HOÀNG HẬU MARGOT

Chương 52 : Xét hỏi



Xét hỏi

Cảnh tượng mà hai chàng trai nhìn thấy khi bước vào vòng vây là cảnh mà người ta không thể bao giờ quên dù chỉ nhìn thấy trong chốc lát.

Như chúng tôi đã kể, Charles IX đã cho lệnh dẫn tới tất cả những nhà quý tộc đã bị nhốt trong chiếc chòi săn và bị vệ binh lôi ra từng người một.

– Ông và d Alençon nhìn cham chú vào mỗi kẻ đi ra mong sẽ được thấy vua Navarre.

Họ chờ đợi uổng công.

Nhưng thế vẫn chưa đủ, cần phải biết được Henri và Margot nay ra sao?

Vì thế nên khi người ta thấy đôi vợ chồng trẻ xuất hiện ở đầu kia lối đi. D Alençon tái mặt. Còn Charles cảm thấy tim mình như nở ra vì vui sướng. Theo bản năng, ông mong cho tất cả những gì em ông ép ông phải làm lại đổ xuống đầu ông em.

“Hắn lại thoát nữa rồi” – François tái mặt đi, lẩm bẩm.

Vừa lúc đó nhà vua lên cơn đau bụng quằn quại đến nỗi ông buông rơi cương ngựa đưa hai tay ôm lấy bụng và thét lên những tiếng kêu như người mê sảng.

Henri vội vàng tiến lại, nhưng trong khi ông vượt qua những quãng đường hai trăm bước từ chỗ ông tới ông anh, Charles đã tỉnh lại.

– Ồng từ đâu về đây? – Charles hỏi với giọng cộc cằn đến nỗi Marguerite phát hoảng.

– Thì… thưa anh, từ cuộc săn chứ đâu – Nàng trả lời.

– Săn ở bên bờ sông chứ không săn ở trong rừng.

– Thưa bệ hạ, chim ưng của tôi đuổi theo một con gà lôi trong lúc chúng tôi dừng lại xem con diệc.

– Thế gà lôi đâu?

– Thưa đây, con trống này đẹp lắm, đúng không ạ?

Henri với vẻ vô tội nhất đời trình ra cho Charles một con chim màu tía, xanh biếc và vàng óng.

– À à! Thế sao khi bắt được gà lôi rồi, anh không đi theo chúng ta?

– Thưa bệ hạ, vì nó lại bay về phía vườn. Thế nên khi chúng tôi xuống tới bờ sông, chúng tôi thấy hoàng thượng đã đi lên trước chúng tôi đến nửa dặm về phía rừng. Thế là chúng tôi phi theo dấu hoàng thượng vì khi được đi săn cùng Người, chúng tôi không muốn để lỡ cuộc săn.

– Thế còn những vị quý tộc đây – Charles tiếp – Họ cũng được mời à?

– Quý tộc nào? – Henri vừa đáp vừa đưa mắt dò hỏi nhìn quanh.

– Này, cái đám Tân giáo nhà anh chứ còn ai! Mẹ kiếp! Dù sao, nếu có ai đó mời thì chắc không phải là ta.

– Thưa bệ hạ không – Henri đáp – Nhưng có lẽ là ông d Alençon chăng?

– Ông d Alençon? Sao lại thế?

– Tôi ấy ư? – Quận công hỏi.

– Đúng vậy hoàng đệ ạ – Henri đối lại – Hôm qua anh chả nói anh là vua Navarre là gì? Thế thì những người Tân giáo đã xin anh về làm vua nay lại đến đây để cảm ơn anh đã chấp nhận ngai vàng và cảm tạ nhà vua đã trao nó cho anh. Có đúng thế không các ông?

– Vâng! Vâng – Có tới hai chục giọng cùng hò lên – Quận công d Alençon muôn năm! Đức vua muôn năm!

– Ta không phải là vua của lũ Tân giáo! – François mặt tái đi vì giận.

Rồi liếc trộm Charles, ông thêm:

– Và ta cũng hy vọng không bao giờ là vua của các người.

– Dẫu sao, Henri ạ – Charles nói – Anh biết đấy, ta thấy tất cả những việc này rất kỳ quặc.

– Thưa bệ hạ – Vua Navarre nói với giọng cứng cỏi – Chúa tha tội cho tôi, hình như đây là một cuộc hỏi cung thì phải?

– Thế nếu ta bảo rằng ta đang hỏi cung anh thì anh bảo sao?

– Thưa bệ hạ, tôi xin trả lời rằng tôi cũng là vua như bệ hạ – Henri kiêu hãnh đáp – Vì không phải ngai vàng khiến người ta trở thành vua mà do dòng dõi, và tôi có thể trả lời một người anh hay một người bạn, chứ không bao giờ trả lời một quan toà.

– Tuy nhiên ta muốn biết ít ra là một lần dứt khoát cái gì là thực, cái gì là giả – Charles lẩm bẩm.

– Cho đưa ông de Mouy đến đây – d Alençon nói – Và bệ hạ sẽ biết. Ông de Mouy chắc phải bị bắt.

– Ông de Mouy có bị bắt không? – Nhà vua hỏi.

Henri có thoáng một cử chỉ lo ngại và nhìn Marguerite, nhưng việc đó chỉ trong giây lát.

Không có tiếng trả lời.

– Ông de Mouy không có trong số những người bị bắt – Ông de Nancey trình bày – Một vài người của tôi hình như có thấy bóng ông ta nhưng không ai dám chắc

D Alençon lẩm bẩm một lời chửi thề.

– Ơ này! – Marguerite chỉ tay vào De Mole và Coconnas vốn đã được nghe được hết những lời đối thoại và nàng nghĩ có thể tin vào trí thông minh của hai người được – Thưa bệ hạ, đây có hai vị quý tộc của ông d Alençon, xin cứ hỏi họ thì họ khắc trả lời.

Quận công cảm thấy ngay được cú đòn.

– Tôi đã bắt họ chính là để chứng minh rằng họ không thuộc về tôi nữa – Quận công đáp.

Nhà vua nhìn hai người bạn và giật mình khi nhận ra De Mole.

– Ô hô! Lại anh chàng xứ Provençal này!

Coconnas duyên dáng cúi chào.

– Khi bị bắt các ông đang làm gì? – Charles hỏi.

– Tâu bệ hạ, chúng tôi bàn chuyện chiến tranh và tình yêu.

– Bàn chuyện ấy mà lại cưỡi ngựa, lại vũ trang đến tận chân răng, lại chực trốn à?

– Tâu bệ hạ không, người ta thông báo sai cho bệ hạ. Chúng tôi lúc ấy đang nằm dưới bóng một cây dẻ.

– A! Các ông đang nằm dưới bóng một cây dẻ à?

– Và lẽ ra chúng tôi đã có thể trốn nếu như chúng tôi nghĩ đã làm bệ hạ tức giận. Nào các ông hãy thề trên danh dự người lính – Coconnas quay về phía đám lính khinh kỵ hỏi – Các ông có nghĩ rằng nếu chúng tôi muốn chúng tôi có thể thoát được không?

– Thực tế là các ông đây không hề có một hành động trốn chạy nào cả – Viên trung uý nói.

– Vì ngựa của họ ở xa – Quận công d Alençon xen vào.

– Cúi xin điện hạ thứ lỗi – Coconnas đáp – Nhưng tôi lúc ấy đang ngồi trên mình ngựa và bá tước Lerac de Mole, bạn tôi, đang cầm cương ngựa trong tay.

– Thật thế không các ông? – Charles hỏi.

– Tâu bệ hạ, đúng vậy – Viên trung uý đáp – Ông de Coconnas khi trông thấy chúng tôi thậm chí lại còn xuống ngựa.

Coconnas nhăn mặt nở một nụ cười như muốn nói rằng: “Bệ hạ đã thấy chưa!”

– Thế còn những con ngựa dắt theo này, lũ la với đám hòm xiểng trên lưng này là thế nào? – François hỏi.

– Chúng tôi đâu phải là người hầu ngựa? – Coconnas đáp – Xin hãy cho tìm tên giám mã lúc nãy coi giữ chúng.

– Hắn không có đây – Quận công tức gận trả lời.

– Vậy chắc hắn đã sợ và chuồn mất rồi – Coconnas đối lại – Ta không thể đòi hỏi một gã tiện dân có thể bình tĩnh như một nhà quý tộc được.

– Lại vẫn thế – d Alençon nghiến răng nói – May quá, thưa bệ hạ, tôi đã trình với Người các ông này không thuộc cơ đội của tôi từ vài hôm nay.

– Tôi ấy ạ – Coconnas hỏi – Tôi không may bị thải khỏi đội quý tộc thị vệ của điện hạ từ bao giờ vậy?

– Mẹ kiếp! Ông biết rõ điều đó hơn ai hết, vì ông đã gửi cho ta lời từ chức trong một bức thư lời lẽ khá láo xược mà ta còn giữ, và ơn Chúa, may quá ta lại đang mang theo đây.

– Ồ, tôi mong rằng điện hạ sẽ tha lỗi cho tôi vì một bức thư viết ra trong những giây phút ban đầu của lòng tức giận.

– Tôi được biết rằng điện hạ đã định vặn cổ ông bạn De Mole của tôi trong một hành lang ở Louvre.

– Thế nào – Nhà vua ngắt lời – Hắn nói gì vậy?

– Tôi cứ tưởng điện hạ có một mình – De Mole thành thật tiếp – Nhưng từ khi tôi biết được rằng còn ba người nữa…

– Im đi! Charles phán – Chúng ta đã biết đủ rồi, Henri – Ông nói với vua Navarre – Anh có hứa là sẽ không trốn không?

– Tôi xin hứa với bệ hạ.

– Quay về Paris với ông de Nancey và ở nguyên trong cung. Còn các ông – Ông nói với hai nhà quý tộc – Nộp kiếm đi.

De Mole nhìn Marguerite. Nàng mỉm cười.

Tức thì De Mole trao kiếm cho viên chỉ huy đứng gần chàng nhất. Coconnas cũng làm theo.

– Còn ông de Mouy, có tìm ra không? – Nhà vua hỏi.

– Tâu bệ hạ, không – De Nancey đáp – Hoặc là ông ta không có mặt trong khu rừng, hoặc là ông ta đã trốn thoát.

– Thôi kệ – Nhà vua đáp – Quay về thôi. Ta lạnh lắm, ta chói mắt.

– Thưa bệ hạ, có lẽ vì Người tức giận – François bảo.

– Ừ có thể thế. Mắt ta quay cuồng. Tù nhân đâu? Ta chẳng nhìn thấy gì cả. Đêm rồi à? Ôi Chúa nhân từ! Lòng ta bốc cháy! Cứu ta với! Cứu ta với!

Và ông vua bất hạnh lại buông rơi cương ngựa, giang tay ra và ngã ngửa ra phía sau nhưng được các triều thần đang kinh hoảng về cơn kịch phát thứ hai này trỡ lại.

François đứng riêng một chỗ đưa tay lau mồ hôi trán vì chỉ mình ông ta biết nguyên nhân căn bệnh đang hành hạ người anh.

Về phần mình, vua Navarre đã bắt đầu bị ông de Nancey canh giữ nhìn tất cả cảnh đó với niềm kinh ngạc ngày càng tăng.

“Ấy này – De Navarre nhủ thầm với cái linh cảm kỳ diệu đôi khi khiến ông thành ra như người được trời mách – Có khi mình lại gặp may hơn là trong lúc định trốn mà bị bắt kia đấy”.

Ông nhìn Margot hoàng hậu mắt cứ mở to tròn vì kinh ngạc hết nhìn ông lại nhìn nhà vua.

Lần này nhà vua bị bất tỉnh nhân sự. Người ta cho mang một chiếc cáng lại và đặt nhà vua lên đó. Họ phủ lên ông chiếc áo khoác mà một kỵ mã vừa gỡ ra khỏi vai và đoàn người bình thản quay về Paris. Buổi sáng, người ta đã thấy những kẻ âm mưu hớn hở và một ông vua vui tươi ra đi, giờ quay trở về là một vị vua đang hấp hối với những tù nhân phản nghịch.

Trong tất cả việc này, Marguerite chẳng để mất cả tự do thân thể lẫn tự do tư duy của mình, nàng ra dấu với chồng một lần cuối rồi đi qua gần La Mole đến nỗi chàng có thể nghe được hai câu tiếng Hy Lạp mà nàng buông ra:

“Mê đêiđê.”

Có nghĩa là: “Đừng ngại”.

– Nàng bảo mình đừng có e ngại – De Mole đáp.

– Ăn thua gì – Anh chàng Piémontais lẩm bẩm – Điều đó có nghĩa ở đây không tốt lành gì cho chúng mình cả. Cứ lần nào người ta nói với mình như thế để động viên thì y như rằng lần ấy hoặc mình bị một viên đạn vào đâu đấy, hoặc ăn một nhát kiếm vào người, hay lại vớ ngay được một chậu hoa lên đầu.

“Đừng e ngại” thì dù là tiếng Do Thái cổ hay tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh hay tiếng Pháp bao giờ cũng có nghĩa là “Coi chừng đấy”.

– Đi thôi các ông – Viên trung uý khinh kỵ nói.

– Này, hỏi thế này thí khí tò mò chứ người ta định dẫn chúng tôi đi đâu đây? – Coconnas hỏi.

– Tôi nghĩ là tới Vincennnes – Viên trung uý đáp.

– Tôi thích đi chỗ khác hơn – Coconnas tiếp – Nhưng tóm lại thì có phải bao giờ người ta cũng được đến nơi mình muốn đâu.

Dọc đường đi nhà vua hơi tỉnh lại và khỏe dần. Thậm chí tới Nantes ông còn muốn lên ngựa, nhưng người ta ngăn ông lại.

– Báo ngay cho thầy Ambroise Paré nhé – Vừa tới Louvre, Charles đã truyền.

Ông xuống kiệu, tì vào vai Tavannes bước lên cầu thang rồi về cung và cấm không ai được theo ông.

Mọi người đều nhận thấy nhà vua có vẻ trầm mặc. Suốt dọc đường ông đăm chiêu suy nghĩ và chẳng chuyện trò với ai cả, cũng chẳng quan tâm gì đến vụ âm mưu lẫn những kẻ âm mưu. Hiển nhiên điều khiến ông bận tâm là căn bệnh của ông. Căn bệnh này quá đột ngột, kỳ lạ và gây đau đớn. Vài triệu chững cũng giống như những triệu chứng mà người ta đã nhận thấy ở ông anh François đệ nhị của Charles ít lâu trước khi ông này băng hà.

Vì vậy mà lệnh cấm không cho bất kỳ ai trừ thầy Paré vào cung chẳng làm ai ngạc nhiên. Người ta vẫn biết tính ghét đời là một phần cố hữu trong tính cách của nhà vua.

Charles vào phòng ngủ, ngồi lên một chiếc ghế dài tựa đầu lên đống gối. Ông nghĩ thầy Ambroise Paré có thể vắng nhà đến chậm và ông muốn làm việc gì đó trong lúc đợi thầy thuốc.

Nghĩ vậy, Charles bèn vỗ tay, một vệ binh xuất hiện.

– Báo cho vua Navarre ta muốn gặp ông ta – Charles nói.

Viên vệ binh cúi đầu tuân lệnh.

Charles ngửa đầu ra sau. Óc ông trĩu nặng khiến ông khó lòng chắp nối các ý nghĩ lại với nhau. Một áng mây màu máu chập chờn trước mắt ông. Miệng ông khô khốc, ông đã uống cạn một bình nước mà vẫn không đã khát.

Giữa lúc nhà vua đang gà gà ngủ như vậy thì cửa mở và Henri xuất hiện. Ông de Nancey đi theo sau vua Navarre nhưng dừng lại ngoài tiền phòng.

Henri chờ cho cửa khép lại sau lưng ông rồi mới tiến lên và hỏi:

– Thưa bệ hạ. Người đã cho gọi, vậy tôi đây.

Charles giật mình khi nghe giọng nói ấy, ông máy móc chìa tay ra.

– Thưa bệ hạ – Henri vẫn đứng hai tay buông xuôi – Người quên rằng tôi không còn là anh em Người nữa mà là tù nhân của Người.

– À ừ nhỉ – Charles đáp – Cám ơn anh đã nhắc ta điều đó. Hơn thế nữa, anh có hứa khi nào chúng ta chỉ có hai người với nhau, anh sẽ trả lời ta thẳng thắn.

– Tôi sẵn sàng thực hiện lời hứa đó. Xin bệ hạ cứ hỏi.

Nhà vua đổ nước lạnh vào tay và đưa lên trán.

– Có chút sự thực nào trong lời tố cáo của quận công d Alençon không? Nào trả lời đi. Henri.

– Chỉ một nửa là thật thôi: ông d Alençon phải trốn và tôi phải đi theo ông ta.

– Thế tại sao anh lại đi theo ông ta? – Charles hỏi – Anh không bằng lòng với ta ư, Henri?

– Thưa bệ hạ không, ngược lại đằng khác. Tôi chỉ có thể ca ngại thánh thượng mà thôi. Chúa biết đọc trong trái tim người chứng giám cho lòng yêu quý sâu xa của tôi đối với đức vua và người anh em của tôi.

– Ta thấy hình như bản chất con người đâu có phải là trốn những người yêu thương mình và mình cũng yêu thương họ.

– Vì vậy nên tôi đâu có đi trốn những người yêu thương tôi, tôi trốn bỏ những người ghét bỏ tôi đấy chứ. Thánh thượng có cho phép tôi giãi bày hết lòng mình không?

– Anh nói đi.

– Thưa bệ hạ, những người ghét tôi ở nơi đây chính là ông d Alençon và Thái hậu.

– Ông d Alençon thì ta không nói làm gì – Charles đáp – Nhưng Thái hậu hết lòng quan tâm săn sóc đến anh.

– Chính vì thế nên tôi ngờ lệnh bà, thưa bệ hạ. Và tôi đã làm đúng khi nghi ngờ như vậy.

– Nghi ngờ Thái hậu ấy ư?

– Thái hậu hay những người quanh bà cũng vậy. Thưa bệ hạ. Người biết rằng điều bất hạnh của những ông vua không phải là vì phục vụ kém cỏi mà là bị phục vụ tốt quá.

– Anh nói rõ ra xem nào: anh đã cam kết là sẽ nói tất cả cho ta kia mà.

– Bệ hạ cũng thấy tôi đang làm như vậy đấy chứ.

– Tiếp đi!

– Có phải bệ hạ vừa nói là Người yêu quý tôi phải không ạ?

– Tức là trước khi có sự phản bội của anh thì ta yêu quý anh.

– Xin cứ giả thử là bệ hạ vẫn có lòng yêu quý tôi.

– Cũng được!

– Nếu bệ hạ yêu thương tôi, chắc Người phải mong muốn cho tôi được sống.

– Ta sẽ rất buồn nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho chú.

– Vậy thưa bệ hạ, đã hai lần suýt nữa thì Người đã phải buồn rồi đấy.

– Sao lại thế?

– Thưa vâng, vì hai lần số mệnh đã cứu tôi thoát chết. Và lần thứ hai thì số mệnh đã nấp dưới hình bóng của bệ hạ.

– Thế lần đầu nó nấp dưới hình bóng của ai?

– Của một người mà chắc sẽ ngạc nhiên lắm nếu được hưởng nhầm với số mệnh, của René. Vâng, thưa bệ hạ, Người đã cứu tôi khỏi gươm đao.

Charles cau mày vì ông nhớ lại cái đêm ông đưa Henri tới phố Barres.

– Còn René?

– René đã cứu tôi khỏi thuốc độc.

– Mẹ kiếp! Chú may thật đấy Henriot – Nhà vua cố mỉm một nụ cười nhưng một cơn đau quặn đã biến thành nét cau có bực dọc – Không phải nghề của hắn đâu nhé.

– Thưa bệ hạ, hai phép mầu đã cứu tôi thoát chết. Một phép mầu từ lòng hối hận của gã François và một phép mầu của lòng nhân từ nơi bệ hạ. Tôi xin thú nhận với bệ hạ là tôi e có lúc rồi trời cũng chán ban các phép mầu và tôi muốn trốn đi theo như lời xưa đã dạy: “Hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp anh”.

– Henri, tại sao chú không nói với ta những điều ấy từ trước?

– Nếu tôi nói với bệ hạ như thế này từ hôm qua, tôi đã là một kẻ đi tố giác.

– Thế hôm nay thì sao?

– Hôm nay thì khác, tôi bị tố cáo và tôi tự bào chữa cho mình.

– Chú có chắc về lần định ám hại thứ nhất không?

– Chắc chắn, cũng như về lần ám hại thứ hai vậy.

– Người ta định đầu độc chú à?

– Người ta đã định thế.

– Đầu độc bằng gì?

– Bằng son.

– Bằng son thì đầu độc thế nào nhỉ?

– Lạy Đức mẹ! Thưa bệ hạ, xin hãy hỏi René, người ta chẳng đã đầu độc bằng găng tay đấy thôi.

Charles cau mày, rồi dần dần gương mặt ông dãn ra.

“Ừ – Ông nói như tự nhủ – Bản chất con người là trốn cái chết. Trí thông minh tại sao lại không làm cái việc mà bản năng xúi người ta làm cơ chứ?”

– Vậy thưa bệ hạ – Henri hỏi – Người có hài lòng về sự thẳng thắng của tôi không. Người có tin rằng tôi đã nói hết với Người không?

– Ừ Henriot, chú là một chàng trai khá. Và chú đã nghĩ rằng những kẻ ghét chú không hề bỏ cuộc, những toan tính mới sẽ được tiến hành.

– Thưa bệ hạ, tối nào tôi cũng ngạc nhiên thấy mình còn sống.

– Chú biết không, đó là người ta biết rằng ta yêu quý chú nên họ không giết chú. Nhưng cứ yên tâm, họ sẽ bị trừng phạt về ý đồ xấu xa của mình. Trong khi chờ đợi thì chú được tự do.

– Thưa bệ hạ, tôi có được tự do rời Paris không?

– Không, chú biết rõ rằng ta không thể thiếu chú được. Quái quỷ, ta cũng cần phải có người yêu thương ta chứ.

– Vậy nếu thánh thượng muốn giữ tôi lại gần Người, cúi xin Người gia ân cho tôi một việc…

– Việc gì?

– Xin đừng giữ tôi lại như một người bạn mà cứ giữ tôi như một người tù.

– Sao lại giữ như tù là thế nào?

– Thưa vâng, bệ hạ chẳng thấy là tình thân của Người khiến tôi nguy sao?

– Thế anh thích ta ghét à?

– Thưa bệ hạ, lòng căm ghét bề ngoài thôi. Lòng oán ghét đó sẽ cứu tôi: chừng nào người ta còn thấy tôi bị thất sủng thì người ta càng ít vội cho tôi chết hơn.

– Henriot – Charles nói – Ta không biết là chú muốn gì, ta không biết mục đích của chú. Nhưng nếu mà những điều chú muốn mà không thực hiện được, và chú không đạt được mục đích đề ra thì ta phải ngạc nhiên đấy.

– Vậy tôi có thể mong bệ hạ sẽ nghiêm khắc với tôi chứ?

– Được – Thế là tôi yên tâm hơn… Bây giờ bệ hạ truyền gì?

– Về cung đi Henriot. Ta đang ốm, ta đi coi lũ chó của ta và đi nằm đây.

– Thưa bệ hạ. – Henri nói – Lẽ ra Người nên cho gọi một người thầy thuốc. Cơn trở bệnh của Người hôm nay có lẽ nghiêm trọng hơn là Người tưởng.

– Ta đã cho gọi thầy Ambroise Paré rồi, Henriot ạ.

– Vậy tôi ra đi được yên lòng hơn.

– Thề có linh hồn ta, ta nghĩ rằng trong cả gia đình chỉ có chú là thực lòng yêu thương ta thôi.

– Bệ hạ nghĩ vậy thật sao?

– Thề danh dự quý tộc đấy!

– Vậy xin bệ hạ giao tôi cho ông de Nancey như giao một kẻ mà cơn tức giận của bệ hạ sẽ không cho sống đến hết tháng, như vậy sẽ làm tôi sống để yêu quý bệ hạ được lâu dài hơn.

– Ông de Nancey! – Charles thét lên.

Viên chỉ huy vệ binh bước vào.

– Ta giao kẻ tội phạm lớn nhất nước Pháp vào tay ông. Ông phải đưa đầu ra đảm bảo về y.

Và Henri bước ra theo sau ông de Nancey với vẻ mặt sững sờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.