An ngồi nhìn màn hình máy tính, mấy dòng số vẫn xanh xanh đỏ đỏ, mớ hóa đơn chứng từ cần giải quyết vẫn đang chất đống kế bên, nhưng Ân không có hứng để làm việc trong lúc này. Chiều nay, khi đi ăn về, Ân nhìn thấy mấy đồng nghiệp đứng túm tụm nói chuyện. Nếu là Ân của ngày trước, chắc chắn đã lo cúi đầu đi cho thật nhanh, cảm giác sợ hãi vì nghĩ rằng họ đang nói những điều không hay về mình. Giờ Ân đã khác, đã có thể bước đến tham gia câu chuyện, mặc dù vẫn còn đang run lắm. Thấy Ân bước tới, cả đám đều ngạc nhiên, nhưng cơn nhiều chuyện khó mà chặn lại nên vẫn tiếp tục câu chuyện đang dang dở. Người đang được nói đến là Tú.
– Em nói không sai đâu, chắc chắn là có chuyện gì đó mới nghỉ, chứ mấy chị thấy dạo này thằng Tú được sếp ưu ái dữ không, lương thưởng liên tục.
– Ui trời… nếu không vì tiền bạc thì còn cái gì khác ngoài mấy vụ kia.
– Vụ gì chị?
– Thì… cái chuyện Phan, sếp thằng Tú… là dạng đàn ông “đích thực” đó.
– A… ý chị là… thằng Tú không để cho ông Phan dê nên mới bị đuổi đó hả?
– Nè nè, chị mày không nói vậy nha, tự mày suy ra đó nha. Hồi nãy, Phan nó xuống đưa cái quyết định khen thưởng gì đó, sắp tới chuyển khoản cho thằng Tú mức thưởng gần bằng hai tháng lương. Mấy đứa nghĩ coi, không phải tiền bịt miệng, không cho thằng kia đi nói bậy bạ ra ngoài chứ là gì.
Cô nàng phó phòng nói xong rồi bật cười hi hí. Ân nghe chuyện, trong lòng cũng mang nhiều thắc mắc, nhưng biết rằng không tiện hỏi ở đây, nên cũng đứng thêm một lúc rồi lảng về chỗ. Suy nghĩ một hồi, Ân cầm điện thoại nhắn tin cho Phan, xin Phan cái hẹn đi café sau giờ làm. Chưa đầy một phút sau, Phan nhắn lại cho Ân, bảo rằng bây giờ đi café luôn, cứ báo là ra ngoài có công việc với Phan, không ai làm khó đâu.
Gần “Thiên đường” có một tiệm café nhỏ nằm trong hẻm, chủ quán là cô kiến trúc sư năm nay đã ngoài bốn mươi, chưa chồng. Quán tên “Chờ”, nghe khắc khoải như nỗi niềm cô mang. Năm đó, cô và anh yêu nhau nồng cháy, cái tình yêu đầu đời chớm nở, bừng bừng như lửa mà hai người lại thành thiêu thân lao vào, sống chết gì cũng mặc, chỉ cần được bên nhau là toại nguyện. Tình cảm chưa được bao lâu, anh nghe gia đình bỏ đi vượt biên. Ngày đi, anh nắm chặt tay cô, hứa là qua được bên kia rồi sẽ quay về tìm, làm đám cưới để đón cô sang ở cùng. Rồi anh cứ vậy mà đi biền biệt. Năm năm cô chờ, mười năm cô chờ, hơn hai mươi năm cô vẫn chờ, tuổi xuân trôi qua rồi, giờ ngoài bốn mươi, cô vẫn chờ.
Ai hỏi, cô cũng cười nói, “Chờ người mình yêu, xứng đáng lắm”.
“Chờ” đầy tranh cô vẽ. Chủ thể là đàn ông. Thân hình rắn rỏi, đường nét cơ thể rõ mồn một, chỉ mỗi gương mặt tựa khói sương. Khách đến quán những buổi chiều, có lúc thấy cô ngồi bên giá vẽ, tay cầm chì hí hoáy, ai cũng hỏi, “Sao chẳng có gương mặt, hay bà chủ còn nhớ mặt người ta không?” Nghe hỏi cô cười, “Có bao giờ quên đâu mà còn nhớ, chẳng qua là… muốn giữ gương mặt đó lại cho riêng mình, đàn bà tuổi này, ích kỷ lắm.” Và quán vẫn “chờ”, tranh cũng “chờ”, cô cũng “chờ”.
Phan với Ân ngồi trong quán, nghe nhạc Vũ Thành An phát ra từ cái máy hát đĩa than kiểu cũ của cô kiến trúc sư lặn lội mãi mới mua được về.
“Nhớ em nhiều, nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm, còn hứa gì
Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ
Ngày còn đây người còn đây
Cuộc sống nào chờ…”
Ân mở đầu câu chuyện:
– Em cảm ơn anh đã giới thiệu em đến gặp Mễ.
– Ơn nghĩa gì đâu em, tình hình của em sao rồi, đã cảm thấy thoải mái với bản thân hơn chưa?
– Đỡ nhiều lắm rồi, Mễ đúng là một người rất giỏi trong lãnh vực tâm lý.
– Anh cũng yên tâm là mình không giới thiệu lầm người. Sao hôm nay lại có hứng mời anh ra café, không chỉ đơn giản là để cảm ơn chứ?
Ân hít một hơi dài, thoáng suy nghĩ coi nếu mình quan tâm về Tú thì Phan sẽ nghĩ gì, có cho rằng mình và Tú có gì mờ ám hay không. Nhưng rồi Ân nhanh chóng gạt bỏ mớ suy nghĩ đó ra khỏi đầu, Ân bây giờ không được có kiểu suy nghĩ như vậy nữa.
– Em muốn hỏi anh, vì sao Tú nghỉ? Tú đang làm việc tại công ty mình rất tốt mà.
– Sao em không hỏi Tú mà hỏi anh?
– Em… – Ân lúng túng, không ngờ Phan lại có câu trả lời như vậy.
Nhìn thấy sự bối rối trên mặt Ân, Phan phì cười:
– Cuộc đời này vốn tùy duyên mà em, khi hết duyên thì con người ta phải đi. Tú có dự định, kế hoạch cho tương lai của mình, nếu cứ cố giữ Tú lại thì khác nào hại nó.
– Em… em hiểu rồi.
– Em quan tâm Tú thì nhắn tin hỏi thăm nó đi, hẹn café nói chuyện cũng được, không còn là đồng nghiệp vẫn có thể gặp nhau mà.
– Em sẽ hẹn Tú, chắc chắn.
– À, mà em biết Tú có viết sách không?
– Thật sao anh?
– Ừ, hai cuốn, viết về đàn bà, được nhiều người thích lắm.
– Bút danh của Tú là “Chú Hề” phải không?
– Đúng rồi.
Ân tròn mắt ngạc nhiên, không ngờ rằng gã trai có đôi mắt bất cần đời hay lảng vảng ở công ty lại là tác giả cuốn sách mình rất yêu thích. Nhìn cái vẻ bề ngoài của Tú, ai mà dám nghĩ Tú viết được chữ, chứ đừng nói là đi làm báo, còn viết văn. Đúng là đời lúc nào cũng đầy bất ngờ dành cho người ta.
***
Chân Jade sau khi làm phẫu thuật chỉnh lại xương đã bớt đau nhiều, tuy nhiên bác sĩ vẫn giữ lại để theo dõi thêm một hai ngày trước khi cho xuất viện. Khanh tất bật ra vô bệnh viện chăm sóc con, Nam cũng phụ một tay vì nhìn thấy hoàn cảnh hai mẹ con ở đây không nhiều người thân.
Jade không thể kể lại chính xác nơi mình đã bị giam giữ do trí nhớ trẻ con giới hạn, cánh công an cũng lần theo khu vực Jade bị tai nạn tìm kiếm, nhưng không thu được manh mối gì. Công an cũng mấy lần nói chuyện cùng Khanh. Khanh có thể bỏ qua chuyện bắt cho bằng được đám bắt cóc, nhưng còn chiếc xe đụng Jade, Khanh không dễ dàng quên được.
– Vấn đề ở đây không phải là có bồi thường hay không, mà là tôi không chấp nhận chuyện người ta không có trách nhiệm với lỗi lầm của mình gây ra. Tại sao họ đụng con bé rồi bỏ chạy mất?
– Bên chúng tôi đã điều tra, nguyên nhân không phải là do người lái mà là xe bảo trì không tốt.
– Đó cũng là lỗi của người chủ xe, tôi không đồng ý với cách giải thích này. Và tôi muốn gặp họ để nói chuyện thì tốt hơn là cứ phải để anh làm trung gian. Bây giờ tôi vào chăm sóc cho con mình, khi khác nói chuyện với anh.
Khanh nói xong bỏ lại anh cảnh sát rồi vào phòng bệnh, thấy Jade đã nằm ngủ, Nam ngồi trên ghế cạnh đó đọc sách.
– Nó mới ngủ thôi Khanh, công nhận Jade ngoan thật, ở với Nam là người lạ nhưng không khóc lóc gì hết. – Nam bỏ sách, nói chuyện cùng Khanh.
– Ở bên đó Khanh cũng đi làm suốt nên gởi nó cho ông bà ngoại, tối mới đón về nhà, nó tự chơi một mình cũng quen rồi.
– Khanh bên đó… cũng vất vả nhỉ.
– Người ta nói Mỹ là thiên đường, không đúng đâu Nam, để kiếm đồng tiền thì ở đâu cũng là trần gian, ai cũng phải sống, phải làm lụng như nhau thôi. Mà bên đây không làm thì còn lây lất, người này người kia giúp đỡ, chứ bên đó thì không làm chỉ có chết đói thôi.
– Cũng như Sài Gòn này vậy. Người ở xa nhìn tới thấy nó đẹp lắm, lung linh lắm, chứ còn sống trong nó, mới thấy nó tàn nhẫn, lạnh lùng.
Jade trở mình, khẽ phát ra tiếng rên vì cái chân đau. Khanh vội chạy lại giường, vỗ cho con bé tiếp tục giấc ngủ.
– Bên công an họ nói sao rồi?
– Thì cũng như vậy, lòng vòng, nói rằng bên gây tai nạn không có lỗi. Khanh chẳng hiểu sao họ lại trốn tránh trách nhiệm như thế, trong khi mọi việc rõ rành rành ra.
– Con người mà Khanh, cái gì họ cũng muốn gom vào mình, chỉ có trách nhiệm là đẩy đi cho người khác.
Cửa phòng bệnh bật mở, Phan bước vào, tay xách theo mấy hộp sữa và bánh ngọt, nhìn thấy Jade thiêm thiếp ngủ liền hạ giọng.
– Khanh và Nam mệt chưa? Có cần người canh thay không?
– Tụi em nãy giờ ngồi nói chuyện thôi, đâu có gì mệt, anh mới đi làm về sao không nghỉ ngơi mà ghé đây?
– Tại nhớ cậu này đây!
Phan nói rồi đưa tay nhéo má Nam. Sống ở Mỹ lâu ngày, Khanh không lấy làm ngại khi nhìn thấy hai người thể hiện tình cảm yêu thương nhau, mà chỉ vui vì nhìn thấy bạn mình hạnh phúc.
– Anh đi lên gấp quá nên quên mua nước, Nam xuống mua giùm anh chai nước nha.
– Có vậy không mà cũng quên. – Nam nhăn mặt, giả bộ khó chịu.
– Đầu óc anh dùng để nhớ em là gần hết rồi.
– Dẻo miệng quá. Để em đi mua nước cho.
Nam ra ngoài, để Phan ở lại. Phan bước đến giường, nhìn Jade đang nằm ngủ, hơi thở điềm nhiên, an bình.
– Khi nào Khanh về nước?
– Hai tuần nữa Khanh bay.
– Lúc đó chân của Jade chưa lành hẳn đâu.
– Không sao đâu, bác sĩ nói sau hai tuần thì đã có thể bước chầm chậm, về bên kia dịch vụ y tế cũng rất tốt, chắc khoảng ba tháng thì Jade đi lại như bình thường được.
– Ok, như vậy cũng mừng, coi như là tai qua nạn khỏi… Có chuyện này, tôi muốn nói với Khanh, ra ngoài kia được không?
Khanh nhìn Phan, cảm thấy có chút thắc mắc nhưng rồi cũng đứng dậy, khép cửa phòng bệnh để ra hành lang nói chuyện.
– Tôi nghe nói, Khanh vẫn muốn kiện bên gây tai nạn cho Jade?
– Không hẳn là kiện tụng gì, Khanh cũng không còn nhiều thời gian ở đây, nhưng muốn làm để cho người ta phải có trách nhiệm với con gái Khanh, ít ra là phải gặp mặt, xin lỗi.
– Khanh cần người ta bồi thường phải không? Bao nhiêu thì đủ?
Khanh dừng câu chuyện lại vài giây, nhìn sâu vào mắt Phan, thấy sao lạ lùng quá, không còn cái vẻ thân quen như lúc Phan cùng Nam chạy đôn chạy đáo giúp Khanh tìm con mấy ngày trước. Rốt cuộc, Phan là người thế nào đây?
– Tại sao anh lại hỏi sâu vào chuyện này?
– Đời có rất nhiều cái tình cờ Khanh ạ. Tôi vô tình có quen biết với người lỡ tay gây ra tai nạn xe lần này, và người ta thì nhờ tôi nói chuyện với Khanh một tiếng để giải quyết mọi chuyện cho êm xuôi.
– À… thì ra là như vậy. – Khanh cười khẩy. – Người ta trả cho anh bao nhiêu tiền?
– Khanh đừng hiểu lầm, tôi làm chuyện này cũng là muốn giúp người khác, chứ cũng chẳng nhận lợi lộc gì.
– Nếu Khanh vẫn không nhận lời yêu cầu của anh thì sao?
– Thì chúng ta vẫn cứ tiếp tục làm những gì mình thích. Nhưng, tôi muốn nói để Khanh biết là tôi có người chứng kiến rằng bé Jade ngày hôm đó đã hốt hoảng chạy tới trước đầu xe để người ta phải lạc tay lái, làm lớn chuyện lên chưa biết ai là người bất lợi.
– Phan đang đe dọa tôi à?
– Không, tôi chỉ nói những gì mình cần nói thôi.
Trong phòng có tiếng của Jade, con bé vừa dậy sau giấc ngủ chập chờn.
– Chuyện này tôi sẽ suy nghĩ sau, chào Phan. – Khanh nói rồi mở cửa phòng đi vào, bỏ lại Phan đứng giữa hành lang bệnh viện trắng toát.
***
Nam dựa người đoạn rẽ của hành lang, không tin vào những gì mình vừa nghe được.
***
Thụy tấp xe vào quán cơm bên lề đường, chọn một phần ăn rồi ngồi xuống chiếc ghế nhựa kê bên chiếc bàn gỗ thấp. Từ tay Thụy rơi ra mấy cọng tóc con con, dài ngắn khác nhau. Theo lời giới thiệu của Phan, Thụy đi học làm tóc và trang điểm đã được mấy ngày. Ban đầu vào, chỉ là đứng phụ mấy công việc lặt vặt và được hướng dẫn thêm. Chủ ở đây là người có tâm, chỉ dạy rất tận tình và không có bất kỳ ý đồ nào không tốt, Thụy cảm thấy may mắn lắm khi tìm được đúng nơi mình cần. Hôm qua Thụy nhắn tin cảm ơn Nam và Phan, hẹn hai người ra café, nhưng Phan đang bận công chuyện gì đó không đi được, còn Nam thì lại thường vào bệnh viện phụ cô bạn chăm sóc con gái vừa bị tai nạn xe.
Dĩa cơm được mang ra, Thụy lấy muỗng đũa rồi bắt đầu ăn thì nghe bàn kế bên nói chuyện lao xao.
– Đúng là bây giờ có tiền với đẹp thì tội lỗi gì cũng được bỏ qua.
– Ông nói cái vụ con người mẫu H. đụng xe xong có người nhận tội giùm phải không?
– Thì nó đó chứ còn ai, nhìn cái cảnh là biết con này say xỉn đụng người rồi, làm gì mà có chuyện tài xế quên sửa thắng xe. Báo chí bây giờ đưa tin cũng phiến diện, không còn tin được.
– Báo chẳng qua là công cụ thông tin dành cho người có tiền thôi, ông muốn nổi tiếng không, bỏ vài triệu ra là có báo lăng xê cho chứ gì.
– Ui… cái thằng cha này, hôm nay nói chuyện nghe ghê dữ, công cụ thông tin, ngồi gầm cầu nói chuyện quốc tế hả ông nội?
Cả bàn cười ồ rồi xì xoạp ăn, chuyển đề tài qua mông ngực của cô ca sĩ nào khác. Thụy suy nghĩ về những thứ mình vừa nghe được, biết chắc là họ nói về vụ bé Jade, con bạn Nam và cô người mẫu H. Hôm kia Thụy gọi hỏi thăm, nghe Nam kể sơ sơ câu chuyện là vậy. Thụy tính chiều nay mang ít bánh vào bệnh viện thăm bé gái đó, sẵn gặp Nam luôn.
Một chiếc xe tải chạy ngang qua đường, thả từ trên xuống đám đất cát xây dựng, cộng thêm lớp bụi đường mù mịt cuộn luôn vào mấy dĩa cơm. Bàn bên cạnh phát ra tiếng chửi, rồi họ đứng dậy, kêu tính tiền, bỏ luôn mấy thứ đang ăn. Thụy cũng ngán ngẩm nhìn dĩa cơm lấm tấm bụi của mình rồi kêu tính tiền luôn, cô chủ quán rối rít xin lỗi, bảo sẽ đổi cho cơm khác nhưng chẳng ai thiết tha nữa. Đành chịu, ăn cơm giá rẻ lề đường thì phải chấp nhận thôi.
Thụy leo lên xe, chạy về nhà trọ, thấy căn nhà đóng cửa im ỉm. Giờ này bà giáo chắc đã đi dạy trên trường, Ân thì cũng đang ngồi trên công ty, mà hình như gần tới giờ Ân về rồi thì phải. Mấy nay bận rộn quá, Thụy không ngồi nói chuyện với Ân được, hay tối nay rủ Ân ra ngoài ăn tối, café cùng nhau. Thụy khóa cửa nhà cẩn thận rồi lên phòng, nhắn tin hẹn Ân xong thì vào nhà tắm, xả hết mấy cọng tóc ti ti đang bám vào người gây khó chịu.