Giáo sư và công thức toán
Chương 05 phần 1
Chẳng rõ khả năng đặc biệt ấy có liên quan gì tới sự xuất chúng về toán học không, nhưng giáo sư có thể đọc ngược một câu văn trong nháy mắt.
Lần ấy Căn đang vò đầu bứt tai với những bài tập về nhà của môn quốc ngữ yêu cầu làm một hồi văn.
Một câu văn mà bị đọc ngược từ sau ra trước thì còn hiểu thế nào được nữa. Bình thường ai lại đi nói “ Trầm hương thơm hương trầm” kia chứ? Giáo sư nhỉ?
Chứ kia trầm hương thơm hương trầm nói đi nói lại ai thường bình.
Giáo sư lẩm nhẩm.
Giáo sư lẩm nhẩm
Giáo sư nói gì thế ạ?
Ạ thế gì nói sư giáo?
Giáo sư làm sao thế?
Thế sao làm sư giáo?
Mẹ ơi, có chuyện rồi, hình như đầu giáo sư không bình thường.
Căn cuống quýt cầu cứu tôi.
Căn nói đúng. Khi đọc ngược câu văn, đầu óc mọi người sẽ bị rối loạn.
Giáo sư thản nhiên nói.
Tôi hỏi giáo sư vì sao ông có biệt tài ấy thì ông đáo rằng chính ông cũng không biết. Ông còn bảo, do chẳng phải tập luyện hay nhọc sức gì, hầu như chỉ nói theo vô thức, thành ra cứ tưởng đó là khả năng bình thường mà ai cũng có.
Làm gì có chuyện đó. Chẳng hạn như tôi, chỉ nói ngược ba từ thôi là đã lẫn lộn rồi. Khả năng đặc biệt của giáo sư xứng đáng xếp vào kỷ lục Guinness. Thậm chí, còn có thể xuất hiện trên chương trình chuyện lạ thế giới ấy chứ.
Chứ ấy giới thế lạ chuyện trình chương trên hiện xuất thể có còn chí thậm
Giáo sư chẳng có vẻ gì là vui sướng, ông tỏ ra ngượng ngùng, và thế là ông càng nói ngược.
Có một điều chắc chắn theo như lời ông nói, đó là khi đọc ngược, ông không bao giờ nghĩ đến các hình ảnh có trong câu văn, mà quan trọng là nhịp điệu. Phát huy tối đa khả năng cảm nhận âm thanh, bắt lấy nhịp điệu của câu văn bằng tai rồi sau đó chỉ cần đảo ngược nó lại là xong, chuyện đơn giản!
Ví dụ…- Giáo sư bắt đầu giải thích, – như khoảnh khắc xuất thần của toán học, thứ trước tiên xuất hiện trong đầu không phải là các công thức toán mà là hình ảnh toán học. Mặc dù các đường nét thì trừu tượng, nhưng cảm giác thì lại rất rõ ràng như có thể sờ thấy được. Nói ngược có lẽ cũng giống như vậy.
-Giáo sư ơi, ta thử thêm một chút nữa được không?
– Căn quên hẳn bài tập về nhà và hoàn toàn bị mê hoặc bởi biệt tài của giáo sư.
– Xem nào, câu hỏi thứ nhất… Những con hổ Hashin
– Shinhan hổ con những
– Thể dục trên sóng phát thanh
– Thanh phát sóng trên dục thể.
– Bữa trưa hôm nay là món gà xốt.
– Xốt gà món là nay hôm trưa bữa.
– Số tình bạn
– Bạn tình số
– Cháu phác họa một con tê tê trong vườn thú.
– Thú vườn trong tê tê con một họa phác cháu.
– Enatsu Yutaka
– Katayu Tsuane
– Tên Enatsu đọc ngược nghe như một cầu thủ ném bóng yếu xìu ấy giáo sư nhỉ.
Căn và tôi thay nhau ra đề bài. Ban đầu, chúng tôi viết đáp án vào vở để kiểm tra xem có đúng hay không, nhưng vì giáo sư tuyệt nhiên không phạm một lỗi nào nên chúng tôi chẳng kiểm tra nữa cho đỡ mất công. Giáo sư lập tức có câu trả lời ngay khi chúng tôi vừa đọc dứt câu hỏi, không hề do dự lấy một giây.
– Giáo sư giỏi quá. Đáng ra phải tự hào về điều đó chư, vậy mà giáo sư cứ giấu mẹ con cháu suốt.
– Tự hào? Căn à, cháu thôi nói bỡn đi nào. Có gì đáng tự hào đâu? Chỉ là nói ngược Enatsu Yutaka thành Katayu Tsuane thôi mà.
– Có chứ. Khả năng đó của giáo sư nhất định sẽ khiến mọi người ngạc nhiên, háo hức, vui sướng.
Giáo sư thẹn thùng cúi đầu, khẽ đáp.
– Cảm ơn cháu.
Thế rồi, ông đặt tay lên đầu Căn, cái đầu phẳng lì và vừa khít cho việc đón nhận bàn tay của người khác.
– Tài lẻ của bác chẳng đem lại lợi ích gì cho ai. Không ai cần đến nó. Nhưng được Căn khen ngợi là bác thấy vui rồi.
Đoạn hồi văn mà giáo sư nghĩ ra cho Căn là: Con chó quắp chó con.”
Giáo sư còn một khả năng đặc biệt là phát hiện sao Hôm nhanh hơn bất kỳ ai. Có lẽ chẳng ai nhạy cảm với sao Hôm bằng giáo sư trong cái thế giới khi màn đêm buông xuống.
– Ồ
Đang ngã mình trên ghé, giáo sư bất chợt thốt lên, lúc ấy mặt trời còn đang đứng bóng và còn lâu mới xế chiều. Tôi nghĩ là ông vừa nói mơ hay độc thoại điều gì nên không đáp.
– Ồ
Giáo sư lại thốt lên y hệt lúc trước, đưa cánh tay yếu ớt chỉ lên bầu trời phía ngoài cửa sổ.
– Sao Hôm kìa.
Không hiểu giáo sư đang nói với ai, nhưng vì thấy ông chỉ tay nên tôi tạm dừng công việc trong bếp, đưa mắt theo tay ông. Song chỉ có bầu trời ở phía đó.
Chắc là một kiểu áo giác toán học đây mà, tôi nghĩ bụng. Thế rồi, như đọc được ý nghĩ của tôi, ông nói.
– Ở đằng kia kìa.
Ngón tay trỏ nhăn nheo đầy những vết xước măng rô và ghét dưới móng tay, Tôi chớp mắt, tập trung quan sát nhưng chả thấy gì ngoài những gợn mây.
– Thưa giáo sư, còn sớm thế này thì làm gì đã có sao?
Tôi cố gắng tránh nói thẳng.
– Màn đêm sắp xuống rồi. Vì sao Hôm đã lên ở đằng kia.
Chẳng đếm xỉa đến tôi, giáo sư cứ nói những gì mình muốn nói rồi buông tay xuống và bắt đầu gà gật.
Tôi không hiểu việc chỉ ra sao Hôm có ý nghĩa gì với ông. Có thể đó là cách để làm dịu đi những sợi thần kinh mệt mỏi, hoặc chỉ đơn thuần là một thói quen. Song điều khó hiểu nhất là bằng cách nào mà một người chẳng mấy khi để ý xem có bao dĩa thức ăn trước mặt mình lại phát hiện sao Hôm nhanh đến vậy.
Mặc những lý lẽ của tôi, giáo sư vẫn chỉ về một điểm trên bầu trời rộng bao la bằng ngón tay già cỗi của mình. Và trao cho cái điểm độc nhất vô nhị không ai phân biệt nổi ấy một ý nghĩa nào đó.
Vết thương của Căn hồi phục nhanh chóng. Nhưng nó chưa hết giận. Khi có giáo sư ở bên, nó vui vẻ bình thường, vậy mà khi còn lại hai chúng tôi, nó lập tức im bặt, hoặc chỉ trả lời tôi một cách cộc cằn. Dải quấn băng tay bắt đầu ố bẩn và mất đi vẻ trắng muốt ban đầu.
– Mẹ xin lỗi.
Tôi ngồi ngay ngắn trước mặt Căn, cúi đầu.
– Mẹ sai rồi. Mẹ rất xấu hổ vì đã có những lúc không tin tưởng giáo sư. Mẹ sẽ rút kinh nghiệm.
Tôi tưởng Căn sẽ chẳng thèm nghe, nhưng thật bất ngờ, sau khi xoay người đối diện tôi với một vẻ rất lạ, nó sửa lại tư thế ngồi rồi vừa cúi mặt nghịch nút thắt của dải băng vừa nói.
– Vâng, con biết rồi. Mẹ con mình làm lành nhé. Nhưng con sẽ không bao giờ quên cái hôm con bị đứt tay đâu.
Và chúng tôi bắt tay nhau.
Vết sẹo với hai mũi khâu không chịu biến mất suốt quãng thời gian dài ngay cả khi Căn đã lớn khôn. Nó hằn sâu giữa ngón cái và ngón trỏ trên bàn tay trái như một chứng ngôn về sự lo lắng của giáo sư dành cho Căn ngày hôm đó, và như một bằng chứng nói lên rằng Căn không hề quên giáo sư như nó đã hứa với ông.
Một hôm, giữa lúc sắp xếp lại giá sách trong thư phòng, tôi tìm thấy một hộp bánh bích quy đã bẹp rúm dưới chồng sách toán ở ngăn cuối.
Tôi rón rén mở cái nắp đã bắt đầu gỉ sét và sẵn sàng chờ đợi lũ bánh mốc meo, nhưng không, trước sự kinh ngạc của tôi, bên trong là những quân bài bóng chày.
Dễ có đến hơn một trăm quân bài. Chúng được xếp kín cả chiếc hộp vuông mỗi bề 40 centimet không một kẻ hở, đến nỗi khó lòng mà thò tay vào để rút ra dù chỉ một tấm.
Đó rõ ràng là một bộ sưu tập đã được chủ nhân giữ gìn cẩn thận. Mỗi tấm đều được cất trong một túi ni lông trong suốt, không một vết vân tay, không mất góc, không gấp mép, và thậm chí, còn không bị lộn ngược. Nhưng tờ bìa với nhưng chữ viết tay như: ném bóng, chốt hai, cánh trái,v..v.phân loại cầu thủ theo vị trí chơi bóng. Trong mỗi mục phân loại, các cầu thủ lại được xếp theo họ và vần chữ cái. Tất cả đều thuộc đội Hanshin. Rút bất kì quân bài nào ra xem cũng thấy còn mới như nhau, không một ngoại lệ. Điều đó khiến tôi có cảm giác rằng một thủ thư dù kỹ tính đến mấy cũng khó lòng phận loại được các lá bài hoàn hảo nhường này.
Chỉ có điều, mặc dù còn mới song phải khẳng định rằng nội dung của chúng đã lỗi thời, phần lớn các bức ảnh là đen trắng. Trong số các cầu thủ “ Yoshida Yoshio, Ushiwaka-maru hiện đại” và “Murayyama Minoru, cầu thủ ném bóng kiểu Zaptopek” thì tôi còn biết chứ “những quả bóng quỷ quái của Wakabayashi Tadashi” hay “tầm bóng vô song của Kageura Mazaru” thì tôi chịu:
Duy có một người rất đặc biệt, đó là Enatsu Yutaka. Giáo sư dành riêng cho cầu thủ này một góc hộp với tấm bìa ghi đầy đủ họ tên “Enatsu Yutaka” chứ không phân loại theo vị trí chơi bóng.
Hơn nữa, khác với túi bọc ni lông trong suốt của các cầu thủ khác, quân bài của Enatsu được bảo quản bởi loại túi nhựa chắc chắn như muốn chống lại mọi tác động từ bên ngoài. Một khi đã cất những quân bài vào đó rồi thì mồ hôi dầu từ ngón tay cũng chẳng thể làm bẩn chúng được. Tôi có thể cảm nhận được mong muốn ấy của ông.
Có đủ loại bài khác nhau về Enatsu, thể hiện Enatsu trong mọi tư thế. Song chỉ có hình ảnh của một Enatsu gọn gàng và dũng mãnh chứ tuyệt nhiên không thấy một Enatsu bụng phệ mà tôi biết, và dĩ nhiên, trong tất cả các quân bài, Enatsu đều mặc đồng phục của Hanshin.
Sinh này 15-5-1948 tại tỉnh Nara. Chơi bóng bằng tay trái. Cao1m79, nặng 90 cân. Năm 1967, rời đội tuyển trường trung học Osaka Gakuin, gia nhập Hanshin nhờ vị trí số 1 ở vòng tuyển trạch. Một năm sau lập kỷ lục thế giới mới với 401 lần đoạt cú ăn ba trong một mùa giải, vượt qua thành tích 382 lần của Sandy Koufax đội Los Angles Dodgers thuộc giải nhà nghề Mỹ. Trong trận đấu của các ngôi sao năm 1971 (tại thành phố Nishinomiya), liên tiếp loại 9 đối thủ bằng cú ăn ba (trong đó có 8 đối thủ không chạm được vào bóng). Năm 1973, no-hit no-run. Cánh tay trái siêu đẳng… Tiểu sử và các kỷ lục cuả Enatsu được viết li ti ở mặt quân bài. Enatsu đặt găng tay ném bóng trên đầu gối chờ tín hiệu của đồng đội. Enatsu trong khoảnh khoắc chuẩn bị ném bóng. Enatsu hạ cánh tray trái xuống và nhìn xoáy vào găng tay bắt bóng của đồng đội. Enatsu đứng chống nạnh trên ụ ném bóng. Tất cả những bộ đồng phục đó đều mang số 28, con số hoàn hảo.
Tôi trả các quân bài về chỗ cũ, đóng nắp hộp lại theo cái cách rón rén hệt như khi mở ra.
Tôi tiếp tục tìm thấy một bó vở phủ đầy bụi từ mãi góc trong cùng của giá sách, nhìn màu giấy và màu mực đã biến sắc, có vẻ như chúng cũng cũ không kém gì các quân bài. Không chịu được sức nặng của sách sau nhiều năm, sợi dây thừng buộc ba mươi quyển vở đã lỏng ra, bìa vở thì quăn tít.
Lật giở trang nào cũng chỉ toàn thấy các con số, ký hiệu và chữ cái. Đâu đó có một vài hình vẽ hình học khác thường vừa xuất hiện đã lại thấy những đường cong dị dạng và những biểu đồ. Tôi biết ngay là vở của giáo sư. Nét bút trẻ trung và khỏe khoắn hơn bây giờ, nhưng số 4 vẫn giống như một sợi ruy băng sắp tuột và số 5 vẫn giống như một người sắp đổ sấp về phía trước.
Mặc dầu biết rằng xem trộm bất cứ thứ gì của chủ nhà cũng là hành vi đáng xấu hổ với người giúp việc, song tôi vẫn không ngăn nổi mình làm việc đó là bởi những cuốn vở của giáo sư rất đẹp. Bất chấp dòng kẻ ô li, những phép tính vươn ra mọi phía, khi nhập vào nhau, lúc tách khỏi nhau; mũi tên, √, ∑ và vô vàn những chỗ bị bôi đen hoặc bị mối xông càng tôn thêm vẻ đẹp.
Tất nhiên là tôi không hiểu gì. Tôi không sao nắm bắt được dù chỉ là một mảnh ghép của những bí ẩn đằng sau trang giấy. Vậy mà tôi vẫn muốn ngắm chúng mãi.
Liệu trong những cuốn vở này có bài chứng mình phỏng đoán Artin mà có lần giáo sư đã nói với tôi không? Nhưng chắc chắn là có những khảo cứu về số nguyên tố, lĩnh vực ông tâm đắc nhất. Biết đâu còn có cả bài nháp của luận văn đã giúp ông giành giải thưởng hiệu trưởng số 284 ấy chứ…Tôi tìm thấy ở đó thật nhiều điều, theo cách riêng cảu minh. Ấy là sự nhiệt tình từ những nét bút hằn sâu không có mực. sự hấp tấp nơi những dòng gạch xáo, niềm xác tín trên những đường kẻ chân dứt khoát. Và những công thức đầy rẫy này đã đưa tôi đến nơi tận cùng của thế giới.
Xem xét kỹ lưỡng hơn, tôi nhận thấy đây đó trên góc vở thỉnh thoảng lại xuất hiện những dòng chữ viết ngoáy mà ngay cả tôi cũng có thể đọc được.
“Cần suy ngẫm về ý nghĩa lời giải”
“Những khiếm khuyết trong trường hợp chưa chắc chắn.”
“Cách tiếp cận mới không đem lại hiệu quả.”
“Có kịp không?”
“14:00 hẹn N trước thư viện.”
Tất cả đều được viết rất ẩu và gần như nằm lẫn giữa các công thức vậy mà chúng có vẻ sung sức hơn cả những mẩu giấy nhớ đính trên áo com lê của giáo sư. Ở đó có một giáo sư khác mà tôi chưa từng biết đang trăn trở điều gì.
Đã xảy ra chuyện gì ở trước thư viện lúc hai giờ chiều? N là ai? Tôi mong sao đó là một cuộc hèn hò hạnh phúc với ông.
Tôi xoa tay trên mặt vở, cảm thấy những công thức toán của giáo sư chạm vào tay mình. Những công thức toán kết thành một sợi dây xích dài buông thõng dưới chân tôi. Tôi theo sợi xích tuột xuống từng nấc một. Cảnh vật lùi xa, ánh nắng không bắt tới, ngay cả âm thanh cũng nín bặt, nhưng tôi không thấy sợ. Vì tôi biết rằng, con đường giáo sư chỉ ra dẫn tới một chân lý vĩnh hằng, không gì xâm phạm nổi.
Tôi kinh ngạc vì cảm thấy mặt đất dưới chân mình được nâng đỡ bởi một thế giới sâu thẳm hơn. Chẳng có cách nào tới được đó nếu không bám theo sợi xích số này, ngôn từ trở nên vô nghĩa, và bỗng chốc, tôi không còn phân biệt được mình đang hướng đến sự sâu thẳm hay cao siêu nữa. Duy chỉ có một điều chắc chắn, đó là sợi xích sẽ dẫn tôi tới sự thật.
Tôi lật giở tới trang cuối cùng của quyển vở cuối cùng. Bỗng nhiên dây xích đứt phăng bỏ lại tôi giữa bóng tối. Chỉ cần tiến thêm chút nữa thôi, không biết chừng tôi đã tới được đích rồi, vậy mà chẳng thấy con số tiếp theo đâu mặc cho tôi căng mắt ra nhìn.
Phiền cô một chút…
Giáo sư gọi tôi từ phía phòng vệ sinh
Phiền cô ngơi tay một chút.
Vâng ạ.
Tôi để mọi thứ vào chỗ cũ, rồi vui vẻ cất tiếng.
Ngày lĩnh lương tháng Năm, tôi mua 3 vé xem trận Hanshin. Mồng 2 tháng 6, đối thủ cảu Hanshin là Hiroshima. Mỗi năm Tigers chỉ tới thi đấu ở thị trấn nơi chúng tôi sống khoảng hai lần, nên nếu mất dịp này thì phải lâu nữa mới có cơ hội khác.
Tôi chưa từng đưa Căn đi xem bóng chày. Tính ra Căn mới chỉ đi cùng bà ngoại chơi vừơn thú một lần duy nhất, ngay cả viện bảo tàng lẫn rạp chiếu phim nó đều chưa bào giờ đặt chân tới. Từ khi sinh nó ra, tôi bị chuyện cơm áo gạo tiền choán hết tâm trí nên quên hẳn việc vui chơi giải trí của hai mẹ con.
Lúc phát hiện ra những quân bài bóng chày trong hộp bích quy, tôi chợt nghĩ: Ví như tôi có đưa một ông lão mắc bệnh quái ác suốt ngày chỉ quanh quẩn trong thế giới số má và một cậu nhóc chỉ biết đợi mẹ vào mỗi tối đi xem bóng chày thì ông trời cũng chẳng bắt tội gì tôi.
Thú thực, tôi không khỏi xót ruột khi móc túi ra mua ba suất vé hạng đặc biệt. Nhất là trước đó đã phải chi một khoản tiền cho việc điều trị vết thương của thằng bé. Tuy nhiên, tiền thì còn có thể kiếm sau chứ thời gian mà một ông già và một cậu bé có thể cùng thưởng thức bóng chày với nhau chắc chẳng có nhiều. Vả lại, để giáo sư được tận mắt chứng kiến những bộ đồng phục sọc đen trắng đẫm mồ hôi, những cú home run lẫn giữa tiếng reo hò và những ụ đất bị đế giày đinh xới nát- với giáo sư, vốn là thứ tưởng tượng chỉ có trong thế giới của những quân bài-chắc hẳn sẻ là một ân huệ cao cả hơn nghĩa vụ của người giúp việc. Dù cho thiếu đi bóng dáng Enatsu.
Tôi tự cho rằng ý tưởng đó thật là tuyệt vời, ấy vậy mà trái với dự đoán, Căn phản ứng khá hờ hững.
– Nhỡ giáo sư từ chối thì sao…- Căn lẩm bẩm- Giáo sư ghét chỗ ồn ào mà.
Nhận xét của nó trúng phóc. Tôi đã vất vả lắm mới đưa được ông tới hiệu cát tóc. Vì vậy, sân đấu bóng chày lại càng không thích hợp với sự tĩnh lặng mà ông yêu thích
– Hơn nữa, làm thế nào để giáo sư giữ lời hứa bây giờ? Giáo sư không biết cách chuẩn bị tinh thần đâu.
Căn thấu hiểu giáo sư một cách đáng kinh ngạc.
– Ừ nhỉ…chuẩn bị tinh thần…
Đối với giáo sư việc nào cũng đều xảy ra bất ngờ. Vì giáo sư không lập được kế hoạch trước.Ngày nào giáo sư cũng căng thẳng gấp mấy lần mẹ con mình. Thế nên, đột nhiên có một sự kiện vĩ đại như thế xảy ra, có lẽ giáo sư sẽ chết vì sốc mất
– Làm gì có chuyện đó. À mà này, hay là ta đính sẵn vé vào áo com lê của giáo sư?
– Con nghĩ chẳng có tác dụng gì đâu.Căn lắc đầu – Mẹ đã bao giờ thấy lũ giấy nhớ trên người giáo sư có ích gì chưa?
– Ừ con nói dúng. nhưng mà hàng sáng giáo sư vẫn kiểm tra xem mẹ là ai bằng hình vẽ đính trên gấu tay áo đấy thôi..
– Nhìn cái hình vẽ như trẻ con mẫu giáo ấy thì phân biệt thế nào được là mẹ hay con…
– Giáo sư tuy giỏi toán học nhưng có lẽ kém môn hình họa.
– Mỗi lần nhìn thấy giáo sư viết gì đó lên giấy nhớ bằng chiếc bút chì mòn vẹt và đính nó lên người con lại muốn khóc
– Tại sao?
– Vì thấy giáo sư cô đơn chứ sao.
Căn cố tình nói bằng giọng bướng bình.Không thể bắt bẻ được gì, tôi đành im lặng gật đầu.
– Còn một vấn đề nữa.
Căn đổi giọng và giơ thẳng ngón trỏ lên.
– Các cầu thủ vào thời giáo sư biết sẽ không có ai ra sân. Tất cả đều đã giải nghệ.
Mọi lập luận Căn đưa ra đều chí lý. Nếu không có bất cứ cầu thủ nào trong những quân bài bóng chày mà giáo sư sưu tầm ra sân, hẳn là ông sẽ bối rối và thất vọng nữa. Ngay cả trang phục thi đấu bây giờ cũng khác xưa. Sân bóng lại không tĩnh lặng như định lý toán học. Có rất nhiều kẻ say và những lời la ó. Đúng vậy, mọi lo lắng của Căn đều chính đáng.
Ừ mẹ hiểu. Nhưng mẹ đã mua vé mất rồi. Không chỉ có vé cho giáo sư, mà còn có cả phần cho con nữa. Chuyện giáo sư đi hay không hãy cứ gác lại đã, trước hết mẹ muốn biết suy nghĩ của con. Con có muốn xem Tigers thi đấu không?
Nó cúi đầu một lúc lâu, có lẽ vì sĩ diện, miệng lúng búng vì điều gì đó nhưng rồi không nén nổi vui sướng, nó nhảy tưng tưng xung quanh tôi.
Con thích. Ai nói gì mặc kệ. Con sẽ đi. Chắc chắn con sẽ đi.
Căn cứ nhảy vậy mãi, cuối cùng nó nhảy lên ôm cổ tôi và bảo “ Con cảm ơn mẹ.”
Mồng hai tháng Sáu, điều chúng tôi lo lắng nhất là thời tiết nhưng trời rất đẹp. Chúng tôi lên xe buýt khởi hành lúc bốn giờ năm mươi phút.
Còn một lúc nữa mới xế chiều, ánh nắng vẫn thấm đẫm bầu trời. Trong xe buýt, chúng tôi bắt gặp nhiều người có vẻ như đang đi về phía sân vận động.
Căn cầm trên tay chiếc loa mượn được của bạn, tất nhiên, đội một chiếc mũ Tigers trên đầu, hầu như cứ mười phút nó lại hỏi tôi rằng vẫn cầm chắc vé đấy chứ. Mặc dầu một tay xách giỏ đựng đầy bánh sandwich, một tay xách bình hồng trà, nhưng vì Căn cứ luôn mồm hỏi vé nên chính tôi cũng cảm thấy không yên tâm, chốc chốc lại đút tay vào túi váy kiểm tra xem còn vé hay không.
Còn giáo sư thì vẫn trong bộ dạng mọi ngày. Áo com lê chi chít giấy nhớ, đôi giày mốc meo và chiếc bút chì trong túi áo. Ông cứ tóm chặt tay ghế suốt từ đầu đến cuối cho tới khi xe buýt dừng lại trước cửa công viên bên ngoài sân vận động, giống hệt như khi ở tiệm cắt tóc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.