Người Giàu Nhất Thế Gian
CHƯƠNG 14. Đánh bại kẻ thù của hạnh phúc và thành công
Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt; tự cao đi trước sự sa ngã
− CHÂM NGÔN 16:18 −
Thái độ báo trước sự thất bại
Thái độ kiêu ngạo hay tự mãn có thể gây ra những hậu quả trầm trọng nhất trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của bạn. Nó đã hủy hoại cuộc sống của rất nhiều cá nhân, chia rẽ những gia đình êm ấm, làm hàng loạt công ty phá sản, thậm chí còn là nguyên nhân gây ra sự suy vong của cả một quốc gia. Nó có thể bất ngờ len lỏi vào tâm trí chúng ta như đợt sóng thần đột ngột quét qua một ngôi làng ven biển yên bình. Tất cả chúng ta phải ứng phó với nó trong cuộc sống hàng ngày, dù theo cách này hay cách khác. Khi phát hiện sự kiêu ngạo, chúng ta có thể kiểm soát nó. Nhưng khi mọi người không chú ý hay dung túng nó, nó sẽ phát triển như ngọn nến đang cháy.
Một trong những sự kiện được bàn tán và thu hút sự chú ý nhiều nhất trong Thế vận hội Olympic Mùa đông là kết quả vòng chung kết cuộc thi trượt băng dành cho nữ. Năm 2002, Michelle Kwan, đương kim vô địch thế giới được rất nhiều người dự đoán sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu. Buổi sáng trước khi sự kiện đó xảy ra, Katie Couric có buổi phỏng vấn Michelle trên chương trình The Today Show. Katie hỏi Michelle lý do cô kết thúc mối quan hệ lâu năm với huấn luyện viên ngay trước khi Olympic diễn ra. Michelle trả lời rằng cô muốn thế giới biết cô sẽ dựa trên sức lực của bản thân để chiến thắng mà không cần huấn luyện viên giúp đỡ. Katie hỏi Michelle rằng có phải cô sẽ đưa bố mình vào vị trí huấn luyện viên, Michelle trả lời: “Vâng, nhưng không phải với vai trò là một huấn luyện viên. Ông ấy chỉ động viên tôi về mặt tinh thần.”
Ngay lúc đó, tôi quay sang vợ tôi và nói: “Cô ấy sẽ không chiến thắng trong kỳ Thế vận hội này!” “Tại sao anh lại nói như vậy?” Shannon hỏi lại, “Bởi vì cô ấy tự quyết định dựa trên sự kiêu ngạo… cô ấy sẽ thất bại.” Michelle muốn thế giới biết cô tự mình giành được chiến thắng chứ không phải do những chiến lược hay kỹ năng của huấn luyện viên. Đáng buồn thay, đúng như tôi dự đoán, đêm đó, Michelle đã ngã trên sân băng và đánh mất chiếc huy chương vàng Thế vận hội Olympic.
Cũng trong đêm đó, tôi đã chứng kiến một vận động viên trượt băng 16 tuổi người Mỹ tên là Sarah Hughes chuẩn bị biểu diễn. Tôi để ý thấy cô và huấn luyện viên đã có cuộc thảo luận ngắn trong những phút cuối cùng. Tôi quan sát cách cô chăm chú nhìn vào mắt của huấn luyện viên, lắng nghe và ghi nhớ từng lời. Cô gật đầu, cười rạng rỡ, và bắt đầu trượt vào đường băng. Tôi liền bảo với vợ: “Hãy xem nhé, cô ấy sẽ thực hiện bài thi thành công nhất trong cuộc đời mình.” Shannon hỏi lại: “Làm sao anh biết?” “Hãy xem cô ấy khiêm tốn như thế nào. Cô ấy thấm nhuần từng lời góp ý của huấn luyện viên như một miếng bọt biển. Cô ấy không nghĩ mình có cơ hội chiến thắng, nên không hề cảm thấy bị áp lực. Cô ấy chỉ ra sân, có cơ hội thực hiện những điều mà mình thích nhất và cố gắng thực hiện tốt hơn bao giờ hết.” Những gì Sarah thực hiện chính xác như lời tôi dự đoán. Cô thực hiện một động tác rất khó mà từ trước đến nay chưa từng có vận động viên trượt băng nào dám thực hiện trong cuộc thi. Cô thực hiện động tác đó đến hai lần mà không hề mắc lỗi nào. Và chiếc huy chương vàng Thế vận hội đã thuộc về cô.
Tôi kể câu chuyện này không phải để phê phán Michelle. Cô từng nhiều lần là nhà vô địch thế giới và là một trong những vận động viên trượt băng vĩ đại của mọi thời đại. Theo tôi, những hành động của Michelle kể trên chính là bức tranh minh họa sinh động nhất về tính kiêu ngạo và hậu quả của nó, trong khi thái độ của Sarah cho chúng ta thấy phần thưởng của tính khiêm tốn. Tất cả chúng ta đều phải đấu tranh chống lại tính kiêu ngạo. Tôi đã mất hàng triệu đô la và phải nếm trải các thất bại cay đắng trong cuộc sống cũng như trong công việc vì những suy nghĩ kiêu căng, tự mãn của mình.
Chúng ta thường không nhận ra tính kiêu ngạo có ảnh hưởng rất lớn đến mình. Cũng chính vì kiêu ngạo mà Solomon đã thất bại. Thay vì sở hữu quyền năng, của cải, và sự khôn ngoan không giới hạn, ông đã mất đi hầu hết mọi thứ quý giá chỉ vì tính kiêu ngạo. Solomon biết rằng tính kiêu ngạo có thể là nguyên nhân khiến ông thất bại. Ông đã viết: “Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt, tự cao đi trước sự sa ngã.” Tuy nhiên, tính kiêu ngạo là kẻ thù xảo quyệt và khó đánh đuổi đến nỗi mặc dù đã biết rõ sức phá hoại của nó, bạn cũng có thể sẽ phải đầu hàng trước tiếng gọi đầy quyến rũ của nó.
Chính vì sự ngạo mạn, những thành viên ban quản trị của Tập đoàn Enron phải gánh chịu nhiều hậu quả. Một thành viên điều hành tự tử và những thành viên còn lại bị hủy hoại thanh danh, hàng nghìn nhân viên đã mất khoản tiết kiệm cả đời, còn các nhà đầu tư vào tập đoàn thua lỗ hàng chục tỷ đô la. Nếu ai đó nghĩ sự kiêu ngạo là một sai lầm phổ biến và vô hại thì quả là ngốc nghếch.
Bạn không thể đánh bại kẻ thù mà mình không hiểu rõ
Solomon hàm ý gì khi sử dụng những từ “kiêu ngạo” và “tự cao”? Ông muốn nói về sự thay đổi đang diễn ra trong bạn. Trong tiếng Do Thái, nó xuất phát từ một từ mang nghĩa “quá cao” hay “cao”. Một người kiêu ngạo và tự cao nghĩ rằng mình giỏi hơn tất cả những người khác. Anh ta luôn tin rằng chỉ có mình anh ta xứng đáng với những gì đã đạt được. Anh ta đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống và đổ lỗi cho những người khác vì các điều xấu.
Sự kiêu ngạo không giới hạn ở bất cứ tầng lớp nào. Nó tồn tại trong cả người giàu và người nghèo, người có học và người vô học. Mầm mống của tính kiêu ngạo là việc chúng ta tự xem mình là trung tâm của vũ trụ. Chúng ta muốn trở thành người có quyền quyết định cuối cùng. Sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta muốn người khác đáp ứng nhu cầu, khát khao và kỳ vọng của bản thân. Chúng ta hành xử như thể nhu cầu, khát khao và kỳ vọng của mình quan trọng hơn của người khác. Khi hỏi 100 người: “Bạn có đầu hàng trước tính kiêu ngạo và sự tự cao không?” thì ít nhất có 99 người trả lời không. Bi kịch ở đây chính là nếu bạn không nghĩ rằng mình có vấn đề với tính kiêu ngạo thì bạn sẽ không làm gì để nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Hậu quả của tính kiêu ngạo
Không hy vọng hạnh phúc bền lâu. Trong Châm ngôn 26:12, Solomon viết: “Con có thấy một người tự cho mình khôn ngoan theo mắt mình không? Kẻ ngu còn có hy vọng hơn người đó.” Nói cách khác, người kiêu ngạo tự cho mình là giỏi hơn, thông minh hơn, thực tế sẽ ít hy vọng nhận được những thứ thật sự có giá trị so với một kẻ ngốc.
Khi tôi bỏ ngoài tai lời khuyên của những cố vấn và những người quan tâm đến tôi để đi đến các quyết định đầu tư sai lầm, điều thúc đẩy tôi lúc đó chính sự kiêu ngạo. Tôi bỏ qua lời khuyên vì nghĩ rằng mình biết nhiều hơn người khác.
Xung đột. Nếu bạn có một mối quan hệ mà luôn có nguy cơ xảy ra cãi vã vì những lý do không đâu, đó cũng chính là dấu hiệu cho thấy bạn hoặc người kia đang có vấn đề với tính kiêu ngạo. Theo Solomon, một người kiêu căng không chỉ lôi kéo sự tranh cãi mà còn gây ra sự tranh cãi đó: “Người nào có lòng kiêu ngạo gây ra tranh cãi”. Ông ngụ ý tính kiêu ngạo là nguồn gốc cơ bản của những xung đột. Người bị tính kiêu ngạo khống chế chỉ cảm thấy được công nhận khi những người khác đồng ý với quan điểm của mình. Anh ta xem sự bất đồng như là sự lăng mạ cá nhân nên phản bác lại bất cứ bất đồng nào. Nếu bạn thấy mình ưa tranh cãi thì cần xem lại suy nghĩ và thái độ của mình vì có thể tính kiêu ngạo đang ngự trị trong đó.
Sự hủy hoại. Trong Châm ngôn 18:12, Solomon cảnh báo: “Lòng tự cao đi trước sự hủy hoại; lòng khiêm nhường đi trước sự vinh quang.” Khi 17 tuổi, tôi đã cùng với 11 học viên Trường Sỹ quan Tuần tra Hàng không dân dụng tham gia chương trình học lái tàu lượn. Trong những ngày đầu của khóa học, bốn phi công hướng dẫn đã đánh cược xem sinh viên đầu tiên của ai có thể tự bay một mình. Để nhanh giành chiến thắng trong cuộc cá cược, ngay từ những ngày đầu của khóa huấn luyện, giáo viên hướng dẫn tôi đã nhảy ra khỏi tàu lượn để tôi thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên. Biết mình chưa thật sự sẵn sàng, tôi đã rất từ tốn trong lần bay đầu tiên, cẩn thận thực hiện từng bước. Chuyến bay của tôi cực kỳ thành công và giáo viên hướng dẫn tôi đã thắng cuộc cá cược. Sau đó một ngày, các sinh viên khác đều có thể thực hiện chuyến bay một mình. Chúng tôi còn có thời gian cho một lần bay nữa. Tôi đã nhảy ngay vào tàu lượn và nghĩ rằng mình đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Tính kiêu ngạo sục sôi trong đầu và làm mờ tầm nhìn của tôi. Ban đầu, chuyến bay có vẻ tốt đẹp. Thật không may, do tính ngạo mạn, tôi bay quá xa trường bay và bị lạc mất phương hướng. Tôi đáp xuống mặt đất cách một dặm so với sân bay và bị giáo viên hướng dẫn chỉ trích ngay trước mặt nhiều sinh viên khác. Đó chỉ là một trong rất nhiều thất bại xảy ra với tôi khi tính kiêu ngạo ngự trị trong suy nghĩ.
Trong kinh doanh, tôi đã thực hiện hàng loạt chiến dịch marketing, tạo ra doanh thu hàng trăm triệu đô la. Nhưng thỉnh thoảng, theo sau những dự án đó lại là các dự án bị thiệt hại lớn. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những cuộc vận động ở sân nhà của tôi thường dẫn đến tính kiêu ngạo và kéo theo là thất bại.
Bị thất thế và bôi nhọ. Trong Châm ngôn 11:2, Solomon viết: “Khi kiêu ngạo đến, sỉ nhục cũng đến nữa, nhưng sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường.” Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh bị ghét bỏ và suy sụp khi mất toàn bộ khoản tiết kiệm cả đời vì đã làm trái với lời khuyên của những người bạn yêu thương và ngưỡng mộ không? Bạn có thể tưởng tượng ra cảm giác khi thúc giục những đối tác của mình tiến hành dự án mà họ đã đầu tư rất lớn về thời gian và tiền bạc để rồi cuối cùng đứng nhìn nó thất bại không? Đó là một vài điều tôi đã nếm trải bởi tính kiêu ngạo, tự cao của mình. Tôi có thể đưa ra rất nhiều ví dụ khác nữa Solomon đưa ra cho chúng ta sự lựa chọn đơn giản. Trong bất cứ tình huống nào, chúng ta có thể để cho sự khiêm tốn hoặc tính kiêu ngạo điều khiển những quyết định và thái độ của mình. Khi tính kiêu ngạo thống trị, chúng ta sẽ phải gánh chịu sự nhục nhã đau đớn.
Giải quyết hiệu quả tính kiêu ngạo
Làm thế nào để phát hiện ra tính kiêu ngạo và giải quyết nó hiệu quả là điều rất quan trọng. Trong những năm đầu của thập kỷ 70 (thế kỉ XX), tôi làm việc cho một ngân hàng lớn. Một nhân viên của Cục Dự trữ Liên bang − một chuyên gia làm tiền giả − đã đến thăm ngân hàng của chúng tôi. Khi được hỏi rằng đã nghiên cứu tiền giả trong bao lâu, anh ta trả lời: “Tôi không nghiên cứu tiền giả mà chỉ nghiên cứu tiền thật.” Anh ta giải thích rằng, nhờ hiểu biết kỹ càng từng góc cạnh của tờ tiền thật nên anh ta có thể phát hiện tờ tiền giả được ngay. Tính kiêu ngạo cũng vậy. Cách tốt nhất để nhận ra nó chính là hiểu được bản chất của tính khiêm tốn. Bằng cách ghi nhớ những đặc tính của tính khiêm tốn, chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra nếu nó vắng mặt. Và khi nó vắng mặt, tính kiêu ngạo thường kiểm soát.
Tính khiêm tốn thật sự là gì? Đó không phải là khi một người trùm kín mình và kêu rên “Khốn khổ thay cái thân tôi.” Sự khiêm nhường thật sự bắt đầu với niềm tin rằng những người khác có thể giúp bạn có được mọi điều giá trị trong cuộc sống. Khi tin vào điều đó, bạn sẽ luôn hứng khởi và biết ơn, đón nhận và đánh giá cao những gì nhận được và sự đóng góp của người khác. Người ham học hỏi luôn tôn trọng quan điểm, suy nghĩ và nhu cầu chính đáng của người khác. Trên thực tế, một trong những đặc điểm đáng ngưỡng mộ nhất của người khiêm tốn là thường đặt nhu cầu của người khác cao hơn của bản thân.
Mục sư nhà thờ trước đây của tôi, Tiến sỹ Jim Borror, khi đến thăm một nhà thờ ở phía bắc, đã được một phụ nữ mời ghé thăm chồng bà. Chồng bà là một doanh nhân có trong tay hàng triệu đô la với hàng nghìn nhân viên. Mặc dù có rất nhiều tiền và bất cứ thứ gì mà tiền có thể mua được, nhưng người đàn ông này lại không hề cảm thấy hạnh phúc và luôn cảm thấy khó chịu và bực tức. Không ai muốn ở gần ông và bất cứ nơi nào ông đến đều xảy ra xung đột và cãi vã. Nhân viên và thậm chí cả con cái của ông đều không ưa ông. Vợ ông cũng khó có thể tha thứ cho ông.
Khi gặp người đàn ông đó, Jim Borror đã lắng nghe ông ta nói về những thành tựu đã đạt được. Jim nhanh chóng nhận ra rằng tính kiêu ngạo ngự trị trong tâm hồn và trí óc của ông ta. Ông ta nói rằng mình đã tự tay xây dựng nên công ty ngay từ buổi ban đầu. Thậm chí bố mẹ ông ta cũng không hề đưa cho ông ta một đồng nào. Ông còn tự mình học cao đẳng.
Jim hỏi: “Và ông tự mình làm mọi thứ?”
Người đàn ông đó trả lời: “Vâng.”
Jim lặp lại: “Chưa từng có ai mang lại cho ông bất cứ thứ gì?”
“Không gì cả!”
Jim hỏi tiếp: Ai đã chăm sóc ông khi ông còn là một đứa trẻ? Ai dạy ông đọc và viết? Ai mang lại công việc cho ông và khuyến khích ông tự học cao đẳng? Ai tạo việc làm cho ông ngay khi ra trường? Ai phục vụ bữa trưa ở công ty ông? Ai lau dọn phòng vệ sinh của công ty ông? Người đàn ông cúi đầu xấu hổ. Lát sau, ông ta khóc và nói: “Giờ đây, khi nghĩ về những điều đó, tôi lại thấy mình chưa từng tự làm cái gì cả. Nếu như không có lòng tốt và nỗ lực từ phía những người khác, có lẽ tôi đã không có cái gì trong tay.” Jim gật đầu và hỏi: “Ông không nghĩ là họ cần một lời cảm ơn sao?”
Suy nghĩ của người đàn ông này đã thay đổi dường như chỉ sau một đêm. Trong những tháng sau đó, ông viết thư cảm ơn tới bất cứ ai mà ông biết là đã đóng góp một phần nào đó cho cuộc sống của mình. Ông viết những tấm thiệp cảm ơn tới từng người trong số 3.000 nhân viên. Ông không chỉ cảm thấy biết ơn sâu sắc mà còn bắt đầu tôn trọng và đánh giá cao những người xung quanh. Vài năm sau, khi ghé thăm ông ta, Tiến sỹ Borror hầu như không nhận ra được con người xưa của ông ta. Hạnh phúc và sự bình yên đã thay thế cho những cơn giận và sự xung đột trong con người ông ta. Trông ông ta trẻ ra đến chục tuổi. Các nhân viên yêu mến ông vì ông đã đối xử rất tôn trọng và kính nể họ. Đó là những gì xuất phát từ tính khiêm tốn.
Những phần thưởng mà tiền không thể mua được
Sự kính trọng và sự hỗ trợ. Trong khi tính kiêu ngạo hạ thấp con người thì tính khiêm tốn lại ngược lại. Solomon nói: “Ai có lòng khiêm nhường sẽ được tôn vinh.” Ở đây, Solomon muốn nói về tính khiêm tốn thuộc về con người bạn − những người khiêm tốn sẽ xem người khác cũng quan trọng như mình. Họ sẽ trân trọng những gì họ có với lòng biết ơn, nhận biết đóng góp của người khác trong cuộc sống của họ. Solomon nói rằng họ sẽ được kính trọng và giúp đỡ khi hạnh phúc cũng như khi khó khăn.
Mười sáu tuổi, Minnie Aiton bắt đầu học đại học chuyên ngành toán. Cô có chỉ số IQ của một thiên tài và một trí nhớ tuyệt vời. Nhưng khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, cô đã rời khỏi trường đại học để trở thành nhân viên hành chính cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm và cho vay nhỏ ở bang Arizona. Cô là nhân viên thứ năm của công ty. Công ty này cuối cùng trở thành một trong những tổ chức tài chính lớn nhất ở Mỹ. Khi công ty đang phát triển, Minnie không chỉ thực hiện công việc được giao mà còn đào tạo các kỹ năng và nguyên tắc cho hầu hết nhà quản lý của công ty. Cô nổi tiếng vì hiểu biết nhiều về các thương vụ cho vay và tiết kiệm hơn bất cứ ai ở bang này. Cô cũng được biết đến là người mà bất cứ ai cũng có thể chia sẻ khi gặp khó khăn. Một CEO của công ty đã nói với tôi rằng không nghi ngờ gì nữa, cô chính là người được yêu quý và kính trọng nhất trong công ty. Khi mất đi, tại đám tang của cô, một người cũng đã nói với tôi: “Bất cứ khi nào ở bên cạnh Minnie, bạn cũng sẽ cảm thấy mình là người quan trọng nhất trên thế gian này. Bạn biết rằng cô ấy quan tâm đến bạn và sẽ làm bất cứ điều gì để giúp bạn.” Vào giai đoạn cuối trong sự nghiệp của Minnie, một luật sư nói với cô những điều mà cô cũng đã nghe rất nhiều người nói: “Nếu như cô là nam giới, họ sẽ bầu cô làm phó chủ tịch cấp cao từ nhiều năm trước.” Ông ta bảo rằng, nếu cô để ông ta làm đại diện thì ông ta sẽ giúp cô thắng hàng triệu đô la trong vụ kiện công ty. Bạn có biết Minnie đã trả lời như thế nào không? “Tại sao tôi lại phải kiện? 40 năm qua, cứ hai tuần một lần, họ lại trả lương cho tôi và chi trả cho những kỳ nghỉ của tôi cùng những dịch vụ khám sức khỏe của gia đình tôi.” Và Minnie đã từ chối lời đề nghị này. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự khiêm tốn của Minnie. Mọi người đều biết đến tính khiêm tốn của cô. Với anh em, cháu chắt, họ hàng, cô luôn là người thân thiết và được yêu quý. Trong suốt tám mươi năm cuộc đời mình, Minnie luôn sống trong sự tôn trọng của người khác.
Sự khôn ngoan. Trong Châm ngôn 11:2, Solomon cho rằng: “Khi kiêu ngạo đến, nhục nhã cũng đến, nhưng sự khôn ngoan đến với người khiêm nhường.” Nói một cách khác, càng khiêm tốn, bạn càng trở nên khôn ngoan. Không giống như người kiêu ngạo, tin rằng mình biết tất cả mọi điều, người khiêm tốn đánh giá cao những gì người khác dạy họ. Họ trở nên giống như miếng bọt biển, thấm tất cả sự khôn ngoan từ mọi người họ gặp.
Thay thế tính kiêu ngạo bằng tính khiêm tốn
Tính khiêm tốn và tính kiêu ngạo không thể cùng tồn tại trong con người vào cùng một thời điểm. Sự tồn tại của tính cách này sẽ xóa bỏ sự tồn tại của tính cách kia. Nói cách khác, thay vì tập trung vào nhổ bỏ gốc rễ của tính kiêu ngạo, tốt hơn hết là chúng ta nên tìm ra những gì có thể làm để suy nghĩ và hành động một cách khiêm tốn.
Hãy biết ơn. Hãy tập trung nhiều hơn vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn, vào những đóng góp không ngờ tới của người khác, vào những điều bạn cho là giá trị nhất. Hãy lập danh sách những điều này, càng dài càng tốt. Ví dụ, những vấn đề hàng đầu trong bản danh sách của tôi là những mối quan hệ với Chúa, với gia đình, sức khỏe của tôi và người thân, bạn bè thân thiết, sự thanh thản trong tâm hồn, khả năng kiếm sống, các đối tác của tôi và sự thành công trong công việc kinh doanh của chúng tôi. Bước tiếp theo, bạn hãy viết ra tên của những người đã giúp bạn trong từng lĩnh vực của cuộc sống. Khi bắt đầu xem xét những đóng góp của người khác cho cuộc sống của bạn, lòng biết ơn sẽ tự nhiên xuất hiện. Và khi đó, tính khiêm tốn của bạn sẽ phát triển.
Hãy chú ý hơn và tập trung hơn vào những nhu cầu của người khác. Hãy tập trung nhiều hơn vào việc đóng góp cho nhu cầu của những người khác. Lòng biết ơn và tính khiêm tốn sẽ theo đó mà phát triển. Tại sao Mẹ Teresa lại rất khiêm tốn? Đó không phải vì những gì bà đã làm hay không làm, cũng không phải vì bất cứ điều gì bà đã nói mà chúng ta có thể nhớ được. Đó là bởi vì toàn bộ cuộc đời bà đã được cống hiến vào việc đáp ứng nhu cầu của những người khác. Bà đã tập trung hết sức đáp ứng nhu cầu của mọi người và hầu như không hề chú ý đến những nhu cầu vật chất mà bà còn thiếu. Nhưng bạn không cần thiết phải sống một cuộc đời hy sinh như Mẹ Teresa. Đơn giản bạn chỉ cần trở nên chú ý hơn đến nhu cầu của những người khác và biết ơn với những gì bạn có.
Những suy nghĩ cuối cùng
Hãy để tôi chỉ cho bạn thêm ba quan điểm của Solomon về tính kiêu ngạo.
Tính tự mãn và lười nhác. Châm ngôn 26:16 viết: “Kẻ lười biếng cho mình khôn ngoan, hơn cả bảy người biết đối đáp thận trọng.” Theo Solomon, những người lười biếng không làm việc vì họ nghĩ rằng họ giỏi hơn những người phải làm việc.
Tính kiêu ngạo và những người giàu. Trong Châm ngôn 28:11, Solomon nói: “Người giàu tự cho mình khôn ngoan, nhưng một người nghèo sáng suốt thấy rõ người.” Nói cách khác, một người nghèo sáng suốt nhận ra rằng anh ta cần hiểu biết hơn và khôn ngoan hơn nên chủ động đi tìm kiếm chúng.
Đừng hợp tác với kẻ tự mãn. Trong Châm ngôn 16:19, Solomon viết: “Thà có tinh thần khiêm nhường với người cùng khốn, hơn là chia của cướp với kẻ kiêu ngạo.” Nói cách khác, khiêm tốn và làm bạn với những người khiêm tốn còn hơn hợp tác với những kẻ tự mãn.
Solomon hiểu về tính tự mãn nhiều hơn bất cứ người nào. Tuy nhiên, ở tuổi trung niên, ông đã bỏ qua và trở thành nạn nhân của nó. Điều này cũng có thể xảy ra đối với bất cứ ai. Chúng ta cần liên tục cảnh giác và tìm kiếm những biểu hiện của tính kiêu ngạo. Trong phần “Từ kiến thức đến sự khôn ngoan” sau đây, tôi sẽ chỉ ra một bản danh sách mà bạn có thể sử dụng để kiểm tra mình có tính kiêu ngạo không trong từng giai đoạn. Bạn nên thường xuyên kiểm tra và bổ sung vào bản danh sách những đóng góp của người khác đối với bạn.
Từ kiến thức đến sự khôn ngoan
- Lập một danh sách “biết ơn” như tôi đã nói ở trên. Xem xét và bổ sung nó hàng ngày.
- Sử dụng bản danh sách dưới đây để kiểm tra xem tính kiêu ngạo hay sự khiêm tốn đang ngự trị trong quan điểm và hành động của bạn.
BẢN DANH SÁCH KIỂM TRA NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA TÍNH KIÊU NGẠO
Bạn có:
- Bỏ qua hay làm ngơ trước những nhu cầu của người khác?
- Xem xét mọi điều trên quan điểm của bạn thay vì cố hiểu nó theo quan điểm của người khác?
- Nói nhanh và chậm rãi lắng nghe đồng nghiệp, bạn bè và những thành viên trong gia đình của bạn?
- Tập trung vào điều bạn muốn nói thay vì tập trung vào những gì mà người khác muốn nói?
- Đo mức độ thành công của bản thân theo nghề nghiệp, chức danh, lương bổng hay sự sở hữu?
Bạn có:
- Là người hay tranh cãi không?
- Nhanh chóng đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề nảy sinh và thất bại không?
- Chậm thừa nhận rằng mình đã sai không?
- Không quan tâm đến những quan điểm và cảm giác của người khác không?
- Nhanh chóng khinh thường người khác không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.