Nước Nhật mua cả thế giới
II – Phần 13 (Hết)
Keiichi Samoshida: nước Nhật gây ô nhiếm thế giới
Tôi thừa nhận rằng những cuộc trao đổi này trình bày một hình ảnh gần như an tâm của nước Nhật. Đọc những dòng chữ này, cảm tưởng chung là nước Nhật đang đe dọa làm lệch các cân bằng giữa Châu Âu và Mỹ, song nếu như nó lao vào một cuộc chinh phục điên cuồng các thị trường thì nó không hề có ý định chinh phục hoặc xa hơn là thống thị thế giới. Những trang sách này cũng cho thấy hình ảnh một nước Nhật, đang tư vấn về tương lai và về các quan hệ của mình với thế giới. Tôi đồng ý là nhận xét này là đúng.
Điều này càng đúng hơn bởi cũng đã có một số người Nhật tự đặt cho mình những câu hỏi đến mức họ không phê phán gay gắt đất nước của họ. Chẳng hạn như Keiichi Komoshida, trợ lý chủ nhiệm báo Asahi Shimbun, một trong hai nhật báo lớn nhất ở Nhật. Là cựu đặc phái viên ở Paris, đồng thời ông là chánh văn phòng các quan hệ đối ngoại của tờ báo. Tôi đã gặp ông trong một nhà hàng cao ốc của báo Asahi Shimbun, tại Tsukiji, về phía Đông Nam Tokyo. Là tòa nhà chọc trời đồ sộ, trên nóc phấp phới lá cờ Nhật, công trình kiến trúc này là biểu tượng cho sức mạnh của báo Asahi Shimbun. Nó che bóng nhiều tòa nhà của nhiều hãng thông tấn quốc tế lớn ở Tokyo, trong đó có AFP. Cuộc trao đổi với Keiichi Kamoshida, con một chủ ngân hàng Nhật tại Trung Hoa trong thời kì thuộc địa, là cuộc gặp gỡ cảm động nhất của tôi ở Nhật. Nhiều lần, khi ông nêu lên những tổn hại do nước mình gây ra trên thế giới, tôi thấy ông xúc động mạnh, gần như muốn khóc. Cuối cuộc trao đổi, ông tâm sự với tôi rằng, sau một năm trở về Nhật, ông đã không bao giới có dịp để nói tất cả những chuyện đó. Trở về nước, Keiichi Kamoshida có trở lại trong guồng máy tại chỗ không? Và thể xác thì có nhưng tâm hồn thì không.
Tôi yêu cầu ông kể lại thời thơ ấu của mình ở Trung Hoa.
“Cha tôi là một trong số những người thực dân Nhật ở Trung Hoa. Tôi sinh ra ở Harbin. Khi chúng tôi rời Trung Hoa, tôi chỉ mới tám tuổi. Nhưng tôi nhớ rất rõ cuộc sống rất thực dân của cha tôi. Sau khi nước Nhật bại trận, chúng tôi trở về nước bằng tàu hỏa và thuyền. Tôi còn nhớ lúc quân đội Liên Xô chiếm đóng Harbin. Chúng tôi đã phải gấp rút tản cư khỏi thành phố. Mẹ tôi đã cải nam trang vì lo sợ. Chúng tôi đã bán sạch những gì chúng tôi có: tủ giường và quần áo. Trong cuộc tháo chạy, nhiều trẻ em Nhật bị bỏ lại tại chỗ. Ngày nay, những đứa mồ côi ấy đang tìm kiếm cha mẹ chúng ở Nhật. Thật may mắn, cha mẹ tôi đã mang tôi theo. Điều đó có thể cho tôi kinh nghiệm đầu tiên về các quan hệ của người Nhật với thế giới bên ngoài. Điều đó ghi dấu mãi trong tôi. Sau khi trở về Nhật, ở trường tiểu học, tôi đã biết đến sự kì thị bởi vì tôi là một người Nhật trở về từ nước ngoài. Để vượt qua được sự kì thị đó, tôi đã phải học hành cất lực.”
Keiichi Kamoshida là người ủng hộ nhiệt tình của Edith Cresson.
“Bà Cresson có lý. Có lẽ khoảng 70 %. Năm tới, khi sự việc diễn ra, bà sẽ có lý 80 %. Quan điểm của tôi về Nhật không hề thay đổi kể từ khi tôi rời nước này cách đây hơn 10 năm. Tôi được cử đi công tác ở Le Caire. Chính sự giao tiếp với người nước ngoài đã làm cho tôi mở mắt ra. Họ đã nói rất thẳng thắn với tôi về các vấn đề liên quan đến thái độ của Nhật trên thế giới. Nhiều người đã nói với tôi rằng họ không thể nào chấp nhận nước Nhật được. ‘Chúng tôi không thể chấp nhận các phương pháp của Nhật. Người Nhật các ông rất mạnh trên lĩnh vực công nghệ. Nhưng các ông cần tỏ ra khiêm tốn và hãy cảnh giác về sự xâm lược kinh tế.’ Tôi nghe những điều đó lần đầu tiên vào năm 1976 ở Le Caire. Và tôi đồng ý với những người đó. Trở về Nhật, tôi hòa nhập trở lại với cuộc sống ở Tokyo. Nhưng một cái gì đó khác lạ đã nảy sinh trong con người tôi. Có lẽ tôi thuộc về một thiểu số rất nhỏ ở Nhật. Nhưng quan điểm của tôi ngày càng tỏ ra chính xác. Và ngày nay, cả thế giới đều đặt vấn đề về vị trí của Nhật trong thế giới.”
Bởi vậy, cần phải làm gì để đảo lộn khuynh cô lập Nhật Bản? Keiichi Kamoshida không ngần ngại:
“Chúng tôi phải chọn một đường lối hòa hoãn hơn, khoan dung hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng đã quá trễ. Thực tế, tôi rất bi quan về tương lai của nước Nhật. Chúng tôi thiếu nhạy cảm trong các quan hệ quốc tế. Ví dụ gần nhất là gì nhỉ? Đó là trước những chuyển biến ở Đông Âu, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của chúng tôi chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền các thị trường mới ở đó. Ngu xuẩn làm sao! Một hành động khiêu khích mới đối với Châu Âu, Mỹ và Liên Xô. Cái đích của tất cả các nước này bây giờ là Nhật. Tôi không thích nói rằng lịch sử lập lại, song dường như là như vậy. Cứ thử nhìn thái độ của Nhật trước chiến trang thế giới lần thứ hai. Tình hình hiện nay cho thấy vài dấu hiệu tương tự. Chúng tôi cũng cũng đóng một vai trò tương tự. Và trong vài năm nữa, có thể rồi nước Nhật trở nên ngạo mạn hơn. Ngạo mạn đến mức không còn ai có thể chế ngự được nổi cơn điên loạn này nữa. Người Đức đã chứng tỏ sự thông minh hơn, bởi lẽ toàn thể Châu Âu đã tiến hành sự hợp nhất Đức. Tôi không thể thấy điều đó ở Châu Á. Tôi đồng ý rằng trong các năm sắp tới, chủ nghĩa dân tộc sẽ được phục hồi ở Nhật. Và bởi vậy, thời kì cô lập mạnh mẽ nhất sẽ đến. Và nhờ thế, vài nhà lãnh đạo mới của Nhật sẽ có thể đổ dầu vào lửa bằng cách kích động quần chúng. Không ai đi theo một nhà lãnh đạo như thế vào lúc này. Nhưng còn ngày mai? Và trong trường hợp đó, các quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, với Triều Tiên sẽ trở nên tế nhị hơn.”
Phải chăng người Nhật điên rồ đến nỗi không nhớ đến một quá khứ mới đây sao?
‘Tôi không nghĩ rằng một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi có thể phát triển trở lại ở Nhật. Nhưng một thứ chủ nghĩa dân tộc cởi mở hơn, là có cơ sở. Một chủ nghĩa dân tộc bao gồm cả Châu Á chẳng hạn. Nó gồm cả Trung Quốc, Triều Tiên, Đông Á và Nam Á. Sẽ không còn là chủ nghĩa dân tộc, nhưng là thứ chủ nghĩa khu vực. Mạnh về kinh tế, người Nhật đã trở nên đầy tham vọng. Mới đây thôi, đã đặt ra vấn đề hợp tác giữa quan đội Nhật và quân đội Thái Lan. Quả là điều đó không được cụ thể hóa. Nhưng 10 năm trước đây, bản thân ý tưởng đó bị xem là kì cục. Khi không còn lực lượng quân sự Mỹ, quân đội Nhật tìm cách chứng tở khả năng của nó trong vùng. Nhiều giới ở Nhật đã trở nên rất hiếu chiến. Một số cũng rất thông minh. Họ chờ đợi môt biến chuyển quốc tế để khai thác có lợi cho họ. Sau chiến tranh thế giới lần thế giới, những tầng lớp người Nhật này đã bị đánh bại và nước Nhật đã phải nỗi lực để xây dựng lại nền kinh tế của mình.
Những giới này không thể nói được gì, bởi vì giờ đây thời điểm là của xuất khẩu và cải tiến công nghệ. Nhưng, bây giờ nước Nhật đã lấy lại được sự tự tin nơi mình. Chúng tôi có đồng yên rất mạnh. Chúng tôi có thể gây ảnh hưởng đến chính phủ Mỹ và Châu Âu. Sự tự tin này có thể dễ dàng chuyển thành sự ngạo mạn. Bởi vậy, những tầng lớp người Nhật này sắp ngóc đầu dậy. Họ đang phục hồi các lực lượng của họ. Tôi cảm thấy đã có hẳn một đại bản doanh gồm các cá nhân đã sẵn sàng để nắm quyền kiểm soát ở nước Nhật. Vì vậy, tôi rất lo ngại cho tương lai của chúng tôi.”
Keiichi Kamoshida quả quyết rằng không chỉ một mình ông nghĩ như vậy mà có cả những viên chức cao cấp ở Bộ ngoại giao. Ông nói tiếp:
“Để tránh thảm họa, các nhà lãnh đạo Nhật phải bắt đầu bằng việc yêu cầu các nhà doanh nghiệp ở nước ngoài trở về Nhật. Chúng tôi phải chấm dứt sự bành trướng này. Chúng tôi cũng phải giảm số lượng du khách Nhật. Thử nhìn xem: 10.000.000 người đi du lịch trong năm 1990! Việc người Nhật đi tham quan nước ngoài, tiêu tiền ở đó, xem ra có vẻ là tốt. Song trước hết, chúng tôi cần họ yêu mến chính đất nước mình. Những người Nhật này gây phiền hà cho người dân địa phương. Kế đến, họ tiêu xài, mua sắm như điên cuồng! Họ phá hủy truyền thống của dân tộc này. Đây là vấn đề văn hóa, một phẩm giá của những người đàn ông và những người đàn bà nước ngoài và về phẩm giá của những người Nhật này.”
Keiichi Kamoshida giải thích thêm:
“Khi tôi rời Paris cùng với gia đình để trở về Nhật vào tháng 10/1989, tôi đã để đứa con thứ hai của tôi ở lại đó. Nó đã hai mươi tuổi và nay đang học đại học. Lúc tôi gặp nó, chúng tôi trao đổi về nước Nhật và nước Pháp. Cách đó không lâu, nó trở về Nhật trong một tháng. Nước Nhật, đó là Tổ quốc của nó. Nó phải trở về vì là một sinh viên Nhật. Trong thời gian ở Tokyo, nó đã quan sát khắp nơi, nó đến các siêu thị, nó gặp bạn bè, nó đi nhảy ở các vũ trường, đi xem phim… Nhưng, sau thời gian nghỉ hè, nó đến gặp tôi và nói riêng với tôi rằng: ‘Thưa ba, con sẽ không bao giờ yêu mến nước Nhật.’ Nó đã ra đi và quyết định sống ở Pháp.”
Hidetada Maezawa: tiến đến một chế độ thực dân về kinh tế?
Là người viết xã luận của báo Nihon Keizai Shimbun (Nikkei), Hidetada Maezawa nhở người và nóng nẩy. Cựu đặc phái viên của Nikkei tại Paris, ông chọn tiếng Pháp để nói chuyện, mặc dù ông không hoàn toàn làm chủ được ngôn ngữ này. Ông cũng cho rằng bà Cresson có lý và cảnh giác Châu Âu trước một sự cạnh trang của Nhật có thể sớm muộn gì cũng đè bẹp Châu Âu.
Tờ báo của ông là một người khổng lồ của giới báo chí Nhật. Báo Nikkei phát hành mỗi sáng hơn 2,9 triệu bản, đứng hàng đầu trên thế giới. Độc giả của nó ở Nhật là giới chóp bu trong chính phủ, giới doanh nghiệp, công nghiệp, tài chính, chứng khoán, thương mại. Ngoài nước Nhật, nó được ấn hành cùng lúc ở New York, Los Angeles và Singapour. Báo Nikkei cũng ấn hành một nhật báo kinh tế bằng tiếng Anh, tờ Japan Economic Journal, được in cùng lúc ở Nhật, Châu Âu và ở Mỹ. Là một tờ báo giàu sụ, Nikkei có một tòa nhà chọc trời đồ sộ ở Otemachi. Trên mặt tiền tòa nhà, một đồng hồ điện tử hàng ngày thông báo thời giá thị trường chứng khoán Tokyo. Báo Nikkei sử dụng các kĩ thuật tin học tiến bộ nhất để thông tin và ấn loát. Báo Nikkei cũng là một trong những cơ sở dữ liệu kinh tế và tài chính của hơn 5 triệu sản phẩm vào một thời điểm cụ thể nhờ một trung tâm tin học. 42.000 trung tâm như thế được nối với Nikkei, hoạt động ở hàng trăm thành phố khắp thế giới.
Hidetada Maezawa nói gì?
“Tôi tin rằng những gì bà Cresson nói là đúng. Nhưng rất nhiều các xí nghiệp Nhật hiểu rất rõ những gì bà tìm kiếm. Đó là một loại thủ đoạn. Bởi vậy tôi tin chắc rằng việc đầu tư ở Châu Âu. Mặt khác, các nhà lãnh đạo khác của Pháp lại có một quan điểm khác. Nhưng bà ta có lý ở chỗ nào? Cho đến nay, người Nhật đã xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường Châu Âu. Họ đã tiêu diệt nhiều xí nghiệp hàng đầu của Châu Âu. Chẳng hạn như trong lĩnh vực máy ảnh. Tôi cũng hiểu rất rõ điều ông M. Calvet nói. Ông lo ngại rằng người Nhật triệt hạ ngành công nghiệp xe hơi của Châu Âu. Những điều lo ngại đó thật tự nhiên. Ông cho rằng ngành công nghiệp xe hơi Châu Âu không thể đứng vững trước cuộc cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản. Bởi vậy, cần phải có một thời gian để khắc phục sự chậm trễ về mặt kĩ thuật và công nghiệp.”
Nước Nhật có ý định chinh phục thế giới không?
“Về phương diện công nghệ, công nghiệp và tài chính thì có thể. Nhất là Châu Âu. Còn về ngành công nghiệp xe hơi, tôi cũng tin là có thể. Nhiều ông chủ ngành xe hơi Nhật Bản nghĩ rằng sớm muộn gì các nhãn hiệu xe hơi Châu Âu nổi tiếng cũng sẽ biến mất. Họ chỉ nói riêng với nhau. Tôi đã nghe những phát biểu đó. Trong 10 năm tới, tôi nghĩ rằng chỉ còn các nhãn hiệu này tại Châu Âu, đó là Fiat, Volkswagen, Toyota, Nissan và Honda. Mercedès cũng còn để đáp ứng loại thị hiếu cao cấp. Và cũng có thể còn Volvo. Đối với Peugeot và Renault, thật khó tồn tại nổi. Hai hãng này không đủ sức cạnh trang.”
Hidetada Maezawa tỏ ra ân hận vì cuộc “chìm tàu” của các hãng này do nền công nghiệp của các nước mình gây ra:
“Tôi nghĩ là các nhà sản xuất xe hơi Nhật cần để cho các nhà sản xuất Châu Âu có thời gian để có thể kịp thích ứng.”
Nhưng họ có làm điều đó không? Câu trả lời xem ra là không.
“Ông biết không, họ chỉ luôn nghĩ đến tiền, đến quyền lực, đến phần thị trường được chia. Nhưng cũng nên nói rõ đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Đó là quy luật của kinh doanh và sản xuất.”
Hidetada Maezawa không hề nghĩ rằng đầu tư của Nhật ở nước Anh mang hình thái một sự thực dân hóa về kinh tế. Song ông nhấn mạnh rằng chính nước Anh đã quyết định bỏ mặc cho Nhật một số lĩnh vực công nghiệp then chốt. Bản thân ông ta, nếu là một người có trách nhiệm quyết định nền kinh tế Pháp, chắc ông sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ nền kinh tế đất nước trước sức tiến công của Nhật.
Những lời chỉ trích Nhật liệu có ích gì?
“Tôi tin rằng nhiều người Nhật đang suy nghĩ về những điều bà Cresson nói. Họ sẽ rút ra kết luận là cần chú ý đến các lời chỉ trích này sửa đổi chính sách đầu tư của Nhật ở Châu Âu. Sony và nhiều xí nghiệp Nhật khác đang suy nghĩ về những gì họ sắp tiến hành ở Châu Âu. Như ông biết, họ muốn thích nghi với Châu Âu. Họ cố gắng hiểu nền văn hóa Châu Âu để thích nghi tốt hơn với Châu Âu tương lai và nhờ đấy trở thành những người bạn đồng hành thực sự với người Châu Âu. Dù sao, đối với Nhật, giữ một sự hợp tác tốt với các người bạn Châu Âu và Mỹ là điều cần thiết. Dù sao, nước Nhật không thể ăn một mình được.”
Song trước viễn ảnh của thị trường thống nhất Châu Âu vào năm 1992, phải chăng sự lo sợ đang bao trùm trên các “bột tham mưu” của nền công nghiệp Nhật Bản?
“Vâng, đó là lý do vì sao các xí nghiệp Nhật Bản đang vội vã đầu tư vào Châu Âu trước khi cánh cửa đóng lại vào năm 1992.”
Dầu sao, qua ý kiến của Hidetada Maezawa thì nước Nhật không lao vào một cuộc chiến tranh kinh tế với phần còn lại của thế giới. Ai nói ngược lại là không đúng bởi vì nước ông chỉ sử dụng các quy luật chơi của chủ nghĩa tư bản mà thôi. Không hề có những cuộc gặp gỡ bí mật giữa các ông chủ hàng đầu của Nhật để cùng nhau phân chia thế giới.
“Điều mà ông nêu lên là chuyện do người Châu Âu nghĩ ra. Tôi nghĩ rằng người Nhật ưu thích thị trường tự do hơn. Họ không hề biết đến khái niệm này. Mỗi xí nghiệp đeo đuổi một đường lối riêng của nó. Cũng không hề có sự nhất trí của các tập đoàn công nghiệp. Trái lại, đang diễn ra một sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các xí nghiệp. Làm sao các xí nghiệp này có thể nói đến một sự phân chia? Chúng tôi có những tổ chức của giới chủ nhân như Keidanren. Song, nói đúng ra, khi các ông chủ gặp nhau, họ không hề nói nhiều, có chăng là tranh luận với nhau về những vấn đề văn hóa hoặc xã hội.”
Nói chung, đối với Hidetada Maezawa, điều quan trọng nhất đối với nước Nhật là học cách hiểu thế giới chung quanh.
“Nước Nhật phải tôn trọng những khác biệt. Cho đến nay, người Nhật đã nghĩ rằng ở khắc nơi đều cùng sử dụng những tiêu chuẩn như nhau. Thế mà, rõ ràng có những khác biệt tồn tại giữa người Châu Âu và người Nhật. Cái não trạng đã thay đổi rồi. Người ta bắt đầu thấy ra điều này. Song cần phải có thời gian. Khi tôi viết về những vấn đề này trên tờ báo của tôi, tôi nhận được nhiều cú điện thoại của nhiều người gọi đến cảm ơn tôi. Thỉnh thoảng, cũng có những ông chủ muốn gặp tôi để tham khảo ý kiến của tôi. Song, trong thâm tâm người Châu Âu các ông cũng đang nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng ít có người Châu Âu nào đã cất công tìm hiểu nước Nhật. Đối với các ông, đây chỉ là một đất nước quá xa xôi và quá khó hiểu. Nước Pháp có nhiều bạn bè ở Châu Âu, phải không? Tiếc thay là nước Nhật lại có quá ít.”
Để kết thúc, tôi hỏi Hidetada Maezawa liệu theo ông có thể một ngày nào đó, nếu như đất nước Mặt trời mọc tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của mình, thì thế giới có phân chia thành hai vùng không? Một vùng là nước Nhật giữ vai trò bộ óc và một vùng là phần còn lại của hành tinh đóng vai trò các bắp thịt. Nước Nhật sẽ xây dựng nhà máy của mình ở khắp nơi và sản xuất theo lệnh của Tokyo. Câu trả lời của ông thật đáng ngạc nhiên:
“Tôi hiểu rất rõ câu hỏi của ông, song tôi không hề nghĩ đến điều này…”
Hết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.