Người Giàu Nhất Thế Gian
CHƯƠNG 15. Nền tảng thành công của Solomon
Nhận được khôn ngoan là điều tốt hơn vàng, và được sáng suốt là điều đáng chuộng hơn bạc. − CHÂM NGÔN 16:16 −
Sự khác nhau cơ bản giữa kiến thức và sự khôn ngoan
Từ xa xưa, loài người đã xây nhà dựa trên nền móng. Ngày nay cũng vậy. Không kiến trúc sư nào thiết kế một tòa nhà mà lại không xem nền móng của nó. Nếu không có nền móng vững chắc thì sẽ không thể xây dựng được một tòa nhà bền vững thật sự.
Điều này cũng đúng trong lĩnh vực kinh doanh và trong cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người xây dựng đời sống cá nhân và sự nghiệp mà không có nền móng vững chắc. Họ đối mặt với những vấn đề của cuộc sống hàng ngày mà không hề có kế hoạch tỉ mỉ. Cũng có thể họ đã lên kế hoạch cho từng ngày hoặc lập danh sách cho hàng loạt dự định trong ngày. Nhưng khi phải đối mặt với những biến động bất ngờ của cuộc sống, họ nhanh chóng bị xáo trộn, mất ổn định và thường đi đến những quyết định hay lựa chọn sai lầm, đôi khi phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Bạn không cần phải có chỉ số IQ cao mới trở nên khôn ngoan
Tôi có một người bạn làm trưởng nhóm kỹ thuật thiết kế và xây dựng phần linh kiện chính của chiếc máy tính tân tiến nhất thế giới vào năm 1976. Khi kể với tôi về những tính năng vượt trội của nó, anh ta tự hào khẳng định rằng nó có thể nhận hơn một tỷ byte thông tin mỗi giây. Tôi hỏi nó có thể nhận và xử lý đồng thời bao nhiêu byte. Anh ta hơi bối rối và trả lời: “À, chỉ một thôi.” Tôi hỏi anh ta nghĩ gì về chiếc máy vi tính có thể nhận và xử lý hàng triệu byte trong cùng một thời điểm. Anh ta trả lời: “Không thể có chuyện đó.” Tôi bảo anh ta rằng, bộ óc của con người có thể nhận và xử lý hơn hai triệu byte thông tin đồng thời từ mỗi một con mắt. Ngoài ra nó còn có thể xử lý những byte thông tin từ bốn giác quan còn lại cùng tất cả những thông tin đầu vào từ những bộ phận và tế bào khác của cơ thể. Con số này đã lên tới hàng chục triệu byte trong cùng một thời điểm.
Quan điểm của tôi ở đây là, trong mỗi con người đều có một chiếc máy vi tính tân tiến nhất thế giới, có khả năng tạo ra những thành tựu ngoài sức tưởng tượng. Nhưng để tối ưu hóa tính năng của nó và đạt được thành tựu và hạnh phúc, chiếc máy vi tính của chúng ta phải được cài đặt các phần mềm chuẩn xác. Và Solomon đã đưa ra hệ thống phần mềm tuyệt vời nhất từ trước tới nay, đó chính là “sự khôn ngoan”.
Chỉ số IQ là thứ mà tạo hóa ban cho chúng ta từ lúc chào đời. Nhưng bạn không cần phải có chỉ số IQ cao hoặc phải trở thành một học giả mới có thể tiếp thu sự khôn ngoan. Những thiên tài cũng có lúc hành động rất ngớ ngẩn và nhiều học giả giỏi nhất thế giới lại không đạt được hạnh phúc hay thành công về vật chất. Trong khi đó, rất nhiều người thành công nhất trên thế giới (bao gồm Edison, Rockefeller, Henry Ford, Clara Barton, Helen Keller, và Oprah Winfrey) lại không phải là học giả hay thiên tài. Nhưng vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời mình, họ đã đưa ra được các quyết định đúng đắn và đạt được thành công phi thường, biến họ từ những con người bình thường trở thành ngôi sao.
Tiếp nhận sự khôn ngoan thật sự mang lại cho bạn nền móng vững chắc để có thể đi đến những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Solomon vạch ra các bước đi cụ thể mà chúng ta có thể thực hiện để trở thành người khôn ngoan hơn. Sự khôn ngoan này không mang tính bị động mà rất chủ động và tích cực. Nó sẽ mang lại cho bạn một cuộc sống thành công và hạnh phúc.
Về cơ bản, sự khôn ngoan khác với kiến thức đơn thuần. Nó giống như sự khác biệt giữa việc tìm hiểu về một nhà tỷ phú và trở thành một nhà tỷ phú. Bạn lựa chọn thế nào: chỉ có hiểu biết về nhà tỷ phú hay trở thành nhà tỷ phú? Kiến thức đơn thuần chỉ là thu nhận thông tin. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin, thu nhận thông tin mỗi ngày nhiều hơn so với các thế hệ trước thu nhận trong một năm. Nhưng việc thu nhận thông tin không tạo ra thành công, niềm vui và sự thỏa mãn lâu dài.
Sự hiểu biết dạy chúng ta cách phân biệt giữa thông tin xác thực và thông tin không xác thực.
Sự hiểu biết mang lại giá trị lớn lao cho sự thật và việc áp dụng nó trong thực tế.
Sự khôn ngoan còn tiến một bước xa hơn. Đó là sự thu nhận những sự thật có giá trị lớn nhất và áp dụng chính xác vào những tình huống, trường hợp cụ thể hay trong cuộc sống nói chung.
KIẾN THỨC: Sự thu nhận thông tin.
SỰ HIỂU BIẾT: Nhận thức và đánh giá cao những sự thật có tính thực tiễn và tầm quan trọng.
SỰ KHÔN NGOAN: Hành động áp dụng những sự thật được đáng giá cao vào bất cứ tình huống cụ thể nào xảy ra hay trong cuộc sống nói chung.
Tiếp thu sự khôn ngoan
Solomon cho rằng, việc sở hữu sự hiểu biết có giá trị rất lớn nhưng việc áp dụng sự khôn ngoan còn có giá trị lớn hơn. Dưới đây là một số lợi ích ông cam đoan rằng những người dựng xây cuộc đời mình dựa trên sự khôn ngoan sẽ nhận được:
Một tài khoản kiến thức. Hãy tưởng tượng bạn có một tài khoản ở nhà băng lớn đến mức bạn chỉ cần viết một tấm séc vào bất cứ khi nào cần bất cứ điều gì. Solomon nói người khôn ngoan dự trữ kiến thức trong một “tài khoản khôn ngoan” cũng giống như vậy. Anh ta luôn có kiến thức khi cần một giải pháp vào thời điểm khó khăn hay có sự khôn ngoan để tối ưu hóa một cơ hội. Những người ngớ ngẩn không hề có được điều đó. Trong Châm ngôn 10:14, Solomon viết: “Người khôn ngoan tích trữ tri thức, nhưng môi miệng kẻ ngu dại đem hủy hoại đến gần.”
Hiểu tại sao bạn lại hành động theo cách như vậy. Đã bao nhiêu lần bạn làm điều ngu ngốc, trái với tính cách của mình và sau đó phải nghĩ lại: “Tại sao tôi lại làm như vậy?” hay “Tôi đã suy nghĩ gì vậy?” Nếu bạn không hiểu mình, bạn sẽ liên tục cư xử như thế. Điều này sẽ không xảy ra khi bạn tiếp nhận sự khôn ngoan. Như Solomon đã nói trong Châm ngôn 14:8: “Sự khôn ngoan của người khôn khéo là hiểu biết đường lối mình; sự ngu xuẩn của kẻ ngu dại là sự lừa gạt.” Khi bắt đầu hiểu rõ hơn hành vi, thái độ và những thiên hướng tự nhiên của mình, bạn sẽ đưa ra được những lựa chọn tốt nhất thay vì làm theo cảm tính.
Nguồn sống. Hầu hết chúng ta đều học bài học lịch sử là Ponce de León là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên Florida. Ông đi để tìm kiếm nguồn lực của tuổi thanh xuân. Ông không bao giờ tìm thấy nó bởi vì nó không bao giờ tồn tại. Nhưng Solomon đã tiết lộ một nguồn lực còn thực tế và thần kỳ hơn ở trong Châm ngôn 16:22. Ông gọi nó là “nguồn sống”. Nó là sự hiểu biết. Giống như một nguồn mạch, sự hiểu biết không chỉ mang lại sự sống cho những nhu cầu và khao khát sâu thẳm nhất trong con người bạn, mà còn mang lại nguồn sống cho nhiều người xung quanh.
Sự ủng hộ của những người có quyền lực. Khi bạn còn là một đứa trẻ, không động lực gì tốt bằng việc có một huấn luyện viên hay giáo viên cười với bạn, vỗ vào lưng bạn và nói: “Hãy làm theo cách đó đi! Con sẽ đạt được thành công vang dội!” Người lớn cũng vậy. Chúng ta ghét những người nổi nóng với chúng ta, cho dù đó là bạn đời của ta, ông chủ hay một nhân viên cảnh sát. Solomon nói “tôi tớ khôn ngoan được ơn của vua” (Châm ngôn 14:35) và “một người được khen ngợi nhờ khôn ngoan” (Châm ngôn 12:8). Sự khen ngợi ở đây là sự tán dương cùng với một món quà. Trong công việc, món quà đó thường là tiền thưởng hay được tăng lương.
Giá trị và sự tôn trọng. Theo Gary Smalley, ước mong lớn nhất của con người là được ngưỡng mộ. Và tất cả mọi người đều muốn cảm thấy mình có giá trị. Solomon nói với chúng ta rằng, cách chắc chắn nhất để được đánh giá cao và được tôn trọng chính là trở nên khôn ngoan: người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh hiển.
Sự giàu có. Solomon nói đến sự giàu có cả về vật chất và tinh thần. Sự giàu có về vật chất có thể được đong đếm dựa trên những khoản mục đầu tư, tài khoản ngân hàng và sự sở hữu. Sự giàu có về tinh thần được xác định dựa trên tình yêu, sự thỏa mãn, nguồn vui, sự yên bình, những mục đích mà bạn đã trải nghiệm và nhu cầu của những người khác mà bạn đã giúp họ thỏa ước nguyện. Có quá nhiều người hy sinh sự giàu có về tinh thần để theo đuổi sự giàu có vật chất. Tôi luôn tin rằng đạt được sự giàu có về vật chất cần ít sự khôn ngoan hơn đạt được sự giàu có về tinh thần. Solomon nói rằng một khôn ngoan có thể đạt được cả hai. Ông nói: “Mão của người khôn ngoan là sự giàu có của họ” (Châm ngôn 14:24) Ông nói sự giàu có là mão (vương miện) chứ không phải trái tim hay linh hồn của người khôn ngoan. Trái tim của người khôn ngoan tập trung vào hệ thống giá trị phản ánh sự khôn ngoan thật sự, những giá trị tinh thần và những ưu tiên mà sự khôn ngoan mang lại. Đó là lý do tại sao người đàn ông giàu có nhất thế gian có thể nói dựa trên uy quyền của mình: “Nhận được sự khôn ngoan là điều tốt hơn vàng, và được sáng suốt là điều đáng chuộng hơn bạc.”
Sự bảo vệ và sự an toàn. Trong Châm ngôn 2:11-12, Solomon viết: “Sự khôn khéo sẽ giữ gìn con, và sự sáng suốt sẽ bảo vệ con, giải cứu con khỏi đường tà, khỏi kẻ nói lời tai ác.” Sự khôn ngoan không chỉ bảo vệ chúng ta khỏi các tình thế nguy hiểm mà còn bảo vệ ta không trở thành con mồi cho những kẻ không lương thiện − những người muốn lừa lấy hết mọi khoản tiết kiệm cả đời của bạn, hay những cộng sự muốn bạn mờ mắt trước các quyết định và hành động bất lương. Solomon đang nói về việc đạt được một trình độ nhận thức để thấy rõ bản chất bên trong của những kẻ vô liêm sỉ. Ông nói rằng sự nhận thức, hiểu biết và khôn ngoan như vậy sẽ bảo vệ con người khỏi bị lôi kéo vào các tình thế phải thỏa hiệp.
Tuổi thọ. Những người có sự khôn ngoan thường sống thọ hơn người không có. Solomon nói rằng, khi đón nhận sự khôn ngoan thì “các năm của đời con sẽ được thêm nhiều” (Châm ngôn 4:10) . Lại một lần nữa, ông phân biệt kiến thức và sự khôn ngoan. Tôi sẽ đưa ra ví dụ làm rõ hơn sự khác biệt này. Gần như tất cả mọi người đều biết rằng nếu như không thắt dây an toàn khi ngồi trong ôtô, bạn có thể thiệt mạng. Tuy nhiên, một nửa trong 43 nghìn vụ tai nạn gây chết người hàng năm tại Mỹ là tai nạn ôtô xảy ra với những người không thắt dây an toàn. Gần như ai cũng biết hút thuốc lá sẽ rút ngắn tuổi thọ nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người Mỹ chết vì những bệnh gây ra bởi khói thuốc. Để đón nhận những phần thưởng mà Solomon đã hứa, bạn phải thu nhận sự khôn ngoan và kiên trì áp dụng nó.
Hậu quả của việc không tiếp thu sự khôn ngoan
Cuộc sống không có mục đích, sự thỏa mãn và hạnh phúc. Trong Châm ngôn 21:16, Solomon nói: “Người nào đi lạc khỏi con đường khôn ngoan sẽ an nghỉ trong hội người chết.” Ông đang nói về những người về thể xác vẫn sống nhưng đã chết về tinh thần, những người không xây dựng cuộc sống dựa trên giá trị. Bởi các hy vọng, ước mơ và giá trị của họ dựa trên những thứ trần tục, rồi cũng bị lệch lạc bởi các biến động của cuộc sống. Họ có thể hạnh phúc và thỏa mãn vào một thời điểm nào đó, nhưng khi tình thế thay đổi thì hạnh phúc và sự thỏa mãn cũng lần lượt rời xa họ. Một cuộc sống xây dựng trên nền tảng khôn ngoan không bao giờ đi chệch khỏi mục đích, nguồn vui và giá trị của chính nó. Bạn có muốn chỉ “sống cho qua ngày” thôi không? Solomon cho rằng đó là đích đến của một cuộc sống không dựa trên nền tảng của sự khôn ngoan thật sự.
Quyết định thoạt nghe tưởng tốt đẹp nhưng mang lại kết quả không mấy tốt đẹp. Trong cuộc đời mình, rất nhiều lần chúng ta nghĩ rằng đã quyết định đúng đắn, sau đó mới nhận ra nó thực sự là quyết định sai lầm. Một phụ nữ mà tôi biết đã bị chồng cũ bắn chết khi lái xe đưa con gái đến chơi nhà một người bạn. Sau đó, người chồng đã tự kết liễu đời mình. Vài năm trước, khi còn yêu người đàn ông này say đắm, cô ta tin rằng mình đã lựa chọn đúng đắn khi cưới anh ta. Dù nhận ra những dấu hiệu về tính khí không thể kiểm soát được của anh ta nhưng chắc chắn cô không bao giờ nghĩ rằng anh ta có thể căm hận mình đến như vậy bởi anh ta cũng yêu cô nhiều như cô yêu anh ta. Trong Châm ngôn 14:12, Solomon cảnh báo: “Có một con đường dường như chính đáng cho loài người, nhưng cuối cùng là con đường sự chết.” Nếu không có sự khôn ngoan, chúng ta không thể đảm bảo rằng quyết định của mình sẽ không chỉ đúng đắn tại thời điểm đó mà quan trọng hơn, còn đúng trong suốt cả cuộc đời mình.
Tự lừa dối bản thân. “Tôi đã làm gì vậy?” “Tôi đã không làm điều gì sai cả.” “Những người khác cũng làm như vậy cả thôi.” Một nhân viên cảnh sát cho hay điểm chung nhất mà mọi người thường nói khi bị gọi lại vì vi phạm luật giao thông là họ thật sự tin mình đã không làm điều gì sai trái cả. Solomon nói: “Mọi đường lối của một người đều là trong sạch theo mắt mình.” Việc tự lừa dối bản thân sẽ ngấm ngầm thâm nhập vào cuộc sống của những người không thể xây dựng nó dựa trên nền tảng của sự khôn ngoan. Ví dụ điển hình nhất cho điều này là những gì Adolf Hitler ghi lại trước khi tự sát. Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sau khi giết bỏ hàng triệu người Do Thái và tàn phá nước Đức, Hitler đã tự sát và để lại lời nhắn rằng: “Tôi chết trong trạng thái đầy hạnh phúc.” Ông ta còn dự đoán chắc chắn rằng, quốc gia này một ngày nào đó sẽ hợp nhất lại để tiếp tục công việc mà ông ta đã bắt đầu: “Chỉ những người Do Thái trên thế giới mới phải chịu trách nhiệm trước chiến tranh.”
Chúng ta thường tự lừa dối mình theo một cách, một trạng thái hay một thể thức nào đó. Để tránh điều này, chúng ta cần một tầm nhìn mang tính nhân văn. Theo Solomon, tầm nhìn duy nhất có thể giúp chúng ta nhìn rõ và lựa chọn hướng đi tốt nhất trong cuộc sống chính là sự khôn ngoan. Nếu như không có tầm nhìn, chúng ta sẽ có những quyết định dường như có vẻ tốt ở thời điểm ban đầu nhưng rốt cục lại chỉ mang đến thất bại.
Những quyết định ngốc nghếch. Những người Solomon khinh rẻ nhất là những người bị ông coi là ngu ngốc. Chúng ta đều có những quyết định ngốc nghếch vào các thời điểm khác nhau của cuộc đời, nhưng chúng không làm cho chúng ta thành những kẻ ngốc. Solomon quan niệm kẻ ngốc là người có cuộc sống là một chuỗi những quyết định kém khôn ngoan. Ty Cobb có thể được coi là cầu thủ bóng chày giỏi nhất trong lịch sử, đã đạt hơn 90 kỷ lục ở các giải đấu trong sự nghiệp cá nhân. Nhờ đầu tư tốt, ông ta cũng tích luỹ được một gia tài khá lớn. Tuy nhiên, khi ông chết chỉ có ba người tham dự đám tang của ông. Thậm chí đến cả con của ông cũng không hề có mặt. Đáng buồn thay cho người đàn ông đó, dù đã đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp và tiền bạc nhưng chỉ nhận được rất ít tình yêu thương và quý trọng từ người khác. Dù ông ta có phải là một kẻ ngốc theo định nghĩa của Solomon hay không cũng không phải là vấn đề tôi muốn bàn đến. Nhưng rõ ràng rằng đó là sự nguy hại khi cuộc sống đầy rẫy quyết định xuẩn ngốc. Cũng như Solomon đã nói: “Môi miệng người công chính nuôi dưỡng nhiều người, nhưng những kẻ ngu dại chết vì thiếu trí hiểu.” ( Châm ngôn 10:21)
Những dấu hiệu của kẻ ngốc
Solomon dạy rằng nếu chúng ta hành động như một kẻ ngốc trong thời gian dài thì chúng ta có thể sẽ trở thành một kẻ ngốc. Ông đưa ra rất nhiều dẫn chứng về hành vi của kẻ ngốc. Tôi chia sẻ cho bạn với hy vọng rằng nếu bạn nhận ra những dấu hiệu đó xuất hiện, bạn sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để thay đổi thái độ, hành vi và suy nghĩ của mình. Ngay cả bản thân tôi cũng đã từng đưa ra những quyết định sai lầm. Và nếu không có tầm nhìn của Solomon, tôi cũng có thể đã kết thúc cuộc đời mình như những kẻ ngốc mà Solomon đã đề cập đến.
Bịt tai trước những lời hướng dẫn. “Anh đang dạy tôi cách đọc đoạn hội thoại này à?” một diễn viên truyền hình nổi tiếng đã nói như vậy khi tôi chỉ đạo anh ta thực hiện chương trình bán hàng trên truyền hình. Tôi rất sửng sốt. Trước đó, tôi đã từng chỉ đạo hơn 70 ngôi sao điện ảnh và truyền hình như Charlton Heston, Mickey Rooney, Cher, Jane Fonda,… mà không hề gặp phải sự phản đối như vậy. Tôi đã sản xuất hàng trăm chương trình truyền hình thành công, thu về hàng tỷ đô la doanh số. Tôi đã sáng tạo và sản xuất chương trình đặc biệt này. Tôi biết mức độ cần thiết của việc phải diễn đạt như thế nào để người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, ngôi sao này lại từ chối làm theo cách đó, và dự án đã thất bại. Thay vì thu được hàng triệu đô la tiền bản quyền như những ngôi sao nổi tiếng khác, anh ta chỉ nhận được vài nghìn đô la. Tính kiêu ngạo đã làm mờ mắt anh ta và anh ta đã quyết định một cách xuẩn ngốc.
Trong Châm ngôn 1:7, Solomon nói: “Kẻ ngu dại khinh bỉ sự khôn ngoan và lời giáo huấn.” Tôi đã từ chối sự chỉ dẫn nhiều lần trong đời. May thay, những câu châm ngôn của Solomon đã hoàn toàn thay đổi cách tôi nhìn nhận sự góp ý của người khác. Một người khôn ngoan sẽ tìm tòi và đánh giá cao những chỉ dẫn mà họ nhận được.
Những kẻ ngốc có xu hướng “nói ngay không hề suy nghĩ”. Họ nói bất cứ điều gì nghĩ tới hay cảm thấy mà không hề suy xét. Trong Châm ngôn 10:14, Solomon nói “môi miệng kẻ ngu dại đem hủy hoại đến gần”. Nhiều người bị mất việc, sự nghiệp trượt dốc, hôn nhân tan vỡ cũng chỉ vì nói những điều ngu ngốc mà không hề suy xét.
Lặp lại những hành vi ngốc nghếch. Einstein đã từng nói rằng, kẻ điên là người cố gắng làm đi làm lại những điều không mang lại kết quả gì mà vẫn hy vọng kết quả sẽ khác đi. Solomon nói: “Kẻ ngu dại lặp lại điều ngu xuẩn của mình, khác nào chó ăn lại đồ nó mửa ra.”
Không phản ứng lại sự trừng phạt. Trong Châm ngôn 27:22, Solomon viết: “Dù con dùng chày giã kẻ ngu trong cối chung với gạo, thì sự ngu dại cũng không lìa khỏi nó.” Tất cả chúng ta đều có những quyết định ngu ngốc. Khi bị thất bại hay trừng phạt, chúng ta thường thay đổi các cách làm sai lầm của mình. Điều đó không hề đúng với những kẻ ngốc. Một trong những ông chủ trước đây của tôi (có chỉ số IQ rất cao) đã kiếm được hàng triệu đô la trong một kế hoạch lừa đảo. Ông ta đã bị bỏ tù. Khi ra tù, ông ta bắt đầu công việc kinh doanh mới, và lại một lần nữa bị bắt giam. Từ đó trở đi, tôi không còn biết gì về ông ta nữa. Cách đây không lâu, tôi thử tìm kiếm tin tức về ông ta trên Google. Kết quả là tên ông ta xuất hiện với tội danh lừa đảo tiền của hàng nghìn phụ nữ trên toàn quốc. Một lần nữa, ông ta lại bị truy tố. Rõ ràng, người đàn ông này là một trong những người đàn ông thông minh nhất mà tôi đã gặp, nhưng theo định nghĩa của Solomon, ông ta là một kẻ ngốc.
Chỉ tin vào lý lẽ của riêng họ. “Tôi cảm thấy đó là điều tốt” thường là lý do người ta làm điều gì đó dù sau đó sai lầm. Chúng ta đều ra quyết định dựa trên cảm tính. Đôi khi những lựa chọn như vậy đúng. Nhưng một người làm như vậy, theo Solomon, là một kẻ ngốc. Ông viết “kẻ tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu dại”.
Sự thật là những cảm xúc của chúng ta thường bị lu mờ hay bị điều khiển bởi những nhận thức sai lầm. Chúng ta bỏ qua hay không tìm kiếm lời khuyên của người khác; chúng ta không “nhìn đúng vấn đề” mà hành động dựa trên cảm xúc cá nhân. Chúng ta nên xem xét cảm xúc của mình khi ra quyết định nhưng không nên đưa ra bất cứ quyết định nào nếu chỉ dựa vào nó. Chắc chắn nó sẽ dẫn đến thất bại.
Phá tan ngôi nhà của chính mình. Ngôi nhà của chúng ta nên là một bến cảng bình yên cho chúng ta và gia đình mình. Tuy nhiên, đối với nhiều người, ngôi nhà không có những ý nghĩa trên. Nó là nơi đầy rẫy sự nhụt chí, lời phê bình, chỉ trích, cãi cọ, và đôi khi là những hành động lăng mạ.
Trong Châm ngôn 14:1, Solomon nói: “Người đàn bà khôn ngoan xây dựng nhà mình, nhưng phụ nữ ngu dại lấy tay phá hủy nó.” Ai cũng muốn có những mối quan hệ tràn đầy tình yêu thương với người bạn đời và con cái mình. Tuy nhiên, họ lại làm những điều không hề khôn ngoan nên đã phá hủy các mối quan hệ đó, dẫn đến đổ vỡ hôn nhân và gia đình. Dù những lời chỉ trích, những cơn giận, sự không chung thủy, sự ngốc nghếch có phá hủy ngôi nhà của họ bởi chính bàn tay của họ hay không thì Solomon cũng đưa ra quan điểm rằng, một người khôn ngoan sẽ làm tất cả điều gì có thể để xây dựng ngôi nhà thành một bến cảng bình yên đúng nghĩa.
Những chiến lược của Solomon giúp thu nhận sự khôn ngoan
Chúng ta có thể có được sự khôn ngoan như Solomon nói bằng cách nào? Solomon đã chỉ cho chúng ta những bước cụ thể để thực hiện:
Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan như tìm kiếm kho báu bị chôn giấu. Rất ít kho báu hiện rõ cho chúng ta thấy. Chúng ta phải tự thân tìm kiếm mới được. Solomon nói rằng, hãy theo đuổi sự khôn ngoan bằng sự đam mê của người đào vàng và đánh giá nó cao hơn vàng và những của báu khác. Hãy trả bất cứ giá nào để có được nó, và một khi đã có nó, đừng coi nhẹ nó. Hãy đánh giá sự khôn ngoan cao hơn cả của cải hay bất cứ thứ gì bạn sở hữu. Có thể diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại là Solomon đánh giá sự khôn ngoan và những chiến lược ông tiết lộ cao hơn cả tài khoản ngân hàng và các khoản mục đầu tư của bạn.
Hãy lắng nghe. Hãy luôn là người lắng nghe trong suốt cuộc đời mình. Trong mọi tình huống hãy hỏi và lắng nghe thay vì vội vàng đưa ra câu trả lời. Trong Châm ngôn 1:5, Solomon nói: “Nguyện người khôn ngoan sẽ nghe và tăng thêm sự học vấn; người sáng suốt sẽ nhận được sự hướng dẫn.” Sự khôn ngoan không đến từ bên trong mà đến từ những nguồn bên ngoài chúng ta. Hãy nhớ đến lợi ích khi tìm kiếm lời khuyên.
Trong Châm ngôn 1:8, Solomon còn cho chúng ta một lời khuyên nữa: “Hỡi con ta, hãy nghe lời giáo huấn của cha con; và chớ bỏ lời dạy dỗ của mẹ con.” Khi tôi còn đang đi học, cha tôi và tôi đã tranh cãi về việc tôi có nên tham gia một lớp học đánh máy hay không. Tôi nói với ông rằng đánh máy chỉ dành cho con gái và tôi sẽ rất xấu hổ khi học lớp đó. Ông nói với tôi rằng ông luôn luôn thấy bực bội vì không thể đánh máy, và ông khẩn thiết bảo tôi phải tham gia lớp học đó. Cuối cùng, chúng tôi đi đến một thỏa thuận: tôi sẽ tham gia lớp học đó trong một kỳ. Nếu cuối kỳ, tôi trở thành người đánh nhanh nhất lớp, tôi sẽ không tham gia học kỳ thứ hai nữa. Nếu không, tôi sẽ tham gia học kỳ thứ hai. Kết quả là tôi chỉ phải tham gia một kỳ học đánh máy. Nhưng chỉ một kỳ học đó thôi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi. Trước khi học đánh máy, tôi không thể viết nhanh suy nghĩ của mình và thậm chí nếu có thì cũng không ai (kể cả tôi) đọc được những điều tôi viết ra. Nhưng nếu tôi giảm tốc độ viết để dễ đọc hơn, tôi lại đứt mất mạch suy nghĩ. Việc đánh máy đã thay đổi mọi thứ. Tôi có thể đánh máy những suy nghĩ của mình nhanh như tốc độ nó xuất hiện trong đầu tôi. Và dường như sự nghiệp của tôi cũng đã được quyết định nhờ khả năng đánh máy. Trong suốt 30 năm, tôi đã viết hàng trăm chương trình thương mại và những show diễn. Các tác phẩm của tôi đã tạo ra hàng trăm triệu đô la thu nhập cho những đồng nghiệp và chính tôi. Và trên hết, tôi được tận hưởng niềm vui khi viết ra hàng loạt cuốn sách bán chạy nhất mà tôi tin sẽ giúp nhiều người đạt được thành công và sự thỏa mãn ở mức cao hơn trong cuộc sống. Nếu như tôi không học đánh máy theo lời khuyên của bố tôi, tôi đã không thể viết ra dù chỉ là một bản thảo chương trình truyền hình hay một cuốn sách.
Hãy lắng nghe, kể cả khi đã trở thành người lớn, chúng ta cũng nên xem xét kỹ lời khuyên của bố mẹ mình. Không ai thương yêu và quan tâm đến chúng ta nhiều như bố mẹ chúng ta.
Học từ sách Châm Ngôn. Trong Châm ngôn 4:20- 22, Solomon viết: “Hỡi con ta, hãy chú ý đến các lời ta; hãy lắng tai nghe những lời ta nói. Mắt con chớ lìa xa các lời ấy; hãy gìn giữ chúng trong lòng con vì những lời ấy là sự sống cho ai tìm được chúng, là sự chữa bệnh cho toàn thân thể họ.” Solomon thật sự tin rằng sự khôn ngoan mà ông đúc kết trong sách Châm Ngôn không bắt nguồn từ suy nghĩ của ông mà do Chúa mang lại cho ông. Những câu châm ngôn mà tôi đã đề cập đến trong cuốn sách này chỉ chiếm không đến 1/5 số lượng có trong cuốn sách Châm Ngôn. Tôi tha thiết mong bạn nên nghiên cứu và làm theo lời khuyên của Solomon.
Nhận. Bạn sẽ không bao giờ nhận bất cứ lợi ích nào từ nước và thức ăn chỉ bằng cách nếm chúng. Sự khôn ngoan thật sự cũng như vậy. Chỉ hiểu biết thì hầu như sẽ không làm được gì để tăng thêm giá trị cho cuộc sống của bạn. Trong Châm ngôn 4:10, Solomon nói: “Hỡi con ta, hãy nghe và nhận các lời của ta.” Để sự hiểu biết có thể chuyển thành sự khôn ngoan, chúng ta phải đón nhận nó và để cho nó thay đổi con người mình. Qua đó, sự hiểu biết sẽ tự thể hiện trong mỗi thái độ và hành động của chúng ta.
Hãy giữ những lời giáo huấn về sự khôn ngoan trong suy nghĩ và tầm nhìn của chúng ta. 32 năm trước, Gary Smalley đã thách thức tôi đọc một chương của sách Châm Ngôn mỗi ngày trong hai năm. Kết quả thật thần kỳ.
Solomon thúc giục chúng ta làm những điều mà Gary đã thách thức tôi làm. Trong Châm ngôn 3:21-24, ông viết: “Hỡi con ta, hãy giữ lấy sự khôn ngoan và suy xét. Mắt con chớ rời xa những điều ấy, chúng sẽ là sự sống cho linh hồn con, và đồ trang sức cho cổ con. Bấy giờ con sẽ đi an toàn trên đường, và chân con không vấp ngã. Khi nằm con sẽ không sợ, lúc ngủ, con sẽ ngủ ngon.” Tiếp theo, ông viết: “Hãy nắm chặt lấy lời giáo huấn, chớ buông ra, hãy giữ gìn nó vì nó là sự sống của con.”
Từ kiến thức đến sự khôn ngoan
HÃY BIẾN NHỮNG CHÂM NGÔN THÀNH HÀNH ĐỘNG
- Mỗi ngày đọc một chương sách Châm Ngôn. Viết ra những gì bạn thu nhận được và cách áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày. Tôi đã chia sự khôn ngoan trong sách Châm Ngôn thành 46 danh mục. Trong cuốn sách này, tôi đã đề cập đến 15 trong số đó. Hãy nghĩ về những hiểu biết đầy thú vị và bất ngờ đang chờ đón bạn.
- Khi nghiên cứu sách Châm Ngôn, tôi khuyên bạn nên sử dụng bản dịch mới. Thông thường, bản truyền thống rất khó để chúng ta có thể theo sát.
- Thiếu sót duy nhất và lớn nhất của hầu hết các cuốn sách là mặc dù mang lại cho người đọc nhiều quan điểm và giá trị tuyệt vời, nhưng chúng không dạy những kỹ năng cụ thể cần thiết để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Người đọc có thể tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để áp dụng các nguyên tắc sống của Solomon bằng cách xem sách, báo, tạp chí, bài viết tại website của tôi: stevenkscott.com. Tôi đánh giá cao cuốn sách đầu tiên của mình,
Mentored by a Millionaire – The Master Strategies of Super Achievers, không phải vì tôi viết nó mà bởi vì nó chứa đựng mọi kỹ năng cần thiết không chỉ để áp dụng những chiến lược này vào cuộc sống mà còn áp dụng được với những câu châm ngôn của Solomon nữa. Nếu muốn củng cố tốt đẹp các mối quan hệ, tôi khuyên bạn nên đọc hai cuốn sách của Gary Smalley − The DNA of Relationships và Making Love Last Forever.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.