Giáo sư và công thức toán

Chương 02 phần 2



Giáo sư vừa vắt chanh vào món gà rán bỏ riêng món đậu đũa nấu kèm ra vừa hỏi Căn đủ thứ chuyện. Ông không ngần ngại hỏi cả những quá khứ lẫn tương lai. Tôi biết ông đang cố gắng tạo ra bầu không khí thoải mái nơi bàn ăn. Ông luôn tỏ ra lắng nghe một cách nhiệt tình dù cho câu trả lời của Căn có cộc lốc đến đâu. Chính nhờ vậy mà chúng tôi, một cựu giáo sư toán học sắp bước sang tuổi già, một người mẹ độc thân gần ba mươi tuổi làm nghề giúp việc và một cậu bé học tiểu học, không rơi vào những tình huống im lặng đến khó xử trong một bữa tối có ba người.

Tuy nhiên, giáo sư làm thế không phải chỉ đơn giản để lấy lòng con trẻ. Hễ Căn xử sự không đúng mực như chống cùi tay lên mặt bàn, khua bát là giáo sư nhắc nhở ngay (mặc dù ngày thường giáo sư toàn làm vậy).

– Cháu phải ăn thật nhiều vào. Ăn ngoan chóng lớn là nhiệm vụ của trẻ con.

– Ở lớp, cháu là đứa thấp nhất đấy ạ.

– Không việc gì phải lo. Bây giờ đang là lúc tích lũy năng lượng, khi nào nguồn năng lượng ấy được giải phóng, cháu sẽ lớn nhanh như thổi. Rồi cháu còn nghe thấy cả tiếng xương dài ra kêu lên ken két ấy chứ.

– Ngày xưa giáo sư cũng như thế phải không ạ?

– Không, đáng tiếc là bác đã lãng phí năng lượng vào việc khác.

– Việc gì ạ?

– Bác có một người bạn rất thân, nhưng vì một lý do riêng, bác không thể chơi những trò chơi vận động như ném ống bơ hay đánh bóng chày cùng cậu ta được.

– Bạn giáo sư bị bệnh hay sao?

– Ngược lại. Cậu ta không những không bị bệnh, mà còn rất to khỏe và vạm vỡ. Nhưng vì cậu ta sống ở trong đầu bác, nên bác chỉ chơi đùa với cậu ta ở trong đó thôi. Bác dành hết năng lượng để vui đùa cùng cậu ta nên chẳng còn gì để dành cho xương nữa.

– A, cháu hiểu rồi. Người bạn đó là các con số chứ gì. Mẹ cháu kể giáo sư là một thầy giáo rất giỏi toán đấy.

– Quả là một cậu bé thông minh và có trực giác nhạy bén. Cháu nói đúng, ngoài các con số ra, bác không còn người bạn nào khác. Vì thế, ngay từ hồi nhỏ, cháu phải chịu khó vận động để giúp xương dài ra, rõ chưa nào? Cháu không được bỏ thừa những món ăn mình không thích. Nếu vẫn chưa no, cháu có thể ăn luôn cả phần của bác.

– Vâng, cháu cảm ơn.

Căn tỏ ra vô cùng hứng thú với bữa cơm tối không giống mọi ngày này. Nó trả lời các câu hỏi của giáo sư, đòi xới thêm cơm để làm ông vui lòng, thỉnh thoảng, không giấu nổi vẻ hiếu kỳ, nó tranh thủ ngó nghiêng khắp căn phòng và nhìn trộm những mẩu giấy nhớ trên áo com lê của ông một cách thận trọng, tránh để ông phát hiện ra.

Ngày mai tôi sẽ thử cho cà rốt sống vào món rau trộn để xem giáo sư phản ứng thế nào. Tôi vừa tủm tỉm cười cái kế hoạch tinh quái của mình vừa lắng tai nghe câu chuyện của hai người.

Từ khi chào đời, Căn đã là một đứa trẻ ít được ôm ấp. Thay vì cảm giác vui sướng, tôi thấy sợ hãi khi nhìn thấy đứa trẻ sơ sinh nằm trên chiếc nôi trong suốt ở bệnh viện phụ sản. Nó vừa mới chào đời, mí mắt, dái tai, gót chân vẫn còn nhăn nheo vì ngâm lâu ngày trong nước ối. Đôi mắt khép hờ nhưng dường như nó không ngủ, vì những cánh tay, cẳng chân thò ra từ mảnh tã lót sơ sinh quá rộng và lạ lẫm đang ngo ngoe. Trông như nó đang kể với ai đó – một kẻ vô hình – nỗi bất bình vì bị đặt không đúng chỗ.

Áp trán vào ô kính của phòng sơ sinh, tôi cũng ném cho kẻ vô hình đó một câu hỏi: bằng cách nào mà người biết được đứa trẻ đó là con tôi?

Khi ấy tôi mười tám tuổi, mông muôi và đơn độc. Trước lúc lên bàn đẻ, cơn ốm nghén triền miên đã khiến má tôi tong teo, mồ hôi làm tóc bốc mùi khó chịu và nước ối bị vỡ còn dính nguyên trên quần áo ngủ.

Trong số những đứa trẻ nằm trên mười lăm chiếc nôi xếp thành hai hàng, chỉ có nó là mở mắt. Đó là lúc trời gần sáng. Không có một bóng người nào ngoài hành lang cũng như tiền sảnh ngoại trừ bóng áo trắng của các bác sĩ dưới ánh đèn trong phòng trực ban. Thằng bé xòe đôi bàn tay đang nắm chặt, rồi lại lóng ngóng quặp các ngón vào nhau. Những chiếc móng tay bé xíu tím bầm. Máu từ niêm mạc bị cào rách của tôi đọng lại thành cục dưới các kẽ móng.

– Dạ, thưa bác sĩ… – tôi vội vã chạy đến phòng trực ban bằng đôi chân chưa vững. – Tôi muốn nhờ bác sĩ cắt móng tay cho cháu. Cháu vùng vẫy khỏe quá nên sợ rằng cháu sẽ tự cào rách mặt mình mất.

Phải chăng khi ấy tôi đang cố chứng tỏ với chính mình rằng tôi là một bà mẹ tốt? Hay chỉ đơn giản là không chịu nổi cơn đau đang cuộn lên từ niêm mạc?

Khi bắt đầu biết nhận thức, tôi đã không được thấy bóng dáng cha. Mẹ tôi yêu một người đàn ông không thể lấy làm chồng và sinh ra tôi, rồi một thân một mình nuôi tôi khôn lớn.

Làm việc tại một trung tâm tổ chức tiệc cưới, bà khởi sự từ chân tạp vụ, sau khi trải qua hầu hết các vị trí như ghi sổ, mặc áo thuê, cắm hoa, điều phối bàn v.v. Cuối cùng bà trở thành quản lý.

Là một người hiếu thắng, bà ghét nhất kẻ nào coi con mình là đứa nhà nghèo không cha. Bà luôn cố gắng hết mình để tôi được sở hữu một vẻ bề ngoài và một tâm hồn sung túc, dù gia cảnh có thực sự nghèo khó. Bà xin lại vải thừa từ những cơ sở cung cấp trang phục cho trung tâm và tự tay may toàn bộ quần áo cho tôi; thuyết phục người chơi đàn organ ở trung tâm dạy tôi tập piano với học phí phải chăng; mang những bó hoa không dùng đến trong bữa tiệc về nhà trang hoàng cho ô cửa sổ.

Tôi chọn nghề giúp việc cũng bởi từ nhỏ tôi đã cáng đáng công việc nhà thay mẹ. Mới hai tuổi tôi đã tự mình giặt quần đái dầm bằng chỗ nước nóng còn thừa trong bồn tắm và lần đầu tiên tôi cầm dao thái giò để rang cơm là hồi trước khi tôi vào tiểu học. Bằng tuổi Căn bây giờ, tôi đã thành thạo mọi công việc nhà, thậm chí từ việc đóng tiền điện đến việc đi họp tổ dân phố.

Bố trong lời kể của mẹ tôi vừa điển trai vừa tài giỏi. Tôi chưa từng nghe mẹ nói xấu ông bao giờ. Hình như ông kinh doanh một cửa hàng ăn uống, ngoài những lời khen ngợi xuôi tai, có vẻ mẹ cố ý giấu tôi nhiều chi tiết. Mẹ kể rằng bố tôi là một người cao to, thông thạo tiếng Anh, am hiểu sâu sắc nghệ thuật opera, vừa tự trọng lại vừa khiêm tốn, sở hữu một nụ cười mê hoặc bất cứ người nào ông từng gặp…

Trong tâm trí tôi, cha luôn đứng đó với một tư thế không đổi, giống như một bức tượng điêu khắc trong bảo tàng mỹ thuật. Mặc cho tôi tiến lại gần, bức tượng ấy vẫn cứ đăm đắm nhìn ra xa mà chẳng thèm chìa tay cho tôi.

Khi bước sang tuổi dậy thì, tôi bắt đầu tự hỏi nếu đúng như lời mẹ kể thì tại sao ông lại bỏ mặc cả hai chúng tôi mà chẳng thèm đoái hoài hay hỗ trợ gì về mặt kinh tế? Nhưng vào thời kỳ ấy, tôi chẳng còn quan tâm ông là người như thế nào nữa. Tôi chỉ im lặng làm bạn với những câu chuyện đầy ảo tưởng của mẹ.

Thế rồi, tôi đã đập tan cái ảo tưởng ấy, phá hỏng những bộ quần áo mẹ may cho tôi từ những mảnh vải thừa, chiếc đàn piano và xé nát những bó hoa khi mình mang thai. Sự việc xảy ra khi tôi mới bước vào lớp 12 chưa được bao lâu.

Người tôi yêu là một sinh viên ngành điện tôi quen ở chỗ làm thêm. Đó là một thanh niên điềm đạm và có giáo dục, thứ duy nhất anh ta thiếu là sự rộng lượng và chấp nhận cái điều đã xảy ra giữa chúng tôi. Vốn kiến thức cao siêu về ngành điện đã lôi cuốn tôi rốt cuộc chẳng giúp anh ta khỏi biến thành một kẻ khốn nạn. Anh ta lặn mất tăm.

Cảnh ngộ của tôi chẳng khác nào mẹ vào cái thời điểm tôi sắp sinh ra một đứa trẻ không cha, ấy vậy (hoặc chính vì thế) mà bà không thể nào nguôi cơn giận. Cơn giận ấy bị ám ảnh bởi nỗi dằn vặt và những tiếng thét đau khổ. Cảm xúc của bà quá dữ dội, đến độ tôi không còn nhớ được tâm trạng của chính mình ra sao nữa. Bước qua tuần thứ hai mươi hai, tôi bỏ nhà đi. Kể từ đó, tôi và mẹ bặt vô âm tín.

Khi tôi đem con từ bệnh viện về ở tại căn hộ trong một trung tâm do nhà nước bảo trợ có cái tên Mái ấm cho mẹ và bé, đón chúng tôi chỉ có bà giám đốc của trung tâm ấy. Tôi gấp nhỏ tấm ảnh duy nhất mà tôi còn giữ của cha thằng bé và cất nó vào trong chiếc hộp đựng dây rốn người ta đưa cho tôi ở bệnh viện.

Sau khi may mắn bốc thăm được suất gửi con vào một trường mầm non nhận giữ trẻ sơ sinh, không đắn đo, tôi vội tham gia đợt phỏng vấn tuyển người giúp việc của nghiệp đoàn Akebono. Ngoài nơi đó ra, tôi không còn chỗ nào khác để phát huy tài lẻ của mình.

Tôi làm lành với mẹ ngay trước ngày Căn vào lớp một. Bà đột nhiên gửi tặng thằng bé một chiếc cặp sách. Dạo đó tôi không còn ở trung tâm bảo trợ nữa, tôi đã có thể hoàn toàn tự lập. Mẹ tôi vẫn không ngừng nỗ lực trong vai trò người quản lý cái trung tâm tổ chức tiệc cưới ấy.

Khi những tình cảm bất hòa lắng dịu và tôi bắt đầu cảm thấy có mẹ bên cạnh an tâm biết nhường nào thì bà qua đời vì xuất huyết não.

Thành thử, được thấy Căn trong vòng tay của giáo sư, tôi còn sung sướng hơn cả nó.

Nhịp sống có thêm Căn nhanh chóng đi vào quỹ đạo. Về phần tôi, công việc vẫn vậy, ngoại trừ phải nấu thêm hai suất cơm chiều. Bận rộn nhất là ngày thứ Sáu, vì phải chuẩn bị và bảo quản lạnh các món ăn cho cuối tuần. Tôi đã giải thích đến phát ngấy rằng cần phải rã đông như thế nào, theo trình tự và cách kết hợp ra sao, chẳng hạn phải cho sốt thịt băm vào cùng với khoai tây nghiền, cá kho vào với rau cải, nhưng rốt cuộc giáo sư thậm chí còn không nhờ nổi cách điều chỉnh lò vi sóng.

Ấy vậy mà tới sáng thứ Hai, mọi thứ tôi chuẩn bị đều hết nhẵn. Cả xốt thịt băm lẫn cá kho đều đã được rã đông bằng lò vi sóng và chui gọn vào dạ dày giáo sư. Bát đĩa bẩn đều đã được rửa sạch và nằm chỉnh tề trên chạn.

Trong khi vắng tôi, hẳn là bà quả phụ đã giúp đỡ giáo sư. Nhưng bà lão tuyệt nhiên không xuất hiện những lúc tôi có mặt. Tôi không hiểu tại sao bà lại cấm đoán ngặt nghèo đến thế chuyện đi lại giữa nhà chính với nhà ngang. Phải ứng xử ra sao với bà lão thực sự là một vấn đền nan giải và mới mẻ đặt ra cho tôi.

Còn vấn đề nan giải của giáo sư thì vẫn là toán học. Tôi khen ngợi ông rằng ông thật tuyệt vời vì đã giải được những bài toán yêu cầu sự tập trung trong một thời gian dài và lại còn giành được tiền thưởng nữa, nhưng ông chẳng tỏ ra vui mừng.

– Đó chẳng qua chỉ là một trò chơi.

Giọng giáo sư có vẻ buồn rầu chứ không hẳn là khiêm tốn.

– Người ra đề đã biết sẵn đáp án. Giải một bài toán được đảm bảo rằng sẽ có lời giải thì chẳng khác nào trèo lên một ngọn núi mà ta đã nhìn thấy đỉnh và lại có người dẫn đường. Chân lý của toán học không phải thế, nó giấu mình kín đáo ở tận cùng con đường chưa có người khai phá. Hơn nữa, nơi đó chưa chắc đã là đỉnh cao nhất. Đó có thể là một vách đá dựng đứng, hoặc một vực sâu thăm thẳm.

Buổi chiều, hễ nghe thấy tiếng chào của Căn là giáo sư sẽ chạy vội ra khỏi thư phòng cho dù ông đang đắm mình trong những công thức. Ông ghét bị quấy rầy trong khi đang tập trung suy nghĩ là vậy, thế mà lại sẵn sàng bỏ qua chuyện đó vì Căn. Nhưng thường thì thằng bé chỉ quẳng cặp sách đấy rồi chạy ngay ra công viên chơi bóng chày cùng chúng bạn nên ông sẽ lại lủi thủi trở vào phòng.

Đâm ra, giáo sư vui nhất là những ngày trời mưa. Vì ông có thể cùng làm toán với Căn.

– Học ở trong phòng giáo sư, con thấy mình thông minh hơn mẹ ạ.

Căn hộ của hai mẹ con tôi không có lấy một cái kệ sách, thành thử thư phòng với hàng chồng sách cao ngất của giáo sư khiến Căn vô cùng tò mò.

Giáo sư gạt bỏ cuốn sổ, đám kẹp, bụi tẩy trên mặt bàn sang một bên để lấy chỗ cho Căn rồi mở vở toán ra.

Phải chăng bất cứ nhà nghiên cứu toán cao cấp nào cũng có thể dạy giỏi môn toán bậc tiểu học? Hay vì giáo sư có khả năng đặc biệt trong việc này? Ông giảng giải một cách hoàn hảo về phân số, tỷ số, thể tích. Đến mức tôi cho rằng mọi người lớn đều phải giảng bài cho con theo một cách như vậy.

– 355 nhân 840 bằng; 6239 chia 23 bằng: 4,62 cộng 2,74 bằng 5 cộng 2 phần 7 trừ 2 cộng 1 phần 7 bằng…

Dù là toán đố hay các phép tính đơn thuần, bao giờ giáo sư cũng bắt đầu bằng việc yêu cầu. Căn đọc to đề bài.

– Bởi vì các bài toán có nhịp điệu giống như âm nhạc vậy. Khi đọc thành tiếng và hòa mình vào nhịp điệu của chúng, ta sẽ quan sát được toàn bộ vấn đề và nhận biết được những cái bẫy vô cùng hiểm hóc có thể đang rình rập ở đâu đó.

Giọng đọc dõng dạc của Căn vang khắp thư phòng.

– Mẹ mua hai chiếc khăn tay và hai đôi tất mất 380 Yên. Nếu cũng mua hai chiếc khăn tay đó với năm đôi tất thì mất 710 Yên. Hỏi giá của mỗi chiếc khăn tay và mỗi đôi tất là bao nhiêu tiền?

– Sao, ta sẽ bắt đầu từ đâu nào?

– Chà, hơi khó giáo sư nhỉ.

– Ừ, xem ra trong ngày hôm nay, đây là đầu bài hóc búa nhất chứ chẳng chơi. Tuy nhiên, cháu đọc tốt lắm. Đề toán này có ba câu văn. Khăn và tất xuất hiện mỗi thứ ba lần. X chiếc, x đôi, x Yên. X chiếc, x đôi, x Yên… Cháu nắm bắt rất chính xác nhịp điệu lặp đi lặp lại của những từ này, làm cho một đề toán khô khan nghe giống như một bài thơ.

Giáo sư khen ngợi Căn không tiếc lời. Trong lúc khen ngợi, mặc cho thời gian trôi đi và bài toán không tiến triển được gì, ông vẫn không hề sốt ruột. Ngay cả khi Căn lâm vào thế bí một cách ngớ ngẩn, ông cũng tìm ra được những ưu điểm nho nhỏ để khích lệ, giống như gạn lấy từng vảy vàng từ lớp bùn dưới đáy sông.

– Hay là ta thử vẽ các thứ mẹ mua nhé. Đầu tiên là hai chiếc khăn này. Sau đó là hai đôi tất và…

– Giáo sư vẽ không giống đôi tất. Trông như những con sâu rau béo ị. Để cháu vẽ cho.

– Ồ, đúng thế thật. Vẽ như thế mới ra dáng một đôi tất chứ. Bác hiểu rồi.

– Vẽ cả năm đôi tất thì hơi mất thời gian giáo sư ạ. Mẹ không mua thêm khăn mà chỉ mua thêm tất thôi. Ôi, hình vẽ của cháu cũng giống con sâu rau mất rồi.

– Đâu nào, đẹp đấy chứ. Căn nói rất đúng. Vì mẹ mua thêm tất nên số tiền tăng lên. Cháu thử tính xem là tăng lên bao nhiêu.

– Xem nào… lấy 710 trừ đi 380 là…

– Cháu nhớ là đừng xóa mất phần tính nháp đấy.

– Bình thường cháu toàn tính nháp vào mặt sau tờ giấy bỏ thôi ạ.

– Cháu không thấy chúng đáng thương sao? Phép tính nào, con số nào cũng mang một ý nghĩa. Nên cháu phải quý trọng chúng.

Khi ấy, tôi đang ngồi trên giường khâu vá. Tôi thường tìm cách mang việc vào thư phòng để được ở cùng hai bác cháu khi họ bắt đầu làm bài tập. Lúc thì là áo sơ mị, lúc thì tẩy các vết bẩn trên thảm trải sàn, lúc thì tước xơ đậu cô ve. Đứng trong bếp một mình và chốc chốc lại nghe thấy tiếng cười từ thư phòng vọng ra, tôi thấy mình trơ trọi như bị bỏ rơi. Vả lại, tôi muốn được ở bên Căn mỗi khi nó được ai đó cưng chiều.

Trong thư phòng, tiếng mưa nghe rất rõ. Dường như đó là nơi bầu trời sà xuống thấp. tôi không kéo rèm cửa vì cây lá um tùm xung quanh khiến chẳng ai có thể ngó vào trong, trong khi trời đã sẩm tối và khuôn mặt nhìn nghiêng của hai người in trên kính trông như bị ướt. Những ngày mưa, mùi giấy càng trở nên đậm đặc.

– Cứ như thế. Đến phép chia là ta tóm được nó rồi.

– Cháu tìm được đáp án của đôi tất trước. Giá là 110 Yên.

– Tốt lắm. Nhưng lơ mơ là hỏng ăn đấy. Vì cậu khăn tay này trông mặt thì đàng hoàng nhưng dễ là tay lừa đảo.

– Vâng ạ… Chà, có vẻ số nhỏ thì dễ tính hơn.

Căn cố kiễn chân lên để tì mặt vào chiếc bàn hơi quá cao so với nó, tay nắm chặt mẩu bút chì toàn những vết răng. Giáo sư ngồi vắt chân thư thái, chốc chốc lại vuốt bộ râu rậm rạp trong lúc quan sát ngón tay cầm bút của Căn. Ông không còn là một người đàn ông đã già yếu, cũng không còn là một học giả lúc nào cũng bị những suy nghĩ ám ảnh nữa, mà là người che chở tuyệt vời cho một sinh linh bé nhỏ. Đường nét của hai người tựa vào nhau, lẫn với nhau, tạo thành một khối. Tiếng bút chì cọ trên giấy, tiếng răng giả của giáo sư va vào nhau nghe lẫn giữa tiếng mưa.

– Cháu lần lượt viết thành từng phép tính có được không ạ? Ở trường, cô giáo cháu sẽ không hài lòng nếu bọn cháu không chịu viết gộp vào một phép tính.

– Cách làm thận trọng như thế sẽ tránh được sai sót, sao lại không hài lòng chứ. Cô giáo cháu thật là lạ.

– Vậng, cháu chẳng biết tại sao nữa… 110 nhân 2 bằng 220. Lấy 380 trừ đi thì được 160… Sau đó lấy 160 chia cho 2 bằng… 80. Xong rồi. Giá của một chiếc khăn tay là 80 Yên, giáo sư ạ.

– Chính xác. Đáp án hoàn hảo.

Giáo sư xoa đầu Căn, còn Căn thì liên tục ngước nhìn giáo sư như không muốn lỡ dịp quan sát vẻ mặt phấn khởi của ông, mặc cho mái tóc rối bù.

– Bác cũng muốn ra bài tập cho cháu, được chứ.

– Sao cơ ạ?

– Không cần phải nhăn nhó như thế. Vì chúng ta đang học cùng với nhau nên bác chỉ muốn thử bắt chước cô giáo cháu ở lớp thôi mà.

– Giáo sư khôn thật đấy.

– Chỉ một câu thôi. Sẵn sàng chưa? “Tổng của các số từ 1 đến 10 là bao nhiêu?”

– Cháu tưởng thế nào, chứ cái này thì dễ ợt. Cháu làm được ngay. Nhưng, đổi lại giáo sư phải làm hộ cháu một việc. Đó là sửa hộ cháu cái máy thu thanh.

– Sửa máy thu thanh?

– Vâng. Tại vì ở đây cháu chẳng biết diễn biến các trận đấu bóng chày ra sao cả. Ti vi thì không có, máy thu thanh thì hỏng. Giải vô địch đã khai mạc rồi.

– Chà… giải bóng chày chuyên nghiệp hả… – Giáo sư vẫn để tay trên đầu Căn và thở dài. – Thế Căn là cổ động viên của đội nào?

– Cứ nhìn mũ cháu thì biết. Đội Tigers(5) ạ.

5. Hanshin Tigers: tên đội bóng chày nổi tiếng của tỉnh Hyogo Nhật Bản, là niềm tự hào của các cổ động viên vùng Hyogo và Osaka.

Căn đội chiếc mũ vứt cạnh cặp sách lên đầu.

– Thế hả, Tigers hả? Hóa ra là Tigers. – Giáo sư lẩm bẩm như tự nói với chính mình chứ không phải ai khác. – Bác là cổ động viên của Enatsu(6). Tay ném bóng số một của Tigers, Enatsu Yutaka đấy.

6. Yorniuri Giants: tên đội bóng chày nổi tiếng và là niềm tự hào của thủ đô Tokyo, đối thủ truyền kiếp của đội Hanshin Tigers.

– Thật không ạ? Tốt quá, giáo sư không phải fan của Giants. Thế thì nhất định phải sửa máy thu thanh đi thôi.

Căn nũng nịu nằn nì. Giáo sư vẫn không ngừng lẩm bẩm điều gì đó.

Tôi đậy nắp hộp kim chỉ, đứng dậy khỏi giường và cất tiếng.

– Chúng ta đi ăn cơm tối nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.