Kinh Doanh Như Một Cuộc Chơi

SỐNG SÓT QUA SUY THOÁI



Và phát triển mạnh sau đó!

Gần đây, tôi đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tôi không còn trẻ đủ để coi nhẹ một cuộc suy thoái lớn. Nhưng mặt khác, vì trước đây đã quan sát chúng nên tôi cảm nhận được sự lên xuống mang tính chu kỳ của thị trường.

Mọi thế hệ các nhà kinh tế học và chính trị gia đều tìm cách san phẳng chu kỳ bùng nổ và tan vỡ, nhưng tất cả đều thất bại. Vì vậy, tôi nghĩ đây là thời điểm cho một cách tiếp cận mới: Hãy nhớ rằng nền kinh tế có lên có xuống, và nếu đầu tư khôn ngoan, bạn có thể giảm thiểu thiệt hại mà những thăng trầm này gây ra cho doanh nghiệp và sự nghiệp của mình.

Nếu được làm lại từ đầu với những hiểu biết hiện có (và nếu tôi chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa các khoản đầu tư, trong khi thực tế thì không), tôi sẽ chỉ đầu tư trong những năm suy thoái, khi gần như mọi thứ đều rẻ hơn từ 50% đến 90% so với trong những năm bùng nổ. Điều này sẽ tốt cho tôi với tư cách là nhà đầu tư và nền kinh tế sẽ được lợi từ khoản đầu tư của tôi.

Điều này khó mà thực hiện được vì hai lý do, đầu tiên là do chu kỳ nền kinh tế diễn ra chậm – có thể mất cả thập kỷ hoặc hơn từ lúc bùng nổ đến khi tan vỡ. Chúng ta sẽ phải học cách kiên nhẫn. Và lý do thứ hai thậm chí còn mang tính thử thách hơn: Các doanh nhân phải nhạy bén với các ý tưởng cũng như với thị trường.

Có những thời điểm ý tưởng đã chín muồi nhưng thị trường thì không – một tình huống mà nhiều doanh nhân gặp phải ngay lúc này. Họ nên làm gì? Chỉ nhún vai và quay đi? Tất nhiên là không: Chúng ta không thể giết chết nhiệt huyết trong doanh nghiệp của mình chỉ bằng một nút bấm.

Câu trả lời là nghĩ lớn, nhưng làm nhỏ.

Hãy tạo ra thứ gì đó khiến bạn tự hào, nhưng đừng để nó nuốt gọn bạn về mặt tài chính. Bạn không cần tiêu xài hoang phí vì một ý tưởng hay. Một ý tưởng hay sẽ tự phát triển. Trong nhiều năm, các chương trình vũ trụ tư nhân đã đưa các kỹ sư liều lĩnh đến giữa sa mạc để tìm cách phóng thử hết tên lửa này đến tên lửa khác. Ngày nay, nhờ sự xuất sắc của kỹ sư vũ trụ Burt Rutan, đội ngũ của Virgin Galactic đang vận hành hoạt động du lịch vũ trụ khả thi đầu tiên trên thế giới.

Với tất cả những khổ sở mà cuộc suy thoái hiện tại gây ra, bạn có thể tin chắc rằng những phần thưởng lớn cũng đang hình thành. Có những cơ hội rất lớn ở ngoài kia. Những căn nhà lớn trị giá 5 triệu đang có giá chỉ bằng một nửa số đó. Hãy chia những căn nhà lớn, đẹp trong các khu trường đại học thành những nơi ở cho sinh viên có chất lượng tốt và – biết đâu đấy – bạn có thể sẽ sớm đủ tiền chi trả cho căn nhà lớn ở ngoại ô mà bạn luôn mong muốn. Nhân tiện, căn nhà đó cũng đang được chào bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với mức giá đỉnh điểm của nó.

Ý tưởng nên đơn giản – đủ đơn giản để một người có thể biến nó thành hiện thực. Các công ty nhỏ, tinh gọn, mang tinh thần doanh nhân chính là tương lai của kinh doanh.

Không phải ai cũng là một doanh nhân. Nếu bạn muốn xem liệu mình có những phẩm chất cần thiết không, hãy để dành những thử nghiệm của mình cho các buổi tối và dịp cuối tuần. Nếu bạn có một công việc ổn định, thì hiện tại chắc chắn không phải là lúc nên bỏ việc trừ khi bạn tuyệt đối tin chắc rằng mình có một ý tưởng tuyệt vời. Những người sống nhờ lương sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều khi nền kinh tế suy thoái. Tiền lương có thể đóng băng, hay thậm chí giảm, nhưng do giá cả của nhiều thứ cũng giảm nên họ sẽ không quá bị ảnh hưởng.

Tất nhiên, viễn cảnh dành cho những người mất việc tồi tệ hơn nhiều.

Nếu bạn là nhà tuyển dụng, hãy nhớ rằng sa thải không tốt cho việc kinh doanh. Cốt lõi của mọi công ty là tài năng, chuyên môn và các mối quan hệ của nó. Việc sa thải nhân viên phải là giải pháp cuối cùng. Vào giai đoạn đầu của thời kỳ suy thoái, chúng tôi đã đề nghị các giám đốc điều hành của Tập đoàn Virgin khai thác mọi biện pháp – từ chia sẻ công việc cho đến giảm thời gian làm việc trong tuần, đóng băng lương rồi nghỉ phép không lương – trước khi sa thải nhân viên.

Nếu như bạn mất việc thì sao? Cách đây không lâu, một nhà báo đã đề nghị tôi đưa ra lời khuyên cho những người mới thất nghiệp. Tôi đã chỉ ra, theo cách nhẹ nhàng nhất có thể, rằng có nhiều người xứng đáng trả lời câu hỏi đó hơn tôi. Nhưng có một suy nghĩ mà tôi sẽ chia sẻ.

Nếu một công ty để tôi ra đi, tôi sẽ tìm cách tiết kiệm tiền cho chính công ty đó. Mọi công ty – dù đang tăng trưởng bùng nổ hay đang vỡ nợ, lâu năm hay còn non trẻ, lớn hay nhỏ – đều cần tiết kiệm tiền. Nếu công ty bạn hợp tác với một hãng taxi đắt đỏ, hãy tìm hãng rẻ hơn. Nếu các bóng đèn bình thường gây tốn chi phí thì sao? Khi bạn đi đến thang máy, hãy đếm số bóng đèn. Hãy thực hiện phép tính và cho họ thấy có thể tiết kiệm được bao nhiêu nếu chuyển sang dùng bóng đèn tiết kiệm điện, đề nghị được thực hiện việc này và xin khoản tiết kiệm được.

Có rất nhiều cơ hội làm kinh doanh nhỏ ở ngoài kia. Phần lớn đều liên quan đến khả năng tiết kiệm năng lượng. Nếu có một thứ chúng ta biết chắc, thì đó là nhiên liệu sẽ ngày càng đắt đỏ và có thể sẽ sớm hơn chúng ta nghĩ. Nhiều công ty vẫn chưa hiểu rằng một doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể tăng trưởng đơn giản bằng cách giảm lãng phí và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Phần lớn doanh nghiệp không biết họ đã lãng phí bao nhiêu tiền vào việc in những tài liệu không cần thiết, để đèn sáng vô ích 24/7, vào những cửa sổ mà đáng ra số lần lau chúng có thể giảm đi một nửa, vào những cỗ máy văn phòng ngốn năng lượng, cũng như các chi phí vận chuyển và di chuyển vô nghĩa.

Bạn đã làm việc ở đó, vì vậy, bạn biết rõ các vấn đề. Bạn đã chứng kiến sự lãng phí trong nhiều năm khi những đồng tiền bị ném qua cửa sổ, nhưng chưa bao giờ bạn làm gì để thay đổi văn hóa chi phí. Giờ là cơ hội để bạn thực hiện một lời chào hàng – đề nghị được thực hiện việc đó và đổi lấy phần trăm nhất định trong số tiền tiết kiệm được, như vậy, họ không hề mất gì mà hoàn toàn được lợi.

Không phải trong cái rủi nào cũng có cái may, nhưng trong một vài cái rủi nào đó thì chắc chắn có cái may và cần một kiểu thái độ nhất định mới tìm ra được đó là cái may nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.