Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan
6. Tập trung: Kỹ năng học tập siêu việt số 1
Cuốn sách này chứa đựng nhiều thủ thuật, chỉ dẫn và kỹ thuật có tác dụng nhanh chóng. Bạn có thể sử dụng bất kỳ kỹ thuật nào và cảm nhận ảnh hưởng tích cực của nó đối với bài kiểm tra hoặc công việc sắp tới.
Nhưng có một kỹ thuật nổi trội hơn cả, tốt hơn tất cả các kỹ thuật khác kết hợp lại. Chỉ cần làm chủ một kỹ năng này, bạn sẽ thấy có một bước nhảy vọt trong mức độ thành công của mình, vượt ra khỏi những giấc mơ cuồng nhiệt nhất của bạn.
Bạn không bắt buộc phải đọc, ghi chép hoặc tăng cường trí nhớ để học kỹ năng này. Hơn thế, nó còn là nguồn nhiên liệu có thể biến cỗ xe ngựa kỹ năng học tập của bạn thành một máy bay phản lực siêu âm.
1. Sức mạnh của sự tập trung
Tư duy của chúng ta luôn hoạt động. Hàng ngày, chúng ta nhận được vô số nguồn thông tin tranh nhau thu hút sự chú ý của chúng ta. Chúng ta ngày càng khó có thể tập trung vào một công việc trong một thời điểm. Liệu bạn có cảm thấy bị chôn vùi trong sự quá tải thông tin và khó chống lại sức cám dỗ của sự phân tán tư tưởng?
Các chuyên gia về thiền sẽ cho bạn biết rằng việc khó làm nhất đối với loài người là tạo ra một tâm trí trống rỗng. Nếu bạn có thể không tập trung vào bất cứ thứ gì mà chỉ thở trong vòng 15 giây, không bị một suy nghĩ nào quấy nhiễu, bạn có thể khẳng định mình có một tâm trí mạnh mẽ nhất hành tinh.
Nhưng, nếu bạn luyện tập các kỹ thuật trong chương này nhằm rèn luyện khả năng tập trung của bạn, đặt sự cám dỗ sang một bên, bạn có thể bắt đầu cảm nhận sức mạnh của sự tập trung. Đây là bước tiến đầu tiên nhằm xây dựng máy bay phản lực học tập đưa bạn đến với những giấc mơ học tập.
2. Tập trung là gì?
Học tập đòi hỏi những khoảng thời gian dài luôn tập trung vào kiến thức mới và làm việc với kiến thức đó, khiến nó trở thành một phần vĩnh viễn trong trí nhớ dài hạn. Điều này đòi hỏi sự tập trung – khả năng thực hiện mạnh mẽ một nhiệm vụ để loại bỏ sự chú ý của bạn đối với các yêu cầu khác.
Đối với nhiều sinh viên, đây là phần khó nhất để trở thành một sinh viên giỏi. Họ thiếu khả năng tập trung quá một vài phút trước khi có điều gì đó thu hút sự chú ý của họ và tâm trí thường suy nghĩ mông lung ra khỏi những công việc trước mắt.
Các phương tiện truyền thông phổ biến cũng là một yếu tố làm rút ngắn khoảng thời gian tập trung của thế hệ trẻ ngày nay. Tivi và các đồ điện tử được cho là có tác động xấu lên khả năng tập trung trong những khoảng thời gian học liên tục. Quan niệm phổ biến này có chính xác không? CÓ!
Những tên giết người điện tử tước đoạt mất của chúng ta khả năng tập trung lâu để tìm hiểu sâu về một điều gì đó. Các video âm nhạc bị cắt nhanh và chương trình quảng cáo thương mại có thời lượng ngắn là những tên côn đồ hợp pháp. Nhưng còn hơn thế nữa. Cuộc sống phức tạp hơn và có nhiều thứ tranh nhau thu hút sự chú ý của chúng ta. Có nhiều lựa chọn để sử dụng thời gian, đồng nghĩa với việc hầu hết mọi người đều lướt qua bề ngoài của nhiều thứ mà không đi sâu khám phá thứ gì.
Đây có phải là một trạng thái vĩnh cửu? KHÔNG! Có thể làm gì để chặn đứng sự mục nát, thậm chí có thể gia tăng khả năng tập trung của chúng ta? CÓ! Có nhiều điều khiến ta vô cùng ngạc nhiên, đó là điều không dễ nhưng lại tương đối đơn giản.
Bước đầu tiên là phải hiểu ba yếu tố cơ bản can thiệp vào khả năng tập trung tốt. Khi bạn đã nhận thức được bản chất của vấn đề, bạn sẽ thấy rõ hơn các chiến lược để giải quyết vấn đề đó.
3. Điều gì ngăn cản sự tập trung?
Thiếu tập trung đồng nghĩa với sự chiến thắng của những luồng tư tưởng bị phân tán khác nhau. Phân tán tư tưởng đến từ ba dạng: môi trường bên ngoài, bên trong bạn và hậu quả của việc không có ý tưởng rõ ràng về công việc bạn đang làm.
3.1 Yếu tố khách quan
Các nhân tố trong môi trường vật chất như tiếng ồn, ánh sáng, chất lượng không khí và môi trường thị giác xung quanh đều có thể trở thành những phân tán tư tưởng nghiêm trọng. Đây là những thủ phạm chính:
• ghế ngồi không thoải mái;
• bề mặt bàn học quá cao hoặc quá thấp;
• tiếng ồn từ ngoài đường phố;
• âm nhạc;
• ánh sáng tồi (quá tối hoặc quá sáng);
• phòng quá nóng hoặc quá lạnh;
• những nhắc nhở về các việc khác bạn cần làm hoặc thích làm hơn (ví dụ, viết thư hoặc đọc tạp chí);
• tivi;
• các cuộc chuyện trò của người khác từ bàn bên cạnh;
• bạn bè quấy rầy.
Bạn có biết bất kỳ ai cũng gặp phải vấn đề với một hoặc nhiều tên cướp sự tập trung nói trên không? Có lẽ bạn biết rất rõ về người đó?
3.2 Yếu tố chủ quan
Những sự phân tán bắt nguồn từ chủ quan rất quỷ quyệt. Dù bạn đang ngồi ở một nơi học tập yên tĩnh, dễ chịu, được chiếu sáng tốt, những kẻ thù đáng chú ý đối với sự tập trung của bạn vẫn có thể tìm đến bạn. Đôi khi chúng bắt nguồn từ:
• thiếu ngủ;
• chế độ ăn tồi;
• thiếu rèn luyện cơ thể;
• bệnh tật;
• thương tích cơ thể.
Những phân tán chủ quan thường là áp lực có liên quan và có nguồn gốc cảm xúc:
• một số vấn đề trong các mối quan hệ;
• mâu thuẫn với gia đình hoặc bạn bè;
• lo lắng về tiền bạc;
• lo lắng về các khóa học và công việc cần làm cho các khóa học đó.
3.3 Thiếu tập trung hoặc thiếu mục tiêu
Đôi khi khó có thể tập trung vì bạn không có một câu trả lời rõ ràng, chắc chắn cho câu hỏi luôn lởn vởn: “Tại sao tôi lại đang làm việc này cho bản thân?” Bạn thích làm các việc khác hơn như xem tivi, tụ tập với bạn bè, chơi khúc côn cầu, đọc tạp chí hay làm bất kỳ việc gì khác ngoài việc làm bài tập về nhà môn toán.
Đôi khi, đây có thể là dấu hiệu chứng tỏ khóa học bạn đang tham gia không phù hợp. Nhưng, thường là không, đó là một triệu chứng của việc không có một mục tiêu rõ ràng. Nếu bạn không thể nhận thấy mối liên quan giá trị giữa công việc trước mắt với mục tiêu ngắn hạn, được kết nối với mục tiêu trung bình và mục tiêu trung bình được kết nối với mục tiêu dài hạn, bạn có thể dễ dàng nói “cho việc này xuống địa ngục” và cho phép bản thân sao nhãng vì trò giải trí vô bổ như trò chơi trên máy tính.
4. Bạn có thể cải thiện khả năng tập trung như thế nào?
Không thể xóa bỏ tất cả những sự phân tán tư tưởng luôn ngăn cản bạn tập trung. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát được nhiều yếu tố. Quyết định kiểm soát những gì trong khả năng kiểm soát của bạn và lờ đi (ít nhất là trong suốt buổi học) những gì vượt quá tầm ảnh hưởng của bạn.
Loại bỏ tivi và những tên trộm thời gian điện tử khác. Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn và không thực tế, nhưng đối với một số người thì không còn cách nào khác. Nhiều sinh viên nghiện tivi, máy nghe nhạc và trò chơi điện tử. Những thứ này còn tệ hơn các trò giải trí vô hại, trở thành những tên trộm ăn trộm thời gian và khả năng tập trung của họ. Tách bản thân ra khỏi những phân tán cho đến khi chúng hoàn toàn ra khỏi cuộc sống của bạn khi bạn đang cần phải học tập.
Đừng hiểu nhầm tôi. Tôi yêu quý chiếc iPod của mình, và tôi cũng không khi nào bỏ lỡ các chương trình tivi yêu thích. Nhưng khi tôi cần tập trung, tất cả những thứ đó đều phải tắt đi. Tôi ghi lại những chương trình đó và coi chúng như những phần thưởng sau khi hoàn thành công việc.
Chuẩn bị. Chuẩn bị môi trường học tập và tâm trí là những trợ giúp tập trung dễ dàng nhất và có hiệu quả nhanh nhất bạn có thể thực hiện (xem Chương 4).
Hãy làm theo hướng dẫn để tạo nên một nơi học tập thích hợp. Hãy dành thời gian để đưa bản thân vào trạng thái tư duy đúng đắn, xóa bỏ căng thẳng và lo lắng trước khi học. Nếu bạn đã bỏ qua Chương 4 thì bây giờ hãy quay lại đó. Nó sẽ giải quyết 80% các rắc rối bạn mắc phải với những phân tán tư tưởng.
Chăm sóc bản thân. Phải chắc chắn rằng bạn cần làm tất cả những gì có thể mang lại cho cơ thể khả năng rèn luyện tinh thần cần thiết cho yêu cầu học tập tốt.
• Ngủ nhiều. Đây thường là biến cố đầu tiên của thời khóa biểu học tập nặng nề, nhưng thật sai lầm khi hy sinh giấc ngủ của bạn. Bạn sẽ lãng phí 30-70% thời gian học tập nếu không nghỉ ngơi đầy đủ.
• Chế độ ăn uống rất quan trọng. Hãy ăn càng nhiều trái cây và rau củ càng tốt. Tránh ăn quá nhiều chất béo và đường, đặc biệt là ăn ngay trước khi học.
• Tập một vài bài thể dục. Trí óc sẽ làm việc hiệu quả hơn khi cơ thể cân đối. Nếu bạn không có khuynh hướng điền kinh, hãy đi bộ hàng ngày.
• Cố gắng hướng tới cuộc sống cân bằng. Hãy vui vẻ! Bạn dễ dàng tập trung hơn vào công việc nếu bạn không định từ bỏ phần đời còn lại của mình.
Đặt ra những mục tiêu cụ thể. Tôi sẽ bàn về tầm quan trọng của việc đề ra mục tiêu trong Chương 8. Chúng vô cùng cần thiết khi bạn phải trả lời câu hỏi về lý do bạn đang làm việc gì đó cho bản thân. Thật quan trọng khi bạn phát triển các kỹ năng cần thiết giúp bạn đặt ra mục tiêu học tập cá nhân đúng đắn.
Có mục tiêu rõ ràng, hợp lý, khả quan, cụ thể, thích hợp mỗi khi làm bài tập về nhà sẽ tạo nên sự tập trung tốt nhất cho bạn. Không gì khiến bạn tập trung hơn vào một công việc khi bạn biết chắc công việc đó là gì và bao giờ hoàn thành nó.
Lập các danh sách. Tận dụng sức mạnh của danh sách. Nếu sự căng thẳng khi phải cố gắng ghi nhớ mọi thứ hàng ngày đang quấy nhiễu sức tập trung của bạn, có thể nguyên nhân là vì bạn chưa hoàn thành một công việc đơn giản nào đó để đảm bảo rằng bạn sẽ không quên nó.
Hãy viết ra.
Thật ngạc nhiên là ngày càng có nhiều người gia tăng áp lực của xã hội phức tạp và cuộc sống bận rộn bằng cách cố gắng lưu mọi chi tiết trong trí nhớ của họ. Tập thói quen viết ra tất cả những thứ bình thường nhưng cần thiết như lễ kỷ niệm của ông/bà hoặc sinh nhật đứa cháu trai. Thói quen này sẽ giúp bạn không bị mất thông tin khi bạn đang cố hiểu môn hóa hữu cơ phức tạp.
Giữ một bộ hồ sơ những việc gây áp lực hoặc một danh sách những điều lo lắng. Nếu có điều gì khiến bạn lo lắng, có lẽ bạn cần một loại danh sách đặc biệt. Những vấn đề cá nhân và khó khăn về tiền bạc có thể ngăn cản bạn tập trung học tập. Khi những vấn đề này khiến tâm trí bạn suy nghĩ vẩn vơ và lo lắng, hãy thử viết chúng thành một danh sách đặc biệt.
Việc viết ra những rắc rối và đặt tờ giấy đó qua một bên hoặc đặt nó vào một hồ sơ sẽ giúp bạn khuây khỏa tạm thời. Rõ ràng, việc làm này không giải quyết được vấn đề, nhưng nó có thể thường xuyên di dời rắc rối ra khỏi ý thức trong một thời gian để bạn quay lại học. Rắc rối sẽ vẫn tồn tại trong trạng thái nguyên thủy của nó khi bạn kết thúc việc học, vậy tại sao lại để nó ngăn cản bạn hoàn thành công việc?
Lập kế hoạch đánh trả. Tất cả những chiến lược trên đều tốt và sẽ giúp bạn hạn chế sự phân tán, nhưng việc bạn đang làm mới thật sự ngăn chặn những thứ gây kiệt quệ sức mạnh tập trung vốn có của bạn. Những chiến lược này không gia tăng mức độ tập trung của bạn lên được nhiều. Nếu đó là vấn đề của bạn thì bạn cũng cần phải chủ động đưa ra quyết định cải thiện nó trong hộp công cụ tinh thần của mình.
Bạn có thể làm được điều đó. Phần tiếp theo cho bạn thấy một kỹ thuật đơn giản thật sự gia tăng thời lượng cần thiết giúp bạn có thể học tập với sự tập trung cao độ.
5. Một kế hoạch tập trung thích hợp cho học tập
Nguyên tắc của kỹ thuật đã được chứng minh này tương tự với kỹ thuật của những người đi bộ cuối tuần muốn trở thành vận động viên chạy maratông. Bạn sẽ gia tăng dần thời lượng học tập với khả năng tập trung cao độ.
Sẽ là không thực tế khi trông chờ một sự thay đổi nhanh chóng từ một phút tập trung tiến tới một tiếng rưỡi hoàn toàn tập trung. Bạn cần phải xây dựng dần dần “tính bền bỉ” trong học tập. Tuy vậy, bạn không mất nhiều thời gian để nhận thấy các kết quả đáng ngạc nhiên. Làm theo kỹ thuật đơn giản dưới đây, bạn có thể tăng gấp ba, thậm chí gấp bốn lần khả năng tập trung bền bỉ của bạn chỉ trong hai tuần.
• Bước 1. Chuẩn bị trước hai hoặc tốt hơn là ba bài tập.
• Bước 2. Bắt đầu học như thường lệ.
• Bước 3. Ngay khi bạn nhận thấy tâm trí mình đang nghĩ vẩn vơ hoặc lo lắng về những vấn đề cá nhân làm phân tán tư tưởng, ĐỪNG CỐ GẮNG HỌC NỮA.
• Bước 4. Nếu sự phân tán tư tưởng là một điều gì đó nên được đưa vào danh sách nhắc nhở hoặc danh sách lo lắng, bạn hãy thực hiện ngay lập tức.
• Bước 5. Quyết định chuyển sang học một bài học khác. NHƯNG trước đó bạn…
• Bước 6. Tạo ra một thông tin nhỏ, đơn giản của công việc bạn đang làm trong môn học đó. Ví dụ, nếu là môn toán, hãy làm thêm một phép tính nữa. Nếu đó là lịch sử, hãy đọc thêm một trang nữa. Nếu đó là tiếng Tây Ban Nha, hãy ghi nhớ thêm một từ mới. Thật sự tập trung và tận dụng tối đa khả năng tập trung của bạn trong thời gian ngắn ngủi này.
• Bước 7. Thậm chí, nếu bạn dường như quay lại với mạch suy nghĩ của môn học đầu tiên, hãy dừng lại ngay sau thông tin thêm nói trên. Đóng sách môn đó lại, đặt chúng ra xa, chuyển sang môn học thứ hai.
• Bước 8. Lặp lại quá trình này bắt đầu từ bước 2.
Mục đích của quá trình đơn giản này nhằm thúc đẩy bản thân bạn vượt qua những thói quen hàng ngày, nhưng không đi quá xa. Nếu bạn dừng lại sau khi cảm thấy làm thành công thêm một việc gì đó, bạn hoàn thành nhiều việc tích cực và chẳng bao lâu chúng sẽ tích lũy, chồng chất lên khả năng tập trung của bạn.
Thứ nhất, bạn thấy dễ dàng tập trung trở lại sau khi mất tập trung trong phút chốc. Tâm trí bạn nghĩ vẩn vơ là lẽ tự nhiên. Điều bạn phải học là cách giữ các sự cố ở mức thấp nhất và cách tập trung trở lại với công việc càng sớm càng tốt.
Thứ hai, bạn kết thúc buổi học bằng sự ghi nhận tích cực. Bạn cảm thấy mình có thể tiếp tục như vừa được “nạp đầy sinh lực”. Đó là thời điểm thích hợp để dừng lại. Khả năng tập trung sẽ được gia tăng khi bạn gom lại thật nhiều trải nghiệm tích cực với sự tập trung của mình. Nếu bạn luôn đẩy bản thân tới điểm thất bại và không chừa lại gì, những cảm giác chán nản cũng sẽ tích tụ lại. Ngược lại, kết thúc tích cực của một buổi học sẽ là điều đầu tiên bạn nghĩ tới khi bạn mở sách giáo khoa môn học đó lần tiếp theo, tăng thêm sức tập trung khi bắt đầu buổi học mới.
Cuối cùng, một chuỗi những thông tin học tập “thêm một chút nữa thôi” cũng bắt đầu tích tụ. Bạn có thể học hiệu quả và dễ dàng nhớ lại chúng. Hãy thử áp dụng kỹ thuật này trong một tháng và tận hưởng tác động tuyệt vời của nó lên khả năng tập trung của bạn.
6. Phải làm gì nếu không có phương pháp nào hiệu quả?
Làm sao bạn có thể học tập hiệu quả nếu không gì có thể giúp bạn tập trung trong những khoảng thời gian dài dù bạn rất cố gắng. Dù thế nào, bạn vẫn phải làm gì đó để có thể tận dụng tốt thời gian?
• Đừng vội thất vọng với bản thân. Nếu bạn đã thật sự nỗ lực và tích cực làm việc để cải thiện toàn bộ khả năng tập trung, hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi, coi như hôm nay là ngày nghỉ.
• Sử dụng thứ gì đó trong hộp công cụ cũng sẽ khiến thời gian học tập của bạn đạt năng suất cao.
• Luyện tập với các thẻ nhớ (bàn luận trong Chương 9).
• Xem trước các chương trong sách giáo khoa thay vì “học cách hiểu” (bàn luận trong Chương 9).
• Ôn lại những ghi chép về bài giảng (thảo luận trong Chương 11).
• Vẽ một bản đồ tư duy mới (bàn luận trong Chương 12).
• Tạo ra các thẻ nhớ mới (bàn luận trong Chương 9).
• Nghỉ ngơi, thư giãn (hành trình du ngoạn tới thánh địa của bạn) và thử cố gắng làm lại lần nữa sau ít phút.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.