Lớn Lên Trên Đảo Vắng
Phần I – Chương 04
CHUYẾN THỨ NHẤT TRỞ RA TÀU – CÁNH BUỒM TRÊN THUYỀN CHẬU – DÒNG NƯỚC SUỐI VÀ GIÓ NỒM – TÍN HIỆU LIÊN LẠC – ĐÀN GIA SÚC LÊN ĐẢO – CÁ MẬP – BỮA ĂN CHIỀU THỊNH SOẠN VỚI MÓN CHẢ TRỨNG RÙA – CUỘC DU NGOẠN NGẮN CỦA BỐN MẸ CON – NHỮNG CÂY ĐA KHỔNG LỒ.
Tôi nói cho các con tôi biết rõ Chương trình làm việc đã bàn định. Phrê-đê-rích cũng đã sẵn sàng bởi vì chúng tôi không thể dềnh dàng được. Tôi dặn dò mấy đứa trẻ ở nhà không được rời mẹ khi tôi đi vắng. Tôi lại bàn với vợ tôi dùng một vài tín hiệu để liên lạc với nhau về tin tức hai bên. Một miếng vải buộc vào đầu cây sào dài, cắm trên bờ trong khi chúng tôi vắng nhà, sẽ báo cho chúng tôi biết mọi sự ở nhà đều yên ổn. Cái sào ấy ngả xuống kèm theo ba tiếng súng liên tiếp là tín hiệu bảo chúng tôi phải trở về. Bố trí chu đáo như thế xong, vợ tôi cũng yên tâm, không đến nỗi phải quá lo lắng nhìn theo chúng tôi nữa. Hơn nữa, và còn hứa sẽ không quá sốt ruột nếu công việc trên tàu không để cho chúng tôi trở về ngay trong ngày hôm nay.
Chúng tôi chỉ đem theo khí giới và đạn dược, bởi vì thức ăn đã có ở trên tàu. Phrê-đê-rích đem theo con khỉ con để cho con vật này bú sữa dê. Bắt đầu lên đường; cả nhà im lặng ôm hôn nhau và, trong lòng xao xuyến, chúng tôi xa bờ dần dần. Thuyền ra gần đến giữa vịnh thì gặp một luồng nước mạnh từ trong suối đổ dồn ra biển có thể đưa chúng tôi lại gần chiếc tàu đỡ mất công chèo. Mặc dầu còn rất vụng tay lái, tôi cũng tìm cách đưa được thuyền vào trong luồng nước. Thế là chúng tôi ung dung nhàn nhã trên ba phần đường đi và chỉ còn phải chèo mạnh trong quãng cuối là ghé được vào mạn tàu. Chúng tôi neo chiếc thuyền thật chắc vào tàu rồi chui vào trong tàu qua lỗ hổng hôm trước.
Tới nơi, Phrê-đê-rích chạy vội ngay tới lũ gia súc đã họp nhau trên sàn tàu và cho chúng ăn. Bị bỏ lại mấy hôm nay, bây giờ thấy chúng tôi, chúng tỏ vẻ vui mừng hết sức và chào đón chúng tôi bằng đủ thứ kiểu kêu. Máng ăn vẫn còn nhiều cỏ khô chứng tỏ chúng chờ đợi người hơn là mong thức ăn. Phrê-đê-rích đem con khỉ lại gần con dê cái cho nó bú. Sữa dê hơi lạ miệng nên con vật nhỏ nhăn nhó trông đến hay. Sau khi săn sóc lũ gia súc chu đáo, chúng tôi ăn uống một chút để lấy sức mà làm việc. Sau bữa ăn nhẹ đó, Phrê-đê-rích bàn nên dựng một cột buồm và mắc một cánh buồm vào chiếc thuyền. Tôi bảo nó:
– Thôi, đừng có vẽ vời nữa, cậu bé! Phí công vô ích như thế làm gì?
– Không đâu, bố ạ! Trong khi đi ra đây, con thấy một luồng gió khá mạnh thổi thẳng vào mặt. Sở dĩ chúng ta ra đây được dễ dàng chính là nhờ dòng nước cuốn đi đó thôi. Nhưng khi trở về thì sẽ không còn được thuận lợi như thế nữa! Chiếc thuyền sẽ chở nặng đủ những thứ chúng ta lấy về. Ta nên lợi dụng sức gió, vừa đỡ mệt vừa về nhà sớm sủa hơn!
Sáng kiến ấy quả là hợp thời và tôi bắt tay vào thực hiện ngay. Tôi tìm chọn được một cây sào vững chắc để làm cột buồm, một bộ ròng rọc móc vào đấy để xỏ dây vào mà kéo cho lá buồm lên xuống. Phrê-đê-rích đặt một miếng ván đã đục thủng lên trên cái chậu ở chính giữa thuyền và choán hết bề rộng chiếc thuyền chúng tôi đóng thật mạnh cột buồm xuyên qua lỗ thủng ở miếng ván ấy mà dựng lên. Chúng tôi lại dùng đinh lớn đóng chặt miếng ván vào gờ những cái chậu bên cạnh và cả vào mạn thuyền, làm thành sàn thuyền. Sau đó, hai sợi dây chắc chắn buộc một đầu vào đỉnh cột buồm và đầu kia vào mũi lái thuyền, giúp chúng tôi điều khiển cánh buồm theo ý muốn.
Công việc này mất đến quá nửa ngày. Mặc dầu rất muốn xoay sở để trở về nhà chiều hôm ấy, tôi cũng thấy rõ ràng là không thể được, cho nên phải tính đến chuyện ở lại đêm trên tàu, Phrê-đê-rích hướng kính viễn vọng về phía bờ biển: mọi sự đều tỏ ra bình yên. Chúng tôi bèn làm những tín hiệu đã hẹn trước để báo tin cho ở nhà biết ý định của chúng tôi. Sau đó thì nhận được tín hiệu trả lời rõ ràng đã thấy và hiểu ý định đó, ở nhà mọi sự đều ổn.
Yên lòng về mặt đó, chúng tôi dùng thì giờ còn lại để lấy hết đá bỏ vào trước khi đi cho đằm thuyền và thay vào đó đủ mọi thứ có ích. Thuốc súng và đạn ghém, những thứ rất cần để giúp chúng tôi tự về và kiếm thức ăn, được chú ý trước tiên. Sau đó đến các loại đinh, búa đinh và các dụng cụ đủ thứ. Chuyến tàu này chở đồ đến cho mọi cơ sở khai phá rừng hoang ở châu Mỹ cho nên có rất nhiều đồ dùng các loại. Thừa thãi như thế nên phải lựa chọn rất cẩn thận bởi vì chiếc thuyền không đủ sức chở tất cả nhứng thứ gì muốn đem về. Tuy nhiên lần này tôi phải chú ý đến dao, đĩa, thìa và nồi niêu xoong chảo mà thực tế chúng tôi đã khốn đốn vì thiếu thốn. Thấy trong phòng viên thuyền trưởng có nhiều thứ đồ bằng bạc và bằng thiếc cùng một hòm nhỏ đầy những chai rượu vang thượng hạng, chúng tôi lấy ra luôn. Chúng tôi cũng lấy những đồ dùng khác như cặp nướng chả, sanh đồng, xoong, thùng nhỏ v.v… Trong số thực phẩm dành riêng cho sĩ quan, tôi lựa ra nhiều tấm thịt khô để nấu canh, đùi lợn sấy thượng hạng Vét-pha-li, dồi, và không quên mấy túi nhỏ đựng rau khô và các thứ hạt.
Theo ý kiến Phrê-đê-rích cho rằng giường trải rêu nếu không thay hàng ngày thì rêu sẽ cứng lại, khó nằm, tôi lấy về luôn một số võng và nhiều chăn len sau này còn có thể dùng được vào việc khác. Phrê-đê-rích luôn luôn cứ lo thiếu khí giới nên lại lấy thêm mấy khẩu súng và một ôm lớn những kiếm, đoản kiếm và dao săn, đủ để tự vệ chống chọi với cả đám đông kẻ thù. Để chấm dứt, tôi bỏ vào cái chậu cuối cùng thêm một thùng nhỏ thuốc súng, tất cả những dây rợ đã tìm thấy và một cuộn lớn vải buồm. Tôi lấy về cả lưu huỳnh để làm diêm nữa.
Thuyền chúng tôi chở đầy ăm ắp. May được trời rất êm và biển rất lặng nên tôi thấy không cần phải bỏ bớt lại cho nhẹ nữa.
Trời đã tối. Trong bờ đã đốt một đống lửa to, báo cho biết là vẫn bình thường. Ngoài tàu đốt bốn ngọn đèn lớn để đáp lại rằng ở đây cũng bình yên như thế. Tiếp sau đó, hai phát súng báo cho biết trong bờ đã nhận được tin ngoài tàu.
Chúng tôi xuống thuyền nằm ngủ và chỉ lấy buồm che mà thôi. Chiếc tàu đã quá ọp ẹp, không thể cứ liều mạng ngủ trên đó; một cơn sóng lớn có thể kéo nó ra khỏ dãy đá ngầm, quẳng nó vào một mỏm đá nào đó mà đạp tan nó ra. Ngủ trong thuyền, lỡ có xảy ra việc gì thì chỉ việc cắt đứt dây neo rất dễ dàng rồi kép buồm lên và cầm lấy tay chèo là chúng tôi có thể trở về bờ yên ổn.
Tang tảng sáng, bờ biển còn mờ mờ, tôi đã vùng dậy vì nghĩ tới gia đình trong bờ và chạy ngay ra sàn tàu nhìn vào kính viễn vọng. Tôi hướng ống kính về phía chiếc lều, tổ ấm thân yêu của tôi, dò xem liệu có gì không may xảy ra từ đêm qua không! Phrê-đê-rích dọn ra một bữa sáng hậu hĩ: bánh khô, rượu nho và đùi lợn sấy. Chúng tôi ngồi xuống ăn nhưng mắt không rời bờ biển. Chỉ một lát sau, tôi vui mừng thấy cửa lều hé mở và vợ tôi bước ra ngoài, nhìn chăm chú về phía chiếc tàu.
Chúng tôi kéo ngay lên một lá cờ trắng đã chuẩn bị từ trước. Trong bờ vẫy cờ ba lần để trả lời. Tín hiệu ấy cất ngay cái gánh nặng đương đè trên ngực tôi; suốt đêm qua không có điều gì không may xảy ra cho tất cả những người thân yêu nhất của tôi. Tôi vui mừng bảo Phrê-đê-rích:
– Này, Phrê-đê-rích, bây giờ thì bố rất yên tâm về phía mẹ và các em rồi; bố không nôn nóng trở về như lúc nãy và bố lại nghĩ tới đám gia súc đáng thương kia! Có thể lại một lần nữa chúng bị bỏ lại trên xác cái tàu ọp ẹp này, và luôn luôn bị tai nạn đe dọa. chúng ta hãy tìm cách cứu chúng, được con nào hay con nấy, con ạ!
– À, hay là ta đóng một chiếc bè mà chở chúng nó vào bờ?
– Con ạ, con hãy nghĩ đến tất cả những khó khăn khi đóng một chiếc bè! Lần trước chúng đã phải gạt nó đi rồi. Vả lại dù có đóng một chiếc bè đi nữa thì làm thế nào mà giữ trên bè cho yên được một con bò cái, một con lợn nái, một con lừa và mấy con dê cái? Không được đâu! Phải tìm cách khác!
– À, bố ạ. Thế thì cứ ném phăng con lợn nái xuống biển. Với cái bụng phệ và lớp mỡ dày, nó sẽ nổi trên mặt nước, ta có thể dòng nó theo thuyền.
– Ừ, thì tạm ổn cho con lợn, nhưng những con kia thì không thể làm thế được đâu? Và Phrê-đê-rích ạ, bố rất tiếc con lừa, và cả con bò cái nữa.
– Thế không thể sắm sửa cho chúng nó như hôm trước đã làm cho chúng ta hay sao hở bố? Ta sẽ buộc phao bơi vào ngay bên sườn chúng. Ở đây có cả đống những tấm bần để dùng vào việc đó.
Cách tháo vát ấy theo ý tôi quả là tốt. Chúng tôi đem thực hiện ngay. Một con cừu lớn được đem ra thí nghiệm trước. Chúng tôi buộc dưới bụng nó một tấm gỗ bần lớn, chằng dây thừng thật chặt rồi ném nó xuống nước. Con vật khiếp đảm mới đầu thì chìm nghỉm xuống dưới sâu và chúng tôi tưởng là nó đi đời rồi; nhưng một lát sau, nó lại nổi lên mặt nước, cựa quậy bốn chân và bơi ngay, nhìn cũng tức cười. Một lúc sau, mỏi chân, nó không bơi nữa. Nhờ có tấm bần đỡ nổi lên, nó chứ nằm yên trôi theo chiều sóng.
Kết quả cuộc thí nghiệm đó khiến tôi phấn khởi vô cùng. Như vậy không những có thể đem về đất liền tất cả cừu và dê cái, mà còn tất cả những gia súc khác nữa. Chúng tôi mất đến hai giờ đồng hồ mới khoác xong cho đám gia súc những cái phao bơi kiểu ấy. Riêng đối với con bò cái và con lừa thì phải dùng kiểu phao khác và nhất là phải to lớn hơn, chứ một tảng bần không thể đủ được. Chúng tôi soạn cho mỗi con hai cái thùng rỗng, nút thật kín, buộc cách quãng với nhau bằng một bẳng bải thật dày rồi dùng những cái đai thật tốt mà chằng vào mình chúng thật chặt, không sao xộc xệch được. Sau khi sửa lại lối ra vào ở sườn tàu, chúng tôi dắt con lừa ra, đưa nó lại sát ven thành tàu, đẩy ngay cho nó nhào xuống nước. Thoạt tiên nó cũng chìm nghỉm, nhưng hai cái thùng rỗng lại kéo nó nổi lên mặt nước. Nó ngẩng cao đầu lên có vẻ tự hào, rồi khỏa chân bơi mạng dạn như con cừu lúc nãy. Con bò cái, mấy con cừu và mấy con dê cái cũng theo một đường như con lừa và cũng làm tròn nhiệm vụ không kém. Con lợn nái lại làm rầy rà chúng tôi hơn bọn kia, vì nó vừa khệnh khạng lại vừa cứng cổ. Ấy thế mà, khi rơi xuống nước, nó loay hoay thế nào mà càng ngày càng bỏ xa bạn bè và rốt cuộc thì nó lại vào bờ trước cả bọn một lúc lâu.
Làm xong cái việc lôi thôi đó, chúng tôi xuống thuyền và tạm biệt chiếc tàu. Tôi đã cẩn thận buộc vào đầu mỗi con vật một sợi dây khá dài, đầu kia buộc vào một cái phao ở mạn và lái thuyền để dễ tập hợp chúng lại quanh chúng tôi. Luồng gió nồm thổi căng buồm lên ngay và đưa chúng tôi đàn dần vào bờ.
Vừa tự hào vừa thích thú với kết quả hai ngày làm việc chúng tôi vui mừng lướt sóng trên biển lặng, chung quanh là lũ gia súc lềnh bềnh trồi. Sức dẻo dai và tốc độ bơi rất đều của chúng đã vượt quá cả dự đoán của chúng tôi.
Gần tới bờ thì có báo động. Một con cá mập lớn ở đâu bơi vụt tới và lượn quanh đàn gia súc rồi đâm xổ vào một con cừu cái. Phrê-đê-rích trổ tài thiện xạ, tặng luôn cho “tên cướp biển” một phát đạn đích đáng. Con cá mập lủi đi ngay, một dòng máu loang theo nó. Hôm sau, xác nó dạt lên một hòn đảo nhỏ, cung cấp cho chúng tôi những băng da rất nhám. Thịt nó thì chim biển rỉa cả xương. Hòn đảo ấy được đặt tên là đảo Cá Mập.
Lướt theo chiều gió thuận, chẳng mấy chốc thuyền đã ghé vào bờ. Tôi lái con thuyền rất khéo để cho lũ gia súc có thể lên đất liền được dễ dàng. Sau khi cởi dây thừng buộc chúng vào thuyền, tôi thả cho chúng bơi tự do vào bờ.
Bóng chiều đã ngả mà người thân của chúng tôi sao chưa thấy mặt! Tôi bắt đầu băn khoăn thì từ xa bỗng vang lên tiếng reo vui. Thoáng thấy bóng mấy đứa nhỏ chạy ra đón và mẹ chúng nó đi theo sau, tôi thấy tiêu tan hết lo ngại.
Sau khi cơn hoan hỉ đầu tiên đã dịu đôi chút và tất cả các câu hỏi đã được trả lời, chúng tôi cởi tất cả những “máy nổi” kềnh càng và ngộ nghĩnh cho bọn gia súc. Vợ tôi rất ngạc nhiên và thán phục sáng kiến tuyệt diệu đó.
Chúng tôi lại gần lều và chẳng thấy dấu hiệu gì tỏ ra bữa cơm chiều đã chuẩn bị. Tôi bèn bảo Phrê-đê-rích chạy đi lấy một cái đùi lợn sấy ngâm trong nước muối. Cả nhà cười ầm lên. Nhưng khi thấy “thằng cả” trở lại và xách một cái đùi lợn sấy Vét-pha-li ngon thật sự thì bọn trẻ con cứ reo lên mãi vì vui mừng. Mẹ chúng nó bèn bảo:
– Các con ạ! Thích đấy nhỉ! Chỉ nhìn thấy đùi lợn sấy các con đã thèm nhỏ dãi rồi đấy! Nhưng, chờ cho nấu được nó chín mà ăn thì các con hãy cứ “nhai gió” cho đến sáng mai! Hiện đương có vài chục trứng kiếm được trong chuyến đi chơi ban sáng, nếu đúng như nhận xét của Éc-nét thì chính là trứng rùa. Mẹ sẽ rán cả chứng thật ngon để chúng ta ăn; may mắn là bây giờ ta chẳng còn lo thiếu bơ nữa!
Tôi vội hỏi:
– Thế nào? Trứng rùa à?
– Vâng, bố ạ! Hoặc ít ra cũng có những đặc tính của loại trứng ấy. Đó là những “quả bóng” trắng, vỏ ngoài còn mỏng như giấy ướt; chúng còn tìm thấy trong cát trên bờ biển.
– Ồ, thật quả là một kho báu! Thế làm thế nào mà tìm thấy!
– À. – Vợ tôi trả lời – Điều đó lại dính dáng tới câu chuyện cả ngày hôm nay của chúng tôi! Bố con sẽ được nghe kể sau.
– Cũng được! Vậy thì mẹ chúng nó hãy rán chả trứng đi! Cơm xong sẽ kể lại câu chuyện hôm nay cũng được. Còn thịt lợn sấy thì tôi bảo đảm là đã hun khói kỹ tới mức thịt cũng đã tái và có thể cắt ra từng lát thật mỏng mà ăn ngay. Tuy vậy, tôi cũng nghĩ rằng nếu nấu chín lên thì thịt sấy sẽ ngon hơn nhiều. Bây giờ thì trong khi chờ đợi bữa tối dọn ra, chúng ta hãy mang nốt vào đây tất cả những thứ đã chở về.
Cả bốn đứa con theo tôi ra bờ biển. Nhờ những cánh tay nhỏ ấy, công việc làm xong khá nhanh. Chúng tôi cũng tập hợp xong tất cả lũ gia súc lại, rồi trở về lều vừa đúng lúc vợ tôi gọi về để thưởng thức món chả trứng ngon chưa từng thấy. Bát đĩa đều bày trên nắp dậy thùng bơ, thôi thì đủ các loại đĩa, cốc, thìa, nĩa, dao ăn. Ngoài cái món chả trứng tuyệt vời bằng trứng rùa đó, vợ tôi còn dọn thêm những lát thịt sấy đảo bơ cùng với bánh khô giòn, bơ mặn và pho mát Hà Lan, làm thành một bữa ăn thịnh soạn. Một cốc nhỏ rượu nho Ca-na-ri (Tên một quần đảo ở Đại Tây Dương ven biển châu Phi, sản xuất rượu nho ngon nổi tiếng) lấy trong cái thùng nhỏ ở buồng viên thuyền trưởng lại càng tăng thêm phần hậu hĩ cho bữa ăn.
Trong khi đó hai con chó, lũ gà vịt, chim bồ câu, cừu cái, dê cái và nói chung tất cả gia súc đều tập hợp chung quanh chúng tôi, nhìn chúng tôi có vẻ tò mò lạ lùng. Chỉ riêng mấy con ngỗng và vịt hình như chẳng cần để ý đến sự hội họp của chúng tôi. Chúng thấy xuống nước thì dễ chịu hơn, và chúng tìm được hằng hà sa số những sâu bọ nhỏ và tôm cua, tha hồ ăn thỏa thích.
Cơm nước xong, chúng tôi kể lại công việc đã làm trên tàu và vợ tôi cũng kể câu chuyện trong khi chúng tôi vắng mặt:
“Hai bố con có vẻ nóng lòng muốn nghe câu chuyện ở nhà. – Vợ tôi mỉm cười nói với tôi – Vậy mà đã đến nửa tiếng đồng hồ, tôi định kể mấy lần đều không có dịp. Nhưng mà thôi, “nước càng đọng lại bao nhiều thì nó càng chảy lâu bấy nhiêu”, phương ngôn đã có câu như thế, bởi vậy tôi sẽ không bỏ sót chút nào.
“Tuy vậy, tôi cũng miễn cho hai bố con đỡ phải nghe nhiều vì ngày thứ nhất đã trôi qua khá buồn, chẳng có gì đáng nói. Tôi còn quá lo lắng về nỗi hai bố con đi vắng, mặt khác thì công việc cũng tẻ ngắt vì tôi cứ sợ không dám đi xa nơi có thể nhìn thấy rõ ràng dấu hiệu của hai bố con. Cho tới chiều, những tín hiệu ngoài tàu báo về mới làm cho tôi yên tâm. Tôi bèn vào trong lều với các con, còn hai con chó thì nằm gác ở cửa. Ban đêm cũng yên ổn, nhưng những ý nghĩ về hoàn cảnh hiện nay của chúng ta làm cho tôi không ngủ được nên dậy rất sớm. Hôm qua mấy đứa nhỏ rất khốn đốn vì cái nóng ở đây và tôi cũng cảm thấy chúng ta không thể ở lâu tại cái chỗ ánh nắng thiêu đốt ba bề bốn bên này được. Tôi chỉ ước mong tìm được một chỗ nào khác mát mẻ hơn để ở. Hơn nữa, nhớ tới hai bố con đương chịu thương chịu khó ngoài kia để giúp cho cuộc sống gia đình thêm phần thoải mái, tôi càng mạnh dạn và nhất quyết về phía mình phải cố gắng góp phần vào lợi ích chung. Tôi ngồi ngẫm nghĩ tới tất cả những điều đã được nghe về cái vùng tươi đẹp mát mẻ mà hôm trước hai bố con đã tìm đến. Tôi tin rằng ở đó thể nào chúng ta cũng kiếm được một chốn ở chắc chắn và thuận lợi nhiều hơn là trên dải bờ trơ trụi và đầy cát bụi này.
“Trời vừa sáng, tôi chạy ngay ra bờ biển để báo hiệu cho hai bố con biết tin ở nhà bính yên như đã dặn. Tôi cũng nhận được tín hiệu từ ngoài tàu và rất vui mừng thấy hai bố con đã nhận và hiểu tình hình ở nhà. Dấu hiệu ngoài đó báo về cho biết đến chiều mới vui đón được hai bố con, tôi bèn chuẩn bị một chuyến đi chơi ngắn vừa mới dự định. Sau bữa cơm sáng, tôi nói cho các con biết ý định và con đường sẽ đi, chúng nó vui vẻ tán thành. Đứa nào đứa nấy tíu tít lo sửa soạn những thứ cần thiết. Hai thằng anh mang theo mỗi đứa một khẩu súng, một con dao và một túi dết đựng đầy thức ăn cùng thuốc đạn. Tôi cũng đưa đi một cái túi săn đựng đầy thức ăn, một bình toong nước và một cái búa tay làm khí giới. Tôi cài kỹ móc cửa lều và sau khi nhìn lại một lần nữa ra ngoài biển, bốn mẹ con hăng hái lên đường, hai con chó theo sau. Tất nhiên chúng tôi hướng về phía suối. Con Tuyếc đã theo hai bố con trong chuyến đi trước nên tỏ vẻ thành thạo và muốn dẫn đường. Chúng tôi đi theo nó tới đúng chỗ hôm trước hai bố con đã vượt qua dòng suối và cũng sang được bờ bên kia yên ổn, tuy cũng khá vất vả. Tới nơi, chúng tôi lại tiếp tục đi phiêu lưu không có hướng nhất định.
“Đương vạch cỏ cao tìm đường, bỗng nghe một tiếng sột soạt lạ tai trong đám cỏ. Ngay lúc đó, một cón chim to lớn lạ lùng bay vụt ra, khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi. Hai đứa lớn vơ vội lấy súng nhưng chưa kịp ngắm thì con chim đã bay xa rồi. Chúng nó tiếc ngơ tiếc ngẩn và cứ chế nhau là vụng về”
“Vừa nói chuyện, hai đứa vừa xông xáo trong đám cỏ cao. Bỗng lại một con chim nữa, giống con trước tuy có phần lớn hơn, bốc vù lên ngay từ bên chân chúng nó. Chỉ một loáng, con chim đã vụt ra xa quá tầm súng trước khi hai nhà “thiện xạ” kịp nạp đạn và giơ súng lên. Tôi không thể nhịn cười được khi thấy chúng nhìn theo con chim bay trên không, dáng điệu ngơ nhác và bẽn lẽn. Tôi bèn bảo hai đứa:
– Đấy nhá! Thưa hai cậu! Hai cậu đã để hụt mất một món chim quay ngon lành mặc dầu đã được báo tin trước đấy nhá!
“Chúng tôi đi tới một cánh rừng nhỏ đã nhắm trước. Cơ man là chim chóc lạ lùng! Chúng hót vang và vui vẻ bay lượn quanh chúng tôi, chẳng tỏ vẻ sợ hãi khi thấy người đến. Lũ trẻ định trổ tài thiện xạ. Nhưng tôi không đồng ý vì bắn như thế chẳng ích lợi gì cho chúng ta cả; mặt khác chúng đậu trên những cây rất cao, khó mà bắn trúng được.
“Từ xa nhìn tới thì tưởng ở đây là một cánh rừng. Thực ra chỉ là một đám chừng mười hai hoặc mười bốn cây khổng lồ, to và cao tới mức từ bé đến giờ tôi chưa hề thấy. Lạ nhất là những cây khổng lồ này hình như mọc lơ lửng giữa trời chứ không phải từ dưới đất lên. Thân cây như mọc trên nhiều rễ lớn chụm lại chung quanh gốc như nan chuồng chim. Một chiếc dễ cái, thon hơn thây cây chút ít cũng rất rắn chắc và xoắn lại, đứng trụ cho cả cái khối đồ sộ ấy rất vững vàng.
“Mấy mẹ con dừng chân nghỉ và ăn cơm trưa bên một dòng suối trong vắt, nước uống vừa sạch vừa mát. Chúng tôi thoải mái nghỉ lại chừng hai giờ đồng hồ. Tôi ngắm mãi cảnh đẹp nơi này không chán mắt và cũng nghĩ tới biết bao nhiêu kẻ thù có thể bất ngờ tấn công chúng ta trên cái mảnh đất hoang vắng hiện nay đương ở tạm. Tôi nghĩ rằng nếu tìm cách dựng được một ngôi nhà trên cành những cây đồ sộ đáng quý này, chúng ta sẽ không phải lo ngại bất cứ một tai nạn gì nữa. Nghĩ rằng không thể tìm được nơi nào tốt hơn cánh rừng êm ả này, tôi bèn chấm dứt cuộc đi chơi. Tuy vậy, đáng lẽ trở về theo đường cũ, tôi lại đi dọc bờ biển, hy vọng gặp được vài ba thứ đồ vật trên tàu bị sóng đẩy lên bờ cát mà lại có ích cho chúng ta chăng!
“Chúng tôi đi theo hướng đó nhưng cũng chẳng tìm được gì mấy! Hầu hết chỉ là những thùng, kiện hàng, hòm, nặng quá sức chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng đẩy những thứ đó lên đất liền để tránh không cho thủy triều đã mang chúng lên đó lại cuốn chúng đi mất. Trong khi mấy mẹ con đương lúi húi vào cái việc nặng nhọc đó, tôi để ý thấy con Bi-ly dùng mõm và chân đào bới thật hăng trong đám cát trên bờ, nuốt vội nuốt vàng một thứ gì đó vừa bới ra được. Éc-nét chạy ngay lại, đẩy con chó ra một bên rồi lại kêu lên: “Mẹ ơi! Thú quá! Vô số là trứng rùa! Mau mau lại giúp con giữ đừng cho con Bi-ly phàm ăn nó phá nát mất, nếu không thì chẳng còn gì nữa đâu!”. Tuy chưa tin lắm vào nhật xét của nhà “thông thái” tí hon, tôi cũng vội vàng chạy tới giúp nó. Cũng khá mệt mới đuổi được con chó cái ra chỗ khác, và chúng tôi nhặt được những hai chục trứng còn nguyên vẹn. Những quả vỡ thì để lại cho Bi-ly, thưởng công nó phát hiện ra của quý.
“Vừa cẩn thận xếp xong những quả trứng đó vào túi săn, chúng tôi nhìn ra biển và thấy xa xa có một cánh buồm đương lướt rất nhanh vào bờ. Nửa lo ngại, nửa ngạc nhiên vì tôi chưa thể nhận ra được chiếc thuyền mang buồm. Éc-nét thì đoán là bố và anh trở về. Ruýt-ly cam đoan đấy là những người trên tàu quay xuồng trở lại. Thằng bé Phrits, bao giờ cũng có vẻ hơi nhát gan, cứ trốn vào trong cánh tay tôi và lẩm bẩm rằng đó là cướp biển đến bắt mấy mẹ con để hành tội. Trong khi đó thì chiếc thuyền từ từ vào gần và thấy quả là Éc-nét đã đoán đúng. Chúng tôi chạy thật nhanh ra bờ suối, và sau đó tới được chỗ hai bố con ghé thuyền. Đó, tất cả chi tiết đầy đủ về cuộc thám hiểm của chúng tôi đấy! Bấy giờ nếu quả là bố nó muốn làm cho tôi vui lòng thì bố nó hãy đồng ý là chúng ta sẽ dời sang bên đó ngay từ ngày mai, làm nhà mà ở bên dưới những thân cây hùng vĩ đó…
Tôi mỉm cười hỏi lại:
– Thế nào? Đấy là tất cả những sáng kiến của mẹ chúng nó để bảo đảm sự yên ổn sau này cho cả nhà đó ư? Một cây cao tới sáu mươi bộ! Trèo lên tít tận trên cao mà đậu cheo leo như lũ gà đậu trên cành hay sao? Lại còn phải tìm cách lên tới trên đó nữa! Tôi chưa tưởng tượng ra được cách gì cả, trừ phi có một chiếc khinh khí cầu!
– Ồ, xin bố nó đừng vội chế nhạo tôi! Nghĩ kỹ xem ý kiến của tôi không phải là viển vông đâu! Bố nó không thấy ở nước ta, tại Dô-pin-gơ, hình như thế, có một cây phong vĩ đại, trên ấy người ta đã bố trí được một phòng nhảy và một cầu thang gỗ để lên xuống đó ư? Chúng ta lại không thể theo cách đó mà dựng trên thân cây thấp nhất trong cánh rừng bên đó một phòng ngủ cho cả nhà hay sao? Ít nhất tôi cũng đỡ lo ngại phải tiếp bọn chó rừng thình lình đến thăm và còn nhiều vị khách ban đêm có thể nguy hiểm hơn nữa. Ngoải ra, còn phải làm những gì để thực hiện ý kiến của tôi thì lại nhờ ở tài tháo vát của bố nó! Nhất định chúng ta sẽ hoàn thành tốt đẹp công trình ấy, nếu ai nấy đều hết sức suy nghĩ đến việc đó.
– Được! – Tôi trả lời – Chúng tôi xin tìm đủ mọi cách để làm cho bà vui lòng. Bất kỳ thế nào, cứ theo như mẹ nó tả kỹ về những cây lạ lùng ấy, tôi cũng thấy chúng ta có thể dựng được một nếp nhà khá thuận lợi giữa những đoạn rễ của nó. Ta sẽ dùng những đoạn rẽ ấy làm sườn cho một ngôi nhà chắc chắn hơn hẳn chiếc lều vải này. Ngay sáng mai chúng ta sẽ nghiên cứu việc đó.
Vợ tôi tươi hẳn nét mặt trở lại, và bữa cơm tối đã kết thúc vui vẻ đầm ấm như khi bắt đầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.