Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

LOẠI BỎ TRƯỚC, CẤT GIỮ SAU



Tất cả những người tham gia các khóa hướng dẫn của tôi đều rất ngạc nhiên khi tôi cho họ xem những bức ảnh về chỗ ở của các khách hàng của tôi trước và sau khi được dọn dẹp ngăn nắp. Phản ứng thường thấy nhất là “Những căn phòng ấy trông trống quá!” Đó là sự thực. Trong nhiều trường hợp, các khách hàng của tôi lựa chọn cách dọn sạch mọi thứ trên sàn và không để thứ gì làm vướng tầm mắt. Thậm chí những kệ sách cũng có thể biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa họ quẳng tất cả sách đi. Thay vào đó, các kệ sách giờ đây có thể đã nằm trong tủ tường rồi. Đặt các kệ sách vào trong một cái tủ tường lớn là một trong những thói quen cất giữ tiêu chuẩn của tôi. Nếu tủ tường của bạn đã chứa đầy đồ rồi thì có thể bạn sẽ nghĩ kệ sách không thể cho vừa được nữa. Trên thực tế, 99% độc giả của tôi hầu như cũng cảm thấy như vậy. Nhưng thực sự thì có thể vẫn còn nhiều khoảng trống đấy.
Thực sự thì bạn có đủ không gian để cất giữ đồ trong phòng của mình. Tôi không thể đếm hết có bao nhiêu người đã phàn nàn với tôi là họ không có đủ chỗ để đồ, nhưng tôi lại thấy là nhà của họ không có cách cất giữ đồ hiệu quả. Vấn đề thực sự ở chỗ chúng ta có nhiều hơn những gì mình cần hoặc muốn. Ngay khi bạn học được cách lựa chọn chính xác những vật sở hữu của mình, bạn sẽ chỉ còn lại số lượng đồ vật vừa vặn hoàn hảo với không gian mà bạn đang có. Đây là phép màu đích thực của sự ngăn nắp. Điều này dường như thật khó tin nhưng phương pháp chỉ giữ những đồ vật mang lại niềm vui cho tâm hồn thực sự đúng là như vậy. Do đó bạn phải bắt đầu bằng việc loại bỏ. Ngay khi làm được điều này, bạn sẽ dễ dàng quyết định được nên cất đồ ở đâu vì những vật sở hữu của bạn sẽ giảm xuống còn 1/3 hoặc thậm chí là 1/4 so với khi bạn bắt đầu công việc loại bỏ. Ngược lại, không cần biết bạn ngăn nắp tới mức nào và phương pháp cất giữ đồ hiệu quả ra sao, nếu bạn bắt đầu việc cất giữ trước khi tiến hành việc loại bỏ, thì cũng không có tác dụng gì. Tôi biết thế vì chính tôi đã trải qua chuyện này.
Vâng, chính tôi. Cho dù tôi đang cảnh báo bạn không nên trở thành một chuyên gia cất giữ, cho dù tôi hối thúc bạn hãy quên chuyện cất giữ đi cho đến khi bạn giảm bớt được các đồ vật mà bạn đang có, thì không lâu trước đây, 90% suy nghĩ của tôi đều chỉ chăm chăm vào việc cất giữ. Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này kể từ khi lên 5 tuổi, vì thế giai đoạn này trong sự nghiệp của tôi còn dài hơn cả quãng thời gian tôi đam mê việc loại bỏ, điều mà tôi khám phá ra khi ở tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn đó, tôi cũng dành phần lớn thời gian tìm hiểu sách hoặc tạp chí nhằm thử nghiệm mọi phương pháp cất giữ và đã phạm đủ thứ sai lầm.
Cho dù đó là tại phòng riêng, phòng của các anh chị em hay thậm chí cả ở trường, tôi đã bỏ nhiều ngày để kiểm tra những thứ có trong các ngăn kéo và các tủ đồ, xê dịch các đồ vật cách nhau chỉ mấy milimet, cố gắng tìm ra cách sắp xếp hoàn hảo nhất. “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chuyển cái hộp này ra phía đằng kia?” “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi dỡ cái vách ngăn này ra?” Bất kể đang ở đâu, tôi sẽ nhắm mắt lại và hình dung ra việc sắp xếp lại các đồ vật trong một cái tủ hoặc một căn phòng như thể chúng là những mảnh ghép trong trò chơi ghép hình. Để tuổi trẻ chìm đắm trong chủ đề này, tôi cảm thấy ảo giác về việc cất giữ giống như hình thức nào đó của một cuộc thi trí tuệ mà mục đích của nó là để xem tôi có thể vừa vặn đến mức nào với một không gian cất giữ bằng cách thức tổ chức sắp xếp theo lí tính. Nếu giữa hai đồ vật còn có khoảng trống thì tôi sẽ nhét thêm một vật nữa, để rồi hả hê trong chiến thắng khi khoảng trống đó đã được lấp đầy. Thế nhưng đâu đó trên con đường này, tôi bắt đầu nhìn nhận mọi thứ của tôi, thậm chí ngôi nhà của tôi như những kẻ thù mà tôi phải đập tan và khiến tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.