Nghệ Thuật Hiểu Thấu Tâm Lý Người Khác

TRƯỚC BÀI TOÁN CỦA TÌNH YÊU



Trong nhiều bức thư gửi về Chi hội Tâm lý trẻ, có một bức thư đã được các bạn hội viên của Câu lạc bộ Tâm lý thảo luận rất sôi nổi. Đó là bức thư của một bạn gái 22 tuổi với nội dung như sau:

“ Chi hội tâm lý trẻ thân mến! Hiện nay H đang gặp khó khăn trong chuyện riêng tư và H mong nhận được ở chi hội những lời khuyên chân thành nhất!

Sau khi chia tay với mối tình đầu của mình- một mối tình chủ yếu do bố mẹ và hai gia đình vun đắp, tình cờ trong một lần bị đau, phải đến điều trị tại một bệnh viện ở địa phương, H đã gặp anh T, cán bộ của bệnh viện. Lúc đầu H nghỉ giữa H và anh T chỉ là tình bạn, H và T rất mến nhau. Trong những lúc khó khăn, anh ấy đã giúp đỡ H. Niềm tin của H đối với anh ấy càng tăng lên. H tin anh ấy không những vì tuổi tác, mà lớn hơn và cao quý hơn là những suy nghĩ và tấm lòng của anh ấy. Anh ấy đối với H rất nhiệt tình. H được biết, trước anh ấy có ngỏ lời yêu một người, nhưng đã chia tay vì lý do gia đình và chị ấy chê gia đình anh. Thực tình là H rất cảm mến anh ấy từ ngày đầu gặp gỡ. Bây giờ thì H đã yêu anh ấy. Nhưng H lại vừa được biết là chị ấy đã nối lại tình cảm xưa và anh ấy đã chấp nhận.

Chi hội Tâm lý ạ! H vừa buồn, nhưng cũng lại vừa vui. H mừng cho chị ấy. Tất cả tình cảm của H dành cho anh ấy. Liệu rằng H có nên nói ra những suy nghĩ của mình với anh ấy không? H muốn là tình cảm của H và anh ấy mãi mãi trong sáng như ngày đầu gặp gỡ. Có nên như vậy không? H không muốn có một cái hố ngăn cách tình cảm của anh ấy đối với H và như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến tình yêu kia của anh chị không?..”

Sau khi đọc kỹ bức thư nói trên, cuộc tranh luận diễn ra rất sôi nổi, nhưng cũng khá tập trung vào việc khẳng định những rung động chân thành của tình yêu trộn lẫn với tình cảm kính trọng, biết ơn rất đặc trưng cho phái nữ của H và những hành vi đáng trân trọng của anh T với cương vị là người lương y trước bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân trẻ, thuộc phái yếu, đang có ít nhiều sự đồng cảm với mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các ý kiến nêu ra cũng xoáy sâu vào một vấn đề mà cuộc tranh luận vẫn chưa đi đến kết thúc là”

“ Bạn H có phần nào ngộ nhận hay không?”

Tuy đa số các bạn nữ tham gia cuộc tranh luận đều cho rằng H là một người chân thành, sâu sắc và không hề ngộ nhận; song ý kiến ngược lại của thiểu số( trong đó có cả ý kiến của cánh đàn ông) cũng không phải hoàn toàn vô lý trước những tình huống đa dạng muôn mặt của đời thường. Để bảo vệ cho ý kiến của mình, phái thiếu số lập luận như sau:

Tuy hoàn cảnh gặp nhau của H và T là ngẫu nhiên, tình cờ và ngay từ những ngày đầu, giữa họ đã có sự đồng cảm với nhau trên cơ sở cùng chung tâm trạng, cùng trải nghiệm cái cảm giác thiếu vắng một nửa đẹp đẽ nhất của cuộc đời, sau khi đã chia tay người yêu cũ…song về bản chất của các rung động bên trong từ mỗi phía có sự khác nhau khá rõ. Điều này thể hiện ở chỗ:

– Cùng là trải nghiệm cảm giác thiếu vắng sau một cuộc chia tay với tình yêu, song xuất phát điểm của cái cảm giác này ở mỗi người lại rất khác nhau. Với H, tuy là chia tay với mối tình đầu, song mối tình đó lại chủ yếu do bố mẹ và hai gia đình vun đắp, cho nên mức độ đau khổ, nuối tiếc sẽ không lớn bằng trường hợp hoàn toàn tự nguyện yêu nhau. Và cũng do vậy mà sự chia tay của H với người yêu cũ là một sự cắt đứt hoàn toàn. Trong khi đó, với T, cuộc chia tay lại diễn ra với một người mà mình rất yêu thương và trở lực lại là do gia đình. Do vậy mà cuộc chia tay của T với người yêu cũ( tuy được cảm nhận như là một sự đoạn tuyệt hoàn toàn và thậm chí lại có phân thương cảm nữa) trong thực tế lại là một cuộc chia tay nhưng chưa cắt đứt hoàn toàn và trong T vẫn còn trào dâng một nỗi vấn vương, luyến tiếc cuộc đấu tranh giằng co giữa tình yêu cũ với tình cảm mới.

– trong quan hệ tình cảm mới, tuy H thừa nhận rằng cả hai đều rất mến nhau. Song sự cảm mến này, nếu trong thực tế có đạt được trạng thái cân bằng từ cả hai phía(?), thì sắc thái của chúng cũng khác nhau ở chỗ:

+ Sự cảm mến của H đối với T là sự cảm mến với một mức độ rất cao ngay từ ngày đầu gặp gỡ( rất cảm mến) do H bắt gặp một hình mẫu lớn mạnh lên, lấn át hoàn toà hình ảnh của người yêu cũ mà H đã từng đoạn tuyệt. mặt khác, sự cảm mến này mang sắc thái của lòng kính trọng và biết ơn xuất phát từ vị thế của một “đứa em gái bé bỏng” đối với một người anh cao thượng (theo cảm nhận của H ), và quan trọng hơn là xuất phát từ vị thế của một người chịu ơn đối với người ban ơn. Đây là một trong những lý do khiến cho H rất dễ bị ngộ nhận

+ Còn sự cảm mến của T đối với H lại mang sắc thái của một tấm lòng của người “lương y như từ mẫu” trộn lẫn với niềm cảm thông và những cảm xúc mới lạ đang giằng co quyết liệt với mối tình cũ vẫn còn vương vấn trong T. điều đáng quan tâm ở đây là vị thế xuất phát của T trong mối quan hệ này lại gần như đối ngược với H: đó là vị thế của một người anh đối với một người em, một lương y đối với một bệnh nhân, một người ban ơn đối với một người chịu ơn, một thần tượng đối với một tín đồ. Trong trường hợp này, nếu T có động cơ không tốt thì H có thể sẽ bị lợi dụng

Từ những rung động phức tạo nói trên đã dẫn đến một điều trái ngược với mong đợi của nhiều bạn gái là T đã không trao cho H lời hứa của tình yêu, H phải tự nguỵ biện cho mối tình của mình là:

Yêu nhau ai nói bằng lời.

Trong khi đó, với sự từng trải, chín chắn hơn và điều quan trọng là sự khác biệt như đã phân tích ở trên( là trong T không chỉ có H,còn trong H chỉ có T) mà có thể, T đã lường trước một khả năng không thành của mối quan hệ mới mẻ thoáng qua này:

…và mai ai biết xa vời bao nhiêu

Cho nên T đã cố tình tránh né lời hứa, câu thề của tình yêu.

Và một lý do nữa góp phần khẳng định sự ngộ nhận của H là cái cảm giác vừa buồn vừa vui khi biết được cái tin bất ngờ là anh chị ấy đã nối lại tình cảm xưa. Thực ra, nếu một tình yêu song phương và đầy tin tưởng thì cái tin bất ngờ ấy khó có thể đem lại một cảm giác vui đồng thời với cảm giác buồn như vậy: điều này nếu có xảy ra thì chỉ là trường hợp ngoại lệ với những cô gái đặc biệt mà thôi. Tác giả của bài thơ nổi tiếng Hai sắc hoa ti-gôn đã đặt một câu nghi vấn trong đó hàm chứa ý khẳng định cho nỗi đau buồn “nguyên chất” này ở cánh đàn ông như sau:

Nếu biết rằng em đã có chồng Trời ơi người ấy có buồn không? Có thầm nhắc đến loài hoa vỡ Tựa máu tim phai tựa máu hồng…
Tất nhiên là nếu nỗi buồn này ứng với phái yếu, thì nỗi đau buồn có thể còn lớn hơn.

Nói như vậy để thấy rằng nếu cái cảm giác vừa buồn lại vừa vui đó là hoàn toàn có thật trong H, chứ không phải vui là vui gượng thì chính H cũng đã cảm nhận được, dù chỉ rất mơ hồ, ở trong tiềm thức của mình cái kết cục chia ly trước khi nó xảy ra. Và cái cảm giác này như một sự báo hiệu cho chính H biết rằng mình vừa chợt tỉnh một giấc mơ êm dịu và giờ đây dư âm của nó là những nỗi buồn luyến tiếc vẫn còn phảng phất. Điều này dẫn đến một nỗi băn khoăn tiếp theo của H là: “ Liệu có nên nói ra những suy nghĩ của mình với anh ấy hay không?”

Ở đây, trong toàn bộ cái cảm giác buồn vui lẫn lộn cùng những nỗi băn khoăn của H không hàm chứa một lời trách móc nào đối với T và thậm chí lúc này dưới con mắt của H, T vẫn là người tốt,vẫn là thần tượng của mình…Do vậy, vấn đề mà nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn gái muốn thay mặt H để chất vấn T trong trường hợp này là: Tại sao anh ta lại hèn như vậy? tại sao T không dám nói trước với H một lời, thậm chí xin H tha thứ cho trước khi trở về với tình xưa bạn cũ”?

Đây cũng có những lời biện hộ cho T là: có thể do không có điều kiện gặp lại nhau; có thể T sợ điều đó sẽ làm lung lay hạnh phúc vốn đã đầy sóng gió của mình; có thể T sợ rằng tin này đến với H đột ngột và trực diện dễ gây đau khổ nhiều cho H; cũng có thể T tự biện bạch cho mình rằng T chưa hề có một lời hứa hay lời thề yêu đương nào với H cả, mà tất cả những hành động của T chỉ vì tình thương, tình bạn,tình người mà thôi…

Tuy nhiên, đa số ý kiến đều nhất trí rằng: trong trường hợp này giá mà bằng cách này hay cách khác,T kịp thời phát đi cho H cái tín hiệu quan trọng đó và có những lời động viên, khuyên bảo H một cách chân tình với tư cách của một người anh đối với một người em gái hay với tư cách bạn bè thì T sẽ xứng đáng là đấng nam nhi hơn…và có lẽ còn có những “giá mà”… khác

Cuộc tranh luận về đề tài muôn thuở nào sẽ vẫn còn tiếp tục. Hy vọng những ý kiến bước đầu trên đây có thể là một tài liệu tham khảo bổ ích giúp những người trong cuộc tự tìm ra cách giải quyết tối ưu cho mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.