Suzanne Rosselin một mình cai quản trại chăn nuôi Écarts, ở phía Tây của làng, với một bàn tay thép, mọi người truyền nhau thế. Kiểu cách cứng ngắc, thậm chí rất đàn ông của người đàn bà cao lớn, to béo khiến cả vùng nể và e ngại, nhưng ở ngoài trang trại của mình, bà ít được chào đón. Người ta thấy bà quá hung dữ, tục tằn và xấu. Họ kể rằng cách đây ba mươi năm một người Ý đi qua vùng đã quyến rũ bà và bà từng muốn theo ông ta dù cha bà không cho phép. Quyến rũ đến nơi đến chốn, họ nói như vậy. Nhưng cuộc đời chưa kịp để cho bà có cơ hội phản kháng thì ông người Ý đã biến mất về xứ sở hình chiếc giày của ông ta, còn cha mẹ bà qua đời cùng năm đó. Tiếp theo, họ kể rằng sự phản bội, nỗi nhục nhã, và sự thiếu vắng đàn ông đã khiến đầu óc Suzanne chai cứng lại. Và rằng chính số phận, để trả thù, đã khiến bà có tướng đàn ông. Những người khác thì nói rằng không, ngay từ đầu bà đã có tướng đàn ông rồi. Cũng một phần vì tất cả những lý do trên mà Camille quý mến Suzanne, thứ ngôn ngữ tục tằn, nhiều khi đến mức sôi sục khiến bà có một cái gì đó đáng khâm phục. Camille, qua cách giáo dục của mẹ cô, coi thô tục là một nghệ thuật sống, và kinh nghiệm nghề nghiệp của Suzanne khiến cô rất ấn tượng.
Cỡ một tuần một lần, cô lên trại chăn cừu để trả tiền thùng thực phẩm Suzanne chuẩn bị cho cô. Và ngay khi bước chân vào địa hạt của trại Écarts, mọi lời bàn tán ngoa ngoắt cùng những lời chế giễu đều chấm dứt: năm người đàn ông và đàn bà làm việc ở trại sẵn sàng xả thân vì Suzanne Rosselin.
Cô đi dọc theo con đường rải đá qua mấy bậc thềm lên đến ngôi nhà, một công trình bằng đá, cao hẹp, cánh cửa thấp được đục ở giữa, lối vào nhỏ bé, không cân đối. Camille cho rằng mái nhà đổ nát còn trụ được là nhờ sự kết nối huyền bí giữa các viên ngói, viên nọ gắn chặt với viên kia như trên cùng một cơ thể. Nơi này khá vắng vẻ và cô đi đến chỗ chuồng cừu dài ngoằng nằm bên sườn dốc, cách năm mét về phía bên trên. Có tiếng Suzanne nạt nộ từ xa. Camille nheo mắt lại dưới ánh mặt trời để có thể phân biệt được hai cái áo sơ mi màu xanh thẫm của hai viên cảnh sát, và ông hàng thịt Sylvain đang chạy lăng xăng qua lại. Hễ cứ liên quan đến thịt là có mặt ông ta.
Tiếp đó, vẻ uy nghi, ông Canh đêm đứng thẳng, lưng tựa vào tường chuồng cừu. Cô chưa có dịp quan sát thật gần ông lão chăn cừu già nua của Suzanne, ông luôn biến mất giữa bầy cừu. Người ta cho rằng ông ngủ ngay trong cái trại cũ, cùng với lũ cừu, nhưng điều đó không làm ai sốc cả. Người ta gọi ông là ông “Canh đêm”, nghĩa là người “Canh đêm”, người ”Giữ cửa Ban đêm”, Camille sau một thời gian cũng hiểu ra điều đó, cô không biết tên thật của ông. Gầy gò và cứng nhắc, ánh mắt kiêu hãnh, mái tóc trắng hơi dài, nắm tay siết chặt cây gậy chống thẳng xuống đất, ông mang dáng vẻ theo đúng nghĩa của một ông lão oai nghiêm, khiến Camille không biết mình có được phép nói chuyện với ông hay không.
Phía bên kia Suzanne là chàng trai trẻ Soliman, cũng đứng thẳng như ông Canh đêm, như một sự bắt chước máy móc. Nhìn họ kè kè hai bên Suzanne như hai lính gác bất động, ta tưởng như họ chỉ đợi Suzanne ra hiệu là tạt một cú gậy đánh tan đội quân xung kích tưởng tượng đang tấn công. Hoàn toàn không phải vậy. Đó vốn là dáng đứng tự nhiên của ông Canh đêm, còn Soliman thì trong những hoàn cảnh hơi kịch tính một chút, thường đơn giản là làm theo ông. Suzanne đang tranh cãi dài dòng với hai viên cảnh sát, họ đang lập biên bản. Những con cừu bị cắn chết được chuyển vào bóng mát, sâu trong chuồng.
Vừa nhìn thấy Camille, Suzanne đặt nắm tay to lớn lên vai cô lắc mạnh.
— Đây là lúc anh ta cần có mặt, anh chàng đánh bẫy của cháu ấy, bà nói. Anh ta phải nói cho chúng ta biết. Chắc chắn anh ta tinh ranh hơn hai thằng ngu không làm nên trò trống gì kia.
Ông hàng thịt Sylvain định có ý kiến.
— Sylvain, câm miệng lại, Suzanne chặn ngay, ông cũng ngu si như bọn kia thôi. Tôi không trách ông đâu, ông có lý do để được tha thứ, đây không phải việc của ông.
Không ai phản đối gì và hai viên cảnh sát, vẻ chán chường, tiếp tục chật vật viết biên bản.
— Cháu báo cho anh ấy biết rồi, Camille nói. Anh ấy đang đến đây.
— Sau đó, nếu cháu có chút thời gian. Chuồng tiêu bị rò nước, cháu phải xử lý việc này đấy.
— Cháu không mang theo dụng cụ Suzanne ạ. Để lúc khác.
— Trong khi chờ đợi, vào mà xem cái gì ở trong kia, con gái ạ, Suzanne vừa nói vừa chỉ ngón tay cái mập mạp về phía chuồng cừu. Như lễ hiến sinh của bọn người man rợ vậy.
Trước khi đi qua cái cổng thấp, Camille kính cẩn chào ông Canh đêm và rụt rè bắt tay Soliman. Không như với ông Canh đêm, Camille biết rõ Soliman, cậu theo Suzanne như hình với bóng, hỗ trợ bà trong mọi việc, cô cũng biết câu chuyện về cậu.
Đó thậm chí còn là câu chuyện đầu tiên cô được nghe kể ngay khi mới đến, như thể rất cấp bách vậy: một tên Da đen trong làng, hai mươi ba năm sau dân làng cũng chỉ như vừa mới chịu chấp nhận sự thật. Cậu bé châu Phi, còn đỏ hỏn, được đặt trong một chiếc giỏ đựng sung, như trong những câu chuyên cổ tích, để trước cửa nhà thờ. Chưa bao giờ có ai nhìn thấy một người Da đen ở Saint-Victor, cả ở những vùng xung quanh cũng vậy, người ta nghi rằng thằng bé đã được sinh ra ở thành phố, có thể ở Nice, nơi mọi việc đều có thể, kể cả những đứa trẻ da đen. Nhưng rành rành là thằng bé đang khóc the thé như bị lạc trước cửa Nhà thờ Đức Bà làng Saint-Victor. Rạng sáng ngày hôm đó, nửa số dân làng cuống cuồng xoay quanh cái giỏ và thằng bé đen nhẻm. Rồi những cánh tay phụ nữ, mới đầu còn ngập ngừng, dang ra đón lấy thằng bé, ru nó, cố dỗ nó. Lucie, chủ quán cà phê trong làng, là người đầu tiên can đảm đặt một nụ hôn lên cái má đẫm đớt dãi của thằng bé. Nhưng không gì có thể làm dịu thằng bé đang gào khóc đến gần đứt hơi. “Thằng bé da đen, nó đói đây”, một bà già nói, “Nó đái dầm”, một người khác nói. Rồi bà Suzanne to lớn tiến lên bằng những bước đi lực sĩ, tách đám đông, đón lấy thằng bé, để nó nằm trong cánh tay mình. Đứa trẻ ngừng khóc ngay lập tức, đầu áp vào bộ ngực đồ sộ. Kể từ lúc đó, đối với mỗi người, như trong một câu chuyện cổ tích có các nàng công chúa là những Suzanne to béo, ai cũng chấp nhận một điều hiển nhiên là thằng bé da đen mãi mãi thuộc về bà chủ trại Écarts. Suzanne gí ngón tay trỏ vào cái miệng đói ăn và quát lên – Lucie suốt đời không thể nào quên:
— Tìm trong giỏ ấy, lũ ngu! Chắc chắn có một mẩu thư!
Có thư thật. Ông cha xứ là người bước lên bậc tam cấp của nhà thờ, trịnh trọng dang tay ra để yêu cầu im lặng, rồi bắt đầu cao giọng đọc: Nàm ơn, chăm sóc ló…
— Đọc rõ lên, đồ khốn kiếp! Suzanne vừa đung đưa thằng bé vừa yêu cầu. Chẳng ai hiểu gì cả!
Việc đó, Lucie suốt đời không thể nào quên. Suzanne Rosselin không tôn trọng cái gì hết.
— Nàm ơn, ông cha xứ ngoan ngoãn đọc tiếp, chăm sóc nó, chăm sóc ló thật tốt. Ló tên nà Soliman Melchior Samba Diawara, lói với ló rằng mẹ ló tốt, rằng cha ló tệ như địa ngục đáy ao. Chăm sóc ló tốt, yêu ló, nàm ơn.
Suzanne áp sát vào ông cha xứ để đọc qua vai ông. Rồi bà giật lấy mảnh giấy khai khăm khẳm mùi nước tiểu và nhét vào một túi trên cái váy – túi đựng đồ của bà.
— Soliman Melchior Lằng Nhằng Cục Cứt à? tay thợ sửa đường Germain vừa cười nhạo vừa nói. Tiếp theo còn gì nữa? Cái mớ hổ lốn này là thế nào? Không tên là Gérard như mọi người được à? Còn mẹ nó, mẹ nó tưởng nó từ đâu chui ra? Từ kẽ đùi thần Jupiter chắc? (Vị thần tối cao trong Thần thoại Hy Lạp)
Có vài người cười, nhưng không nhiều lắm. Phải thừa nhận điều này ở dân làng Saint-Victor, Lucie nói rõ, không phải bọn họ ai cũng ngu ngốc hết, họ biết kiềm chế những khi thật sự cần thiết. Không như ở Pierrefort, nơi tình người có giá trị chẳng đáng là bao.
Trong khi chờ đợi, mái đầu đen nhỏ bé của đứa trẻ vẫn rúc vào nách người đàn bà cao lớn. Nó bao nhiêu tuổi? Cùng lắm là một tháng. Và nó yêu ai? Suzanne. Cuộc đời là vậy đó.
— Thôi, Suzanne vừa nói vừa khinh bỉ nhìn toàn bộ thế giới của bà từ bậc tam cấp. Nếu có ai hỏi, thì nó ở Ecarts.
Vụ việc kết thúc tại đó.
Không ai đến hỏi thằng bé Soliman Melchior Samba Diawara. Đôi khi, người ta tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người mẹ đẻ nghĩ tới việc đến đòi lại thằng bé. Bởi lẽ Suzanne Rosselin, kể từ khoảnh khắc quyết định ấy – mà dân làng gọi là “khoảnh khắc nơi bậc tam cấp” đã gắn bó mãnh liệt với thằng bé, và người ta nghi ngờ việc bà sẽ dễ dàng chấp nhận trả lại thằng bé mà không tranh đấu. Sau hai năm, viên công chứng đã thuyết phục được bà đi làm giấy tờ cho thằng bé. Không phải để nhận nó làm con nuôi, không, bà không có cái quyền đó, mà là để hợp thức hóa việc đỡ đầu.
Thằng bé Soliman đã trở thành con trai của Rosselin như vậy. Suzanne dạy dỗ nó như những đứa trẻ khác trong làng, nhưng lại ngầm giáo dục nó như một vị vua châu Phi, bà lờ mờ tin rằng thằng bé của bà hẳn phải là một vị hoàng tử con hoang bị đi đày của một quốc vương hùng mạnh. Đẹp như nó bây giờ, hệt một vì tinh tú, thì ít ra sự việc cũng là vậy. Thế nên đến năm hai mươi ba tuổi, chàng trai trẻ Soliman đã hiểu biết về các cành giâm cà chua, cách ép đầu ô liu, mầm đậu Địa Trung Hải, cách rải phân bón cũng rành rọt như về những phong tục tập quán của lục địa đen. Mọi hiểu biết về bầy cừu là do ông Canh đêm dạy cho cậu. Còn những gì về châu Phi, về những vận may, vận rủi, những truyện cổ tích và thần thoại, cậu học được từ các cuốn sách mà Suzanne đọc một cách chu đáo cho cậu nghe, theo năm tháng, đến lượt mình bà cũng trở thành một nhà châu Phi học lão luyện.
Đến tận ngày hôm nay, Suzanne vẫn rình những phóng sự truyền hình nghiêm túc chiếu trên ti vi có thể mang lại những thông tin bổ ích cho chàng trai, việc sửa chữa xe cam nhông chở dầu trên một con đường mòn ở Ghana, loài khỉxanh ở Tanzanie, chế độ nhiều vợ nhiều chồng ở Mali, nền độc tài, nội chiến, đảo chính, nguồn gốc và tầm quan trọng của vương quốc Bénin.
— Sol, bà gọi, nhấc cái đít lên! Người ta đang nói về nước của mày trên ti vi kia kìa.
Suzanne không thể khẳng định được quê quán của Soliman, vậy nên bà cho rằng đơn giản nhất là cứ coi toàn thể lục địa đen là của cậu. Và không thể có chuyện Soliman lại bỏ qua bất cứ bộ phim tài liệu nào. Chỉ đúng có một lần, vào năm mười bảy tuổi, chàng trai trẻ thử chống đối.
— Con chẳng liên quan gì đến mấy người đó, anh chàng rên rỉ trước một phóng sự về những người săn lợn lòi ở châu Phi.
Thế là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Suzanne cho cậu một cái bạt tai. – Đừng có nói như vậy về nguồn gốc của mày! bà ra lệnh.
Thấy Soliman suýt khóc, bà tìm cách giải thích nhẹ nhàng hơn, bàn tay to lớn siết lấy đôi vai mảnh khảnh của thằng bé.
— Quốc gia chẳng là cái quái gì, Sol ạ. Chúng ta sinh ra ở nơi chúng ta sinh ra. Nhưng đừng có chối bỏ cha mẹ mình, điều đó sẽ mang lại nhiều rắc rối ra trò đây. Chính việc chối bỏ mới là không tốt. Chối bỏ, không thừa nhận, phỉ báng, chỉ dành cho bọn cay cú, bọn mưu mẹo, những tên muốn cho rằng chúng tự hình thành, và trước chúng không có ai. Tóm lại là những thằng ngu. Con, con có trại Écarts, và có toàn thể châu Phi. Cứ lấy hết cả đi, con sẽ được gấp đôi.
Soliman dẫn Camille vào chuồng cừu, phác một cử chỉ chỉ những con vật máu me bê bết nằm thành hàng trên nền đất. Camille nhìn chúng từ xa.
— Suzanne nói gì? cô hỏi.
— Suzanne chống lại bọn sói. Bà nói sẽ không có gì hay ho trong việc này. – Rằng con vật đó tấn công cho vui.
— Bà đồng tình với cuộc săn lùng chứ?
— Bà cũng không đồng tình với cuộc săn lùng. Bà nói rằng sẽ không bắt được nó ở đây đâu, nó ở chỗ khác. – Còn ông Canh đêm?
— Ông Canh đêm thì ủ rũ.
— Ông có đồng tình với cuộc săn lùng không?
— Tôi không biết. Từ khi nhìn thấy lũ cừu cái, ông chẳng nói nửa lời.
— Thế còn cậu, Soliman?
Đúng lúc đó Lawrence đi vào chuồng cừu, tay giụi mắt để quen với bóng tối đột ngột. Khu nhà cũ nồng nặc mùi len và mùi nước tiểu lâu ngày, anh thấy người Pháp đúng là cực kỳ bẩn thỉu. Lẽ ra có thể dọn sạch. Suzanne đi theo anh, theo anh thì người bà cũng bốc mùi, và cách đó một quãng đúng mực là hai viên cảnh sát ông hàng thịt, người mà Suzanne đuổi không chịu đi. “Cái phòng lạnh là của tôi, chính tôi sẽ mang lũ cừu đi”, ông ta cãi lại.
— Không gì cả, Suzanne trả lời. Ông Canh đêm sẽ chôn chúng ở đây, tại trại Écarts này, với thái độ tôn kính dành cho những kẻ dũng cảm ngã xuống nơi chiến trường.
Câu nói làm Sylvain im miệng, tuy nhiên ông ta vẫn đi theo. Ông Canh đêm dừng lại ở cửa. Ông đứng canh.
Lawrence chào Soliman rồi quỳ xuống bên cạnh những cái xác bị xé ra từng khúc. Anh lật qua lật lại, xem xét những vết thương, ngón tay sục vào đám lông bê bết hòng tìm ra dấu vết hiển nhiên nhất. Anh kéo một con cừu cái non về phía mình, xem kỹ vết cắn ở họng.
— Sol, kéo cây đèn xuống, Suzanne nói. Soi cho anh ta.
Dưới quầng sáng vàng vọt, Lawrence cúi xuống vết thương.
— Răng thịt chỉ vừa chớm cắn, anh thì thầm, răng nanh thì cắn sâu.
Anh nhặt một cọng rơm, cắm nó vào miệng vết thương đẫm máu.
— Anh làm gì vậy? Camille hỏi.
— Thăm dò, Lawrence bình thản trả lời.
Anh chàng người Canada rút cọng rơm ra, lấy móng tay đánh dấu vạch máu đỏ. Anh lặng lẽ đưa cọng rơm cho Camille rồi lấy một cọng rơm khác, chỉnh cho vừa với các vết thương. Anh đứng dậy, đi ra chỗ thoáng mát, móng tay cái vẫn giữ chặt chỗ đánh dấu. Anh cần hít thở.
— Lũ cừu cái thuộc về ông, anh nói khi đi qua ông Canh đêm, ông gật đầu ra hiệu với anh.
— Sol, tìm cho tôi một cái thước.
Soliman sải bước dài về phía ngôi nhà và năm phút sau thì quay lại với cái thước thợ may của Suzanne.
— Đo đi, Lawrence nói, đưa ra hai cọng rơm thẳng tưng. Đo chính xác vào.
Soliman kê thước vào sát vệt máu.
— Ba mươi lăm milimét, anh nói.
Lawrence nhăn mặt. Anh đo cọng rơm còn lại rồi trả thước cho Soliman.
— Sao rồi? một trong hai viên cảnh sát hỏi.
— Răng nanh dài gần bốn centimét.
— Thế thì sao? viên cảnh sát nhắc lại. Có phiền gì không?
Một quãng im lặng khá nặng nề. Ai cũng đoán ra. Ai cũng bắt đầu hiểu.
— Con vật to đấy, Lawrence kết luận, tóm tắt lại cảm tưởng chung.
Một thoáng do dự, rồi đám đông giải tán. Hai viên cảnh sát chào mọi người, Sol đi về phía ngôi nhà, ông Canh đêm đi về chuồng cừu. Lawrence, đứng tách ra một quãng, đã kịp rửa tay, đeo găng và chỉnh lại mũ bảo hiểm. Camille đi lại phía anh.
— Suzanne mời mình vào uống gì đó cho tỉnh táo. Mình vào nhé.
Lawrence bĩu môi.
— Bà ấy hôi lắm, anh nói.
Camille chững lại.
— Bà ấy không hôi, cô nói xẵng, bất chấp sự thật.
— Bà ấy hôi lắm, Lawrence nhắc lại.
— Đừng có đểu thế.
Lawrence gặp phải ánh mắt cau có của Camille, chợt mỉm cười.
— Được rồi, anh vừa bỏ mũ bảo hiểm ra vừa nói.
Anh theo cô trên con đường rải cỏ khô dẫn xuống ngôi nhà bằng đá. về thói quen tự hủy hoại mình bằng những cốc rượu giữa buổi trưa của người Pháp thì anh hoàn toàn không có gì để nói. Dân Canada cũng không kém cạnh về khoản này.
— Dù sao thì, anh nói, tay đặt lên vai Camille. Bà ấy cũng hôi.
Ngay tối đó, chương trình thời sự toàn quốc dành một phần lớn nói về những nạn nhân của bầy sói vùng Mercantour.
— God, Lawrence nói. Không để cho người ta yên được sao.
Vả lại, họ đâu có còn nói về những con sói nữa, mà là nói về con sói vùng Mercantour. Một phóng sựlôi cuốn, phong phú hơn những phóng sự trước đây về con vật được phát ngay phần đầu bản tin. Người ta đánh thức nỗi hãi hùng, niềm căm giận. Người ta trộn thêm vào bầu không khí độc hại những thành phần có họ hàng với vui sướng cùng khiếp sợ. Người ta khoái trá nguyền rủa cuộc tàn sát, người ta miêu tả chi tiết sức mạnh của con vật: không thể tóm bắt, tàn bạo, và trên hết, khổng lồ. Chi tiết này, hơn mọi chi tiết khác, chính là đòn bẩy cho sự quan tâm say mê của cả nước dành cho “Con thú vùng Mercantour”. Kích thước quá khổ của nó, vừa tách nó khỏi sự tầm thường, vừa loại nó khỏi danh sách những điều nhàm chán, khiến nó được xếp vào bầy đàn của quỷ dữ. Người ta vừa phát hiện ra một con sói đến từ địa ngục và không điều gì trên thế giới này có thể làm họ bỏ qua chuyện đó được.
— Việc Suzanne cho đám phóng viên vào làm em ngạc nhiên quá, Camille nói.
— Tự vào thôi.
— Lần này sẽ săn lùng toàn vùng đó. Không ngăn lại được đâu.
— Không tìm thấy nó ở Mercantour đâu.
— Anh nghĩ nó ở chỗ khác ư?
— Chắc chắn, nó di chuyển. Có thể là em nó.
Camille tắt ti vi rồi nhìn Lawrence.
— Anh nói về con nào?
— Em của Sibellius. Có năm con được sinh ra: hai con cái, Livie và Octavie, và ba con đực: Sibellius, Porcus Khập khiễng, và con út, Crassus Trụi lông.
— To không?
— Mới sinh thì có vẻ sau này sẽ rất to khỏe. Chưa thấy nó khi nó lớn. Mercier khiến anh nhớ ra.
— Anh ta biết nó ở đâu chứ?
— Đừng tìm nó. Nhiều ranh giới đã thay đổi trong mùa động dục. Có thể di chuyển ba mươi kilômét trong một đêm. Wait, Mercier có đưa anh ảnh của nó. – Nhưng là hồi nó còn non.
Lawrence đứng lên tìm túi xách.
— Chó chết, anh gầm lên. Bullshitt, để quên nó ở nhà bà béo rồi.
— Suzanne chứ, Camille chấn chỉnh.
— Bà béo Suzanne.
Camille do dự trước cám dỗ của một cuộc cãi vã nho nhỏ.
— Nếu anh phải đi xuống đó, cuối cùng cô nói, thì em đi theo anh. Nhà tiêu bị rò nước.
— Sự bẩn thỉu, Lawrence nói, sự bẩn thỉu không làm em ngại?
Camille nhún vai, tóm lấy túi đựng dụng cụ.
— Đúng vậy, cô nói.
Ở trại Écarts, Camille hỏi một cái xô và một mảnh vải để cọ rửa rồi bỏ mặc Lawrence cho Suzanne và Soliman, hai người này đang mời họ uống trà hoặc rượu trắng.
— Rượu trắng, Lawrence trả lời.
Camille nhìn anh xoay xở tìm cách ngồi càng xa Suzanne càng tốt, tận phía cuối bàn.
Vừa tháo những cái đai ốc bị rít của đường ống dẫn nước thải, Camille vừa tự hỏi không biết có thể làm cho Lawrence nói lời cảm ơn, ít nhất cũng là cảm ơn được hay không. Không phải vì anh làm mếch lòng người khác, mà vì anh chỉ mới hơi tử tế. Việc thường xuyên tiếp cận bọn gấu xám Mỹ không làm cho anh quen với những cách thức thân mật. Và điều đó khiến Camille lúng túng, ngay cả trước một người đàn bà thô lỗ như Suzanne. Nhưng Camille cũng không có hứng thú với những lời giáo huấn. Thôi mặc kệ, cô vừa nghĩ vừa dùng đầu tuốc nơ vít gẩy miếng gioăng mục ra. Đừng nói gì hết. Đừng có xen vào, không phải việc của mình. Cô nghe thấy những tiếng thì thầm văng vẳng từ tầng trệt, rồi tiếng sập cửa. Soliman chạy trong hành lang, leo cầu thang lên gác, dừng lại trước cửa nhà tiêu, thở dốc. Camille, đầu gối vẫn quỳ dưới đất, ngẩng mặt lên.
— Ngày mai, Soliman nói. Là săn lùng toàn vùng.