HOÀNG HẬU MARGOT

Chương 55 : Hình Nhân Bằng Sáp



Hình Nhân Bằng Sáp

Đã tám ngày nay Charles nằm liệt giường vì bị sốt suy nhược, đôi khi có những cơn kịch phát giống như bệnh trúng phong lúc lên cơn. Trong những cơn kịch phát, thỉnh thoảng ông rú lên khiến đám vệ binh đứng canh ngoài tiền phòng lắng nghe với vẻ khiếp hãi. Tiếng rú dội lại thành tiếng vọng trong những tầng sâu thẳm của cung Louvre mà ít lâu nay dường như hay bị thức tỉnh bởi những tiếng động khủng khiếp. Rồi khi cơn bệnh lui, ông mệt mỏi, mắt lớ đờ, tới tựa vào tay nhũ mẫu trong niềm im lặng vừa có ý khinh miệt vừa có vẻ kinh hoàng.

Không bày tỏ với nhau về những cảm. giác của mình, mẹ và con mỗi người đều tìm cách lẩn tránh chứ không chạm trán nhau. Catherine de Médicis và quận công d Alençon trong lòng đã rập rình những ý nghĩ hắc ám. Kể lại điều đó có khác nào như muốn mô tả sự lúc nhúc ghê tởm dưới đáy sâu một ổ rắn độc.

Henri đã bị nhốt kín trong phòng, và theo lệnh của chính Charles, không ai được phép gặp ông ngay cả Marguerite cũng vậy.

Trước mắt mọi người, đó là sự thất sủng hoàn toàn; Catherine và d Alençon tưởng Henri thế là đã hết đường ngoi ngóc nên cảm thấy dễ thở hơn, còn Henri ăn uống bình tĩnh hơn, lòng hy vọng người ta đã quên mất mình

Tại triều đình, không ai ngờ tới nguyên nhân thật của căn bệnh của nhà vua. Thầy Ambroise Paré và Madin, đồng nghiệp của thầy, đã thừa nhận là có viêm ở dạ dày, họ đã nhầm kết quả với nguyên nhân và chỉ đến thế thôi. Do đó họ đã kê một chế độ ăn uống nhằm làm giảm nhẹ cơn đau và có ích, thứ nước uống đặc biệt mà René đã chỉ định và Charles uống một ngày ba lần do chính tay nhũ mẫu mang tới, chất nước đó là nguồn thức ăn chính của nhà vua.

De Mole và Coconnas bị cầm cố chặt chẽ ở Vincennnes. Đã có tới chục lần Marguerite và phu nhân de Nervers cố thử tìm cách gặp họ hay ít ra là trao được cho họ một lá thư, nhưng cả hai nàng đều thất bại.

Một sớm, giữa những cơn đau và hồi sức mà Charles luôn luôn cảm thấy, ông thấy trong người khá hơn và muốn cho tất cả triều đình vào chầu. Như thường lệ, mặc dù lễ mình khởi không có nữa, sáng nào quần thần cũng tới. Thế là cửa được mở qua sắc xanh xao trên má, màu vàng vọt trên vầng trán nhẵn như ngà, những tia lửa bừng bừng của đôi mắt trũng sâu thâm quầng, người ta nhận thấy căn bệnh bí hiểm đã tàn hại nhà vua trẻ tuổi đến mức độ cao.

Chẳng mấy chốc, phòng ngự đã đầy chật những triều thần tò mò và quan tâm. Catherine, d Alençon và Marguerite được báo là nhà vua cho vào chầu.

Cả ba người lần lượt đến cách nhau một quãng thời gian ngắn: Catherine bình thản, d Alençon tươi cười, Marguerite phờ phạc.

Catherine ngồi xuống đầu giường con trai mà không để ý tới ánh mắt nhà vua khi bà tới gần. Ông d Alençon đứng phía cuối giường.

Marguerite tỳ người lên một chiếc bàn. Thấy vầng trán nhợt nhạt, gương mặt võ vàng và hố mắt sâu thẵm của anh, nàng không cầm được một giọt nước mắt và thở dài.

Chẳng có gì lọt khỏi mắt Charles được. Ông nhìn thấy giọt lệ ấy nghe tiếng thở dài ấy và khẽ gật đầu với Marguerite.

Dấu hiệu dù rất nhỏ nhoi khó nhận thấy nhưng vẫn làm nét mặt của bà hoàng hậu Navarre tội nghiệp tươi lên. Henri đã không kịp hay thậm chí có lẽ không muốn nói gì cho nàng biết trước. Nàng lo lắng cho chồng và run sợ cho người yêu. Đối với bản thân mình thì nàng không ngại gì hết. Nàng biết quá rõ De Mole và hiểu rằng nàng có thể tin cậy nơi chàng.

– Thế nào? – Catherine hỏi – Con thân yêu, con thấy trong người thế nào?

– Khá hơn mẹ ạ.

– Các thầy thuốc của anh bảo sao?

– Các thầy thuốc của tôi ấy à? Ồ! Đó quả là những vị danh y mẹ ạ – Charles vừa nói vừa phá lên cười – Tôi xin thú nhận là tôi hết sức vui thích được nghe họ bàn luận với nhau về căn bệnh của tôi. Nhũ mẫu, đem cho ta nước uống.

Nhũ mẫu đem lại cho Charles một tách thứ nước uống thường lệ của ông.

– Thế họ cho anh uống thuốc gì?

– Ồ! Thưa bà, ai mà biết được họ kê cho tôi thứ thuốc ma gì? – Nhà vua vừa đáp vừa hấp tấp nuốt vội chén thuốc của ông.

– Cái mà anh tôi cần – François xen vào – Đó là phải dậy được và ra sưởi nắng mặt trời. Săn bắn sẽ làm anh khỏe vì anh yêu thích đi săn mà.

– Ừ, ấy thế mà cuộc đi săn mới đây lại làm ta ốm đấy – Charles nói với một nụ cười mà quận công khó lòng hiểu nổi ý nghĩa.

D Alençon làm một cử chỉ như muốn xích lại gần anh nhưng một thứ tình cảm nội tâm nào đó khiến ông ta dừng lại. Ông cúi chào và lui ra

– Ông nói những lời đó với vẻ kỳ quặc đến nỗi cuộc nói chuyện dừng lại ở đó còn những người dự chầu thì không lúc nào xen vào được một câu. Rồi nhà vua gật đầu ra hiệu. Triều thần hiểu rằng cuộc triều kiến đến đây kết thúc, lục tục rút lui.

Marguerite quỳ xuống bàn tay xương xẩu người anh chìa ra cho mình, siết chặt và hôn, rồi cũng lui về.

“Margot tốt bụng” – Charles lẩm bẩm.

Chỉ mỗi mình Catherine vẫn ngồi lại đầu giường. Khi thấy chỉ còn một mình với mẹ. Charles lùi dần về phía thành giường phía trong với cảm giác kinh sợ như người ta lùi trước một con rắn.

Đó là vì Charles được René thú nhận và cho biết và hơn nữa, nhờ yên tĩnh trầm tư suy nghĩ, Charles thậm chí không còn đến cả cái may mắn được nghi ngờ nữa.

– Ông đã biết rõ cái chết của ông là do ai và cái gì gây ra.

Vì vậy khi Catherine tới gần giường và chìa ra phía con trai bàn tay lạnh ngắt cũng như cái nhìn của bà, con bà rùng mình và phát sợ.

– Bà ở lại đây à? – Charles hỏi.

– Ừ, con ạ – Catherine đáp – Ta cần nói với con về mấy việc quan trọng.

– Xin bà cứ nói đi – Charles đáp và lại càng lùi sâu hơn nữa.

– Thưa bệ hạ, ta đã nghe Người khẳng định lúc nãy rằng thầy thuốc của Người là những bậc danh y.

– Thưa bà, tôi vẫn khẳng định như vậy.

– Tuy vậy, họ đã làm được gì kể từ khi bệ hạ lâm bệnh?

– Chẳng làm gì cả, có thế thật… Nhưng nếu bà nghe thấy những điều họ nói nhỉ… Thưa lệnh bà, tôi chỉ muốn được ốm để nghe những bài bình luận thông thái đến thế mà thôi.

– Còn ta, con ạ, con có muốn ta nói với con một điều không?

– Sao? Xin bà cứ nói đi.

– Này, ta nghi rằng tất cả các vị danh y đó không hiểu gì hết về căn bệnh của anh.

– Thưa bà, thật thế sao?

– Có thể họ nhìn thấy kết quả, nhưng không biết rõ nguyên nhân.

– Có thể lắm – Charles vẫn chưa hiểu Thái hậu định dẫn câu chuyện tới đâu.

– Thế nên họ chữa triệu chứng chứ không phải chữa căn nguyên của bệnh.

– Thề có linh hồn tôi! – Charles ngạc nhiên kêu lên – Tôi nghĩ là mẹ nói đúng đấy.

– Thế này con ạ, đối với lợi ích quốc gia cũng như đối với lòng ta, thật không thể để anh ốm lâu hơn được nữa. Vì trước hết là tinh thần anh sẽ sa sút, thế nên ta đã cho triệu tất cả những bác sĩ thông thái nhất.

– Thông thái nhất về nghề y ấy ư, thưa bà?

– Không, một nghề còn thâm thuý hơn, một thứ nghệ thuật cho phép người ta không chỉ đọc được trong thân thể con người mà còn đọc được trong lòng người nữa.

– À! Cái nghề ấy đẹp đấy, thưa bà. Người ta không dạy nghề ấy cho các ông vua cũng đúng thôi! Thế các việc tìm kiếm của bà có kết quả gì không?

– Có

– Kết quả như thế nào?

Đó chính là kết quả ta mong đợi. Và ta đem đến cho bệ hạ liều thuốc có thể chữa khỏi cả thể xác lẫn trí óc Người.

Charles rùng mình. Ông nghĩ rằng Thái hậu thấy ông lâu chết quá đã quyết định kết liễu một cách khôn khéo điều mà bà đã bắt tay vào làm một cách vô tình.

– Thế thuốc ấy đâu? – Charles chống cùi tay nhỏm dậy và nhìn mẹ.

– Thuốc ở ngay trong căn bệnh – Catherine đáp.

– Vậy căn bệnh là ở đâu?

– Con hãy nghe ta, đã bao giờ con nghe thấy chuyện những kẻ thù bí mật tuy ở xa nhưng vẫn giết chết nạn nhân của mình không?

– Giết chết bằng gươm hay bằng thuốc độc? Charles hỏi, mắt không rời khỏi vẻ mặt lạnh lùng của mẹ.

– Không, giết người bằng những phương tiện chắc chắn hơn nhiều, khủng khiếp hơn nhiều.

– Xin lệnh bà nói rõ ra.

– Con ạ, anh có tin vào ma thuật và phù phép không?

Charles nén một nụ cười khinh miệt vẻ không tin.

– Tin nhiều lắm chứ – Ông đáp.

– Thế thì những nỗi đau của bệ hạ là ở đấy – Catherine vội vàng nói – Một kẻ thù của bệ hạ không dám đánh Người công khai, đã bí mật âm mưu chống Người. Việc hắn âm mưu chống lại thể xác bệ hạ càng nguy hiểm hơn vì hắn không có tòng phạm và người ta không thể nắm bắt được những giây mơ rễ má bí ẩn của âm mưu này.

– Thật quả là không! – Charles phẫn nộ trước quá nhiều trò xảo quyệt.

– Con hay tìm kỹ lại xem. Hãy nhớ lại vài âm mưu bỏ trốn mà đáng ra đã đảm bảo cho kẻ giết người khỏi bị trừng phạt.

– Kẻ giết người! – Charles kêu lên – Bà bảo là kẻ giết người ư? Có kẻ định giết tôi ư, thưa mẹ?

Con mắt mượt mà của Catherine tròn lên một cách giả dối dưới lớp mi:

– Đúng thế con ạ, có thể anh còn nghi ngờ, nhưng ta thì ta tin chắc rồi.

– Tôi không bao giờ nghi ngờ những lời mẹ nói với tôi – Nhà vua chua chát nói – Thế người ta định giết tôi như thế nào. Tôi thật tò mò đấy.

– Giết bằng phù phép.

– Bà nói rõ ra xem nào – Tuy ghê tởm nhưng Charles vẫn trở lại với vai trò người quan sát của mình.

– Nếu cái kẻ âm mưu mà tôi muốn vạch mặt chỉ tên ấy… kẻ đó tự đáy lòng bệ hạ cũng biết là ai rồi… Nếu kẻ đó sau khi đã sắp đặt xong hết các mưu chước của hắn, sau khi tin chắc sẽ thành công, nếu hắn đã trốn thoát được rồi thì có lẽ không ai có thể thấu được nguyên nhân những cơn đau đớn của bệ hạ được. Nhưng thưa bệ hạ, may mắn thay, em Người đã quan tâm đến Người.

– Em nào?

– Người em d Alençon của bệ hạ.

– À ừ nhỉ, tôi quên mất là tôi có một ông em đấy – Charles lẩm bẩm và cười với vẻ chua chát – Vậy bà nói tiếp đi.

– May thay nó đã vạch ra được khía cạnh vật chất của việc âm mưu này cho bệ hạ. Nhưng vốn là một đứa trẻ còn thiếu kinh nghiệm, nó chỉ nhìn thấy dấu vết của một mưu cơ bình thường, những bằng chứng của việc lẩn trốn của một thanh niên. Còn ta, ta tìm kiếm những bằng chứng của một hành động quan trọng hơn nhiều vì ta biết rõ tầm nhìn của thủ phạm.

– Ái chà! Mẹ ơi, hình như mẹ đang nói đến vua Navarre thì phải – Charles nói, ông muốn biết xem cái trò giả vở giả vịt kiểu Florentine này sẽ đi tới đâu.

Catherine cúi mặt xuống đầy vẻ đạo đức giả.

– Tôi thấy hình như tôi đã cho bắt hắn và dẫn tới Vincennnes vì tội bỏ trốn mà bà vừa nói đấy – Nhà vua tiếp – Vậy ra hắn còn nhiều tội hơn là tôi tưởng sao?

– Anh có cảm thấy bị cơn sốt giày vò không? – Catherine hỏi.

– Chắc chắn là có, thưa bà – Charles cau mày nói.

– Anh có cảm thấy như bị lửa nung nấu tim gan anh không?

– Có – Charles đáp, vẻ mặt ông mỗi lúc mỗi tối sầm.

– Có những cơn đau đầu chạy từ mắt anh rồi xuyên qua óc như những làn tên bắn không?

– Có chứ, thưa bà. Ồ! Tôi cảm thấy tất cả những điều đó! Bà tả căn bệnh của tôi mới đúng làm sao!

– Đó là vì đơn giản lắm bệ hạ hãy nhìn đây…

Và bà rút từ dưới áo choàng ra một vật mà bà trình lên cho nhà vua.

Đó là một hình nhân bằng sáp vàng nhạt, cao chừng sáu tấc. Bên trong hình nhân này mặc một chiếc váy điểm sao vàng bằng sáp, ngoài là một chiếc hoàng bào cũng bằng chất liệu như vậy.

– Thế cái tượng nhỏ này là thế nào? – Charles hỏi.

– Xin bệ hạ hãy nhìn vật trên đầu nó.

– Có một vương miện – Charles đáp.

– Thế còn ở tim?

– Một chiếc kim.

– Vậy bệ hạ có nhận ra mình đây không?

– Tôi à?

– Vâng chính bệ hạ, với vương miện và hoàng bào của mình.

– Thế ai đã làm hình nhân này? – Charles bắt đầu thấy mệt vì trò hề này hỏi – Chắc vua Navarre chứ?

– Thưa bệ hạ không đâu.

– Không đâu!… Thật tôi không hiểu bà nữa đấy.

– Ta nói không là vì bệ hạ có thể hiểu theo nghĩa đen lời ta nói. Lẽ ra ta đã nói đúng vậy nếu bệ hạ đặt câu hỏi một cách khác.

Charles không trả lời. Ông cố gắng tìm hiểu tất cả những ý nghĩ của cái tâm hồn đen tối này, mỗi khi ông tưởng đã sắp sửa đọc được rõ ràng trong đó thì nó lại luôn luôn tự khép kín mình lại trước mắt ông.

– Thưa bệ hạ – Catherine tiếp – Nhờ quan tổng biện lý Laguesle, hình nhân này của bệ hạ đã được tìm thấy ở nhà kẻ mà vào hôm săn chim đã giữ một con ngựa với yên cương sẵn sàng cho vua Navarre.

– Ở nhà ông de La Mole phải không?

– Chính hắn. Và xin bệ hạ hãy nhìn lại mũi kim thép đâm vào tim này, bệ hạ hãy nhìn xem có chữ gì ghi trên tờ giấy gắn trên đó.

– Tôi thấy có chữ M.

– Có nghĩa là MORT(1), đó là công thức của phép yêu. Kẻ yểm bùa đã viết lời nguyền của mình lên chính vết thương hắn đã gây ra. Nếu hắn muốn làm cho người ta bị điên như quận công Bretagne đã làm đối với vua Charles VI, thì hắn phải đâm kim vào đầu và thay chữ M bằng chữ F(2).

– Vậy theo bà kẻ định hại tôi là ông de Mole phảỉ không?

– Đúng vậy, như con dao muốn đâm vào tim, nhưng đằng sau con dao là cánh tay dùng nó.

– Thế ra đó là tất cả nguyên nhân khiến tôi đau ốm! Ngày nào mà yêu phép bị phá vỡ thì tôi khỏi bệnh? Nhưng làm thế nào? – Charles hỏi – Mẹ thì mẹ biết nhưng còn tôi thì ngược lại với mẹ. Mẹ đã nghiên cứu chuyện này cả đời rồi, tôi lại rất mù tịt về mặt ma thuật và phù phép.

– Cái chết của kẻ yểm bùa sẽ phá tan yêu thuật, chỉ có thế thôi. Ngày nào yêu thuật bị phá vỡ, căn bệnh sẽ lui – Catherine đáp.

– Thật à! – Charles hỏi với vẻ ngạc nhiên.

– Sao? Anh không biết những điều ấy sao?

– Đức Mẹ ơi! Tôi đâu phải là phù thuỷ!

– Thế bây giờ thì bệ hạ đã tin hẳn rồi chứ? – Catherine hỏi.

– Chắc chắn.

– Niềm tin sẽ làm dẹp bớt nỗi no ngại của bệ hạ chứ?

– Không, mẹ ạ, tôi nói thật lòng tôi đấy.

Gương mặt Catherine dãn ra.

– Sáng danh Chúa! – Bà kêu lên như thể bà tin vào Chúa lắm.

– Đúng thế, sáng danh Chúa! – Charles giễu cợt nhắc lại – Bây giờ tôi biết được ai gây ra tình trạng hiện nay của tôi và do đó phải trừng phạt ai.:

– Và chúng ta sẽ trừng trị…

– Ông de Mole chứ gì? Bà chẳng nói hắn là thủ phạm là gì?

– Ta nói hắn là công cụ.

– Thế này – Charles phán – Trước hết là ông de Mole cái đã hắn là đứa quan trọng nhất. Những cơn đau của tôi có thế làm nảy sinh quanh chúng ta những mối ngờ vực nguy hiếm. Phải làm sao cho mọi việc được làm sáng tỏ nhanh lên và sự thực được phơi bày.

– Vậy là ông La Mole?

– Hắn mà làm thủ phạm thì tôi thấy hợp lắm. Tôi đồng ý coi hắn là thủ phạm. Bắt đầu bắt tội hắn trước đã, nếu hắn có tòng phạm hắn sẽ thú nhận.

– Đúng thế – Catherine lẩm bẩm – Nếu hắn không thú nhận, thì người ta sẽ bắt hắn phải thú nhận. Ta có những cách rất chắc chắn để làm việc này.

Rồi bà cao giọng nói và đứng dậy:

– Thưa bệ hạ, vậy là Người cho phép bắt đầu thẩm vấn?

– Tôi mong muốn điều đó thưa bà – Charles nói – Và… càng sớm càng tốt.

Catherine siết tay con trai mà không hiểu hết cơn co giật bứt rứt của bàn tay ấy trong khi siết tay bà. Bà bước ra mà không nghe thấy điệu cười chua cay của nhà vua và lời nguyền rủa khàn khàn khủng khiếp theo sau tiếng cười ấy.

Nhà vua đang tự hỏi liệu có nguy hiểm gì nếu để cho người đàn bà này được tự do thả lỏng và trong vài giờ có thể làm được nhiều việc đến nỗi không còn cách nào cứu vãn được tình thế hay không.

Trong khi còn đang nhìn tấm thảm treo cửa buông xuống sau lưng Catherine, ông nghe thấy có tiếng sột soạt nhè nhẹ sau lưng mình và quay lại, ông bắt gặp Marguerite đang vén tấm thảm treo hành lang dẫn sang phòng nhũ mẫu.

Vẻ xanh xao, đôi mắt thất thần, ngực phập phồng chứng tỏ Marguerite đang rất xúc động.

– Ôi thưa bệ hạ – Nàng vừa thốt lên vừa lao tới giường anh. Bệ hạ biết thừa rằng bà ta nói dối!

– Bà ta nào? – Charles hỏi.

– Anh Charles, hãy nghe em: phải kết tội mẹ mình thì thật là khủng khiếp nhưng em đã ngờ bà ta sẽ ở lại để tiếp tục theo đuổi hãm hại họ. Nhưng thề có mạng sống của em, của anh, thề có linh hồn chúng ta, em nói rằng bà ta nói dối.

– Theo đuổi hãm hại họ?… Hãm hại ai?

Cả hai người theo bản năng đều nói khẽ, dường như họ sợ phải nghe thấy nhau.

– Trước hết là Henri, Henriot của anh, yêu thương anh, tận tụy với anh hơn ai hết trên đời này.

– Cô tưởng thế à, Margot? – Charles hỏi.

– Ôi thưa bệ hạ, em tin chắc thế.

– Thì ta cũng vậy – Charles đáp.

– Vậy nếu anh tin chắc thế – Marguerite ngạc nhiên hỏi – Tại sao anh lại cho bắt ông ta giải tới Vincennnes?

– Vì chính y yêu cầu được như thế.

– Thưa bệ hạ, ông ta đã yêu cầu được như thế?…

– Ừ cái thằng Henriot ấy có nhiều ý nghĩ kỳ quặc lắm. Có thể hắn nhầm, cũng có thể hắn đúng. Nhưng tóm lại một trong những ý nghĩ đó là hắn được an toàn nếu bị thất sủng hơn là được ân huệ của ta, ở xa ta hơn là ở gần ta, ở Vincennnes thì an toàn hơn ở Louvre.

– À! – Em hiểu rồi – Marguerite đáp – Vậy là ông ta được an toàn?

– Thánh mẫu ơi! Hắn được an toàn như bất kỳ kẻ nào mà Beaulieu đã đem đầu ra đảm bảo với ta.

– Ôi xin cám ơn anh, Henri vậy là ổn. Nhưng còn…

– Nhưng còn gì? – Charles hỏi.

– Nhưng thưa bệ hạ, còn một người nữa. Có lẽ em quan tâm tới người ấy là sai nhưng rốt cuộc thì em vẫn cứ lo lắng cho người ấy.

– Ai vậy?

– Thưa bệ hạ, xin Người tha thứ cho… Có lẽ em còn dám nêu tên người ấy với anh trai minh, nhưng với đức vua thì em không dám.

– Ông de Mole phải không?

– Than ôi! Thưa bệ hạ. Người đã muốn giết ông ta một lần rồi, và lần ấy, chỉ nhờ có phép mầu nên ông ta mới thoát khỏi sự trả thù của bệ hạ.

– Marguerite, hồi đó hắn chỉ phạm một tội, bây giờ hắn lại phạm những hai…

– Thưa bệ hạ, ông ta đâu có phạm tội thứ hai kia.

– Nhưng cô không nghe thấy bà hiền mẫu của chúng ta nói à, hở Marguerite tội nghiệp?

– Ôi Charles, em đã nói với anh rồi – Marguerite hạ giọng tiếp lời – Em đã bảo anh bà ấy nói dối mà.

– Có lẽ cô không biết có một hình nhân bằng sáp được khám thấy ở nhà ông de La Mole hẳn thôi?

– Thưa anh có chứ, em biết.

– Cái hình nhân ấy lại được chọc một cái kim vào tim và chiếc kim đâm nó bị thương lại mang một tờ giấy nhỏ có chữ M.

– Em cũng biết việc ấy.

– Hình nhân ấy có một chiếc hoàng bào và một vòng vương miện.

– Em biết tất.

– Thế cô giải thích ra sao?

– Em xin nói rằng hình nhân mặc hoàng bào đội vương miện ấy thể hiện một người đàn bà chứ không phải một người đàn ông.

– Chậc! Thế còn mũi kim đâm vào tim thì sao?

– Đó là phù phép khiến người đàn bà ấy yêu mình chứ không phải là bùa yểm để giết hại một người.

– Thế còn chứ M?

– Chữ đó không có nghĩa là MORT (1), như Thái hậu nói.

– Vậy nó có nghĩa là gì? – Charles hỏi.

– Nó có nghĩa… nó là tên của người đàn bà mà ông de Mole đã yêu.

– Thế người đàn bà ấy tên là gì?

– Thưa anh, người ấy tên là Marguerite! – Hoàng hậu Navarre phục xuống trước giường nhà vua, cầm lấy tay Charles trong hai bàn tay mình và áp khuôn mặt đẫm nước mắt của nàng lên đó.

– Cô có im đi không nào? – Charles nhìn quanh với ánh mắt sáng quốc dưới đôi lông mày cau lại – Vì nếu cô đã nghe thấy được thì người ta cũng nghe thấy cô được.

– Ôi! Em cần gì đâu! – Marguerite hất đầu lên nói – Dù cho có mặt cả thế giới ở đây em vẫn tuyên bố trước mọi người rằng thật nhơ nhuốc đem lợi dụng tình yêu của một người quý tộc để làm hoen ố thanh danh ông ta bằng cách gán cho ông ta một vụ ám sát.

– Margot, thế nếu ta bảo cô rằng ta cũng biết rõ như cô điều gì đúng, điều gì sai thì sao?

– Kìa anh!

– Nếu ta nói rằng ông de Mole vô tội thì sao?

– Anh biết thế ư?

– Ta nói với cô rằng ta biết rõ kẻ có tội thực sự.

– Kẻ có tội thực sự! Marguerite thốt lên – Vậy ra đã có tội ác được thực hiện ư?

– Đúng vậy. Dù vô tình hay cố ý, đã có tội ác xảy ra.

– Chống anh ư?

– Chống lại ta.

– Không thể thế được!

– Tại sao không?… Margot, cô nhìn ta mà xem.

Thiếu phụ nhìn anh và rùng mình khi thấy ông xanh xao quá đỗi.

– Margot, ta không còn sống được ba tháng nữa đâu – Charles nói.

– Anh ư, Charles?

– Marguerite, ta bị đầu độc rồi.

Marguerite bật lên một tiếng kêu.

– Im đi – Charles nói – Cần phải để cho người ta tưởng ta chết vì yêu thuật.

– Thế anh có biết kẻ có tội không?

– Ta biết.

– Anh bảo không phải là De Mole đúng không?

– Không phải hắn.

– Chắc chắn cũng không phải là Henriot rồi… Chúa ơi! Liệu có phải… Có phải d Alençon không?… – Marguerite thì thầm.

– Có thể lắm.

– Hay là, hay là… – Marguerite hạ thấp giọng như thể nàng hoảng sợ vì chính điều nàng sắp nói – Hay là… mẹ chúng ta?

Charles im bặt.

Marguerite nhìn ông, đọc thấy trong ánh mắt tất cả những điều nàng muốn biết, nàng vẫn quỳ và ngã ngồi xuống một chiếc ghế bành.

– Ôi! Lạy Chúa! Lạy Chúa! Không thể được! – Nàng lẩm bẩm.

– Sao lại không thể! – Charles phát lên một tiếng cười chói tai và nói – Tiếc là René không có ở đây để kể cho cô thấy chuyện của ta.

– René ấy.

– Đúng vậy. Chẳng hạn sẽ kể cho cô biết là có một người đàn bà mà đối với bà ta hắn không dám từ chối điều gì đã đến mượn hắn một quyền sách cất kỹ trong thư viện của hắn như thế nào, rồi thuốc độc đã được rót lên từng trang sách ra sao, rồi thuốc độc ấy, vốn được dành cho một kẻ mà ta không biết là ai đã rơi vào tay một người khác do tình cờ hoặc do một hình phạt của Chúa như thế nào. Nhưng vì René vắng mặt nên nếu cô thích xem quyển sách thì ở kia, trong phòng của ta, cô sẽ thấy tự dạng của René viết rằng y đã trao quyển sách đó cho người đàn bà đồng hương với y như thế nào, chất độc của nó còn đủ giết hai chục người nữa đấy.

– Charles, im đi, đến lượt anh phải im đi – Marguerite khuyên.

– Thế bây giờ cô thấy rõ rằng mọi người phải tưởng ta chết vì yêu thuật rồi chứ?

– Nhưng thật là bỉ ổi! Thật xấu xa! Xin bệ hạ hãy tha thứ! Người biết rõ rằng chàng vô tội!

– Đúng, ta biết, nhưng người ta phải tưởng rằng hắn có tội. Cô hãy chịu đựng cái chết của người yêu mình, thế còn là ít để cứu vãn danh dự của hoàng tộc Pháp. Ta cũng chịu chết để điều bí mật chết theo ta.

Marguerite cúi đầu, nàng hiểu không thể nào nhà vua để cứu ông De Mole được nữa. Nàng vừa lui về vừa khóc ròng rã và chỉ còn hy vọng vào bản thân mình nữa mà thôi.

Trong khi đó đúng như Charles dự tính, Catherine đã không để phí một phút. Bà viết cho quan tổng biện lý Laguesle một bức thư mà lịch sử đã giữ vẹn toàn từng câu từng chữ và đã đem lại chút ánh sáng đẫm máu cho vụ này:

“Ông biện lý, tối nay người ta đã nói chắc với ta là De Mole đã mắc tội phạm thánh. Tại nhà tên này ở Paris người ta đã tìm thấy nhiều vật nguy hiểm như sách vở, giấy tờ. Ta yêu cầu ông cho gọi viên trưởng toà và bắt đầu thẩm vấn càng sớm càng tốt vụ hình nhân bằng sáp đã bị chúng đâm một nhát vào tim nhằm hại đến thánh thượng(3).

Catherine”.

Chú thích:

(1) MORT = tiếng Pháp là Chết.

(2) chữ đầu của từ “Folie” nghĩa là điên

(3) Theo tài liệu nguyên bản


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.