Nước Nhật mua cả thế giới
II – Phần 2
Người Nhật cũng có cuốn sách Mein Kampf của họ[88]
[88] Mein Kampf (Đời chiến đấu của tôi): tập sách của nhà độc tài Adolf Hitler xuất bản năm 1925 nói về những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa dân xã, chủ nghĩa phát xít.
Nếu như châu Âu đã thỏa thuận được với nhau rồi thì tại sao lại còn có quá nhiều thái độ dè dặt đối với chính phủ Nhật Bản? Tại sao lại im hơi lặng tiếng như vậy? “Đó là điều tôi không sao hiểu nổi. Tại sao người ta không nói ra điều đó? Tôi không có câu trả lời. Có phải là một thứ lịch sự không đúng lúc không? Bà Cresson đề cập đến một tác phẩm của ông chủ hãng Sony. Akio Morita, và của nghị sĩ cánh hữu, Shintaro Ishihata, Nước Nhật có thể nói ‘không’. Cuốn sách đó kêu gọi nước Nhật trở nên hùng mạnh để cuối cùng trả lời “không” trước các yêu sách của nước Mỹ, ông ta đề cập đến siêu đẳng về chủng tộc của người Nhật. Edith Cresson nói tiếp:
“Rốt cuộc thì người Nhật cũng viết cuốn ‘Mein Kampf’ của họ, nước Nhật có thể nói ‘không’, điều đó giống hệt như cuốn Mein Kampf thật. Cuốn sách ấy đã mô tả tất cả những gì sẽ xảy ra. Hồi đó cuốn Mein Kampf còn được dịch ra tiếng Pháp. Người Pháp nào không muốn đọc nó thì không cần đọc. Ông thấy đấy, khi người ta không muốn nhìn thấy điều gì thì người ta không cần nhìn nó. Cuốn Mein Kampf không được dịch ra một cách chính thức. Nhưng cuối cùng những bản dịch lén lút vẫn xuất hiện, những người ‘thạo tin’ sẽ có sách đọc.”
Để ngăn chặn những quyết định bất lợi cho họ, hoặc để sửa lại những quyết định một khi đã được ký, người Nhật quả là những nhà vô địch trong thủ đoạn vận động giới lãnh đạo Mỹ.
“Những người ở chỗ chúng tôi gọi là ‘thạo tin’, thì có tất cả các văn bản mà đại diện thương mại của chúng tôi ở Washington gởi về – chẳng hạn như tài liệu về hoạt động hành lang của người Nhật. Họ biết rõ cách thức mà người Nhật đã tiến hành để ‘mua’ người như thế nào. Thô thiển như là với một tấm séc. Nhưng cũng có những thủ đoạn tinh vi hơn. Một giáo sự đại học hào phóng nào đó thành lập một tổ chức. Rồi tổ chức này gặp khó khăn. Thế là, người ta trợ cấp cho nó v.v… Tất cả điều đó được giải thích rất hợp tình hợp lý. Khắp nơi đều như thế cả, chúng tôi quá biết rõ.”
Bà Bộ trưởng phản ứng công khai chống lại người đồng sự của bà thời đó là ông Roger Fauroux, Bộ trưởng Bộ công nghiệp. Đối với ông ta, nếu công nghiệp xe hơi Pháp không đương cự được với công nghiệp Nhật Bản thì đó là vì xe Nhật tốt hơn xe Pháp.
“Khi tôi nghe ai đó trong giới chức trách của nước Pháp nói: ‘Đó là lỗi của chúng ta, vấn đề là phải làm tốt hơn’, thì tôi cho rằng nói như thế chưa đủ. Không phải là hoàn toàn sai. Đúng là chúng ta phải làm tốt hơn. Nhưng ở Pháp và ở châu Âu, việc phân tích cặn kẽ chiến lược của Nhật Bản mới chỉ được tiến hành trong một phạm vi rất hạn hẹp.”
Điều đó có nghĩa là ông Fauroux không hiểu gì về ý đồ thực sự của người Nhật?
“Đúng vậy! Ông ta tỏ rõ điều ấy mỗi ngày. Đặc biệt là trong vấn đề xe hơi giữa Pháp và Nhật Bản. Ông có biết là hãng Mazda đã sử dụng điều ông ấy nói trong quảng cáo của họ như thế nào không? Ai đã báo cho tôi biết điều đó? Chị bạn tôi là bà Anne Marie Lizin, người Bỉ, Bộ trưởng châu Âu 1992, chị gởi cho tôi mẫu quảng cáo của hãng Mazda. Điều đó có nghĩa là ở cộng đồng châu Âu, trong đó có nước Bỉ, là nước không sản xuất xe hơi – đã tỏ rõ thái độ phản đối trước cái quan điểm vừa ngây thơ vừa rất vô trách nhiệm như vậy.”
Đường lối chiến tranh, chiến lược chinh phục
Trước bao mức độ cảm nhận khác nhau ở châu Âu, liệu CEE có thể tiến hành một chiến lược chung không?
“Tất nhiên là được. Chúng tôi sẽ thỏa thuận được với nhau thôi. Trước hết là về vụ xe hơi. Một thỏa ước đang gút lại. Có một thiểu số chủ trương phong tỏa mạnh gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp cũng đã đứng về phía chúng tôi. Ngoài ra, một số nước có lập trường cực kì mềm dẻo, đó là Bỉ và Đan Mạch, nói chung là họ có xu hướng giống như Đức là giao cho cộng đồng châu Âu. Ông Andreissen, người đại diện đàm phán của châu Âu, sắp ký với Nhật Bản một thỏa ước hạn chế việc thành lập các xí nghiệp Nhật Bản ở châu Âu.”
Edith Cresson nói thêm:
“Nhưng trường hợp xe hơi là một trường hợp riêng. Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề Nhật Bản chỉ trên cơ sở vụ xe hơi. Người Nhật theo đuổi chiến lược chiến tranh và chinh phục. Họ có khả năng mua một phần thị trường bằng cách chịu thua lỗ trong một thời gian nào đó. Họ có khả năng tiến hành một chính sách tài chính, tiền tệ bằng cách hạ giá đồng yên và lại đẩy giá lên theo từng đợt tấn công liên tục. Bởi lẽ các nhà kinh doanh ngân hàng Pháp giải thích rất rõ cho chúng tôi: mỗi cuộc biến động của đồng yên đều diễn ra trước một đợt tấn công mới được tính toán kĩ lưỡng đối với tất cả các sản phẩm. Đó thực sự là một đường lối chiến tranh mà người ta buộc người dân Nhật phải chịu đựng bằng một mức sống như thời chiến. Dân tộc Nhật chấp nhận chiến lược chinh phục đó với một thái độ thụ động mà người phương Tây không thể hình dung nổi. Bởi vậy, chúng ta phải cư xử với họ theo cách của họ. Họ không như chúng ta. Họ có một triết lý sống khác chúng ta và chúng ta phải chú ý đến điều đó. Quả là ở Âu châu, vì ngây thơ, vì quyền lợi trước mắt mà một số người không nhận thức được điều đó. Nhưng tôi tin rằng một lần nữa sứ mệnh của một chính khách là phải nói ra điều đó.”
Tuy nhiên, người ta còn nhớ là vào những năm 60, đầu tư của Hoa Kỳ lúc đó cũng bị la ó. Một bộ phận dư luận đã lên án Hoa Kì và những công ty đa quốc gia hàng đầu là tiến hành chủ nghĩa thực dân mới về kinh tế. Tuy nhiên, cuối cùng, khi xem xét tình hình một vài năm sau đó, thì tư bản Hoa Kỳ lại đã có vai trò cứu tinh, vì nó thúc đẩy nền kinh tế Âu châu. Edith nhất trí nhận định này:
“Vâng, đúng là vậy. Trong những năm 60, bản thân tôi chưa hề chống lại đầu tư của Hoa Kỳ. Nhưng Mỹ và Nhật là chuyện không giống nhau. Người Mỹ có chiến lược của một tập đoàn công nghiệp mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường. Nhưng cái Targeting tức là xác định mục tiêu để tiêu diệt đối phương bằng cách chọn một khâu yếu, một mắt xích mỏng manh trong chuỗi xích, sau đó mở rộng và chuyển sang các mục tiêu khác, điều đó người Mỹ không làm. Họ không làm bởi vì điều đó không nằm trong nền văn hóa của họ. Đầu tư của Hoa Kỳ không gây ra vấn đề gì, thường họ hợp tác với hệ thống sản xuất tại chỗ. Nhưng khi tôi xem xét các thống kê về công nghiệp xe hơi Nhật ở Mỹ, tôi phát hiện thấy dưới hình thức gia công đặt hàng, các xí nghiệp Nhật Bản mua của các công ty Nhật Bản một tỷ trọng cực lớn hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, hoặc từ các công ty Nhật Bản tại chỗ. Điều đó có nghĩa là, kể cả dưới hình thức gia công đặt hàng, tức là một hình thức làm ăn bao quát nhất, người Nhật vẫn chỉ làm ăn giữa họ với nhau. Điều đó là rõ. Ở đây có một chiến lược không hề giống chút nào với chiến lược của người Mỹ.”
Nhật Bản, kích thích tố cứu nạn?
Nhật Bản có thể đóng vai trò một kích thích tố nhằm đánh thức một lục địa già nua đang ngủ yên trên những chiến tích huy hoàng của nó chăng? Edith đồng ý.
“Chắc chắn như vậy. Cuộc tiến công của Nhật Bản có thể và phải đóng vai trò kích thích tố. Nhưng, muốn cho vai trò đó có hiệu quả, thì châu Âu và trước hết là nước Pháp, phải được tổ chức lại. Việc tổ chức lại đó, tôi xin nói ra ngay là chưa diễn ra. Chừng nào nó còn chưa diễn ra thì mọi việc còn hỏng bét.”
Đúng là thảm kịch! Các chính phủ châu Âu lại chưa nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của tình thế.
“Trong dư luận đã nhận thức được rồi. Nhưng, như thói thường, dư luận ở Pháp lại nói: ‘Ồ, ta thua ở hệ PAL và hệ SECAM rồi thì lại cũng sắp thua trong lĩnh vực truyền hình có độ nét cao thôi.’ Cái lối nói liên tục như vậy chỉ có thể bị chặn lại khi chính phủ nhận thức được điều đó, nhưng hiện nay chưa có được điều đó, mặc dù tôi đã cố gắng hết sức. Chừng nào mà còn chưa có được sự nhận thức ở cấp nhà nước, thì theo tôi, là còn tai họa (…) Ở Pháp, chúng ta đang nằm trong một cơ chế mà trong đó bộ máy hành chính lãnh đạo, cả các bộ trưởng và ở đó người ta không nói thẳng sự việc. Bởi vì điều đó không tốt, bởi vì điều đó thiếu chính trị. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu có một cựu sinh viên trường hành chính nào đó nói công khai một điều có thể gây khó chịu, hoặc chỉ đơn giản là gây hoài nghi.”
Khi được hỏi, người Nhật thường trả lời rằng chính sách bảo hộ mậu dịch của châu Âu là vũ khí của kẻ yếu. Bà Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến này?
“Quả đúng vậy. Tuyệt đối đúng. Chính sách bảo hộ mậu dịch là vũ khí của kẻ yếu. Và tôi xin nói thêm: đó chỉ có thể là tạm thời. Nhưng nếu chúng ta ở vào thế yếu so với người Nhật thì:
– Một là, bởi vì người Nhật có một hệ thống chính trị, một nền văn hóa khác hẳn chúng ta. Chúng ta ở trong thế yếu, là bởi vì chúng ta không vận động theo cách như họ. Từ nhiều thập kỷ nay, chúng ta không chuẩn bị điều kiện cho việc đọ sức với một hệ thống khác hẳn.
– Hai là, bởi vì cũng giống như hệ thống chính trị của chúng ta, chính phủ chúng ta, ‘giới tri thức ưu tú của chúng ta’ còn chưa nhận thức được mối hiểm họa, để từ đó tự tổ chức lại.
Chúng ta yếu kém tới hai lần. Ông thấy đấy chẳng vui thú gì khi phải đi giải thích cho người Đức tại bàn hội nghị ở Bỉ rằng chúng ta còn phải mất nhiều năm nữa. Trong khoảng thời gian đó, tôi biết người Đức họ nghĩ gì. Điều đó chẳng làm tôi thích thú gì. Tôi muốn có thể tuyên bố như ông Helmut Haussman (Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức): ‘Chúng tôi không sợ bất cứ ai.’ Ngay cả khi theo ý tôi ông ta sai lầm, kể cả trong bảo vệ quyền lợi của chính người Đức.”
Nước Anh, thuộc địa của Nhật Bản ở châu Âu.
Khi đề cập đến trường hợp nước Anh, Edith Cresson trở nên gay gắt. Liệu có thể nói đến một sự khởi đầu của chủ nghĩa thực dân về kinh tế của Nhật Bản? “Vâng, đúng vậy.” Tôi có thể viết thêm điều đó trong tập sách chứ?
“Được chứ! Cứ nói: họ coi chúng ta là những con chó xù! Ông cứ nói thẳng như vậy. Đó là khởi đầu của chủ nghĩa thực dân về kinh tế, và bởi vậy cũng là chủ nghĩa thực dân về chính trị. Hai tính chất ấy không bao giờ tách biệt. Sức mạnh kinh tế đi đôi với sức mạnh chính trị. Ngoài ra, tôi chờ đợi ngày người Nhật giữ vị trí siêu cường thứ nhất, kể cả họ không mong muốn điều đó, bất kể sự nghèo khổ của những nước thế giới thứ ba. Song, đơn giản là họ sẽ được đưa đến đó. Trong cuộc chạy đua vào vũ trụ, họ cũng sẽ có mặt. Hãy xem. thỏa ước giữa Mitsubishi và Daimler; Daimler ra vẻ như ông thánh, song lại chỉ chờ chực để la tướng lên mình là một người khổng lồ ở châu Âu. Tốt thôi, nhưng, như người ta thường nói, đó là những cái đáng ‘đặt vấn đề’ với chúng ta (Bà Edith Cresson phá lên cười). Đúng. Tôi nghĩ rằng, đối với những chuyện như vậy, có những nỗi kinh sợ dưới dạng tiềm ẩn và cần phải cố lý giải chúng. Chúng ta cần phải có con mắt tinh tường hơn, và thường phải tự hỏi: ‘Người ta đang làm gì?’ Chúng ta cần xây dựng cả một hệ thống đáp trả lại. Ta có đủ thông minh và tiền bạc đề làm điều đó.”
Chủ nghĩa thực dân cực đoan.
Khi quan sát nước Nhật, người ta đều quả quyết rằng nước Nhật không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi. Tôi lưu ý bà Bộ trưởng rằng những nhận xét đó là sai lạc và sẽ thiệt cho kẻ nào nhục mạ nước Nhật. Bởi vì nước Nhật thích nghi rất giỏi với những chuyến biến của thế giới. Và hơn nữa, đây là một trong những sức mạnh hàng đầu của Nhật Bản. Liệu Nhật Bản có thể thích nghi với một hệ thống tự do-mậu dịch hay không? Liệu đó có thể là một trong những vấn đề lớn của tương lai không? Edith Cresson vặn hỏi lại:
“Khi nào hệ thống phi mậu dịch-tự do còn là một bộ phận gắn bó thiết thân với bản chất của Nhật Bản, thì tôi tin rằng họ có thể thay đổi trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, Nhật Bản thay đổi dần dần theo đà người Nhật đi ra nước ngoài và mọi người sống khác đi. Chúng ta thấy rõ là điều đó làm họ thèm thuồng. Phụ nữ sau khi tốt nghiệp đại học, không còn muốn trở thành những thứ trang điểm ở bàn giấy, mà muốn tiến tới nhận những trọng trách. Nhiều người trước đây sống khác, giờ cũng đang ước vọng một điều mới mẻ. Có thể xã hội sẽ đổi thay. Nhưng còn hệ thống bảo hộ mậu dịch của Nhật Bản vốn đã bắt rễ sâu, thì quả là tôi rất ngạc nhiên nếu như nó thay đổi. Hơn nữa, họ đã tích tụ được một ưu thế nhờ chính sách bảo hộ mậu dịch, đến mức họ có thể bề ngoài làm ra vẻ ít ‘bảo hộ’ hơn trên một số mặt hàng được chọn lựa ký, như là mặt hàng cao cấp, hàng sang trọng. Và họ có thể tiếp tục hoạt động nhằm mục tiêu vĩ đại của họ mà có lần họ đã giải thích cho một trong số cộng tác viên của tôi, là xây dựng những xí nghiệp hoàn toàn tự động hóa không có công nhân, cắm ở khắp thế giới và điều khiển từ xa, từ nước Nhật. Đó là chủ nghĩa thực dân cực đoan! Điều đó quả chưa ai hình dung nổi, ngay cả trong những tiểu thuyết viễn tưởng loại Le Meilleur des mondes.”[89]
[89] Le Meilleur des mondes, tiểu thuyết viễn tưởng của nhà văn A. Huxley (1932).
Tuy nhiên, người Nhật hầu như đều đồng một giọng điệu rằng họ không có khả năng thống trị thế giới. Thời đại “bá quyền” đã qua rồi. Thay vào đó là thời đại của sự tương thuộc. Bà Bộ trưởng không chút ngập ngừng đáp lời:
“Đúng, nhưng trong sự tương thuộc, bao giờ cũng có một kẻ lệ thuộc nhiều hơn vào kẻ kia. Chắc chắn là người Nhật không thống trị hoàn toàn thế giới trên mọi lĩnh vực. Điều đó là tất nhiên. Đơn giản là vì họ không cần có mặt ở khắp nơi. Họ thống trị trên những lĩnh vực then chốt. Đứng ở đầu nguồn, họ bán những hợp chất cần cho công nghiệp theo lối nhỏ giọt, tùy thích. Họ thống trị bằng cách như vậy đấy. Họ thực hiện một vài cử chỉ tượng trưng như mua trung tâm Rockefeller hay tranh của Van Gogh. Họ có quá nhiều tiền để làm lóa mắt thiên hạ, họ khéo rót tiền vào những nước nghèo và những nước có thể đột nhiên trở thành những điểm nóng đối đầu cho họ. Ai nói rằng ngày nào đó, như họ đã viết trong cuốn sách Nước Nhật có thể nói ‘không’, họ không nắm lấy nguồn tài nguyên của Sibérie? Trong tình hình Liên Xô và Sibérie hiện nay, đó phải chăng là tưởng tượng ra?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.