Kinh Doanh Như Một Cuộc Chơi

KHI ĐI LẠI LOANH QUANH



Đừng vấp phải lời nói của bạn

Ở trên, tôi đã viết về tầm quan trọng của việc các giám đốc cấp cao đi “vi hành” – hay thỉnh thoảng rời văn phòng để đi quanh công ty, từ nhà máy cho đến bộ phận kế toán, để hiểu hơn về người của mình. Nhưng gần đây, một người bạn đã nói với tôi: “Anh đã đúng, Richard ạ, nhưng thành thật mà nói, có nhiều người cảm thấy thà nhốt mình trong văn phòng còn hơn.”

Ông ấy kể cho tôi về một vị giám đốc mà ông ấy từng làm việc cùng. Người này rất thích đi lại loanh quanh nhưng lại luôn thu về những kết quả tệ hại. Có vẻ như vị CEO này không thể hiện hiệu quả sự đánh giá cao của mình với những nỗ lực của nhân viên. Dù đến đâu, bà đều khiến các nhân viên nhụt chí vì liên tục mắc phải lỗi “nói mát hay giả vờ khen để chỉ trích chê bai”. Người Ý có câu “Ít nhất Mussolini [18]cũng khiến tàu hỏa chạy đúng giờ,” những nỗ lực nửa vời của vị CEO này trong việc khen ngợi mọi người mờ nhạt đến mức thà bà không nói gì còn hơn.

Thú vị là các gia đình lại rất giỏi việc này. Sau khi một người thân trong gia đình đã rất nỗ lực để nấu một bữa tối thịnh soạn, một đứa bé có thể thốt lên: “Oa, món tráng miệng đó ngon quá!” – nhưng tiếp sau đó là “… nhưng những món còn lại thì không được ngon lắm”.

Tương tự, thỉnh thoảng, các nhà lãnh đạo kinh doanh cũng quên mất rằng sự đổi hướng nghèo nàn của một câu nói có thể gây hại như thế nào. Gần đây, tôi đã nghe vị chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty đa quốc gia nói với người tham dự rằng, “Tôi rất biết ơn những gì đội ngũ quản lý cao cấp của chúng ta đã đạt được trong năm vừa qua.” Tôi nghĩ rằng từ “rất biết ơn” không đủ để có thể khiến họ vui. Các nhân viên nên được cho biết rõ (dù điều này có thừa thãi) rằng những thành tựu của họ được công nhận và tuyên dương.

Không thiếu những ví dụ về điều này ở các công sở. Thông thường, những tình trạng giao tiếp thiếu hiệu quả như vậy nhằm ngụy trang cho những tin tức xấu, nhưng điều đó không ích gì cả. Tôi luôn tránh ra xa khi các nhà quản lý nói điều gì đó đại loại như, “Chúng tôi làm không tồi đâu” bởi điều đó không có nghĩa là họ làm tốt. Hay “Chúng ta đã làm tốt hơn năm ngoái” trong khi năm ngoái là một thảm họa. Khi vị CEO mà tôi đề cập ở trên được hỏi về tình hình doanh nghiệp của mình, rõ ràng, phản ứng ưa thích của bà là “khả năng là xấu đi”.

Thỉnh thoảng, bản thân ngôn ngữ cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề về giao tiếp. Trong những ngày đầu của Virgin Records, khi một giám đốc hàng đầu trong ngành công nghiệp âm nhạc từ Mỹ đến thăm chúng tôi ở London, cuộc nói chuyện với ông khiến chúng tôi nghi ngờ rằng ông hơi thất vọng về những nghệ sĩ của chúng tôi và những việc chúng tôi đang làm tại công ty. Chỉ sau một vài chuyến đi đến Mỹ tôi mới vỡ lẽ ra rằng ông ấy không hề có ấn tượng tiêu cực – mà ngược lại mới đúng!

Nguyên nhân nằm ở việc chúng tôi có những cách hiểu khác nhau về từ “khá”. Ở Anh, nếu có người nói, “Tôi nghĩ anh có các ban nhạc khá tốt đấy,” nó có nghĩa là các nghệ sĩ của bạn cũng được. Khi người Mỹ nói câu tương tự, ý của anh ta là các ban nhạc của bạn rất tốt.

Dù cho tình huống là gì, thì với tư cách một nhà lãnh đạo kinh doanh, việc của bạn là khiến người khác hiểu được thông điệp của mình, vì vậy, hãy nói một cách đơn giản và rõ ràng. Việc đó không dễ, nhưng cần thiết.

Trong nhiều trường hợp, nó chỉ đơn thuần là chú ý đến phản ứng của mọi người. Một CEO gặp khó khăn trong việc kết nối với mọi người khi đi “vi hành” nên chú ý đến sự không thoải mái của họ. Trong những tình huống như vậy, cần nghe nhiều hơn nói. Nhà lãnh đạo hiểu quan điểm của nhân viên sẽ luôn có khả năng tìm ra đúng từ ngữ để đáp lại.

Để làm rõ những lo lắng của bạn tôi về ảnh hưởng tiêu cực mà việc đi lại loanh quanh có thể gây ra: tôi đồng ý rằng đó không hẳn là việc nên làm nếu bạn có một ngày tồi tệ. Nếu vậy, hãy đóng cửa lại và hạ giọng xuống. Nhưng nếu bạn phải mạo hiểm ra ngoài, hãy tránh các câu như “Chúng ta có một năm kinh doanh cũng tạm ổn.”

Vậy, hãy làm như bài hát mà bố tôi ưa thích nhất của Bing Crosby từ những năm 1940: “Anh phải nhấn mạnh vào những tích cực/ Loại bỏ sự tiêu cực/ Bám vào những khẳng định/ Và đừng gây sự với ngài Nửa Vời.”
Nếu làm được điều đó, bạn đã thực hiện “khá” tốt rồi đấy!

Chú thích:

[18] Benito Amilcare Andrea Mussolini (29/7/1883 – 28/4/1945) là Thủ tướng độc tài cai trị phát xít Ý với một thể chế quốc gia, quân phiệt và chống Cộng sản dựa trên hệ thống tuyên truyền và kìm kẹp khắc nghiệt. Mussolini đưa Ý vào liên minh khối Trục của Adolf Hitler chống lại quân Đồng Minh trong đệ nhị thế chiến. Khi khối Trục thua trận, Mussolini toan bỏ trốn sang Thụy Sĩ nhưng ông và vợ bị quân Cộng sản kháng chiến Ý bắt giết tại hồ Como.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.