Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

2. Bạn có thể học bất cứ điều gì



Chúc mừng bạn đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường làm chủ cuộc đời mình.

Làm chủ điều gì? Bạn có thể làm chủ bất cứ thứ gì bạn muốn học, dù đó là bằng tốt nghiệp trung học, chương trình học nghề ở trường cao đẳng, các khóa học cấp chứng chỉ của trường đại học, hội thảo đào tạo về bán hàng hay kỳ thi cấp giấy phép chuyên nghiệp. Không có giới hạn nào. Bạn có thể học bất cứ thứ gì bạn muốn nếu đánh thức được tài năng thiên bẩm trong bạn. Khả năng và tiềm năng là những thứ vô cùng thú vị.

1. Bạn là một thiên tài

Đúng thế, điều bạn vừa đọc là chính xác. Đó là THIÊN TÀI!

Cuốn sách này giúp bạn bộc lộ tài năng thiên bẩm của mình. Đúng vậy! Bạn có tiềm năng học tập và đạt được các kết quả học tập ở mức độ của một thiên tài thật sự.

Đây không phải là sự thổi phồng. Có nhiều cách thức học tập và nghiên cứu vất vả, gian khổ nhưng cuối cùng lại vô ích và tình trạng của bạn còn tồi tệ hơn trước đó. Bạn có thể có một vài kinh nghiệm cá nhân về hình thức giáo dục kiểu này.

Ngược lại, có nhiều cách thức học tập và nghiên cứu không chỉ giúp bạn có thêm hiểu biết mà còn tăng cường trí thông minh vốn có của bạn. Nghe không khả thi chút nào phải không? Phải chăng ngay từ khi bạn sinh ra, trí thông minh đã ăn sâu vào đá và bạn không thể thay đổi được nó?

Nghiên cứu cho thấy việc tiêu tốn quá nhiều thời gian vào xem tivi sẽ làm giảm chỉ số IQ. Nếu việc đó có thể thay đổi theo hướng tiêu cực thì tất nhiên là nó cũng có thể uốn nắn theo hướng tích cực.

Tin hay không thì bạn cũng đã là một người học tập có hiệu quả đến mức đáng kinh ngạc. Học “nói” và học “đi” là hai trong số những hoạt động phức tạp nhất mà con người làm được. Không thể tổng hợp được tất cả thành tựu cơ bản của con người. Phải có khả năng học tập công phu mới có thể học đi và học nói. Nghiên cứu cho thấy thậm chí lái xe hơi cần nhiều năng lượng của não bộ hơn lái phi thuyền tới mặt trăng. 

Để hồi tưởng xem mình đã là một người học tập tốt thế nào, hãy làm theo bài tập sau: viết ra giấy tất cả những gì bạn đã học được trong đời mà không liên quan tới việc học ở trường. Nên bắt đầu với danh sách dưới đây (bạn có thể áp dụng một số hoặc tất cả hoạt động này):

• đi bộ và chạy;

• trò chuyện – ít nhất là bằng một ngôn ngữ;

• đi xe đạp;

• lái xe hơi;

• bơi;

• đưa ra chỉ dẫn;

• trồng một khu vườn;

• sơn ngôi nhà của bạn;

• là quần áo;

• trông trẻ;

• làm mô hình máy bay;

• nướng bánh.

Tự lập ra một danh sách của riêng bạn. Nó sẽ cho bạn thấy trên cương vị của một người học tập ở mức cơ bản thì bạn đã giỏi giang thế nào mà không cần phải thật sự cố gắng. Hãy tưởng tượng những gì bạn có thể hoàn thành nếu bạn làm việc có sự hướng dẫn đúng đắn. 

Chương 3 là sự khái quát đơn giản về cách thức hoạt động của não bộ và trí thông minh. Bạn sẽ thấy thật tự nhiên là não bộ có thể hoạt động ở các cấp độ thiên tài. Con người thông thường chỉ sử dụng từ 2-10% khả năng của não bộ (tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu) để suy nghĩ ở mức độ cao. Hãy tưởng tượng bạn có thể trở thành người như thế nào nếu bạn biết cách phát huy phần tiềm năng còn lại trong bạn. Thậm chí, nếu bạn học được cách điều khiển chỉ một phần nhỏ của kho tàng tri thức chưa được khai thác, bạn có thể đạt được những thứ mà trước đó chỉ thấy trong mơ.

Phẩm chất mà chúng ta coi là “thiên tài” không nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta. Thật sự người được coi là thiên tài chỉ là người sử dụng khả năng của não bộ cao hơn, gần đến mức giới hạn tiềm năng to lớn của nó. Thiên tài dường như là độc nhất và không thể đạt tới, duy chỉ có vài người thể hiện được ở mức độ đó. Nhưng nếu có phương pháp rèn luyện đúng đắn, bạn cũng sẽ đạt đến cấp độ đó. Nó sẽ thuộc về bạn nếu bạn sẵn sàng làm việc để đạt được nó. 

Ở đây không có phép màu, không có dược phẩm, sự can thiệp của thần thánh hay các mẹo thay đổi tư duy. Cũng không có gì là đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, khi bắt đầu áp dụng các chiến lược và bài tập “luyện não” trong cuốn sách này, bạn sẽ ngạc nhiên trước số lượng khả năng của mình. Một khi bạn biết được các chìa khóa để tăng cường năng lực của não, thì các kỹ năng cần thiết để phát triển năng lực đó cũng rất rõ ràng.

Tuy nhiên, đây không phải là cách lắp ghép mau chóng các vấn đề về nghiên cứu với học tập. Bạn phải tự cam kết rèn luyện bền bỉ và kiên định với các kỹ năng có thể biến bạn thành một thiên tài học tập. Nhưng nếu bạn sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, nếu bạn học tập thông minh hơn và không bao giờ bỏ cuộc thì kết quả đạt được sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Bạn sẽ có những tiến bộ dễ nhận thấy gần như ngay lập tức, nhưng những bước nhảy vọt lâu bền sẽ chỉ đến sau nhiều tháng làm việc. Nếu bạn luôn bền bỉ, miệt mài, các kết quả và thành tựu bạn đạt được sẽ minh chứng cho mọi người thấy bạn là một thiên tài. 

2. Ai có thể làm được việc này?

Giới hạn duy nhất của vấn đề này là nó hiệu quả nhất đối với thanh thiếu niên và độ tuổi lớn hơn. Trẻ em thông thường cần nhiều chỉ dẫn hơn, mặc dù có một số bài tập có thể áp dụng được. Không bao giờ là quá sớm đối với các bậc phụ huynh và giáo viên trong việc khuyến khích bọn trẻ yêu thích việc học cách vận dụng nhiều loại hình “trí thông minh”, nhưng các kỹ năng nghiên cứu đặc biệt trong cuốn sách này lại không phù hợp với trẻ em.

Không có giới hạn đối với những người cao tuổi khi sử dụng cách tiếp cận này. Bất cứ độ tuổi nào. Bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống. Dù bạn bắt đầu từ đâu và từ lúc nào, bạn đều có thể tăng cường trí thông minh và khả năng học tập của mình. Thật là sai lầm nếu cho rằng bạn sẽ mất đi khả năng học tập những điều mới mẻ hay không thể tiếp thu nhanh khi bạn ngày càng nhiều tuổi. Sự thật là trí tuệ cũng giống cơ bắp: nếu bạn không luyện tập, cơ bắp sẽ yếu đi; ngược lại, nếu bạn rèn luyện, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Chương 3 đề cập đến vấn đề sinh lý học của bộ não  yếu tố giúp bạn đạt được điều này.

Phương pháp này sẽ có hiệu quả trong bất kỳ nhiệm vụ học tập nào. Bạn sẽ đạt được những thành công chưa từng có trong bất cứ môi trường nào: học chính khóa ở trường, các bài kiểm tra và rèn luyện, các kế hoạch học tập cá nhân, sắp xếp việc học không chính quy. Bạn sẽ thấy những kết quả khả quan cho dù trước đó bạn đã có những trải nghiệm tồi tệ về việc học chính quy ở trường. Không cần thiết phải đánh giá quá khứ của bạn phải ngang bằng với tương lai. Trên thực tế, nếu bạn đã từng học rất tồi ở trường thì bạn sẽ càng nhanh chóng thấy được sự khác biệt.

3. Việc này có thể diễn ra như thế nào?

Bộ não của bạn cũng giống như một siêu máy tính đã được cài đặt và kích hoạt nhưng lại không có bản hướng dẫn sử dụng. Hãy coi đây là khóa học giới thiệu cách sử dụng siêu máy tính của bạn. 

Niềm tin vào tiềm năng của bạn dựa trên thực tế sinh học và tâm lý học của bộ não và những gì khoa học đã nghiên cứu về trí thông minh suốt 30 năm qua. Chương 3 cung cấp cho bạn một số kiến thức về cách thức hoạt động của bộ não. Chương 4, 5 và 6 chỉ cho bạn cách áp dụng nó để tiếp tục hoàn thiện ba nền tảng cơ bản của việc học tập xuất sắc: sự chuẩn bị, trí nhớ và tính tập trung.

Tại sao phương pháp này lại hiệu quả? Bởi vì nó rất tự nhiên. Nó nhận ra cách học tự nhiên của bạn và giúp bạn tìm lại cách sử dụng nó.

4. Tại sao việc khơi dậy tài năng thiên bẩm của bạn lại quan trọng?

Trở thành một người học tập thành công không còn là vấn đề về lựa chọn hay chỉ là sự ưu tiên. Đó là sự cần thiết để tồn tại và phát triển trong “thời đại thông tin”. Tương lai thuộc về những người học tập. Dù chúng ta được cung cấp thông tin từ rất nhiều phương tiện đại chúng, thì chúng ta vẫn đang sống trong một thời đại có tốc độ thay đổi nhanh hơn bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử loài người. Mỗi năm, có từ 20-30% những điều chúng ta học và hiểu về thế giới trở nên lỗi thời.

Cho đến cuối thế kỷ XIX và XX, sức mạnh cơ bắp đã có tác động lớn tới thành công cá nhân. Mặc dù năng lực trí tuệ của con người vẫn phát triển, nhưng hầu hết các thành công cá nhân (như của thợ săn/người đi hái lượm trong thời kỳ đồ đá, nông dân trong thời đại nông nghiệp hay công nhân nhà máy trong thời đại công nghiệp) đều phụ thuộc vào sức chịu đựng của cơ thể đối với công việc tay chân nặng nhọc. 

Hiện nay và trong tương lai, sức mạnh tư duy sẽ chiếm ưu thế. Của cải và nghề nghiệp không còn nằm trong đất hay trong hàng hóa vật chất. Tri thức chính là của cải. Ở đâu có nghề nghiệp và sự bảo đảm, ở đó có tri thức.

Khi bạn kết hợp tỷ lệ đáng kinh ngạc của tri thức lỗi thời với thực tế ngày nay tri thức là hàng hóa thương mại có giá trị nhất trên trái đất, bạn sẽ hiểu giá trị của việc học hỏi phương thức học tập. Bạn cũng bắt đầu nhìn nhận các môn học ở trường phổ thông và đại học theo một phương diện hoàn toàn mới mẻ. 

Đó không phải là nội dung có ý nghĩa quan trọng lắm, vì có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa trong vài năm tới – đặc biệt là trong khoa học và công nghệ. Đúng hơn, đó là sự rèn luyện mang giá trị cơ bản mà bạn nhận được từ việc học hỏi phương thức học tập. Mỗi môn học đóng góp cho việc rèn luyện và thực hành một “trí thông minh” khác.

Đọc Chương 3, bạn sẽ nhận thấy mình thật sự có nhiều trí thông minh chứ không chỉ có một. Học toán, lịch sử, hóa học, âm nhạc và hội họa đều giúp phát triển một kiểu trí thông minh riêng. Bạn cần phát triển tất cả trí thông minh của mình nếu muốn có tất cả sức chứa gần như vô hạn trong bộ não của bạn để học tập.

Nếu hiện tại bạn không còn đi học, bạn có thể áp dụng với chính bản thân. Nhưng nếu bạn đang học ở trường, bạn sẽ có nền tảng rèn luyện hoàn hảo để áp dụng các kỹ thuật và khái niệm trong cuốn sách này. Giống như một vận động viên thực hành các phương pháp khác nhau để phát triển khả năng chịu đựng đa dạng của cơ thể (ví dụ như chạy để phát triển năng lực aerobic, tập tạ để tăng cường sức mạnh cơ bắp, kéo co để gia tăng tính linh hoạt), những người học tập xuất sắc nên thoải mái với việc phát triển nhiều trí thông minh, không chỉ ưu tiên một hay hai trí thông minh mà mình thích.

Phương thức học tập là kỹ năng giá trị nhất mà bạn có thể học ngày nay. Sẽ là không đủ nếu bạn cho rằng những ngày học tập của mình đã kết thúc khi tốt nghiệp trung học hay khi có được tấm bằng cử nhân. Để thành công trong một thế giới nơi mà tri thức là chìa khóa, bạn phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng để có được tri thức và biến nó thành một phần của bạn. Đây là một quá trình liên tục. Hoặc là bạn học cách học tập và yêu thích nó, hoặc bạn sẽ tụt lại phía sau và phải vật lộn suốt cuộc đời. 

Tôi tin rằng sai lầm lớn nhất của những nhà hoạch định giáo dục ngày nay là cho rằng việc lập ra các trường học quan trọng hơn việc tập trung rèn luyện các kỹ năng. Đây là sự lãng phí thời gian một cách ngu ngốc. Xã hội công nghệ, tốc độ cao của chúng ta đang thay đổi nhanh đến mức bất cứ kỹ năng đặc biệt nào được dạy và bất cứ kiến thức nào được truyền đạt sẽ có 50% trở thành vô dụng khi khi khóa học kết thúc, 100% sẽ không còn tác dụng khi bạn đi làm được hai năm. Khi kiến thức là nguồn tài sản chính, chỉ có kỹ năng sử dụng vốn thời gian vô tận mới mang đến cho bạn khả năng gìn giữ vốn kiến thức cho phần đời còn lại. Nếu trường học không dạy bạn kỹ năng đó, bạn phải tự mình giành lấy nó. Đọc và sử dụng cuốn sách này là bước đầu tiên bạn cần làm.

Nhưng khi hoàn cảnh bên ngoài tác động mạnh mẽ đến bạn, khiến bạn trở thành người học tập suốt đời, thì những thành tựu đạt được sẽ là niềm vui bất tận giữ bạn đi trên con đường đó. Chỉ cần hỏi bất kỳ đứa trẻ nào (nếu bạn có thể hiểu những vấn đề phức tạp trong ngôn ngữ của trẻ), bạn cũng sẽ thấy việc học chính là thiên tính và niềm vui. Chìa khóa cho tương lai hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn và là khả năng có thể đạt được, nó mang đến cho bạn niềm say mê thật sự.

5. Bắt đầu từ đâu?

Trước hết, cuốn sách này mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về lý thuyết và các kỹ năng cơ bản (Phần II), đồng thời cung cấp một loạt bài tập thực hành và chiến lược giúp bạn khởi sự công việc mà bạn yêu thích trong suốt cuộc đời cùng với việc học hỏi (Phần III). Bạn có thể sử dụng ngay những gợi ý và chiến lược rất thực tế trong Phần III nếu bạn có nhu cầu cải thiện nhanh chóng một lĩnh vực nào đó.

Một số gợi ý và chiến lược thực tiễn được lắp ghép lại sao cho phù hợp với nhu cầu học hỏi bất cứ điều gì bạn muốn trong cuộc sống. Cũng có nhiều chiến lược và bài tập đặc biệt tập trung vào từng loại hình học tập riêng biệt theo khung giáo dục chuẩn trong các trường phổ thông, đại học hoặc các khóa học chuyên môn (ví dụ như về bảo hiểm và cấp giấy tờ nhà đất).

Bạn nên bắt đầu bằng cách đọc Chương 3 và 4. Sau đó rút ra các nguyên lý cơ bản từ Chương 4 và nghiên cứu lại Chương 3. Ý tưởng trong hai chương này tạo thành một sợi dây xuyên suốt phần còn lại của cuốn sách và liên kết tất cả bài tập và gợi ý với nhau. Thậm chí một gợi ý nhỏ nhất cũng được thiết lập sao cho bộ não vẫn làm việc và phát huy được trí thông minh của bạn.

6. Bạn kỳ vọng điều gì?

Bạn sẽ không thất bại vì bạn quá thấp bé hay vì làm việc gì đó quá khó, mà vì sức chịu đựng bình thường của con người trước những thay đổi. Tình trạng này được gọi là trạng thái nội cân bằng chống lại sự thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả khi sự thay đổi đó cuối cùng cũng có lợi. Phải có thời gian để phương pháp của bạn quen với nhiều việc khác nhau. Vì vậy không thể có ngay lập tức những kết quả đáng ngạc nhiên. Chúng sẽ đến từ từ và tăng dần lên. Nhưng các kết quả đó là thực tế. Nếu bạn cam kết sẽ học hỏi suốt cuộc đời, coi đó như một phần tất yếu của cuộc đời, kết quả sẽ đến nhanh hơn bạn mong đợi.

Thất bại và phạm sai lầm là con đường duy nhất biến sự tiến bộ thành điều mới mẻ. Để có những thành công đáng kinh ngạc thì tỷ lệ thất bại phải tăng gấp đôi. Điều đó không có gì là ngớ ngẩn vì nó có thể xảy ra. Nếu bạn không phạm sai lầm, bạn sẽ không tự thúc đẩy khả năng của mình trong các lĩnh vực mới. Thất bại thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của một công việc mới hoặc chưa mấy quen thuộc. Thất bại cũng dần biến mất ngay khi bạn đạt được thành công; nó vẫn tiếp tục xảy ra cho đến khi bạn đạt được nhiều thành công hơn sai lầm. 

Vì vậy, bạn cần phải hy vọng đạt được nhiều thành công. Nếu như lúc bắt đầu bạn thấy không thuận lợi, bạn cần nỗ lực thật nhiều để vượt qua điều phiền toái đó và khám phá ra những điều mới mẻ. Bạn cần có lòng can đảm để nỗ lực không ngừng và bạn sẽ được đền đáp xứng đáng!

Hy vọng phải bền bỉ. Nếu bạn thất bại nhiều, bạn càng phải nỗ lực, KHÔNG ĐƯỢC TỪ BỎ chừng nào chưa nhìn thấy những kết quả có triển vọng. Bạn nên thay đổi chiến lược, xem xét lại những gì bạn đang làm, thử làm điều gì mới. Nếu bạn luôn gắn với các nguyên lý trong cuốn sách này, bạn sẽ thành công.

Quan trọng nhất là bạn phải mong muốn thấy được hàng loạt kết quả xác thực:

• Phát triển hộp công cụ các kỹ năng học tập có khả năng giúp bạn thành công trong bất cứ nhiệm vụ học tập nào;

• Tăng hiệu quả học tập lên gấp bốn lần;

• Mở rộng khả năng ghi nhớ lên 100 lần và hơn thế nữa;

• Nhân đôi và thậm chí nhân ba lần tốc độ đọc và hiểu;

• Phát triển động cơ thúc đẩy mạnh mẽ không ngừng nhằm hoàn thành các mục tiêu học tập;

• Học cách sử dụng âm nhạc và kỹ năng thư giãn cổ điển để nạp thêm năng lượng cho việc học tập;

• Khám phá ra cách biến mỗi nhiệm vụ học tập trở nên phù hợp với cách học cá nhân để đạt những kết quả kinh ngạc.

Hãy tìm thêm một vài mẹo và gợi ý khác để tiến hành công việc ngay lập tức. Bạn sẽ trải nghiệm những kết quả tốt nhất nếu bạn dành thời gian để tải vào hộp công cụ nhiều kỹ năng và quan điểm mới về học tập. Tuy nhiên, ngay bây giờ, vấn đề của bạn là tìm đọc một chương trong một cuốn sách đặc biệt khó và vận dụng nó vào công việc một cách tốt nhất.

Cuối cùng, xuyên suốt cuốn sách là những ý tưởng và khái niệm được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây chính là mục đích của cuốn sách. Khi bạn đọc những chương cuối, sự lặp lại này chính là cội nguồn của kỹ năng – đó là làm sao cho những điều bạn đã thu nhận được sẽ tồn tại lâu trong trí nhớ.

7. Vượt ra ngoài vùng thoải mái

Bạn hãy đặt mình nằm ngoài vùng thoải mái. Bạn không cần phải làm quá nhiều, nhưng bạn sẽ không tạo nên những tiến bộ đặc biệt trừ phi bạn tham gia vào các lĩnh vực mà trước đó bạn chưa từng đặt chân tới – ví dụ, hát lên những bài học của môn đại số như là một cách ghi nhớ các công thức cho kỳ kiểm tra (không cần phải có người xung quanh nghe bạn).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.