Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

5. Trí nhớ



Học tập là quá trình chúng ta tạo ra các ký ức và cơ chế tìm lại những ký ức đó khi cần (có chủ định hoặc không). Trí nhớ là chìa khóa. Vì vậy, bạn nên dành thời gian ôn tập cơ sở của học thuyết trí nhớ và cách áp dụng nó vào việc học của bạn.

Những lời khuyên cụ thể trong chương này về quản lý thời gian, đọc sách, ghi chép, chuẩn bị cho kỳ kiểm tra, đều dựa trên những lý thuyết chung về não và trí thông minh đã được phác thảo sơ bộ trong Chương 3 và trong những thực tế đặc biệt về phương thức hoạt động của trí nhớ.

Chương này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân tại sao một số chiến lược học tập lại hiệu quả hơn những cái khác và tại sao bạn phải học tập vất vả mà vẫn không đạt được thành quả như mong đợi. Đây là nơi bạn bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa học khôn ngoan và học gian nan.

Đây là những nét cơ bản. Bạn phải chọn ra nét phù hợp với mình dựa trên những yếu tố cơ bản.

1. Những yếu tố cơ bản của trí nhớ

1.1 Trí nhớ là gì?

Nói một cách đơn giản, trí nhớ là những dấu vết thần kinh được tạo ra trong não. Chúng là sự kết hợp hay những kết nối giữa các nơ ron cấu thành nên mối liên kết hóa học từ những liên kết mạnh. Những liên kết hóa học này do nhiều loại hành động khác nhau tạo nên, hành động phổ biến nhất trở thành sự kiện cảm xúc hoặc cảm giác đầu tiên và sự kiện đó được sao chép trong thời gian dài.

1.2 Ba giai đoạn của trí nhớ (nhập dữ liệu, ghi nhớ, nhớ lại)

Có thể coi trí nhớ có ba giai đoạn, mỗi giai đoạn đại diện cho một cấp độ tăng cường khác nhau: nhập dữ liệu, ghi nhớ và nhớ lại.

Nhập dữ liệu

Giai đoạn đầu tiên, nhập dữ liệu, xảy ra khi có một điều gì đó thu hút sự chú ý của bạn và có ý nghĩa với bạn. Bạn có chuyển dữ liệu ban đầu thành trí nhớ vĩnh viễn hay không tùy thuộc vào mục đích của bạn. Nếu bạn đơn giản muốn nhớ một số điện thoại chỉ để bấm số gọi thì bạn sẽ không tiến xa hơn. Nếu muốn nhớ số điện thoại của một người quan trọng, bạn phải làm một việc gì đó nhiều hơn để biến nó thành trí nhớ vĩnh viễn. 

Ghi nhớ 

Ghi nhớ là giai đoạn bạn chủ động đưa ra quyết định nhớ một điều gì đó và bạn phải quyết định cách thực hiện. Mục tiêu của bạn là lưu giữ thông tin đó trong một thời gian dài.

Nhớ lại

Giai đoạn thứ ba là nhớ lại. Nhớ lại sẽ không hiệu quả nếu thiếu đi khả năng nhớ lại thông tin khi cần tới. Do vậy, kỹ thuật được sử dụng để đạt được giai đoạn này là kỹ thuật tăng cường khả năng tiếp cận thông tin vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

1.3 Mô hình trí nhớ cơ bản

Có thể hiểu ba giai đoạn của trí nhớ dưới dạng mô hình đơn giản dưới đây. Bạn có hai loại trí nhớ: ngắn hạn và dài hạn.

Trí nhớ ngắn hạn là nơi mọi thứ được lưu trữ ở bước nhập dữ liệu của việc ghi nhớ. Nếu bạn không làm việc gì linh hoạt với thông tin (như viết, vẽ tranh hoặc nói to lên) thì thông tin đó sẽ bị lãng quên (xem mục 2.2 phía dưới để biết thêm chi tiết của việc trở nên linh hoạt). Trí nhớ ngắn hạn có khả năng lưu trữ khoảng từ bốn đến mười thông tin, trung bình là bảy thông tin.

Bạn hãy thử bài kiểm tra này. Lập các danh sách có 4, 7, 10 và 15 thông tin. Các thông tin hoàn toàn không liên quan đến nhau. Đọc mỗi danh sách một lần duy nhất, lật úp xuống, cố viết ra càng nhiều từ càng tốt. Bạn sẽ thấy là bạn dễ dàng nhớ được danh sách 4 thông tin ngay sau khi đọc nó. Danh sách 7 thông tin sẽ khó nhớ hơn và bạn sẽ quên mất 1 hoặc 2 thông tin. Danh sách 10 thông tin càng khó nhớ hơn và bạn sẽ quên 3 hoặc 4 thông tin. Kể từ danh sách 15 thông tin, bạn sẽ không bao giờ nhớ được quá 10 và có thể trung bình là 7 hoặc cố lắm là 8, dù bạn có thử bao nhiêu lần đi nữa.

HÌNH 1: CHUYỂN ĐỔI TRÍ NHỚ NGẮN HẠN

Nếu bạn chủ tâm cố gắng nhắc lại và ôn tập, bạn có thể chuyển đổi thông tin thành trí nhớ dài hạn. Càng thường xuyên ôn lại thông tin sau khi nó được lưu trữ tại đó, bạn càng tránh được việc thông tin bị mai một và có thể nhớ lại thông tin đó nhanh chóng và dễ dàng (xem Hình 1).

1.4 Quên

HÌNH 2: ĐƯỜNG CONG EBBINGHAUS

Tầm quan trọng của việc bắt đầu quá trình ôn lại/nhắc lại càng sớm càng tốt ngay sau khi lấy thông tin vào trí nhớ ngắn hạn được minh họa sinh động bằng Đường cong Ebbinghaus (đặt theo tên nhà nghiên cứu trí nhớ người Đức Hermann Ebbinghaus).

Như bạn có thể thấy trong Hình 2, nếu bạn không linh hoạt làm một việc gì đó để tạo ra các trí nhớ dài hạn, bạn sẽ nhanh chóng quên đi hầu hết những gì bạn bắt gặp. Điều này có mối liên quan mật thiết tới hầu hết các sinh viên. Đó là một thói quen xấu, lười nhác khi đọc sách giáo khoa một cách thụ động hoặc chỉ ngồi và nghe giảng. Bạn sẽ thường xuyên biện minh rằng bạn đang tập trung đọc cuốn sách nào đó hoặc vào những gì được nói tới và bạn sẽ ghi chép lại hoặc sẽ đọc lại sau những bài quan trọng.

Đừng đùa với bản thân. Nếu bạn không linh hoạt với tài liệu từ lần đầu gặp nó, sau đó lại trì hoãn việc ghi nhớ linh hoạt các hoạt động, bạn sẽ lãng quên nó!

1.5  Hiệu ứng đa cảm giác

Càng sử dụng nhiều cảm giác trong các bước nhắc lại và ôn lại, bạn sẽ càng ghi nhớ hơn (xem Hình 3). Liên kết những cảm giác này với nhiều trí thông minh của bạn sẽ đem đến cho bạn cơ hội tiến xa hơn trong việc ghi nhớ tài liệu vào trí nhớ dài hạn.

HÌNH 3: BIỂU ĐỒ GHI NHỚ

1.6 Hiệu ứng đầu tiên và hiệu ứng mới đây 

Quay trở lại danh sách 15 thông tin bạn đã lập. Khi bạn thử nghiệm với bản thân, có khả năng các thông tin bạn nhớ được là các thông tin gần đầu hoặc gần cuối danh sách. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự tồn tại của “hiệu ứng đầu tiên” và “hiệu ứng mới đây”. Hiệu ứng đầu tiên nghĩa là bạn có khuynh hướng nhớ tốt hơn những gì đã xảy ra khi bắt đầu một sự kiện hoặc một tình huống. Hiệu ứng mới đây nghĩa là bạn có khuynh hướng nhớ lại những gì mới xảy ra gần đây (xem Hình 4). 

Điều này có ý nghĩa gì đối với việc học của bạn? Nếu bạn nhớ được nhiều hơn những gì bạn đã học lúc bắt đầu hoặc lúc kết thúc buổi học, thì liệu bạn có nên có nhiều điểm khởi đầu và nhiều điểm kết thúc trong thời gian biểu học tập của mình không? (xem Hình 5)

HÌNH 4: ĐƯỜNG CONG GHI NHỚ A

 

HÌNH 5: ĐƯỜNG CONG GHI NHỚ B

 

1.7 Hiệu ứng tương tự 

Bạn sẽ dễ nhớ các dạng thông tin hơn nếu gộp chúng lại với nhau. Bằng cách đó, bạn có thể nhớ lại nhiều thông tin hơn mức bình thường. 

Hãy thử nghiệm với bản thân bạn. Đây là một danh sách 20 từ. Hãy nhìn lướt qua một lần, cất danh sách đi và thử xem bạn nhớ được bao nhiêu từ. Theo mô hình trí nhớ cơ bản thì bạn chỉ có thể nhớ được 10 từ. 

Tuy nhiên, nếu bạn biết trước mỗi từ sẽ thuộc một trong năm loại, bạn có thể nhớ lại được toàn bộ danh sách.

Bạn có thấy đơn giản không? Khi bạn lập danh sách này, bạn chỉ cần nhớ lại năm loại và bốn thông tin trong mỗi loại. 

Qua ví dụ đã được đơn giản hóa này, bạn sẽ thấy được cách nguyên tắc tổ chức, hay “tập hợp lại” có thể giúp cải thiện khả năng lưu trữ của trí nhớ như thế nào.

Học thuyết cơ bản tương tự có thể tác động mạnh mẽ tới khối lượng kiến thức bạn sẽ nhớ được cho một bài kiểm tra.

1.8 Hiệu ứng liên tưởng

Ví dụ trên có tác dụng tốt vì trí nhớ hoạt động tốt nhất khi nó tạo ra các liên tưởng. Sự kết nối các liên tưởng tương tự lại với nhau là một dạng của kiểu mẫu liên tưởng giúp tăng cường trí nhớ. Nó có hiệu quả vì bạn đang liên tưởng những điều bạn muốn nhớ với điều đã có sẵn trong não. 

Còn có những loại quan hệ liên tưởng khác mạnh mẽ hơn mà bạn cần kích hoạt khi muốn tăng cường sức mạnh của trí nhớ.

1.8a Giác quan 

Sử dụng nhiều liên tưởng giác quan để cải thiện trí nhớ của bạn. Quan trọng nhất là thị giác. Nghiên cứu đã chứng minh rằng trí nhớ rất cần thiết cho bộ máy thị giác. Vì vậy, bạn cần tập trung phát triển các liên tưởng thị giác của mình.

Điều này không có nghĩa là trong đầu bạn phải có một bức tranh trong suốt như pha lê về mọi thứ bạn đang cố nhớ. Hầu hết mọi người, ngay cả những người có các kỹ năng hình dung tốt, trong đầu họ cũng không có những hình ảnh sống động như ảnh chụp. Nhưng các kết nối thị giác sẽ mạnh mẽ hơn nếu bạn luyện tập càng lâu.

Nếu bạn không tin trí nhớ của mình phần lớn là thị giác, hãy thử làm bài tập này. Hãy cố ghi nhớ vị trí của mọi đồ vật trong phòng ngủ hoặc trong bếp. Bạn để tất ở đâu? Tách uống cà phê ở đâu? Có bao nhiêu cửa sổ trong phòng? Khi bạn đi từ cửa vào, bàn bếp nằm ở bên trái hay bên phải?

Bạn ghi nhớ tất cả như thế nào? Không phải từ một danh sách. Không phải từ liên tưởng về mùi vị hoặc âm nhạc. Đó chính là thị giác. Đó có thể không phải là phim màu, nhưng bạn đang bắt đầu từ một bức tranh trí tuệ.

Các giác quan khác cũng được liên kết chặt chẽ với trí nhớ, đặc biệt là mùi vị và âm thanh. Song các liên tưởng thị giác mạnh hơn tất cả.

1.8b Cảm xúc

Những gì tạo cho bạn liên tưởng cảm xúc mạnh mẽ cũng là những thứ dễ nhớ hơn: bạn cảm thấy tự hào khi giành được một giải thưởng, thấy đau đớn khi một người yêu thương của bạn qua đời, thấy hồi hộp trong nụ hôn đầu với người bạn yêu. Đây là những ký ức mạnh mẽ do các cảm xúc mãnh liệt gắn liền với chúng.

Mối liên kết giữa trí nhớ và cảm xúc càng củng cố thêm sự cần thiết phải đưa yếu tố cảm xúc vào việc học, giúp bạn nhớ lại khi làm bài kiểm tra. Nhưng hãy cẩn thận. Nghiên cứu mới đây cho thấy việc sử dụng những cảm xúc liên quan tới các trải nghiệm tổn thương có thể giúp bạn nhớ được sự kiện đi kèm, song cũng có thể hạn chế trí nhớ của bạn.

Vậy nên, thủ thuật sử dụng cảm xúc giúp bạn ghi nhớ tài liệu học tập là sử dụng những cảm xúc mạnh mẽ, tránh liên kết chúng với ký ức gắn liền với cảm xúc tiêu cực vì có thể khiến một phần não khởi động cơ chế quên để tự phòng thủ. 

1.8c Cường độ

Nhân tố khiến cho các liên tưởng giác quan và cảm xúc có tác dụng gợi lại trí nhớ chính là cường độ của chúng. Cường độ của cảm xúc, màu sắc, mùi vị, nỗi đau hoặc niềm vui càng mạnh, bạn càng khó có thể quên được. Nó tạo ra liên kết hóa học trong não rất nhanh và sự độc đáo của nó khiến bạn dễ dàng nhớ lại.

1.8d Ý nghĩa

Sau các cảm giác và cảm xúc, cách hiệu quả nhất để tạo ra những liên tưởng là gắn với ý nghĩa của nó. Bạn sẽ nhớ ra một điều gì đó nếu nó có ý nghĩa với bạn. Hiển nhiên, các liên tưởng cá nhân về thị giác càng nhiều, thì cảm xúc càng tốt hơn, song nếu chúng không thích hợp, bạn hãy tìm ý nghĩa trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Sẽ có ý nghĩa hơn nếu bạn có thể tạo ra các từ bắt đầu bằng các chữ cái đầu tiên hoặc một câu trong danh sách từ bạn cần ghi nhớ. Từ được cấu tạo bởi các chữ cái đầu của một nhóm từ sẽ dễ nhớ hơn cụm từ hoàn chỉnh. Ví dụ, “SCUBA” dễ nhớ hơn “self-contained underwater breathing apparatus”(thiết bị thở độc lập dưới nước). Bạn có thể nhớ tên các hành tinh trong hệ mặt trời nếu bạn nhớ được câu này: “My very elegant master just served up nine pineapples” (Ông chủ rất lịch sự của tôi vừa mang ra chín quả dứa). Chữ cái đầu tiên của mỗi từ là chữ cái đầu tiên trong tên một hành tinh, theo thứ tự tính từ mặt trời.

My (Mercury): Sao Thủy  

Very (Venus): Sao Kim

Elegant (Earth): Trái Đất

Master (Mars): Sao Hỏa 

Just (Jupiter): Sao Mộc

Served (Saturn): Sao Thổ

Up (Uranus): Sao Thiên Vương

Nine (Neptune): Sao Hải Vương

Pineapples (Pluto): Sao Diêm Vương

Thật dễ dàng để nhớ được một câu vì bộ não của bạn được huấn luyện để lưu trữ và nhớ lại các kiểu ngôn ngữ.

1.9 Hiệu ứng kỳ lạ

Một phiên bản của nhân tố mạnh trong các liên tưởng chính là hiệu ứng “kỳ lạ”. Bạn có thể nhớ những thứ không bình thường, kỳ quặc hoặc không đúng chỗ.

Quay lại với danh sách 20 từ trong mục 1.7. Nếu thêm các từ như Zulu (người Zulu ở Nam Phi) hoặc Zoroastrian (tín đồ đạo thờ lửa) hay Ninja vào danh sách, bạn có thể nhớ các từ này dù chúng không thuộc bất kỳ nhóm nào. Đó là do những từ này rất khác biệt. Chúng nổi bật nên rất dễ nhớ. Thêm một yếu tố “kỳ lạ” vào những gì bạn đang cố nhớ sẽ mở rộng giới hạn của trí nhớ.

1.10 Hiệu ứng đặc trưng

Các thông tin đặc trưng, rõ ràng hoặc đã xác định dễ được lưu trữ và dễ nhớ lại hơn những thông tin khó định nghĩa hoặc khó đưa ra kết luận. Ví dụ, nhớ tên các bộ trưởng tài chính dễ hơn là ghi nhớ học thuyết chủ nghĩa lịch sử và áp dụng nó vào nghiên cứu lịch sử thời Trung cổ.

1.11 Hiệu ứng sao chép

Bạn càng nhắc lại nhiều lần thông tin bạn muốn ghi nhớ dài hạn, bạn càng nhớ thông tin đó tốt hơn. Những liên tưởng, sự việc mới xảy ra, điều kỳ lạ, nét đặc trưng và hoạt động sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn không thường xuyên lặp lại những thông tin bạn muốn nhớ. 

2. Cải thiện trí nhớ cho học tập

Trí nhớ của bạn vốn đã khá tốt. Nhưng nếu bạn quên một cuộc hẹn với bác sĩ hoặc sinh nhật của mẹ bạn, có thể bạn sẽ đổ lỗi cho trí nhớ mà bạn coi là yếu kém của mình.

Thực tế, trí nhớ của bạn đủ tốt để nhớ được hàng chục trong số hàng nghìn từ và cách dùng riêng của chúng. Đúng là như vậy. Nếu bạn cố gắng lập một danh sách tất cả những gì bạn đã lưu trữ trong trí nhớ, bạn sẽ mất khoảng thời gian dài hơn phần đời còn lại của bạn. Nhưng đó mới chỉ là những gì bạn có thể nhớ lại. 

Trí nhớ cơ bản rất giỏi lưu trữ một cách lặng lẽ và gợi nhớ lại các thông tin giúp bạn hoạt động trong xã hội mà bạn có thể không phải nỗ lực để cải thiện nó. Mọi thứ đều tốt đẹp ở mức độ vừa phải, dù bạn chỉ đang sử dụng một phần nhỏ trong khả năng lưu trữ của trí nhớ.

Không có trục trặc nào với trí nhớ mà một bài tập nhỏ lại không thể khắc phục. Là một sinh viên cố gắng học ôn chuẩn bị cho một kỳ thi hoặc để ghi nhớ cho một hoạt động nghề nghiệp, bạn cần phải nỗ lực đưa bản thân ra khỏi khu vực thoải mái. Sau đây là một vài việc đơn giản bạn có thể thực hiện.

2.1 Thư giãn

Hãy nhớ lại trong Chương 3, các hoạt động não cấp cao hiệu quả hơn khi bạn thư giãn và thoát khỏi áp lực. Dù bạn có sử dụng nhiều kỹ thuật và thủ thuật ghi nhớ trong danh mục này, bạn cũng không thể tận dụng hiệu quả trí nhớ nếu bạn nghiến răng và cố nhồi nhét tài liệu vào trong tâm trí với quyết tâm tuyệt đối.

Hãy thư giãn. Hãy tận hưởng việc học tập và ghi nhớ. Nếu các nhân tố khách quan khiến bạn căng thẳng và cảm thấy bị áp lực, hãy áp dụng một vài kỹ thuật thư giãn trong Chương 4 để chuẩn bị cho bản thân một cách hợp lý.

2.2 Chủ động

Chủ động là chìa khóa dẫn tới học tập hiệu quả. Nhìn một cách bị động vào những từ ngữ trên trang giấy là việc mà hầu hết mọi người hay làm. Bạn cần phải chủ động.

Hãy đọc to lên như thể bạn đang dạy học cho một ai đó. Tạo ra vần thơ. Viết lại các ý chính bằng ngôn từ của bạn. Vẽ nên một bức tranh. Hãy yên lặng ôn lại tài liệu. Lưu ý, “yên lặng” không có nghĩa là bị động. Ví dụ, bạn chủ động kết nối nội dung của tài liệu đó với điều bạn đã biết, hoặc kiểm tra khả năng nhớ lại một danh sách các thông tin bằng cách ôn lại mà không nhìn vào sách, vở.

Tất cả những hoạt động này đòi hỏi trí óc phải làm việc với tài liệu, tổ chức lại nó, phát triển nó thành một phần của bạn. Thông tin sẽ luôn thuộc về người khác chừng nào bạn còn là người học tập thụ động.

2.3 Sử dụng nhiều trí thông minh

Não có bảy trí thông minh chính. Hầu hết mọi người đều chỉ tích cực sử dụng một hoặc hai trí thông minh trong các tình huống học tập. Điều này rõ ràng đã giới hạn trầm trọng trí nhớ của bạn. Khi bạn phát triển vốn học tập và kỹ thuật ghi nhớ, hãy đảm bảo kết hợp càng nhiều trí thông minh càng tốt. 

Sử dụng trí thông minh ngôn ngữ và âm nhạc để viết một bài thơ vần. Sử dụng trí thông minh không gian/thị giác để vẽ một bức tranh (điển hình như một bản đồ tư duy – xem Chương 12). Sử dụng trí nhớ tương tác hoặc trí nhớ ngôn ngữ, thậm chí cả trí nhớ cơ thể khi dạy học cho ai đó (nếu bạn dùng nhiều hoạt động và các cử chỉ tay khi giảng bài). Sử dụng trí nhớ cơ thể, trí nhớ ngôn ngữ, trí nhớ logic để viết lại theo ngôn từ của bạn (hoạt động viết vốn thuộc về cơ thể và kích hoạt phần đó của não).

2.4 Chia nhỏ thời gian cho các công việc khác nhau

Tổ chức các buổi học sao cho tận dụng được tính ưu việt và hiệu quả của nó. Vì khả năng ghi nhớ thông tin đạt hiệu quả cao nhất vào đầu và cuối buổi học, vậy bạn có nên tạo ra nhiều sự mở đầu và kết thúc không?

Chẳng hạn, nếu bạn có hai tiếng để học mà bạn dành toàn bộ thời gian đó cho một bài tập trong một môn học và không nghỉ giải lao thì hiệu quả đạt được sẽ rất thấp. Các nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian tối đa bạn có thể tập trung cho một bài tập trước khi bắt đầu cảm thấy khả năng ghi nhớ những gì bạn đang học sa sút là 30-45 phút. Vì vậy, bạn nên chia khoảng thời gian hai tiếng thành bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn 30 phút. Cách giải quyết này cho bạn đủ thời gian để thực hiện những việc khá quan trọng, nhưng đủ ngắn để ngăn chặn phần lõm sâu của “sự lãng quên” như trong Hình 4. Bạn cũng gia tăng từ hai lên tám sự khởi đầu và kết thúc có hiệu quả cao.

Nếu bạn thay đổi hoạt động trong mỗi khoảng thời gian 30 phút, bạn cũng sẽ thu được nhiều lợi ích lớn. Học môn khác và thực hiện một hoạt động khác trong mỗi khoảng thời gian học. Ví dụ, đọc tâm lý học trong 30 phút đầu tiên, 30 phút tiếp theo là giải một bài toán, sau đó luyện đọc to từ vựng tiếng Nhật và kết thúc bằng “học cách hiểu” môn Lịch sử (Chương 10 sẽ bàn luận chi tiết về “học cách hiểu”).

Bằng cách gắn kết mỗi lần một trí thông minh khác nhau với một môn học khác nhau, não sẽ củng cố và ôn lại bài học trước đó trong “phần nền” đồng thời tập trung một phần khác vào công việc mới. Bạn sẽ học được nhiều hơn, nhanh hơn, ít cực nhọc và không chán nản như khi dùng cả hai tiếng đồng hồ để học cùng một môn học.

2.5 Nhóm tài liệu

Khi đang học và ôn tập, hãy cố gắng sắp xếp những tài liệu có các yếu tố giống nhau được ôn lại cùng nhau. Bạn dễ dàng nhớ năm đề mục với năm thông tin trong mỗi đề mục hơn là cố gắng nhồi nhét 25 mảnh dữ liệu không liên quan gì đến nhau vào trí nhớ dài hạn của bạn. Hãy sử dụng kỹ thuật này bất cứ khi nào bạn có danh sách các thông tin cần ghi nhớ. Sẽ không có một kiểu mẫu nào, song chỉ riêng hành động phân tích danh sách để tìm kiếm các kiểu mẫu sẽ giúp ích cho quá trình ghi nhớ của bạn.

2.6 Tạo ra các liên tưởng mạnh mẽ

Bạn chỉ cần dành ra vài giây là tạo được các liên tưởng cảm xúc và giác quan mạnh mẽ trong tâm trí. Bạn ghi nhớ những gì có ý nghĩa. Do đó, bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng gắn thông tin với ý nghĩa riêng tư của bạn.

Đây có thể là một khái niệm mới đối với hầu hết sinh viên, vì vậy, hãy chuẩn bị làm một số thử nghiệm với nó. Các kiểu liên tưởng dễ dàng nhất khi bạn mới bắt đầu là những liên tưởng cảm xúc và liên tưởng thị giác mạnh mẽ. Cách tốt nhất để sử dụng sức thu hút mạnh mẽ của trí óc đối với liên tưởng thị giác nhằm giúp ích cho việc học tập và nghiên cứu là sử dụng khái niệm “bản đồ tư duy” của Tony Buzan (sẽ được bàn luận trong Chương 12). Khi thử áp dụng phương pháp của Buzan vào bài tập về nhà, bạn sẽ ngạc nhiên trước ảnh hưởng dễ dàng và sâu sắc của nó lên trí nhớ.

2.7 Luyện tập đưa thông tin ra ngoài

Luyện tập đưa thông tin ra ngoài rất cần thiết cho việc gợi lại của trí nhớ. Đừng mắc kẹt trong việc nhắc đi nhắc lại chỉ nhằm đưa tài liệu VÀO TRONG trí nhớ dài hạn. Hãy tập đưa nó ra dưới một áp lực nào đó. Tập sử dụng các kiểu câu hỏi của bài kiểm tra trên thực tế mà bạn sẽ phải trả lời. Tạo ra sự lựa chọn đa dạng hoặc các câu hỏi của bài tiểu luận và tập trả lời chúng.

2.8 Ôn lại sớm và thường xuyên

Bạn có thể tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong việc ghi nhớ khối lượng thông tin và nhớ lại chúng bằng cách đơn giản là thường xuyên làm một bài ôn tập tài liệu ngắn gọn. Ví dụ, bạn có thể tăng cường trí nhớ lên gấp năm lần về một bài giảng dài ba tiếng đồng hồ, đơn giản bằng cách sử dụng các chu trình ôn tập kéo dài ba phút. Ôn tập tài liệu ngay sau bài giảng, nhắc lại bài ôn tập đó sau một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, hai tháng, v.v… Kỹ thuật dễ thực hiện này sẽ thay đổi “đường cong quên” thông thường trong Hình 2. Với việc ôn tập, đường cong này sẽ thay đổi và giống như Hình 6.

HÌNH 6: ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC ÔN TẬP

2.9 Phát triển các công cụ trợ giúp trí nhớ cơ bản

Áp dụng những gì bạn đã học được trong cuốn sách này, hãy phát triển hộp công cụ của riêng bạn, bao gồm các kỹ thuật trợ giúp trí nhớ và gia tăng khả năng ghi nhớ của nó:

• làm những thẻ nhớ;

• lập ra các bản đồ tư duy (xem Chương 12);

• tạo ra các thiết bị ghi nhớ (xem mục 1.8d phía trên);

• làm thơ, các giai điệu và các bài hát.

2.10 Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Hãy có ý thức nỗ lực luyện tập các kỹ năng ghi nhớ. Sẽ không có thay đổi nào xảy ra nếu bạn không kiên trì luyện tập các kỹ năng và kỹ thuật mới. Sẽ không có điều kỳ diệu nào có thể đến và thúc đẩy bạn trong chốc lát, nhưng bạn sẽ có chuyển biến nhanh hơn bạn tưởng.

Đừng cố làm tất cả cùng một lúc. Nên nhớ cơ thể con người thường chống lại sự thay đổi trạng thái hiện thời của nó, ngay cả khi đó là thay đổi tích cực. Hãy dần dần giới thiệu các giải pháp mới và chờ hai đến ba tháng để có hiệu quả. 

Không luyện tập cũng có nghĩa là bạn đang lãng phí tiềm năng ghi nhớ phi thường của mình.

2.11 Ngủ để nhớ tốt hơn

Nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ là yếu tố cần thiết để có được trí nhớ tốt. Bên cạnh nhu cầu hiển nhiên đối với việc ngủ đủ là để duy trì sức khỏe và tinh thần tỉnh táo, trên thực tế não còn sử dụng thời gian ngủ để củng cố những thứ được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn. Những gì bạn ôn tập ngay trước khi đi ngủ sẽ được não lưu lại nhanh chóng và hiệu quả. Não cũng cần có “thời gian nghỉ” để tiến hành các liên tưởng và những kết nối cần thiết nhằm tạo ra các trí nhớ dài hạn. 

2.12 Khám phá những kỹ năng trợ giúp trí nhớ cao cấp

Khi đã trải nghiệm những tiến bộ đáng kinh ngạc được tạo ra chỉ nhờ một chút kiên định luyện tập những ý tưởng cơ bản này, bạn có thể muốn thử một vài kỹ thuật cải thiện trí nhớ ở mức trung và cao cấp. Bạn có thể học về nhiều hệ thống nổi tiếng có ảnh hưởng to lớn tới trí nhớ học tập của mình. Ví dụ:

• hệ thống móc nối trí nhớ;

• hệ thống kết nối;

• phương pháp định vị (hay hệ thống định vị La Mã);

• phương pháp tạo nhịp điệu.

Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển một số trong các hệ thống này, bạn nên tiến hành một vài nghiên cứu để xem cái nào phù hợp với phương thức và nhu cầu học tập của mình. Để khảo sát về những phương pháp này, tốt nhất bạn nên đọc cuốn The Memory Book (Cuốn sách trí nhớ) của Harry Lorayne và Jerry Lucas.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.