Nghệ Thuật Hiểu Thấu Tâm Lý Người Khác

ĐỂ CÓ ĐƯỢC SỰ HÒA HỢP TÍNH CÁCH



Có thể bạn sẽ không bao giờ tin rằng có một giải pháp khả quan nào tạo ra được chất “keo gắn đặc biệt” cho các cặp uyên ương bởi vì những gì bạn đã trải nghiệm hay đã chứng kiến trong đời sống hằng ngày. Thậm chí có thể bạn sẽ bắt bẻ rằng:

Có những người đã qua “vài ba lần đò” rồi mà vẫn không hề nhúc nhích tí nào trong quá trình phấn đấu cho sự hoà hợp tính cách.

Cũng có thể bạn sẽ là một “cổ động viên” cho luận điểm: “ Làm gì có sự hoà hợp tính cách!” với giải pháp bi quan một cách khôi hài là: “Muốn cho cuộc hôn nhân đem lại hạnh phúc thực sự thì người đàn ông phải điếc và người đàn bà phải mù”. Kể cũng khá lý thú những cũng rất nguy hiểm bởi lẽ sẽ có những đồng minh bất hạnh của bạn tiếp tục lún sâu vào con đường bi kịch. Tuy nhiên, với các bạn trẻ đang quá lạc quan với tình yêu và hạnh phúc tương lai, cũng có thể coi đây là một phản đề đáng chú ý. Dẫu sao, đây cũng là một sự cảnh tỉnh rằng không dễ gì tạo ra được sự hoà hợp tính cách, đặc biệt trong điều kiện cá nhân ngày càng được giải phóng, cá tính của con người ngày càng được tôn trọng và phát huy…

Khoảng cách giữa các cá tính ngày càng lớn,con người càng dễ bị rơi vào trạng thái “cô đơn giữa một biển người” nếu không có những cách chống đỡ hữu hiệu. Sự thiếu hoà hợp có vẻ “chính đáng và đương nhiên” đó đã len lỏi vào tổ ấm của không ít các cặp uyên ương, gây nên cảnh chia lìa đáng tiếc. và càng ngày càng có nhiều bạn trẻ cần đến “đơn thuốc” cho vấn đề này, mặc dù không thể nào có được một giải pháp vạn năng cho mọi tình huống phong phú đa dạng của đời thường.

Vậy làm thế nào để có được sự hoà hợp về tính cách?

Trong các cuộc trao đổi, toạ đàm với các bạn trẻ, có không ít những ý kiến trái ngược nhau xung quanh vấn đề giải pháp cho vấn đề này:

– Có ý kiến cho rằng không nên tìm hiểu nhau kỹ, vì “càng tìm lại càng khó hiểu và càng hiểu lại càng khó hoà hợp”

– có ý kiến đưa ra một “bí quyết” riêng cho từng giới qua cách nói của một danh nhân là: “Muốn có hạnh phúc với một người đàn ông thì phải hiểu họ rất nhiều và yêu họ in ít cũng được. Còn muốn có hạnh phúc với một người đàn bà thì phải yêu họ thật nhiều và đừng tìm hiểu họ”.

– Đa số ý kiến phản đối những giải pháp trên và cho rằng: dù ở mỗi giới có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, song nói đến sự hoà hợp tính cách là nói đến một quá trình có sự tham gia tích cực của cả hai phía, trong đó mỗi bên đều phải có những hiểu biết cần thiết cả về bản thân lẫn người bạn khác giới của mình.

Tuy nhiên, vấn đề hiểu người, hiểu mình và đặc biệt là dự đoán được những biểu hiện tâm lý, những phản ứng có thể có của phía đối tượng đâu có dễ. Hơn nữa, vấn đề quan trọng hơn nhiều là từ những hiểu biết đó phải tiến dần đến chỗ bước ra khỏi cái vỏ cá nhân của mình để hoà hợp tính cách với người bạn yêu suốt đời. Bi kịch của nhiều trí thức, nhiều danh nhân là ở chỗ đó.

Có những “bậc trượng phu” sau những phút say mê đắm đuối của tình yêu đã “trấn tĩnh” trở lại để quay về với sự nghiệp theo đúng quy luật “ái tình đối với người đàn ông là một đoạn tình sử nhất thời”, mà quên mất rằng: “ái tình đối với người đàn bà lại là một thiên tình sử suốt đời” dẫn đến những “thoái trào của hạnh phúc” sau thời kỳ hoàng kim ban đầu

Có những người dường như sinh ra để “đáp ứng những sự nghiệp lớn lao” cho toàn nhân loại, chứ không phải cho riêng ai cả. Nhân vật Jên E-rơ trong tác phẩm Jen E-rơ đã nhận xét rất hay về mẫu người này- nhà truyền đạo Xanh- Jôn- như sau:

“Tôi thấy anh được nhào nặn bằng những chất liệu tạo hoá dùng để dựng nên những con người anh hùng- cơ đốc giáo hay ngoại đạo- những nhà lập pháp, những chính trị gia, những người đi chinh phục…đó là bức thành luỹ kiên cố bảo vệ những quyền lợi lớn lao, nhưng đặt bên ánh lửa lò sưởi của gia đình thì nhiều khi chỉ là một cây cột cồng kềnh, u ám và lạc lõng”.

Và trong số những “thủ đoạn phá hoại hạnh phúc” cũng không phải chỉ riêng có cánh đàn ông. Nam tước Da Stal đã than phiền về De Stal phu nhân – nữ văn hào Pháp như sau: “Thưa cậu, mỗi khi nghĩ đến cảnh ngộ thảm hại của vợ chồng cháu, cháu nhận thấy đã sai lầm khi cưới một người đàn bà quá thông minh, một loại thần đồng, chỉ mong muốn vợ chồng nói chuyện với nhau như những nhà hiền triết thời Hy Lạp cổ đại. Nàng ham thích những câu chuyện cao siêu từ sáng đến tối và tai hại hơn là từ tối đến sáng. Ân ái lứa đôi nào cần đến thứ triết học cao siêu ấy. Trời ơi, thưa cậu, gần mãi hạng nữ trí thức điên khùng ấy rồi thì chỉ muốn làm quen với các cô gái giặt lụa bên sông”.

Tất nhiên, tranh luận về “lỗi tại ai” trong từng trường hợp đổ vỡ thật là vô cùng và nhiều khi chỉ làm trầm trọng thêm những vết rạn nứt đã có. Cho nên tốt nhất là nên “phòng hơn chống”. Nếu bạn có ý định gắn bó với ai đó suốt đời thì phải có những hiểu biết cần thiết về người đó, như về tính tình, khí chất, tiểu sử, bệnh sử, nghề nghiệp, những nhu cầu, ham muốn, sở thích..Tuy nhiên phải hiểu với một cái TÂM rất sáng và với cái đích là để “xích lại gần nhau hơn”.

Và trong quá trình “xích lại gần nhau” đó, phải thấy được sự va chạm về sở thích, cá tình là tất yếu, phải lường trước khả năng “cải tạo” những cá tính của người khác là cực kỳ khó khăn, đặc biệt với những cá tình không hẳn là tốt nhưng cũng không hẳn là xấu.

Xin đừng lấy mình làm chuẩn để tìm mọi cách sửa chữa, uốn nắn người khác. Hãy khớp thử những đặc điểm sở thích, cá tình, thói quen của người bạn yêu của mình để dự kiến giải đáp tối ưu cho những tình huống cụ thể. Và dù tình huống có căng thằng đến mấy cũng cần hết sức bình tĩnh, tôn trọng nhân cách người khác, tránh thô bạo. Nên nhớ rằng: “Chỉ trích, oán ghét, buộc lỗi thì kẻ điên nào cũng biết, nhưng để hiểu và tha thứ cho người khác thì phải có một tâm hồn cao cả và sức tự chủ mạnh mẽ mới làm được.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.