Nước Nhật mua cả thế giới

I – Phần 3



Nước Pháp: Vô cùng dễ, chỉ cần có tiền

Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu như hùa theo cái dàn hợp xướng những bất mãn chỉ muốn trút hết cơn giận dữ lên đầu nước Anh. Khi người Pháp phàn nàn thì không hề có ý ghen tỵ. Nước Pháp cũng mong muốn khai thác “những hành động hào phóng” của Nhật Bản. Nhiều người Pháp đang sẵn sàng bán đứng tất cả để có được sự “hào phóng” đó nhưng lại hoàn toàn dửng dưng với nhưng hậu quả của việc Nhật Bản thâm nhập vào xã hội Pháp. Liệu có nhà kinh doanh nhập khẩu nào lưu tâm đến sự chênh lệch giữa những trao đổi song phương của chúng ta? Tình trạng mất cân đối trong đầu tư giữa Pháp và Nhật Bản đã trở nên bi đát. Giá trị đầu tư của Nhật vào Pháp gấp 13 lần so với đầu tư của Pháp sang Nhật. Trong những năm 80, khoảng cách này đã trở thành một hố thẳm với tỷ lệ chênh lệch 1/45.

Chẳng có gì phải phê phán: đầu tư của Nhật Bản quả đã tạo ra nhiều công ăn việc làm. Hoa Kỳ và Canada dẫn đầu bảng xếp loại ở Pháp với 3.871 chỗ làm năm 1990. Nhật Bản cũng nhanh chóng vượt lên chiếm vị trí thứ hai ở Tây Đức với 3.096 chỗ làm[52]. Đó là lý do vì sao khi đến nhiều miền ở Pháp để viết phóng sự, tôi không hề gặp một viên chức địa phương nào đã tỏ ra có thái độ thù nghịch đối với đầu tư của Nhật Bản. Khá nhiều miền của nước Pháp chẳng hạn như Alsace quê tôi, đều có mở mặt tiền tại Tokyo. Các văn phòng đại diện đang cố bán chút hương phấn của mình cho khách chơi hoa Nhật. Ngay như Auvergne, một vùng quê và là nơi chôn rau cắt rốn của một phần gia đình tôi, cũng sẵn sàng đưa chân vào những trò chơi ve vãn hối hả này và rất muốn được lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư đất nước Mặt trời mọc. Thậm chí sự hiện diện của Nhật Bản còn trở thành điểm chuẩn về chất lượng để thu hút các nhà đầu tư từ những nước khác.

[52] Tribune de I’é conomie (Diễn đàn kinh tế), ngày 16/1/1991.

Suốt nhiều tuần lễ liên tiếp vào mùa xuân và hè năm 1990, người ta đọc thấy một nội dung đầy xúc cảm chiếm đến cả trang trên nhiều tuần báo lớn của Pháp: “Một số hãng nổi tiếng của Nhật Bản đã có mặt ở Auvergne” kèm theo đó là bức ảnh một nhà kinh doanh Nhật ngồi sau bàn làm việc và đang mỉm cười, sau lưng ông ta là một tấm bản đồ thế giới khổ lớn. Các tập đoàn Nhật Bản đến lượt mình lại để tâm đề cao sự xâm nhập thành công của mình trong khung cảnh nền kinh tế Pháp. Thế là, hãng Toshiba, trong các quảng cáo chiếm đến nửa trang trên các nhật báo lớn nhất của Pháp đã huênh hoang về “những cái nôi công nghệ mới” chẳng hạn như những nhà máy lò cao hoạt động bằng vi sóng, những máy photocopie và những đèn halogène dùng cho máy photocopie được lắp đặt lần lượt trong các làng Aizenayn, Martin-Église và Raon-I’Étape. Tập đoàn hàng đầu này của Nhật Bản còn nhấn mạnh “Cắm rễ sâu ở Pháp, tiến đến một sự hội nhập êm thấm và cùng nhau lớn mạnh trong tương lai.” Đó chính là điều mong muốn nhất của Toshiba.

Châu Á: đất săn riêng của Nhật Bản

Một sự chuyển động đáng kể đối với thế giới tương lai, song lại chưa được biết đến nhiều, đang diễn ra tại châu Á: Khu vực này đang ngả theo quỹ đạo kinh tế của Nhật Bản. Bởi lẽ, châu Á chưa bao giờ bị giới lãnh đạo kinh tế của Nhật Bản bỏ quên. Trái lại, trong 10 năm đầu tư ồ ạt họ đã biến đổi hoàn toàn bộ mặt của Nhật Bản trong khu vực đang phát triển vũ bão này. Năm 1945, chiến thắng của đồng minh đã dấn đến hệ quả tất yếu là việc Hoa Kỳ đứng chân về kinh tế tại châu Á. Suốt những năm 50 và 60, Hoa Kỳ gần như đơn thân độc mã trong khu vực này: Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan, Singapour đã kết thành một khối vững chắc nằm trong vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Chú Sam đã có thể tự hào diễu võ dương oai về sức mạnh của mình. Không ai dám coi thường điều đó. Các nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Cambodge và Lào nói chung đều đóng cửa đối với các nhà tư bản Nhật Bản. Ngày nay, giấc mơ Mỹ ở châu Á đã kết thúc. Sự thống trị của Hoa Kỳ đã thuộc về quá khứ và ảo vọng Mỹ đã không còn hấp dẫn ai ở đây nữa. Quả là Nhật Bản đã từng bước đuổi Hoa Kỳ ra khỏi châu Á – Thái Bình Dương. Còn châu Âu, vốn nhút nhát hoặc lạc hậu trước thực tiễn của khu vực này, đã hầu như bị quên lãng vĩnh viễn ở châu Á. Đã đến lúc châu Á – Thái Bình Dương trở thành đất săn riêng của người Nhật.

Tiến trình này dẫn đến nhiều hậu quả đáng kể trong tương lai trên bình diện kinh tế lẫn chiến lược. Tại sao? Nền kinh tế của các nước Đông Nam Á đang biến đổi sâu sắc. Từ chỗ trước đây chỉ cốt làm sao có sản lượng, các nền kinh tế này hiện đang hướng đến tiêu thụ: Trong tương lai, châu Á sẽ là một nhà máy khổng lồ sản xuất đủ loại hàng hóa tinh xảo và là một thị trường rộng lớn với những người tiêu dùng giàu có. Cần phải nói thêm rằng thị trường này có thể còn lớn hơn cả thị trường của châu Âu hoặc Mỹ. Đến ngày ấy, người Mỹ và người châu Âu còn có thể bán cho họ những thứ gì nữa? Mặc khác, châu Á đang còn bị chia cắt bởi những xung đột chính trị nghiêm trọng. Song từng bước, nền dân chủ sẽ được thiết lập và cùng với nó là sự thịnh vượng và sáng tạo. Liệu đến lúc ấy châu Âu và nhất là Mỹ có thể tự cho phép mình đứng tách biệt với trục phát triển này chăng? Cuối cùng là với việc tạo ra những liên hệ kinh tế độc quyền, châu Á đã bắt đầu một tiến trình hội nhập giữa các nước trong khu vực từng bước đặt nền móng cho một thị trường chung châu Á.

Ngay từ cuối năm 1988, lần đầu tiên từ sau chiến tranh, Nhật Bản đã buôn bán với các bạn hàng châu Á nhiều hơn là với Hoa Kỳ. Trao đổi mậu dịch của Nhật Bản với các nước công nghiệp hóa mới của châu Á vượt quá những trao đổi mậu dịch của Nhật với CEE. Thử so sánh: xuất nhập khẩu của Nhật Bản với Nam Triều Tiên vượt xa mức của Nhật Bản với châu Phi và châu Mỹ La tinh cộng lại. Từ năm 1985 đến 1989, trao đổi mậu dịch giữa Nhật Bản và ASEAN (Thái Lan, Malaisie, Singapour, Indonésia, Philippines, Brunei) cộng với Hồng Kông, Đài Loan và Nam Triều Tiên đã tăng gấp đôi, đạt mức 118 tỷ đô la (590 tỷ franc). Tổng trao đổi mậu dịch giữa 15 nền kinh tế quan trọng của châu Á đã đạt mức 234 tỷ đô la (1170 tỷ franc) vào năm 1988. Trong đó Nhật Bản chiếm hơn một nửa. Con số này vượt xa mức 193 tỷ đô la (965 tỷ franc) xuất khẩu của khu vực này sang Bắc Mỹ(53).

[53] Thống kê của Ngân hàng phát triển châu Á (BAD) tháng 4/1990.

Hậu quả tất yếu: các nền kinh tế châu Á đang hình thành một mối liên kết ngay trước mặt Mỹ, một nước mà giờ đây họ rời bỏ không hề thương tiếc. Việc đầu tư trong khu vực này đang tăng lên đến mức như ngân hàng phát triển Á châu đánh giá là “đang thúc đẩy một sự liên kết ngày càng mở rộng giữa các nền kinh tế châu Á và biến đổi khu vực này thành một thực thể thuần nhất hơn trong nền kinh tế thế giới”.

Những đối kháng hiện còn rất mạnh. Nhiều nước đang ra sức tẩy chay ảnh hưởng ngày càng lớn của Nhật Bản. Vì thế, ngày ra đời của một thị trường chung châu Á rộng lớn xem ra còn xa. Song nếu như châu Á đi đến hợp nhất và nếu như Nhật Bản thành công trong việc chế ngự những tham vọng dân tộc chủ nghĩa thì Nhật Bản có thể hi vọng dẫn đầu “khối” kinh tế châu Á mới này. Thế giới khi đó sẽ được thống trị bởi ba trục kinh tế có sức mạnh cân bằng: một cạnh là vùng tự do mậu dịch bao gồm Hoa Kỳ và Canada. Một cạnh khác là thị trường chung châu Âu. Cạnh cuối cùng trong cái tam giác kì bí này là châu Á hợp nhất. Nhưng như vậy liệu phương Tây sẽ hành động ra sao? Liệu họ sẽ đứng yên để nhìn ngắm sự khai sinh một “Khối thịnh vượng chung” mới dưới ảnh hưởng của Nhật Bản?

Trong khi chờ đến lúc ấy, hãy thử nhìn xem nhịp độ đầu tư của Nhật Bản tại châu Á. Cách đây 10 năm, các nhà kinh doanh Nhật Bản đầu tư hàng năm khoảng 1,2 tỷ đô la (6 tỷ franc) cho toàn bộ khu vực này. Năm 1988, họ đã đầu tư gấp đôi số tiền trên chỉ riêng cho Hồng Kông. Năm 1990, Nhật Bản đã đầu tư gấp 6 lần cho khu vực này so với đầu những năm 80. Trong số 12 nước thu hút nhiều đầu tư nhất của Nhật Bản thì một nửa thuộc về châu Á: bốn “con rồng” (Đài Loan, Nam Triều Tiên, Hồng Kông, Singapour), Thái Lan và Malaisie. Nhật Bản, từ nhiều năm qua, là nước đầu tư đứng hàng đầu thế giới ở Indonésie và Thái Lan. Ở Indonésie, Hoa Kỳ còn đứng sau cả Hồng Kông, Nam Triều Tiên và Đài Loan. Biểu tượng cuối cùng cho sự suy sụp của Hoa Kì là năm 1989, Nhật Bản đã thay thế Hoa Kì vốn là nước đầu tư đứng hàng đầu thế giới ở Philippines. Nước Mỹ, vào năm 1988 vẫn còn giữ vị trí hàng đầu ở nước này thì chỉ một năm sau, đã đứng sau cả Đài Loan và Hồng Kông.

Vào tháng 9/1989, tổng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào châu Á đạt mức 36 tỷ đô la (180 tỷ franc), nghĩa là bằng 1/6 đầu tư trực tiếp của Nhật Bản trên thế giới. Việc đồng yên lên giá, từ đầu những năm 80, đã đánh vào đầu tư của Nhật Bản ở khu vực này. Kể từ đó, đầu tư vào Nam Triều Tiên, Đài Loan và Singapour được ghi nhận là tăng 50 % mỗi năm và tăng 100 % vào các nước còn lại của châu Á. Tokyo không hề bỏ qua bất cứ một thị trường mới nào. Trong khi chờ đợi có sự mở cửa rộng rãi của những nước này, những nhà kinh doanh Nhật đang tranh thủ Cambodge, Lào và Việt Nam. Sự hiện diện của nước Pháp ở các nước này hiện chỉ mang tính chất tượng trưng và mặc dù Paris đã có nhiều cố gắng giành lại chỗ đứng đã bị mất song có nguy cơ nó vẫn sẽ mờ nhạt như hiện nay. Mọi thứ đang gây chú ý cho người Nhật: dầu thô ở Việt Nam, quặng mỏ, cao su và nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của Cambodge, lực lượng lao động rẻ ở Đông Dương. Mọi việc đều phải bắt đầu lại từ đầu ở những nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Nhật Bản đã là bạn hàng thứ hai của Việt Nam sau Liên Xô. Lợi dụng khó khăn của Liên Xô, không bao lâu nữa, Nhật Bản sẽ chiếm giữ vai trò hàng đầu và họ rất sẵn sàng giữ vị trí ấy.

Đúng là, tính trên phạm vi toàn cầu, đầu tư của Nhật Bản không thể tiếp tục phát triển với cùng nhịp độ như lâu nay nữa. Song, dù có chậm lại, nguồn tư bản của Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục việc phân công lao động giữa các nước châu Á tùy theo sự phát triển kinh tế của các nước này. Đặc biệt, Hoa Kỳ đang bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu. Như ở Thái Lan, các dự án đầu tư của Nhật Bản gấp 8-10 lần đầu tư của Hoa Kỳ. Ngay như Đài Loan cũng đầu tư vào nước này nhiều hơn cả Hoa Kỳ. Tại Malaisie, người Nhật đầu tư gấp 10 lần người Mỹ, còn tại Indonésie gấp sáu lần.

Tại Nam Triều Tiên, Hồng Kông, Đài Loan và Singapour, bốn “con rồng”, bốn nước công nghiệp hóa mới (NIC = New Industrilized Countries), Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản và dịch vụ. Tại những nước phát triển trung gian như Philippines, Thái Lan, Indonésie và Malaisie, Nhật Bản đầu tư vào việc phát triển các nguồn nguyên liệu và vào công nghiệp. Tính trên phạm vi toàn cầu, châu Á là khu vực thứ hai trên thế giới (vượt cả châu Âu) tiếp nhận được nguồn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng[54]. Song đã đến lúc phương thức trao đổi giữa các nước này và Nhật Bản thay đổi. Trước đây, Nhật Bản bán cho các nước này trang thiết bị và mua lại nguyên liệu và năng lượng. Hiện nay, hơn 60 % xuất khẩu của khu vực sang Nhật Bản là sản phẩm công nghiệp trong đó đáng kể là sản phẩm của các xí nghiệp phi địa phương hóa của Nhật Bản.

[54] Gorota Kume, Recent Trend of Japanese Direct Investment with special reference to that in the Asian Region, Eximbank, tháng 7/1989

Đầu tư, viện trợ kinh tế và mậu dịch của Nhật Bản với các bạn hàng châu Á từ tháng 4/1986 – 9/1989. (tính bằng tỷ đô la)

 

Mậu dịch

Đầu tư

Viện trợ

Nam Triều Tiên

93,85

1,950

Đài Loan

78,51

1,230

Hồng Kông

46,22

4,180

Singapour

36,93

2,350

Thái Lan

26,50

1,810

1,307

Malaisie

29,49

0,990

0,777

Philippines

13,30

0,330

1,364

Indonésie

48,26

1,720

1,433

Trung Quốc

53,18

2,000

2,177

Ấn Độ

     

14,76

0,060

0,703

Pakistan

5,97

0,007

0,551

Sri Lanka

1,53

0,003

0,446

Bangladesh

1,73

0,001

0,932

Miến Điện

0,82

0,779

Nguồn: MITI và Bộ Tài chánh Nhật Bản.

Đông Âu, cuộc chinh phục mới?

Các nhà ngoại giao Nhật sẽ giãy nảy lên với một sự ngây thơ “cụ”: nước Nhật nào có hề để ý đến Đông Âu. Các nước ấy ở quá xa, quá bất ổn, lại còn nợ chồng chất. Ngoài ra, thị trường này đã thuộc về Tây Âu. Các nhà kinh doanh Nhật nào dám mon men đến. Song đằng sau những lời thế thốt ấy của họ, thực tế đang diễn ra khác hẳn. Quả đúng là cho đến năm 1989, Đông Âu không hề thu hút các giới kinh doanh Nhật. Trao đổi mậu dịch của Nhật Bản với các nước này thật nhỏ nhoi: 379 triệu đô la (1,850 tỷ franc) với Ba Lan năm 1988, 270 triệu đô la (1,350 tỷ franc) với Hunggari, 250 triệu đô la (1,250 tỷ franc) với Đông Đức. Tổng cộng: 1,4 tỷ đô la (7 tỷ franc), gần bằng 0,3 % trao đổi của Nhật Bản với thế giới, chưa bằng 1/10 các trao đổi của Nhật Bản với Trung Quốc.

Biến động đột ngột ở Đông Âu đã khiến người Nhật hoàn toàn chưng hửng. Họ đã lơ là khu vực này của thế giới đến mức không một việc nghiên cứu nào của Nhật Bản dự kiến được diễn biến và tình hình mới ở đây về mặt kinh tế và tài chính. Khi Hunggari, Ba Lan rồi đến Tiệp Khắc và Đông Đức thay đổi thể chế chính trị thì Tây Âu, trước hết là Tây Đức đã nhanh chóng mở cửa về thương mại và công nghiệp, và lần này họ đã hành động gấp rút. Mặc dù điều này là hoàn toàn tự nhiên do ở kế cận nhưng nhất là do có một nền văn hóa chung giữa hai phần của lục địa châu Âu. Người Nhật lại vẫn chần chờ nghĩ rằng họ sẽ khó chen chân vào thị trường Đông Âu thông qua Tây Âu. Nhưng điều đó không hề ngăn cản họ hành động và hành động nhanh. Bởi lẽ, người Nhật cho rằng các nước Đông Âu có thể tạm thời là bàn đạp tiền tiêu bảo đảm cho xuất khẩu của Nhật Bản xâm nhập vào châu Âu trong tình hình châu Âu thống nhất năm 1992 tiến hành các biện pháp kinh tế chống lại Nhật Bản.

Ngay từ tháng 11/1989, Nhật Bản công bố cho Ba Lan vay 150 triệu đô la (750 triệu franc) với lãi xuất thấp để giúp nước này ổn định nền kinh tế. Tháng 1/1990, Thủ tướng Toshiki Kaifu đi thăm chính thức Ba Lan và Hunggari, hai nước được xem là mạnh dạn nhất trên con đường cải tổ. Dịp này, Toshiki Kaifu hứa sẽ viện trợ kinh tế cho hai nước này gần hai tỷ đô la (10 tỷ franc). Để chinh phục trái tim, trước hết phải lo lót cái bụng. Nhật Bản thừa sức để tỏ ra hào phóng. Nhiều đoàn kinh doanh đã nối bước ngài thủ tướng. Vào tháng 3, chính phủ Nhật mời và chịu mọi chi phí cho một phái đoàn khoảng 100 viên chức kinh tế và nhà kinh doanh Ba Lan và Hunggari đến Nhật Bản để nghiên cứu “việc quản lý và kiểm tra sản xuất”. Quả là một phương pháp tuyệt hảo để làm quen và kết thân với nhau. Vào tháng 4, chủ tịch ngân hàng công nghiệp Nhật Bản Kizaburo Ikeura dẫn đầu một phái đoàn kinh tế gồm 68 nhà kinh doanh và viên chức Nhật sang Ba Lan và Hunggari. Một chuyến viếng thăm quan trọng chưa hề có của Tokyo đến hai nước này. Đặt chân đến Varsovie, ông ta tuyên bố rằng các nhà công nghiệp của Nhật Bản có thể sẽ đến thị trường Ba Lan “nhanh hơn là như một số người vẫn nghĩ”.

Cũng vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chánh Nhật, Ryutaro Hashimoto, đã công khai cho rằng Nhật Bản sẽ có một vai trò về mặt tài chánh trong tiến trình thống nhất nước Đức.

“Một nước Đức thống nhất có nghĩa là tạo ra một thị trường mới khổng lồ trong thế giới tự do song cũng có nghĩa là cần đến vốn đầu tư (…) Tây Đức cũng như cộng đồng châu Âu không thể đáp ứng nổi nguồn vốn cần thiết đó. Bởi vậy, Nhật Bản sẽ nắm giữ vai trò ấy.”

Vào tháng 5/1990, đến lượt bộ trưởng ngoại giao Taro Nakayama đi thăm Tiệp Khắc và Nam Tư. Ông ta cũng loan báo là Nhật Bản sẽ trợ giúp hai nước này. Cũng trong tháng này, Bộ trưởng công nghiệp và thương mại quốc tế Kabun Muto tuyên bố tham gia một “kế hoạch Marshall” mới giúp Đông Âu trong khuôn khổ phối hợp giữa CEE, Hoa Kì và Nhật Bản. Điều này quả chẳng khác nào “chó sói nhốt vào chuồng dê”.

Tuy nhiên, dấu hiệu rõ rệt nhất cho mối quan tâm mới về Đông Âu lại được ghi nhận từ giới tài chính Nhật. Ngày 5/7/1990, Ngân hàng Sumimoto thông báo mở văn phòng đại diện đầu tiên ở Berlin (Đông Đức). Ngày 16/7 Daiwa Securities, một trong bốn công ty mua bán chứng khoán hàng đầu của Nhật Bản, công bố hợp tác với các ngân hàng Hunggari để đến trước cuối năm 1990, thành lập một công ty tài chánh chứng khoán Nhật-Hunggari ở Budapest. Cơ sở này đã mở cửa hoạt động và Daiwa kiểm soát trên 50 %. Từ đó đến nay, sự hiện diện của Nhật Bản đã được tăng cường thêm với nhiều cơ sở khác tương tự. Đúng theo bài bản về thâm nhập thị trường, người Nhật đã đưa các ngân hàng của mình đến trước để chuẩn bị bãi đáp, và khi tình hình chín muồi thì đầu tư đổ vào. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 1990, ngành công nghiệp Nhật Bản đã cho công bố dự án xây dựng một nhà máy hóa dầu ở Hunggari trị giá 1,7 tỷ yên (61,2 triệu franc) và một nhà máy xi măng ở Ba Lan trị giá ước tính là 200 triệu đô la (1 tỷ franc), môt nhà máy liên doanh sản xuất xe hơi ở Ba Lan cùng nhiều dự án lớn khác.

Chú gấu Liên Xô luôn gây lo sợ

Một trong những tiềm năng hợp tác lớn đối với Nhật Bản là ở Liên Xô. Đó là khai thác những miền đất mênh mông của Sibérie giàu tài nguyên mỏ, khí đốt và dầu hỏa. Đến lúc những điều kiện chính trị hội tụ đủ từ hai phía thì Nhật Bản sẽ là nước duy nhất cùng với Nam Triều Tiên có đủ khả năng lao mình vào cuộc chinh phục lớn lao này. Và một ngày nào đó khi những chân trời đầy hứa hẹn này trở nên rõ nét thì những người châu Âu chúng ta, những khán giả bất lực sẽ được chứng kiến một quang cảnh mê hồn là sự xuất hiện của một trung tâm quyền lực mới. Hàng trăm và hàng ngàn kĩ sư Nhật sẽ đặt chân đến vùng đất này, sử dụng nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc để khai thác vùng Sibérie và vũng Viễn Đông Liên Xô. Đó sẽ là một “mặt trận” mới về kinh tế, khoa học và kĩ thuật mà chúng ta sẽ chỉ là những khán giả bất lực.

Ý tưởng này có lẽ không hề kì cục đến mức như nó có thể có. Vào tháng 1/1991, công ty thương mại Itoh của Nhật Bản và công ty Exxon của Mỹ đã cùng nhau khai thác khí thiên nhiên trên đảo Sakhaline với số vốn đầu tư ước tính hơn 5 tỷ đô la (25 tỷ franc).

Nhiều trở ngại còn tồn tại trên con đường tiến đến bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản vả Liên Xô. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước hiện ở mức tồi tệ: gần 6 tỷ đô la (30 tỷ franc) năm 1989.

Khó khăn chủ yếu đang cản trở tiến trình hai nước xích lại gần nhau là việc Liên Xô hiện đang chiếm giữ quần đảo Kouriles. Lợi dụng cuộc tháo chạy của Nhật Bản năm 1945, Liên Xô đã chiếm bốn hòn đảo nhỏ (Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai). Từ đó, hơn 45 năm đã qua và Tokyo đã từ chối ký kết mọi hiệp định hòa bình với Matxcơva chừng nào “phần đất phía Bắc” chưa được trả lại cho Nhật Bản. Vụ tranh chấp còn lâu mới được giải quyết. Quả vậy, do nằm gần các căn cứ quân sự trọng yếu của Liên Xô để bảo vệ bờ biển Viễn Đông, những hòn đảo này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược. Song dù sao, sự tan băng đã bắt đầu. Cựu bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Édouard Chevardnadzé đã đến Nhật Bản tháng 9/1990 để chuẩn bị cho một chuyến viếng thăm “lịch sử” của tổng thống Mikhain Gorbatchev dự kiến vào năm 1991. Liên Xô đang ở vào một tình trạng kinh tế khó khăn đến mức rất cần sự giúp đỡ của Nhật Bản. Những người có đầu óc thực tiễn như Gorbatchev, nếu như còn nắm giữ được quyền lực trong những năm sắp đến, mà lại không chứng tỏ có một đầu óc cởi mở thì quả sẽ là một điều cực kì khó hiểu. Một số nhà ngoại giao đã cầm chắc Liên Xô sẽ trả lại cho Nhật Bản ít ra là một phần của các đảo Kouriles.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.