Giáo sư và công thức toán
Chương 05 phần 2
Tôi đề cập về việc đi xem bong chày với giáo sư đúng tám mươi phút trước khi xe buýt lăn bánh, tức là vào ba giờ ba mươi phút. Khi ấy Căn cũng đã từ trường về, hai mẹ con tôi cố gắng dựng lên một không khí thật tự nhiên và lái câu chuyện sang hướng đó. Ban đầu, hình như giáo sư không hiểu những gì chúng tôi đang nói. Có một điều không thể tin nổi, đó là giáo sư không biết rằng các trận đấu bóng chày nhà nghề đang diễn ra khắp nơi trên đất nước và chỉ cần trả tiền thì ai cũng có thể xem được. Nhưng ngẫm ra, ngay cả việc có thể nghe tường thuật trực tiếp trên đài cũng là chuyện mới đây ông mới biết, nên có lẽ cũng không phải điều gì ghê gớm.Bóng chày đối với ông chỉ còn tồn tại trong những bài viết trên trang báo thể thao và trong những quân bài.
Cô bảo tôi phải tới đó sao?
Giáo sư ra chiều ngẫm nghĩ.
Tất nhiên tôi không ra lệnh cho giáo sư, mà chỉ muốn mời giáo sư đi cùng chúng tôi thôi.
Ừm. Đi xe buýt… đến sân bóng chày…
Giáo sư rất thích suy nghĩ, thành ra nếu cứ để yên, chắc ông sẽ thong thả suy nghĩ cho tới khi trận đấu kết thúc.
Thế có được gặp Enatsu không?
Mặc dù hơi sững lại trong giây lát vì bị đánh trúng điểm yếu, song Căn vẫn trả lời đúng như những gì chúng tôi đã bàn bạc.
Tiếc quá, trong trận đấu với Giants trên sân Koshien vào hôm kia Enatsu đã chơi lượt đầu tiên nên hôm nay anh ấy không ra sân đâu ạ. Cháu xin lỗi.
Cháu không cần phải xin lỗi. Ừm, đúng là tiếc thật. Thế, hôm đó Enatsu có thắng không?
Thắng chứ ạ. Đó là trận thắng thứ bảy trong mùa giải này.
Vào năm 1992, người mang số áo 28 là tay ném bong Nakata Yoshihiro, cầu thủ này bị chấn thương vai nên hầu như không mấy xuất hiện. Số 28 không ra sân là may hay rủi với chúng tôi đây? Thật khó đoán định. Nếu Nakata không phải là cầu thủ ném bóng, hẳn giáo sư sẽ lấy làm lạ, nhưng thật may không phải vậy. Và nếu Nakata chỉ tập ném bóng trên đường pít ở xa xa, biết đâu đôi mắt già cỗi của giáo sư sẽ bị đánh lừa. Ông chưa từng thấy Enatsu bằng xương bằng thịt nên chắc chắn không biết tư thế ném bóng của anh ta. Nhưng nếu Nakata đứng trên ụ ném thì việc đánh lừa mắt ông là bất khả, khi ấy, cơn sốc gây ra cho ông sẽ lớn nhường nào? Vì khác với Enatsu, Nakada ném bóng bằng tay phải. Nếu vậy, thà số 28 đừng xuất hiện ngay từ đầu có lẽ sẽ tốt hơn.
– Đi đi giáo sư ơi. Đi cùng giáo sư mới vui cơ.
Ý kiến này của Căn có tính chất quyết định, và cuối cùng giáo sư cũng đồng ý đi.
Xuống khỏi xe buýt, giáo sư đổi đối tượng từ tay ghế sang tay Căn. Suốt cả quãng đường vào sân vận động nằm trong lòng công viên và khoảng thời gian len qua các lối đi chật kín người, giáo sư và Căn hầu như không nói gì. Giáo sư thì quá ngạc nhiên vì được đưa đến một nơi khác xa với cuộc sống bình thường của ông, còn Căn thì quá háo hức vì sắp được xem trận đấu trong mơ của Tigers, nên cả hai cứ mãi miết ngó quanh như đã quên cả tiếng nói.
– Mọi người ổn cả chứ?
Chốc chốc tôi lại cất tiếng hỏi, giáo sư chỉ im lặng gật đầu, mỗi lần như vậy ông lại siết chặt tay Căn.
Vừa bước đến bậc thang cuối cùng dẫn tới khán đài đặc biệt nhìn xuống chốt ba, tất cả chúng tôi cũng đồng loạt thốt lên. Bất ngờ mở ra trước mắt chúng tôi là một khoảng sân mềm mại sẫm màu, những ụ chốt chưa hằn vết giày đinh, những đường kẻ trắng dài thẳng tắp, và mặt cỏ trải rộng được chăm sóc chu đáo. Trong ánh chiều chạng vạng, bầu trời ở ngay gần như có thể chạm tay tới được. Khi ấy, đèn chiếu sáng bật lên như thế đã đợi sẵn chúng tôi. Sân bóng chày đẫm trong những quầng sáng muôn màu là một phi thuyền đáp xuống từ không gian.
Giáo sư có thực sự thích thú trận đấu ngày mồng hai tháng Sáu giữa Hanshin và Hiroshima không? Những năm sau này, thỉnh thoảng tôi và Căn vẫn kể với nhau về cái ngày đặc biệt ấy, song cả hai mẹ con đều không dám chắc giáo sư có thật lòng thích một trận bóng chày sống động trước mắt như thế không. Thậm chí, nhiều khi tôi còn hơi dằn vặt và cho rằng, không chừng đó chỉ là sự quan tâm quá đáng và chỉ tổ khiến ông mệt mỏi.
Mặc dầu vậy, những khung cảnh ít ỏi mà cả ba người cùng chứng kiến thì không hề phai nhạt, thậm chí càng trải qua thời gian chúng càng lộng lẫy và sưởi ấm lòng chúng tôi. Những chiếc ghế ngồi cứng ngắc có cái tựa lưng nứt nẻ, cậu thanh nhiên bám vào hàng rào mắt cáo và gào tên Kameyama từ đầu chí cuối, giỏ bánh sandwich trứng sực nức vị cay của mù tạt, ánh đèn máy bay lướt ngang qua sân vận động giống như ngôi sao băng… Chúng tôi không bao giờ biết chán khi hồi tưởng và hoài vọng từng kỷ niệm trên sân bóng chày hôm đó. Mỗi lần ôn lại, chúng tôi lại có cái ảo giác như thể giáo sư đang ở ngay cạnh mình.
Trong các kỷ niệm, tôi thích nhất chuyện giáo sư phải lòng cô bán nước ngọt. Sau hai lượt đánh, Căn đã ăn hết chiếc bánh sandwich và đòi uống nước ngọt. Tôi định gọi người bán hàng rong lại mua thì giáo sư ngăn tay tôi, bảo: “Không được.” Tôi hỏi vì sao thì ông im lặng, không trả lời. Ngay khi tôi định ra hiệu cho người bán hàng rong tiếp theo, giáo sư lại bảo: “Không được.” Giọng ông quá nghiêm khắc khiến tôi tưởng ông không cho Căn uống nước ngọt vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe.
– Thôi, con chịu khó uống trà mẹ mang theo từ nhà đi vậy.
– Con không thích đâu. Đắng lắm.
– Hay là mẹ ra quầy phục vụ mua sữa cho con nhé.
– Con có phải trẻ con đâu. Với lại, ở sân vận động ai người ta bán sữa. theo lệ thì ở sân bóng chày là phải uống nước ngọt ừng ực bằng cốc giấy lớn kia.
Xem ra cu cậu có lý tưởng riêng của mình. Tôi đành quay sang thăm dò ý tứ giáo sư.
– Hay là ta cho Căn uống một cốc thôi, thưa giáo sư.
Giáo sư vẫn không thôi vẻ mặt nghiêm nghị, ghé sát tai tôi thì thầm.
– Nếu mua nước ngọt thì mua của cô kia kìa.
Giáo sư chỉ về phía một cô gái bán hàng rong đang len qua lối đi ở đằng xa.
– Vì sao ạ? Mua của ai mà chả được, thưa giáo sư?
Hỏi thế nào giáo sư cũng không chịu nói lý do, song sau một hồi bị Căn vặn vẹo vì không chịu nổi cơn khát, cuối cùng ông đành xưng tội.
– Vì cô bé đó là xinh xắn nhất.
Con mắt thẩm mỹ của giáo sư thật không tồi. Tôi nhìn khắp lượt thì thấy cố gái đó là đẹp nhất, nụ cười cũng đáng mến nhất.
Do quá chú ý đến hàng ghế khán giả thay vì sân đấu nhằm không để lỡ thời cơ cô gái lại gần mà chúng tôi đã đánh mất cơ hội theo dõi pha bóng tăng bốn điểm của Tigers ở hiệp đấu thứ ba.
Cuối cùng thì mục tiêu cũng lại gần lối đi ngay phía dưới chỗ chúng tôi ngồi, giáo sư liền giơ phất tay lên gọi và mua một cốc nước ngọt cho Căn. Mặc cho bàn tay chìa đồng xu của giáo sư run run, mặc cho người ông phủ đầy những mẩu giấy nhớ, nụ cười của cô gái vẫn chẳng bớt tươi. Chỉ có Căn là làu bàu rằng, mua mỗi cốc nước ngọt thì cần gì phải mất công đến thế, nhưng rồi nó liền vui vẻ trở lại khi giáo sư tự động mua thêm nào bắp rang bơ, nào kem và một cốc nước ngọt nữa mỗi lần cô gái ngang qua.
Tuy thể hiện một khía cạnh đầy bất ngờ như vậy, song giáo sư rốt cuộc vẫn là một nhà toán học. Sau khi nhìn lướt sân bóng, câu đầu tiên ông thốt ra là:
– Sân bóng là một hình chính phương mỗi chiều dài 27,43 mét.
Thế rồi, khi nhận ra số ghế của mình và của Căn là 7-14 và 7-15, ông bắt đầu giảng giải về hai con số đó mà quên cả ngồi xuống:
– 714 là kỷ lục home-run do Babe Ruth lập năm 1935. Ngày mồng tám tháng Tư năm 1974. Hank Aaron phá vỡ kỷ lục này bằng cú home-run thứ 715 giành được từ tay Al Downing của đội Los Angeles Dodgers.
Tích của 714 và 715 bằng tích của bảy số nguyên tố đầu tiên.
714 x 715 = 2 x 3 x 5 x 7 x 11 x 13 x 17 = 510510
Tổng các số nguyên tố là ước số của 714 bằng tổng các số nguyên tố là ước số của 715.
714 = 2 x 3 x 7 x 17
715 = 5 x 11 x 13
2 + 3 +7 + 17 = 5 + 11 + 13 = 29
Các cặp số nguyên liên tiếp có tính chất như trên cực hiếm. Chỉ tồn tại 26 cặp số như thế tính đến 20000. Ruth-Aaron, đó là một cặp. Số càng lớn thì sự phân bố của chúng càng mỏng dần, giống như số nguyên tố. Nhỏ nhất là cặp số 5 và 6. Việc chứng minh các cặp số này có tồn tại vô hạn hay không khá phức tạp. Nhưng quan trọng nhất là bác ngồi ghế 7-14 và Căn ngồi ghế 7-15. Điều này không thể đảo ngược được. Kẻ đi sau sẽ phá vỡ những kỷ lục cũ. Đó là quy luật của vạn vật. Cháu hiểu chứ?
– Vâng, cháu hiểu rồi, cháu hiểu rồi. Này, giáo sư xem kìa, Shinjo đấy.
Ngày thường Căn rất chăm chú nghe giáo sư giảng giải, nhưng riêng lúc này, dưới bầu trời, nó có vẻ chẳng quan tâm tới số ghế của mình là số mấy.
Rốt cuộc, trong suốt trận đấu, giáo sư chỉ toàn nhắc đến những con số mà ông tâm đắc nhân một chuyện gì đó. Hẳn là ông đã rất căng thẳng. Tông giọng của ông cứ cao mãi lên, như không chịu thua tiếng ồn ào xung quanh, khiến chúng tôi trở nên nổi bật khác thường giữa đám cổ động viên Tigers. Cầu thủ ném bóng đầu tiên của đội Tigers là Nakagomi được thông báo vào sân. Trong lúc anh ta tiến tới ụ ném, giáo sư nói:
– Độ cao của ụ ném là 10 inch, tương đương 25,4 centimet. Từ ụ ném tới chốt nhà là 6 feet, cứ 1 feet độ cao lại hạ xuống 1 inch.
Khi nhận ra bảy cầu thủ đánh bóng đầu tiên của đội Hiroshima thuận tay trái, ông lại nói:
– Tỷ lệ đánh trúng giữa cầu thủ đánh bóng tay trái với cầu thủ ném bóng tay trái là 0,2568, tỷ lệ này giữa hai cầu thủ thuận tay phải là 0,2649.
Trong lúc mọi người chép miệng vì Nishida của đội Hiroshima cướp chốt thành công, ông nói:
– Cầu thủ ném bóng mất 0,8 giây để lấy đà và thả bóng khỏi tay. Vừa rồi bóng bay xoáy nên cần mất 0,6 giây để đến được tay cầu thủ bắt bóng. Như thế là mất 1,4 giây. Trừ đi khoảng cách các chốt đã lấy được, cự ly cầu thủ chạy chốt phải chạy là 24 mét. Đoạn đường 50 mét của cầu thủ chạy chốt… để đến được chốt hai… vì vậy thời gian còn lại cho cầu thủ bắt bóng ném bóng loại cầu thủ chạy chốt là 1,9 giây.
Giáo sư cứ như vậy.
May mắn thay, nhóm ngồi bên trái suốt từ đầu đến cuối chẳng hề tỏ ra quan tâm tới chúng tôi, còn người đàn ông ngồi bên phải thỉnh thoảng lại xen ngang rất đúng lúc khiến cho bầu không khí bới phần căng thẳng.
– Ông còn ngon hơn khối tay bình luận viên hạng xoàng.
– Cỡ như ông có thể làm một chân trọng tài bàn oách đấy.
– Hay là nhân tiện, ông tính luôn cho tôi xem mấy trận nữa thì Hanshin đoạt cúp.
Tôi không chắc ông ta hiểu hết những phép tính ấy, nhưng ông ta vẫn tranh thủ dỏng tai lắng nghe giáo sư tường thuật trong lúc la ó đội Hiroshima. Có khi hành động đó, dù ít hay nhiều, cũng đã gây ấn tượng cho những người xung quanh rằng các tính toán của giáo sư không phải là ảo tưởng mà được dựa trên những lập luận đàng hoàng. Thậm chí, người đàn ông đó còn chia cho chúng tôi một ít lạc rang cả vỏ của mình nữa.
Bước vào hiệp tấn công thứ nhất, Tigers đã ngay lập tức dẫn trước với các cú đánh của Wada và Kuji, ở hiệp hai tiếp theo, đội lại gia tăng bốn điểm với năm cú đánh trúng. Trời đã xế chiều, không khí bắt đầu dịu mát. Tôi tất bật mặc thêm cho Căn chiếc áo gió, đưa chăn trùm chân cho giáo sư, lau tay bằng khăn ướt, giữa lúc đó Tigers liên tục ghi điểm khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Căn sướng tít, gõ lấy gõ để cái loa, còn giáo sư thì vỗ tay một cách vụng về trong khi vẫn nắm chặt chiếc bánh sandwich.
Giáo sư bắt đầu chăm chú theo dõi trận đấu. Ông xuýt xoa, gật gù hoặc nhíu mày theo từng đường bóng. Đôi lúc, ông nhòm vào hộp cơm của những người ngồi trước hoặc ngước nhìn lên mảnh trăng treo trên ngọn cây dương.
Cổ động viên của đội Hanshin ở phía khán đài nhìn ra chốt ba nổi bật hơn hẳn cổ động viên của đội Hiroshima. Diện tích của màu vàng rộng hơn, tiếng cổ vũ cũng khỏe khoắn hơn. Sau màn thể hiện của Nakagomi, đội Hiroshima không còn cơ hội nào nữa, diễn biến của trận đấu khiến các cổ động viên của họ muốn reo hò cũng chẳng được.
Chỉ với một cú ném làm đối phương đánh hụt của Nakagomi, những tiếng hoan hô đã dậy lên. Thế rồi khi pha bóng thành bàn, những tiếng hoan hô bỗng vỡ tung biến thành một cơn lốc bao trùm cầu trường. Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy cảnh tượng ngần ấy con người vui sướng cùng một lúc. Đến ngay cả giáo sư, một người chỉ có hai trạng thái tình cảm đối với tôi: hoặc là suy nghĩ hoặc là cáu kỉnh vì bị phá ngang dòng suy nghĩ, cũng tỏ ra hân hoan. Tôi phải khẳng định rằng, dù bằng cách khá nhẹ nhàng, ông đã thực sự biến thành một phần của cái cơn lốc hân hoan ấy.
Nhưng cách bày tỏ niềm vui sướng đặc biệt nhất lúc ấy lại thuộc về một fan hâm mộ của Kameyama, cậu thanh niên đang bám vào hàng rào mắt cáo. Cậu ta chừng hơn hai mươi tuổi, khoác trang phục thi đấu của Kameyama bên ngoài bộ đồ bảo hộ lao động, ngang hông đeo một chiếc máy thu thanh, và nhất là không hề có ý định buông mười ngón tay ra khỏi hàng rào mắt cáo lấy một phút. Trong lúc đội Hiroshima ném bóng, cậu ta luôn dõi ánh mắt về phía Kameyama bên cánh trái, thế rồi cậu ta bắt đầu hưng phấn khi Kameyama mới chỉ xuất hiện ở khu vực chờ và không ngừng gào tên khi cầu thủ này tiến vào vị trí đánh bóng. Giọng cậu ta lúc như khích lệ, lúc như nài xin. Mặc cho hình mắt cáo in hằn trên trán, cậu ta vẫn cứ dúi mặt mình vào hàng rào ngõ hầu tiến gần hơn thần tượng của mình dù chỉ một milimet. Không hề la ó đối phương, thậm chí còn không trách móc hay thở dài ngay cả khi Kameyama để mất điểm, chỉ có duy nhất một âm thanh phát ra từ đầu đến cuối: Kameyama. Cậu ta dồn cả linh hồn vào tiếng gọi ấy.
Chính vì thế, khi Kameyama vụt trúng bóng, mọi người lo sợ cậu ta sẽ ngất xỉu, đến nỗi có ai đó ngồi phía sau đã sẵn sàng tư thế đỡ lưng cậu ta. Trái bóng lao qua giữa các chốt, trượt trên sân cỏ với một uy lực tuyệt vời; mấy cầu thủ chạy sân bỗng chốc chỉ còn là những bóng đen nhỏ nhoi, chỉ có trái bóng của Kameyama là ngập chìm trong lời chúc tụng của thứ ánh đèn môn màu sắc trên sân. Cậu thanh niên gào thét hết cỡ, thậm chí khi buồng phổi trống trơn, cậu ta vẫn tiếp tục kêu lên hổn hển, vặn mình và lắc đầu dữ dội. Cơn cuồng say của cậu ta còn kéo dài mãi ngay cả khi cầu thủ đánh bóng tiếp theo là Paciorek đã vào vị trí. So với cậu ta, cách cổ động của giáo sư quả vẫn còn chừng mực.
Giáo sư có vẻ chẳng mấy bận tâm về chuyện không phát hiện thấy cầu thủ nào trong bộ sưu tập của ông. Hình như ông quá bận rộn với việc liên hệ kiến thức về luật chơi và các kỷ lục trong đầu với trận đấu trên thực tế, thành thử chẳng còn thời gian mà nhớ đến tên các cầu thủ nữa.
– Cái bao nhỏ kia đựng gì thế?
– Đấy là túi bột nhựa thông. Để chống trơn.
– Tại sao cầu thủ bắt bóng lại luôn phải chạy về phía chốt một nhỉ?
– Để hỗ trợ trong trường hợp trượt bóng.
– Tại sao ở ghế dự bị lại có sẵn cổ động viên thế kia?
– Không phải đâu. Là người phiên dịch cho cầu thủ nước ngoài đấy ạ.
Có bất kỳ điều gì không hiểu giáo sư cũng thật thà hỏi Căn. Ông có thể giải thích tường tận về động năng của một quả bóng có vận tốc 150 km/h hay về mối tương quan giữa nhiệt độ và cự ly bay của nó, vậy mà lại không hề biết túi nhựa thông. Tuy không còn nắm tay Căn, nhưng giáo sư vẫn coi nó là chỗ dựa. Ông giảng giải về những con số, hỏi han Căn, mua vài món vặt của cô gái xinh xắn nọ và đưa lạc rang vào miệng. Giữa lúc ấy, thỉnh thoảng ông vẫn dõi ánh mắt xuống đường pít. Nhưng, không hề có số 28.
Trận đấu diễn ra với nhịp độ nhanh, Hanshin vẫn dẫn trước 6-0. Dần dần tiêu điểm chú ý là các cú ném bóng của Nakagomi chứ không còn là kết quả thắng thua nữa. Đã hết tám hiệp vậy mà Nakagomi chưa cho đối thủ nào một cơ hội.
Mặc dù đang dẫn trước, song không khí ở khán đài phía chốt ba đã trầm hẳn xuống. Kể từ lúc Hanshin hết lượt tấn công và chuyển sang phòng ngự, đây đó thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng thở dài như sắp lâm vào cuộc tu hành khổ hạnh. Nếu tiếp tục ghi điểm thì không có gì phải bàn, song ngoài sáu điểm giành được sau ba hiệp đấu, Hanshin vẫn giậm chân tại chỗ và rơi vào tình thế phải tập trung phòng ngự.
Hiệp phòng ngư thứ chín, ai đó không kìm được tiếng thở dài khi thấy tấm lưng Nakagomi rời khỏi ghế và đi về phía ụ ném.
– Còn ba lần nữa…
Dường như chẳng ai muốn nghe câu nói đó, sự lo lắng tràn ngập khán đài. Nhưng có một người đã đáp lời cho tiếng thở dài ấy: giáo sư.
– Xác suất no-hít no-run là 0,18 phần trăm.
Hiroshima đổi cầu thủ đánh bóng đầu tiên. Một cái tên chưa từng nghe qua, nhưng chẳng ai buồn để ý tới cầu thủ đánh bóng. Nakagomi ném trái thứ nhất.
Từ cây gậy được vụt hết cỡ, trái bóng vẽ một đường vòng nhã nhặn, bay vút lên bầu trời đêm. Một đường vòng cung giống như hình parabol trong cuốn vở cũ của giáo sư. Trái bóng trắng hơn mặt trăng, đẹp hơn ánh sao, nổi lên giữa khoảng không xanh thẳm, khiến ai nấy phải ngẩn ngơ ngước nhìn.
Nhưng vào khoảnh khắc trái bóng bắt đầu rơi xuống, mọi người đều hiểu rằng nó chẳng hề nhã nhặn. Nó tăng tốc vùn vụt như không gì ngăn nổi, xé gió và tỏa ra sức nóng giống như một vật thể rơi xuống từ vũ trụ sau một chặng đường dài.
Ai đó kêu lên sợ hãi.
– Nguy hiểm! – Giọng giáo sư vang lên bên tai tôi.
Trái bóng sượt qua đầu gối Căn, đập xuống sàn bê tông dưới chân, bật mạnh ra sau.
Giáo sư choàng lấy Căn. Ông vươn hết cỡ hai cánh tay, cổ, dùng toàn thân mình che chở cho Căn, như quyết chí bảo vệ đến cùng kẻ yếu đuối.
Sau khi trái bóng bay đi rồi, hai người vẫn bất động. Căn không thể nào trở về tư thế cũ vì giáo sư chưa chịu buông ra.
– Xin quý khán giả chú ý bóng lạc.
Có tiếng loa cảnh báo.
– Chắc ổn rồi giáo sư ạ.
Tôi lên tiếng. Vỏ lạc rơi xuống từ tay giáo sư nằm vung vãi dưới chân.
– Trọng lượng của trái bóng cứng là 141,7 gram… trường hợp rơi từ độ cao cách mặt đất 15 mét… xung chấn tạo ra lớn gấp 85,39 lần… quả cầu sắt nặng 12,1 kilogram…
Giáo sư lẩm bẩm. Tấm tựa lưng của hai người khắc hai con số 7-14 và 7-15. Hai con số có chung bí mật đặc biệt ấy đã gắn kết hai người, giống như 220 và 284 đã gắn kết tôi với giáo sư. Đó là sự gắn kết không thể tách rời.
Khán đài bất ngờ vang dậy. Trái bóng thứ hai của Nakagomi bay tới trước dàn đèn chiếu sáng rồi lăn trên thảm cỏ.
– Kameyama!
Cậu thanh niên bám hàng rào lại cất tiếng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.