cả.

Vậy ta không nên kiềm chế chuyện phiếm của các cô giống như của bọn con trai do cái câu hỏi nghiệt ngã này: Cái đó có ích gì? Mà là do câu hỏi khác cũng thật không dễ trả lời: Cái đó sẽ gây ra hiệu quả gì?Trong cái tuổi đầu đời này là thời kỳ còn chưa thể phân biệt được rõ cái tốt và cái xấu, các cô không phán xét một ai, các cô phải tự đặt cho mình một luật lệ là bao giờ cũng chỉ được nói điều làm cho người nghe thấy lọt tai; và cái làm cho quy tắc này khó thực hiện hơn là: Quy tắc đó luôn phụ thuộc vào quy tắc hàng đầu, đó là không bao giờ được nói dối.

Tôi còn thấy rõ nhiều khó khăn nữa, nhưng đó là lúc các cô ở độ tuổi lớn hơn. Còn hiện tại, thì độ chân thật, các cô thiếu nữ chỉ có cái khó là chân thật mà không thô thiển; và bởi dĩ nhiên sự thô thiển ấy khiến các cô chán ghét, nên việc giáo dục dạy được cho các cô tránh điều đó một cách dễ dàng. Tôi nhận thấy rằng nói chung trong việc giao du trong giới giao tiếp thì phép lịch sự của đàn ông mang tính chu đáo nhiều hơn, và của đàn bà thì mang tính dịu dàng mơn trớn nhiều hơn. Sự khác biệt này không phải là do thể chế mà do tự nhiên. Người đàn ông tỏ ra tìm cách giúp bạn nhiều hơn, và người đàn bà thì làm cho bạn vui lòng hơn. Do đó, dẫu cho tính cách của người đàn bà là thế nào, cái lịch sự của họ cũng ít giả dối hơn của chúng ta; họ chỉ bộc lộ bản năng đầu tiên của họ ra; nhưng khi một người đàn ông giả bộ như ưa thích hứng thú của tôi hơn hứng thú của chính anh ta, cho dù điều dối trá ấy được tô vẽ thế nào để chứng minh thì tôi vẫn tin rất chắc rằng anh ta đang làm một điều dối trá. Vậy người đàn bà lễ độ thì nào có thiệt thòi gì, do vậy mà các cô có thiệt thòi gì khi học cách trở thành người lễ độ. Bài học đầu tiên là đến từ tự nhiên, kỹ xảo chỉ còn việc đi theo tự nhiên, và tuỳ theo tập quán của chúng ta mà xác định được nó phải bộc lộ ra dưới hình thức nào. Còn về phép lịch sự giữa đàn bà với nhau thì lại là chuyện khác hẳn; trong đó họ có thái độ quá gò bó thiếu tự nhiên và những mối quan tâm quá thờ ơ thành thử trong khi làm phiền lẫn nhau họ chẳng cố giấu sự phiền hà của mình và có vẻ chân tình trong những lời dối trá của họ bằng cách chẳng thèm che giấu nó đi. Tuy nhiên các thiếu nữ đôi khi lại thực sự có những tình bạn thẳng thắn hơn. Ở tuổi của họ thì sự vui tính thay thế cho bản tính tốt và do hài lòng về mình, các cô cũng hài lòng về tất cả mọi người. Bao giờ cũng thế, trước mặt đàn ông, các cô cũng sẵn lòng quấn quýt nhau hơn, vồn vã với nhau duyên dáng hơn, tự hào về việc kích thích vô tội vạ những thèm muốn của họ bằng hình tượng về những chiều chuộng mà họ biết làm cho đàn ông khao khát.

Ta không được để các cậu bé có những câu hỏi tò mò, huống chi lại để cho các cô thiếu nữ nêu những câu hỏi đó mà khi sự tò mò được thoả mãn hoặc bị đánh trống lảng một cách vụng về thì thật sự lại có hậu quả khác hẳn, xét theo sự minh mẫn để dự cảm những bí mật mà người ta giấu không cho các cô biết và xét theo sự khéo léo của các cô để phát hiện ra chúng. Nhưng chẳng chịu đựng những câu hỏi của các cô, tôi muốn rằng ta hãy hỏi han chính các cô rất nhiều, hãy chú ý làm cho các cô trò chuyện, khêu gợi để các cô luyện được cách nói năng dễ dàng, làm cho các cô trở nên hoạt bát khi đối đáp để cởi trói cho trí tuệ và ngôn ngữ của các cô, khi mà ta có thể làm điều đó mà không tai hại gì. Những cuộc đấu khẩu này, bao giờ cũng diễn ra trong sự vui vẻ, nhưng phải được thu xếp thật khéo léo và được điều khiển tốt sẽ tạo nên một trò vui thú cho lứa tuổi này, và sẽ có thể đem lại cho những trái tim trong trắng của các thiếu nữ trẻ ấy những bài học đầu tiên và có thể là hữu ích nhất về đạo đức mà các cô mang suốt đời, bằng cách dạy cho các cô biết rằng, bên dưới sức thu hút của sự vui thích và của sư khoe khoang, đàn ông thực sự ái mộ những phẩm chất nào, và biết rằng một người đàn bà đức hạnh phải có những gì để làm nên danh dự và hạnh phúc của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.