Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan
14. Bài luận
Chương này nói về những chiến thuật giúp bạn bắt đầu, xây dựng và kết thúc bài luận đúng hạn. Đây không phải là một chương bàn về cách viết văn. Nếu muốn học kiểu hướng dẫn đó, bạn nên tham gia một khóa học viết văn, mua một cuốn sách dạy viết văn, tìm một gia sư hoặc một giáo viên luyện viết văn.
Nếu bạn muốn cải thiện chất lượng bài văn của mình, các khóa học và mọi cuốn sách sẽ tập trung vào ba hoạt động chính:
1. Đọc nhiều bài văn hay.
2. Suy nghĩ chủ động. Hãy thử thách tư duy của bạn với những ý tưởng mới.
3. Viết! Hãy viết và viết thật nhiều. Hãy luyện tập kỹ năng bạn muốn phát triển.
1. Bài luận là gì?
Mục đích của một bài luận là gì? Giáo viên đang tìm kiếm điều gì khi bạn nộp bài luận của mình? Câu trả lời sẽ rất đa dạng đối với giáo viên, nhưng tất cả đều có những yếu tố chính giống nhau.
Mỗi bài luận là một dự án sáng tạo, độc lập và tổng quát. Thành phẩm cuối cùng sẽ cho thấy mức độ bạn phải tập trung quan sát, sắp xếp chứng cứ để bảo vệ các lập luận bạn đưa ra, tổ chức các lập luận đó một cách mạch lạc và trình bày theo lối văn phong diễn giải rõ ràng. Vậy đó, không đơn giản sao?
Với tất cả các yếu tố này, mỗi bài luận là một đấu trường tuyệt vời. Nó kiểm tra khả năng đọc, suy nghĩ, khả năng tự tổ chức và thu thập thông tin của bạn. Nó buộc bạn phải làm việc chi tiết với một phong cách vững vàng cùng sự tập trung vào một mục tiêu lớn. Giáo viên bắt đầu nhận thấy nhiều điều về bài luận và về bản thân bạn.
2. Ba bí quyết để viết bài luận thành công
2.1 Bắt đầu sớm
Sai lầm lớn nhất khi viết bài luận là cho rằng không có gì liên quan tới khả năng viết tồi hay nghiên cứu sai. Nếu bắt đầu lên kế hoạch quá muộn thì sẽ không thể làm được một công việc thích hợp. Như bạn sẽ thấy trong mục 3 dưới đây, để tạo ra được sản phẩm mà bạn có thể tự hào thì phải tiến hành rất nhiều giai đoạn. Nếu bạn làm theo kế hoạch và tự gia hạn cho mình một khoảng thời gian hợp lý cho từng bước, bạn gần như đảm bảo sẽ viết được bài luận hay nhất trong khả năng của mình.
Đừng từ bỏ các cơ hội đạt điểm cao và một trải nghiệm học tập tuyệt vời với một bài tập được bạn điều khiển khéo léo.
Bạn dễ dàng rơi vào cái bẫy của sự trì hoãn viết bài luận. Một công việc lớn như thế dễ làm bạn nản chí, bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Hơn nữa, thời hạn thường là trong nhiều tuần – thậm chí có thể trong nhiều tháng nữa, nên bạn không thấy gấp rút phải ưu tiên việc đó.
Điều đầu tiên trong quy tắc viết bài luận là hãy luôn bắt đầu viết ngay từ ngày ra đề. Đây là quy tắc bất di bất dịch, ngay cả khi bạn học bài luận đó trong buổi đầu tiên của khóa học và không phải nộp bài đó đến tận ngày cuối cùng. Hãy bắt đầu NGAY TỪ BÂY GIỜ!
2.2 Phân chia và chinh phục
Bài luận là áp dụng cách phân chia và chinh phục tối cao. Viễn cảnh phải hoàn thành một bài viết dài từ 10-20 trang thật đáng sợ. Giáo viên hy vọng thấy được một bài luận có lập luận thuyết phục, dẫn chứng đầy đủ, cấu trúc cân đối. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một bài luận đáng gờm.
Giải pháp ở đây là chia công việc thành nhiều phần việc nhỏ hơn để bạn có thể dễ dàng bắt đầu, dễ quản lý và phù hợp với mục tiêu cuối cùng (xem nguyên tắc 7 trong Chương 7). Phần 3 dưới đây chỉ cho bạn những bước cơ bản khi viết bài luận, nhưng bạn có thể tự do tách từng bước thành những bước nhỏ hơn nếu thấy cần.
2.3 Thời điểm viết lại
Hãy luôn dành đủ thời gian để sửa chữa và xem lại. Chiến thuật tốt nhất là khẩn trương viết một bản nháp đầu tiên. Hãy bỏ quên bản nháp trong vài ngày, sau đó chăm chỉ viết lại. Bạn phải chắc chắn lên kế hoạch làm quen với phương pháp này. Nó có thể nhanh chóng cải thiện điểm số cuối cùng của bạn.
3. Các giai đoạn xây dựng một bài luận
3.1 Hiểu rõ kế hoạch
Bạn phải đảm bảo hiểu được những thông tin cơ bản của kế hoạch. Hạn nộp là bao giờ? Bài luận dự định dài khoảng bao nhiêu (số từ hoặc trang)? Những chủ đề nào phù hợp? Có thể linh hoạt thay đổi chủ đề không? Bạn có thể “trình bày lại” chủ đề không? Các quy định về việc nộp bài muộn và những gia hạn thêm như thế nào?
3.2 Tập trung vào chủ đề
Việc này thường được hiểu là tạo ra câu luận điểm. Một số người mới bắt đầu viết luận thường gặp khó khăn với khái niệm này, kết quả là họ rất khó có thể phát triển một bài luận có trọng tâm. Điều này đòi hỏi bạn phải luyện tập, giống với việc đi xe đạp: một khi bạn đã thông thạo, bạn sẽ không bao giờ quên. Ban đầu, cách tiếp cận tốt nhất là định hình luận điểm của bạn bằng một quá trình thu hẹp từ từ. Cuối cùng, bạn sẽ bỏ qua nhiều bước trung gian hoặc có thể nhanh chóng thực hiện các bước đó.
Hãy bắt đầu với một chủ đề chung.
Shakespeare
Bạn không thể bao quát chủ đề này chỉ trong 10-20 trang. Bạn cần thu hẹp phạm vi. Hãy chọn một lĩnh vực của Shakespeare.
Các vở kịch của Shakespeare
Điều đó vẫn chưa thật rõ ràng. Hãy thử giới hạn một trong các vở kịch của ông.
Những vở kịch lịch sử của Shakespeare
Điều này vẫn còn quá rộng. Bạn sẽ nói về vở kịch lịch sử nào?
Vòng quay ‘’Henry” của Henry IV Phần 1, Henry IV Phần 2 và Henry V
OK, bạn có thể quản lý được. Thế vòng quay ’’Henry” là thế nào?
Ba vở kịch lịch sử, Henry IV Phần 1, Henry IV Phần 2 và Henry V không thật sự có ‘’tính lịch sử”. Chúng phản ánh tình hình chính trị thời Shakespeare nhiều hơn là phản ánh lịch sử thời đại của chúng.
Vẫn còn nhiều hướng bạn có thể chọn cho bài luận của mình với một câu chủ đề. Bạn có thể biến nó thành luận đề chính và mục đích của bài luận là dùng luận chứng để chứng minh cho luận đề đó. Hoặc bạn có thể coi câu chủ đề là xuất phát điểm, nhưng trọng tâm bài luận phải thảo luận về lý do Shakespeare viết các vở kịch theo hướng này. Có chủ ý hay vô tình? Bạn có thể phát triển luận đề đi xa hơn nếu đặt ra những câu hỏi ’’vậy thì sao” về luận điểm của mình.
Điều này khiến Shakespeare không phải là một nguồn tài liệu lịch sử đáng tin cậy.
hoặc
Điều này mang đến cho chúng ta những hiểu biết phong phú ‘’được ngụy trang” dưới những tư tưởng chính trị và sự nhạy cảm của thời đại Shakespeare sống.
Nên nhớ, chìa khóa giúp bạn tập trung vào chủ đề của mình là tiếp tục thu hẹp chủ đề bằng cách giảm bớt phạm vi của nó (ví dụ, từ tất cả các vở kịch của Shakespeare giảm xuống còn hai đến ba vở kịch lịch sử) và đặt ra những câu hỏi có thể giúp phát triển luận điểm (ví dụ: ‘’Thế còn về chuyện đó?”, ‘’Tầm quan trọng của việc đó?” hoặc ‘’Vậy thì sao?”).
3.3 Vận dụng trí não
Ở bước này, mục tiêu của bạn là đọc bình thường nếu cần thiết, sau đó hình thành một vài ý tưởng. Hãy lên kế hoạch để có ít nhất hai lần vận dụng trí não. Dành ít nhất 30 phút để viết ra tất cả những gì bạn nghĩ về luận điểm của mình. Đừng tự sửa chữa.
Bạn có thể quay lại bước 2 để sàng lọc kỹ hơn nếu thấy cần.
3.4 Thu thập thông tin – nghiên cứu
Hãy nghiên cứu và thu thập thông tin. Bạn nên học cách sử dụng các phương tiện nghiên cứu mới, chẳng hạn như những cuốn catalog được vi tính hóa trong nhiều thư viện hay tiếp cận qua Internet tới nhiều thư viện khác trên thế giới.
Bạn nên biết khi nào cần dừng lại. Nếu luận điểm gốc cho biết cần phải dùng bao nhiêu nguồn thông tin, hãy lưu ý đến chỉ dẫn đó. Đừng đi quá xa. Nếu bạn không chắc mình đã thu thập đủ luận chứng cho khuôn khổ của bài luận, hãy hỏi giáo viên của mình. Dù vậy, bạn nên nghiên cứu trước khi hỏi. Các giáo viên sẵn sàng giúp đỡ bạn nếu họ biết bạn đã cố gắng làm việc và tự tìm ra câu trả lời.
Một vài bài luận trong các lớp văn sẽ kìm hãm bạn sử dụng các nguồn thông tin phụ. Điều này có nghĩa là tất cả nghiên cứu của bạn sẽ tập trung vào cách hiểu một bài thơ, một vở kịch hoặc một tiểu thuyết đáng được bạn xem xét. Đừng cố đánh lừa giáo viên bằng cách nhận ý tưởng của người khác là của mình – họ sẽ biết.
Nếu bạn thấy mình có nhiều sách, bài viết và chương cần phải đọc để đánh giá dù chúng có ích hay không, nên sử dụng kỹ thuật đọc, kiểm tra trước đã được bàn luận trong Chương 10. Nó sẽ giúp bạn đánh giá rất nhanh. Bạn vẫn có thể sử dụng kỹ thuật thu thập hầu hết các thông tin trong thời gian ngắn nhất.
Hãy ghi chép trong khi tiến hành. Điều quan trọng là bạn phải ghi lại những nguồn thông tin và nguồn gốc ý tưởng của người khác. Để đảm bảo bạn không vô tình ăn cắp sản phẩm của người khác, bạn nên ghi chép chi tiết mọi nguồn thông tin. Bạn nên ghi lại toàn bộ chi tiết về tác phẩm: tác giả, nhan đề chính xác, thông tin xuất bản và số trang.
Đừng quên ghi chép những ý tưởng của riêng mình. Càng nghiên cứu sâu, bạn sẽ càng nhận thấy não bộ đang tổng hợp những gì bạn đọc và phát triển thành những diễn giải, kết luận và những mối liên kết của chúng. Bạn nên chăm chỉ ghi lại những điều này như thể chúng được rút ra từ một cuốn sách.
Chuẩn mực cho ghi chép của bạn sẽ tùy thuộc vào cách bạn ưa thích. Bạn có thể tổ chức chúng thành những khối lớn hợp lý hoặc các thẻ công thức nhỏ. Dù bạn chọn cách nào, hãy nhớ làm đúng từ lần đầu tiên. Hãy ghi chép tất cả những nguồn thông tin phù hợp, ghi lại chính xác và đầy đủ những trích dẫn và đừng quên viết sao cho dễ đọc. Hãy nghĩ đến thời gian sẽ bị lãng phí nếu phải tìm lại mọi thông tin chỉ vì lần đầu bạn đã lười biếng và cẩu thả.
3.5 Sắp xếp tài liệu phác thảo đề cương
Hãy sắp xếp tài liệu dưới dạng đề cương. Lựa chọn các thông tin, sự việc, chi tiết và trích dẫn phù hợp với chủ đề và loại bỏ phần thừa.
“Phù hợp” là khái niệm chính; hãy cẩn thận trước sự khác biệt quan trọng giữa “không phù hợp” với “trái ngược”. Đừng loại bỏ những gì quan trọng: phù hợp, nhưng ngược lại với quan điểm của bạn. Bạn nên sử dụng nó, thích ứng với nó, thừa nhận mặt khác của luận điểm. Nếu bạn bỏ qua sự đối lập, bài luận “sẽ yếu” đi.
Bạn nên viết đề cương dưới dạng gạch ý. Viết càng chi tiết càng tốt. Tổ chức tài liệu của bạn dựa theo cấu trúc cơ bản của một bài luận lý tưởng (xem mục 4 dưới đây).
Hãy dành nhiều thời gian cho việc này. Nó xứng đáng với nỗ lực bạn bỏ ra. Tốt nhất là cứ mỗi bốn đến năm trang của bài luận hoàn chỉnh, bạn nên tạo ra một trang đề cương. Chẳng hạn, nếu bài luận hoàn chỉnh dự tính 20 trang, đề cương nên từ bốn đến năm trang. Bạn dần dần tạo ra nó. Bạn nên bắt đầu với một trang, gồm có mở bài, các chủ đề chính trong thân bài và phần kết luận. Sau đó, bạn thêm vào đề cương những tiêu đề nhỏ và các mục nhỏ hơn cùng với các luận chứng chính.
3.6 Viết bản nháp đầu tiên
Viết nhanh bản nháp đầu tiên. Đừng bận tâm tới cách diễn giải văn chương bóng bẩy.
Hãy tiếp tục với bản đề cương, coi nó như một bản đồ chỉ đường dẫn dắt bạn. Nó cũng sẽ ngăn bạn không trì hoãn trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn này, bài luận sẽ chỉ là bản nháp. Đừng lo lắng về điều đó, đó là một phần của quá trình.
3.7 Không làm gì – cứ bỏ lại
Hãy để bài luận sang bên trong một lúc. Đây là một trong những việc khó khăn khi viết luận, nhưng có giá trị nhất. Bạn có nhiều khả năng để thay đổi mục tiêu hơn nếu bạn cho mình một khoảng thời gian ngừng nghỉ trongvài ngày.
3.8 Xem và sửa lại
Hãy xem lại và sửa bài luận của mình. Bạn phải rất cẩn thận khi thực hiện công đoạn này. Bạn sẽ bị lôi cuốn ngay vào việc bắt đầu viết lại những đoạn văn tồi tệ. Bạn phải nghiêm túc với bản thân. Nên đọc qua toàn bộ bài nháp đầu tiên, chỉ xem cấu trúc và luận chứng.
Hãy tỉnh táo. Đừng lo lắng khi bạn phải tổ chức lại tài liệu và bỏ đi tất cả các phần. Các chương trình soạn thảo văn bản giúp bạn dễ dàng sắp xếp lại tài liệu và trình bày các đoạn mới.
3.9 Viết bản nháp thứ hai
Bây giờ, bạn đang sẵn sàng cho giai đoạn viết lại thật sự. Lần này, hãy viết chậm và cẩn thận hơn. Hãy cân nhắc chọn lựa từ ngữ, tránh lạm dụng các biệt ngữ và từ ngữ khoa trương. Bạn nên đa dạng hóa cấu trúc câu. Tận dụng càng nhiều ý tưởng và tài liệu càng tốt, nhưng hãy tiết kiệm từ ngữ. Áp dụng lối viết rập khuôn: nếu nghi ngờ, hãy bỏ đi.
3.10 “Đánh bóng” những vấn đề nhỏ!
Hãy đếm lỗi chính tả! Bạn không thể bào chữa cho những lỗi chính tả trước sự gia tăng của hệ thống soát lỗi trong các chương trình soạn thảo văn bản. Nhưng hãy thận trọng với các hệ thống soát lỗi chính tả: các từ điển có sức chứa rất giới hạn và không thể chứa nhiều từ chuyên ngành về học tập; bạn vẫn cần sử dụng một cuốn từ điển để tra nhiều từ. Hãy dùng các hệ thống soát lỗi chính tả như một xuất phát điểm và chỉ dẫn để nhắc nhở bạn rằng chính tả rất quan trọng.
Hãy chắc chắn rằng bạn đang sử dụng khung chuẩn riêng của người hướng dẫn (ví dụ, các lề và đề mục). Bạn cũng nên đảm bảo dùng đúng chuẩn văn bản (ví dụ, các chú thích cuối trang và thư mục học). Nếu một khung chuẩn hiển nhiên được dành riêng cho công việc bạn được giao, hãy dùng nó và không sử dụng một khung chuẩn nào khác. Bạn sẽ mất điểm nếu dùng một khung chuẩn khác để tham khảo chỉ vì bạn không thích khung chuẩn được yêu cầu.
4. Thế nào là một bài luận lý tưởng?
4.1 Cấu trúc
Để viết một bài luận thật chặt chẽ và trình bày nó thành một luận điểm hợp lý với sự hỗ trợ của các luận chứng, bạn phải rất thận trọng cân nhắc tới cấu trúc của bài. Bạn không thể chỉ ném tất cả những sự kiện và nghiên cứu thành một mớ và trông mong sức nặng tuyệt đối của tài liệu sẽ gây ấn tượng cho giáo viên. Hãy tổ chức nó theo một kiểu đặc biệt.
Phải có mở bài, thân bài và kết luận rõ ràng hơn. Nhưng mỗi yếu tố nhỏ trong từng yếu tố lớn có một mục đích riêng và phù hợp cho những ý tưởng và sự kiện đa dạng bạn đã sưu tầm được. Đây là sự miêu tả cơ bản của mỗi phần trong một bài luận lý tưởng.
4.1a Mở bài
Phần mở bài bao gồm lời giới thiệu bao quát chủ đề, lời giới thiệu trước về luận điểm và một vài dấu hiệu chỉ ra hướng đi của bạn nhờ tóm lược những chủ đề đa dạng bạn sẽ bàn tới nhằm hỗ trợ cho luận điểm của mình. Người đọc dựa vào phần này để đoán trước những gì sẽ được bàn tới trong phần thân bài. Đây cũng là “cái móc” cơ bản để người đọc “treo” những luận chứng bạn đưa ra.
Mọi điều bạn đề cập tiếp đó đều phải phù hợp với luận điểm bạn đã phát triển. Hãy tưởng tượng bạn sẽ khó chịu thế nào nếu một chương trong sách của bạn bắt đầu bàn luận về những điều chỉ liên quan tới phần bên ngoài chủ đề của chương, hoặc tệ hơn là hoàn toàn không liên quan. Chúng có thể thú vị, nhưng chúng không có chỗ trong chương sách đó. Nếu điều đó khiến bạn bực tức, hãy nghĩ đến phản ứng của người đọc trước bài luận của bạn. Bạn không muốn đối nghịch với người đọc bài luận của mình.
4.1b Thân bài
Thân bài của bài luận sẽ là phần dài nhất, chiếm 85-90% bài viết. Đây là nơi bạn phát triển lần lượt từng đoạn văn cho từng ý hỗ trợ luận điểm của mình. Trong một bài viết dài 10-20 trang, sẽ không có quá năm đến tám ý chính.
Tốt nhất bạn nên sắp xếp tài liệu, tích lũy lại cho ý quan trọng cuối cùng ở đoạn kết. Mặc dù bạn nên thiết kế cấu trúc cho chủ đề và theo những yêu cầu của giáo viên, thì một sự sắp xếp tốt vẫn phải là tạo ra một đội hình giống với cuộc bơi tiếp sức: người khỏe thứ hai xuất phát trước, người khỏe nhất xuất phát sau và bạn sẽ lấp đầy khoảng giữa theo trật tự tăng dần của thể lực.
4.1c Kết luận
Phần kết của bài luận là nơi bạn khẳng định lại luận điểm của mình và tóm tắt luận chứng đã đưa ra. Đó cũng là nơi bạn được tự do bày tỏ ý kiến riêng. Bạn nên thêm vào trong bài luận ngụ ý của luận điểm và những ý nhỏ hơn cùng tầm quan trọng của chúng. Hãy trả lời câu hỏi “Vậy thì sao?” và bạn sẽ tạo ra lối văn phong riêng cho bài luận, chứng minh cách suy nghĩ sáng tạo, độc lập đối với người cho điểm.
4.2 Phong cách viết
Hãy viết theo lối chân thật, sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và cô đọng. Điều tệ nhất của bài viết trừu tượng chính là những cách diễn đạt khó hiểu, sử dụng các biệt ngữ vô nghĩa. Thật không may, điều tệ nhất này khá phổ biến, nên bạn sẽ thấy rất nhiều. Đừng cố học theo cách viết này.
Nếu những ý tưởng của bạn đều rõ ràng và có cơ sở, bài viết của bạn sẽ phản ánh điều đó. Nếu tài liệu được tổ chức tốt và bạn đã dành thời gian xây dựng một luận đề vững chắc, bạn không cần phải giải thích thêm nữa. Bạn vẫn có thể sử dụng những từ ngữ chính xác để tạo ra những khác biệt tinh vi, vô cùng cần thiết cho luận đề trừu tượng mà không làm cho bài viết trở nên phức tạp một cách không cần thiết.
Những học sinh giỏi luôn là những người có thể trao đổi các ý tưởng phức tạp bằng lối viết trang nhã, dễ hiểu và thật sự đơn giản. Một số người, như Carl Sagan, Stephen Jay Gould, Daniel J. Boorstin và Harold Bloom thậm chí có thể biến ý tưởng của họ thành những cuốn sách bán chạy nhất. Lối viết của họ rất dễ gần, đáng cho bạn mơ ước.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.