Khóc Giữa Sài Gòn

CHƯƠNG 21



Mễ trượt dài cơ thể bên Tú, nghe nhịp tim Tú thổn thức áp chặt vào người. Đây không phải lần đầu tiên của Mễ và Tú, căn bệnh rối loạn của Mễ cũng chưa trị khỏi, nhưng không hiểu sao, bên Tú vẫn cho Mễ những cảm giác tinh mơ như lần đầu hai người quấn lấy nhau trong ánh đèn vàng phòng Mễ.
Tú nằm nhìn trần nhà, Mễ sát bên. Tay Tú vô thức luồn vào mấy lọn tóc con con còn ướt mồ hôi của Mễ.
– Tôi đẹp không Tú?
– Sao lại chọn lúc này để hỏi?
– Tại sao không phải lúc này?
– Đàn ông khi mới ra rồi thì Thị Nở cũng như Hằng Nga thôi Mễ.
Tú nói rồi bật cười, thấy Mễ im lặng.
– Giận à?
– Không, hơi đâu đi giận người dưng.
– Ừ thì người dưng. Quấn lấy nhau bao nhiêu lần rồi vẫn là người dưng.
Im lặng đột nhiên bao trùm cả căn phòng đèn vàng, im lặng đến mức Mễ nghe được tiếng đồng hồ lạch cạch, im lặng đến mức, Mễ nghe tiếng tim Tú chậm dần, im lặng đến mức, Mễ nghe được trong lòng có chút vỡ tan.
– Bệnh của Mễ… có thay đổi gì không?
– Ừ thì, cảm xúc vẫn cứ trơ trơ ra đó.
– Có khi nào là… tại kích thước không? Mễ có từng… với bọn Tây chưa?
– Nhiều hơn một lần. Nhưng cũng vậy.
Mễ từng thử với những gã đàn ông da trắng, mắt xanh, mũi lõ. Cảm xúc họ mang lại cho Mễ hoàn toàn khác cảm xúc của đàn ông bản xứ. Dĩ nhiên Mễ không so sánh, vì cơ bản chẳng ai đi so sánh những thứ thuộc về cảm xúc, nhưng thứ Mễ cảm nhận được rõ ràng nhất ở những gã Tây, là họ trân trọng từng cử động cơ thể của đối phương khi trên giường.
– Nếu không có gì khác hơn, sao Mễ vẫn muốn ngủ cùng tôi?
– Tôi nói rồi, bên Tú tôi tìm được bình yên, với đàn bà, chuyện thỏa mãn về sinh lý không quan trọng bằng việc được thỏa mãn cho cái sự khát khao an toàn.
Không hiểu sao Tú lại có cái thôi thúc để vòng tay mình qua, ghì chặt Mễ vào lòng.
– Ngày mai tôi đi rồi, Mễ có nhớ tôi không?
– Chắc sẽ nhớ vài ngày, rồi lại cuốn vào vòng cuộc sống, lại quên thôi. Đâu phải lần đầu tôi quên đàn ông trong đời mình.
– Tôi đi nếu thành công thì chừng một hai tuần là về, không lẽ nhiêu đó ngày đã quên?
– Muốn không quên thì về đây mà nhắc cho tôi nhớ.
Mễ dụi đầu vào ngực Tú. Mùi tóc Mễ thoang thoảng, phủ hết tất cả những giác quan. Bao nhiêu lần cùng nhau, chưa bao giờ Mễ lại có những cử chỉ âu yếm đến như vậy. Bao nhiêu lần cùng nhau, chưa bao giờ Mễ đàn bà đến vậy. Tú đắm mình trong những cảm xúc kì lạ này. Giống như đây mới thật sự là lần đầu tiên Tú lột trần Mễ, được cảm nhận sâu thẳm bên trong Mễ là một bản ngã đàn bà yếu mềm, khao khát từng chút một yêu thương người ta rót cho. Tú siết Mễ chặt hơn, đặt môi lên trán Mễ, thành nụ hôn, rồi nói cái câu trong bao nhiêu lần mặn nồng qua chưa bao giờ nói:
– Tú yêu Mễ.
 
***
 
Ở một nơi khác của Sài Gòn, cũng có hai con người vừa buông nhau ra khi đã mệt nhoài sau hoan lạc. Nam quay lưng, hơi co hai chân, để từ đằng sau, Phan vòng tay ôm trọn cơ thể người yêu vào lòng. Hơi thở Phan nồng nồng mùi rượu phả ra từ sau lưng Nam. Khi nãy Phan về, ngà ngà say, ôm lấy Nam rồi kéo nhau lên giường, cuồng nhiệt. Chẳng biết có phải là hư đốn không, nhưng Nam thích làm tình với những người có chút rượu trong người. Hơi men quyện chặt trong ái tình làm người ta chếnh choáng say, mà lại chẳng biết mình đang say bởi thứ men nào.
“Everytime I close my eyes
It’s like a dark paradise
No one compares to you
I’m scared that you won’t be waiting on the other side
Everytime I close my eyes
It’s like a dark paradise
No one compares to yo
But that there’s no you, except in my dreams tonight.”
Hai người cứ vậy im lặng, cùng nhau nhìn đời trôi ngoài kia. Những ngày mới dọn về đây sống cùng Phan, Nam thích cảm giác ở lưng chừng nhìn xuống đám đông bên dưới. Thấy họ trôi xuôi theo đời, chợt nghĩ, mình đang tạm dừng lại hay cũng đang bị cuốn theo mà không nhận ra?
– Chết có đau không Phan? – Giọng Nam như vọng về từ đâu xa xăm lắm.
– Còn tùy người ta chết bằng cách nào nữa Nam.
– Là sao?
– Có người chết bất thình lình, kiểu như trong một tai nạn, họ chưa kịp nhận ra đau đớn thì đã bỏ thế gian. Có người thì lại chọn cái chết từ từ, tận hưởng cái chết như đang uống rượu.
– Tận hưởng bằng cách nào?
– Họ cắt tay, cảm nhận cơn đau từ một phần cơ thể lan tỏa, rồi máu chảy dần ra ngoài, cho đến khi cảm giác đau từ từ tan biến, đó là lúc người ta ra đi. Mà sao Nam lại hỏi những thứ này?
– Em chỉ muốn hỏi thôi… Phan sợ chết không?
– Anh không sợ chết, chỉ sợ sống mà như đã chết.
– Giống như em từng sống trước đây phải không Phan?
Phan giật mình vì vô tình chạm lại nỗi đau trong Nam, vội ôm lấy Nam chặt hơn.
– Chuyện cũ rồi, đừng nhớ tới nữa Nam.
– Dạ… Phan mệt rồi, mình đi ngủ nha.
Phan dụi đầu vào cổ Nam, một lần nữa mùi da thịt Nam trộn trong men rượu, cơn say ùa về, Phan ngà ngật, chẳng hiểu sao lại buột miệng hỏi:
– Còn Nam, Nam có sợ chết không?
– Em không sợ chết, em chỉ sợ xa Phan.
– Khờ quá, anh không bao giờ xa Nam đâu, ngủ đi Nam. Tối mai mình có hẹn Mễ qua nhà chơi đấy.
Nam gật gật đầu, hít một hơi dài và nhắm mắt cố kéo mình vào giấc ngủ đầy mộng mị.
 
***
 
Đêm nay Sài Gòn tự dưng có gió lạnh.
Gió cuốn đám lá vàng héo úa dưới mặt đường đảo bay xào xạc, cô công nhân vệ sinh lia tay chổi, tiếng xoèn xoẹt vọng lên phá vỡ không gian im lìm của đêm. Thụy nằm trong phòng, tay cầm điện thoại, cũng vừa kịp kết thúc câu chuyện dở dang.
– Em biết rồi, anh đi bảo trọng. Về thì anh em còn gặp nhau mà, lo gì.
Tú vừa gọi cho Thụy để chia tay, ngày mai sang nước hàng xóm buôn hàng về bán. Tú không nói rõ sẽ buôn gì, nhưng qua cách lấp lửng, có phần giấu giếm, cũng như hiểu được hoàn cảnh của Tú, Thụy biết việc này chắc không thể cho quá nhiều người biết được. Thụy cũng tiếc vì không hẹn Tú ra uống vài chai bia tạm biệt, nhưng nghĩ lại, đi buôn chắc một hai tuần là về, đâu cần làm chi cho hoành tráng, mắc công như vậy. Thôi thì cứ hi vọng rằng Tú sẽ thành công với lựa chọn của mình là được.
Đang suy nghĩ, chợt ngoài cửa có tiếng chìa khóa làm Thụy bật người ngồi dậy, nhưng suy nghĩ một chút, rồi lại nằm phịch xuống nệm. Thụy chẳng biết cảm xúc lúc đó của mình ra sao, nửa muốn gặp Ân, nửa lại như có thứ gì ngăn cản. Có tiếng gõ cửa phòng, Thụy hồi hộp mở cửa, thấy Ân đang đứng nhìn mình, mỉm cười:
– Thụy còn thức à?
– Ừ… bình thường tôi ngủ cũng trễ mà.
– Xin lỗi vì hôm nay không đi café với Thụy được… Giờ nếu Thụy rảnh, xuống dưới nhà uống trà với tôi nhé.
– Ân cứ xuống trước, tôi pha trà đem xuống cho, trà gừng mật ong như lần trước nha Ân.
Khi Thụy cẩn thận cầm hai ly trà nóng trên tay đi xuống cầu thang, Ân đã ngồi yên trong ánh sáng đỏ quạch, yếu ớt phát ra từ trang thờ dưới sảnh nhà bà giáo. Ân đứng dậy, đón ly trà từ tay Thụy, gật đầu cảm ơn. Thụy ngồi xuống cạnh Ân, hớp một ngụm trà, nghe ấm nóng trong lòng, nhưng lại không biết là do trà ấm hay cảm giác bên cạnh Ân ấm. Ân lấy cuốn sách của Tú ở bên cạnh ra, đưa về hướng Thụy.
– Hôm nay Ân không đi được, là để gặp tác giả của cuốn sách này.
Thụy nhìn sách, tròn mắt ngạc nhiên vì trong phòng mình cũng có một cuốn tương tự, với lời đề tặng của chính Tú.
– Trời, Ân đi gặp anh Tú à? Thụy cũng là bạn của Tú đây.
Thụy nhanh chóng kể lại câu chuyện vì sao mình quen Tú, cũng như hoàn cảnh đẩy đưa để hai anh em ngang hông cứ thỉnh thoảng lại gặp nhau, uống vài chai bia nói chuyện Sài Gòn cho bớt chán. Thụy cũng chẳng ngờ rằng Ân lại làm cùng Tú ở “Thiên đường”. Mà trước giờ, có khi nào Thụy quan tâm đủ đến Ân đâu. Thụy chỉ biết Ân có gia đình ở xa, thuê căn phòng này để ở rồi đi làm kế toán cho một công ty nào đó. Hai người làm nghịch giờ, có khi mấy ngày trời không thấy bóng dáng người kia, chuyện trò cũng chẳng được mấy câu. Ân ít nói, đi về cũng chỉ chui rúc trong phòng, chỉ đến thời gian gần đây mới thoải mái hơn để nói chuyện cùng Thụy. Ở Sài Gòn này là vậy đó, có khi người ta cách nhau chỉ mấy bước chân mà cứ như vô hình trong đời nhau.
– Sài Gòn này đúng là nhỏ thiệt, cứ vậy mà quanh quẩn quen nhau, Thụy thấy đúng không?
– Thụy lại nghĩ Sài Gòn cũng không nhỏ đâu Ân, lỏng tay một chút thì mất nhau cả đời đấy chứ.
Ân im lặng, trầm ngâm, đúng là nếu chẳng tìm nhau, thì không giờ được gặp.
– Dạo này tôi thấy Ân khác trước nhiều lắm.
– Khác như thế nào?
– Ân vui vẻ, yêu đời và sống động hơn hẳn trước kia.
– Tôi… tôi thấy mình vẫn vậy, đâu có gì khác. – Ân bối rối, không nghĩ Thụy lại quan sát mình kỹ đến vậy.
– Trước đây, Ân vẫn đẹp, vẫn dễ thương nhưng lúc nào cũng như giam mình đằng sau rất nhiều cảm xúc, không muốn ai chạm tới, thậm chí, cũng chẳng muốn ai quan tâm mình. Giờ thì Ân còn chú ý đến cảm xúc của người khác. Với lại… thế giới của Ân đã tách ra khỏi cái điện thoại rồi thì phải.
– Sao Thụy lại quan tâm và chú ý đến tôi kỹ vậy?
– Tôi… tôi cũng không biết, chẳng hiểu sao sau cái đêm ngồi nói chuyện cùng Ân, tôi cứ hay suy nghĩ về Ân. Bản thân tôi cũng không biết gọi cái cảm xúc đó là sao… vì nó chưa phải là yêu thương, chỉ là… quan tâm hơn thông thường một chút. Ân hiểu ý tôi chứ?
– Tôi hiểu… nhưng… – Ân không ngờ trong lúc này lại nghe Thụy thổ lộ tấm lòng. – Thời gian này tôi chưa sẵn sàng đón nhận tình cảm kiểu như vậy.
– Ân… Ân đừng hiểu lầm. Tôi biết tình cảm là thứ thuộc về tự nhiên, nên cứ để tự nhiên tới. Tôi chỉ làm theo những gì cảm xúc của mình có. Đi với ai thấy vui, tôi sẽ đi cùng, nói chuyện với ai thấy hợp, tôi sẽ nói, và lòng thấy nhớ ai, tôi sẽ nhớ người đó. Ân không cản được đâu.
Ân im lặng, nghe Thụy nói một tràng dài, thấy Thụy nói xong mà nghe được luôn tiếng nhịp tim đang đập thùm thụp.
– Thì… Thụy nhớ cứ nhớ đi, tôi có dám cản đâu.
– Ừ, vậy tôi sẽ bắt đầu tập nhớ.
– Thôi, tôi lên phòng nằm đọc sách đây… để Thụy ngồi đó nhớ cho đã.
Ân nói rồi đứng dậy, bước nhanh tới chân cầu thang, cái dáng đi hôm nay sao mà cũng vui hơn bình thường. Và cũng như lần trước, Ân dừng lại, không nhìn về hướng Thụy nhưng nói một câu biết chắc Thụy nghe được:
– À, mà Thụy cứ nhớ đi, biết đâu người ta cũng nhớ Thụy.
Và Ân vội vàng bước lên cầu thang, không biết có phải do hơi ấm từ ly trà ban nãy không, mà giờ má nóng bừng bừng. Thụy vẫn còn ngồi lại sofa, nhìn thấy Ân khuất hẳn trên cầu thang rồi mới ngả người dựa vào lưng ghế, bao nhiêu sức lực trôi đâu mất tiêu. Nói ra những gì lòng mình suy nghĩ, nhiều lúc lại khó khăn và mệt mỏi hơn cả trèo đèo vượt biển. Cũng may mà, người ta không làm mình thất vọng.
 
***
 
Từ khi Tú nghỉ làm, khối lượng công việc ở “Thiên đường” dồn cho Phan nhiều hơn. Phan cũng muốn kiếm một người thay thế vị trí của Tú, nhưng đúng là không phải ai cũng có được sự bất cần và cách nhìn đời như Tú.
Từ ngày báo mạng phát triển, người ta bắt đầu kéo nhau đi làm báo, ai cũng có thể trở thành phóng viên. Mà phóng viên thì cũng năm bảy loại, thượng vàng hạ cám. Loại cao cấp, được nghề tôn trọng là những anh dám lăn xả vào các vấn đề xã hội, không ngại nguy hiểm, đe dọa của các thế lực khác nhau để có một bài phóng sự điều tra dài mấy kỳ. Loại thấp hèn, bị dân chúng coi khinh là đám ngồi trong văn phòng, máy lạnh, suốt ngày chăm chăm nhìn vào trang cá nhân của đám sao mới nổi, canh chúng chửi nhau thì chụp lại ảnh màn hình, đưa lên thành bài báo. Thậm chí, khi không có ai chửi ai, không có ai hở mông, hở ngực, chúng bắt đầu ngồi tự suy diễn, tưởng tượng ra những câu chuyện tởm lợm, phần nhiều liên quan đến tình dục để làm mồi câu lượt xem. Thứ đấy, dân trong nghề không gọi nhà báo, mà là “chòi báo” hay “lều báo” gì đấy.
Khi mới vào nghề, Tú là một “nhà báo” trong tâm thức. Tức là Tú sẵn sàng không ngại gian khổ để có một bài viết hay, đăng lên báo giấy nhận vài trăm ngàn nhuận bút, chẳng đủ tiền cho mấy ly café sang chảnh ở Sài Gòn. Cho đến khi gặp Phan, cần tiền, Tú chấp nhận trở thành một “lều báo” tàn nhẫn với chính ngòi bút của mình. Nhưng giờ, Phan cần một “lều báo” có khả năng như Tú cũng là điều khó khăn. Mấy ngày gần đây, chỉ số lượt xem của “Thiên đường” đang có dấu hiệu đứng yên và đi xuống rõ rệt.
Gã tổng giám đốc cầm điều khiển tivi tắt màn hình với những cột chỉ số xanh đỏ, quay ghế lại ngồi đối diện Phan.
– Cậu Phan thấy rồi đó, đâu phải khi không mà đám cổ đông nháo nhào lên, sau cái vụ của con H. đến giờ “Thiên đường” chẳng còn gì hấp dẫn.
– Anh cũng biết là phải dựa vào dư luận xã hội mới có thể tạo được bài viết thu hút người khác chứ.
– Còn kiểu bài bà già, con nít lừa gạt đâu, sao không đem ra dùng lại?
– Những thứ đó không còn mới nữa, giờ có nói thêm cũng thành nhàm, không ai quan tâm đâu.
Phan nhớ lại khi tổng kết lượt view của “Thiên đường” sau bài báo về đứa bé gái giả vờ đi lạc để dàn cảnh cướp. Rõ ràng so với bài về bà già nằm giữa đường, lượt xem thấp hơn hẳn. May sao, nhờ vào vụ đụng xe của người mẫu H. Phan lập tức lật ngược vấn đề, đẻ thêm ra một chuyên mục tranh luận sôi nổi, “Nếu có người giúp đứa bé đi lạc, đã không có tai nạn xảy ra.” Dĩ nhiên bài viết này được đăng lên sau khi Khanh và Jade về Mỹ, không còn ai tìm ra được tung tích của đứa bé bị tai nạn lúc đó. Lượt xem của “Thiên đường” tăng cao trong giai đoạn này, bù lại cho phần thiếu hụt so với lần trước. Nhưng rõ ràng là chủ đề “vô cảm” đã không còn đủ độ nóng để khai thác, nếu viết tiếp chắc chắn sẽ là tự mình giết chết mình.
– Hay là mất đi một cánh tay thì cậu Phan trở thành bại liệt? – Gã tổng giám đốc mỉa mai, không chờ Phan nói gì đã tiếp lời. – Cậu Phan nên nhớ, “Thiên đường” không thể nào vì thiếu một con người mà sụp đổ.
– Anh yên tâm đi, tính tới thời điểm này, “Thiên đường” cũng có một phần công sức em dựng lên, em không dễ dàng để nó vỡ nát đâu.
– Tôi tin cậu, như trước giờ vẫn tin. Còn vụ cuộc thi hát cho đám con nít, cậu suy nghĩ đến đâu rồi?
Đây là chuyện lần trước trong bàn rượu gã tổng giám đốc đã nói qua.
Chuyện là trong cuộc thi hát cho bọn trẻ lần này, đến chung kết xuất hiện hai nhân tố lạ. B., cậu bé hát nhạc nước ngoài và D., cô bé hát dân ca. Mỗi bé lại có thế mạnh riêng cho mình, nếu như người ta nể B. vì khả năng ngoại ngữ và phát âm quá tốt thì với D. dân tình ủng hộ do giọng hát ngọt ngào, truyền tải hết được những cảm xúc của quê hương trĩu nặng trong từng lời ca.
Báo chí và dân chúng cũng từ đó chia thành hai phe rõ rệt, một bên ủng hộ dân ca, một bên cổ vũ hiện đại. Bên nào cũng có lý lẽ cho riêng mình, có dẫn chứng hùng hồn thuyết phục vì sao phải chọn đứa bé mình thích làm người chiến thắng cuộc thi. Và tất cả mọi người đều hướng tới ngày chung kết sắp tới.
Càng bất ngờ hơn, khi D. lại là cháu bà con của gã tổng giám đốc “Thiên đường”.
– Anh có cần giúp con bé giành chiến thắng không?
– Tôi chẳng quan tâm nó có thắng hay không, vấn đề quan trọng nhất là tôi thu được thứ gì từ nó. Cũng như lần trước tôi nói, cậu Phan phải tạo ra cho tôi một người chiến thắng đích thực. Có nghĩa là, dù cho người đó thua, thì khán giả vẫn tiếp tục ủng hộ, đồng thời bài xích người chiến thắng. Muốn làm được chuyện này, cần phải coi phần thắng dần dần nghiêng về ai đã.
– Em hiểu ý anh rồi… và em tin chắc lần này anh sẽ không thất vọng.
– Dĩ nhiên với cậu Phan thì trong từ điển của tôi không có hai chữ “thất vọng”.
Sau khi gã giám đốc đi khỏi, Phan ngồi lại suy nghĩ đến những thứ vừa lướt qua trong đầu mình. Cảm giác háo hức để được nhìn thấy khả năng tạo ra người chiến thắng đích thực làm Phan hưng phấn hơn bao giờ. Đúng là gã tổng giám đốc hiểu Phan, ngay từ đầu đã biết đem thứ cảm giác khao khát chiến thắng này ra làm mồi nhử cho Phan lao đầu vào thử thách lần này. Xã hội, có hai loại người có thể chạm đến chiến thắng, một loại chăm chỉ nhưng chậm chạp, cứ dùng công sức bỏ ra theo thời gian để từ từ thu thành công, loại này an toàn nhưng tốn rất nhiều thời gian. Còn loại thứ hai, sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để đi những bước dài tiến tới con đường mình chọn, loại này có khi gặp nguy hiểm, nhưng thành công nhanh hơn.
Phan không phải loại thứ nhất.
Phan mở cửa văn phòng, ra thang máy để xuống đất lấy xe. Khi cửa thang máy chuẩn bị đóng, một bóng người hớt hải chạy đến, Phan cũng nhanh tay nhấn nút mở cửa để người ta không phải tốn thời gian. Người vừa đến là Ân. Ân thở hổn hển, bước vào thang máy, nhận ra Phan bèn rối rít cảm ơn.
– Làm gì gấp về vậy em?
– Em có hẹn.
– Hẹn Tú à?
– Dạ không… Tú đi buôn rồi anh.
– À… cũng cầu cho nó thành công. Vậy là em hẹn với người khác, dạo này bắt đầu có số đào hoa rồi đó.
– Anh Phan đừng chọc em mà…
Phan bật cười trước vẻ mắc cỡ của Ân. Thang máy dừng ở tầng lấy xe hơi, Phan bước ra, chào Ân xong còn kèm theo một câu:
– Hôm nay em có dùng son phải không? Đẹp hơn mọi ngày rất nhiều.
Ân nhìn theo Phan, mấy chị đồng nghiệp nói đúng, nếu Phan mà yêu con gái thì chắc đám đồng nghiệp nữ ai cũng xin chết vì Phan.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.