Nghệ Thuật Hiểu Thấu Tâm Lý Người Khác

GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ GHEN TUÔNG



Bạn đã bao giờ tình cờ gặp người yêu của mình đi với một người mà minh nghi là đối thủ hay chưa?

Bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh đưa người yêu qua nhà người yêu cũ hay chưa?

Bạn đã bao giờ nghi ngờ lòng chung thuỷ của một người mà bấy lâu mình hằng tin tưởng hay chưa?

Có thể trong cuộc sống phong phú, đa dạng hằng ngày khó tránh khỏi những tình huống khó xử như vậy khiến cho con tim của bạn có lúc quặn đau dữ dội hoặc âm thầm “rỉ máu”, mặc dầu gần như ai cũng cố tình che dấu vùng dễ thương tổn đó trước người khác. Không ít các bạn trẻ đã trả lời câu hỏi: “bạn có ghen hay không?” như sau:

– Ghen ư? Không bao giờ!

– Với em thì thoải mái!

– Nếu có người khác để ý cho, thì càng tốt chứ sao!

– Nếu ai “rước hộ” thì càng mừng…

Thậm chí có bạn gái còn khuyên người yêu là nên tìm hiểu thêm những cô gái khác “xem có ai hơn em không, nếu không có thì trở về với em cũng chưa muộn”..

Và có khi chính những người đó lại là kẻ bị đánh gục tử “cơn gió thoảng” đầu tiên của ghen tuông. Vậy ghen là gì? Có nên ghen hay không? Nên xử sự với vấn đề này như thế nào?
Trong tình yêu, khái niệm ghen tuông thường được dùng để chỉ sự thiếu tin tường vào lòng chung thuỷ của người yêu và sự dằn vặt bởi khát vọng muốn giữ độc quyền người yêu. Như La-rô-sơ-phu-cô đã nói: “ Trong ghen tuông có nhiều tự ái hơn tình ái?”. Hay như Mô-li-e cũng nói: “ Tình yêu của người đang ghen giống với lòng căm thù hơn là tình yêu”.

Với những quan niệm như vậy nên có những tác giả đòi loại bỏ ghen tuông ra khỏi tình yêu để đảm bảo tính chất trong sáng cao đẹp của nó

Bi-ê-lin-ski nói: “Ghen tuông là sự si mê, hoặc của những người vốn bản tính ích kỷ, hoặc của những người kém phát triển về đạo đức. Coi ghen tuông là một thuộc tính gắn chặt với tình yêu hơn là một nhầm lẫn không thể tha thứ được”.

Còn Stal cho rằng: “Người nào yêu thực sự, người đó không ghen. Thực chất chủ yếu của tình yêu là lòng tin. Tước bỏ lòng tin tức là tước bỏ nền tảng tạo nên sức mạnh và độ bền vững của tình yêu, tức là tức bỏ tất cả bộ mặt tươi sáng của nó, có nghĩa là tước bỏ tất cả tính chất cao đẹp của nó”.

Có lẽ những bạn trẻ đáng hướng tới một tình yêu lý tưởng và chưa từng trải nghiệm những cảm giác ghen tuông sẽ dễ tán thành những quyết tâm sắt đá nói trên. Còn những người đã từng yêu bằng một tình yêu hiện thực của đời thường lại thiên về ý kiến cho rằng: không thể tranh luận về vấn đề có nên ghen hay không, mà đây là một điều tất yêu không thể tránh khỏi và thậm chí nó còn là điều tất yếu không thể tránh khỏi và thậm chí nó còn là điều cần thiết, là thước đo của tình yêu bên cạnh mặt trái của nó vẫn luôn luôn song hành như một con dao hai lưỡi. Đúng như Bru-nô đã nói: “ Tình yêu không có người bạn nào gần gũi hơn ghen tuông và cũng không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn sự ghen tuông. Hoàn toàn giống như không có gì nguy hiểm cho sắt hơn là lớp gỉ do chính sắt tạo nên”. Và vấn đề chỉ còn là đi tìm giải đáp phù hợp để ứng xử với một đối tượng vừa là bạn lại vừa là thù đó”.

Trong đời thường, chúng ta đã phải chứng kiến những giải pháp cực đoan, nhiều khi dẫn đến những hành động đâm chém, tạt a-xít vào nhau một cách dã man, tàn bạo, gây ra biết bao bi kịch thương tâm. Kiểu ghen tàn bạo thường nảy sinh ở những người có tính khí không cần bằng, bốc đồng, chuyên quyền, gia trưởng, tự mãn, lạnh lùng về cảm xúc và không thích giao thiệp.

Cũng có nảy sinh ở cả những người xưa nay vốn hiền lành, mềm yếu, nhưng trải qua một sự kích động, bộc phát nào đó. Và nó cũng có thể là kết quả của một quá trình bất thường về tâm lý kéo dài hay có sách gọi là kiểu ghen tuông bệnh lý.

Chúng tôi nhớ lại cách đây khoảng 10 năm có một đôi bạn trẻ là sinh viên khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lặp lại gần như trọn vẹn tấn bi kịch của Ô-ten-lô. Bạn nữ đã phải chịu một cái chết đau thương khủng khiếp, còn bạn nam phải nhận án tử hình. Và điều đáng chú ý là cho đến lúc toà toà tuyên án, hắn vẫn còn tự kỷ ám thị mình là nhân vật Ô-ten-lô. Đây là những lời hắn nói trước toà: “Ta phải giết nàng vì ta yêu nàng tha thiết! ta phải giết nàng để bảo vệ nàng trọn vẹn của ta! Ta phải giết nàng để dạy cho những người đàn bà khác biết rằng không nên thay tình yêu như thay…”

Một biểu hiện cực đoan khác là kiểu ghen “ hướng nội”. Nó âm thầm, dằn vặt, giày vò chính chủ thể. Kiểu này thường xuất hiện ở những người thần kinh yếu, hay ưu tư, đa nghi, không tin vào bản thân mình và có khuynh hướng cường điệu hoá những khó khăn nguy hiểm.

Một danh nhân lớn đã viết rằng:

“ Phải chi em được nghe những lời chế nhạo khi có người hỏi: anh có giết vợ hay không, khi bắt được tại trận vợ ngoại tình, anh đã trả lời đơn giản rằng: anh sẽ giết chính anh”.

Có lẽ ngoài một số người tìm đến giải pháp tự kết liễu đời mình một cách bi thảm, còn lại phần đông đại diện cho kiểu ghen này là lặng lẽ ra đi khi “mối nghi ngờ lung lạc con tim” để rồi chết dần, chết mòn trong đau khổ và tuyệt vọng…

Những bi kịch ghen tuông không ai có thể dám chắc rằng sẽ tránh được hoàn toàn, nhưng cần phải lường trước để xử sự sao cho có văn hoá nhất, tránh sự suy thoái về đạo đức và nhân cách con người.

Ghen-xen đã nói rất hay rằng: “Không thể và cũng không nên lau sạch những giọt nước mắt do mất mát hoặc do ghen tuông gây ra. Nhưng có thể và cần phải làm thế nào để chúng luôn tuôn chảy một cách thực sự “con người”, không có gì giống với sự thâm độc của bọn thầy tu, sự man rợ của con dã thú và sự la ó của anh nhà giàu mất của”.

Có lẽ giải pháp có hiệu quả nhất ở đây vẫn là “phòng hơn chống”. Cần nắm bắt được những đặc điểm tính khí của người bạn yêu, dự kiến được những khả năng nghi ngờ, những phản ứng có thể xảy ra để tránh cho nhau những sự hiểu lầm, ghen tuông vô cớ. Tuyệt đối đừng đùa giỡn với tình yêu, đừng cố tình lạm dụng cái nghệ thuật tình yêu là: “ Muốn giữ người yêu một cách hay tuyệt là làm sao cho họ ghen chút chút vì nếu tay nghề của bạn còn non thì bạn sẽ bị chính cái nghệ thuật đó trả thù khi bị quá liều bởi: muốn mất người yêu cũng có một cách hay tuyệt là làm sao cho họ ghen chút chút và hờn một chút chút”.

Có thể có một lúc nào đó do những cảm xúc yêu đương tràn ngập trong bạn, bạn muốn yêu cả những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt rơi trên má nàng. Và giây phút thoáng qua đó, bạn muốn hoàn toàn độc quyền người yêu của mình theo kiểu:

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi Đừng ôm gối chiếc mây đêm ngủ Đừng tắm chiều nay biển lắm người
(Ghen- Nguyễn Bính)

Thì bạn cũng luôn luôn tự cảnh tỉnh rằng:

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi.

Còn khi tình huống đã xẩy ra đến mức căng thẳng rồi, khi cần cố gắng bình tĩnh, sáng suốt với một tấm lòng vị tha, độ lượng, nhìn tận gốc vấn đề, vì kể cả sự phản bội khi xảy ra thường cũng chỉ là mắt khâu cuối cùng trong chuỗi dây xích của sự rạn nứt lâu dài và nguyên nhân có thể không phải từ một phía như những người trong cuộc vẫn thường tìm kiếm.

Và cho dù tình huống đó xấu đến đâu đi chăng nữa thì phép nhu quyền với cái Tâm chan chứa trong bạn sẽ giúp bạn vượt qua tất cả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.