Giáo sư và công thức toán
Chương 07 phần 1
Hễ cứ nhìn thấy số nguyên tố là tôi lại nhớ tới giáo sư. Chúng ẩn mình ở mọi nơi trong cuộc sống thường nhật. Mác giá trong siêu thị, số nhà, bảng giờ xe buýt, hạn sử dụng của món thịt hun khói, điểm kiểm tra của Căn… Vừa trung thành với vai trò mà ai cũng nhìn thấy vừa can đảm bảo vệ và gánh vác cái nghĩa vốn có đằng sau.
Tất nhiên, không phải cứ nhìn một cái là nhận ngay ra số nguyên tố. Nhờ được giáo sư rèn giũa, tôi có thể đoán biết được các số nguyên tố dưới 100 bằng cảm giác mà không cần làm tính. Nhưng khi những con số lớn hơn, tôi bắt buộc phải dùng đến phép chia. Có trường hợp mới nhìn thì tưởng hợp số nhưng hóa ra lại là số nguyên tố, ấy vậy mà cũng không ít trường hợp chắc mẩm là số nguyên tố song rốt cuộc lại tìm được nhiều ước số.
Tôi cũng học giáo sư bỏ sẵn một cây bút chì và cuốn sổ nhỏ vào trong túi tạp dề. Để lúc nào đó có thể tính toán khi chợt nảy ra điều gì. Chẳng hạn, lúc lau chùi tủ lạnh trong bếp nhà vị tư vấn thuế, dòng số hiệu sản xuất 2311 khắc chìm ở mặt sau cánh cửa bỗng đập vào mắt. Linh cảm rằng đó sẽ là một con số thú vị, tôi rút cuốn sổ ra, quẳng nước rửa bát cùng giẻ lau sang một bên và bắt đầu tính toán. Trước tiên tôi chia cho 3, rồi đến 7, rồi đến 11. Không được. Số nào cũng bị lẻ 1. Tiếp đó là 13, 17, 19. Nhưng cũng không chia hết. Hơn nữa, cái cách không chia hết ấy thật kỳ lạ. Nó tuột khỏi tay vào đúng cái giây phút tưởng chừng như đã tóm được chân tướng của nó. Nó vừa khiến người ta linh cảm về một bước tiến mới vừa gây ra một cảm giác theo đuổi vô vọng đến khó tả. Đó bao giờ cũng là phong cách của số nguyên tố.
Tôi nhận định 2311 là số nguyên tố, cất giấy bút vào túi rồi tiếp tục lau chùi. Chỉ đơn giản vì số hiệu sản xuất của nó là số nguyên tố mà tôi bỗng cảm thấy quý mến cái tủ lạnh này. Một cái tủ lạnh trực tính, không thỏa hiệp, luôn luôn giữ vững sự thanh cao. Tôi có cảm giác như vậy.
Trong lúc cọ sàn văn phòng, tôi tình cờ bắt gặp con số 341. Tờ khai thuế màu xanh đánh số 341 rơi dưới gầm bàn.
Có thể đó là số nguyên tố. Tôi ngay lập tức dừng tay đưa cây cọ sàn. Tờ khai thuế có vẻ bị rơi đã lâu, bụi phủ đầy, nhưng tín hiệu mà số 341 phát ra vẫn không mất đi sức sống. Nó có một vẻ quyến rũ xứng đáng được nhận sự ân sủng của giáo sư.
Đã không còn bóng dáng nhân viên trong văn phòng, đèn điện cũng đã tắt quá nửa, tôi bắt tay vào việc kiểm chứng. Tôi vẫn chưa có cho mình một quy trình chuẩn mực để phân biệt số nguyên tố nên chỉ biết phó mặc cho linh cảm. Một lần, tôi được giáo sư dạy cho phương pháp do ông viện trưởng thư viện Alexandria tên là Eratosthenes phát minh ra, nhưng rối rắm quá nên không còn nhớ nữa. Song một người coi trọng trực giác như giáo sư hẳn sẽ tha thứ cho cách làm bất nguyên tắc của tôi.
341 không phải số nguyên tố.
– Ồ, chuyện gì thế…
Tôi làm lại phép tính 34111.
34111 = 31
Chia hết.
Tất nhiên, tôi vui khi tìm ra số nguyên tố. Nhưng không vì vậy mà thất vọng khi hiểu rằng đó không phải là một số nguyên tố. Ngay cả khi phán đoán trật khấc, tôi vẫn có những thu hoạch khác. Nhân 11 với 31 tôi có được một số giả nguyên tố. Đây là một phát kiến mới mẻ, nó chỉ ra cho tôi một hướng đi khác, đó là liệu có quy luật nào để tạo ra một số giả nguyên tố gần giống nhất với số nguyên tố không?
Tôi đặt tờ khai thuế lên bàn, giặt cây cọ trong xô nước đục ngầu rồi vắt mạnh. Cho dù tôi có tìm ra một số nguyên tố, hay xác định một số không phải là số nguyên tố, hay xác định một số không phải là số nguyên tố, chẳng có gì đổi khác. Trước mắt tôi, công việc cần làm còn nhiều như núi. Số hiệu sản xuất dẫu là bao nhiêu thì chiếc tủ lạnh vẫn phải hoàn thành bổn phận của mình, và người nộp tờ khai thuế số 341 vẫn không thôi đau đầu vì tiền thuế. Đã chẳng thấy lợi đâu mà cái hại đã bày ra trước mắt. Kem trong tủ lạnh chảy, việc cọ sàn đình đốn, khiến cho vị tư vấn thuế bực dọc. Vậy mà cái sự thật rằng 2311 là số nguyên tố, 341 là hợp số vẫn in đậm trong óc tôi.
– Trật tự của toán học chẳng có ích lợi gì đối với thực tế, chính vì vậy mà nó đẹp.
Tôi nhớ lại điều giáo sư từng nói.
– Việc giải mã những tính chất của số nguyên tố chẳng đem lại sự tiện lợi cho cuộc sống hay giúp ta kiếm được nhiều tiền hơn. Tất nhiên, cho dù có quay lưng lại với thế giới thì những phát kiến của toán học trên thực tế vẫn được ứng dụng rất nhiều. Nghiên cứu đường cong ellip giúp tìm ra quỹ đạo của các hành tinh, hình học phi Euclid giúp Einstein đề xuất hình dạng vũ trụ. Bản thân số nguyên tố phải chịu một phần trách nhiệm trong chiến tranh, vì nó là nền tảng của mật mã. Đó là việc xấu. Song đó không phải là mục đích của toán học. Mục đích duy nhất của toán học là tìm ra sự thật.
Giáo sư coi “sự thật” cũng quan trọng như số nguyên tố.
– Nào, cô thử kẻ một đường thẳng ở đây xem.
Giáo sư nói với tôi như vậy bên bàn ăn vào một buổi chiều. Tôi dùng bút chì và đũa thay cho thước kẻ vạch một đường thẳng lên sau tờ quảng cáo (nháp của chúng tôi lúc nào cũng là những tờ quảng cáo trên báo).
– Đúng rồi. Đó là một đường thẳng. Cô hiểu chính xác định nghĩa đường thẳng. Nhưng thử nghĩ xem. Đường thẳng cô vẽ có điểm đầu và điểm cuối, đúng không nào? Như vậy nó là đoạn thẳng, đường ngắn nhất nối hai điểm. Đường thẳng thực sự theo định nghĩa không có đầu mút. Phải chạy dài vô hạn. Tuy nhiên, khổ của một tờ giấy thì hữu hạn, sức vóc của cô cũng có giới hạn, nên chỉ có cách thừa nhận đoạn thẳng này là đường thẳng mà thôi. Hơn nữa, dù dao có sắc đến đâu, ta cũng không thể gọt cây bút chì nhọn tuyệt đối. Theo đó, đường thẳng này có độ dày nhất định. Tức có diện tích. Tóm lại, ta không thể vẽ một đường thẳng thực sự trên một tờ giấy thật.
Tôi chăm chú nhìn cây bút chì.
– Đường thẳng thực sự nằm ở đâu? Chỉ có ở nơi này.
Giáo sư ấp tay lên ngực mình. Giống hệt như hồi dạy tôi về hư số.
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, cái sự thật vĩnh hằng không bao giờ lay chuyển bởi vật chất, hiện tượng tự nhiên hay tình cảm. Toán học có thể giải mã và biểu hiện sự thật mà không thứ gì ngăn trở được.
Một kẻ vừa cọ sàn nhà với cái bụng đói vừa lo lắng cho Căn như tôi cần biết bao nhiêu sự tồn tại của cái chân lý vĩnh hằng mà giáo sư nói tới. Tôi thực sự cần cái cảm giác mà ở đó thế giới vô hình đang nâng đỡ thế giới hữu hình. Một đường thẳng đích thực chạy dài vô hạn, không có độ dày hay diện tích, xuyên qua bóng đêm một cách uy nghiêm. Chính đường thẳng đó đã đem lại cho tôi chút ít bình tâm.
– Cô hãy mở to đôi mắt thông minh của mình ra.
Tôi căng mắt trong bóng tối giữa lúc nhớ lại lời giáo sư.
– Cô phải tới ngay nhà của vị giáo sư toán học đó. Nghe nói con trai cô đã gây chuyện rắc rối. Tôi không nắm được chi tiết, nhưng cô phải đi ngay. Đó là mệnh lệnh của chủ tịch nghiệp đoàn.
Một nhân viên của nghiệp đoàn Akebono gọi điện tới nhà vị tư vấn thuế cho tôi vào lúc tôi vừa đi chợ về và đang định chuẩn bị bữa cơm chiều. Tôi chưa kịp hỏi gì thì máy đã ngắt.
Điều đầu tiên hiện ra trong tôi là lời nguyền của trái bóng lạc. Phải chăng chuỗi chuyện chẳng lành vẫn chưa kết thúc, mà ngược lại, trái bóng tưởng đã tránh được lần ấy bây giờ quay lại và rơi trúng đầu Căn? Lời cảnh báo của giáo sư đã ứng nghiệm: “Không được bỏ mặc trẻ con một mình.”
Biết đâu Căn đang nghẹn vì chiếc bánh mì Donut. Hay có thể chiếc phích cắm của máy thu thanh đã khiến nó bị giật điện. Những ý nghĩ hỗn độn cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Sợ hãi và run rẩy, tôi vội lao tới nhà giáo sư trong tình cảnh không sao có thể giải thích rõ tình hình với bà chủ và còn bị vị tư vấn thuế ném và mặt những lời không hay.
Mới chưa đầy một thánh mà căn nhà ngang đã biến thành một nơi xa lạ. Chiếc chuông cửa bị hỏng, những đồ gỗ tẻ nhạt và khu vườn hoang vẫn như trước, nhưng vừa bước chân vào nhà, tôi đã thấy một cảm giác nặng nề. Song tôi lập tức hiểu rằng, đó không phải do Căn, nên bước đầu thấy yên tâm. Nó không bị nghẹn cũng không bị điện giật mà đang ngồi cạnh bàn ăn với giáo sư. Chiếc cặp sách để dưới chân.
Cái cảm giác nặng nề ấy là vì có bà quả phụ ở trên ngôi nhà chính đang ngồi trước mặt họ. Đứng chờ bên cạnh bà ta là một phụ nữ trung niên tôi không hề quen biết. Chắc hẳn là người giúp việc kế nhiệm tôi. Tôi không nói được gì, không khí đầy ác cảm bởi đã có một kẻ chen ngang vào cái nơi thuộc về ký ức mà đáng lẽ ra chỉ có ba người là giáo sư, Căn và tôi.
Vừa thở phào nhẹ nhõm, tôi lại ngạc nhiên tự hỏi cớ sao Căn ở đây. Bà quả phụ đang ngồi ở đoạn giữa bàn ăn vẫn cách ăn mặc quý phái hệt như hồi phỏng vấn tôi. Và cây gậy vẫn nằm trong bàn tay trái. Căn không đưa mắt nhìn tôi mà vẫn ngồi im ngoan ngoãn. Ở bên cạnh, giáo sư đã chìm vào trạng thái suy nghĩ. Ông tập trung toàn bộ ý thức về phía không bắt gặp ánh mắt của bất cứ ai.
– Xin lỗi vì đã làm phiền cô trong lúc cô đang bận rộn. Mời cô ngồi xuống đây.
Bà quả phụ chỉ cho tôi chiếc ghế. Vì phải chạy suốt dọc đường từ ga tới đây, nên hơi thở của tôi vẫn còn gấp gáp và chưa thể nói thành lời.
– Xin cô cứ ngồi xuống, không cần khách sáo. Còn cô, đi pha trà cho khách.
Người giúp việc mà tôi không rõ có phải người của Akebono hay không đi vào trong bếp. Tôi có thể đọc được vẻ bất nhẫn của bà quả phụ qua những cử chỉ thiếu bình tĩnh như liếm môi liên tục hay gại móng tay lên bàn mặc cho nhửng lời lẽ lịch duyệt. Tôi ngồi xuống theo lời bà ta mà không biết nên mào đầu thế nào.
Im lặng kéo dài một lúc lâu.
– Cô…
Bà quả phụ mở đầu trong lúc cào mạnh móng tay xuống bàn.
– …đang toan tính điều gì vậy?
Sau khi lấy lại hơi, tôi nói:
Thưa bà, con trai tôi đã quấy quả điều gì chăng?
Căn cúi đầu, hết gấp rồi lại mở chiếc mũ Tigers trên đầu gối.
– Lỗi phép cô tôi đang hỏi trước. Cớ sao con của một người giúp việc đã thôi việc lại cần thiết đến nhà em chồng tôi?
Lớp sơn móng tay kỳ công bong ra, rơi lả tả trên mặt bàn.
– Cháu chẳng làm gì xấu cả.
Căn lên tiếng, mặt vẫn cúi gằm.
– Hơn thế nữa, đó lại là đứa con của một người giúp việc đã thôi việc từ xửa xưa.
Bà quả phụ nói, cắt ngang lời Căn. Bà ta luôn miệng nhắc đến “con của một người giúp việc” nhưng chẳng thèm ngó ngàng đến Căn, cũng không buồn để mắt tới giáo sư. Bà ta tỏ vẻ như hai người họ không hề hiện diện ở đó.
– Không, đây không phải là vấn đề cần thiết hay không cần thiết …
Tôi đáp, vẫn chưa thực sự nắm được tình hình.
– Tôi nghĩ cháu chỉ muốn đến chơi một chút thôi…
– Cháu định cùng giáo sư đọc Truyện về Ludwig Heinrich Gehrig mượn được ở thư viện.
Cuối cùng Căn cũng chịu ngẩng mặt lên.
– Xin hỏi cô, một ông già hơn sáu mươi tuổi và một đứa bé mười tuổi thì chơi gì với nhau?
Một lần nữa, lời nói của Căn bị bỏ ngoài tai.
– Tôi xin lỗi vì để cháu tùy tiện đến gây phiền toái cho gia đình. Việc này là do tôi giám sát cháu không đến nơi đến chốn, mong bà lượng thứ.
– Ồ không. Tôi không định nọ này về chuyện ấy. Vấn đề tôi muốn hỏi là cô có ý định gì khi đã bị sa thải mà vẫn gửi con đến đây.
Tiếng móng tay kêu ken két mỗi lúc một chói tai.
– Ý đồ? Hình như bà đang hiểu lầm. Cháu nhà tôi mới có mười tuổi thôi. Cháu đến vì muốn chơi với giáo sư. Tìm thấy cuốn sách hay thì cháu rủ giáo sư đọc cùng. Chỉ đơn giản như vậy thôi, thưa bà.
-Ồ cô nói đúng. Trẻ con không có tà ý. Chính vì vậy tôi mới hỏi cô đang toan tính gì.
Tôi không có ước vọng gì hơn việc làm sao cho cháu được vui vẻ.
Nhưng cớ sao cô lại lôi kéo cả em chồng tôi vào? Đang đêm mà cả ba người dắt nhau ra ngoài, rồi còn ngủ lại trông nom nhau. Tôi đâu có yêu cầu cô làm việc đó.
Người giúp việc vừa mang trà tới. Một người giúp việc tận tụy với công việc. Không nói một lời, không gây một tiếng động trong lúc bày trà cho mọi người. Rõ ràng là chị ta không có ý định trở thành đồng minh của tôi. Chị ta vội đi vào bếp như muốn tránh dính líu vào chuyện rắc rối.
– Tôi thừa nhận mình đã không làm đúng nguyên tắc công việc. Nhưng tôi chẳng có ý đồ hay mưu toan gì hết. Chuyện đơn giản hơn thế bội phần.
– Phải chăng là vì tiền?
– Tiền?
Bất ngờ trước câu nói của bà ta, tôi buột miệng:
– Sao bà có thể nói những lời như thế, mà lại trước mặt một đứa trẻ? Xin bà hãy rút lại câu nói của mình.
– Tôi đâu có thể nghĩ khác. Cô định lấy lòng em chồng tôi để lung lạc chú ấy.
-Hồ đồ…
– Cô đã bị sa thải. Cô không còn liên hệ gì với chúng tôi nữa.
-Bà thôi đi.
-Xin lỗi…
Người giúp việc lại xuất hiện. Chị ta tháo tạp dề, xách túi.
Đã đến giờ, tôi xin phép về trước.
Chị ta bước ra không một tiếng động khi bưng trà đến. Chúng tôi nhìn theo dáng đi ấy.
Giáo sư mỗi lúc chìm sâu vào suy nghĩ, cái mũ của Căn nhàu nhĩ. Tôi thở trút ra một hơi dài.
– Vì chúng tôi là bạn. – Tôi tiếp tục. – Chẳng lẽ bạn bè không được đến nhà nhau chơi?
Cô nói ai với ai là bạn?
– Tôi, con trai tôi và giáo sư.
Bà quả phụ lắc đầu.
– Có lẽ cô đã tính nhầm. Em chồng tôi không có chút tài sản nào hết. Chú ấy đã ném toàn bộ những gì bố mẹ để lại vào toán học mà chẳng thu về được một cắc nào.
– Chuyện đó không liên quan tới tôi.
– Em chồng tôi không có bạn. Chưa từng có người bạn nào tới đây chơi.
Giáo sư bất thần đứng dậy.
– Không được. Không được ức hiếp trẻ nhỏ.
Thế rồi giáo sư viết một cái gì đó lên mẩu giấy nhớ móc ra từ trong túi, đặt lên giữa bàn ăn và đi ra ngoài với thái độ cương quyết như thể đã quyết định sẽ làm như thế từ trước. Không tức giận hay bấn loạn, chỉ có sự tĩnh lặng bao quanh ông.
Chỉ còn ba người chúng tôi trân trân nhìn mẩu giấy. không ai nhúc nhích một lúc lâu. Trên đó có duy nhất một công thức toán.
eπi + 1 = 0
Không ai nói thêm một lời nào nữa. Bà quả phụ thôi cào móng tay. Tôi nhận thấy trong mắt bà ta sự bất nhẫn vẻ lãnh đạm và mối nghi ngờ dần biến mất. Tôi nghĩ rằng đó là người thấu hiểu vẻ đẹp của công thức đó.
Ít lâu sau, tôi nhận được thông báo từ nghiệp đoàn yêu cầu quay lại nhà giáo sư làm việc. Phải chăng bà quả phụ đã đổi ý sau cuộc trao đổi giữa chúng tôi? Hay chỉ đơn giản là người giúp việc mới không tài nào quen nổi nên nghiệp đoàn cũng hết cách. Nhưng dù sao thì giáo sư cũng đã có được ngôi sao xanh thứ mười một. Còn về chuyện bà quả phụ đã thôi cái ý nghĩ hiểu lầm vô lý đổ bấy lên đầu tôi hay chưa thì tôi không cách nào kiểm tra được. Lần nào nghĩ lại, tôi cũng thấy phản ứng của bà ta cứ kỳ quặc thế nào. Cái kiểu mách lẻo với nghiệp đoàn để sa thải tôi hay tỏ ra thái quá về chuyện Căn đến chơi thật là khó hiểu
Cái đêm chúng tôi đi xem bóng chày, hẳn là chính bà ta chứ không ai khác đã nhòm trộm vào nhà ngang từ khu vườn phía sau. Tưởng tượng ra cảnh bà ta kéo lê đôi chân bị tật, núp mình trong bụi rậm và tay nắm chặt cây gậy, tôi bỗng nhiên quên hẳn những nghi ngờ vô căn cứ của bà ta với tôi, và chỉ còn lại mối cảm thương.
Đôi lúc, tôi từng nghĩ, biết đâu chuyện tiền nong chỉ là cái cớ dựng nên để che giấu lòng ghen tuông của bà ta với tôi. Biết đâu bà ta yêu giáo sư theo cách riêng của mình, nên tôi chính là cái gai trong mắt. Biết đâu việc cấm đi lại giữa nhà ngang với nhà chính không phải để tránh mối quan hệ với người em chồng mà chỉ nhằm giữ kín cái bí mật kia và để tôi không thành kẻ ngáng đường
Ngày đầu tiên tôi quay trở lại nhà giáo sư là ngày mồng 7 tháng Bảy. Lúc giáo sư xuất hiện nơi ngưỡng cửa, bộ com lê đầy những mẩu giấy nhớ phất phơ trông như đám tua rua. Trong số đó, mẩu giấy có hình tôi và Căn vẫn đính trên băng sét.
Lúc chào đời, cô được mấy cân?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.