Gập đúng cách và giải quyết những vấn đề về việc cất giữ
Sau khi kết thúc quá trình lựa chọn, các khách hàng của tôi luôn giữ lại chỉ khoảng 1/3 hoặc 1/4 số lượng quần áo ban đầu. Khi quần áo mà họ muốn giữ lại vẫn chồng thành đống giữa sàn nhà, đã đến lúc thu dọn chúng. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bước tiếp theo, hãy để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện.
Tôi từng có một khách hàng gặp phải vấn đề mà ngay cả tôi cũng không hiểu nổi. Tuổi khoảng ngũ tuần và ở nhà nội trợ, bà ấy nói với tôi trong suốt cuộc phỏng vấn ban đầu rằng tủ quần áo trong nhà của bà không đủ để cất giữ hết tất cả số quần áo. Tuy nhiên, rõ ràng là bà ấy có riêng hai tủ quần áo, hơn nữa chúng còn lớn gấp rưỡi tủ bình thường và thêm một chiếc khung treo với ba giá treo chật quần áo.
Quá kinh ngạc, tôi ước lượng sơ bộ là bà ấy phải có đến hơn 2.000 chiếc quần áo trong tủ. Và chỉ khi tới thăm nhà bà ấy, tôi mới hiểu. Tôi không thể tin vào mắt mình khi mở chiếc tủ tường đựng quần áo. Nó giống như thể đống mắc áo ken dày ở nhà của thợ giặt. Những chiếc mắc treo khít nhau không chỉ có áo choàng và váy mà còn cả áo phông, áo len, túi, thậm chí là cả đồ lót.
Khách hàng của tôi lập tức giải thích cụ thể về bộ sưu tập mắc treo quần áo của mình. “Loại mắc áo này được thiết kế dành riêng cho hàng dệt kim giúp quần áo không bị tuột ra. Và chúng được làm thủ công. Tôi mua chúng ở Đức đấy.” Sau 5 phút giải thích, bà ấy nhìn tôi, cười vui vẻ và nói: “Quần áo sẽ không bị nhàu nếu được treo lên. Và như thế chúng cũng sẽ bền hơn, phải không?” Tiếp tục hỏi chuyện, tôi còn phát hiện ra là bà ấy không gấp bất cứ thứ quần áo nào.
Có hai phương pháp cất giữ quần áo: thứ nhất mắc chúng vào mắc áo rồi treo lên giá và thứ hai là gấp chúng lại rồi cất trong ngăn kéo. Tôi có thể hiểu lí do tại sao người ta có thể bị hấp dẫn với việc treo quần áo. Dường như việc này mất ít công sức hơn. Tuy nhiên, tôi hết sức khuyến nghị rằng bạn nên gấp quần áo nhiều hơn. Nhưng việc gấp quần áo và cất chúng vào ngăn kéo sẽ mất công sức. Lồng chúng vào mắc áo rồi treo vào tủ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu đó là điều bạn đang nghĩ, thì chứng tỏ bạn chưa biết đến tác dụng thực sự của việc gấp quần áo.
Xét ở khía cạnh tiết kiệm không gian, treo quần áo không thể so sánh với gấp quần áo được. Mặc dù còn tùy thuộc vào độ dày của quần áo, nhưng bạn có thể cất được từ 20 cho tới 40 chiếc quần áo được gấp trong cùng một không gian cần có để treo 10 chiếc quần áo. Khách hàng mà tôi đã nói ở trên chỉ có nhiều quần áo hơn mức trung bình một chút thôi. Nếu gấp quần áo, bà ấy có lẽ đã không gặp phải vấn đề về không gian cất giữ. Bằng cách gấp quần áo thôi, bạn có thể giải quyết được hầu hết mọi vấn đề liên quan tới việc cất giữ.
Thế nhưng đó không phải là tác dụng duy nhất của việc gấp quần áo. Lợi ích thực sự ở chỗ bạn phải xử lí bằng tay với từng chiếc quần áo một. Khi bạn đưa tay mình lên bề mặt vải, bạn đã truyền năng lượng của mình vào nó. Trong tiếng Nhật, từ “chữa lành” là “te-ate”, nghĩa đen là “chạm tay vào”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ sự phát triển của y học hiện đại khi người ta tin rằng việc đặt tay lên vết thương sẽ thúc đẩy việc chữa lành. Chúng ta biết rằng sự tiếp xúc dịu dàng của cha mẹ, chẳng hạn việc cầm tay, xoa đầu và ôm ấp đứa trẻ, có tác dụng làm trẻ nhỏ cảm thấy an bình. Tương tự, một thông điệp êm ái và rõ ràng bằng bàn tay con người cũng làm cho các cơ khớp giãn ra hơn nhiều so với sự đấm bóp liên hồi của một cái máy. Năng lượng truyền từ tay người khác qua da thịt của chúng ta dường như có tác dụng chữa trị cả thể chất lẫn tâm hồn.
Điều tương tự cũng đúng đối với quần áo. Khi cầm quần áo trong tay và gấp chúng gọn gàng, thì chúng ta, đang truyền năng lượng, điều này có tác dụng tích cực tới quần áo của chúng ta. Gấp đúng cách sẽ khiến vải căng ra và loại bỏ nếp nhăn, giúp chất liệu vải bền chặt và dẻo dai hơn. Quần áo được gấp gọn gàng có sức đàn hồi và tươi mới mà người ta có thể nhận thấy ngay lập tức, khác hẳn so với những thứ quần áo bị lèn bừa bãi trong ngăn kéo. Việc gấp không phải chỉ là khiến quần áo được xếp vừa chặt trong ngăn kéo. Nó là một hành động chăm sóc, một biểu hiện của tình yêu và sự cảm kích vì quần áo đã giúp bạn tạo ra phong cách sống cho mình. Do đó, khi gấp quần áo, chúng ta cần đặt con tim mình vào từng hành động, cảm ơn quần áo vì chúng đã che chở cho cơ thể của chúng ta.
Ngoài ra, gấp quần áo sau khi chúng được giặt và phơi khô là dịp để chúng ta thực sự chú ý tới mọi chi tiết của chúng. Ví dụ, chúng ta có thể phát hiện ra những chỗ vải bị sờn hoặc nhận thấy một chiếc quần hay áo nào đó đang trở nên cũ mòn. Việc gấp thực sự là một hình thức đối thoại với tủ quần áo của chúng ta. Trang phục truyền thống của Nhật – kimono và yukata – luôn được gấp thành hình chữ nhật để có thể vừa khít trong những chiếc ngăn kéo được thiết kế riêng cho từng cỡ. Tôi không nghĩ là có bất kì nền văn hóa nào khác trên thế giới này mà những vật dụng dùng để cất giữ và trang phục lại vừa khít với nhau đến thế. Người Nhật nhanh chóng hiểu được cảm giác thư thái có được từ việc gấp quần áo, cứ như thể họ đã được lập trình từ trong gen di truyền để thực hiện công việc này vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.