Mấy hôm nay bà giáo vui vẻ hơn hẳn, tối đi làm về lúc nào Ân cũng thấy bà đang bày biện gì đó để làm, tâm trạng thoải mái. Lúc thì bà nướng bánh, bưng lên cho Ân và Thụy mỗi người một cái. Lúc thì ép nước trái cây, để dưới tủ lạnh, kêu hai đứa có thích thì lấy uống.
– Dạo này cô có gì vui kể con nghe cho con vui lây với.
Ân hỏi khi thấy bà giáo đang loay hoay gọt trái cây, chuẩn bị làm món trái cây trộn yogurt.
– Có gì đâu… thì, mấy bữa nay nói chuyện với thằng Minh, chắc một hai tháng nữa nó về đây ở.
– Trời, vậy là quá vui rồi, chúc mừng cô với anh Minh cuối cùng cũng hết hiểu lầm nhau.
– Mẹ con mà, làm sao bỏ được nhau, trước chưa hiểu thì giờ nói chuyện nhiều để hiểu.
– Được vậy là vui lắm rồi… – Ân chợt nhớ đến chuyện chỗ ở của mình. – Còn con với Thụy thì sao cô, có cần phải dọn ra ngoài không, để con đi tìm nhà sớm.
– Con nhỏ này, nghĩ gì tầm bậy, cô đã nói nó là để hai đứa ở đây, hai đứa ngoan hiền, ăn ở sạch sẽ, cô coi như con cháu trong nhà rồi. Chừng nào hai đứa chán ở đây thì thôi, thằng Minh cũng đâu muốn hai đứa đi chỗ khác.
– Dạ, vậy con cảm ơn cô và anh Minh.
– À, mà dạo này con với thằng Thụy thân dữ ha, hồi nãy hỏi cũng là con với Thụy… nghe tình cảm quá chừng.
– Cô chọc con… tụi con là bạn bè thôi cô.
– Thì cặp vợ chồng nào trước khi cưới cũng là bạn bè thôi con, đừng có giả bộ. Mà hai đứa cũng xứng đôi, có gì cứ tiến tới đi, cô ủng hộ.
– Thôi, con không nói chuyện với cô nữa đâu, con lên phòng đây.
Ân nói rồi bẽn lẽn đi lên lầu, để bà giáo ở lại tiếp tục loay hoay gọt trái cây, nhìn theo cười thầm. Chưa được năm phút sau, Thụy mở cửa, dắt xe vào nhà.
– Mới đi học về hả con?
– Dạ, con vừa học vừa phụ việc ở tiệm làm tóc luôn, dạo này con bắt đầu cắt tóc được rồi nha, bữa nào con cắt cho cô.
– Thôi, tha cho cô, mấy đứa cắt tóc model này nọ, cô già rồi, cắt cho chúng nó cười. Con lên tắm rửa đi, lát xuống ăn trái cây với sữa chua, ngon lắm.
– Con cảm ơn. Ân về chưa cô?
– Bây mắc cười, cô đâu có quản lý nó. Nhớ nhung gì nó thì gọi hỏi thăm, mắc chi hỏi cô. – Bà giáo trả lời, giọng chọc Thụy.
– Tại sẵn cô đứng đây nên con hỏi.
– Con kia thì cũng nhớ thằng này đi hỏi tui, thằng này cũng nhớ con kia kiếm tui mà hỏi, mệt hai cô cậu quá! Lên phòng mà tìm nó.
Thụy nhe răng cười rồi lật đật chạy lên cầu thang, về phía Ân đang chờ mình.
***
“Chờ” hôm nay thay đổi cách trang trí, thay vì những chiếc lồng đèn Hội An đỏ quạch như máu, giờ đã được thay bằng những chiếc đèn màu tím sầu mộng. Cô chủ hôm nay lại vẽ tranh, bức tranh lần này vẫn là người đàn ông gương mặt sương khói, chỉ khác ở chỗ, hôm nay người đàn ông ấy được bao quanh bởi rất nhiều hoa tím.
Tiếng nhạc từ máy đĩa than réo rắt.
“Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ.”
– Người ta nói màu tím là màu của đợi chờ, thủy chung, phải không Mễ?
– Ừ, thì người ta tin là như vậy. Quán “Chờ” này, để màu tím mới đúng phong cách của nó, tiếc là giờ cô chủ quán mới quyết định đổi.
– Mễ bây giờ phải mặc áo màu tím mới đúng chứ, đang đợi chờ người ta mà.
– Hôm nay Phan có tâm trạng để chọc tôi nữa đấy.
Bạn bè, người ta không cần nhiều, chỉ cần một người để có thể hiểu và tâm sự là được. Phan cảm thấy bản thân may mắn khi gặp được Mễ trong cuộc đời này. Mấy ngày trước, Mễ gặp Phan, hỏi thăm về chuyện của Nam, chẳng biết cao hứng sao lại kể chuyện của mình và Tú ra, mà nhờ vậy mới biết được được rằng Tú lại có thời gian làm chung với Phan.
– Đúng là Sài Gòn này chật, ngoảnh qua ngoảnh lại cứ là người mình quen.
– Vậy chứ Sài Gòn cũng rộng, ngoảnh mặt một cái là người ta đi biền biệt.
Mễ nói xong, nghĩ đến chuyện mình rồi thở dài.
– Tin tôi đi, Tú sẽ về với Mễ.
– Đừng lo cho tôi, Phan với Nam sao rồi? Nam đã đỡ hơn chưa?
– Mấy ngày nay Nam đã nói chuyện bình thường với tôi, đã vui vẻ, mỉm cười trở lại như những ngày trước.
– Còn… chuyện về gia đình Nam?
– Nam đối mặt được rồi. Hôm qua tôi chở Nam về nhà cũ dọn dẹp. Nam nói để đi làm hình thờ cho cả gia đình.
– Cú shock này rất lớn, nhưng đã vượt qua được, Nam sẽ vững vàng hơn rất nhiều.
– Chuyện này phải cảm ơn Mễ, nếu không có Mễ, tôi không biết phải làm gì cả.
– Bạn bè với nhau, Phan đừng khách sáo.
– Tiệc của tôi và Nam, Mễ nhất định phải dự đó.
– Dĩ nhiên, tôi biết mình không trốn được đâu.
Mễ nói rồi bật cười, thấy đời tự nhiên nhẹ tang như gió thoảng, như giọng Ý Lan đang còn ngân vang.
“Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm còn lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.”
***
Đêm nay là chung kết cuộc thi hát cho trẻ em. Từ đầu giờ chiều, tất cả các tờ báo lớn đều đã có bài đăng phân tích, dự đoán kết quả ai là người chiến thắng. Hiện tại, cô bé dân ca D. đang chiếm ưu thế hơn với khoảng 60% người ủng hộ. Trong họp báo trước đêm thi, đại diện cho ban tổ chức, đồng thời cũng là chủ một hãng ghi âm lớn, đã nhấn mạnh rằng dù ai là người thắng cuộc thì người còn lại vẫn nhận được một hợp đồng thu âm để ra mắt album mới trong thời gian gần nhất. Những người dự họp báo đều vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Trẻ em vốn dĩ rất nhạy cảm, nếu để chúng thua sút bạn bè, ra về tay trắng sẽ làm cho chúng buồn, cách giải quyết cả nhà cùng vui này thật là một việc làm đúng đắn.
Phan và gã tổng giám đốc ngồi chễm chệ trên hàng ghế danh dự. Phan nhìn không khí chung quanh, vây kín khán đài là một đám người cầm biểu ngữ, hoa, băng rôn cùng mấy thứ vòng sáng màu mè để cổ vũ. Mấy người này cũng toàn được mướn về đứng đấy giả vờ làm người hâm mộ. Người nhà của hai đứa bé cũng đang ngồi ở gần đấy, mới vừa bắt tay nhau xong, mà Phan thì biết chắc trong đầu họ lại nghĩ, “Cầu cho con nhà mấy người thua con nhà tôi.”
Gã tổng giám đốc bật máy tính bảng, lướt qua vài trang báo mạng, rồi quay qua hỏi chuyện Phan.
– Cậu nghĩ ai sẽ chiến thắng?
– Anh dư sức biết là người nào, hỏi em làm chi. Mà tới giờ thì ai chiến thắng cũng đâu còn quan trọng.
– Cậu hiểu tôi hơn rồi đó Phan.
Gã tổng giám đốc nói xong cười hô hố rồi lại chăm chú vào máy tính bảng, vào thị trường cổ phiếu nhìn mấy con số xanh đỏ. Trên sân khấu, người dẫn chương trình bắt đầu ổn định mọi người, và cuộc thi chính thức diễn ra. Hai đứa trẻ bước lên sân khấu. Sau màn chào hỏi, phát biểu lê thê của mấy nhà tài trợ, ban tổ chức chương trình, gia đình hai bên, không gian âm nhạc bắt đầu bao quanh sân khấu.
B. trình bày bài hát đầu tiên của mình là một bài hát tiếng Anh trong một bộ phim nước ngoài nổi tiếng. Giọng ca B. cất lên khiến mọi người vỗ tay ầm ĩ, không thể ngờ được một cậu bé mới ngần ấy tuổi đầu lại có chất giọng trầm ấm, ngân vang đến như vậy. D. nhẹ nhàng hơn, cô bé hát một bài về quê hương của mình, có màn hoạt cảnh tái hiện lại phiên chợ quê, khiến bao nhiêu người thích thú, vỗ tay. Ở giữa bài hát, có một đoạn vọng cổ ngắn để C. khoe chất giọng ngọt ngào của mình, khán đài như nổ tung bởi những tiếng hú hét cổ vũ.
Tới phần trình diễn thứ hai, D. là người biểu diễn trước. Em chọn “Dạ cổ hoài lang”, một bài hát nổi tiếng được coi là mẫu mực, phụ diễn cho em là một nghệ sĩ cải lương lão thành. Thật khó mà tin được với một cô bé chưa đến mười tuổi như D. lại có kỹ thuật luyến láy, nhả chữ tốt như vậy. Sân khấu dàn dựng rất hoành tráng với dàn trống trận, vũ đoàn phục trang thời xưa tái hiện cảnh xuất quân chiến đấu. Đây có thể gọi là một phần biểu diễn hoàn hảo. Đến lượt B. lần này cậu bé chọn hát lại một ca khúc “Poker face” sôi động của Lady Gaga, với phần hát rap của một rapper người lớn đang nổi tiếng. Sân khấu lấp lánh ánh bạc với cột khói sáng và pháo hoa bắn. Nhưng đến gần cuối bài hát, do phải nhảy theo vũ đoàn, B. không hát tới cao độ của phần cuối bài, khiến khán giả nghe ra được sự chênh phô. Với hai màn biểu diễn như vậy, mọi người đều tin rằng phần thắng nằm chắc trong tay cô bé dân ca.
Sau hai màn thi là phần trình diễn của một vài ca sĩ khách mời. Cũng là lúc tổng đài nhắn tin mở ra để mọi người bình chọn cho người mình ủng hộ. Ngồi chăm chú nhìn vào máy tính bảng khoảng mười phút, gã tổng giám đốc ngẩng dậy, kêu Phan chú ý. Trên màn hình, tỷ lệ bình chọn nghiêng hẳn về phía cô bé D. đồng thời số tiền thu được từ tin nhắn lên tới hàng chục tỷ.
– Cái này là số thực sự, chỉ có số ít người biết được. Còn năm phút nữa là xong, cú này thắng đậm rồi.
Năm phút sau tổng đài bình chọn đóng, các khách mời, ban giám khảo, ban tổ chức bước lên sân khấu hồi hộp chờ đợi kết quả. B. và D. đứng nắm chặt tay nhau, dù cố gắng mỉm cười nhưng vẫn không giấu được sự lo lắng trên mặt.
– Và người chiến thắng của cuộc thi năm nay, chính là… thần đồng Anh văn, bé B.
Cả khán phòng sững sờ ngạc nhiên, nhưng chưa tới hai giây, những người ủng hộ B. bắt đầu gào lên sung sướng. Ngay cả B. cũng không tin rằng mình lại là người chiến thắng. Cậu nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy D. đang cố nén để không bật khóc kế bên. Những chuyện xảy ra sau đó, cũng như những cuộc thi khác, người chiến thắng bắt đầu phát biểu cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè đã ủng hộ mình trong suốt thời gian qua.
Dưới hàng ghế danh dự, gã tổng giám đốc và Phan đứng dậy, len lỏi qua hàng người cổ vũ để ra về. Trước khi chia tay, Phan nói cùng gã tổng giám đốc:
– Màn kịch hay vừa mới bắt đầu thôi.
***
Sài Gòn ngày càng phát triển hơn, chẳng ai có thể phủ nhận điều đó. Nếu như vài chục năm trước, người ta dừng nhu cầu của cuộc sống ở mức “ăn no mặc ấm” thì bây giờ, chúng ta đòi hỏi cao hơn là phải “ăn ngon mặc đẹp”. Không chỉ những nhu cầu cơ bản như vậy, mà về những chuyện lễ nghi cũng có sự khắt khe hơn. Một trong số đó là việc trọng đại của đời người, đám cưới.
Đám cưới hồi mấy mươi năm trước chỉ là buổi tiệc đơn sơ tại gia đình, tụ họp bạn bè người thân ăn một bữa để ra mắt cặp vợ chồng trẻ. Đám cưới hồi mười năm trước, người ta đã biết tổ chức tại những nhà hàng tiệc cưới sang trọng, đồ ăn bia rượu chất cao linh đình. Và vài năm gần đây, khi nhu cầu con người cao hơn một bậc, người ta muốn lễ cưới của mình phải thật ấn tượng, đặc biệt, có một không hai trên đời và ghi dấu ấn khó phai cho những người đến dự.
Hiểu được nhu cầu đó, các dịch vụ tổ chức tiệc cưới bắt đầu ra đời nhiều hơn, và một ngành nghề mới xuất hiện, “wedding planner” hay gọi đơn giản là người lên kế hoạch tiệc cưới. Giờ xem trên mạng xã hội, đâu thiếu những buổi tiệc cưới tổ chức tại biển xanh, trong rừng thẳm, hay mang phong cách đặc trưng như chỉ màu xanh lá, màu vàng, hay tất cả khách dự tiệc đều ăn mặc theo kiểu thập niên 60 thế kỷ trước. Những điều đó đều xuất phát từ các wedding planner giỏi.
Phan và Nam đang ngồi trong một căn nhà nhỏ, được dùng luôn làm văn phòng của Huy, một wedding planner. Huy đi từ bếp lên, tay bưng hai ly nước trái cây ép đặt xuống bàn.
– Hai bạn uống nước nha. Cái này Huy tự làm, bảo đảm không có hóa chất Kim Biên đâu.
Huy mỉm cười, gương mặt thư sinh giấu sau cặp kính cận. Huy nhỏ con, ăn mặc đơn giản với quần kaki và áo thun tay dài. Trước đây Huy làm ở một công ty tổ chức tiệc cưới, nhưng sau đó muốn tự do hơn nên tách ra, cùng một số bạn bè làm thành một nhóm chuyên thực hiện các buổi tiệc cưới mang dấu ấn đặc biệt. Khi biết Phan muốn tổ chức tiệc, một người bạn đã giới thiệu để gặp Huy.
– Huy muốn mở văn phòng ở ngoài, nhưng lu bu quá nên chưa có thời gian, đành lấy nhà làm chỗ gặp khách hàng luôn, hơi bừa bộn một chút, hai bạn không ngại chứ.
– Không sao đâu, quan trọng là chất lượng dịch vụ thôi, còn gặp ở đâu thì cũng vậy.
– Chất lượng dịch vụ thì bảo đảm, cứ yên tâm.
Huy nhìn thấy tay Phan đang đặt hờ lên tay Nam, hiểu rằng đây là một cặp mình chuẩn bị làm tiệc cho họ.
– Huy từng làm tiệc cưới cho hai đứa con trai chưa? – Phan nheo mắt hỏi.
– Huy chưa làm qua, nhưng rất muốn làm. Huy quan điểm là yêu thì cưới, còn giới tính không nhằm nhò gì cả. Ai thì cũng có quyền được yêu. Hai người đã có ý tưởng gì chưa, hay cần Huy lên kế hoạch chi tiết luôn?
– Tụi mình cũng chưa biết sẽ làm sao cho ấn tượng, nhưng Nam muốn buổi tiệc có hai màu tím và bạc.
– Nam rất biết chọn, màu tím là chủ đạo của năm nay đó. Mà hai bạn tính làm tiệc cho bao nhiêu người? Có ngại đi xa không?
– Phan sống ở nước ngoài, Nam cũng không có nhiều bà con ở đây, nên trên dưới khoảng gần 50 khách thôi. Còn đi xa thì không thành vấn đề.
– Ok, vậy tốt quá, Huy đang có lời mời hợp tác của một resort ngoài biển. Chỗ đó vẫn còn khá hoang sơ, chưa bị đông đúc, mất vệ sinh như các bãi biển khác, nếu tổ chức tiệc cưới ở đó là tuyệt vời. Chỗ đó cũng gần lắm, đi xe thì mất khoảng một tiếng hơn thôi. Chúng ta sẽ tổ chức như một tour du lịch, mời khách đến dự và chung vui ở ngoài biển… Nhưng, chi phí chắc hơi cao hơn bình thường một chút.
– Không sao, quan trọng là Nam thích và đẹp là được rồi. – Phan quay sang Nam. – Nam thấy ý kiến của Huy được không?
– Nghe thú vị lắm, em cũng muốn làm tiệc của mình ở biển, đổi gió, đổi không khí một chút.
– Ok, vậy là hai bạn đều thích ý tưởng này rồi. Bây giờ phần còn lại để Huy lên kế hoạch chi tiết và gởi báo giá đến hai bạn trong thời gian gần nhất.
Huy đúng mẫu của một người làm nghề dịch vụ, từ giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, đến cách quan tâm từng cử động gương mặt của khách hàng mình, hiểu rằng họ có thích hay không thích những gì mình đang nói không. Ví dụ như ban nãy, khi nhắc đến tiệc ở biển, Huy kịp nhìn thấy ánh mắt Nam bỗng dưng sáng hơn một chút, thể hiện sự chú ý, thích thú, thế là Huy biết chắc rằng mình sẽ có được hợp đồng này. Khi chia tay ở cửa, Huy bắt tay chào Phan:
– Tạm biệt hai bạn, hi vọng là lần này Huy có thể tổ chức một buổi tiệc thành công cho hai bạn.
– Cảm ơn Huy. Huy làm nghề này, sau này đám cưới Huy chắc chắn sẽ đẹp lắm nhỉ.
– Quan trọng là có tìm được người chịu làm đám cưới với mình không nữa. Phải chi có một người yêu Huy được như Phan yêu Nam thì tốt biết mấy.
Huy cười buồn, như thể nụ cười còn chất chứa trăm vạn nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Tổ chức biết bao nhiêu tiệc cưới, nhìn thấy biết bao nhiêu cặp đôi hạnh phúc, nhưng Huy chưa bao giờ dám nghĩ đến một đám cưới cho riêng mình.
Ừ thì, chắc đường Sài Gòn thường kẹt xe, nên hạnh phúc đến với người ta hơi muộn…