Nước Nhật mua cả thế giới
II – Phần 3
Châu Âu phải bảo vệ các giá trị của mình
Ngoài việc bảo vệ nền kinh tế của từng nước hay cả châu Âu, vấn đề căn bản phải chăng là bảo vệ lối sống và những giá trị tinh thần?
“Chúng ta đấu tranh không chỉ để bảo vệ các xí nghiệp. Đấu tranh là để bảo vệ lối sống và những giá trị tinh thần. Bảo vệ xã hội là không để xảy ra những trường hợp tự tử chỉ vì có một điểm xấu ở trường học, là nỗ lực đạt đến sự công bằng hơn, tất cả những gì đeo đuổi, chính là bảo vệ nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta không muốn người ta đưa các cụ già của chúng ta đến một nơi cách xa 22.000 cây số, chết ở đó không người thân, không có gì hết, bao quanh chỉ toàn hàng hóa Nhật.”
Bà Edith Cresson lại cười vang trong phòng. Cái dự án đưa người già đến nơi “lầu son gác tía” để an dưỡng cuối đời tận bên kia góc trời nhằm tiết kiệm của người Nhật, đã khơi lên ở bà một sự công phẫn sâu sắc.
“Thật là ghê tởm! Hoàn toàn vô nhân đạo! Châu Âu không thể làm thế. Nước Pháp không thể làm thế. Đó là cái đáng nôn mửa! Không chỉ bác bỏ mà là nôn mửa!”
Dẫu sao, nước Nhật cũng có cái gì hấp dẫn chứ, thưa bà Bộ trưởng?
“Nghệ thuật. Tất nhiên có một số họa sĩ, một số nhà trí thức. Cả điện ảnh nữa. Đó là những con người biết đặt ra những vấn đề nghiêm chỉnh. Tôi tin rằng ở Nhật Bản có nhiều người đã đặt vấn đề về tương lai của một dân tộc, một dân tộc mà người ta đã nhồi nặn thành một thứ tổ mối và mù quáng khi muốn nuốt chửng cả thế giới. Vì lẽ gì? Tôi thấy điều đó gây nguy hiểm cho thế cân bằng của thế giới. Người Nhật phải tự hỏi. Chính họ chẳng đã có lần phải chịu đau khổ vì chính cái chủ nghĩa cực đoan của họ đó sao? Không thể để người Nhật đau khổ thêm một lần nữa. Bởi vì chắc chắn thế giới không để bị người Nhật thống trị, nô dịch. Chắc chắn là không. Tôi tin chắc như vậy. Đơn giản là vì nếu có xung đột thì điều đó sẽ thật tệ hại, tệ hại riêng cho người Nhật. Tôi tin nhiều người Nhật, giới trí thức Nhật đã bắt đầu tự đặt ra vấn đề đó.”
Edith Cresson hơi nổi giận, vì bà vừa nhớ lại một vụ tình báo công nghiệp từng gây phẫn nộ:
“Thật không thể tha thứ được. Lúc tôi bàn về dược phẩm với những nhà công nghiệp Thụy Sĩ, họ vốn không phải là những người táo bạo, cũng không phải là hạng quá khích, họ nói với tôi rằng khi một nhà nghiên cứu châu Âu làm việc cho viện Hoffman-Laroche, hay một viện bào chế nào đó có một phát minh mới, thì ông ta liền cho công bố bằng tiếng Anh trên các tạp chí quốc tế. Người Nhật không để mất một phút. Họ vồ lấy phát minh đó. Tất nhiên, họ không có quyền sử dụng nó trong công nghiệp. Phát minh được công pháp quốc tế bảo vệ. Nhưng họ đưa nó trở lại phòng thí nghiệm, rồi từ đó họ hoàn thiện và tìm cách kinh doanh nó. Không phải là tôi bịa ra điều đó! Để xác minh điều này cũng rất khó, vì chuyện ấy diễn ra trong phòng thí nghiệm. Chính người Thụy Sĩ nói: ‘Chúng tôi không có khả năng tự bảo vệ để chống lại hành động kẻ cướp như vậy. Chúng tôi trả thù lao cho người của chúng tôi khá tốt và họ rất vui lòng. Nếu có cách tự bảo vệ được thì những người ăn lương Thụy Sĩ sẽ hạnh phúc hơn.’
Về vấn đề này, bà Bộ trưởng có lý. Bản thân tôi đã tìm được bản thông báo ngày 16/8/1990 về vụ án hình sự của Thụy Sĩ đối với hai người Thụy Sĩ, gồm một nhà hóa học và một cố vấn thương mại bị tình nghi đã bán cho các nhà công nghiệp Nhật Bản những thông tin kinh tế, trong đó có các phương pháp công nghệ, đáng giá nhiều triệu quan Thụy Sĩ. Gần đây lại có một hồ sơ khác: Một kĩ sư ở Los Angesles bị bắt và đã bán cho hãng Mitsubishi, Nissan và Toshiba những bí mật quân sự và công nghiệp của Hoa Kì (90). Có vô số những ví dụ về tình báo công nghiệp nhằm phục vụ cho quyền lợi của Nhật Bản.”
[90] Vụ việc này đã được đưa ra công khai vào tháng 11/1990. Nó liên quan đến những bí mật của chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” của Mỹ. Người kĩ sư Mỹ đã đưa cho người Nhật những thông số quan trọng về kĩ thuật phóng tên lửa.
Bà Cresson tiếp:
“Thụy Sĩ là một nước nhỏ, nhưng có vị trí trong trường quốc tế nhờ chất lượng sản phẩm tuyệt vời của họ. Người ta đã giết chúng tôi khi giết mặt hàng đồng hồ Thụy Sĩ. Họ giết chúng ta. Tôi cố ý không muốn nêu ví dụ về nước Pháp. Nước Nhật đang giết và đang có giết nền công nghiệp dược phẩm của chúng ta. Vốn đầu tư của chúng ta vào ngành đó cuối cùng sẽ mất hết. Mọi nỗ lực sẽ tiêu ma. Tôi cho đó là lường gạt. Ở châu Âu, những người vô trách nhiệm lại nói ‘Nói thế là quá đáng. Không nên nói như thế.’ Phần tôi, tôi cho rằng những người đó không am hiểu vấn đề gì cả.”
Năm 1945, người Mỹ đã phạm sai lầm
Có thể rút ra kết luận gì từ sự tiến công của người Nhật?
“Tôi cho rằng người Nhật phải dè chừng đấy. Tôi nghĩ rằng có điều gì đó trong nền văn hóa Nhật Bản mà ta phải xem chừng. Ngược lại với người Đức (tôi không nói là vấn đề nước Đức đã được giải quyết), người Nhật không bao giờ tự xét lại mình. Sau chiến tranh chỉ vì có quả bom nguyên tử ấy, người Mỹ theo tôi đã sai lầm và họ cảm thấy có tội. Tại sao? Nói cho cùng quả bom nguyên tử cũng không đến nỗi tệ hại như những cuộc ném bom thành phố Dresde. Tôi nói người Mỹ đã lầm và đã thấy mình có tội. Họ đã bố trí ở Nhật Bản ông Mac Arthur tốt bụng, có đủ các đức tính, trừ một bản lĩnh chính trị, trong đầu ông ta lúc đó chỉ có một ý nghĩ: phục hồi nước Nhật! Nhất thiết phải giúp đỡ các dân tộc đang ở trong một tình trạng bi thảm. Nhưng cả trên bình diện tâm lý và đạo đức, tôi nghĩ người Mỹ phải tự hỏi về những điều họ đã làm. Phải có trách nhiệm. Tại sao và bằng cách nào đã để xảy ra bao nhiêu lỗi lầm như vậy? Thế là, cái tang đó vẫn chưa chấm dứt.”
Bà Bộ trưởng nói thêm:
“Trên bình diện tâm lý, tôi nghĩ rằng hôm nay chúng ta phải trả giá cho đường lối chính trị của Mac Arthur, là đã vực dậy nước Nhật từ trong hố thẳm hoang tàn, tất nhiên là để chống lại người Nga và Bắc Triều Tiên, bởi lúc đó là thời kì chiến tranh lạnh. Về chiến tranh lạnh, vấn đề trách nhiệm thuộc về ai thì hoàn toàn bị che lấp. Còn trách nhiệm của người Nhật thì không bao giờ họ đặt thành vấn đề, trừ một vài nhà trí thức. Không bao giờ người Nhật tự vấn về trách nhiệm khủng khiếp của họ trong chiến tranh, đối với phương thức họ tàn sát các dân tộc trong những điều kiện thật ghê tởm. Và vì lẽ đó, người Nhật lại tự coi mình là nạn nhân!”
Edith Cresson bỗng cười phá lên:
“Thói đời, bao giờ cũng có những kẻ tốt bụng lại đã tiếp sức truyền đi điều như thế trong các quốc gia ở châu Âu. Rốt cuộc, lại như thể chính những nạn nhân ấy, nhờ lao động của mình, đã tự giải thoát khỏi tình trạng khủng khiếp mà chúng ta dồn họ vào. Vậy thì phải chăng những nạn nhân này đương nhiên có quyền ngẩng cao đầu? Liệu đó có phải là nội dung cần nói? Đó là một nội dung mà từ cơ bản đã lệch lạc.”
Có một vấn đề cuối cùng mà tôi muốn đề cập với bà Bộ trưởng: sự tự mãn của nước Pháp trên thế giới, và, với những vinh quang đã có, nước Pháp thực ra đã bỏ quên châu Á và bây giờ nước Pháp phải trả giá.
“Quả đúng như vậy! Chính De Gaulle đã nói như thế về những nhà buôn bán linh kiện bán dẫn. Tôi muốn nói rằng, trong đường lối chính trị truyền thống của nước Pháp đang tồn tại một khuyết điểm nghiêm trọng kéo dài cho đến nay. Khuyết điểm đó cho rằng kinh tế đúng là rất quan trọng, nhưng truy cho cùng, mọi việc đều được giải quyết trong các hội nghị quốc tế lớn. Nước Pháp luôn đọc những bài diễn văn hùng hồn. Bởi vậy, người ta cho rằng sức nặng của nền ngoại giao và của những người nước Pháp như thế là đủ rồi.”
Nụ cười của bà Edith Cresson chuyển thành tiếng cười ngất. Bà trở thành chua chát:
“Tất cả là một trò tầm phào! Quả là mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Nhưng chỉ có người Pháp là chưa nhận ra điều đó mà thôi.”
Roger Fauroux: Không thể phân tâm dân tộc Nhật
Khi tôi xin được gặp Bộ trưởng Bộ công nghiệp thì Roger Fauroux, người chủ cũ của Saint-Gobain đồng ý tiếp tôi không mấy khó khăn. Cuộc nói chuyện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì ông và bà Edith Cresson có quan điểm khác hẳn nhau về nước Nhật, nếu không nói là hoàn toàn đối nghịch nhau. Là người thân cận của Thủ tướng Michel Rocard, Roger Fauroux ủng hộ việc đầu tư của Nhật Bản vào nước Pháp và để cho sản phẩm Nhật tự do cạnh tranh với sản phẩm của châu Âu, song tất nhiên là rất cần tránh những va chạm có hại cho những lĩnh vực dễ bị tổn thương. Ngày 10/1/1990, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu, cũng là lúc bà Edith Cresson tuyên bố Nhật Bản đã tiến hành cuộc chinh phục thế giới, thì Roger Fauroux lại quả quyết ngược lại rằng sở dĩ xe hơi Nhật Bản thâm nhập được vào các thị trường “là vì có lẽ xe hơi của chúng ta không tốt bằng”. Ông ta nói thêm “không thể trách người Nhật là giỏi hơn chúng ta. Xe hơi Pháp chưa sánh được bằng với xe hơi Nhật.” Chưa bao giờ trong nội bộ chính phủ Pháp lại biểu hiện rõ rệt quan điểm khác nhau về vấn đề Nhật Bản như vậy. Những lời tuyên bố như thế đã tác động đến giới chế tạo xe hơi Pháp? Một số vị lãnh đạo không giấu cảm nghĩ của họ: “Nếu như ông Bộ trưởng Bộ công nghiệp Pháp không muốn hạ uy tín xe hơi Pháp trước mặt người tiêu thụ, thì ông ta đã không làm như vậy.” Vài ngày sau, trả lời các nhà báo, Michel Ricard lúng túng nói: “Mỗi vị Bộ trưởng đều có lý của họ.”
Hôm tiếp tôi, Roger Fauroux vừa họp Hội đồng Bộ trưởng xong. Thoải mái và nhiệt tình, ông lưu ý tôi rằng vấn đề nước Nhật không phải là chuyên môn của ông. Ông không có nhiều thì giờ, và tôi đề cập ngay đến vấn đề nóng bỏng: theo ý ông, liệu sau khi đã xua tan sự bại trận về quân sự, nước Nhật lại đang tìm cách phản kích về mặt kinh tế? Ông trả lời ngay:
“Không! Điều đó thật vô lý. Xin lỗi, nhưng tôi cho cách hiểu như vậy là kì cục. Sự việc không phải như vậy. Đánh giá như vậy là muốn nhân cách hóa nước Nhật. Vả lại ‘nước Nhật’ đâu phải là “ông Nhật”. Con người đó không tồn tại. Kiểu nói kích động ấy đã xưa như trái đất. Thật ra, những ‘ông’ Nhật già bị thua trận năm 1945 không hề có ý tưởng đó, họ chỉ nghĩ thế này: ‘Ta sẽ chỉ ra cho người Mỹ khả năng ta có thể làm gì được.’ Điều đó thì tôi chấp nhận. Tuy nhiên, anh cần biết rằng một khi mà anh muốn làm một cuộc ‘phân tâm tập thể’ đối với một dân tộc, thì anh chỉ có thể nói những điều ngu xuẩn!”
Nước Nhật đã quên cuộc bại trận của mình
Ông Bộ trưởng nói tiếp:
“Tôi không hiểu nước Nhật. Nhưng nhiều người am hiểu đất nước này đã nói với tôi rằng sự thua trận đối với họ đã lùi vào quên lãng. Có một hiện tượng rất lạ: người Đức càng nói nhiều về chiến tranh bao nhiêu thì người Nhật càng ít nói hay không hề nói gì về chiến tranh. Làm như họ không bao giờ tiến hành chiến tranh. Những ông già Nhật bảy mươi tuổi ấy! Hồi đó họ ở đâu? Đó là thời kì họ đã vùi chôn. Những người am hiểu nước Nhật nói người Nhật oán trách quân đội và hệ thống quân sự, vì đã dẫn họ đến sự tủi nhục. Đúng, đó là một dân tộc hùng mạnh, thông minh, khéo léo. Không có nguyên liệu, thì nước Nhật thực hiện vai trò một dân tộc mạnh. Như người Đức. Cả người Pháp cũng đang muốn làm như vậy.”
Nhưng làm sao có thể tin người Nhật, khi trở thành những nhà tư bản kếch sù, họ lại không nghĩ đến một hình thức thống trị nào đó về kinh tế? Roger Fauroux đáp:
“Thống trị ư? Nói thế là quá đáng. Đó chỉ có nghĩa là họ tiến hành chính sách công nghiệp của nhà tư bản. Nước Nhật là một nước nghèo, rất nghèo. Một nước nhỏ, hẹp, không có tài nguyên, không có dầu hỏa. Người Nhật có sự nhạy cảm khác xa với phần còn lại của thế giới. Khác là vì từ lâu họ bị cô lập và vì ngôn ngữ của họ rất khó học. Không có một dân tộc nào như họ ở châu Á. Họ không hẳn là người châu Á mà họ là người Nhật. Từ đó, họ cố gắng thiết lập một đường lối về xã hội công nghiệp. Với tôi, tôi không hề nói ‘nước’ Nhật. ‘Nước’ Nhật không tồn tại. Đó là một xã hội công nghiệp phát sinh từ đường lối công nghiệp, có nghĩa là khuếch trương, là lợi nhuận tối đa, doanh số tối đa. Do đồng yên là đồng tiền rất mạnh, người Nhật hiểu rằng cách cửa thị trường thế giới đã đóng lại. Cho nên, họ đầu tư vào Pháp và ở các nơi khác. Điều này xưa cũ rồi còn gì. Các tập đoàn Pháp như Péchiney, Rhône-Poulenc cũng đã hành động tương tự, với những phương tiện thấp hơn khi đầu tư vào Mỹ. Đó là cách làm cổ điển. Duy chỉ có điều là toàn bộ những việc ấy đã làm tăng thêm sức mạnh của Nhật Bản. Quả là họ rất tốt. Và chẳng có gì khác.”
Hiện nay, phải chăng không nước nào trên thế giới có thể đơn độc đóng vai trò “bá chủ kinh tế?”
“Không. Nhưng như vậy có nghĩa là người Nhật có thể hủy hoại. Họ đang ở vào trường hợp như người Mỹ những năm 60 và 70 hoặc 75. Nghĩa là có thể hủy hoại. Từ ‘hủy hoại’ có vẻ quân sự. nhưng đó là những tình thế cực kì đau khổ cho nhiều người như chúng ta. Không thể có sự cạnh tranh cục bộ được. Đó không phải là những món ăn theo đơn đặt hàng. Anh chấp nhận cạnh tranh, và lúc đó anh phải tự vệ, nghĩa là phải làm tốt hơn.”
Nước Nhật sẽ làm châu Âu hồi sinh
Có một so sánh thú vị, vì nhiều người thích so sánh việc đầu tư của Nhật Bản bây giờ với việc đầu tư của Mỹ cách đây 20 năm. Cả Mỹ trước đây và Nhật Bản hiện nay đều làm dấy lên làn sóng phản đối ở châu Âu. Nhưng tư bản Mỹ lúc đó đã có vai trò sinh lợi. Nó đã hồi sinh nền công nghiệp châu Âu. Liệu Nhật Bản có thể có vai trò tương tự như vậy không?
“Có chứ, tất nhiên là có. Trừ trong một số ngành mà chúng ta thấy cần bảo vệ. Điều này rất rõ. Tôi lấy một ví dụ: Hôm qua tôi tiếp ông chủ tịch hãng Canon. Hãng Canon vừa xây dựng ở Pháp một xí nghiệp sử dụng 600 công nhân để sản xuất máy photocopie, máy Fax và các loại máy tương tự. Đó là ngành công nghiệp mà Pháp còn thiếu. Bởi vậy, người Nhật đến là rất hay. Nhất là hôm qua, ông chủ tịch Canon lại báo cho tôi biết ông sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu cho quy mô 100 người. Quan trọng lắm, 100 nhà nghiên cứu! Đó là một trung tâm lớn. Ông chủ tịch hãng Canon ấy có một chương trình rất đồng bộ. Có nghĩa là ông ta sẽ xây dựng xí nghiệp sản xuất sản phẩm ở Pháp và bán ở nước ngoài như lời ông hứa. Canon sẽ có ba trung tâm nghiên cứu trên thế giới: một ở Anh, một ở Mỹ và trung tâm thứ ba ở Pháp. Tôi thấy đây là điều tốt. Tôi nhiệt liệt khuyến khích ông ta, tôi nhờ ông chuyển đến đồng nghiệp của ông những điều mong muốn của chúng tôi. Nếu ông ấy đến nói với tôi rằng hãng Toyota muốn xây dựng một xí nghiệp sản xuất xe hơi ở Pháp, tôi cũng đồng ý cả hai tay. Đối với ngành công nghệ mà chúng ta không có hoặc đã mất, thì ta cần tăng cường. Nếu thuộc thẩm quyền của tôi thì tôi chấp thuận ngay. Ông nên hiểu rằng 100 cán bộ người Pháp làm việc theo phương pháp Nhật Bản và sẽ tiếp thu phương pháp đó thì không phải là chuyện nhỏ đâu. Rõ ràng là nếu như những người chủ Nhật Bản muốn cán bộ nghiên cứu mà họ sử dụng làm ăn có hiệu quả, thì họ không thể giấu được nền công nghệ của Nhật Bản. Đó, ta có 100 người Pháp sẽ thừa hưởng được nền công nghệ Nhật Bản trong một lĩnh vực mà chúng ta không biết, hoặc yếu kém. Điều đó rất có lợi. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thận trọng về những gì liên quan đến đầu tư của Nhật Bản. Nhưng, nói chung, đó là một cách để ‘bẫy’ người nước ngoài. Một khi người nước ngoài xây dựng một cơ sở ở đất anh, thì đương nhiên anh đã có cơ sở đó.”
Roger Fauroux nói về kinh nghiệm của mình:
“Hồi tôi làm chủ tịch Saint-Gobain, tôi đã xây dựng những xí nghiệp ở những nước mà chúng tôi có công nghệ đi trước họ một bước, như ở Brésil, Mexique, rải rác khắp thế giới. Chúng tôi làm việc với người Brésil và đem đến cho họ nền công nghệ tốt nhất của nước Pháp. Chúng ta đem đến cho họ không phải là những chiếc xe điện cổ lỗ của Toulouse, mà là cái tinh túy nhất của chúng ta. Có nghĩa là những kĩ sư người Brésil của xí nghiệp chúng ta đã tiếp thu trọn vẹn công nghệ của chúng ta. Brésil hâm mộ nền công nghệ Pháp. Không phải chúng tôi có đầu óc thực dân, đế quốc, mà đó là người Brésil đã ‘bẫy’ chúng ta. Điều đó có ý nghĩa đối với tất cả các nước tương tự.”
Nhưng phải chăng người Pháp từ lâu đã quên lãng nước Nhật và Viễn Đông? – Ông bộ trưởng tán thành:
“Nhưng ông biết không, đâu phải dễ! Không phải chỉ mỗi mình chúng ta gặp khó khăn như vậy. Ông hãy thử đếm xem có bao nhiêu công ty châu Âu đặt được cơ sở ở Đông Nam Á. Không có bao nhiêu! Tuy nhiên, tại Nhật Bản, chúng ta đã tiến hành được nhiều bước quan trọng. Hãng IBM đã thành công lớn. Ngoài thắng lợi đó của người Mỹ, ông hãy xem một loạt thành đạt khác: Air Liquide đã có mặt khá lâu. Elf, Rhône-Poulenc và Sanofi cũng vậy. Sản phẩm Pháp có mặt ở thị trường Nhật Bản trên những lĩnh vực mà người Nhật còn yếu. Họ không giỏi lắm trên lĩnh vực dầu lửa. Lĩnh vực trực thăng cũng vậy. hãng Aerospatiale bán trực thăng cho họ. Có rất nhiều lĩnh vực mà người Nhật không giỏi: hơi lỏng, khí lỏng, hóa học. Hãy xem những ngành hóa học chính: những nhà hóa học giỏi đều là người châu Âu. Đặc biệt là người Đức, rồi đến người Pháp.”
Roger Fauroux chứng minh:
“Người Nhật không có dầu lửa, do đó họ không thể làm như chúng ta đã làm. Có nghĩa là không có dầu lửa thì họ không thể xây dựng những công ty dầu lửa như chúng ta. Về mặt này chúng ta mạnh hơn họ. Trong một số lĩnh vực khác cũng vậy, do những lý do quân sự mà đến nay họ không thể nghiên cứu. Ở lĩnh vực du hành vũ trụ và không gian, chúng ta đã thắng điểm. Chúng ta nào có yếu. Trong lĩnh vực mà tôi có biết đôi chút, như thủy tinh, chúng ta trao đổi kĩ thuật ngang cỡ với Nhật Bản, chẳng có chút mặc cảm nào. Trong lĩnh vực thủy tinh, Saint-Gobain không sợ gì người Nhật.”
Người ta nói người Nhật có kĩ thuật sản xuất khác chúng ta. Cả thói quen làm việc cũng khác. Từ lúc này, cuộc tranh luận vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế, chuyển sang vấn đề xã hội. Để cạnh tranh có hiệu quả với người Nhật, người Pháp có cần thay đổi phần nào xã hội của mình không? Roger Fauroux ngạc nhiên về câu hỏi, trả lời ngay:
“Không, chắc chắn là không. Trước hết, tôi không tin là sẽ phải đi đến mức đó. Trở thành Nhật Bản ư? Tôi không thể tưởng tượng nổi. Phải với phương pháp của ta, nền văn hóa của ta, chúng ta cố gắng làm tốt như họ.”
Điều đó có thể làm được không? Ông Bộ trưởng thú nhận, vẻ thiếu tự tin:
“Tôi không rõ. Trong lĩnh vực văn hóa quả rất khó khẳng định. Những gì tôi có thể nói với ông là: chúng ta có những điểm mạnh, ví dụ trong lĩnh vực nếu không nói quá đáng là ổn định xã hội, chúng ta đã trở thành một trong những nước ít có bãi công nhất thế giới. Đáng ngạc nhiên chứ! Tôi đã kể lại câu chuyện này biết bao lần. (Cô thư ký của tôi, Clotilde, lại sắp ngáp rồi đấy…) Tôi đã tiếp một nhà công nghiệp người Đức, chủ hãng Bosch. Ông ta đến bảo cho tôi biết ông ta đã đầu tư vào Pháp. Tôi hỏi ông ta tại sao? Ông ta trả lời: ‘Vì nước Pháp là nước ổn định về mặt xã hội, rất đáng chú ý.’ Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng quả thật là như thế. Ở nước chúng ta, việc đình công hiếm thấy, ngoại trừ ở khu vực dịch vụ công cộng. Hơn nữa, ở nước chúng ta, những cuộc đình công gần như biến mất. Đáng chú ý chứ? Tôi nghĩ rằng đó không phải là tiếng tăm trước kia. Mà là do chúng ta đã có những tiến bộ trong việc tiếp nhận thực trạng công nghiệp. Thực trang công nghiệp hiện nay đã được tiếp nhận ở Pháp. Bây giờ người ta không nói, hoặc rất ít nói đến siêu lợi nhuận.
Hai là, người Nhật sẽ ra sao? Tôi không biết! Tôi có đọc một bài báo nói rằng ở trong nước họ đã bão hòa. Hãy nhìn vấn đề nô lệ phụ nữ. Phụ nữ đã bắt đầu nổi loạn, họ đã bắt đầu cựa quậy rồi, vậy là hơi rồi đấy!” (Cô thư ký của ông Bộ trưởng cười.)
Nhưng nhiều người Nhật quả quyết rằng sự suy thoái của nước Nhật không còn xa. Chưa ai có thể đứng đầu lâu được. Sự vật chuyển động theo những chu kỳ. Đến năm 2020, liệu người Nhật không phải là một xã hội già nua nhất thế giới sao? Giới trẻ cũng thay đổi. Não trạng cũng biến đổi chứ bộ trưởng? – Roger Fauroux nhìn tôi, đắn đo, rồi trả lời:
“Tôi tin điều đó là đúng. Quả là đang có những bức bách. Như thời gian lao động quá dài. Liệu cuối cùng họ sẽ thay đổi chăng? Có thể có mà cũng có thể không. Trong lĩnh vực này, tôi không dám nói gì trước. Tôi đã nói với ông là tôi không muốn làm một cuộc phân tâm tập thể.”
Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tự hại mình
Một châu Âu theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đối với Nhật Bản sau năm 1992 có cơ may thoát khỏi tình trạng hiện nay không?
“Tốt nhất châu Âu không nên theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trên một số ngành như xe hơi, một số sản phẩm điện tử, cần phải đặt những hàng rào quan thuế tạm thời, điều này tôi tán thành. Nhưng đó phải là tạm thời, mềm dẻo, có phạm vi và rất đặc biệt. Ông biết đấy, người ta không thể bảo hộ mậu dịch một cách hữu hiệu và thường mắc sai lầm. Đối với tôi, đó là điều chắc chắn. Nếu anh muốn nền công nghiệp của anh tàn lụi, cách tốt nhất như người ta đã chứng minh là cứ bảo hộ lấy nó. Điều đó không bao giờ sai cả. Trong chế độ bảo hộ mậu dịch, những nhà công nghiệp dễ trở nên ngây ngô, mất tính chiến đấu.”
Cô thư ký của Roger Fauroux xen vào câu chuyện và nói khá chính xác rằng chế độ tự bảo hộ mậu dịch là điều người Nhật đã làm trong những năm 60. Ông Bộ trưởng cười và tiếp:
“Trong thời kì cất cánh, như vậy là đúng. Nhưng tôi nói về nước Pháp bây giờ. Nước Pháp và châu Âu. Nếu tôi là Bộ trưởng công nghiệp Brésil thì tôi không nói với ông điều đó. Nếu tôi là thủ tướng Sénégal, cũng không. Khi anh ở vị trí thấp kém quá mức, phải biết bảo hộ mậu dịch trong một thời gian nào đó. Và chính trên tinh thần đó, tôi nói với ông về vấn đề xe hơi. Rõ ràng chúng ta đang bị thất thế, chúng ta phải bảo hộ mậu dịch. Trên lĩnh vực điện tử cũng vậy.”
Điều đó có nghĩa là cần có những hạn ngạch (quotas) nhập trong một thời gian nhất định?
“Đúng vậy, nhưng điều này không có nghĩa là bảo hộ mậu dịch trên tất cả các lĩnh vực. Làm như vậy, chúng ta sẽ càng yếu hơn. Người Nhật đã phục vụ chúng ta, ông biết đấy. Họ đã mời chúng ta nỗ lực vươn lên. Tôi chắc không cần mô tả mọi việc đó với ông.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.