Nước Nhật mua cả thế giới

II – Phần 4



Robert Guillain: Nước Nhật không muốn thống trị

Trước cuộc tranh luận trái ngược nhau, đối chọi nhau với lý lẽ phân tán như vậy, tôi đã hỏi Robert Guillain. Thật vậy, đã có được mấy người Pháp tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nước Nhật như ông già tám mươi tuổi này? Ông đã sống ở châu Á suốt nửa quãng đời mình, chủ yếu là sống ở Nhật Bản. Hơn 10 năm sau khi ông rời khỏi nước Nhật, ở Tokyo, tên tuổi ông vẫn nổi tiếng trong giới báo chí. Ông có rất nhiều bạn thân ở Tokyo. Ông còn tiếp tục gửi bài cho báo Ashahi Shimbun sau khi ông trở về Pháp. Ông rất yêu nước Nhật, dù đôi khi phê phán những năm tháng sống ở đảo quốc này. Robert Guillain không có kẻ thù. Mọi người đều cảm mến ông sâu sắc. “Đó là một đại nhân”. Christian Sautter nói với tôi như vậy. Christian Sautter nguyên là cố vấn của tổng thống Pháp ở điện Elysée, chuyên gia về Nhật Bản và nay là thị trưởng Paris. Các cuốn sách của Guillain đều có tiếng vang lớn. Dù tuổi đã cao, ông còn định viết thêm một tác phẩm nữa. Cuốn sách này sẽ đúc kết những kiến thức của ông về nước Nhật. Ông thường nở nụ cười khi đề cập đến vấn đề ông yêu thích. Niềm say mê của ông đối với nước Nhật vẫn không nguôi và ông cảm thấy một niềm thích thú tự nhiên khi gợi lên vai trò của đất nước này trong thế giới đương đại.

Vậy thì phải chăng nước Nhật đang tiến hành cuộc chinh phục thế giới?

“Không, không hề có. Điều đó tuyệt đối không bao giờ là ý định của họ, cũng không phải là tâm trạng của họ. Có thể điều đó còn rơi rớt trong một số cái đầu thừa kế di sản của nước Nhật đã bị ngã quỵ trong chiến tranh vừa qua. Song thực ra nước Nhật đang tìm một con đường mở ra với thế giới và điều đó đương nhiên là người ta âu lo. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một thứ ‘phụ phẩm’ của sức năng động, sự hiệu quả to lớn của người Nhật. Đó không phải là cuộc chinh phục thế giới. Hoàn toàn không phải. Người ta muốn gọi nó là gì thì tùy, nhưng tôi thì cho rằng đó là sự ‘quốc tế hóa’ nền kinh tế Nhật Bản. Chúng ta đang bước vào, đúng hơn là ‘đã’ bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Ngay lúc này, chúng ta đang vượt qua năm 2000 và trước mắt chúng ta thế giới tương lai đang được tạo dựng lại. Hình như chúng ta thiếu phấn khởi, và hơi sợ hãi. Chúng ta không đọc nhiều. Báo chí đáng lẽ phải thông tin nhiều hơn các sự kiện đang diễn ra trên thế giới ngày nay.”

Về nước Nhật, ý của tôi như thế này: Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của những đại lượng. Nước Nhật tự nhận thấy mình quá bé nhỏ trong một thế giới các đại lượng. Những đại lượng như Liên Xô, Trung Quốc sẽ là những đại lượng bị vỡ tung, như Liên Xô đã vỡ thành những Xô Viết, tuy rằng vẫn còn hình thức liên bang hay một hệ thống thống trị nào đó. Nước Nhật để đối đầu với những khối ấy, theo cách của họ chính là phân tán và thiết lập ở khắp nơi những cơ sở của Nhật Bản. Về cộng đồng châu Âu thì thiết chế này đang hình thành nhanh chóng. Nhưng sự cố kết của châu Âu diễn ra chậm hơn, bởi vì sự hội nhập của các nước Đông Âu sẽ làm cho quá trình châu Âu hóa chậm lại. Trong lúc đó, nước Nhật sẽ có thời gian tiến hành một chiến dịch, mở đầu từ nước Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Tiếp đến mạnh hơn là ở Pháp, Đức và tất nhiên là cả ở Đông Âu. Đối với nền công nghiệp Nhật Bản, đó là những mảnh đất quá tốt. Người Nhật đến đó với vốn lớn không ai bì kịp, dù là người Đức hay bất cứ ai khác. Cuối cùng người Nhật sẽ đứng chân được ở cộng đồng châu Âu. Chúng ta sẽ được biết một quá trình châu Âu hóa Nhật Bản. Bởi vậy, chúng ta không thể nói rằng Nhật Bản đi chinh phục thế giới. Đây là một vấn đề khác hẳn. Đó là việc xây dựng một thế giới mới bước vào thiên niên kỷ thứ ba, trong đó Nhật Bản không phải là kẻ chinh phục, vì họ không có ý định xâm lược các dân tộc, mà đơn giản là một đất nước có mặt ở khắp nơi, thể hiện toàn bộ các khả năng to lớn của nó.”

Nước Nhật của thiên niên kỷ thứ ba

Tuy nhiên, tôi lưu ý ông cụ Robert Guillain; dù có hay không có ý thống trị, thì quá trình phi địa phương hóa trên quy mô lớn của các công ty Nhật và sức mạnh tài chánh to lớn của Nhật Bản, trên thực tế chính là sự thống trị.

Nhưng Guillain vẫn vững tin vào tương lai:

“Tôi nghĩ rằng người ta không thể trả lời câu hỏi của ông được. Không loại trừ thực tế đó. Nhưng nền kinh tế của thiên niên kỷ thứ ba sẽ cực kì năng động và cực kì cạnh tranh. Nhưng tôi không thấy có lý do nào để cuối cùng nước Nhật sẽ thống trị cả nước Mỹ. Nước Mỹ đã có lúc biểu hiện suy yếu, nhưng người ta có thể đoán chắc rằng nước Mỹ đâu có để cho tên mình bị xóa khỏi bản đồ. Nước Mỹ không thể để cho nước Nhật thống trị mình.”

Sức mạnh của nước này (Nhật) sẽ dẫn nó đến đâu? Phải nói thế nào về những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa? Nước Nhật có thể một lần nữa bị những con quỷ nguy hiểm cám dỗ không? Guillain trả lời:

“Tất nhiên là có thể có những biến đổi và những biến động. Cho đến nay, có thể chứng minh rằng khi nước Nhật có những bối rối nghiêm trọng, thì đó là những vấn đề đến từ bên ngoài chứ không phải từ vận hành bên trong của bộ máy. Bộ máy bên trong luôn chạy khá tốt. Đã có những cú sốc như cú sốc đồng yên, cú sốc dầu hỏa, song qua đó, nước Nhật đã đứng vững như con tàu trong cơn bão tố, điều này chỉ ra rằng con tàu được điều khiển bởi những hoa tiêu giỏi. Tôi không hiểu tại sao lại không để cho nó tiếp tục như vậy. Song có những hiện tượng thuộc lĩnh vực tâm lý xã hội có tầm quan trọng lớn hơn chúng ta tưởng. Nước Nhật là một sân khấu của những biến đổi to lớn mà người ta chỉ mới bắt đầu nhìn thấy và tìm hiểu. Nước Nhật, trước kia nghèo nàn, đạm bạc, đã biết từ sự nghèo nàn và lạc hậu ấy làm nên phân nửa sức mạnh của mình. Và có thể Nhật đang chuyển biến, từ một nước giàu có thành một nước trục lợi, thành một nước biếng nhác – nếu ta giả thiết có người Nhật biếng nhác, điều đó hơi khó tưởng tượng – nhưng tôi chấp nhận rằng nước Nhật có bắt đầu chậm bước. Thế hệ mới, theo ý kiến chung là một thế hệ đáng kinh ngạc, họ không có những phản ứng như trước, tức là những phản ứng của lòng yêu nước, của tình đoàn kết, của tình cảm gắn bó với tập thể như từng có ở một nước Nhật cổ xưa. Ngược lại, thế hệ này lại học đòi chủ nghĩa cá nhân, và bắt đầu làm việc theo đơn vị cá thể.”

Nước Nhật muốn trả đũa, không phải trả thù

Một câu hỏi nữa về nước Nhật tương lai. Sau khi được bảo hộ dưới đôi cánh của nước Mỹ, trở thành hùng cường, liệu nước Nhật có thể trở thành “kẻ giết cha”? Nước Nhật sẽ giết nước Mỹ chăng?

“Tôi không hề nghĩ nước Nhật có ý định ấy. Nhưng tư tưởng trả đũa sự thua trận của mình thì chắc có. Hơn nữa, cũng có thể họ đã đi quá sự trả đũa, và bây giờ họ có thể nói với Mỹ: ‘Trước đây các anh rất mạnh, nhưng bây giờ chúng tôi có sức mạnh hiệu quả hơn các anh, bởi chúng tôi sử dụng các phương thức hòa bình; chúng tôi không làm những chuyện điên rồ như các anh là đã ném biết bao tiền của vào ảo tưởng phòng thủ quân sự và chiến lược chiến tranh hạt nhân. Chúng tôi đã đứng ngang hàng với các anh.’ Đấy là sự trả đũa, không phải sự trả thù.”

Về nước Nhật, đã có những lời phê phán cho rằng: “Khi người ta yêu cầu Nhật nhả bớt mồi thì người ta chỉ nhận được thứ ngôn ngữ của kẻ mạnh” Nên nghĩ thế nào về điều đó?

“Khi đề cập đến nước Nhật, ngôn ngữ mà người Nhật hiểu, không phải là ngôn ngữ của sức mạnh, mà là ngôn ngữ của cạnh tranh. Nước Nhật hiện đại sinh ra từ cạnh tranh. Nó lên lên từ cạnh tranh trên bình diện cả nước cũng như trên bình diện từng con người. Bởi vì mỗi người Nhật phải cạnh tranh với kẻ bên cạnh bắt đầu từ năm bảy tuổi, khi bước vào trường học. Họ vẫn là bạn bè với nhau ở trường, nhưng giữa họ đã có sự ganh đua rất căng mà chúng ta tuyệt nhiên không thể hiểu được. Cho nên đối với nước Nhật chỉ có thế sử dụng sức mạnh bằng một sự cạnh tranh ngang sức. Chắc chắn họ sẽ nhạy cảm khi có ai đó bắt đầu đuổi kịp hoặc vượt họ trong cạnh tranh. Lúc đó có lẽ nước Nhật chấp nhận một sự mềm dẻo hơn và biết điều hơn trong thương lượng. Thường thì nước Nhật không biết điều trong thương lượng, bởi họ thường thấy nước Pháp gởi sang những quan chức khá nhẹ dạ. Đã bao lần người ta thấy một quan chức Pháp đến Tokyo để rồi bị người Nhật đánh giá: ‘Đó là loại người đi lẹt đẹt theo chúng ta. Gã ta dốt nát mà lại kiêu ngạo.’ Và người Nhật đáp lại, không phải bằng sức mạnh mà đơn giản là bằng sự vượt trội của họ trong kinh tế.”

Nước Nhật chuẩn bị thế giới ngày mai

Phải nói thế nào về những biện pháp bảo hộ của nước Nhật? Về chuyện người Nhật thường không tôn trọng nguyên tắc tự do – mậu dịch?

“Nước Nhật hôm nay đã được thành hình vào khoảng năm 1850, vào một thời kì mà người ta không nói đến khái niệm ‘mở cửa’ hay một cái gì đó tương tự. Ít ra tôi cũng không tin rằng hồi đó đã có những công thức như vậy. Nước Nhật đã được sinh ra từ hệ thống lò ấp trứng của nhà nước, bất chấp mọi phân biệt giữa chủ nghĩa nhà nước và chủ nghĩa tự do, và nó chỉ sử dụng phương thức: nhà nước nhìn thấy nhu cầu của đất nước và lên kế hoạch cho nhu cầu đó. Ở giai đoạn đầu, điều này giống như chủ nghĩa xã hội. Nhà nước lập kế hoạch phát triển cần thiết, tập hợp mọi người và tuyên bố: ‘Đây là điều các bạn sắp cùng làm. Tôi cho các bạn bao nhiêu đây tiền và hãy làm đi trên cơ sở đoàn kết hợp tác với nhau.’ Mọi người bắt tay vào việc và 10 năm sau trứng ấp xong, lồng ấp được dỡ đi, thế là Nhà nước tiêu vong. Cái hệ thống đó sản sinh ra những nhà công nghiệp hiện sẵn sàng để tự do cạnh tranh. Bởi vậy, nước Nhật đã theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nhưng chỉ trong một thời gian nhất định. Biện pháp đó nằm trong chu kì phát triển mà nước Nhật luôn biết tổ chức và quản lý hết sức thành công. Bằng chứng gần đây nhất là lĩnh vực tin học.”

Robert Guillain nói tiếp:

“Mặt khác, nước Nhật là nước biết xác định và chuẩn bị. Họ xác định cực kì chính xác đâu sẽ là mũi nhọn thị trường cho 20 năm sau. Họ chuẩn bị điều đó từ rất lâu. Chẳng hạn như những đạo luật cơ bản về xây dựng ngành tin học: kế hoạch phát triển này ngay từ năm 1957 đã tính đến viễn cảnh của những năm 1977 và 1987. Điều đó chứng tỏ nước Nhật đã dành gần 20 năm để leo lên vị trí hàng đầu. Đối với họ, khi đã quyết là làm, làm giỏi, tổ chức tốt. Sự việc tiến triển như thế nào? Những tập đoàn lớn thống nhất với nhau và bắt tay vào làm một thời gian. Sau đó, đến một lúc người ta thả lỏng dây cương cho từng tập đoàn. Thế là các tập đoàn lớn xâu xé nhau, hoặc cạnh tranh với nhau không thương tiếc và trở nên rất mạnh.”

Tại sao lại thù ghét đến thế?

Có phải năm 1945, người Mỹ đã quá tốt với người Nhật chăng? Có phải nước Nhật đã thiếu lòng hối hận?

“Tôi nghĩ rằng ở Tokyo lúc đó không có bầu không khí sám hối về một tâm trạng phạm tội hay trách nhiệm. Người Nhật không bao giờ lại lao vào những việc đại loại như thế. Họ không biết truy lùng những tội phạm chiến tranh, bởi cả tập thể người Nhật đều cảm thấy liên đới sâu sắc với nhau và họ không muốn đẩy những người có tội nặng nhất trong số họ ra trước tòa. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng lúc ấy không thể có được một sự tự chỉ trích từ đất nước này, một đất nước đã hoàn toàn bị đánh gục, và đã bị trừng phạt quá khủng khiếp.”

Vâng, nhưng nước Đức, người ta đã buộc họ phải thừa nhận sai lầm của họ, buộc họ phải sửa lại những sai lầm đó. Tội ác của nước Nhật có phải cũng ghê tởm ngang với của nước Đức không? Guillain nói dứt khoát:

“Đúng, tội ác đúng là như thế, song bản chất của nó có khác. Tức là tội ác đó không được tổ chức một cách có ý thức (như ở Đức). Vấn đề này rất tế nhị. Nhưng tôi nghĩ sự tàn bạo của tội ác chiến tranh ở người Nhật xuất phát từ trong máu Samourai thời Trung cổ, từ những cuộc chiến tranh ngày xưa, từ sự tàn bạo Á Đông. Nhưng nước Nhật không có một Mein Kampf như Đức, trái với điều bà Edith Cresson nói. Không hề có Main Kampf ở Nhật Bản.”

Cuộc cạnh tranh giữa phương Tây và Nhật Bản hiện có thể làm hồi sinh châu Âu không? Và phải chăng châu Âu chỉ có cách là chặn đường chàng khổng lồ này? – Guillain lạc quan:

“Nhất định là thế. Tôi tin chắc như vậy. Tôi tin rằng nếu vượt lên trên hận thù và khủng bố, châu Âu có cơ may cống hiến trí tuệ, nền công nghiệp của họ, để xây dựng một tổ chức mới, theo hình thức liên bang tự do và thuận lợi cho sự phát triển các khả năng của con người. Châu Âu sẽ rất rất mạnh. Nền văn hóa lâu đời của châu Âu sẽ có dịp phát triển viên mãn, nổi bật trong thế giới mới, có thể hơn châu Mỹ nhiều, tiến xa hơn châu Mỹ về văn hóa. Kho tàng văn hóa và kinh nghiệm châu Âu thoát khỏi mối đe dọa hạt nhân, sẽ làm nên nhiều điều kì diệu.”

Những người theo chủ nghĩa “xét lại” của Mỹ

Khi sức mạnh của Nhật bắt đầu xâm phạm sức mạnh của Mỹ và đã gây tác hại thực sự, quy chế liên minh chiến lược vẫn còn giúp Nhật Bản né tránh sự phản kích của Mỹ trong một thời gian. Với quy chế ưu đãi này, nước Nhật dù nằm trong phe phương Tây, lại là kẻ thù lợi chính trong cuộc chiến tranh lạnh. Bởi vì không chỉ trục lợi nhờ sự bảo hộ của Mỹ, Nhật Bản còn tránh tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang đã làm khánh kiệt nhiều nước khác. Nước Mỹ đã không sợ hao tổn để có mặt ở Nhật Bản và châu Á. Họ cho không cái dù hạt nhân, bảo vệ Nhật Bản khỏi mọi đe dọa quân sự của nước ngoài. Nước Mỹ thì cứ tổn phí vô kì tận, còn Nhật Bản thì lại sử dụng đồng vốn tích lũy được để phát triển. Nước Nhật được bảo vệ như một nàng công chúa. Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, rồi Ronald Reagan và phần nào George Bush, tất cả đều nỗ lực duy trì mối quan hệ song phương về quân sự và chiến lược với Nhật Bản, cho đó là sống còn đối với quyền lợi của Mỹ trên thế giới.

Tuy nhiên, thời kì ấy đã qua rồi, vì hai lẽ. Một là: nước Mỹ đã bắt đầu lo lắng về quy mô sút giảm của mình ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi so sánh với sức mạnh của nước Nhật đang lên đến đỉnh cao. Mỹ không còn phương cách nào để độc quyền đóng vai trò sen đầm quốc tế. Hai là: đánh giá lại cơ sở của liên mình Mỹ-Nhật. Sự sụp đổ của nhiều nước cộng sản và sự kết thúc chiến tranh lạnh càng lúc càng cho thấy chiến thắng của sức mạnh kinh tế đối với sức mạnh quân sự, chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng đối với các ý thức hệ. Cùng lúc, những đòi hỏi cấp bách về địa lý – chiến lược làm cơ sở cho liên minh Mỹ-Nhật đã trở nên lỗi thời. Cặp đôi Mỹ-Nhật không phải tan rã trong ngày một ngày hai, nhưng Mỹ càng ngày càng không còn cảm thấy ngại ngùng để tách khỏi Nhật Bản và lên tiếng công kích đất nước mặt trời mọc.

Hiện nay, những lời công kích cay độc nhất đối với Nhật Bản lại từ phía người Mỹ. Một số người nguyên là quan chức của chính phủ Mỹ đã từng hiểu rõ quá trình thăng trầm giữa Washington và Tokyo từ trong ruột. Số khác là những giáo sư đại học. Báo chí Mỹ đã gọi ngay các giới này là “xét lại”, một cái tên mà những kẻ có liên quan kịch liệt phản đối. Những năm gần đây sách xuất bản ở Mỹ đã nói nhiều về vụ án nước Nhật.

Hai lý thuyết gia người Mỹ về sự suy tàn của Hoa Kỳ và sự vượt trội của Nhật Bản là Clyde V.Prestowit, cựu cố vấn Vụ Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ thương mại, và Chalmers Johnson, giáo sư đại học California ở San Diego và là chuyên gia về quan hệ quốc tế. Người thứ nhất là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Trading Places, How we allowed Japan to take the Lead”. Ấn hành năm 1988, cuốn sách giải thích tỉ mỉ tại sao người Mỹ là thủ phạm chủ yếu của chính sự phá sản của họ và sự ưu việt của Nhật Bản trong việc chạy đua để phát triển. Người thứ hai cũng là tác giả của một cuốn sách nổi tiếng không kém: “MITI and Japanese Miracke”. Cuốn sách giải thích nguyên nhân của phép lạ Nhật Bản, đặc biệt là vai trò trung tâm của cái tổ chức đáng sợ là MITI, tức là Bộ công nghiệp và thương mại quốc tế. Cũng phải kể đến một người gốc Hà Lan sống ở Nhật Bản là Karel Van Wolferen, tác giả cuốn L’Enigme de la puissance Japonaise[91]. Qua từng trang tác phẩm, tác giả đã vạch trần cái gọi là huyển thoại Nhật Bản trong việc mở cửa và thâm nhập vào hệ thống tự do mậu dịch.

[91] L’Enigme de la puissance Japonaise, Nxb Robert Laffont, 1990


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.