Nước Nhật mua cả thế giới
I – Phần 2
Đầu tư trực tiếp: Sức mạnh đáng sợ
Đến đây chúng ta bắt đầu đi vào cốt lõi của chiến lược phát triển kinh tế của Nhật Bản hiện nay trên thế giới. Chính là qua các khoản đầu tư của họ mà ta có thể hiểu và đo lường được sức mạnh hôm qua, hôm nay và ngày mai của Nhật Bản. Qua trung gian những khoản đầu tư khổng lồ ấy, Nhật chuẩn bị cho những cuộc di chuyển của cải lớn nhất mà nhân loại chưa từng biết tới. Quả là ngây thơ khi nghĩ rằng Nhật thực hiện đầu tư chỉ vì mục đích nhân đạo thuần túy. Nhật đầu tư ra nước ngoài không phải để làm vui lòng nước tiếp nhận đầu tư, mà nhằm mục đích một ngày nào đó thu về những khoản lời lớn nhất. Vả chăng, chính người Nhật đã nói ra điều ấy:
“Qua các khoản đầu tư trực tiếp, sản xuất tại chỗ tự bản chất là nhằm mục đích mang lại lợi nhuận lớn hơn hoặc là hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp hơn các thương vụ xuất nhập khẩu thông thường.”[44]
[44] Gorota Kume (Eximbank) và Keisuke Totsuka (Sumitomo Life Research Institude Inc.), Japanese Manufacturing Investment in the European Community, 4/1990
Đôi khi người ta lại còn tuyên bố bộc trực hơn:
“Khối lượng tư bản khổng lồ của Nhật không thể không được sử dụng, và đương nhiên phải chuyển ra nước ngoài nhằm tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn.” – Yukuo Suzuki, tổng giám đốc phụ trách nhóm lo công việc sáp nhập và mua lại của ngân hàng Sanwa giải thích.[45]
[45] Trích dẫn của Nihon Keizai Shimbun, 11/11/1990.
Nói rộng ra, cứ xem xét nhịp độ xuất khẩu tư bản hiện tại của Nhật, chúng ta có thể nói rằng thông qua các khoản đầu tư ấy Nhật đang đồng thời toan tính một sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế cũng đáng sợ không kém, và hiển nhiên, cả sức mạnh chính trị. Để thấy rõ tính chất đáng lo ngại của quá trình đang diễn ra, chỉ cần xem xét con đường mà nước Nhật đã đi trong vòng mấy năm qua.
Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở nước ngoài được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế và như chúng ta đã nói, hầu như ở tất cả các khu vực địa lý của thế giới. Các khoản đầu tư ấy đã tăng đáng kể sau năm 1985, dường như còn muốn tiếp tục tăng trong những năm tới. Chúng ta có biết chăng, trong các năm 1986, 1987 và 1988 người Nhật đã đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn tất cả những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ hai? Về giá trị, khoảng ba phần tư các khoản đầu tư ấy được thực hiện trong khu vực không phải là sản phẩm chế tạo mà chủ yếu là bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm, dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, du lịch) và thương mại. Một phần tư còn lại là đầu tư vào khu vực sản phẩm chế tạo hay sản phẩm công nghiệp. Chủ yếu là các thiết bị điện và điện tử, máy móc (bao gồm và trước hết là xe hơi), hóa học và kim loại màu. Ba khu vực chính mà các nhà đầu tư Nhật nhắm tới, theo thứ tự, là Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/1986 đến tháng 9/1989, Bắc Mỹ đã hút 50,2 % đầu tư trực tiếp của Nhật, châu Âu 21,9 % và châu Á 12,2 %. Châu Mỹ La tinh cũng không được bỏ quên, với 7,76 %. Ngay sau đó là châu Úc với 6,84 %, trong khi châu Phi không hút được quá 0,96 % đầu tư của Nhật[46].
[46] Thống kê của bộ tài chính Nhật, Trends in Japan’s Direct Investment Abroad in FY 1989, tháng 7/1990
Đầu tư trực tiếp của Nhật ở nước ngoài (tính tỷ đô la) | |
1985 | 12,2 |
1986 | 22,3 |
1987 | 33,4 |
1988 | 47,0 |
1989 | 67,5 |
Nguồn: Ngân hàng xuất nhập khẩu Nhật Bản |
Nước Mỹ: bạn hàng “ưa thích”
Những năm sau sự thất trận của Nhật, Mỹ đã đóng vai trò bảo hộ cho Nhật. Tuân phục và dễ bảo, người Nhật đã thi hành những mệnh lệnh và khuyến cáo của Mỹ, không tranh cãi. Chiến tranh mới kết thúc mà! Sau đó, Mỹ đã chỉ vẽ và giúp đỡ người Nhật trên con đường phát triển công nghiệp, trở thành người bạn tốt bụng giúp Nhật chuẩn bị cho sự hồi sinh nền công nghiệp của họ. Các phương pháp quản trị, đầu óc kinh doanh, công nghệ, kĩ thuật chế tạo, sở thích bán buôn: bấy nhiêu giá trị và phương pháp của Mỹ mà người Nhật coi như nguồn cảm hứng vô tận. Sau đó nữa, khi những cơ sở xuất khẩu đáng sợ của Nhật đã sẵn sáng khạc ra hàng khối lượng lớn sản phẩm tiêu thụ thông dụng thì chính thị trường Mỹ lại tiêu thụ rất mạnh hàng hóa Nhật, tiêu hóa phần lớn khối lượng xuất khẩu của Nhật và bơm trở về Nhật những khối lượng tư bản khổng lồ. Mới đây nhất, khi nước Nhật công nghiệp trở thành nhà đầu tư vốn thì một lần nữa Nhật lại chọn Mỹ để thiết lập mối quan hệ ưa thích mới. Nhiều năm liền, đầu tư của Nhật chủ yếu tập trung vào đất Mỹ. Thời kì 1951-1988, Mỹ đã hút 71,9 tỷ đô la đầu tư trực tiếp của Nhật. Nhưng không có chuyện ngược lại. Bởi vì, nếu Mỹ quả là nước đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Nhật với 49 % tổng số đầu tư nước ngoài trên đất Nhật, thì vào cuối năm 1988 tổng số đầu tư của Mỹ ở Nhật (6,3 tỷ đô la) thấp hơn 10 lần so với đầu tư[47].
[47] Số liệu thống kê của bộ tài chánh Nhật
Mặt khác, phần đầu tư lớn nhất của Nhật ở Mỹ đã được tiến hành từ đầu những năm 80. Từ năm 1951 đến 1988, đầu tư trực tiếp của Nhật trong lĩnh vực công nghiệp đã lên đến 22,5 tỷ đô la (112,5 tỷ franc). Trong số này, có 15,4 tỷ đô la (77 tỷ franc) đã được đầu tư chỉ trong những năm 1986, 1987 và 1988. Trong một vài năm, Nhật đã đầu tư gấp hai lần so với hầu hết các nước khác cùng cạnh tranh với Nhật trên thị trường Mỹ. Hiện nay Nhật là nước đầu tư đứng hàng thứ hai ở Mỹ sau Anh, song trước Hà Lan – vốn là những nước đầu tư lớn – và CHLB Đức. Đây là những hãng sản xuất xe hơi thuộc lĩnh vực phi địa phương hóa. Những hãng này đã tỏ ra cực kì năng động. Hãng Honda đã mở đầu với một xí nghiệp sản xuất xe hơi đầu tiên được xây dựng vào năm 1982. Tiếp theo là Nissan, rồi Toyota. Hãng này hình thành một liên minh chiến thuật với hãng General Motors. Giờ đây, cố gắng của Nhật đã được trả công hậu hĩ. Tại Mỹ, người Nhật có cả một lực lượng sản xuất đáng gờm có thể tung ra một lượng hàng hóa đủ sức tràn ngập thị trường châu Âu.
Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (tỷ đô la, năm 1988) | |
Anh | 101,9 |
Nhật | 53,4 |
Hà Lan | 49 |
CHLB Đức | 23,8 |
Nguồn: Bộ thương mại Mỹ |
Người Nhật đang ra sao tại Mỹ? Vào cuối năm tài chính 1988, trên lãnh thổ của Mỹ, Nhật đã có 1.043 đơn vị sản xuất sử dụng 284.600 công nhân Mỹ. Những trung tâm sản xuất này hàng năm tạo ra một giá trị xuất khẩu là 20,8 tỷ đô la (104 tỷ franc), chiếm 8,2 % tổng xuất khẩu của Mỹ sang phần còn lại của thế giới[48]. Trong số các đơn vị sản xuất này có 13 nhà máy sản xuất vô tuyến truyền hình, 5 nhà máy sản xuất đầu máy vidéo, 6 xí nghiệp sản xuất điện thoại, 2 xí nghiệp sản xuất máy sao chụp vô tuyến (télécopieur), 6 nhà máy sản xuất máy tính điện tử, 53 xí nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, 6 xí nghiệp sản xuất bán dẫn. Phải thêm vào đó 8 nhà máy sản xuất xe hơi, đổ đồng hàng năm xuất xưởng 1 triệu xe. Trong vài năm tới, có khả năng sản xuất 2 triệu xe! Và để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy này, Nhật đã thành lập trên đất Mỹ 11 công ty hỗn hợp, với vốn một phần là của Nhật, nhằm sản xuất lá thép tuyệt đối cần thiết cho việc lắp ráp xe hơi. Thiếu tin tưởng? Muốn bảo đảm việc cung cấp nguyên liệu chất lượng 100 %? Chỉ biết rằng, trong lĩnh vực xe hơi, Nhật Bản không muốn thầu lại của các nhà sản xuất Mỹ. Họ thích mang toàn bộ hệ thống công nghiệp liên quan đến lĩnh vực này sang Mỹ hơn. Kết quả: cần phải thêm vào các con số trên đây ít nhất là 137 nhà máy và xí nghiệp Nhật Bản sản xuất các sản phẩm và phụ tùng xe hơi đặt ở Mỹ[49].
[48] Số liệu thống kê của bộ thương mại Mỹ, năm 1988
[49] Báo cáo của Gorota Kume, chuyên gia của trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài của Ngân hàng xuất nhập khẩu Nhật Bản (Eximbank), tháng 4/1990
Châu Âu: mục tiêu mới của Nhật
Về đầu tư, Nhật có lẽ đã đi chậm ở châu Âu. Những người nào lo lắng về điều này hãy an tâm: người Nhật đang dồn mọi nỗ lực để bắt kịp sự chậm trễ ấy. Và trong thời hạn ngắn nhất. Tất cả những nhà phân tích nghiêm túc đều đồng ý với nhau về điểm này: dù châu Âu có muốn hay không, và dù Nhật vẫn phủ nhận điều này, thì đầu tư của Nhật ở châu Âu sẽ đi đến chỗ làm thay đổi toàn bộ cảnh quan kinh tế của cựu lục địa. Sự cạnh tranh của Nhật chuyển vào châu Âu sẽ thách thức tại chỗ nền công nghiệp châu Âu. Nhiều xí nghiệp không chịu nổi đòn tấn công của hàng xuất khẩu Nhật Bản và châu Á, đã phải đóng cửa. Nhiều xí nghiệp khác sẽ không đương đầu nổi với nền sản xuất được phi địa phương hóa của Nhật và sẽ phải phá sản. Những xí nghiệp khác nữa thì, để chống cự lại cơn sóng trào Nhật Bản, sẽ phải đoàn kết lại để lập thành những tập đoàn vững chắc hơn và đưa vào sử dụng sức mạnh tống hợp của chúng. Nhưng để sống còn, tất cả sẽ buộc phải có bước tiến về năng suất và quản lý tốt hơn. Kỷ nguyên bất động đầy ngây thơ và tự mãn ở châu Âu đã kết thúc.
Sony đã đóng vai trò tiên phong ở châu Âu bằng cách thành lập vào năm 1968 một nhà máy lắp ráp vô tuyến truyền hình ở Bridgend (Anh). Tuy vậy, điều lạ là người Nhật khá chậm trong việc hiểu được tầm quan trọng của thị trường châu Âu. Quen với tâm tính và phương pháp làm việc của người Mỹ, hoảng sợ trước sự đa dạng về văn hóa ở châu Âu, lại nản lòng vì những cuộc bãi công và các phong trào xã hội liên tục ở châu Âu, các nhà kinh doanh Nhật theo truyền thống thích tập trung vào thị trường Mỹ, vào một vùng đất quen thuộc hơn. Nhưng có ba lý do đã khiến cho họ sang châu Âu.
Trước hết, đó là thị trường thống nhất 1992 tới gần và mối đe dọa về một châu Âu – pháo đài đóng sập cửa đối với đầu tư của Nhật. Chỉ vài năm nữa thôi, sau đó có lẽ sẽ quá muộn. Theo một cuộc thăm dò mới đây, 66,1 % các công ty Nhật sống bằng xuất khẩu sợ rằng sự nhất thể hóa châu Âu năm 1992 sẽ mang lại hậu quả tiêu cực đối với họ. Chỉ có 11,3 % cho rằng thị trường lớn, thống nhất của châu Âu ngược lại sẽ “rất có lợi cho Nhật”. Được hỏi về tương lai châu Âu, 37,9 % công ty ấy dự liệu rằng sự ra đời của một châu Âu mạnh có thể cạnh tranh với Nhật và Mỹ, trong khi 18,8 % cho rằng đó là điều không thể được[50].
[50] Sondage publié par le Nihon Keizai Shimbun, 18 Décembre 1989, portant sur 300 société japonaise exportatrices et cotées à la Bourse de Tokyo.
Lý do thứ hai: sự xuống dốc quá rõ của Mỹ và những lo ngại về một thời kì suy thoái kinh tế kéo dài của cường quốc số một thế giới. Hiện tượng này khiến cho Tokyo phải đánh giá lại một cách sâu sắc các trục chiến lược của nước Nhật tương lai. Một nhận định bắt buộc: Nhật không còn có thể đặt tất cả trứng trong cùng một giỏ. Họ phải giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào thị trường Mỹ.
Lý do thứ ba: thị trường Mỹ trở nên thật sự chật chội. Người Nhật kéo đến đó đông tới nỗi họ bắt đầu dẫm chân lên nhau. Những conquistadores (kẻ đi chinh phục) mới cần một chút oxy, cần một thị trường mới. Châu Âu đã giang tay đón họ. Họ đã quyết định đến đó. Và thế là chúng ta chứng kiến một cuộc đổ xô thực sự sang châu Âu. Châu Âu đã trở thành mục tiêu ưu tiên đối với nhiều nhà đầu tư Nhật, họ thấy ở đó một thị trường trẻ, năng động, hứa hẹn. Trong vài lĩnh vực then chốt như xe hơi, châu Âu lại là thị trường số một thế giới. Sự sụp đổ của Đông Âu và mở rộng châu Âu truyền thống càng củng cố thêm tin tưởng ấy của người Nhật. Châu Âu kéo dài đến Liên Xô là một thị trường với 500 triệu người tiêu thụ, mà một bộ phận khá lớn trong đó thuộc lớp người khá giả nhất thế giới.
Sự gia tăng nhịp độ đầu tư của Nhật vào Cộng đồng kinh tế châu Âu là đáng kinh ngạc, khó hình dung được, đầy đe dọa, có thể là nguy hiểm. Thực tế, đầu tư ấy tăng gấp đôi hàng năm. Nghĩa là, đây là nhịp độ cao nhất trong toàn bộ các điểm đầu tư khác nhau của Nhật ở nước ngoài. Chỉ riêng trong lĩnh vực sản phẩm chế tạo (công nghiệp), các khoản đầu tư ấy đã tăng từ 800 triệu đô la năm 1987 lên 1,46 tỷ đô la năm 1988 rồi 3,05 tỷ đô la năm 1989. Nếu xem xét tất cả các lĩnh vực đầu tư của Nhật thì sự gia tăng ấy cũng gây ấn tượng không kém. Nó đã từ 6,576 tỷ đô la năm 1987 tăng lên 9,116 tỷ đô la năm 1988 và 14,808 tỷ đô la năm 1989[51]. Khoảng 60 % số đầu tư từ năm 1987 đã mang lại lợi nhuận, trong khi một phần các dự án thì bị lỗ do cạnh tranh hoặc do muốn tìm kiếm nhân viên tay nghề cao và nhu cầu về khung cán bộ có tầm quan trọng hơn là ở trong nội địa Nhật. Những khoản đầu tư ấy chắc hẳn sẽ gia tăng nhanh chóng với năm 1992 đang đến gần. Hiện tại, CEE thu hút hơn 24 % tổng số đầu tư của Nhật trên thế giới.
[51] Thống kể của Bộ Tài chính Nhật 1/6/1990, và của ngân hàng xuất nhập khẩu Nhật, 15/8/1990.
Nhận định này có chứng lý. Tháng ba 1989, trên đất CEE, 247 xí nghiệp lớn của Nhật đã có 206 nhà máy sản xuất, 466 văn phòng bán hàng hoặc những cơ cấu thương mại khác và 127 đơn vị đủ loại, phần lớn là dịch vụ tài chính. Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghiệp (sản phẩm chế tạo), các xí nghiệp Nhật này đã có 529 đơn vị sản xuất sử dụng 94.000 người châu Âu. Từ đây đến năm 2000, ít nhất 200.000 nhân viên châu Âu sẽ làm việc cho các nhà máy Nhật trong CEE. Trong số các nhà máy đã có, đáng chú ý có 99 đơn vị sản xuất sản phẩm điện tử (VTTH, đầu máy vidéo, đầu máy đĩa compact, dàn âm thanh có độ trung thực cao, máy điện thoại, máy sao chụp vô tuyến, máy tính cá nhân, máy sao chụp và linh kiện bán dẫn), 2 nhà máy xe hơi, 15 nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi và một công ty liên doanh sản xuất thép.
Nhật xuất khẩu hàng năm khoảng một triệu xe hơi sang châu Âu. Con số ấy từ nhiều năm nay không gia tăng – kết quả của các hạn chế nhập khẩu mà nhiều nước châu Âu đã áp dụng. Nhưng phải chú ý rằng hai nhà máy xe hơi Nhật “phi địa phương hóa” sang CEE hiện đang sản xuất khoảng 200.000 xe hơi hàng năm. Từ nay đến năm 1992, theo dự báo của Nhật có ít nhất 5 nhà máy sản xuất xe hơi Nhật trong CEE, sản xuất hàng năm một triệu xe. Đó là Nisssan (2 nhà máy đã hoạt động ở Anh), Toyota (Bồ Đào Nha) và Isuzu (Anh), Suzuki (Tây Ban Nha). Còn Honda thì đã mua 20 % vốn của hãng Anh Austin Rover và hãng này đã lắp ráp các kiểu xe Honda. Toyota có ý định xây dựng một nhà máy mới ở Anh. Mazda thì dự kiến hợp tác sản xuất với Ford tại Saarlouis ở Đức.
Còn về vô tuyến truyền hình màu, sản phẩm của Nhật tại CEE đã chiếm 21 % trong toàn bộ máy VTTH sản xuất trong Cộng đồng, nhờ 13 nhà máy nằm rải rác ở Anh (8 nhà máy), CHLB Đức (2) và Tây Ban Nha (3). Một nửa số đầu máy video sản xuất trong CEE là từ 21 nhà máy Nhật phi địa phương hóa nằm ở Đức (8), Anh (7), Pháp (3) và Tây Ban Nha (2). Nhật có 10 nhà máy sản xuất máy sao chụp (photocopie). Phần của chúng trên thị trường mở rộng rất nhanh. Còn về mạch tích hợp, châu Âu coi như đã thua. Như Gorota Kume, chuyên viên ngân hàng xuất nhập khẩu Nhật (Eximbank) và chuyên gia về đầu tư trực tiếp, giải thích: “Các công ty châu Âu đã bỏ lỡ dịp may phát triển và sản xuất các mạch tích hợp, và hậu quả là bây giờ họ tụt xa sau Nhật và Mỹ.”
Đã quá chậm, bởi vì bốn hãng lớn của Nhật đã có mặt ở châu Âu để sản xuất mạch tích hợp thay cho châu Âu: NEC (ở Ailen và Anh), Toshiba (Đức), Hitachi (Đức) và Fujitsu (Ailen).
Anh quốc: con ngựa thành Troie của cộng đồng kinh tế châu Âu (CEE)
Nước Anh là mục tiêu đầu tư trước tiên được Nhật Bản nhắm đến ở CEE. Thậm chí đến mức có dư luận xấu nói nước Anh đang trở thành một thuộc địa của Nhật Bản tại châu Âu, hoặc nói nước Anh là hòn đảo thứ năm trong quần đảo Nhật Bản. Quả là trong khoảng thời gian từ 1951-1988, 35 % đầu tư của Nhật Bản tại châu Âu đều đổ vào nước Anh do cách chào mời tận tình được chính quyền bảo thủ của thủ tướng Margaret Thatcher tiến hành. Tỷ lệ này đã vượt lên mức 46,2 % vào năm 1989 với tổng giá trị là 6,67 tỷ đô la (33,35 tỷ franc). Cần phải nói rằng thành công này không là chuyện tình cờ. “Nếu như chúng tôi đầu tư vào nước Anh là bởi vì chúng tôi được đón tiếp niềm nở.” Sự xâm nhập của Nhật Bản vào nước Anh là kết quả của một chính sách thu hút đặc biệt của nước Anh đối với Nhật Bản.
Bà Thatcher đích thân nhiều lần tham gia vào “chiến dịch” mời chào này. Bà luôn tươi cười với người Nhật, tham gia khánh thành các xí nghiệp mới được xây dựng của Nhật Bản, chăm sóc các quan hệ cá nhân của mình đối với những người khách Nhật và tỏ ra ân cần với nước Nhật. Thái độ này đã khiến người Pháp nổi giận, vì điều đó giống như một sự phản bội đối với một châu Âu thống nhất đang được xây dựng. Nước Anh, theo họ, đã trở thành một “con ngựa thành Troie”. Nói cách khác, nước Anh đã “nuôi ong tay áo”. Bởi lẽ, ý đồ của sự đổ bộ này đã quá rõ: trong khi chờ đợi thì trường chung châu Âu vào năm 1993, thì Nhật Bản tỏ ra hào phóng khôi phục lại nghành công nghiệp xe hơi của nước Anh hiện bỏ ngỏ. Song một khi các biên giới đã mở ngõ trong CEE, thì hàng hà sa số các xí nghiệp của Nhật Bản lúc đó đều đã mang nhãn hiệu châu Âu, sẽ cứ thế tung ra hết đợt hàng này đến đợt hàng khác trên người tiêu dùng của lục địa châu Âu. Ai sẽ là người chiến thắng? Nước Anh thì có thể, song Nhật Bản thì tất thắng rồi.
Quan hệ giữa nước Anh và Nhật Bản cũng đã bộc lộ nhiều biểu hiện lố bịch đến mức quá đáng. Chẳng hạn, ngày 7 tháng 9 năm 1990, chủ tịch hãng xe hơi Nissan (Nhật Bản) Takashi Ishihara đã được trao tặng huân chương cao quý nhất của vương quốc Anh dành cho một người nước ngoài. Hãng Nissan còn nhấn mạnh ông chủ Nhật được khen thưởng “vì những đóng góp của ông cho mối quan hệ kinh tế giữa vương quốc Anh và Nhật Bản.” Vâng, cám ơn cái hãng Nhật đầu tiên đã khánh thành một xí nghiệp sản xuất xe hơi trên đất Anh vào năm 1984. Vâng, cám ơn 200.000 xe hơi sẽ từ những phân xưởng của nó tung ra thị trường nước Anh và châu Âu.
Để mở cửa cho nước Anh tiếp nhận được đầu tư của Nhật Bản, mọi việc đều đã được tính toán. Tất cả các miền của vương quốc Anh đều đã mở văn phòng đại diện của mình tại Tokyo. Nhiệm vụ của những văn phòng này rất rõ: thông qua vai trò môi giới các hoạt động quan hệ công chúng mà thu hút, thuyết phục và lôi kéo các nhà đầu tư Nhật Bản. Đối với một số miền ở nước Anh đang bị đe dọa bởi nạn thất nghiệp và cuộc khủng hoảng kinh tế, thì đầu tư của Nhật Bản được đón nhận như một nguồn ơn phúc đích thực từ trời ban xuống để khôi phục lại cả một nền công nghiệp đang hấp hối. Điển hình là trường hợp của khu vực phía Tây Birmingham, trung tâm công nghiệp cũ của nước Anh, tinh hoa xưa của cuộc cách mạng công nghiệp. Hai thế kỷ sau thời kì hưng thịnh ấy, khu vực này đã bắt đầu trở nên giống như cái “vành đai rỉ sét” thê thảm của Mỹ: một khu vực hoang tàn mà ở đó dàn giá của những xí nghiệp phế bỏ chỉ gợi lên một quá khứ huy hoàng và ở đó dân chúng đang sống trong cơn ác mộng thất nghiệp triền miên và khủng hoảng xã hội.
Còn giờ đây, 17 xí nghiệp của Nhật Bản đã đến đóng đô ở vùng đất này, điểm tập kết lớn nhất của Nhật Bản ở nước Anh. Những gì tinh túy nhất của nền công nghệ Nhật Bản đều được phô diễn ở nơi chỉ cách vài kilomet là Ironbrigde, cây cầu sắt đầu tiên của thế giới đã được xây dựng vào năm 1779. Đúng là một hình ảnh tuyệt vời giữa một bên là sức mạnh một thời huy hoàng đã qua của vương quốc Anh và một bên kia là sự rạng ngời của Nhật Bản trong thế giới hiện đại. Không chỉ có người Nhật, ở đây còn có khoảng 50 xí nghiệp của Đức, Hoa Kỳ, thậm chí của Pháp. Được sự khuyến khích của chính quyền trung ương ở Luân Đôn, và để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, các chính quyền địa phương ở đây đã dành cho họ những khoản tiền thuê xây dựng cơ sở cùng những ưu đãi về thuế khóa cực kì giảm nhẹ, thậm chí trong nhiều trường hợp vượt quá những giới hạn mà CEE quy định đến mức đất đai chỉ được bán với giá tượng trưng. Lợi dụng trình trạng thê thảm trong ngành công nghiệp xe hơi, các nhà kinh doanh Nhật Bản đôi khi đã “hớt” được từ tay của người Anh những hợp đồng xây dựng xí nghiệp với thời hạn đặc biệt ưu đãi.
Phân chia vốn đầu tư của Nhật Bản trong CEE năm 1989 (tính bằng tỷ đô la) | ||
Tiền | Tỷ lệ | |
Anh | 6,67 | 46,2 % |
Hà Lan | 3,39 | 23,5 % |
Tây Đức (cũ) | 1,27 | 8,8 % |
Pháp | 1,04 | 7,2 % |
Luxembourg | 1,04 | 7,2 % |
Ý | 0,35 | 2,4 % |
Tây Ban Nha | 0,35 | 2,4 % |
Bỉ | 0,27 | 1,9 % |
Ai len | 0.06 | 0,4 % |
Nguồn: Bộ Tài chính Nhật Bản |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.