Sài Gòn bừng tỉnh sau giấc ngủ vùi. Đường bắt đầu đông, có người phải tranh thủ dậy sớm hơn Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc mưu sinh của ngày mới. Đời Sài Gòn, là chuỗi ngày trải dài của mưu sinh. Bên đường, mấy chị bán bánh mì đã đẩy xe ra, nhanh tay cắt thịt, chả thành từng lát mỏng te, mỏng như đời người ta ở đất này.
Ân tập cho mình thói quen dậy sớm, dù có đi làm hay không cũng mở mắt ngồi dậy lúc khoảng bảy giờ. Ân nghe nói, buổi sáng là thời gian đẹp nhất ngày, vậy đâu có lý do gì mà bỏ qua khoảng khắc đẹp đẽ đó để ào vào những phút giây bận rộn phía sau. Cũng như bao nhiêu buổi sáng khác, việc đầu tiên Ân làm là nhìn một lượt những gương mặt giăng khắp phòng. Có người cười, có người khóc, có người ngạc nhiên, hốt hoảng, cũng có người đang nhìn Ân, thắc mắc vì sao mình lại đang ở trong phòng cô gái này. Một làn gió lẻn vào, xõa tung cái rèm cửa trắng, mấy gương mặt người dao động, rồi lại phủ rạp xuống tường, như chưa từng có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Việc thứ hai Ân làm mỗi sáng, là bật vội cái điện thoại thông minh lên, vào mạng xã hội chăm chút cho gương mặt mình trên đó. Nhìn đám thông báo chạy dọc, mấy trăm người thích, bình luận rồi chia sẻ một tấm hình Ân đăng, Ân chợt thấy cảm giác an toàn bao phủ. Hóa ra mình vẫn còn được quan tâm, được chú ý và nhớ tới, dù chỉ từ những người xa lạ, chưa từng gặp mặt. Có sáng, Ân nhớ bật điện thoại lên, thấy nó leo queo vài ba bình luận gì đó, Ân buồn thật sự, chuẩn bị đi làm mà cứ thắc mắc hoài, vì sao người ta không hồ hởi với mình như trước, hay… mình đã qua rồi cái thời kỳ được quan tâm? Đến lúc vào công ty, bật máy tính, Ân mới nhận ra nguyên nhân, tối qua tùy chỉnh thế nào lại để cho chỉ những người trong danh sách bạn bè thật sự mới có thể thấy những gì mình đăng, hèn chi chẳng có người nào chú ý.
Ân ngồi dậy, vào nhà vệ sinh, chuẩn bị cho ngày đi làm như thường lệ. Ở khoảng thời gian này, nhiều người sẽ tranh thủ suy nghĩ xem những gì mình sắp làm hôm nay, sẽ có thể gặp gỡ ai, đối mặt với thứ gì, hay thậm chí, mơ mộng một tiếng sét ái tình nào đó đột ngột đánh thẳng vào tim. Mơ ước là quyền của con người, đâu ai cấm cản, có lúc mơ thành được thực, người ta hân hoan, có lúc mơ hoài cũng là mơ, người ta lờ đi, quên luôn cái giấc mơ của một thời. Còn Ân, những lúc chuẩn bị như thế này, Ân không suy nghĩ hay mơ ước, vì đơn giản, Ân biết ngày hôm nay của Ân cũng sẽ như ngày hôm qua và y hệt ngày mai.
Ân làm kế toán cho báo mạng “Thiên đường”, nơi mọi người tự hào gọi với cái tên “Thiên đường thông tin”. Công việc kế toán như định sẵn thứ Ân đối mặt mỗi ngày chỉ là màn hình vi tính khô khan, những dãy con số chạy dài, những tờ chứng từ hóa đơn hồng lè, mấy cái dấu mộc đỏ côm cốp dập lên trên, chẳng có gì hơn. Chưa bao giờ Ân tự hỏi bản thân có thích công việc này không, cũng chưa bao giờ tự nhủ mình sẽ phải làm nó thật tốt. Con đường Ân đi, từ ngày mở mắt chào đời đã được định sẵn, gia đình Ân ở xa nhưng vẫn có một phần cổ đông trong tổng công ty truyền thông chủ quản của “Thiên đường”, thế nên nghiễm nhiên Ân có một công việc trong công ty, lại nằm ngay bộ phận kiểm tra về giấy tờ, tiền bạc. Kiểu như có người nhà trong đấy người ta cũng an tâm hơn khi bỏ tiền đầu tư.
Mười tám, nhà kêu học kế toán, Ân gật đầu. Năm hai mươi hai, nhà kêu về công ty làm, Ân cũng gật đầu, dù trong lòng chẳng có gì gọi là thích thú, ưng thuận. Đời Ân cứ đều đều trôi, nhàn nhạt như nồi canh toàn nước lã và thịt, nhìn thì ngon, đầy đủ dưỡng chất, nhưng ăn mới thấy nó nhạt nhẽo vô cùng. Cứ như vậy, Ân đi làm hơn hai năm ở công ty, chẳng khó khăn, vướng bận. Gần một ngàn ngày được lập trình như nhau, gần một ngàn đêm ngồi trong căn phòng trọ đầy đủ tiện nghi, vung tay lấy cái điều khiển chọn kênh truyền hình hay tua nhanh mấy đoạn nhàm chán trong phim bộ. Có lúc Ân thở dài, muốn ra ngoài để giải khuây, để nỗi buồn chán bị màn đêm ngoài kia nuốt chửng, để nỗi bức bối trong lòng cho gió tạt đi mất. Nhưng rồi Ân không làm được. Đi, mà đi với ai bây giờ? Ân không có nhiều bạn ở đất Sài Gòn. Đám đồng nghiệp trong công ty, người có gia đình, kẻ có niềm vui riêng, phần còn lại lúc nào cũng giữ một khoảng cách an toàn vừa đủ với “người nhà cổ đông”. Có lần vô tình, Ân nghe hai bà chị trong WC nói về mình, “Thấy vậy chứ coi chừng nó giả ngu, canh tiền cho gia đình nó.” Khi họ bước ra, Ân vẫn phải nhìn họ, mỉm cười rồi vội vã chạy vào một phòng trống, ngồi xuống tay chân run lẩy bẩy. “Mày có làm gì sai đâu?” Ân tự nhủ, nhưng cảm giác sợ hãi những con người vừa cười nói với mình xong, quay lưng lại đã có thể gièm pha, khinh khi mình thì khó lòng mà gạt bỏ. Từ đấy, Ân lại càng im lặng, lầm lũi một mình, không nói chuyện với họ nhiều như trước. Nên những đêm dài như vậy, Ân cũng chỉ biết quanh quẩn trong căn phòng trọ đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu niềm vui.
Ân nhìn lại gương mặt trong gương, mọi thứ đều đẹp, đẹp như mọi ngày vẫn đẹp. Ân lấy giỏ xách, mở tủ giày, chọn một đôi nhàm chán, đẩy vào chân rồi mở cửa phòng, khóa lại và đi xuống nhà dưới. Nhà trọ Ân mướn có hai lầu, ngoài tầng trệt ra thì mỗi lầu xây hai phòng đối diện nhau với đầy đủ tiện nghi cơ bản. Chủ nhà là bà giáo góa bụa, ngoài năm mươi, khó tính trong chừng mực nhưng vẫn hiện đại đủ để hỏi Ân, “Cái máy tính bảng nghe nói đọc báo ngon lắm hả con?”, để đâu chừng ba ngày sau khi lấy tiền trọ, bà giáo mua một cái về, tự coi như quà mừng sinh nhật. Ân thương bà, coi bà như người thân trong nhà, có bữa đi làm về cũng mua bịch chè, cái bánh, dù bà giáo hay cằn nhằn, “Mập lắm nha con”, nhưng rồi cũng ăn ngon lành.
Ân xuống nhà thấy bà giáo đang lui cui cầm chổi quét nhà.
– Hôm nay không dạy sáng hả cô?
– Tuần này dạy buổi chiều không, mà cũng có hai, ba ngày, già rồi, nhường tiết cho đám giáo viên trẻ con ơi.
– Sao nhà dơ vậy cô?
– Tối qua thằng Thụy về hơi trễ, dắt xe vô nhà nên dơ. Nó có nói để sáng xuống quét, nhưng cô thấy nó làm về khuya, sáng mắc công dậy sớm, nên quét cho rồi, tội thằng nhỏ. Con đi làm đi, trễ bây giờ.
Ân gật đầu chào bà giáo rồi rời khỏi nhà trọ, nhìn con hẻm phía trước người ta bắt đầu chảy vào dòng hối hả cơm áo gạo tiền. Đi qua căn nhà gần đầu hẻm, nghe tiếng con nít khóc, Ân dừng chân nhìn vô trong, thấy cô hàng xóm đang cố gắng kéo thằng con ra tới cửa nhà. Đứa nhỏ cứ vừa khóc vừa gào, “Con không đi học đâu!” Cô hàng xóm tay kéo con, tay vung cây roi mây, lớn giọng, “Không học rồi ngu, đi móc bọc nghe chưa!” Ân nép người nhìn thêm một chút, rồi như thói quen, đưa tay lấy điện thoại, nhấn chụp liền mấy tấm hình. Cô hàng xóm đang bực đứa con, thấy Ân nên gắt giọng, “Chụp cái gì mà chụp?” Ân hoảng hốt rảo bước đi nhanh.
Nhà trọ cách công ty khoảng hơn cây số, Ân có xe máy, nhưng vẫn thích đi bộ hơn. Nhiều khi trên một cây số đường, Ân có dịp gặp rất nhiều những gương mặt khác nhau, những biểu cảm khác nhau. Ân vừa đi, vừa loay hoay chỉnh màu cho hai tấm hình vừa chụp trên điện thoại, rồi ghép chúng lại thành một tấm duy nhất, đăng lên trang cá nhân của mình, ghi thêm một dòng, “Ngày nhỏ, tri thức là nỗi sợ, để rồi khi lớn, nó biến thành nỗi khát khao.” Từ lúc đó, điện thoại Ân bắt đầu rung bần bật với những thông báo có người thích hình ảnh vừa đăng, vừa bình luận về nó và vừa chia sẻ nó.
Ân khẽ mỉm cười, rồi vội vàng bước đi, thấy nắng dưới chân nâng bước nhẹ tênh.
***
Điện thoại đổ chuông kéo dài, âm thanh vang dội khắp căn phòng nhỏ, Thụy nhoài người, mắt vẫn nhắm, quơ quào tìm kiếm, tự cáu gắt với bản thân vì tối qua không tắt máy hay để chế độ im lặng. Mắt nhắm mắt mở, Thụy nhìn dòng tin nhắn đổ vào điện thoại, số lạ, nội dung hỏi Thụy đã dậy chưa, có muốn đi ăn trưa cùng nhau không. Chán nản không trả lời, Thụy khóa máy rồi đưa tay lấy cái mền, quấn quanh người, lười nhác thở nhẹ.
Tối qua ở tiệm, lão khách già bụng phệ, da dẻ nhăn nheo cứ nài nỉ xin cho được số điện thoại, Thụy cũng cho, chủ yếu vì để lát lão chịu xì ra mớ tiền tip hậu hĩnh, nhưng đâu ngờ lão dai vậy, mới sáng sớm đã đòi đi ăn uống. Đang còn uể oải, chập chờn cố gắng trở vào giấc ngủ lại, tiếng điện thoại lại réo rắt. Chắc lại là lão già, Thụy mệt mỏi nghĩ, nhưng rồi cũng cố cầm máy. À không phải lão già, là sếp gọi.
– Thụy, hôm nay có đứa nghỉ, em làm ca tối tiếp được không?
– Dạ thôi, hôm qua về trễ, giờ người em còn lâng lâng, tối nay dập thêm một ca nữa chắc chết, hôm nay em ca chiều thôi.
– Ok, vậy để anh hỏi đứa khác.
Thụy bỏ điện thoại, nheo nheo mắt nhìn nắng ngoài cửa sổ, tâm trạng để ngủ cũng không còn, thôi thì đành ngồi dậy, kiếm gì ăn cho no rồi chuẩn bị chiều lại đi làm cho khỏe. Thụy nhìn cái điện thoại nằm cạnh mình, thấy buồn cười. Con người ta bây giờ không hiểu dùng công nghệ để phục vụ bản thân, hay dần dà đang trở thành nô lệ của công nghệ. Như hôm nay, đáng lý ra Thụy có thể ngủ một giấc thoải mái bù đắp cho tối qua đi làm về khuya, vậy mà chỉ hai cú điện thoại mọi việc đã khác hẳn. Hay như ngày trước, mỗi lần hẹn hò với ai, Thụy đều đi sớm, hay tìm mọi cách để đến nơi đúng giờ, sợ trễ rồi bị giận. Giờ có điện thoại, khái niệm đúng giờ cũng bị giảm xuống đáng kể, nếu có chuyện gì, bất quá chỉ cần một tin nhắn, giải thích lý do đến muộn coi như là xong. Người ta không muốn chờ cũng phải chờ vì chuyện đã lỡ, trách thì cũng trách thầm trong bụng, vì rõ ràng là đã báo cho biết. Cứ vì vậy mà khái niệm thời gian của nhiều người, trong đó có Thụy, bị giảm đi rõ rệt chỉ vì cái điện thoại có khả năng kết nối con người mọi lúc mọi nơi.
Thụy thay đồ xong, khóa cửa phòng rồi xuống nhà, bà giáo đang ngồi mày mò cái máy tính bảng, lướt xoèn xoẹt coi tin tức. Thấy Thụy, bà giáo hạ mắt kiếng, cười chào:
– Dậy rồi hả con, sao không ngủ thêm chút, tối qua cô thấy bây về cũng trễ.
– Dạ, con có điện thoại nên phải ra ngoài. Chết nữa, con quên sáng nay dậy quét cái đám đất tối qua… con xin lỗi.
– Thôi, lỗi phải gì, con về trễ thì thôi, cô quét một chút cũng xong, không sao đâu.
Thụy cảm ơn bà giáo, ra khỏi nhà, nhìn con phố dài nắng chang chang trước mặt. Thời tiết Sài Gòn là vậy, mới âm u đó lại có nắng gắt ngay. Như tối qua về khuya, Thụy thấy gió lạnh thả từng cơn vô người, cứ tưởng sáng nay thể nào cũng bớt ngột ngạt, vậy mà giờ nắng nhòa mặt đường. Thở dài ngán ngẩm, Thụy lủi luôn vô quán phở đầu hẻm đang lưa thưa bóng khách.
– Ăn sáng hay ăn trưa đây cậu? – Cô bán hàng nhận ra người quen, cười chọc.
– Dạ, ăn buổi sáng lúc trưa luôn để tiết kiệm. Cho con một tô như mọi lần nha.
Khi cô bán hàng bắt đầu loay hoay công việc, Thụy nhìn xuống tờ báo ai đó để trên bàn, đập vào mắt ở trang đầu tiên là tiêu đề lớn, “Không có chuyện hủ tiếu nấu bằng thịt chuột”. Tò mò, Thụy lật ra đọc một lượt.
Đại khái là sau thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về những xe hủ tiếu dùng thịt chuột làm nguyên liệu, đời sống của một số lượng lớn người mưu sinh bằng nghề bán món ăn giá rẻ lề đường này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài viết có cả bức hình của một chị bán hàng, gương mặt đau khổ, mắt ươn ướt, đăm đăm nhìn về phía đằng xa, sau lưng đã được xóa mờ là cái xe hủ tiếu sinh nhai. Một nhóm phóng viên của tờ báo danh giá Thanh Niên Trẻ đã quyết tâm tìm chân tướng sự thật, họ đi điều tra từ nhiều nguồn, sau đó khẳng định rằng bài báo kia là hoàn toàn không căn cứ, chỉ mang tính chất bịa đặt nhằm mục đích đẩy mạnh lượt xem nhờ dư luận. Bà con nghèo thở phào nhẹ nhõm, người bán đã được minh oan, người ăn cũng thấy trong lòng bớt nơm nớp lo sợ. Nhóm phóng viên thực hiện bài viết kia được cho là có đạo đức nghề nghiệp, kiểu như cụ Nguyễn Trãi ngày xưa từng nói trong “Ức trai thi tập”: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng nó vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải, có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.
Người ta đọc tin, an tâm và le lói hi vọng vì thấy rằng cuộc đời này vẫn còn công bằng. Giữa bọn không đạo đức tung tin nhảm nhí hại người dân, vẫn còn có những người đạo đức hơn, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ công đạo. Xã hội cân bằng, vốn dĩ cũng bắt nguồn từ hai thái cực tốt và không tốt như vậy.
Thụy đọc xong, gấp tờ báo lại cũng là lúc cô bán hàng bưng tô phở ra cùng lời chúc ngon miệng. Gắp một đũa, Thụy húp thêm muỗng nước lèo, hít một hơi dài, thấy ngoài cái mùi thịt bò nồng tanh, còn có đủ thứ mùi thơm của mớ nguyên vật liệu không biết xuất xứ từ đâu. Có đợt, Thụy nhớ báo chí lên án cái chợ gì đó nhập toàn mấy thứ hóa chất độc hại về bán ra cho người dân mua về chế biến thực phẩm. Người ta giận ghê lắm, đòi dẹp chợ, đòi phạt, đòi tẩy chay, nhưng rồi thì đâu lại vào đấy, cấm đường này họ nhập đường kia, đốt chợ lớn họ tập trung qua chợ nhỏ, chủ yếu là vì mưu sinh, người ta sẽ có thể bất cứ chuyện gì.
Thụy nhớ báo viết, cũng có thành lập tổ điều tra, thanh tra, nhưng ngặt nỗi, cứ mỗi khi nghe tin có người bên sở chuẩn bị xuống nhìn ngó xung quanh, người ta lại ngoan ngoãn, chấp hành quy định đến lạ kỳ, chứ đi rồi thì đâu lại vào đấy. Nói đâu xa, như cái spa, massage sauna Thụy đang làm cũng đã chục lần xảy ra chuyện như vậy. Mấy bữa đang trong phòng massage cho khách, Thụy nghe bên ngoài có tiếng lao nhao, rồi đám đồng nghiệp mặc vội đồ, lật đật chạy ra cửa sau của tiệm, mỗi đứa tản đi một nơi, chờ điện thoại rồi lại trở về.
Thụy cũng phải chạy trong đám đó, dù Thụy không giống họ.
Tiệm sauna của Thụy nằm trong một con hẻm vắng, ban đầu là tòa nhà ba tầng, cung cấp dịch vụ làm đẹp, dưỡng da cho phụ nữ. Nhưng rồi tình hình kinh doanh không mấy khá khẩm, tay chủ tiệm quyết định chuyển hướng kinh doanh, phục vụ một nhóm đối tượng mới, luôn cần được nâng niu, chăm sóc, luôn cảm thấy cô đơn cần người chia sẻ, đặc biệt khi đã thích điều gì sẽ không tiếc bất cứ giá nào để đạt được. Đó là những gã đồng tính. Người dắt Thụy vào làm trước đây từng ở cùng khu trọ cũ, nghe Thụy than muốn có tiền, muốn đổi đời, hắn dẫn Thụy vào giới thiệu, vài ba ngày sau Thụy chính thức đi làm, còn hắn thì nghỉ làm, nghe đâu được một đại gia nào đó mở rộng vòng tay làm điểm tựa.
Vào làm, mặc dù khác người, nhưng Thụy vẫn giữ nguyên tắc bản thân, không bao giờ có những màn “tới Z” với khách hàng. Ok, họ có thể thích Thụy, đó là quyền của họ, nhưng để có được Thụy, lại là chuyện do Thụy quyết định. Ban đầu, bọn làm chung chửi Thụy ngu, ngay cả quản lý cũng mấy lần càm ràm, “Đã vào đây còn bày đặt làm giá”, Thụy vẫn bất chấp, chỉ mỉm cười cho xong. Khéo sao, lượng khách đổ dồn về phía Thụy ngày càng đông, khiến mọi người đều ngạc nhiên, thắc mắc. Ai hỏi, Thụy cũng chỉ cười, nói chắc do mình hiền, nên người ta thích. Đám làm chung đâu tin, xì xầm đủ chuyện, “Nó nói là vậy, chứ cánh cửa phòng massage đóng lại, biết làm tới cái gì trong đó.” Thụy nghe, chỉ cười khẩy.
Những gã đồng tính, cơ bản vẫn có một phần đàn ông trong người, mà đàn ông, nhìn chung như con nít. Cho chúng đồ chơi quá dễ dàng, chúng sẽ chán, không biết trân trọng, khôn khéo thì cứ để theo kiểu “cám treo, heo nhịn đói”, vậy người ta mới thèm thuồng, mong muốn. Thụy ý thức được điều đó, áp dụng triệt để lên những gã đồng tính quanh mình. Nhưng Thụy cũng đủ khéo để không cắt đứt, không cự tuyệt một ai, vẫn cứ cái màn ỡm ờ, lần lữa cho người ta tưởng rằng mình đang có một cơ hội lơ lửng trước mặt, chỉ cần với tay chụp là có, nào ngờ, chụp hụt, lại chúi nhủi chịu đau.
Nên dù tới giờ đã hai mươi ba, chưa từng nếm mùi đàn ông, nhưng Thụy vẫn hiểu đàn ông hơn khối kẻ, nhất là những gã đàn ông đích thực đi “thích đực”.
Thụy trút hộp tăm, lấy một cái bỏ vào miệng rồi đứng dậy, cười với cô chủ quán:
– Tính tiền cho con đi cô!