Nam Việt Lược Sử

TIỂU DẪN



I- Sử: Sử là truyện tích xưa, chỉ dẫn cội rễ một nước, một loại dân chép những sự tân hóa, những lúc hưng vong, trị loạn, những thói tục, đạo đức cùng sự giao thiệp với ngoại bang. Lấy xưa mà sánh nay, lấy lành mà răn dữ, sử cũng là gương soi mình cho các đấng cầm quyền trị nước và nhân dân vậy: vua chúa xem lấy mà tu cang kí, nhơn dân đọc lấy mà sửa tề gia.

II- Đời sơ nguyên: Sự văn minh hóa của một nước khởi từ khi bày ra chữ nghĩa, nhất là từ khi tìm đặng phép in sách vở mà lưu truyền đến sau. Có sách vở mới tri nguyên những sự tích xưa mới lập thành chánh sử được.

Phàm sử ký nước nào cũng vậy, cũng chia ra làm hai đời phân biệt: đời thượng cổ – là đời u minh chưa có sử và đời chánh sử – là đời đã có chữ nghĩa văn minh. Những truyện xứ ta trong thời thượng cổ, từ nhà Hồng bang cho đến nội thuộc Trung nguyên thì chép y theo sử Tầu. Phần nhiều là những điều truyền khẩu, nhưng sự phi thường không đáng tin, vì không có đủ bằng cớ mà kê cứu. Nước Nam có chính sử là kể từ năm 111, trước Chúa giáng sinh, Tầu mới qua chiếm trị, bắt người Nam học chữ Nho, theo đạo nho.

III- Dòng giống người Annam: Người Annam cũng thuộc một chi với người Tầu và người Nhật bản, gốc bên Tây tạng (Thibet) mà ra. Lúc ban sơ mới lìa chi thì lần qua phía Đông, nơi tỉnh Vân nam, Quảng tây, Quảng đông bây giờ. Đụng người Trung nguyên không chống cự nổi, mới dồn xuống phía nam, nơi xứ Bắc kỳ, thì lại gặp dân bổn thổ: Lào, Lâm ấp, Chiêm thành (Ciampois), Chân lạp (Cambodgiens). Khi đó phải tranh phong với những dân ấy đã nhiều trận, đã lâu đời, mới lấy đặng nước chúng nó, rồi cũng có ăn chung lộn với nhau mà nối sanh ra, thì dòng giống người Nam lai lần đầu.

Đến sau hết từ đời Tây hán, vua Hiếu võ đế nước Nam bị Trung nguyên chế phục (111 trước chúa giáng sinh). Người Tầu mới sang qua mà lập nghiệp, kết bạn cùng đàn bà xứ ta mà sinh sản ra thì cái cốt cách nguyên sơ của người Nam lại đổi khác nữa, nhưng mà chưa có lạc mất.

III- Đạo của dân Annam: bên Trung nguyên từ đời Tam hoàng, Ngũ đế cho tới Hạ, Thượng, Châu, chỉ lấy đạo Trời Đất làm gốc. Thiên tử thì tế Giao, tế Xã là tế Trời Đất; chư hâu tế Sơn Xuyên là tế thần núi song, công khanh tế thần Hậu thổ, thần Đất đai. Còn sĩ thứ tế tổ tiên ông bà qua vãng.

Đời Châu định vương (606 – 585) trước chúa giáng sinh, lão đa, xuất thế (604 – 500) bầy ra đạo đức kinh. Từ ấy mới có đạo Lão tử.

Đời Châu linh vương (571 – 544) trước chúa giáng sinh, đức Khổng tử (550 – 480) truyền đạo Nho, dạy cang thường luân lý.

Đến năm 207 trước công nguyên, nhằm đời Tây hán, vua Cao tổ đạo Phật bên xứ Thiên trúc đã sang qua Trung nguyên. Đời Tây Hán vua Hiếu minh đế (58 – 76) sau chúa giáng sinh, sai người qua thiên trúc mà rước thầy sãi và thỉnh kinh Phật.

Đạo Lão tử, đạo Nho, đạo Phật kêu là Tam giáo, dân Tầu cũng kính thờ hết cả ba.

Sử nước Nam, đời sơ nguyên chép rằng: nhà Hồng bang là dòng dõi Thần nông. Vậy thì lúc xưa ta cũng giữ đạo thời Trời đất và ông bà. Sau nước nam bị Trung quốc chiếm trị, thì người Nam cũng theo Tam giáo như người Tầu vậy, duy lấy sự phụng tự nhiên làm gốc.

V- Sử nước nam: nước Nam có quốc sử kể từ đời Trần Thánh Tông (1258 – 1279). Ông Lê Văn Hưu phụng lệnh soạn thành bộ Đại việt sử ký, khởi từ Triệu võ Vương cho đến Lý Chiêu Hoàng thì dứt. Sau mới chép với tới Hồng bàng thị.

Phép lu sử thì dẫn những việc các dòng vua trước chớ không nói về dòng vua đương trị vì nhà sử quản biên những điều đại khái các đời vua ấy mà để có nơi, qua họ khác lên cầm quyền thì mới lấy ra mà viết nối theo, lần lần như vậy mới tư thành quốc sử.

Sử Nam cũng như sử Tầu còn sơ lược, chỉ chép giặc giã nhắc chuyện nhà vua, còn sự văn minh lấn hóa, việc nông cơ, kỹ nghệ, đạo đức, cách ăn thói ở của dân và đều quí trọng hơn hết là sự học hành thì phớt qua mà thôi, cũng có khi không nói đến. Muốn hiểu rõ sự tích nước mình thì phải xem mấy pho sử của người Lãng sa soạn ra, ngặt phần nhiều dân Nam không thông chữ Pháp.

Bổn sử tôi soạn ra đây dẫn giải tuy là đại lược nhưng mà do theo chương trình mới về bậc Sơ học thì cũng đủ cho con nhà Nam đọc lấy cho rõ cội nguồn rễ xứ mình. Những sự tích đem vào sách nầy, nhất là từ nhà Nguyễn tới sau, đã có tra sát trước trong mấy quyển sử chữ Tây.

Sau rốt tôi có đính thêm bản kể các đời vua Annam, đối với các đời vua Tầu và Lãng sa, từ sơ nguyên cho đến bây giờ, trước là để phụ ích cho sách nầy, sau nữa là giúp kẻ nào hay nghiệm xưa nay khỏi nhọc công tìm thêm.

Vĩnh hội – Aoril 1919

NGUYỄN VĂN MAI

NAM VIỆT LƯỢC SỬ


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.