Nghệ Thuật Hiểu Thấu Tâm Lý Người Khác

NHỮNG BIẾN ĐỔI TÂM LÝ TỪ TUỔI YÊU ĐẾN TUỔI…



Tuổi “hâm” – đó là cái tên gọi có vẻ hài hước, nhưng nhiều khi lại mang những nội dung tâm lý nào đó rất thật, mà các cô gái tặng cho các chàng trai ở tuổi “băm” vẫn còn “chăn đơn gối chiếc, ôm mối sầu riêng”.

Chắc sẽ có bạn phản đối, đâu phải mọi chàng trai bước vào tuổi “băm” mà “thuyền tình vẫn chưa hẹn bến”, đều có cái gì đó kỳ cục- hâm hấp cả!

Thưa vâng, nhưng xin bạn hãy nhớ, cùng với lứa tuổi,có những biến đổi tâm lý làm thay đổi tính tình của bạn mà không dễ gì bạn nhận ra nó, không dễ gì lường trước những hậu quả và đặc biệt không dễ gì cưỡng lại được.

Đối với con trai, tuổi thanh xuân bắt đầu được tính từ lúc dậy thì. Một cậu thanh niên bước vào tuổi dậy thì với những dấu hiệu: vỡ giọng, tay chân dài ra, lớn bổng lên..rồi bỗng một hôm, cậu nằm mơ thấy Thượng đế trao cho mình cái quyền thiêng liêng ấy và khi giật mình tỉnh dậy, cậu ta chỉ còn thấy những dấu hiệu thông báo mình đã trưởng thành, đủ tin để gọi là một chàng trai.

Chàng trai mới lớn có trái tim mơ mộng, nhạy cảm, dễ xúc cảm, dễ bị kích thích, luôn khao khát một tình bạn khác giới. Nhưng dưới con mắt của các thiếu nữ cùng tuổi, bạn chỉ là những cậu gà tồ thật “trẻ con”. Bạn phải mất khoảng 5-6 năm nữa để mà đạt đến sự chín muồi về mặt tâm lý. Lúc đó bạn mới là một chàng trai đủ khôn ngoan để bước vào quan hệ yêu đương. Nhưng cũng chính lúc này con trai thường mới bắt đầu lập nghiệp. Do ảnh hưởng của phong tục tập quán xã hội, con trai hay coi trọng đường học vấn, sự nghiệp, nên vào tuổi mười chín đôi mươi, các chàng trai có khát vọng yêu đương thường thích những pha ong bướm, gây khoái cảm hơn là một mối tình có tính toán nghiêm chỉnh.

Tuổi đôi mươi đầy sức sống ở các chàng trai (21, 22, 23,24 tuổi) thường khiến các thiếu nữ vừa độ trăng tròn say mê ở phong cách sống hào hoa lịch thiệp, phóng khoáng kiểu đàn ông, nhất là các chàng trai nhiều tài lẻ( biết đàn, hát, biết chơi thể thao..). với một số cô gái thì một số chàng trai có vẻ lầm lì nhưng có bản lĩnh, thông minh, có lòng yêu khoa học kiểu Xi-ôn-cốp-xki luôn là mục tiêu hướng tới của họ. Có một hôm nào đó, chàng trai bỗng nhận được một bức thư tỏ tình của một cô gái mà lâu nay mải mê sự nghiệp chàng không để ý. Lời lẽ bức thư làm chàng cảm động vì hình như mỗi bước đi của chàng đều mang hơi thở hồi hộp của người bạn “xa lạ” đó. Nhưng phần đông các bạn nam thanh niên ở tuổi đôi mươi, nhất là ở các vùng nông thôn, họ bước vào tình yêu với ý thức xây tổ ấm. Bao nhiêu khát vọng hoài bão mà tuổi thanh xuân trên ghế nhà trường họ mơ mộng ấp ủ giờ đây được xem xét lại. Tính thực tế thay dần tính lãng mạn.

Tuổi đôi mươi là tuổi đẹp nhất để các chàng trai bước vào quan hệ yêu đương. Tính trẻ trung, mạnh mẽ, tự tin của chàng hiệp sĩ thích chinh phục, cùng với sự từng trải, khôn ngoan đủ độ làm cho năng lượng yêu ở bạn tưởng chừng như biển cả trào dâng, luôn dồn dập và đầy ắp những đợt sóng. Thế mà không ít người, trái tim yêu đã khô cạn ngay từ tuổi này vì họ tiêu sài nó quá mức.

Tuổi đôi mươi cũng là tuổi đẹp nhất để đấng nam nhi thực hiện cái chí làm trai. Bên tình duyên – bên sự nghiệp, bên nào nặng hơn? Đó luôn là những thử thách đối với họ. Với một số người, những cuộc hẹn hò thú vị hơn tất cả, họ say mê săn đuổi nó nhưng rồi lại chẳng gặt hái nổi một chút hạnh phúc cỏn con. Với một số khác thì hình như tình phí, thời gian phí cho tình yêu sao mà đáng sợ, họ lao vào công việc. Một số khác thì “kén cá chọn canh” mãi mà chẳng tìm nổi “nửa thứ hai” của mình. Nhưng rồi tất cả những ai đã “đánh mất một thời tuổi trẻ” một lúc nào đó bỗng giật mình: “Giá mà hồi ấy ta cứ yêu” “ Giá như hồi ấy ta yêu nghiêm túc hơn”. Nếu lịch sử có những điều “giá như” ấy, thì có lẽ thế giới này mất đi biết bao nhiêu những nhà khoa học thiên tài suốt đời chỉ say mê sự nghiệp, nhưng cũng bớt được bao nhiêu chàng hâm, công danh thì đang dang dở mà đời riêng chỉ đầy những nỗi cô đơn.

Tình yêu chân chính phải đi đến hôn nhân. Tuổi 25, 26, 28, 29 là tuổi đẹp nhất đối với con trai chuẩn bị đi vào cuộc sống hôn nhân gia đình. Vì phần lớn ở tuổi này các chàng trai đã lập nghiệp, họ đã có khả năng tự lập về kinh tế, có kinh nghiệm vốn sống. Theo lời khuyên của nhiều nhà tâm lý học, họ nên có sự chuyển đổi từ “hoa tình yêu” thành “quả hạnh phúc”. Cũng theo tính toán của các chuyên gia, độ chênh về tuổi trong hôn nhân đẹp nhất là tuổi nam/2+8=tuổi nữ

Nam nữ ở vào tuổi này thường có nhiều điểm cần bằng, tương đồng về các đặc điểm tâm sinh lý, thuận lợi cho cuộc sống hôn nhân gia đình. Tất nhiên để đi đến hôn nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập công tác, nhưng dù sao yếu tố tâm lý vẫn có vai trò quan trọng nhất.

Bước qua tuổi này nếu ai đó chưa từng có “mảnh tình vắt vai”, hoặc đã có tình yêu nhưng “chất chưởng”, họ dễ bị mặc cảm với chính mình. Đường tình trắc trở làm bạn hao phí biết bao nhiêu năng lượng. Bạn dễ bỏ mặc buông trôi, hoặc trở nên thận trọng quá mức, không còn tin ở chính mình. Dường như trái tim biết yêu xưa tràn trề là thế, giờ đây như cạn kiệt năng lượng, rồi nỗi cô đơn bắt đầu vò xé. Đôi lúc bạn cảm thấy “hốt hoảng”, bạn đi tìm bạn gái với cảm giác mình đi tìm vợ chứ không phải tìm người yêu. Trái tim “khó rung động” ở bạn bắt đầu chán ghét những cuộc hẹn hò kéo dài, cùng với trạng thái thần kinh khá căng thẳng( do phải tính toán mọi cách chinh phục nhanh đối tượng) làm mất đi những cảm giác khoan khoái tươi mát khi đến chơi với “người yêu” (con gái rất nhạy cảm về điều này).

Các cụ xưa có nói: “Tuổi ba mươi chưa lập gia đình có cảm giác như không muốn lấy vợ nữa”. Câu này chắc chưa thật đúng, nhưng ít nhiều cũng là trạng thái tâm lý thường gặp ở những chàng trai tuổi băm.

Tại sao vậy?

Vì quá quen với cuộc sống phóng khoáng tự do, chàng “băm” bắt đầu thấy lo ngại bị bó buộc vào cuộc sống gia đình phải lo toan mọi chuyện, do đó, nếu đối tượng chưa hấp dẫn đến mức lấy hết sự khôn ngoan của chàng, thì chàng vẫn cứ “lửng lơ con cá vàng”. Hơn nữa chàng trai bước vào tuổi này chẳng có những phút xao xuyến trước một người bạn gái nào đó, ấn tượng về nụ cười, lời nói có duyên ở người bạn tình này, những nét tính cách dịu dàng kín đáo ở người bạn tình kia…cứ như thế chàng so sánh, “chắp ghép” để rồi săn tìm cái mỗi người bình thường không có đủ – săn tìm cái bóng. Con trai ở tuổi này thường bị tâm lý cân nhắc tính toán, trong đó đối tượng làm anh ta rung động thường là các cô gái trẻ, xinh xắn, ở độ tuổi mười chín đôi mươi. Với các cô gái này, sự chín chắn suy tính ít hơn là sự đòi hỏi được thoả mãn ý thích, sự mong muốn được chiều chuộng, trong khi các chàng trai “tính toán” lại cảm thấy lãng phí thời gian, tình phí vào những chuyện vô ích.

Sự không hoà hợp về tâm lý thường để lại cho mỗi giới những mặc cảm. Các cô gái trẻ thường cho các chàng trai tuổi băm là so đo kẹt xỉ, gọi họ là những chàng “hâm”. Còn các chàng trai gọi các cô gái tuổi mười chín đôi mươi là các nàng hay nhõng nhẽo, “rách việc”.

Thế nhưng các chàng trai lại ít chịu để ý đến các cô gái ở độ tuổi 27-30, vì hình như ở những người bạn gái này thời gian đã tước dần vẻ tươi mát hấp dẫn bên ngoài của họ, rồi sự “rêu hoá” trái tim làm cho các cô gái độ tuổi này có vẻ khó gần, khó tính. Cái óc hay nghi ngờ, hẹp hòi ở các chàng trai thường đặt dấu hỏi: tại sao cô em xinh đẹp như vậy, ngoan vậy mà vườn hồng vẫn ngỏ…chắc là…

Các chàng trai ít tin vào tướng số, nhưng họ dễ tặc lưỡi cho qua và thời gian cứ thế trôi đi, họ bắt đầu thay đổi tính nết, trở nên kỳ quặc, lập dị, hay cáu gắt vì những chuyện không đâu. Mặc cảm vì sự thua kém, họ không thích những “lời khuyên”, xa lánh dần kể cả những ban thân (đã có tổ ấm), khó chịu cả với những câu nói đùa vô ý. Xung quanh họ hình thành những dư luận tâm lý được thêu dệt rất bất lợi: chàng phong tình hoặc khó tính, vua kén, chàng lập dị…mà các cô gái thì thường yêu bằng tai nhiều hơn bằng mắt. Chính tôi đã được chứng kiến một câu chuyện đáng buồn thời sinh viên: một bạn cùng lớp tuổi chừng 23, 24 được một chàng đã xấp xỉ tứ tuần để ý, theo đuổi. Chàng trai kia đủ sức thu xếp để cô gái có một cuộc sống đàng hoàng. Xem ra nàng có vẻ chấp thuận nếu dư luận vun vào. Nhưng ác thay, dư luận về tính lập dị ở chàng đã đến tai cô gái và kết quả là hỏng việc.

Thế đấy, cái giá đắt mà mỗi chàng trai sẽ phải trả nếu cuộc tình của họ cứ mãi lang thang.

Nhưng làm thế nào biết được mình sắp bước vào cái “vòng hâm” nguy hiểm đó. Thật khó, nhưng bạn có thể nhận ra nó nếu chịu khó để ý những lời nhận xét của bạn bè. Sau đây là một số cách thử đơn giản:

I. BẠN HÃY TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU:

1. Bạn có cảm thấy tiếc thời gian mỗi khi đi chơi với các bạn khác giới? Trong cuộc bạn có hay nghĩ về các câu chuyện khác, về công việc? Bạn gái có hay hỏi bạn: “Anh làm sao thế?”

2. Bạn cảm thấy những cuộc hẹn hò, đi chơi mới vô lý làm sao? Bạn luôn cảm thấy sốt ruột? Luôn cảm thấy căng thẳng thần kinh?

3. Bạn coi những trò tặng hoa, tặng quà kỷ niệm đúng sở thích, sự đưa đón bạn gái là những trò phù phiếm, bạn chúa ghét.

4. Bạn luôn cảm thấy có cái gì gượng ép không tự nhiên khi phải chiều các bạn gái, luôn luôn sợ bị chế là không tâm lý.

5. Mỗi cuộc hẹn hò, bạn thường đắn đo, chuẩn bị rất kỹ càng đến từng chi tiết( vào chuyện thế nào? Nói những gì? Có cử chỉ gì…) và thường tìm cách tuân theo cái sườn đó.

6. Thường có cảm giác mình lạc lõng trong các câu chuyện đùa vui của các bạn khác giới, có mặc cảm họ nói kháy mình, nhiều lúc không biết nói gì?

7. Bạn thường tìm cách lãng tránh, hoặc không muốn thổ lộ với ai những chuyện riêng của mình, kể cả bạn thân, sợ họ coi mình là kém.

8. Những lời nhận xét, đùa nghịch của bạn bè luôn ám ảnh trong đầu bạn, bạn hay suy diễn và khó thoát khỏi trạng thái tâm lý đó.

9. Bạn cảm thấy trái tim mình khó rung động, mọi cô gái mà bạn tiếp xúc hình như chỉ hấp dẫn lúc ban đầu, còn sau đó đều có cái gì đó dễ là m bạn chán và bực mình.

10. Bạn hay cáu giận vô lý mỗi khi bậc phụ huynh thúc giục bạn, người thân muốn góp ý với bạn

II. BẠN HAY NGHĨ LẠI:

Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây bạn có thường trở nên khó tính hơn không? Trong số các cô gái mà bạn thích và tìm đến, có những nhận xét nào của họ về bạn giống nhau: “Anh kỹ tính quá!” “Anh khó hiểu quá!” “Hình như lúc nào anh cũng chỉ quan tâm đến…công việc?”

III. HÃY LẮNG NGHE NHỮNG LỜI NHẬN XÉT XUNG QUANH:

Ví dụ như: “Chẳng ai hiểu nổi ông ấy”; “ TÍnh thế thì con gái mê thế nào được”.;” Tính thất thường”; “ Con trai mà quá tỉ mỉ”.

IV. TỰ NHÌN LẠI MÌNH

Bây giờ bạn hãy cho điểm vào các câu hỏi ở phần I: mỗi câu trả lời “có” cho 2 điểm, “ hình như có” cho 1 điểm, “ hoàn toàn không” cho 0 điểm.

Nếu bạn từ 10 điểm trở xuống, bạn hãy yên tâm mình chưa bị hâm,cũng chưa phải là người khó tính, mặc ai nói gì thì nói, bạn đừng mặc cảm. Bạn nên cởi mở tự nhiên hơn, có lẽ vận may chưa đến nên chưa gặp được đối tượng đó thôi. Nhưng nếu ở phần II và phần III bạn thấy mình đúng như vậy, thì hãy cảnh giác. Nếu bạn được từ 11-15 điểm, bạn hơi khó tính đấy, dưới con mắt của nhiều bạn khác giới, bạn có cá tính hơi không bình thường một chút. Nhưng sẽ chẳng sao nếu bạn biết và tìm cách tự điêu chỉnh.

Nếu bạn được tử 16 điềm trở lên, bạn hãy cẩn thận vì bạn bị nhiễm căn bệnh rồi đó. Bạn có thể tự điều chỉnh bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, chơi các môn thể thao mình thích, mở rộng giao tiếp với bạn bè. Một gia đình nho nhỏ sẽ là liều thuốc hiệu nghiệm giúp bạn lấy lại được thăng bằng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.