Lớn Lên Trên Đảo Vắng
Phần III – Chương 4
LẤY NGỌC TRAI – CHUYẾN ĐI TÌM BẠN CỦA PHRE-ĐÊ-RÍCH VÀ CÂU CHUYỆN CÔ GIEN-NY – MỘT BUỔI ĐÓN TIẾP TƯNG BỪNG – MÙA MƯA LẠI ĐẾN.
Phre-đê-rích cưỡi chiếc cai-ắc dẫn đường cho chúng tôi vào trong Vịnh ngọc trai và sau khi vượt qua dãy đá ngầm một cách yên ổn, chúng tôi thả neo vào bến cũ đã đậu lần trước. Mọi thứ đều không thay đổi: ghế bàn vẫn đó, bếp lửa vẩn nguyên vẹn. Không khí đã trở lại trong lành. Những con trai phơi nắng đã teo lại và mất hết mùi hôi thối hôm trước; xác hai con sư tử chỉ còn lại một đống xương trắng xoá: lũ kền kền và tất cả các loài chim ăn thịt, không kể những ác thú đầy dẩy trong rừng đã róc sạch thịt.
Dọc bờ biển rất yên tĩnh. Chúng tôi thấy có thể đỗ lại để lấy ngọc trong những con trai trên bờ. Sau khi dựng lều, đặt bếp lửa, chúng tôi gỡ ngọc. Công việc lích kích này không giữ cô Gien-ny được lâu. Cô chạy vào lều tìm vợ tôi và xin giúp việc bếp núc.
Gỡ xong ngọc trai, chúng tôi bỏ tất cả vào một bao tải bằng vải và đếm được trên bốn trăm hạt, có những hạt khá lớn. Bấy giờ phải lo bữa chiều. Bốn đứa con tôi xách súng và túi săn vào rừng, định kiếm vài chú chim lớn. Cô Gien-ny ngỏ ý muốn tham gia cuộc săn và khi tôi nói cho cô biết là có lẽ cô chưa quen súng đạn, thì cô mỉm cười và hứa với tôi rằng sẽ không để xảy ra điều gì đáng tiếc. Cô nói rằng đã là con gái một nhà quân sự có tài kiêm một nhà thiện xạ thì cũng phải biết chút ít về súng đạn; hơn nữa cũng chẳng có gì đáng ngại cho cô, vì cô cùng đi với bốn anh em. Tôi ưng thuận nhưng cũng chưa tin lắm ở tài bắn súng của cô, các con tôi cũng vậy. Thế nhưng về sau tôi được biết rõ sự thực: một con chim giẽ bị cô đón bắn bay đã rơi ngay trước mũi súng của cô khiến bọn con trai khâm phục và lúc trở về không ngớt lời khen ngợi nhà thiện xạ. Thế là chúng nó cũng tập bắn bay và cũng hạ được mấy con chim đem về làm thức ăn buổi tối. Món chim quay của cô đầu bếp Gien-ny quả là ngon thơm đặc biệt.
Chúng tôi ngồi tận hưởng cái món chim quay tuyệt ngon ấy trong khi bên ngoài trời tối dần. Cảnh ban đêm thật là yên tĩnh và tráng lệ. Chúng tôi muốn nhân lúc nghỉ ngơi được hiểu rõ câu chuyện đắm tàu và những ngày gian khổ của Gien-ny. Nhưng cô thanh nữ lại lành quá và lúng túng quá đến nỗi không sao nói được ngành ngọn câu chuyện cho dễ hiểu. Thấy cô lúng túng đến đỏ mặt, Phre-đê-rích tự nhận làm phiên dịch và kể lại câu chuyện từ đầu, khá dài dòng khiến chúng tôi phải sốt ruột chờ đoạn chót. Phre-đê-rích nói:
– Chắc bố và các em còn nhớ lúc con chuyển bức thư đầu mái chèo sang cho bố bên thuyền và trong đó đã nói rõ kế hoạch đã định của con; thế rồi con đi thẳng. Mặt biển yên tĩnh, nhưng con vừa qua Vịnh ngọc trai thì bỗng một cơn dông bất ngờ nổi lên rồi chuyển thành bão. Chiếc cai-ắc không thể cưỡng lại gió mưa con đành để nó trôi theo sóng gió. Vài giờ đồng hồ sau, gió yên mưa tạnh, trời trở lại quang đãng và chiếc cai-ắc cũng không còn lênh đênh như một cái nút chai nữa. Nhưng con đã bị cuốn đi xa những vùng quen thuộc, cơn bão đã đưa con đến một vùng bờ biển hết sức mới lạ. Hình thể các dãy núi với những đỉnh cao ngất trời,cây cối và cầm thú con gặp ở ven bờ biển, rồi tất cả các loài chim bay lên cao, tất cả đều chứng tỏ đây là một thế giới mới. Trước hết, con nhìn quanh để tìm xem có luồng khói nào bốc trên đỉnh núi không? Chắc cả nhà cũng nhận thấy rằng hòn Núi bốc khói luôn luôn ám ảnh tâm trí con và con linh cảm rằng cuộc thử thách này của con nhất định đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, con vẫn chẳng thấy vân mòng gì cả. Không hề ngã lòng, con cứ tiếp tục tiến theo bờ biển. Tối đến, sau một bữa ăn thanh đạm, con ngủ trong chiếc cai-ắc. Sáng hôm sau con lại tiếp tục đi nữa, càng đi, càng thấy cảnh vật bờ biển thay đổi. Thỉnh thoảng con lại gặp một dòng sông hùng vĩ đổ thẳng ra biển. Có một cửa sông rộng như một cái vịnh lớn và con có ý muốn chèo ngược dòng nó một quãng. Hai bên bờ nhiều cây cối chen nhau mọc, những dây leo bắt chằng từ cây này qua cây kia võng xuống gần mặt nước như những vòng hoa đu đưa nhẹ nhàng trước gió. Rất nhiều chim chóc các loại, và cả khỉ với sóc nữa, đùa giỡn trên những chiếc cầu treo ấy.
Về trưa trời nóng nực không thể chịu nổi; con phải ghé lên bờ tìm một chỗ nghỉ dưới bóng cây im mát. Con quay chiếc cai-ắc đi ngược dòng sông một quãng rồi ghé vào bờ định bắn vài con chim. Nhưng khói súng chưa tản hết đã thấy lù lù một con vật to lớn từ trong một đám sậy gần đó sộc ra và con chỉ kịp nhặt chim, nhảy vào chiếc cai-ắc, chèo nhanh ra xa bờ.
Lúc đó con mới nhận ra giữa dòng sông có một con hà mã cùng với lũ con nó đương tiến vào bờ và có lẽ phát súng của con đã làm cho chúng hoảng sợ. Con vội xuôi dòng sông mà trở ra biển, tạm tránh nắng dưới bóng một quả núi đã mọc trơ trọi giữa vịnh.
Con không dừng lâu tại đó. Sau khi nghỉ ngơi cho mát một chút, con lại lên đường. Vừa vòng qua một mũi đất nhỏ, bỗng nhiên con thấy trên đỉnh dãy núi đá ven biển có một làn khói nhẹ bốc lên. Con vui mừng khôn xiết! Con quay ngay thuyền lại, hướng thẳng về phía ấy. Con ghé lên bờ và hăng hái trèo lên đỉnh núi cheo leo, bao nhiêu phen muốn rơi xuống vực thẳm. Nhưng tâm trí hướng cả vào kẻ đồng loại bị nạn đương chờ trên đó đã tạo cho con một sức mạnh khác thường và con bình yên lên tới một mặt phẳng trên đỉnh núi, có một bóng người ngồi đó. Đã mười năm, đây là con người đầu tiên ngoài gia đình ta – hiện ra trước mắt con, và cả nhà thử nghĩ xem lúc đó con xúc cảm như thế nào! Nghe tiếng chân con bước lại gần, người đó đương cời lửa bên bếp bỗng giật mình đứng dậy, quay lại thấy con thì kêu lên kinh ngạc! Mặc dầu bộ quần áo chuẩn uý hải quân, nhưng nét thanh nhã của người ấy không dấu con được đó là một phụ nữ. Con dừng lại cách cô ta chừng mươi bước và nhớ lại tất cả những hiểu biết ít ỏi của mình về tiếng Anh, con nói với cô ta, giọng run run: “Tôi đến để cứu bạn, tôi đã nhận được lá thư ở con chim báo bão!”. Có lẽ con nói tiếng Anh không đúng giọng nên lúc đầu cô Gien-ny chưa hiểu ý con. Con cố gắng nhắc lại và một lúc sau, hai bên mới tạm hiểu ý nhau ít nhiều. Con nói với cô em gái mới gặp về dinh cơ Nhà trong động, biệt thự Tổ chim ưng, về cơn bão đã gây nên cuộc phiêu lưu của gia đình ta và cuộc sống của chúng ta trong mười năm qua. Về phía Gien-ny thì cô cũng kể lại cho con nghe thời niên thiếu của cô rồi câu chuyện đắm tàu và thời gian khổ cực ở trên đảo có hòn Núi bốc khói. Thế là phút chốc chúng con đã trở nên thân mật như anh em ruột thịt: cùng chung một cảnh ngộ nên thương mến nhau không khác tình thân máu mủ ruột rà. Cô Gien-ny thân mật mời con cùng ăn cơm chiều. Sau đó con theo một lối đi dễ hơn mà trở xuống chiếc cai-ắc neo dưới chân núi, còn cô Gien-ny thì trèo lên một đám cành cây trên cao mà cô đã khéo léo sắp đặt thành chỗ ngủ để tránh thú dữ. Sáng hôm sau, chúng con lại gặp nhau, vui mừng khôn kể xiết. Cô Gien-ny đã dọn xong bữa sáng có nhiều quả chín và cá nướng. Ăn uống xong, nhân lúc trời yên biển lặng, con bàn với cô Gien-ny cùng xuống chiếc cai-ắc để con đưa về đây. Không ngờ vừa tới hòn đảo mà chúng ta mới đặt tên là Hạnh phúc thì thuyền hỏng, chúng con phải ghé lên bờ, con để cô Gien-ny lại đó và dựng một nếp lều nhỏ cho cô ở tạm.
Mặt khác, cô Gien-ny cũng còn có phần nào e ngại về sự gặp gỡ đột ngột với gia đình ta, cho nên cũng muốn rằng con nên về trình bày với bố mẹ trước đã. Con rất tán thành ý kiến ấy và sau khi sửa chữa xong chiếc cai-ắc, con trở về nhà một mình và đã gặp bố mẹ với các em…
– Câu chuyện kể nghe thú quá – Ruýt-ly góp ý – nhưng chúng em còn muốn biết cả chuyện vể cô Gien-ny nữa!
– Được được, đừng nóng ruột, đâu sẽ có đấy – Phre-đê-rích mỉm cười trả lời rồi kể tiếp – Sau khi đã quen nhau và hiểu nhau, bố và mẹ ạ, con bèn hỏi cô Gien-ny nguyên do vì đâu mà cô lại bị sóng đưa dạt vào bờ biển hoang vắng này. Cô ta kể cho con biết là cô sinh trưởng ở Ấn-Độ, bố mẹ là người Anh. Bố cô, trung tá Mông-trô-dơ là sĩ quan quân đội hoàng gia Anh. Cô mồ côi mẹ từ năm lên bảy, bố cô dồn hết cả lòng thương yêu trìu mến vào con gái, và trong những giờ rảnh rỗi, ông tìm cách phát huy những mặt tốt của cô. Ông không muốn con gái mình chỉ có thể là một phụ nữ lịch sự ở các phòng khách và lôi cuốn sự chú ý trong giới quyền quý. Ông muốn con gái ông lớn lên khoẻ mạnh và tráng kiện, sẵn sàng đương đầu với gian lao và vượt qua nguy khốn. Cho tới năm mười bảy tuổi, Gien-ny được hưởng một nền giáo dục rất thiết thực và tinh tế: cô biết sử dụng một khẩu súng săn cũng như một chiếc kim khâu, biết cưỡi ngựa xông xáo khắp đồng cỏ, nhưng trong phòng khách của trung tá thì cô lại duyên dáng và thanh lịch xứng đáng với sự nể vì của các vị khách lui tới.
Trung tá được thăng đại tá và được lệnh trở về nước Anh trên một quân hạm. Không được phép đưa phụ nữ lên quân hạm, ông đành phải tạm xa cách con gái và gửi cô cho một người bạn thuyền trưởng một chiếc tàu chở khách. Hai cha con cùng lên đường trước sau vài ngày.
Những ngày đầu thì bình yên vô sự, nhưng giữa đường thì chiếc tàu gặp một cơn bão khủng khiếp, bị gió thổi bạt đi rồi xô vào một bãi đá ngầm, vỡ tan tành. Cô Gien-ny là người độc nhất may mắn thoát chết. Cô bơi đã kiệt sức và gần như bất tỉnh thì vừa được sóng đưa dạt vào chân hòn núi mà sau này con đã gặp cô.
Cô gái đáng thương lê vào dưới một mái đá nhô ra, chỗ đó có cát khô và mịn. Cô ngã vật xuống, ngất đi vì quá mệt, và ngủ vùi một giấc vừa đúng một ngày một đêm. Cô ở lại đó nhiều ngày, lòng ê chề thất vọng và không có gì lót lòng ngoài mấy quả trứng lấy được ở các tổ chim trên núi đá. Sau thời gian đó, mặt trời hiện ra và mặt biển dịu dần, cô gái mong rằng có thể có những người đồng hành thoát chết sẽ đến đây tìm cô. Hy vọng như thế, cô nghĩ cách đặt những dấu hiệu có thể báo tin cho bạn hữu. Nhờ theo lời bố dặn mà ăn mặc theo kiểu chuẩn uý thuỷ quân trên tàu, nên bây giờ cô có được một cái hộp kín đựng máy lửa, một con dao và một số đồ vật khác. Thế là cô vớt ngay những miếng ván gỗ mà biển cả đã ném lên bờ, mang lên đỉnh núi, đốt một đống lửa và cố giữ cho không bao giò tắt. Cô hy vọng sẽ có một chiếc tàu nào đó đi ngoài biển xa trông thấy dấu hiệu trên Núi bốc khói mà vào cứu cô.
Trong những ngày đầu tiên sống cô độc trên hòn đảo hoang vu và xa lạ này, các em cũng dễ thấy được những nỗi khổ cực về tinh thần và vật chất của chị Gien-ny. Chị ấy phải chiến đấu chống cái đói dằn vặt khủng khiếp và chống tất cả mọi nguy cơ ở nơi hoang vắng này. Lúc đó chị ấy lại càng thấy quả là vô cùng may mắn vì thuở nhỏ đã được hưởng nền giáo dục thiết thực và cương nghị không thua nam giới. Thói quen săn bắn đã tăng cường cho chị ấy lòng dũng cảm và nghị lực cao hơn là thường tình trong nữ giới, và chị ấy dựa vào những đức tính ấy để bảo đảm cuộc sống. Chị ấy đã nhìn được rất rõ ràng hoàn cảnh của mình, vững lòng tin ở khả năng của mình và luôn luôn hy vọng. Chị tự dựng cho mình một túp lều, câu cá, săn bắn, nuôi dạy một số giống chim trong đó có một con cộc đã bắt cá hộ chị, và nhiều con chim báo bão để gửi gắm niềm hy vọng mỏng manh rằng một ngày kia sẽ thoát nạn… Nói tóm lại, chị ấy đã sống đơn độc không còn nhờ được một sự giúp đỡ nào khác ngoài tài sức mình với dăm ba vật dụng thiết thực đã may mắn mang theo,suốt gần ba năm trong cảnh cô đơn…
Câu chuyện Phre-đê-rích kể làm cho chúng tôi thức khuya hơn đã dự định.
Sáng hôm sau, chúng tôi nhổ neo. Cánh buồm chiếc xuồng lớn ăn gió căng lên trong nắng sớm. Chiếc cai-ắc của Phre-đê-rích chở thêm Phrit đi trước mở đường, đưa chúng tôi ra khỏi ghềnh đá rồi nó lướt nhanh trên sóng và dần dần bỏ xa chúng tôi.
Vượt qua Đảo cá mập, chúng tôi hướng thẳng về phía bờ biển Nhà trong động. Cảnh bờ biển vừa hiện ra trước mắt thì một loạt súng chào mười phát đại bác tù trên bờ đã vang tới: sáng kiến kịp thời và có ý nghĩa ấy của Phre-đê-rích đã có ảnh hưởng tốt cho cả gia đình.
Một lát sau loạt súng chào, chúng tôi thấy hai anh em chèo chiếc cai-ắc tiến tới. Chúng nó đón tiếp chúng tôi ngay từ ở cửa vịnh, coi như bắt đầu bước vào hải phận của chúng nó và chiếc xuồng lớn cứ theo chiếc cai-ắc mà tiến vào bờ. Phre-đê-rích và Phrit cập bến trước và giúp chúng tôi lên bờ dễ dàng. Cô Gien-ny vừa bước xuống bãi cát đã nghe một tiếng reo vui vang lên. Phre-đê-rích tiến lại gần cô nàng và như một hiệp sĩ lịch sự, giơ tay đón rồi dẫn cô về thẳng hành lang chạy dải bên ngoài động.
Ở đó, một bài trí mới đã sẵn sàng chờ đón chúng tôi: một chiếc bàn dày đặt chính giữa hành lang trên bày đầy những hoa quả trong vùng: dừa, vải, ổi, cam sắp từng đống cao thơm ngát, bày trên lá cây hoặc trong những đĩa bằng vỏ quả bầu. Tất cả những đồ đựng trong nhà: cốc bằng vỏ dừa, vỏ trứng đà điểu gắn trên chân tiện, cốc lớn bằng sứ vẽ màu…đều chứa rượu mật ong hảo hạng, rượu vang Ca-na-ri, sữa tươi. Lại có một đĩa lớn đựng cá và một con gà tây quay nhồi nấm hương là những món chính trong bữa tiệc lớn. Hai chuỗi vòng hoa lá nhẹ nhàng đu đưa trên cao, mang một tấm biển trên kẻ mấy chữ đỏ: “HOAN NGHÊNH TIỂU THƯ GIEN-NY MÔNG-TRÔ-DƠ”. Quả là một buổi lễ trọng thể, một cuộc đón tiếp huy hoàng trong phạm vi có thể có ở trên đảo. Cô Gien-ny ngồi vào bàn, giữa tôi và vợ tôi, tiếp đó là Éc-nét và Ruýt-ly , còn hai nhà pháo thủ thì không lúc nào chịu ngồi cả: khăn mặt vắt cánh tay, chúng làm nhiệm vụ hầu bàn. Nhờ tính tình linh hoạt và biết chú ý kịp thời để đón trước ý “quan khách” chúng cố gắng tạo cho buổi lễ của gia đình do chúng bố trí, tất cả những gì xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Những cuộc chạm cốc văn vẻ và ồn ào được tiếp diễn nhiều lần, trong đó tên cô Gien-ny được nhắc tới và hoà vào những lời chúc mừng hạnh phúc tương lai.
Ăn uống xong, chúng tôi cùng nhau đi vào trong nhà. Cô con gái được dành một gian bên cạnh phòng bà mẹ. Cô Gien-ny không ngớt ngắm nghía và khen ngợi tất cả những tài sản của chúng tôi. Cô ngạc nhiên không ngờ bốn thanh niên và hai ông bà đứng tuổi có thể làm được nhiều việc như thế. Chúng tôi đưa cô ra thăm vườn rau, công trình tuyệt mỹ và đáng tự hào của riêng bà Ê-li-da-bét quý mến. Rồi đến vườn cây ăn quả, vườn lồng kính, chẳng sót một nơi nào trong khu vực Nhà trong động mà chúng tôi không đưa cô đi xem. Sau đó, khi đã nghỉ ngơi thoải mái, chúng tôi dự định cả nhà sẽ đi một chuyến sang Tổ chim ưng. Ngôi biệt thự trên cây này bấy lâu nay ít được chăm sóc cho nên cũng có hư hỏng và bề bộn. Chúng tôi phải bỏ hẳn một tuần lễ để sửa sang xếp dọn lại cho ra vẻ. Cả nhà lại cùng đi đến Chốn ẩn dật để gặt lúa và thu lượm các thứ lương thực khác. Mùa khô đã gần qua. Một vài trận mưa rào bất ngờ thỉnh thoảng dội xuống báo cho chúng tôi cần phải mau mau cất đặt lương thực, làm cho xong và chu đáo mọi việc chuẩn bị cho mùa đông…
Trong tất cả những hoạt động này, cô Gien-ny đã tỏ ra rất thông minh lại rất cố gắng và đã giúp đỡ được chúng tôi rất nhiều. Nói chung, tất cả ai ai cũng ra sức làm việc và chúng tôi chẳng còn bỏ sót chút gì khi mưa gió trở về và khi bắt đầu phải đóng kín cửa.
Chúng tôi đã dành lại cho mùa mưa nhiều công việc trong nhà, trong đó cô con gái kiên nhẫn và tài khéo đã đóng góp khá nhiều. Gien-ny rất thạo may vá, đan lát: đó là những công việc có nhiều phần thích hợp với mười ngón tay mềm dẻo của nữ giới. Cô bày cho chúng tôi đan rơm, cói và sậy để làm nệm, riềm cửa và rất nhiều các đồ vật khác. Theo cách ấy, chúng tôi đan được những chiếc mũ mùa hè, những cái làn rất lịch sự và cả những túi săn vừa tiện lợi vừa đẹp. Bà vợ tôi rất vui lòng về cô con gái mới về. Cô đã được một công trình giáo dục chu đáo truyền thụ cho một số vốn kiến thức dồi dào, có thể đàm luận với nhà thông thái Éc-nét tiên sinh. Về phần ba cậu kia, nhất là Phre-đê-rích, thì các cậu thấy rõ rằng tài năng của cô Gien-ny rất đáng chú ý về nhiều mặt và các cậu quyết không thể chịu thua kém.
Cứ như thế, chúng tôi chờ cho mùa mưa trôi qua đi trong cuộc sống vui tươi và linh hoạt hơn bao giờ hết. Rồi tới ngày trời quang mây tạnh, đàn bồ câu đã ra khỏi chuồng, chúng tôi cũng bắt đầu mở cửa động, chấm dứt một lần nữa thời gian ba tháng bị giam lỏng trong mỗi năm.
Công việc trước tiên là phải lo sửa sang lại tất cả các dinh cơ đã bị gió mưa tàn phá. Bắt đầu từ vườn rau và khu vực trồng trọt quanh Nhà trong động, rồi lần lượt sửa chữa tới những nơi khác. Phre-đê-rích và Ruýt-ly có ý muốn ra thăm Đảo cá mập xem gió mưa hung hãn vừa qua có làm hư hỏng gì công trình quân sự ngoài ấy không? Tôi đồng ý và chúng nó nhảy vào chiếc cai-ắc đi ngay.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.