Kinh Doanh Như Một Cuộc Chơi
VŨ TRỤ TƯ NHÂN
Lãnh Địa Mới Của Virgin
Trong một thời gian dài, thảm kịch tàu con thoi Challenger diễn ra vào năm 1986 dường như đã chấm dứt giấc mơ bay vào không gian của chúng ta, giấc mơ từng vượt khỏi sự độc quyền của những nhiệm vụ do chính phủ tài trợ và số ít các nhà thám hiểu được đào tạo bài bản.
Dù những người thuộc thế hệ của tôi, lớn lên trong những năm 1960, tin rằng việc đặt chân lên Mặt Trăng đã báo hiệu sự khởi đầu cho một công cuộc bùng nổ vĩ đại trong ngành du lịch vũ trụ – giống như các kỷ lục vượt Đại Tây Dương do John Alcock, Arthur Whitten Brown và Charles Lindberg lập ra đã đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên du lịch hàng không – nhưng những giấc mơ đó đã tan thành mây khói bởi cái chết của sáu thành viên phi hành đoàn và Christa McAuliffe, một giáo viên, người đầu tiên không phải phi hành gia tham gia vào một nhiệm vụ trong vũ trụ.
Tuy nhiên, cuối cùng thì công nghệ sắp thay đổi được tất cả những điều đó. Virgin Atlantic và một nhóm nhỏ các đối thủ tư nhân đang chuẩn bị mở ra một thời đại không gian mới. Cùng với Scaled Composites và các đối tác kỹ thuật, chúng tôi đang phát triển một hệ thống truy cập năng lượng thấp có khả năng đưa các con tàu vào trong không gian với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí hiện tại. Với việc phóng tàu từ khí quyển thay vì từ mặt đất, chúng tôi sẽ tối thiểu hóa ảnh hưởng đối với môi trường và một ngày nào đó có thể sẽ khiến các chuyến đi vào không gian trở nên phổ biến như việc băng qua đại dương hiện nay vậy.
Phần lớn các ngành công nghiệp đã trải qua những thay đổi to lớn trong 40 năm qua, nhưng du lịch không gian lại quá chậm chạp trong việc thực hiện một cuộc đại tu tương tự. Chi phí dùng cho việc phóng một chiếc tàu vũ trụ ở vào khoảng 1 tỷ đô-la. Thậm chí để phóng một vệ tinh nhỏ nặng 400 pound [15] (kích cỡ tương đương một chiếc máy giặt) cũng cần đến con số không tưởng là 30 triệu đô-la hoặc hơn. Chính điều này đã cản trở chúng ta tiến vào không gian vì các mục đích công nghiệp.
Việc loại bỏ rào cản chi phí liên quan đến hoạt động phát triển ngành công nghiệp trong vũ trụ là điều rất quan trọng bởi việc tiếp tục khám phá vũ trụ và phát triển các công nghệ liên quan sẽ là một trong những chìa khóa cho sự sống còn của loài người trong thế kỷ tới. Các vệ tinh theo dõi sự biến đổi của các kiểu thời tiết và ảnh hưởng của chúng sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu và dân số quá đông gây ra, ví dụ như tình trạng thiếu lương thực – những cảnh báo sớm đối với người nông dân trong các khu vực bị ảnh hưởng sẽ giúp cứu mùa màng và bảo tồn tài nguyên. Dù một vài bước đi đầu tiên đã được thực hiện trong lĩnh vực này, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm phía trước.
Ngày nay, chúng ta đã có khả năng sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời ngoài vũ trụ để tạo ra điện, vốn có thể được sử dụng trên Trái đất và cho các ngành công nghiệp trong vũ trụ – ví dụ như cụm máy chủ hay một số nhà máy và xưởng sản xuất. Một cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai theo kiểu này sẽ giúp chúng ta trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, loại bỏ nhu cầu tạo ra điện và một số tác nhân quan trọng phát sinh nhiệt và ô nhiễm khác. Thật buồn là bước tiến này lại bị trì hoãn do chúng ta phải dựa dẫm quá nhiều vào các hệ thống phóng đắt đỏ và không thể tái sử dụng được thiết kế từ nửa thế kỷ trước.
Đây chính là nơi cái được gọi là “du lịch vũ trụ” tham gia vào bức tranh. Dù vẫn đang trong những ngày đầu tiên nhưng cuộc đua chinh phục không gian mới này đã trở thành chất xúc tác để khu vực tư nhân phát triển các công nghệ và phương tiện vận chuyển mới. Các tàu vũ trụ của Virgin Galactic sẽ gia tăng mức độ an toàn của chuyến đi vào vũ trụ đồng thời giảm đáng kể chi phí cũng như ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, 500 người muốn trở thành phi hành gia đã đặt cọc hơn 50 triệu đô-la, qua đó phần nào chứng minh cho sự đúng đắn của chúng tôi trong việc đầu tư hơn 450 triệu đô-la vào việc phát triển hệ thống tàu vũ trụ xả khí độc đáo của Galactic.
Các phi hành gia của chúng tôi đến từ mọi ngóc ngách trong đời sống. Từ nghệ sĩ, nhà khoa học đến doanh nhân hay chuyên gia tài chính. Họ có chung một giấc mơ: ngắm nhìn Trái đất từ xa và trải nghiệm sự không trọng lượng, đồng thời giúp tiên phong đưa ra một cách tiếp cận mới đối với lĩnh vực du lịch vũ trụ.
Đây không phải là một dự án dễ dàng. Để trợ giúp cho nỗ lực này, năm 2004 ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Bush đã ban hành luật nhằm thiết lập một khung pháp lý đảm bảo cho chúng tôi phát triển các tiêu chuẩn an toàn khuyến khích sự tin tưởng của thế giới. Cuối cùng, các chính phủ khác cũng sẽ làm tương tự.
Virgin Galactic không phải công ty duy nhất đang thiết kế các hệ thống phóng mới. Elon Musk, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Công nghệ của Space X, hiện đang phát triển một tên lửa mặt đất mới có khả năng cách mạng hóa tính kinh tế của việc đi vào Trạm Vũ trụ Quốc tế. Những công ty khác có thể gia nhập thị trường để đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường bằng cách dịch chuyển công nghiệp ra khỏi hành tinh.
Du lịch vũ trụ không phải điều gì đó không tưởng hay quá xa vời. Nó sẽ giúp chúng ta phát triển các giải pháp thực tế cho một số vấn đề lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt, và điều đó, khi kết hợp với tính tò mò bẩm sinh của con người, sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta để thực sự chạm đến các vì sao!
Chú thích:
[15] Pound hay cân Anh (viết tắt: lb, lbm, lbm], tiếng Việt đọc pao) là một đơn vị đo khối lượng truyền thống của Anh, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khối lượng của đơn vị pound. Hiện nay giá trị được quốc tế công nhận chính xác là: 1 pound = 0,45359237 kg.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.