HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 56 : Những Tấm Lá Chắn Vô Hình
Những Tấm Lá Chắn Vô Hình
Sau hôm Catherine viết thư trên đây, viên chủ pháo đài bước vào phòng Coconnas với một đoàn tùy tùng rất oai vệ: hai lính cầm kích và bốn pháp quan áo đen.
Coconnas được mời xuống một gian phòng ở đó viên biện lý Laguesle và hai quan tòa khác đang chờ chàng để bắt đầu thẩm vấn theo lệnh của Catherine.
Trong tám ngày ở tù, Coconnas đã suy nghĩ nhiều. Mỗi ngày chàng và De Mole lại được gặp nhau một lát nhờ người coi ngục đã có lòng tạo ra sự bất ngờ cho họ mà chắc chẳng phải vì lòng nhân ái không thôi. Chàng và De Mole đã thoả thuận với nhau về cách đối phó của cả hai: đó là chối hết mọi điều, chàng tin chắc rằng khéo léo một chút, vụ này sẽ tiến triển khá hơn, những tội trạng gán cho chàng và bạn cũng chẳng nặng gì hơn tội của người khác. Henri và Marguerite đã không cố trốn lúc ấy, họ không thể bị tai tiếng trong một vụ mà thủ phạm chính đang còn tự do. Coconnas không biết rằng Henri ở trong cùng toà lâu đài với chàng và sự dễ dãi của viên coi ngục cho chàng biết rằng trên chàng có những người bảo trợ mà chàng gọi là những tấm lá chắn vô hình của chàng.
Cho tới lúc đó, những cuộc tra hỏi chỉ nhằm vào những ý đồ của vua Navarre, về dự định trốn và vai trò của haì người bạn trong việc bỏ trốn này. Ở các cuộc thẩm vấn này Coconnas bao giờ cũng trả lời một cách rất mơ hồ và cực kỳ khéo léo. Chàng còn chuẩn bị trả lời theo kiểu đó và đã sắp sẵn những lời ăn miếng trả miếng nho nhỏ thì chợt nhận thấy cuộc thẩm vấn đã đổi chủ đề.
Người ta nói đến một hay nhiều lần họ đi thăm René và một hay nhiều lần hình nhân bằng sáp do De Mole gợi ý làm ra.
Dù đã chuẩn bị kỹ càng, Coconnas tưởng rằng lời tố tội đã giảm nhẹ đi nhiều vì đây không phải là phản lại nhà vua nữa mà chỉ là tội làm một hình nhân của hoàng hậu, với lại hình nhân đó cao chỉ tám tới mười tấc thôi chứ mấy. Thế nên chàng trả lời rất vui vẻ rằng cả chàng lẫn bạn từ lâu rồi đã không chơi trò búp bê và chàng hài lòng nhận thấy nhiều lần câu trả lời của chàng khiến các vị quan tòa mỉm cười.
Thời đó người ta còn chưa viết nên những vần thơ: “Tôi cười, và thế là tôi đã bị thuyết phục”, nhưng ý ấy đã được nhắc tới nhiều lần trong văn xuôi. Và Coconnas tưởng rằng đã gần như tước vũ khí các quan tòa chỉ vì họ đã mỉm cười.
Cuộc thẩm vấn kết thúc, chàng trở lên phòng ồn ào ca hát đến nỗi De Mole là người được hưởng tất cả những trò ồn ĩ ấy phải rút ra những kết luận tốt đẹp.
Đến lượt chàng xuống thẩm vấn. Cũng như Coconnas, de Mole ngạc nhiên thấy lời cáo trạng chuyển hướng ban đầu và đi sâu vào một hướng khác. Người ta hỏi chàng về các cuộc tới thăm nhà René. Chàng đáp đã đến nhà gã người xứ Florence chỉ một lần thôi. Người ta lại hỏi xem lần đó chàng có đặt làm một hình nhân bằng sáp không. Chàng trả lời rằng René đưa cho chàng hình nhân đã có sẵn. Người ta hỏi chàng có đúng đó là hình nhân một người đàn ông hay không. Chàng đáp hình nhân đó thể hiện một người đàn bà. Họ lại hỏi có phải phù phép nhằm để giết người đàn ông đó không. Chàng trả lời mục đích của bùa chú nhằm khiến người đàn bà đó yêu mình.
Các câu hỏi đó được đặt đi đặt lại hàng trăm kiểu khác nhau nhưng dù có hỏi cách nào đi chăng nữa, de Mole vẫn trả lời như cũ.
Các quan toà không biết làm sao trước sự thật giản đơn như vậy ngập ngừng nhìn nhau. Khi đó viên tổng biện lý nhận được một bức thư giúp giải quyết được nỗi khó khăn.
Bức thư đó như sau: “Nếu bị cáo chối, hãy sử dụng nhục hình”.
Viên biện lý nhét thư vào túi, mỉm cười với De Mole và cho chàng về một cách lễ độ. De Mole về phòng giam của chàng một cách yên tâm nếu như không nói là cũng vui vẻ như Coconnas vậy.
“Mình nghĩ là mọi việc ổn cả”. – Chàng tự nhủ.
Một giờ sau chàng nghe có tiếng chân người và thấy một bức thư được nhét vào dưới khe cửa mà không thấy rõ bàn tay nhét thư đó. Chàng nhặt thư và nghĩ chắc nó do viên giữ cửa gửi cho chàng.
Nhìn thấy bức thư, một niềm hy vọng gần như đau đớn cùng một nỗi thất vọng xâm chiếm trái tim chàng, chàng mong bức thư đó của Marguerite, vì từ khi bị cầm tù, chàng chưa nhận được tin tức gì của nàng. Chàng run rẩy nhặt thư. Nét chữ khiến chàng suýt ngất vì sung sướng.
“Can đảm lên – Bức thư viết – Em trông lo đến mọi việc”.
“A! Nếu nàng lo đến mọi việc, ta sẽ thoát!” – De Mole vừa thốt lên vừa hôn tờ giấy đã được bàn tay yêu quý chạm vào.
Tại sao De Mole lại hiểu được bức thư ấy và tại sao chàng lại cũng tin như Coconnas vào cái mà anh chàng xứ Piémontais gọi là “những tấm lá chắn vô hình”?
Để biết được điều đó chúng tôi cần phải đưa độc giả tới căn nhà nhỏ bé, chứng kiến biết bao hạnh phúc đắm say, nơi những hương thơm còn chưa phai nhạt, những kỷ niệm ngọt ngào nay đã trở thành bao niềm khắc khoải làm tan nát cõi lòng người đàn bà đang gục người trên những tấm gối nhung.
“Là bà hoàng đầy thế lực, trẻ trung, giàu có, xinh đẹp mà phải đâu khổ như ta! Ôi, không thể được! Thiếu phụ thốt lên”.
Trong cơn xúc động, nàng đứng dậy bước đi rồi đột ngột dừng lại tì vầng trán nóng bỏng vào thứ đồ cẩm thạch lạnh giá rồi lại vùng dậy với khuôn mặt nhợt nhạt đầm đìa nước mắt.
Nàng rên rỉ xoắn tay vào nhau và ngã phịch xuống một chiếc ghế bành, cõi lòng tan nát.
Đột nhiên, tấm thảm che ngăn cách căn nhà phố Cloche Percée với căn phòng phố Tizon được cuốn lên có tiếng lụa sột soạt bên tường gỗ và quận chúa de Nervers xuất hiện.
– Ôi, cậu đấy à? – Marguerite thốt lên – Mình đợi cậu sốt ruột quá! Thế có tin gì không?
– Tin xấu lắm cô bạn tội nghiệp ạ. Đích thân Catherine thúc đẩy cuộc thẩm vấn, lúc này bà ta vẫn còn ở Vincennnes.
– Còn René?
– Y đã bị bắt.
– Trước khi cậu kịp nói chuyện với y à?
– Thế còn những chàng trai của chúng ta?
– Mình có tin của họ rồi.
– Nhờ lão giữ cửa à?
– Vẫn thế.
– Thế sao?
– Đây, ngày nào họ cũng nói chuyện được với nhau. Hôm kia họ đã bị khám xét. De Mole đã đập vỡ chân dung của cậu chứ không chịu nộp nó.
– Ôi De Mole!
– Còn Anibal đã cười vào mũi những kẻ đi khám xét.
– Anibal tốt quá! Sau đó thì sao?
– Sớm nay họ đã bị tra hỏi về cuộc đi trốn của nhà vua, về những dự định nổi loạn của ông ta ở Navarre, nhưng họ không nói gì hết.
– Ô mình biết là họ sẽ im lặng mà, nhưng im như thế cũng chết mà nói cũng chết.
– Ừ nhưng chúng mình sẽ cứu họ chứ.
– Cậu đã nghĩ tới việc của chúng mình rồi à?
– Mình chỉ lo đến việc ấy từ hôm qua tới giờ.
– Thế ra sao rồi?
– Mình vừa thỏa thuận với Beaulieu xong. A, bà hoàng thân mến ơi cái thằng cha mới khó tính và tham lam làm sao! Việc này phải đổi bằng một mạng người và ba trăm ngàn écus.
– Cậu bảo hắn khó tính và tham lam… Thế mà hắn lại chỉ đòi có một mạng người với ba trăm ngàn écus… Thế rẻ quá còn gì?
– Rẻ quá… ba trăm ngàn écus!… Cả những đồ trang sức của cậu lẫn của mình đều không đủ đâu đấy.
– Ô không lo. Vua Navarre sẽ trả, quận công d Alençon sẽ trả, anh Charles của mình sẽ trả nếu không thì…
– Này, cậu nói như đồ điên ấy. Mình có ba trăm ngàn écus ấy rồi.
– Cậu ấy à?
– Ừ mình.
– Thế cậu kiếm ở đâu ra?
– À thế mới tuyệt chứ!
– Bí mật à?
– Trừ cậu ra thì với ai cũng là bí mật cả.
– Ôi lạy Chúa! – Marguerite mỉm cười giữa hai hàng lệ – Cậu ăn trộm đấy à?
– Cậu cứ xét xem.
– Xem nào.
– Cậu có nhớ thằng cha Nantouillet đáng tởm ấy không?
– Thằng cha nhà giàu cho vay lãi ấy à?
– Thế cũng được.
– Thế sao?
– Này nhé, một hôm hắn thấy một người đàn bà tóc vàng, mắt xanh đeo ba viên hồng ngọc một ở trán, hai ở thái dương, mà cách trang điểm ấy đối với nàng rất hợp. Vì không biết đó là một quận chúa nên cái thằng cha nhà giàu cho vay nặng lãi ấy mới thốt lên: “Nếu được hôn lên chỗ của ba viên hồng ngọc kia, ta sẽ đặt vào đó ba viên kim cương mỗi viên trị giá một trăm ngàn écus.”
– Thế thì sao, Henriette?
– Này cô bạn ơi, kim cương đã có và được bán đi rồi.
– Ôi Henriette! Henriette! – Marguerite lẩm bẩm.
– Nào, mình yêu Anibal cơ mà! – Quận chúa thốt lên với giọng dạn dày đầy vẻ ngây thơ tuyệt vời thể hiện được cả cho thời đại đó và cả cho người đàn bà.
– Quả có thế – Marguerite vừa mỉm cười vừa đỏ mặt – Cậu yêu chàng, thậm chí lại còn yêu nhiều quá là đằng khác.
Nói thế nhưng nàng lại siết tay bạn.
– Vậy là nhờ ba viên kim cương – Henriette tiếp – mà có cả ba trăm ngàn écus lẫn người rồi.
– Người à? Người nào?
– Cái người để giết ấy. Cậu quên mất là phải giết một người à?
– Thế cậu đã tìm ra cả người để giết rồi à?
– Chính thế.
– Cũng với giá như thế à? – Marguerite mỉm cười hỏi.
– Với giá như thế thì mình tìm ra cả ngàn rồi – Henriette đáp – Không, không, chỉ cần năm trăm écus thôi.
– Cậu tìm ra một người đồng ý để bị giết với giá năm trăm écus?
– Biết sao được? Thời buổi này cũng phải sống chứ.
– Bạn ạ, mình thật không hiểu cậu nữa đấy. Nói rõ ra xem nào những câu đánh đố chỉ làm mất thì giờ trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay.
– Cậu nghe nhé: viên coi ngục của De Mole và Coconnas là một cựu chiến binh và biết rõ một vết thương là như thế nào. Ông ta rất muốn giúp đỡ các ông bạn của chúng ta nhưng không muốn mất chỗ làm. Chỉ cần đâm một nhát dao cho khéo là ổn cả. Chúng ta sẽ thưởng cho lão còn nhà nước sẽ bồi thường cho lão. Như thế là hắn sẽ ăn cả hai bên.
– Nhưng việc đâm dao ấy…
– Cứ yên tâm. Anibal sẽ đâm.
– Ừ nhỉ – Marguerite vừa cười vừa nói – Chàng ta đã ba lần đâm cả dao lẫn gươm vào người De Mole mà De Mole đâu có chết, có thể hy vọng lắm.
– Đồ ác, mình lại không nói nữa bây giờ.
– Ôi không, mình xin cậu, cứ nói cho mình phần tiếp đi. Chúng mình cứu họ như thế nào?
Thế này nhé: chỗ ngôi nhà thờ nhỏ là nơi duy nhất những người đàn bà không phải tù nhân có thể vào được. Chúng mình sẽ nấp sau bàn thờ, dưới khăn trải bàn thờ, họ sẽ tìm thấy hai con dao găm. Cửa kho giữ đồ thánh sẽ được mở ra từ trước, Coconnas sẽ đâm người coi tù, hắn sẽ ngã xuống giả vờ chết. Khi ấy chúng mình sẽ chui ra, chúng mình sẽ quàng cho mỗi anh chàng một chiếc áo khoác, chúng mình sẽ trốn qua cửa kho giữ đồ thánh, và vì chúng mình có khẩu lệnh nên sẽ ra được không trở ngại gì.
– Thế ra rồi thì sao?
Ở cửa có hai con ngựa, họ lên ngựa và rời khỏi vùng Ile de France này để tới Lorains. Rồi từ đó thỉnh thoảng họ lại cải trang quay về.
– Cậu thật làm mình sống lại đấy. Vậy chắc chúng mình cứu thoát được họ chứ?
– Mình gần như có thể đảm bảo được đấy.
– Thế đã sắp chưa?
– Chúa ơi! Trong ba bốn ngày nữa, Beaulieu sẽ báo cho chúng ta.
– Thế nếu người ta nhận ra cậu trong vùng lân cận Vincennnes thì sao? Điều này có thể hại cho việc của chúng mình.
– Làm sao mà nhận ra mình được. Mình đội mũ trùm nữ tu người ta còn chẳng nhìn thấy mũi mình nữa là.
– Chúng mình cẩn thận quá cũng không thừa mà.
– Mẹ kiếp, như Anibal vẫn nói đấy, mình biết lắm chứ?
– Thế cậu có hỏi gì về vua Navarre không?
– Mình có nhờ.
– Sao?
– Này, hình như ông ta chưa bao giờ vui vẻ đến thế. Ông ta cười, ông ta hát, ông ta đánh chén thịnh soạn và chỉ xin có một điều là được giữ cho chặt.
– Ông ta nói đúng đấy. Thế còn mẹ mình?
– Mình đã bảo rồi, bà ta ra sức thúc đẩy vụ án.
– Ừ nhưng bà ta không nghi ngờ gì hết về phía bọn mình chứ?
– Làm sao mà nghi ngờ được? Mọi kẻ dính vào việc đều phải giữ mồm giữ miệng nếu muốn được lợi. À, mà mình biết bà ta đã truyền cho các quan thành Paris chuẩn bị sẵn sàng.
– Phải hành động nhanh lên Henriette ạ. Nếu các tù nhân của chúng ta bị chuyển ngục thì lại phải làm lại từ đầu đấy.
Cứ yên tâm, mình cũng mong họ chóng được thoát ra như cậu thôi.
– Ôi, mình biết chứ! Ngàn lần cám ơn cậu vì những việc cậu vừa làm.
– Tạm biệt Marguerite nhé, mình lại đi lo liệu công việc đây.
– Cậu có tin chắc vào Beaulieu không?
– Mình mong rằng thế.
– Thế còn người coi ngục?
– Hắn ta đã hứa.
– Còn ngựa thì sao?
– Sẽ có những con hay nhất trong tàu ngựa của quận chúa de Nervers.
– Mình phục cậu đấy Henriette.
Marguerite ôm chầm lấy bạn. Họ hẹn ngày nào cũng gặp lại nhau vào giờ này ở đây rồi chia tay. Chính hai thiếu phụ dễ thương và đầy tận tụy ấy là người mà Coconnas đã gọi một cách rất có lý là những tấm lá chắn vô hình của chàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.