Bộ phim trên tivi bắt đầu chạy hàng chữ giới thiệu tên diễn viên, Ân cầm điều khiển tắt đi, thấy tự dưng xốn xang. Kết phim, hai người sau nhiều gian khổ cũng đến được với nhau, nhưng lại trong hoàn cảnh không ai ngờ được, cô gái liệt đôi chân, cậu trai nguyện theo cô cả đời để chăm sóc. Ân thấy chán, kiểu kết thúc đại đoàn viên này, bây giờ phim ảnh nhan nhản, chủ yếu theo kiểu cả nhà cùng vui, ai bỏ thời gian ra ngồi coi phim đến hết cũng sẽ hài lòng, không bị bất ngờ vì cái kết thúc bi đát. Nhưng cũng chính vì an toàn quá mức như vậy lại làm người ta không còn cảm giác ngạc nhiên khi coi phim mà gần như đã đoán được kết cục.
Với lại, cuộc đời này đâu phải lúc nào cũng đẹp đẽ như trên phim.
Ân đứng dậy, vươn vai vài cái để cảm giác lười biếng chảy tan đi mất rồi đi ra cửa sổ, nghe gió lồng lộng chạm vào người. Ân thấy phố dưới kia trải dài, ánh đèn đường vẽ lên những dáng người kì dị, méo mó, rụm rọ đang lầm lũi bước đi. Sực nhớ đến thói quen của mình, Ân định quay vào phòng cầm điện thoại chụp hình, nhưng rồi Ân chợt nhớ đến lần nói chuyện vừa rồi cùng Mễ.
– Khi con người ta mất cân bằng ở cuộc sống thật, họ tìm đến thế giới ảo và bám víu vào đó. Càng cô đơn bao nhiêu, con người ta lại sống ảo bấy nhiêu. Ân phải nhìn ra được vấn đề của bản thân mình và giải quyết chứ không thể trốn tránh mãi được.
Những lời Mễ nói khiến Ân nhận ra được mình đang gặp phải chuyện gì. Đúng là cuộc sống của Ân bắt đầu thay đổi khi dính chặt với cái điện thoại và mạng xã hội. Lần đầu tiên chụp hình và đăng lên trang cá nhân, vài người vào thích rồi nhận xét hình đẹp, Ân thích vô cùng. Rồi từ đó, Ân bắt đầu chú ý đến những thứ mình sẽ đăng lên mạng. Những tấm hình ngày một đẹp hơn, lung linh hơn, sâu sắc hơn, và bạn bè cũng như những cuộc hẹn của Ân thưa thớt dần. Mỗi lần đám bạn chơi chung ngày trước rủ đi café, Ân ra ngồi nhưng thay vì nói chuyện vui vẻ, lại cứ khư khư ôm điện thoại, coi có ai bình luận hình ảnh của mình không để trả lời. Mỗi lần được rủ đi ăn, khi món ăn dọn ra, Ân cũng nhanh tay lấy điện thoại ra chụp một tấm hình, chỉnh màu cho rực rỡ rồi đăng lên mạng xã hội, thấy đám người yêu thích mình bắt đầu vào nhận xét, “Ngon quá, ăn ở đâu vậy…” rồi lại cứ thế ngồi lo trả lời cho từng người, mặc kệ món ăn nguội lạnh. Đến nỗi, Ân có thể trả lời hương vị món này ngon lắm dù bản thân chưa hề đụng vô được một miếng.
Dần dà, đám bạn bắt đầu chán cảnh suốt ngày đi café để nhìn Ân nhấn điện thoại, thế là các cuộc hẹn thưa thớt dần, cuối cùng là Ân chỉ còn biết nằm trong bốn bức tường để coi phim bộ cho qua ngày. Khi Mễ nói những điều này, Ân giật mình nhìn lại, đúng là cuộc sống mình bị cô lập khi do chính bản thân mình không trân trọng cuộc sống thực. Mễ không khuyên Ân bỏ mạng xã hội, bỏ chụp ảnh, mà chỉ nói Ân giảm dần.
– Chẳng ai bắt người khác cắt đứt ngay một thói quen hình thành từ lâu ngày được cả. Việc gì cũng cần phải có thời gian. Giờ chị nghĩ Ân nên dần dần hạn chết dùng mạng xã hội hay đăng hình lên đó, tập nhìn mọi thứ dưới con mắt thật của mình thay vì qua ống kính điện thoại, thay vì nhắn tin, hãy đi đến gặp người đó để nói, nghe giọng ngọt ngào của nhau, vẫn thích hơn nhìn những dòng chữ trên tin nhắn, Ân nhỉ?
Việc này với Ân đúng thật không dễ dàng gì. Ban đầu, Ân tính xóa luôn tài khoản của mình, nhưng lại cứ tiêng tiếc, làm không được. Vậy là tự nhủ sẽ dùng ít đi, một ngày chỉ đăng lên một hai tấm hình cùng vài dòng tâm trạng, thay vì mấy chục cái như trước đây. Ân ngồi trong công ty làm việc, để điện thoại kế bên nhưng cố gắng không nhìn vào nó, chỉ lo tập trung cho công việc. Chốc chốc, tay cứ như một phản xạ không điều kiện, cầm điện thoại kéo về phía mình, nhấn nút rồi mới nhớ ra bản thân đang trong giai đoạn tự thử thách, thế là lại quăng ra xa. Ba ngày đầu tiên, Ân cứ day dứt, khó chịu, bất an trong lòng, đến mức phải gọi điện cho Mễ để tìm một lời khuyên. Mễ khuyên Ân nên tìm cho mình một thú vui nào đó để khỏa lấp những khoảng thời gian nhàm chán, và giới thiệu Ân nên đọc sách, cũng như tên vài cuốn sách Ân nên đọc.
Và Ân chọn một cuốn của Tú.
Chẳng hiểu sao những thứ Tú viết Ân thấy chạm được vào ngóc ngách cảm xúc. Không phức tạp, không màu mè, cầu kỳ, nhưng xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, làm cho người đọc cứ thấy thấp thoáng hình ảnh của mình trong từng nhân vật Tú dựng lên, mà có khi, đó lại là chính những bản ngã khác của Tú. Và đọc sách đúng là có thể giúp Ân bớt chú ý vào điện thoại và mạng xã hội hơn. Như chính trong lúc này đây, Ân quyết định không chụp hình lại những thứ mình đang nhìn thấy và chia sẻ lên mạng xã hội nữa. Ân sẽ ghi nó lại bằng đôi mắt và lưu nó trong trí nhớ, chỉ để một mình Ân chiêm nghiệm được vẻ đẹp của những gì Ân thấy mà thôi.
Ừ nhỉ, mình chẳng sống cho mình thì còn trông mong gì sống cho ai.
Hít xong một hơi gió đêm căng lồng ngực, Ân mở cửa phòng và đi xuống nhà dưới. Ân muốn chờ Thụy, như cái đêm mưa Thụy về, ướt sũng và làm Ân nhớ hoài đến nay.
***
Đồng hồ đang quay, thêm một vòng mới. Hai chiếc kim một ngắn một dài lại đuổi nhau thành một cuộc hành trình không có điểm dừng. Con người ta rồi cũng như hai cái kim đồng hồ, vội vã, chạm vào nhau rồi tách biệt, lướt qua nhau như chưa từng quen… Phan nhìn đồng hồ, cũng khá trễ, không biết sao Nam vẫn chưa về. Phan muốn cầm điện thoại gọi cho Nam, chỉ để hỏi một câu Nam đến đâu rồi, gần về với Phan chưa, có cần Phan đón hay không… nhưng rồi lại thôi.
Lâu lắm rồi Nam mới có một cái hẹn ra ngoài đi ăn cùng bạn, đơn giản là bạn, chứ không phải như cái lần hẹn hò gã trai Việt kiều đi massage. Lần đó Phan không thích, nhưng biết tính Nam quý bạn bè nên cũng để Nam đi, mà Nam thì được cái ngoan, đi về kể lại mọi chuyện cho Phan nghe hết. Phan tin Nam đã không làm gì có lỗi với mình. Chính xác hơn, là Phan tin vào bản thân mình đủ để Nam không tìm đến bất cứ nguồn vui nào khác. Với Phan, yêu đồng nghĩa với tin tưởng vào người mình yêu. Như lúc này đây, Phan không lo lắng vì Nam có thể đi cùng người khác, Phan chỉ lo lắng cho sự an toàn của Nam, nhưng Phan vẫn không gọi điện, vì biết Nam cần cho mình một khoảng không gian khác, nơi không có bóng dáng Phan trong đó.
Từ ngày gặp lại nhau khi Phan về nước, từ ngày Phan kéo tay Nam ra khỏi quán bar, chạy một mạch về nhà để ôm Nam vào lòng, thế giới của Nam gần như biến mất. Nó gộp chung vào thế giới của Phan. Tất cả những việc Nam làm, đều chỉ vì một mục đích duy nhất là dành cho Phan. Đi học nấu ăn, chăm sóc Phan, thỉnh thoảng gặp vài người bạn của Phan, thậm chí, Nam đi gặp Mễ cũng là vì Phan. Phan biết Nam không thể vượt qua được nỗi đau của mình, nhưng Phan cũng không muốn coi Nam như một bệnh nhân tâm thần phải đi khám bác sĩ tâm lý. Thế nên, những buổi café cũng chỉ là cớ để Mễ có thể tiếp xúc Nam và hiểu thêm về vấn đề của Nam. Lần nói chuyện trước, Mễ có nói:
– Ngoài những biểu hiện của Nam tôi đã nhiều lần nói cùng Phan, tôi còn nhận ra một điều, với Nam, Phan là cả thế giới. Dù có mặt Phan tại nơi đó hay không, trong bất kỳ câu nói, hành động hay suy nghĩ của Nam đều có nhắc đến Phan. Tôi chẳng biết mình nên vui hay nên buồn cho Phan. Vì kiếm được một người yêu Phan như vậy, rất khó, nhưng xét về mặt cá nhân, Nam đang đánh mất tự chủ của bản thân. Mà như vậy, thì lại không thể tốt cho bản thân Nam.
Sau những gì Mễ nói, Phan hiểu dù yêu Nam đến bao nhiêu, Phan cũng chỉ là một phần trong cuộc sống Nam, chứ không thể là toàn bộ cuộc sống đó. Nam phải có công việc, có đam mê, có hoài bão, có những khoảng riêng dành cho mình. Tối nay Phan không bận, nhưng khi nghe Nam rủ đi gặp Khanh, Phan từ chối không đi. Khanh là bạn từ hồi cấp một của Nam, hai người gặp lại, chắc chắn sẽ nói về những kỉ niệm lúc còn nhỏ, câu chuyện đó không có Phan. Nam cần phải bắt đầu có một cuộc sống tự lập hơn cho mình.
Suy nghĩ chán chê, Phan bật tivi, kết nối internet lướt liền trang “Thiên đường”. Đúng như dự đoán, bài báo về đứa bé lừa gạt Tú mới viết hồi sáng đã được hơn mấy chục ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Ý kiến trái chiều ào ạt được người đọc viết ra để bảo vệ chính kiến của bản thân. Phan biết, trong số đó có hàng loạt bình luận do nhóm Phan tự viết, người ta chỉ như những con rối bị giật dây cảm xúc, đúng kịch bản mà Phan đặt ra trước. Phan nhếch mép cười, một cảm giác thỏa mãn chạy dọc cơ thể. Mỗi người lại có niềm vui riêng trong đời. Như Tú là kiếm tiền, Mễ là hiểu tâm lý người ta, Nam là yêu Phan, hay như Ân là đắm mình trong thế giới ảo, thì niềm vui của Phan là dẫn dắt người ta đi theo những gì mình sắp đặt. Đó cũng là lý do Phan chọn ngành báo chí để phù hợp với sở thích của mình.
Phan thích cái cảm giác chỉ cần một bài báo mình đưa lên sẽ có hàng loạt người chạy theo tin sái cổ, răm rắp làm theo, thậm chí đi chia sẻ cho người thân biết cái “thông tin bổ ích” đó. Phan là người sẽ quyết định xem cho ván cờ này sẽ đi như thế nào. Tú, là một con cờ, đám hỗ trợ tin bài, cũng là những con cờ, và độc giả cũng là những con cờ để Phan thỏa mãn thú vui điều khiển, thao túng suy nghĩ người khác. Và trên bàn cờ này, người thắng thế đang là Phan.
Phan nghe có tiếng lạch cạch mở khóa, bèn tắt tivi rồi ra cửa đón Nam. Nam vào nhà, áo thun trắng ôm vừa người với quần jeans xanh, giày vải nhẹ màu đen. Phan nhìn Nam một lúc rồi chớp chớp mắt, giữ Nam lại ngay cửa.
– Đứng yên anh nhìn chút coi Nam.
– Có gì đâu mà nhìn, làm như em lạ lắm.
– Lạ chứ.
– Sao mà lạ?
– Bộ đồ này anh mua cho Nam, lúc mua thấy nó xấu hoắc, giờ sao Nam mặc vô đẹp dữ vậy. Đúng là lụa đẹp nhờ người.
– Trời đất, đưa miệng đây em kiểm tra coi vừa ăn cái gì mà ngọt dữ vậy!
Nam kéo Phan lại gần, gởi lên môi Phan một nụ hôn thật dài rồi mới chịu buông ra.
– Nè, mới hút thuốc phải không?
Phan nhíu mày nhìn Nam. Nam le lưỡi, nhún nhún vai, vẻ mặt đầy ăn năn, hối lỗi:
– Lúc về Khanh mời, nên em mới hút… Có một điếu à.
– Anh lo là lo cho sức khỏe của Nam, chứ…
– Dạ, em biết rồi, sau này em không hút nữa đâu. Mà Phan hay thật, em nhai chewinggum rồi mà Phan cũng biết được.
– Không những vậy mà anh còn biết là Nam vừa uống rượu vang xong.
– Trời ơi! Người yêu của em có cái mũi thính ghê! Y như cún vậy đó.
Nam nói xong phá lên cười rồi tung giày, chạy vội vào phòng trong. Phan cũng chạy theo Nam, kịp ôm lấy Nam rồi ngã lên chiếc giường nệm dày.
– Hay quá ha Nam, mới cho đi chơi có một buổi tối mà về đã dám nói người yêu là chó.
– Em nói Phan là chó hồi nào, là cún mà.
– Còn trả treo?
– Không có, cún dễ thương hơn chó.
Phan không thèm nói gì thêm, kéo cái áo thun của Nam lên rồi cắn vào một bên hông. Nam giãy nảy, kêu la:
– Không chơi, không chơi vậy nha! Em sợ nhột!
– Em sợ anh mới hành hạ em chứ!
Mặc cho Nam vẫy vùng, Phan vẫn giữ chặt tay Nam, cắn mạnh hơn vào hông, rồi dùng cái cằm lún phún râu của mình cà sát vào eo Nam, làm Nam vừa buồn cười, vừa nhột, lại vừa khó chịu.
– Thôi, thôi! Em thua Phan rồi, em thua rồi! Tha cho em đi!
– Không tha.
– Năn nỉ mà, tha đi!
– Không!
– Vậy giờ muốn gì?
– Cởi đồ ra hết, nhanh lên.
– Em mới đi về, chưa tắm rửa gì hết…
Phan đặt sát mặt vào người Nam, hít một hơi dài:
– Vẫn còn thơm lắm, ngọt ơi là ngọt. Không cần tắm đâu. Mà hồi nãy uống nhiều không?
– Một hai ly thôi.
– Để anh cho Nam uống tiếp.
Phan ngồi dậy, quay người ra đầu tủ lấy chai rượu vang, khui nắp rồi đưa lên miệng tu một ngụm và cúi xuống hôn Nam. Rượu từ miệng Phan chạy dọc xuống miệng Nam, nụ hôn chan chát vang, vừa ngọt ngào, vừa pha thêm chút đắng cay… Nam nhắm mắt, nghe thấy mình như đang được sống bằng hơi thở Phan.
“Cause baby we were born to live fast and die young,
Born to be bad, have fun,
Honey, you and me can be one,
Just believe, come on.
If you love me hardcore, then don’t walk away,
It’s a game boy,
I don’t wanna play,
I just wanna be yours,
Like I always say,
Never let me go.”
***
Ân mở cửa phòng, nhìn xuống cầu thang tối bên dưới, bỗng dưng nghe thấy một âm thanh lạ, trước giờ chưa từng xuất hiện trong căn nhà này. Tiếng lầm rầm tụng kinh và tiếng nhịp mõ lốc cốc. Ân đi xuống, chớp chóp mắt để quen dần với ánh đèn đỏ quạch của phòng khách, rồi nhận ra bà giáo đang ngồi xếp bằng trước trang thờ, tiếng tụng kinh là từ bà mà ra.
Thấy Ân, bà giáo dừng tay mõ, ngưng đọc kinh, xếp cuốn kinh nhỏ để lại vào trang thờ rồi hỏi chuyện:
– Sao giờ này mà còn chưa đi ngủ?
– Con không ngủ được, nghe dưới nhà có tiếng kinh nên mới xuống nghe.
Bà giáo đứng dậy, cùng Ân về phía ghế sofa. Trong ánh đèn đỏ, Ân thấy bà giáo như già đi hơn chục tuổi sau vụ tai nạn vừa trải qua. Dấu chân chim nhúm nhó đằng đuôi mắt, dọc ngang như một đời đàn bà đã nhiều khổ đau. Bà giáo đặt một tay lên gối Ân, giọng âm trầm:
– Sau tai nạn về, cô đi chùa, nghe kinh kệ, thấy lòng mình cũng nhẹ nhàng hơn, cất bỏ đi những cố chấp trước giờ đa mang…
– Vết thương của cô còn đau không ạ?
– Gần như là hết hoàn toàn rồi, chỉ còn lại vết thẹo trên đầu thôi con.
– Còn… chuyện của cô và anh Minh, đã có tiến triển gì không?
Bà giáo thoáng im lặng, quay mặt nhìn về hướng bàn thờ có di ảnh chồng bên trên.
– Mấy bữa trước, cô có đi ăn, nói chuyện với nó được một lần. Cuộc sống của nó bây giờ ổn định và bận rộn lắm, nhưng được vậy thì cô cũng mừng.
– Sao cô không nói anh Minh về đây sống chung để mẹ con gần nhau hơn?
– Ân biết không, vết thương trên đầu cô, có thể cảm giác đau đã biến mất, nhưng vết thẹo vẫn còn, nhìn vào người ta sẽ nhớ mình đã từng đau… Mối quan hệ của cô với thằng Minh cũng như vậy, không thể trong một hai câu nói mà bỏ hết được chuyện xưa đâu…
– Nhưng ít ra con thấy anh Minh đã nói chuyện lại với cô sau bao nhiêu năm im lặng. Đây là tín hiệu tốt cho hai người.
– Có cha mẹ nào mà bỏ được con mình… Khi biết chuyện nó chỉ có cảm giác yêu đương với con trai, cô rất đau lòng. Cô không ghê tởm nó… vì nó là con cô, dù nó có ra sao… nó vẫn là con cô. Cô chỉ lo rằng cuộc đời nó sẽ khổ vì không giống với số đông… Nào ngờ, chính mình lại là người đẩy con mình ra xa.
Giọng bà giáo nghẹn đắng, Ân quay sang nhìn, thấy từ khóe mắt bà có giọt nước lăn dài. Ân lúng túng, chẳng biết phải nói gì vào lúc này, bèn vòng tay qua ôm bà giáo vào lòng.
Đêm nay, sao dài và thê lương quá…