Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

10. Nguồn thông tin 1: Đọc tài liệu học



1. Những hình thức đọc khác nhau

Có nhiều hình thức đọc khác nhau như: xem xét thực đơn nhà hàng, đọc lướt sổ danh bạ để tìm một cái tên, liếc qua cuốn tạp chí trong lúc chờ đến lượt tại phòng khám nha khoa, nuốt lấy mọi từ ngữ của một cuốn truyện trinh thám bán chạy số một (dù khi đọc xong nó, chỉ sau hai ngày là bạn sẽ không nhớ được nhiều ngoài bản phác thảo sơ sài về cốt truyện). “Đọc” cũng là cái nhãn được gán cho quá trình chúng ta bị thu hút khi chúng ta cố hiểu, học hỏi và ghi nhớ tài liệu phức tạp được xuất bản dưới dạng in ấn.

Tất cả những hoạt động trên đều được gọi là đọc, nhưng chúng có mục đích và kết quả rất khác nhau. Nếu là một sinh viên xuất sắc, bạn sẽ hiểu được các hình thức đọc khác nhau và mục đích của chúng. Tất cả đều hợp lý, nhưng không phải lúc nào cũng đều có ích như nhau. Đọc phân tích đến từng chi tiết cuốn danh bạ điện thoại mất rất nhiều thời gian, nhưng nội dung của nó thật sự không cần thiết để đọc đến mức đó. Nội dung của một thực đơn nhà hàng hiếm khi đủ hấp dẫn để đọc như đọc cuốn hồi ký thú vị của một chính trị gia. Đọc lướt qua sách học giống như đọc cuốn danh bạ sẽ không để lại cho bạn nhiều thông tin khi làm bài kiểm tra cuối kỳ.

Đọc lướt là một kỹ năng hữu ích khi xem các kết quả tìm kiếm trong catalog trực tuyến của thư viện. Bạn xem lướt mục lục trong sách học khi muốn tìm một mục đặc biệt. Đối với sinh viên các trường chính quy, 99% việc đọc là đọc chậm, kỹ lưỡng để học. Không nên nhầm lẫn quá trình này với bất kỳ loại hình đọc nào.

2. Mục đích của việc đọc tài liệu học

Đọc tài liệu học là cách đọc chậm nhất và phức tạp nhất trong các cách đọc. Mục đích của nó là tiếp thu và ghi nhớ tài liệu ở nhiều dạng in ấn khác nhau, nhưng thường là dưới dạng sách học.

Bộ não sẽ nắm bắt và ghi nhận rất nhiều dữ liệu khi bạn đọc lướt và xem qua, nhưng mục đích bị giới hạn và những thông tin này thường xuyên chỉ được lưu trữ tạm thời trong trí nhớ ngắn hạn. Chẳng hạn, mắt bạn đọc lướt hàng chục cái tên trong sổ danh bạ và não bạn sẽ ghi nhớ bảy số điện thoại bạn muốn gọi. Nhưng bạn có thường nhớ được những cái tên hoặc số điện thoại đó khoảng 10 phút sau khi bạn thực hiện xong cuộc gọi không? Dữ liệu đó đã biến mất khỏi trí nhớ ngắn hạn của bạn.

Trong khi đọc tài liệu học, bạn cần phải tập trung vào mỗi từ ngữ và ghi nhớ trong não. Bạn cần làm việc với tài liệu theo nhiều cách khác nhau với trọng tâm khác nhau, biến tài liệu đó thành một phần của trí nhớ dài hạn.

Nếu bạn có những kỳ vọng không thực tế về tốc độ đọc và hài lòng với những gì bạn có thể học chính xác từ các cuốn sách học, bạn sẽ rất nhanh nản lòng và đặt chân vào con đường dẫn tới thảm họa thi cử. Đừng hy vọng mình có thể đọc nhanh hơn. Bạn không thể đọc tài liệu học giống như đọc các cuốn tiểu thuyết và sách hướng dẫn. Hãy bắt đầu hiểu đọc tài liệu học một cách hiệu quả là công việc vất vả, chậm rãi và đôi khi thật tẻ nhạt.

Mặt khác, đọc tài liệu học lại là kiểu đọc bạn hài lòng nhất trong tất cả các kiểu đọc. Tất cả các dạng khác đều phục vụ cho một mục đích, nhưng chỉ có đọc tài liệu học làm thay đổi bạn. Bên cạnh lợi ích rõ ràng của việc vượt qua các kỳ thi và đạt điểm cao hơn (bạn sẽ tự tin khi đạt được những kết quả xuất sắc), đừng đánh giá thấp sức mạnh của tri thức được tích lũy qua từng đợt thông tin này đến đợt thông tin khác đã thành của riêng bạn.

3. Đọc nhanh thì sao?

Hãy quên “đọc nhanh” như một giải pháp cho “ngọn núi” sách vở mà bạn có thể phải đối mặt trong trường học và các khóa đào tạo. Hãy tránh xa bất kỳ cuốn sách, khóa học hay giáo viên nào tuyên bố có thể mang đến cho bạn tốc độ đọc hàng nghìn từ trong một phút mà vẫn hiểu hoàn toàn. Hiển nhiên là bạn không thể đọc nhanh hơn 400-500 từ/phút. Một học sinh trung bình chỉ có thể đọc với tốc độ 250-350 từ/phút. Đúng thế! Nếu đọc nhanh hơn thế, bạn không thể đọc lâu, không lĩnh hội được và sẽ thỏa hiệp.

Không có công nghệ “đột phá” nào có thể khắc phục được điều đó. Đừng trở thành kẻ ngốc nghếch và mắc lừa vì những lời tuyên bố đó. Hãy tiết kiệm tiền bạc và thời gian của bạn. Hãy chăm chỉ bắt tay vào công việc đọc tài liệu học.

Nếu bạn thật sự gặp khó khăn trong việc đọc, hãy tìm một chuyên gia. Những khiếm khuyết trong việc đọc, ví dụ như đọc khó, không phải là một rào cản đối với thành công trong nghiên cứu và học tập, nhưng bạn cần được chẩn đoán đúng. Điều trị và đào tạo đúng cách có thể giúp mọi người mở ra cánh cửa tri thức và thành công.

Nếu bạn chỉ là một người đọc sách lười biếng điển hình với những thói quen xấu, bạn có thể sử dụng những kỹ thuật đơn giản để rèn luyện bản thân làm việc hiệu quả hơn.

4. Những phương pháp hoặc hệ thống đọc 

Sử dụng “phương pháp” đọc đáng tin cậy sẽ giúp bạn đọc tài liệu học hiệu quả. Một “hệ thống” đọc thương mại sẽ không làm được như vậy. Các hệ thống đọc này thường chỉ là những khóa học đọc nhanh được tân trang bề ngoài một chút. Nhưng những phản đối tương tự mà tôi bàn luận ở trên vẫn có thể áp dụng được.  

 Phương pháp là cách sử dụng những nguyên tắc cơ bản nào đó để học và ghi nhớ tài liệu từ sách học. Tuy nhiên, những nguyên tắc này nên được điều chỉnh cho phù hợp với sinh viên, các cuốn sách học đặc biệt, với từng môn học và trong nhiều hoàn cảnh. Những người ủng hộ hệ thống đọc hoặc hệ thống đọc nhanh cho rằng bạn có thể áp dụng những quy tắc cứng nhắc của nó vào mọi tình huống đọc để đạt những kết quả đáng kinh ngạc. 

Tôi nhắc lại, không có những lối đi tắt. Nhưng có rất nhiều phương pháp tốt bạn có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả đọc tài liệu học.

5. Những nguyên tắc để đạt hiệu quả tối đa khi đọc tài liệu học

5.1  Vạch ra lộ trình 

Một trong những việc làm tệ nhất của người đọc sách là mở sách ra và đọc chi tiết ngay từ trang đầu tiên mà không chuẩn bị gì. Nó giống như bắt đầu một hành trình dài mà không xem bản đồ để thấy nơi bạn đang đến và những gì bạn có thể chạm trán trên đường đi. Nó cũng giống như cố gắng xây dựng một ngôi nhà mà không có bản thiết kế hay một ý tưởng nào về mong muốn của bạn đối với ngôi nhà đó.

Mục đích của bạn nên là phát triển thói quen “quan sát” hoặc “xem trước” mỗi cuốn sách học và mỗi chương trong cuốn sách đó. Bạn sẽ phát triển kỹ năng thực tế rõ ràng nhưng đặc biệt về việc phác họa một sơ đồ hoặc cái khung chính xác trong đầu trước khi đọc chi tiết.

Bạn còn nhớ bài tập mẫu về ghi nhớ trong Chương 5 không? Bạn sẽ dễ dàng nhớ một danh sách các thông tin nếu bạn biết trước chúng thuộc những nhóm nào. Trí nhớ hoạt động nhờ sự liên tưởng và kết hợp những điều mới mẻ chưa từng biết với các nhân tố đã được lưu trữ sẵn trong trí nhớ dài hạn. Vì vậy, các mốc trong danh sách của bạn càng chi tiết, bạn càng có khả năng lưu trữ tài liệu mới trong quá trình đọc.

Đây là một ví dụ về cách thức quan sát một chương trong sách học và tạo ra một bản đồ chỉ đường giá trị cho vô số tài liệu bạn gặp sau này. Nguyên tắc đơn lẻ quan trọng nhất trong quan sát là tận dụng được nhiều manh mối, gợi ý và những móc nối ký ức bạn đã có từ trước, nhưng chúng thường được che đậy dưới lớp vỏ không hợp lý hoặc vô dụng. Chúng vô cùng hữu ích.

• Bước 1: Đọc đề mục và suy nghĩ về những điều sắp được nói tới trong chương sách. Bước đầu tiên này thường bị bỏ qua. Đây là kỹ thuật để khơi lại kiến thức đã có từ trước.

• Bước 2: Xem mục lục. Nếu có một bản tóm lược các chương sách hoặc bản phác thảo những ý chính, hãy đọc kỹ và dành ra 30 giây suy nghĩ về những gì bạn vừa đọc và thấm nhuần nó.

• Bước 3: Nếu có một bản tóm lược hoặc một phác thảo tại đầu hoặc cuối chương sách, hãy lặp lại bước 2.

• Bước 4: Nếu có những câu hỏi ôn tập hoặc bàn luận, hãy đọc chúng. Hãy coi chúng như những gợi ý về điều mà tác giả cho là quan trọng trong chương. Tại sao lại lãng phí thời gian tìm kiếm khi một ai đó có thể bảo cho bạn biết? Học tập cần phải chăm chỉ; đó là cách học của bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua khi người khác giúp đỡ bạn.

• Bước 5: Hãy đọc phần giới thiệu và phần kết luận hoặc đoạn văn mở đầu. Trong đó thường có những tóm lược về nội dung và phần quan trọng.

• Bước 6: Hãy đọc toàn bộ các tiêu đề lớn. Hãy suy nghĩ về cách cấu thành chương sách và những đoạn kiến thức cơ bản.

• Bước 7: Đọc tất cả những tiêu đề nhỏ và đầu đề nhỏ. Chúng cho biết những phạm vi quan trọng của môn học trong một tiêu đề lớn.

• Bước 8: Hãy đọc dòng đầu tiên của mỗi đoạn văn. Đây thường là câu chủ đề và gợi ý tốt nhất về nội dung của đoạn văn.

• Bước 9: Hãy nghiên cứu những hình minh họa, bức tranh, biểu đồ, sơ đồ và những hình tương tự. Hãy đọc kỹ lời chú thích. Mục đích của bạn là hiểu được nội dung các hình minh họa và sự phù hợp của chúng với cấu trúc của chương. Đừng ngạc nhiên nếu sau khi thực hiện từ bước 1 đến bước 8, bạn thật sự hiểu được một chút các hình minh họa.

• Bước 10: Bước này rất quan trọng. Nếu bỏ qua nó, bạn sẽ lãng phí hầu hết thời gian quan sát. Dành ra 60-90 giây để ôn lại và nhắc lại các ý chính của chương và những tài liệu quan trọng trong chương đó. Tốt nhất là bạn nên ôn lại bằng cách viết ra. Hãy viết ra càng nhanh càng tốt, sử dụng những từ và cụm từ khóa. Không cần phải trình bày ngay ngắn hoặc viết đầy đủ câu. Mục đích ở đây không phải là những ghi chép để giữ lâu. Điều bạn muốn làm nhằm củng cố cái khung trước khi tiếp tục đọc chi tiết. Hãy thực hiện việc này. Nó rất quan trọng.

Toàn bộ quá trình này không nên mất quá 5-15 phút (phụ thuộc vào độ dài của chương). Nhưng trong khoảng thời gian đó, bạn thật sự tiếp thu và ghi nhớ từ 50-60% thông tin quan trọng của chương – chỉ nên sử dụng mẫu sách học điển hình có lợi cho bạn.

Hãy thực hành ngay kỹ thuật này với một cuốn sách nào đó của Nhà xuất bản Sel – Counsel. 

5.2 Sử dụng một phương pháp linh hoạt

Trong 10 bước ở trên, tôi đã mô tả cho bạn một ví dụ về một phương pháp hữu ích có thể sử dụng những nguyên tắc xem trước, nhưng không phải là một hệ thống cứng nhắc. Bạn cần phải linh hoạt khi áp dụng phương pháp của mình để điều chỉnh cho phù hợp với cấu trúc của từng cuốn sách học khác.

Bạn thậm chí có thể điều chỉnh phương pháp này cho phù hợp với những mục đích khác nhau. Ví dụ, hãy sử dụng những ý tưởng này để xem trước toàn bộ các cuốn sách và xác định ích lợi của chúng cho bài thi học kỳ của mình.

5.3 Hãy thận trọng: Làm đúng ngay từ lần đầu tiên

Đọc sách học đòi hỏi mức độ chú tâm và tập trung cao độ. Điều này cũng áp dụng cho việc quan sát và xem trước. Đừng cố làm gì khi bạn chưa ở trong trạng thái tư duy đúng (tức là đã có sự tự chuẩn bị) để làm việc chăm chỉ. Một sinh viên nghiêm túc sẽ không đọc sách một cách bị động. Đó là sự lãng phí thời gian. Hãy cam kết mỗi buổi đọc đều năng suất và hiệu quả. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian nếu làm đúng ngay từ lần đầu tiên.

5.4 Chủ động

Thông tin trong cuốn sách này sẽ không tự đến với bạn. Bạn phải đi và thu nhặt lấy nó. 

Đọc tài liệu học tốt là đọc chủ động, không bị động. Bạn không thể đơn giản lướt mắt qua các từ và hy vọng học được một điều gì đó. Trách nhiệm học tập là của bạn. Hãy lấy kiến thức và thông tin có trong các tài liệu viết tay và biến nó thành của bạn. Điều đó đòi hỏi bạn phải làm việc chăm chỉ và chủ động.

Có nhiều kỹ thuật để bạn bắt đầu đọc trong trạng thái tỉnh táo, chủ động và duy trì trạng thái đó suốt quá trình đọc. Sau đây là ba cách dễ nhất và tốt nhất.

5.4a Khơi lại kiến thức có từ trước

Mỗi khi bạn ngồi xuống đọc sách, bạn phải mất một lúc để ôn lại những gì đã biết. Đây là cách hâm nóng trí nhớ và khơi lại càng nhiều “những móc ký ức” càng tốt để treo thông tin mới lên đó.

Quan sát hoặc xem trước một cuốn sách hoặc một chương sách là cách khơi lại kiến thức có từ trước. Thực hiện bài tập này trước mỗi lần đọc sẽ cung cấp một dàn bài tốt cho tài liệu bạn muốn giữ lại và lưu trữ trong trí nhớ dài hạn.

Đây là một trong những bước nhỏ có vẻ phiền toái nhất và dễ bị bỏ qua khi năng lượng của bạn ở mức thấp, hoặc khi bạn đang bị áp lực bởi thời gian và nỗi lo lắng lúc đọc nghiêm túc. Hãy cố gắng đừng bỏ qua, vì ảnh hưởng tích lũy của những “bước nhỏ” này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa việc chỉ đủ điểm vượt qua kỳ thi với việc đạt được điểm A.

5.4b Câu hỏi và kết luận

Một trong những phương pháp tốt nhất để duy trì tính chủ động khi bạn đang đọc chính là phát triển thói quen đặt câu hỏi và rút ra những kết luận. Càng đặt ra nhiều câu hỏi về bài đọc, bạn càng tìm được nhiều câu trả lời. Đó là đặc tính riêng của trí nhớ, nó khiến bạn thường có khuynh hướng nhớ các câu trả lời cho câu hỏi do bạn tự đặt ra hơn là nhớ lại thông tin tự đến với bạn. Câu trả lời cho câu hỏi của bạn là điều gì đó do bạn tìm ra. Điều này tạo ra sự khác biệt.

Có một ảnh hưởng tương tự đối với việc tạo ra kết luận khi bạn đọc tiếp. Hãy quyết định về ý nghĩ của những điều này và thử lại với các thông tin tiếp theo trong chương. Thông tin có khuynh hướng chấp nhận một trong hai đặc tính. Hoặc nó chứng minh bạn sai và buộc bạn thay đổi kết luận của mình, hoặc nó ủng hộ những điều bạn tin tưởng ngay từ đầu. Cả hai tình huống đều có nghĩa thông tin không còn là dữ liệu trung lập để ghi nhớ nữa. Thay vào đó, nó sẽ biến đổi thành nhiều bằng chứng hơn cho quan điểm của bạn hoặc cho sự mâu thuẫn bắt buộc bạn phải suy nghĩ lại mọi thứ.

5.4c Dự đoán 

Hãy cố dự đoán thông tin tiếp theo và mối liên hệ của nó với những gì bạn vừa đọc. Giống như đặt câu hỏi và rút ra kết luận, việc dự đoán sẽ thay đổi bản chất của bài đọc tiếp theo từ một dữ liệu trung lập thành một câu trả lời cho thách thức mà bạn đặt ra cho chính mình.

5.5 Thay đổi tốc độ để phù hợp với mục đích

Thông thường, bạn hay đọc mọi thứ với tốc độ chậm rãi để có thể tiếp thu từng từ. Nhưng đừng lo lắng khi phải thay đổi tốc độ thông thường đó nếu tình huống bắt buộc. Đôi khi có thể chấp nhận được việc bạn đọc lướt, xem lướt và bỏ qua tài liệu nếu bạn đã quyết định làm việc này dựa trên những nguyên do hợp lý.

Nhưng sẽ không phải là một quyết định hay nếu bạn định đọc nhanh qua một đoạn vì mắt đã mỏi, bạn không thể tập trung, tài liệu tẻ nhạt hoặc chữ in quá nhỏ.

5.6 Biến tài liệu thành một phần kiến thức của bạn

Biến tài liệu thành một phần kiến thức của bạn là một kết luận logic và đáng mơ ước của quá trình đọc chủ động. Nếu bạn chủ động trước, trong và sau khi đọc, những gì bạn đọc sẽ trở thành một phần kiến thức của bạn và vì vậy, bạn có thể nhớ lại khi làm bài thi. 

Không có cách nào tốt hơn để biến thông tin thành một phần kiến thức của bạn ngoài việc ghi chép lại những gì đã đọc. Nó phải trở thành một phần của việc đọc tài liệu học, cũng như cử động mắt và suy nghĩ. 

Hãy chú ý đến cụm từ “ghi chép” chứ không phải “ghi chú”. Đó là sự phân biệt quan trọng. “Ghi chú” là một hoạt động bị động. Bạn đơn thuần chỉ ghi lại dữ liệu để học sau và việc học tập bị hoãn lại. Khi “ghi chép”, bạn chủ động tạo ra thứ gì đó của riêng mình và ngay lập tức áp dụng vào việc học.

Ghi chép tốt là KHÔNG:

• đơn giản chép lại đoạn văn;

• đơn thuần đánh dấu bằng bút nhớ các đoạn để học sau;

• chỉ gạch chân các từ mà không suy nghĩ;

• viết nguệch ngoạc mà không suy nghĩ.

• Ghi chép tốt bao gồm:

• suy nghĩ về tài liệu trước khi ghi lại bất kỳ điều gì;

• viết những đoạn văn ngắn cô đọng bằng ngôn từ của riêng bạn;

• viết những từ khóa vào lề sách;

• gạch chân hoặc đánh dấu bằng bút nhớ những từ khóa (không hơn);

• vẽ biểu đồ hoặc đồ thị đơn giản do bạn tự nghĩ ra.

• Khi đọc, hãy suy nghĩ về những từ ngữ và quyết định:

• ghi chép những gì;

• lờ đi điều gì, xóa đi điều gì;

• ghi chép như thế nào;

• những từ khóa hoặc những biểu tượng hoặc cách ghi tốc ký bạn sẽ sử dụng;

• bạn sẽ làm gì để các ghi chép dễ nhớ;

• cách ghi chép này liên quan tới những ghi chép và bài đọc khác của bạn như thế nào.

Tất cả suy nghĩ và quyết định này tăng cường cho việc học tập ở bất cứ cấp độ nào bạn đã đạt được trước đây vì nó biến tài liệu thành một phần kiến thức của bạn.

Bạn cũng cần tự nhủ rằng mình đang dần dần học tập. Điều đó xảy ra mỗi khi bạn chú tâm và tập trung cao độ. Đừng coi việc đọc và ghi chép như những hoạt động chuẩn bị, vì bạn sẽ học tập thật sự sau đó. Nếu bạn thuyết phục bản thân rằng BÂY GIỜ là thời gian học thì mọi việc sẽ xảy ra đúng như thế. Việc đó sẽ không xảy ra sau này khi bạn đang chuẩn bị cho bài kiểm tra. “Sau này” là dành để ôn tập, nhắc lại và luyện tập tạo thông tin đầu ra. Hãy luôn giữ thái độ này và bạn sẽ ngạc nhiên trước sự tiến bộ trong học tập – dù thời gian thật sự cần thiết ngắn đến mức nào.

5.7 Kiểm tra môi trường vật chất

Hãy chắc chắn là bạn đang làm theo các yêu cầu được đánh dấu bằng bút nhớ về những điều kiện học tập tốt đã đặt ra trong Chương 4. Ánh sáng yếu hay lập lòe và không có những nguồn sáng thay thế là những nguyên nhân phổ biến gây ra mỏi mắt và tật ngủ gật. Sự chú trọng tới ánh sáng phù hợp có thể gia tăng khả năng đọc sách trong thời gian dài và chất lượng học tập của bạn lên rất nhiều.

Nếu không khí nơi bạn đọc nóng hoặc quá ngột ngạt, bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề về khả năng tập trung. Hãy làm theo những đề nghị trong Chương 4 về nhiệt độ không khí và sự thông thoáng thích hợp.

5.8 Loại bỏ triệu chứng đảo mắt

Đảo mắt là một trong những vấn đề máy móc chính đối với tốc độ đọc có thể được giải quyết một cách đơn giản và dễ dàng, nhưng đòi hỏi kỷ luật cao. Bạn sẽ bị đẩy ra khỏi vùng thoải mái.

Nếu bạn tin tốc độ đọc của mình chậm hơn bình thường, hãy dành vài phút phân tích cách đọc của bạn. Cố gắng nhận biết những nguồn phân tán sự chú ý, làm mất tập trung (tâm trí suy nghĩ vẩn vơ) và nơi mắt bạn dõi theo. Nếu bạn quan sát thấy mình thường đọc lại các dòng nhiều lần và mắt có khuynh hướng lơ đãng lướt qua trang giấy, khiến bạn luôn phải đọc lại, bạn đang gặp phải vấn đề “mắt nhìn lơ đãng”. Nó là nguyên nhân gây ra hầu hết những thói quen lười đọc, cuối cùng ăn sâu vào tiềm thức đến nỗi vấn đề đó xảy ra ngay cả khi bạn đang tập trung.

Thật may, có những kỹ thuật dễ dàng sử dụng để rèn luyện đôi mắt, giúp bạn luôn chú ý vào bài đọc trước mặt và tránh phải lần tìm lại trang trước. Kỹ thuật phổ biến nhất là chỉ đơn giản sử dụng ngón tay, bút hoặc bút chì như “công cụ chỉ dẫn”. Hãy dùng công cụ chỉ dẫn đã chọn để gạch chân dòng hoặc đoạn văn. Mắt buộc phải đọc đoạn văn ngay phía trên nét gạch đó. Bạn nên bắt đầu thực hiện việc này với một công cụ chỉ dẫn dễ nếu không muốn nản lòng ngay từ lúc bắt đầu và bỏ cuộc. Thậm chí ngay trong sự chỉ dẫn chậm này, bạn vẫn sẽ có cảm giác không chống lại được rằng mình đang bỏ sót thứ gì đó. Bạn sẽ có cảm giác không thoải mái khi cưỡng lại thôi thúc của bản thân muốn lần tìm ngược lại. Hãy cố gắng chống lại.

Bạn có thể hoàn thành việc tương tự nhờ sử dụng thước kẻ hoặc thẻ công thức. Có hai cách để sử dụng một thiết bị hướng dẫn đọc. Bạn có thể giữ tấm thẻ ngay phía trên dòng chữ của đoạn văn bạn đang đọc, và sau đó trượt nó đi hết dòng chữ ngay khi bạn đọc xong. Bạn cũng có thể giữ cạnh của thước kẻ hoặc tấm thẻ ngay dưới dòng bạn đang đọc. Khi đọc xong dòng đó, hãy trượt tấm thẻ để nó nằm phía dưới chân dòng tiếp theo của đoạn văn. Trong cả hai trường hợp, hãy buộc bản thân bạn chỉ đọc nội dung phía dưới hoặc phía trên cạnh của thước.

Một khi bạn đạt đến mức độ thoải mái vừa phải với kỹ thuật này, bạn có thể chuyển sang đọc như thế này với tốc độ nhanh hơn. Bạn không bắt buộc phải làm việc này. Thường thì chỉ cần hành động sử dụng công cụ chỉ dẫn để khắc phục việc lần tìm ngược lại cũng đủ giữ bạn chú tâm vào bài đọc. Nếu bạn muốn tiến xa hơn, hãy sử dụng phương pháp ưa thích của bạn để đưa bản thân vượt ra khỏi những gì mang đến cho bạn cảm giác thoải mái. Hãy di chuyển bút chì hoặc tấm thẻ nhanh hơn ý muốn của bạn một chút để đọc từng chữ một. Đừng quá nhanh, chỉ cần đủ nhanh để bạn cảm nhận cùng mức độ kém thoải mái như khi bạn bắt đầu bước đầu tiên. 

5.9 Cân nhắc thời gian học tập

Thời gian là một nhân tố quan trọng cần cân nhắc khi phóng đại hiệu quả việc đọc tài liệu học của bạn. Khía cạnh đầu tiên là nhận thức được chu kỳ tỉnh táo tự nhiên của bạn và ảnh hưởng của nó khi bạn đọc một cách nhiệt tình nhất. Như tôi đã nói trong Chương 9, bạn nên thử lập thời gian biểu cho các quá trình đọc tài liệu học khi bạn đang tỉnh táo nhất. Đừng ép buộc bản thân tập trung đọc trong những buổi đọc kéo dài vào các thời điểm bạn không thể đạt hiệu quả cao. Điều đó sẽ phản tác dụng.

Một khía cạnh rõ ràng khác khi đọc tài liệu học chính là thời lượng thích hợp cho mỗi lần đọc. Như tôi đã bàn luận trong các chương khác, thời lượng lý tưởng là từ 30-45 phút tập trung. Nếu ít hơn khoảng đó thì quá ngắn, còn dài hơn sẽ kém hiệu quả. Nên nhớ, bạn mong muốn tạo được nhiều khởi đầu và kết thúc trong thời gian học tập của mình, nên nhiều quá trình kéo dài ít hơn một tiếng sẽ tốt hơn một quá trình dài ba tiếng đồng hồ.

5.10 Củng cố

Hãy ôn lại, ôn lại và ôn lại. Hãy thực hành khơi lại kiến thức mới. Mọi quá trình đọc nên bắt đầu bằng việc ôn tập lại những gì bạn tiếp thu được từ lần trước. Hãy quan sát chương trước, đọc những ghi chép của bạn. Đây là bài tập khơi lại và cũng là sự trợ giúp bạn củng cố kiến thức.

Kết thúc mỗi quá trình đọc bằng một bài ôn tập nhanh điều bạn vừa hoàn thành. Việc này không mất nhiều thời gian, nhưng bạn cần phải làm. Đó là một cách thức rất đơn giản và thật sự có hiệu quả cao nhằm củng cố thông tin trong trí nhớ dài hạn.

Khi bạn đọc xong chương này, hãy thực hành ngay! Nghiên cứu việc sử dụng kỹ thuật mà tôi đã đề nghị. Hãy lập một bản phác thảo ngắn gồm những ý chính. Hãy ôn lại chúng và đọc to lên. Nếu cho đến lúc này, bạn vẫn đọc cuốn sách này một cách bị động thì bạn phải nên chủ động ở một vài điểm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.