Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan
PHẦN IV. NHỮNG CÔNG CỤ ĐẶC BIỆT – 16. Danh sách các mẹo hàng đầu
Chương này cung cấp bản tóm lược về những sự kiện, trích dẫn và ý tưởng quan trọng nhất, thú vị nhất trong các chương trước. Bạn nên đọc và học thuộc chúng. Hãy chép lại và kẹp chúng trong các cuốn vở hoặc dán lên tường hay tặng cho bạn bè.
6 lý do hàng đầu để trở thành một thiên tài
1. Thế giới đang thay đổi thuận theo những người làm chủ tri thức.
2. Công việc gia tăng phụ thuộc vào khả năng học tập nhanh chóng và dễ dàng.
3. Hầu hết tất cả các ngành nghề công nghiệp mới đều dựa trên những kỹ năng về thông tin.
4. Cuộc chạy đua vào các ngành nghề dựa trên tri thức sẽ đòi hỏi khả năng học tập xuất sắc chứ không chỉ ở mức vừa đủ.
5. Mọi sự thay đổi ngành nghề đều yêu cầu nâng cao các kỹ năng và thành tích về tri thức. Khả năng học tập của bạn luôn trong điều kiện sắc bén và đỉnh cao.
6. Vì bạn có thể đạt được. Mức độ học tập và tri thức đó nằm trong khả năng của bạn. Bạn hãy cố gắng đạt đến tiềm năng tối đa của mình.
10 thực tế về não bộ
1. Não bộ có một trăm tỷ nơ ron.
2. Có thể có 20 nghìn kết nối giữa các nơ ron.
3. Có thể có nhiều kết nối hơn các hạt mà chúng ta biết trong vũ trụ.
4. Có bảy trí thông minh cân bằng và khác nhau: ngôn ngữ, toán học, âm nhạc, thị giác, cơ thể, nội tâm và tương tác.
5. Bộ não thật sự có ba phần: bò sát, limbic và vỏ não.
6. Não bộ có “hai bên”: não trái dành cho lý luận và phân tích logic, não phải dành cho khả năng sáng tạo và trực giác.
7. Các sóng não Alpha là loại sóng não thích hợp nhất cho học tập – chúng tạo ra sự nhận thức thư giãn.
8. Có ba phương thức học tập: thị giác, thính giác và cơ thể.
9. Các nơ ron tiếp tục phát triển và gia tăng không phụ thuộc và độ tuổi của người học.
10. Bạn có khả năng phát triển các kết quả ở mức thiên tài.
10 đặc điểm về nơi học tập
1. Chỉ dùng để học tập – không có chức năng nào khác!
2. Có ít nhất một nơi học tập dự phòng.
3. Có một chiếc ghế dễ chịu để ngồi trong nhiều giờ.
4. Nơi đó cần có không khí trong lành, không quá nóng hoặc quá lạnh.
5. Phải có ánh sáng hợp lý và luôn đủ sáng.
6. Xung quanh nên có những hình ảnh và đồ vật mang tính tích cực.
7. Không bị âm nhạc và tivi gây phân tán sự chú ý.
8. Có nơi học tập cả ở nhà và ở trường.
9. Phải có đủ khoảng trống để bày các tài liệu học tập.
10. Làm phong phú thêm bằng những thứ tạo cảm giác thoải mái, như cây cối.
10 khẳng định tích cực hàng đầu
Có vẻ hơi ngớ ngẩn song những khẳng định tích cực lại thật sự có hiệu quả. Hãy tự nhủ với mình những điều bạn muốn tin và cuối cùng điều đó sẽ trở thành sự thật. Việc lặp đi lặp lại tạo ra những khẳng định tích cực gia tăng sự vững vàng cho tâm trí. Bạn trở thành con người như bạn mong muốn. Mọi thái độ đều đáng được học tập, vậy tại sao bạn không học tập một thái độ tích cực?
1. Tôi có thể học bất kỳ điều gì.
2. Tôi có thể dễ dàng học tập.
3. Tôi là một người học tập tài năng.
4. Thiên tài tiềm ẩn bên trong con người tôi sẽ thức tỉnh.
5. Tôi sẽ hoàn thành tốt kỳ thi ở mức tối đa.
6. Mọi thứ sẽ quay lại với tôi khi tôi cần.
7. Tôi cam kết trở thành một người luôn học tập thành công.
8. Bộ não của tôi là siêu máy tính sinh học mạnh mẽ nhất trong vũ trụ.
9. Không gì có thể ngăn cản tôi.
10. Tôi sẽ tiếp tục cho đến khi thành công dù có bao nhiêu thất bại tạm thời ngăn cản tôi.
8 kỹ thuật chuẩn bị hàng đầu
1. Có một nơi học tập đúng đắn.
2. Lập ra các mục tiêu đã được xác định cho mỗi buổi học.
3. Đảm bảo mỗi hoạt động học tập đều phù hợp với những ưu tiên thật sự của bạn.
4. Luôn có sẵn mọi tài liệu trên bàn khi ngồi học.
5. Chuẩn bị trạng thái tư duy bằng những khẳng định tích cực.
6. Chuẩn bị trạng thái tư duy bằng những hình dung hiệu quả.
7. Chuẩn bị trạng thái tư duy bằng những bài tập thở.
8. Chuẩn bị trạng thái tư duy bằng nhạc cổ điển.
10 bước hàng đầu để đọc tài liệu học tập hiệu quả
1. Hãy đọc tài liệu học tập thật chậm và chi tiết. Khi học tập nghiêm túc, bạn không được đọc nhanh.
2. Thiết lập một bản đồ chỉ dẫn cho mỗi chương và mỗi cuốn sách nhờ xem xét tổng quát hoặc xem trước.
3. Đọc tiêu đề và suy nghĩ.
4. Đọc các bảng nội dung (nếu đó là một cuốn sách) hoặc những đoạn giới thiệu. Hãy suy nghĩ về những điều sắp được nói tới.
5. Đọc lời kết.
6. Đọc bất kỳ phần tóm tắt nào và xem lại những câu hỏi.
7. Đọc tất cả các đề mục và tiêu đề chính.
8. Đọc câu đầu tiên của mỗi đoạn văn.
9. Nghiên cứu kỹ lưỡng mọi bức tranh và sơ đồ.
10. Trước khi đọc chi tiết, hãy thực hiện từ bước 3 đến bước 9 (Chương 10) với tài liệu và suy nghĩ. Hãy kích hoạt mọi kiến thức bạn đã có được từ việc nghiên cứu chung.
10 bước hàng đầu để hoàn thành một bài luận
1. Bắt đầu ngay!
2. Tính toán đủ thời gian để làm ít nhất hai bản nháp. Đừng dừng lại với bản nháp đầu tiên.
3. Phân chia và chinh phục. Hãy làm theo kế hoạch chia công việc thành nhiều phần hoặc nhiều giai đoạn nhỏ hơn để bạn có thể quản lý.
4. Đặt ra thời gian giới hạn cho mỗi giai đoạn.
5. Luôn suy nghĩ về các ý tưởng trước khi làm đề cương hoặc viết bài.
6. Luôn tạo ra một đề cương chi tiết trước khi bắt đầu viết.
7. Nhanh chóng viết bản nháp đầu tiên. Hãy để công việc trau chuốt bài văn lại sau.
8. Bỏ mặc bản nháp đầu tiên trong vài ngày trước khi xem lại.
9. Quan tâm đến những điều nhỏ nhặt. Hãy soát lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp cơ bản.
10. Không bao giờ nộp bài luận trễ hạn nếu không có sự thỏa thuận trước.
9 mẹo hàng đầu để ghi chép hiệu quả
1. Tham gia mọi tiết học. Bạn không nên bỏ bất kỳ buổi nào.
2. Đừng ăn quá no hoặc uống chất có cồn trước khi vào học.
3. Xem lại những ghi chép của buổi học trước trước khi vào lớp.
4. Đảm bảo luôn hoàn thành mọi bài đọc được yêu cầu trước khi vào học.
5. Luôn ngồi phía trước.
6. Hãy chủ động lắng nghe. Luôn đặt ra những câu hỏi, rút ra kết luận và đoán trước những điều giáo viên sẽ nói.
7. Hãy ghi chép bằng ngôn từ của riêng mình. Bạn nên hạn chế sử dụng nguyên văn từ ngữ của giáo viên, chỉ nên dùng khi cần thiết.
8. Hãy đọc lại ngay những ghi chép sau khi tiết học kết thúc. Thêm vào ghi chép của bạn những tài liệu bạn có thể nhớ được.
9. Đừng ghi âm các bài giảng. Việc làm đó chỉ trì hoãn học tập thật sự. Bạn hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên.
10 mẹo hàng đầu để chuẩn bị cho kỳ thi
1. Bắt đầu chuẩn bị ngay từ đầu khóa học. Hãy đọc tài liệu học và tham gia các tiết học.
2. Thường xuyên ôn lại trong suốt quá trình học.
3. Tập hợp lại mọi tài liệu.
4. Lập một thời gian biểu để đảm bảo bạn đã bao quát được mọi yếu tố chính.
5. Tổng kết nhanh khóa học trong 30 phút.
6. Lập danh mục tất cả các tài liệu có trong khóa học.
7. Ôn tập ở cường độ mạnh tất cả các tài liệu kết hợp với chủ động đọc kỹ mọi ghi chép và những đoạn được đánh dấu trong sách.
8. Thực hiện nhiều hoạt động đưa thông tin ra. Đây là bí quyết để thành công trong mọi quá trình chuẩn bị cho kỳ thi.
9. Thường xuyên tự kiểm tra.
10. Chuẩn bị những chiến thuật hiệu quả nhất để đương đầu với nỗi lo của bạn.
6 khía cạnh của việc quản lý thời gian tốt
1. Luôn nắm rõ những ưu tiên của mình.
2. Lập ra các kế hoạch hành động nhằm đạt được các ưu tiên. Đây là cách phòng thủ hữu hiệu chống lại sự trì hoãn.
3. Hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên.
4. Tuân thủ các nguyên tắc lập thời gian biểu phù hợp.
5. Tận dụng sức mạnh của những danh sách việc cần làm.
6. Luôn ghi lại các ngày quan trọng và các cam kết vào lịch.
10 trích dẫn có tính thúc đẩy hàng đầu
1. Trong thời đại của sự thay đổi mạnh mẽ, chính những người học tập sẽ kế thừa tương lai. Các nhà trí thức thường thấy mình được trang bị để sống trong một thế giới không còn tồn tại lâu nữa. (Eric Hoffer)
2. Nhiều người thất bại trong cuộc sống là vì họ không nhận ra mình đã bỏ cuộc khi đã tiến gần tới thành công. (Thomas Edison)
3. Trong cuộc chạy maratông, bạn chỉ đạt được những gì bạn hướng tới. Vì vậy, dù ngay lúc này có thể thất bại, bạn vẫn nên hướng đến một điều gì đó cao cả. (Henry David Thoreau)
4. Ban đầu, chúng ta tạo ra những thói quen, sau đó những thói quen lại rèn luyện chúng ta. Hoặc chúng ta chế ngự những thói quen xấu, hoặc chúng sẽ kiểm soát chúng ta. (Robert Gilbert)
5. Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ được bỏ cuộc. (Winston Churchill)
6. Bạn thấy những thứ có ở đó và hỏi ‘’Tại sao?” Nhưng tôi mơ thấy những thứ chưa bao giờ tồn tại và hỏi ‘’Tại sao không?” (George Bernard Shaw)
7. Định mệnh không phải là vấn đề cơ hội, đó là vấn đề chọn lựa; đó không phải là điều được trông chờ; đó là điều bạn phải đạt được. (William Jennings Bryan)
8. Bạn có yêu cuộc sống không? Vậy thì đừng phung phí thời gian vì chính nó đã tạo nên cuộc sống. (Benjamin Franklin)
9. Trước tiên, chúng ta tạo ra những thói quen. Sau đó những thói quen sẽ tạo nên chúng ta. (John Dryden)
10. Bí quyết để thành công chính là luôn kiên định với mục đích của mình. (Benjamin Disraeli)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.