Nghệ Thuật Hiểu Thấu Tâm Lý Người Khác

HÃY BƯỚC CHUNG NHỮNG VŨ ĐIỆU TÂM HỒN



Nếu bạn chọn người yêu bạn sẽ chọn người như thế nào?

– Dĩ nhiên đấy phải là người tâm đầu ý hợp!

– Nếu không chọn được người tâm đầu ý hợp thì vẫn tiếp tục nửa gia đình hạnh phúc chứ gì.

– Chắc chắn là vậy!

– Do đâu mà bạn có quyết định sắt đá như vậy?

– Không hợp nhau thì làm sao có thể sống chung với nhau hạnh phúc được. Tớ rất thích mấy câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:

Cùng giường khác mộng sao em? Tình ta đau đớn hơn đem tử hình!
Đúng là không hơn thì cũng ngang với tử hình!

– Thế mà biết bao người vẫn sống vui vẻ dưới cái giá treo cổ của sự đồng sàng dị mộng đó! Rồi cậu sẽ thấy toàn là tâm đầu ý trệch hết vì đàn ông và đàn bà vốn dĩ không hợp nhau mà.

– Tôi thì tôi tin rằng dù ban đầu có khập khiễng như thế nào đi chăng nữa, tình yêu chân chính cũng sẽ san bằng tất cả. Chắc cậu biết, Sếch-pia đã nói một câu rất hay rằng: “Tình yêu đem lại tính thanh cao cho những người mà tự nhiên vốn không phú bẩm cho họ tính thanh cao”

– Vâng, đúng là Sếch-pia đã nói như vậy! Và cả nhà giáo dục học Xô-việt lỗi lạc Ma-ca-ren cũng nói: “ Tình yêu là tình cảm vĩ đại nhất. Nó sáng tạo nên những điều kỳ diệu, đào luyện nên những sinh thể mới, tạo lập nên những giá trị lớn nhất của loài người”. Nhưng không phải ai cũng có diễm phúc được hưởng cái tình yêu vĩnh hằng như vậy cho đến mãn đời. Hơn nữa tình yêu vồn là một con dao hai lưỡi. Chẳng phải cũng chính Sếch-pia đã từng nói là: “Không có nỗi đau khổ nào trên đời lớn hơn sự trừng phạt của tình yêu và cũng không có nỗi hạnh phúc nào cao hơn khoái cảm mà nó dành cho ta”.

– Khi biết nó là con dao hai lưỡi thì ta sẽ có cách gập cái lưỡi nguy hiểm lại chứ! Hơn nữa có hạnh phúc hay không, có tâm đầu ý hợp được hay không phần lớn là do mình chứ! Tôi luôn tin ở sức mạnh của tình yêu và tin vào khả năng của bản thân mình!

– “Cậu đúng là một người chưa yêu và là một chuyên gia lý thuyết vì cậu nói như sách. Tôi đành bất lực với cậu và đành chờ đợi cậu cho đến ngày cái đoạn trường ai có qua cầu mới hay”…

– Trong đời sống hằng ngày thường xẩy ra những cuộc tranh luận tương tự như vậy giữa những người đã từng trải với các bạn trẻ đang chập chững bước vào ngưỡng cửa yêu đương và kết quả là không ai chịu ai, vì ai cũng có lí lẽ riêng của mình. Và có lẽ những người cho rằng chỉ toàn là “tâm đầu ý trệch” cũng đã từng một thời mơ ước sự đồng điệu của những con tim như các bạn đang ở độ tuổi “mắt nhìn toàn hoa”.

Ai cũng phải bước qua một “nhịp cầu” mà khi sang “bờ bên kia” mới thấy những suy nghĩ khát vọng và cả những “quyết tâm sắt đá” của mình cũng không còn y nguyên như trước nữa, bởi vì khoảng cách giữa con người hiện thực và hình mẫu lý tưởng thật là xa vời. Sự cải tạo con người ở “bờ bên kia” sao mà chậm chạp, ì ạch, thậm chí có cả thụt lùi như vậy! Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia tình yêu đều khuyên là nên chấp nhận nhau nhiều hơn là cải tạo. Thậm chí có danh nhân còn khuyên rằng: “Trước khi lấy vợ hãy cố mở mắt ra. Sau khi lấy vợ hãy cố nhắm mắt lại”.

Tất nhiên, để đến với nhau và để có hạnh phúc trong tương lai, không thể mỗi người cứ “chứng nào tật nấy” như khi còn là “một nửa cô đơn” mà phải tạo ra được những sự đồng điệu. Song sự đồng điệu này nhiều khi phải trả giá bằng nhiều vấp váp, lỗi nhịp ban đầu, thậm chí cả những đổ vỡ tạm thời, để rồi cuối cùng chỉ đạt được một kết quả rất tương đối thôi và cho đến cuối đời thường là mỗi bên đều cảm thấy có những chỗ bất lực, chưa toại nguyện về nhau…Do vậy mà từ xưa các cụ đã dạy là: “Thương nhau chín bỏ làm mười” để lấp đầy khoảng thiếu hụt đó. Còn ngày nay thì các nhà tâm lý, giáo dục học đều khuyên các cặp uyên ương phải tôn trọng nhân cách, tôn trọng cá tính của nhau, đừng biến người yêu thành kẻ nô lệ, thành “vật sỡ hữu” của mình một cách ích kỷ.

Và tình hình đó đòi hỏi các bạn trẻ đang yêu phải có một quá trình tập duyệt để có sự ăn khớp với nhau về cuộc sống tâm hồn. Đó cũng có thể ví như những điệu nhảy đôi mà nhiều lúc mỗi bên phải đi những bước ngược nhau gần như với sắc thái giới tính của phái mình, nhưng tất cả đều phải di chuyển đúng nhịp. Cái khó ở đây là có quá nhiều điệu vũ và chúng lại thường xuyên biến hoá không theo đúng hoàn toàn những bản nhạc quen thuộc và cũng không có cả dàn nhạc sống kèm theo để giúp mỗi người dễ dàng nhận ra bước đi của nhau. Hãy kiên trì tập luyện và bằng kinh nghiệm, thói quen cũng như bằng trực giác của mình nhận ra sự lỗi nhịp. Hạnh phúc biết bao nếu trong cuộc đời bạn sẽ hoà chung điệu được những điệu vũ tâm hồn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.