Nước Nhật mua cả thế giới
II – Phần 7
Một nền văn hóa dựa trên sự bắt chước
Nada Inada nhấn mạnh:
“Nhưng cho đến nay, người Nhật vẫn bắt chước, bắt chước, và còn tiếp tục bắt chước. Đôi khi người Nhật nổi giận vì các ông nói họ là những kẻ bắt chước. Nhưng tôi chẳng thấy có ý gì mỉa mai trong đó. Không! Nền văn hóa chúng tôi là do sự bắt chước. Trẻ con bắt chước cha mẹ, cháu chắt bắt chước ông bà. Cứ tiếp tục trải qua ba đời như thế, rồi một nền văn hóa được đình hình. Với cách này, nước Nhật đã thành công. Thành công đến mức nó đánh bại ngay cả chính ông thầy của mình. Rồi bây giờ nó thiếu thầy! Và vì thiếu thầy nên nước Nhật bắt đầu tìm, tự tạo ra ông thầy cho mình. Đấy là lý do tại sao nước Nhật quay về quá khứ, tạo ra một hình ảnh giả của chính mình. Có thể nói đây là một cuộc khủng hoảng về bản sắc. Người học trò giỏi không thể là học trò giỏi nếu không tìm thấy bản sắc của mình. Bởi trong tình huống như vậy, đôi khi con người trở nên mê sảng thật sự. Một thứ chủ nghĩa dân tộc quá khích, không tưởng, cũng giống như chủ nghĩa quốc xã. Nước Nhật đã từng có chủ nghĩa quốc xã của mình. Nó có thể trở lại thời kì đó. Điều này là rất có thể. Khi tôi nói chuyện với mọi người họ thường nói với tôi rằng, nói cho cùng nền văn hóa Nhật đâu đến nỗi tệ thế. Bởi vì nếu cho đến nay người Nhật còn mang mặc cảm, thì bây giờ họ đã biết tư duy, đã thấy mình thông minh, sáng tạo. Những người suy nghĩ như vậy ngày càng nhiều.”
Nhưng kiểu lập luận này có khập khiễng không?
“Không hẳn là sai, tất nhiên. Nhưng tốt nhất là nên khiêm tốn!”
Nhưng một người Nhật biết tự mình suy nghĩ, không cần đến người Mỹ, đó là hiện tượng đáng khuyến khích chứ?
“Đúng. Song nỗi bất hạnh là khi đứa con vượt được cha, lại muốn báo thù cha. Điều đó nguy hiểm. Cho đến bây giờ, người Nhật giữ gìn để không trở thành kể giết cha. Họ sợ. Đó là thái độ của người Nhật đối với Mỹ (Nada Inada cười, vì ông đã tìm được một hình ảnh nói thay cho ông). Mac Urthur khi đến Tokyo đã đối xử với người Nhật như với đứa trẻ mười ba tuổi. Ông ta tự xem mình là lớn và cư xử với người Nhật như với những đứa trẻ. Sự so sánh đó đã khắc sâu trong tâm khảm người Nhật. Người Nhật thường nói đến điều đó. Tình hình là thế đấy. Trước đây người Nhật mười ba tuổi, thế bây giờ họ bao nhiêu tuổi?”
Người Nhật muốn chiến thắng trong cuộc chiến tranh kinh tế
Như vậy là trả thù hay trả đũa?
“Những nhà kinh tế Nhật thì muốn trả thù. Điều đó không còn phải bàn cãi. Trong thâm sâu, có một thứ tâm lý phục thù ở Nhật Bản. Tôi xin giải thích: ngay sau chiến tranh, trong số những nhà lãnh đạo công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản có nhiều sĩ quan cũ. Có người tốt nghiệp trường hải quan. Chẳng hạn như Sejama Ryuso, cánh tay phải của cựu thủ tướng Yasuhiro Nakasone trong lĩnh vực kinh tế, đó là một cựu quân nhân. Có rất nhiều cựu sĩ quân nhân như ông ấy. Tôi cũng là một cựu quân nhân. Ý của họ là khi phải từ bỏ mọi hi vọng chiến thắng bằng quân sự thì phải chiến thắng bằng kinh tế. Làm như vậy để rửa nhục cho nước Nhật. Đó là suy nghĩ của họ. Khi những cựu quân nhân thấy nước Nhật đã đạt trình độ ngang hàng với Mỹ, họ thật sự reo mừng! Tôi còn nhớ tác giả một cuốn sách nói về người Do Thái và người Nhật: Yamamoto Shichiro. Ông cũng là một cựu quân nhân. Ông nói gì trong cuốn sách đó? Ông nói rằng người Nhật có mặc cảm trước người Mỹ. Và ông muốn khơi dậy lòng dũng cảm của người Nhật để vươn lên trình độ trí tuệ như người Mỹ.”
Nada Inada giải thích:
“Cuốn sách của ông ra đời vào lúc những mâu thuẫn về kinh tế giữa Hoa Kì và Nhật ở mức độ cao nhất. Hàng dệt của Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Nhiều viên chức của MITI qua lại Washington để thương lượng. Bộ trưởng MITI dặn họ điều gì? – Hãy đọc cuốn sách của Yamamoto Shichiro! Lập tức, cuốn sách trở thành một thứ best-seller, bán hàng triệu bản. Ông thấy đó chẳng còn nghi ngờ gì nữa, những quan chức kinh tế ấy thật hài lòng vì đã thắng trong cuộc chiến trang kinh tế! Người Nhật đã xây dựng một nền kinh tế của mình; họ đã kinh doanh với cả một ý thức chiến đấu. Và chỉ có hoặc chiến thắng hoặc thất bại. Mặt khác, thậm chí trong kinh tế, họ cũng vẫn thường dùng những từ quân sự như ‘chiến lược’, ‘vũ khí chiến lược’, ‘lực lượng’. Nhưng xin nhớ cho rằng là trong lúc đó họ vẫn sợ cha họ.”
Như vậy, đến khi nào thì chuyện giết cha xảy ra?
“Giết cha, giết nước Mỹ là chuyện còn ở ngoài vòng ý thức. Người Nhật có mối lo sợ thánh thiện là thắng hoàn toàn người Mỹ. Họ sợ phạm tội thật sự. Cho nên những chính khách của chúng tôi do dự khi đưa ra những sáng kiến trước mặt Hoa Kỳ. Họ không dám. Họ có bắt đầu phê phán đôi chút, song họ còn chưa dám nói ra những điều họ muốn nói. Còn tôi, tôi là nhà văn. Tôi thích những nhân vật có chút mặc cảm. Bởi vì những con người không có chút mặc cảm nào, quá bình thường, thì không có gì hấp dẫn đối với tôi cả. Nước Nhật đã thành công về kinh tế, song cùng lúc còn chút mặc cảm, theo tôi như thế là lành mạnh.”
Nhưng bằng cách nào người Nhật có thể hi vọng trở thành người sáng tạo trong điều kiện như vậy? – Nada Inada nhấn mạnh rằng, tuy vậy đôi khi mặc cảm lại là nguồn sáng tạo.
Và trong cuộc khủng hoảng về bản sắc này, liệu nước Nhật có muốn xích lại gần với phần còn lại của Châu Âu không? Trên bình diện triết học, đó là hình thành một khối chống lại phương Tây?
“Nước Nhật mong muốn điều đó. Người Nhật mong muốn xích gần với phần còn lại của Châu Á. Nhưng cho đến nay, nước Nhật rất vụng về, và những nước Châu Á từ chối vai trò thống trị của Nhật. Họ từ chối một nước Nhật lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình, muốn mình trở thành kẻ chỉ huy cả châu Á. Nếu nước Nhật tự cho mình như kẻ chỉ huy Châu Á thì sẽ vấp phải sự phản kháng không thể tránh khỏi.”
Nước Nhật sẽ không bao giờ là bá chủ thế giới
Phản ứng của người Nhật ra sao, khi họ cảm thấy họ không được yêu thích lắm trên thế giới? Những vết thương của Châu Á chưa phải đã lành hẳn, còn những lời công kích thì lan tràn ở thế giới phương Tây. Nước Nhật thấy mình bị cô lập.
Nada Inada bác lại:
“Tôi mong rằng người Nhật sẽ không phản ứng như một đứa trẻ hư đốn, cứ khóc lóc mà không nghĩ gì đến nguyên nhân của trận đòn mà nó phải chịu. Tôi không muốn biến vấn đề của đất nước tôi trở thành chuyện riêng tư. Nhưng đã có không ít người Nhật ý thức được mối hiểm nguy bị cô lập. Một số nhà trí thức Nhật đã cố đặt quan hệ chặt chẽ với những trí thức khác trên thế giới. Ở Nhật có không ít các nhóm công kích việc chính phủ viện trợ cho vùng Nam Á, họ cho rằng các khoản viện trợ đó sẽ phá hủy môi sinh của những nước Châu Á. Nhiều người Nhật phê bình việc đó. Có lẽ người phương Tây chỉ nhìn thấy một mặt của nước Nhật! Tức là chỉ thấy những chính khách và những đại diện của các ngành công nghiệp lớn? Nhưng cần hiểu rằng đằng sau họ còn có dân tộc Nhật. Và dân tộc đó không phải đã mất hết hương tri.”
Lời công kích có thể gây ra khả năng: một là sự khước từ và khép kín, hai là sự mở cửa rộng hơn. Nước Nhật sẽ chọn hướng nào?
“Theo ý tôi là mở cửa! Xu hướng đó hiện nay là tích cực. Giới trẻ Nhật đã có nhiều dịp đi du lịch. Họ không còn khép kín nửa vời về thế giới bên ngoài. Và họ cũng không thể cứ mãi mù tịt mãi. Tiếp xúc với thế giới, họ sẽ thay đổi dần. Nếu ông gặp những người Nhật sống ở Paris, ông sẽ thấy nhiều người cũng công kích nước Nhật, dù họ là người Nhật!”
Có một châm ngôn Nhật nói: Đinh đã lỡ đóng thì đóng luôn. Đó có phải là nước Nhật hiện nay không? Nada Inada bình luận:
“Nên hiểu rằng đó là phản ứng nhằm chối từ trách nhiệm. Né tránh trách nhiệm của chính mình và mong thay đổi lời chỉ trích của đối phương. Mọi người đều làm như vậy cả. Khi người Pháp thành đạt, họ né tránh trách nhiệm và công kích người khác. Người Nhật cũng vậy. Khi không thành đạt, khi đụng đầu khó khăn, họ vụng về (nhiều chính khách của chúng tôi rất vụng về), họ liền trút trách nhiệm về sự vụng về của họ lên kẻ khác. Họ nói tất cả những lời chỉ trích ở nước ngoài chỉ là bài Nhật, là những lời nói xấu không căn cứ. Ông nên biết giữa những người có trách nhiệm của giới chủ nhân Keidanren và Nikkeiren, họ cũng công kích lẫn nhau.”
Đúng là ở Nhật sau nhiều năm thiu thiu ngủ trên nhung lụa quyền lực, sự phê phán đã dần nổi lên. Chẳng hạn giới chức cao cấp ở Bộ Tài chính khinh miệt giới quan chức ngân hàng và ngược lại. Những mâu thuẫn giữa họ, lần đầu tiên được phát biểu công khai, đã khiến giới báo chí Nhật đều thích thú!
Như vậy, chuyện nước Nhật làm chủ thế giới, có phải là chuyện tầm bậy không?
“Vâng, đó là một chuyện bậy. Nước Nhật sẽ không thành ông chủ thế giới. Không bao giờ! Tình hình phát triển công nghiệp sẽ không thể tiếp tục theo nhịp độ hiện nay được lâu. Vào giữa thế kỷ XXI biết đâu chiến thắng lại thuộc về những nhà sinh thái học? Ai biết được? Thế nào chúng ta cũng đến đó. Lúc đó (thế kỉ XXI) nước nào có khả năng lãnh đạo các nước khác? Có thể là những nhà lãnh đạo những nước nghèo sẽ đề xướng một triết lý, những hệ tư tưởng. Trong lĩnh vực này Trung Quốc hiện còn đang rất bề bộn, nhưng lẽ nào ngày mai cũng thế sao? Về phần tôi, trong cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế, tôi chiến đấu cho sự chiến thắng của chủ nghĩa quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc không có tương lai đâu. Đệ nhất quốc tế đã thua cuộc. Đệ nhị quốc tế và đệ tam quốc tế dựa trên những cơ sở không đúng. Còn tôi, tôi tin vào sự chiến thắng của đệ tứ quốc tế.”
Yukio Shimanaka: phương Tây đã giết chết truyền thống của nước Nhật
Giám đốc Nhà xuất bản Chuo-Koron, một trong những nhà xuất bản quan trọng của Nhật, Yukio Shimanaka vừa tròn bốn mươi tuổi, nhưng ông đã khắc họa tên mình trong giới trí thức và văn học Nhật Bản. Ông cũng là người thân Pháp, giỏi tiếng Pháp, ông khác với một số đông đồng bào ông ở khuynh hướng tôn trọng mạnh mẽ truyền thống Nhật, tôn sùng quý tộc và nhà vua, tóm lại, có màu sắc cánh hữu pha một chút dân tộc chủ nghĩa. Yukio Shimanaka là con một gia đình gia giáo. Cha ông là một nhân vật nổi tiếng, là giám đốc lâu năm của Nhà quốc tế Nhật Bản (International House of Japan), một loại câu lạc bộ trí thức ở Roppongi, trung tâm Tokyo thanh lịch, có hoài bão làm cầu nói giữa nền văn hóa Nhật và nước ngoài. Chúng tôi gặp nhau và cuộc phỏng vấn diễn ra ở Câu lạc bộ Nhà quốc tế Nhật. Một con người có dáng vóc đẹp, tóc nâu, ăn mặc chải chuốt, ông nói tiếng Pháp khá lưu loát. Ông đã ở Paris 4 năm. Yukio Shimanaka trở thành một người mang trọng trách. Ông xuất bản nhiều tác phẩm mới, như bộ lịch sử Nhật bằng tranh in 200.000 bản mỗi tuần. Công việc này thành công đến mức ông định xuất bản bộ lịch sử thế giới. Con người cực kì năng động này làm việc suốt ngày đến tận nửa đêm. Nhà xuất bản của ông cũng ấn hành tạp chí Marie Claire Japon từ nhiều năm, trước khai xuất hiện tạp chí Elle Japon và Le Figaro Madame Japon.
Chúng tôi nói chuyện với nhau về nước Nhật hiện đại và những truyền thống đang mất đi từ khi có những thay đổi do phe đồng minh tạo ra từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một đề tài khiến ông trở nên sôi nổi.
“Người phương Tây các ông đã phá hoại hoàn toàn thế cân bằng đã từng tồn tại trước đây ở Nhật. Các ông đã đè bẹp và tiêu diệt tất cả các giai cấp xã hội, nhất là tầng lớp trí thức. Trước đây, chúng tôi hầu như có cùng một nền giáo dục như ở Pháp, một hệ thống trường đạo tạo đến trình độ cao. Chúng tôi có các trường trung học đánh số (Số 1, số 2, số 3) trong mỗi tỉnh. Tất cả tạo thành một loại học viện cho những trường học lớn. Thế nhưng các ông cũng đã phá hết các trường lớn của chúng tôi. Trước kia, Nhật có Trường đại học hoàng gia ở Tokyo và ở Kyoto. Bây giờ chúng tôi chỉ còn Trường đại học Tokyo, một phân khoa Luật còn hơi hướng chút ít ngôi trường lớn. Do đó, nước Nhật không còn tầng lớp trí thức ưu tú. Ở đây không thể có ý niệm về leader (lãnh tụ), thậm chí không thể có ý niệm về leader. Nước Nhật trở thành một xã hội ‘dân chủ’, mọi người có quyền nói bất cứ điều gì, ở mọi trình độ. Như vậy, trong Ủy ban xét duyệt kịch bản của chúng tôi, chính những người trẻ quyết định mọi chuyện, ý kiến của họ chi phối.”
Yukio Shimanaka luyến tiếc chế độ cũ chăng? – Câu trả lời của ông khá tế nhị:
“Có thể trong một nghĩa nào đó, tình hình mới là rất tốt. Mọi người đều có quyền nói điều mình muốn nói. Nhưng, trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, trên chính trường thế giới, chúng tôi lại rất khó đưa ra những ý kiến hình thành một đường hướng. Chẳng hạn, làm thế nào để sống chung với người nước ngoài? Đó là một vấn đề cực kì khó khăn.”
Nước Nhật có cần tìm lại những leader gây dựng một tầng lớp ưu tú?
“Đối với người Nhật, tầng lớp ưu tú, những leader mà chúng tôi đã có trước đây, nói chung là rất hay. Nhưng trong việc chung sống với thế giới bên ngoài thì đó lại là một chuyện rất dở. Những quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, không cùng nhịp sống như chúng tôi. Họ không có khái niệm về sự vật như chúng tôi. Hãy cứ xem lịch sử nước Nhật. Thuở xưa, dân tộc Nhật gần như vô chính phủ. Nhất là trong giới trí thức. Họ phủ nhận ý nghĩa của Nhà nước. Thế mà khi nói đến Nhà nước, thì lại cần phải có một leader, cần một định hướng chính trị, một chiến lược đối ngoại. Nước Nhật hôm nay không thể xác định được một định hướng chính trị gì cho rõ ràng.”
Nước Nhật không có nghĩa là cầm đầu
“Để tạo ra ra sự nhất trí ở Nhật, trước hết phải có một ai đó phán xuống, chỉ ra cái phải làm và cái không dược làm. Người đó phải có uy thế với dân tộc. Điều đáng tiếc là những người phương Tây các ông đã phá hủy tất cả hệ thống đó. Vì thế bây giờ chúng tôi thiếu hẳn nhứng nhà chính trị có bản lĩnh.”
Yukio Shimanaka tiếp tục dòng suy nghĩ của mình và cho rằng trong lịch sử gần đây, người Nhật tỏ ra ghê tởm sâu xa đối với chính trị và những nhà chính trị.
“Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra sau thất bại của triều đại tướng quân, tất cả đệ tử của tướng quân đều trở thành nhà báo, nhà trí thức, giáo sư. Họ làm những nghề tự do. Cùng lúc đó, những đệ tử của Shimaju (lãnh đạo chống lại triều đại tướng quân và tiếp tục ủng hộ hoàng đế) lại trở thành những công chức, những nhà hoạt động chính trị. Truyền thống đó vẫn giữ. Những kẻ cai trị chúng tôi thường bị khinh miệt. Cũng như ở Pháp, Napoléon và những người bảo hoàng. Trong những gia đình trí thức, người ta có xu hướng ghê tởm những nhà chính trị. Khi ông ngoại tôi, lúc đó là giáo sư giảng dạy chính trị ở đại học Tokyo, có ý định muốn ra ứng cử quốc hội thì họ hàng, bạn bè đều phản đối. Là vì trở thành nhà chính trị thì coi như khốn khổ, đang hổ thẹn. Đó là não trạng của giới trí thức Nhật trước chiến tranh.”
Tuy nhiên Yukio Shimanaka nói thêm:
“Trước chiến tranh, nước Nhật cũng có một số nhân vật chính trị lớn. Kể cả sau chiến tranh. Hai hay ba người gì đó. Bởi vì trước chiến tranh, hệ thống giáo dục Nhật tỏ ra có hiệu quả. Nhưng sau đó, hệ thống giáo dục mới chỉ đào tạo ra những nhà chính trị thiếu giáo dục, không cso vái gọi là ‘lịch sự quý phái’. Ở Nhật, chúng tôi không còn cái ‘lịch sự quý phái’ nữa. Thế nhưng, để cư xử với người nước ngoài, thì ‘lịch sự quý phái’ rất cần cho cả hai phía, có phải không? Đó là lý do tại sao trong nước Nhật ngày nay, chúng tôi không có leader, không có cái ‘lịch sự quý phái’. Mọi người có quyền nói bất cứ cái gì, như ở nước ông vào thời điểm này xảy ra biến cố tháng 5/1960. Trong xí nghiệp, vẫn còn tôn ti trật tự, mặc dù khá hình thức, và chỉ trong nội bộ từng gia đình thì tôn ti trật tự mới có hiệu lực. Nhờ vậy, tất cả xí nghiệp công nghiệp đểu tiếp tục hoạt động có hiệu quả.”
Vì thế, phải chăng nước Nhật đang đi tìm sự trưởng thành mới?
“Để thích nghi với nhịp sống do người nước ngoài áp đặt và theo yêu cầu của họ, phải có một leader rất thông minh. Trong nội bộ nước Nhật thì dễ hơn. Leader nay vẫn là thành viên của cộng đồng, của một gia tộc. Ông ta tuân theo các luật lệ, nhưng để đảm bảo đương chức năng một leader có tầm vóc quốc tế thì còn vụng về. Rất khó. Leader ấy phải là một diễn viên gần như thiên tài. Và theo tôi, điều đó rất nguy hiểm. Tôi rất lo những hệ quả từ đó mà ra.”
Hoàng đế bị truất phế, những hiểm họa của chủ nghĩa tân-dân tộc
Phải chăng điều đó có nghĩa là nước Nhật phản ứng và chống lại những áp đặt từ bên ngoài? Một sự phản ứng sẽ kết tinh trong chủ nghĩa tân-dân tộc? Yukio Shimanaka đồng ý:
“Vâng, đúng như vậy. Tôi rất lo điều đó. Nhưng đó là lỗi của chính các ông! Nhất là lỗi của người Mỹ. Các ông buộc chúng tôi phải từ bỏ Hiếp pháp của Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Có một sai lầm lớn: Hoàng đế Nhật không hề là kẻ thù của các ông, nhưng các ông đã hủy hoại hết mọi thứ, từ vai trò, chức trách là người chăn dắt dân tộc, đến vai trò người cha, lãnh tụ tinh thần. Và chế độ quân chủ khong còn có thể hoạt động được nữa. Ngày hôm qua trong báo Yomiuri, tôi đọc một trang dành cho lớp trẻ muoif bảy tuổi của Anh và Nhật. Chúng phải trả lời câu hỏi: ‘Bạn có tôn kính Hoàng đế hay Hoàng gia hay không?’ Học sinh Anh trả lời: ‘Có’, và giải thích sự tôn kính. Còn học sinh Nhật đa số trả lời: ‘Không’, ‘Không bao giờ’, ‘Tôi không biết ông ta’, ‘Tôi bất cần’, hoặc thậm chí: “Tôi cho rằng Hoàng gia là không cần thiết đối với đất nước”.
Điều đó có ý nghĩa là đánh mất bản sắc nước Nhật ư?
“Vâng. Tôi nghĩ thế. Bởi vì trong thâm sâu, điều đó trái hẳn với những gì các ông, những người Pháp bình thường, suy nghĩ. Hoàng đế là chủ đất nước, tất nhiên chỉ trên lĩnh vực tinh thần. Từ vài thế kỉ nay, chúng tôi đã có hoàng đế làm việc thật sự, đảm nhiệm cả vai trò Nhà vua và Thủ tướng. Ông ta làm chính trị. Trước đây đã có như vậy. Nhưng xét cho cùng Hoàng đế vẫn là người chăn dắt tinh thần của dân tộc.”
Nước Nhật một ngày nào đó sẽ đứng dậy chống sự áp đặt của phương Tây chăng? Yukio Shimanaka khẽ nhún vai. “Không. Hết rồi.” Song, xét cho cùng, việc người Nhật tự suy nghĩ, không cần sự hướng dẫn từ bên trên có là một dấu hiệu tích cực không? Một biểu tượng chín chắn về chính trị? Yukio trả lời ngay:
“Tôi không hoàn toàn đồng ý với ông được. Dù sao, khái niệm công dân đến với nước chúng tôi chậm, cũng như ở nước các ông. Người Nhật hoặc người Pháp bình thường của thế kỷ XVI, XVII. Khái niệm ấy chỉ thực sự có ở nước Nhật từ triều đại Edo (1603- 1867).
Yukio bồi thêm:
“Chúng tôi không chờ đợi người ngoài đến đây để xây dựng một xã hội biết tôn trọng cá nhân. Nếu không, bây giờ ông không thể đọc văn học triều đại Edo, xem một vở kịch của Kabuki. Kể cả trước đó, từ thế kỷ XVIII, dưới triều đại Kamakura, nước Nhật đã có một thời kì phát triển về nghề thủ công mang dấu ấn cá nhân và có sáng tạo. Còn các võ sĩ đạo của chúng tôi, cứ so sánh họ với các hiệp sĩ của các ông. Có khác là võ sĩ đạo của chúng tôi tự do hơn. Cho nên, thật sai lầm nếu cho rằng tất cả những công dân bình thường đều bị kềm kẹp trong nanh vuốt của lãnh chúa. Tầng lớp ưu tú của chúng tôi không phải chỉ ở trong giới võ sĩ đạo, mà ở cả những người thường. Sau ba, hoặc bốn đời, xuất hiện những gia tộc buôn bán lớn. Còn giới quý tộc vẫn nghèo. Điều này cũng khác với nước các ông, ở đó hiệp sĩ có thể trở thành quý tộc; ở Nhật thì không hề có như thế. Quý tộc vẫn là một tầng lớp xã hội bất di bất dịch. Họ không đánh ai, không giết ai. Võ sĩ đạo làm thay họ, giống như Hồng y bên cạnh Giáo hoàng.”
Những truyền thống đã lụi tàn
Phải làm gì để hòa giải truyền thống với hiện đại?
“Một người Nhật chỉ có thể thích nghi với môi trường chung quanh khi thay đổi hoàn toàn hệ quy chiếu của anh ta. Ví dụ: Chủ một xí nghiệp Nhật đã được giáo dục để đạt trình độ ‘lịch sự quý phái’ chủ yếu ở trong cơ sở của ông ta. Nhưng ở nước ngoài thì sao? Mỗi khi người ta cử họ ra nước ngoài để xây dựng những xí nghiệp thì não trạng của họ thay đổi. Song muốn có được những thay đổi đó, phải thay đổi toàn bộ hệ quy chiếu của họ. Đối với nước Nhật cũng vậy thôi. Phải thay đổi cả hệ thống xã hội, cả trong xí nghiệp. Ở nước các ông, người chủ quyết định, giám đốc quyết định. Ở đây thì không phải như vậy. Có một ủy ban quyết định. Phải có sự nhất trí. Ông chủ, chủ tịch hoặc giám đốc chỉ có mặt ở đó để chuẩn y, ông ta có quyền phủ quyết, nhưng quyết định thì vẫn thuộc về tập thể. Ông chủ chỉ có thể nói ‘có’ hoặc ‘không’, ông ta không đề nghị cũng không ra lệnh.”
Yukio Shimanaka không sợ nói thật:
“Tôi biết quan điểm của tôi thật sự độc đáo. Rất khác với quan điểm người khác. Nhưng là một quan điểm có thật. Tôi là một người theo chủ nghĩa truyền thống. Chúng tôi thích chiêm ngưỡng những tác phẩm sản sinh từ sự sáng tạo của dân tộc Nhật. Một cuộc triển lãm, một vở kịch của Kabuki. Và để xem Kabuki, phải biết tiếng Nhật. Để biết tiếng Nhật, phải biết đọc, phải học tiếng Kanji (chữ Trung Quốc, với hai mẫu tự Hiragana và Katakana, hợp thành văn tự Nhật truyền thống). Phải biết đọc văn học Edo. Và muốn hiểu thấu đáo văn học Edo, phải biết văn học cổ điển Trung Quốc trước công nguyên. Người Pháp các ông, các ông đã bỏ dạy tiếng la tinh. Chúng tôi, chúng tôi đã bỏ dạy tiếng Kanji. Đáng tiếc thật!”
Gương mặt của Yukio Shimanaka không hề bộc lộ những tình cảm của ông khi ông nói. Nhưng giọng nói của ông rất đanh thép:
“Người Nhật bây giờ không còn có thể sáng tạo ra từ mới từ văn tự Trung Quốc nữa. Bởi vì nếu không hiểu nguyên gốc của từ thì không sáng tạo được. Thật tệ hại. Ông xem: để gọi điện thoại bây giờ là phải nói telefon. Trước đây người ta nói đến denwa. Den là từ để chỉ điện, wa là lời nói. Điện thoại có nghĩa là ‘lời nói bằng điện’. Chúng tôi có thể tạo ra mọi từ mới và từ khoa học thỏa thích. Trước chiến tranh, dưới triều đại Minh Trị, chính người Nhật đã tạo ra từ mới rồi truyền cho người Trung Quốc, người Triều Tiên. Tất cả những thuật ngữ kĩ thuật hoặc triết học hiện đại đều gốc từ Nhật. Bởi vậy, keizai có nghĩa là ‘kinh tế’. Từ đó không có trong tiếng Hoa, cũng không có trong tiếng Nhật. Chính những người Nhật am hiểu văn học Trung Hoa và cả văn học Châu Âu, đã dịch, đã phát minh ra từ đó. Người Trung Hoa và người Triều Tiên vẫn luôn sử dụng. Còn người Nhật nay đã mất khả năng sáng tạo này rồi.”
Yukio Shimanaka thú nhận đã bắt đầu say mê truyền thống Nhật khi tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, lúc ông sống ở Pháp.
“Chính vì lẽ đó mà tôi rất yêu thích Kabuki, những lễ hội mùa của chúng tôi. Tôi cố tạo lại các lễ hội này cho con tôi vào dịp Tết và những ngày lễ lớn, để truyền lại cho chúng tình yêu truyền thống đó.”
Ông nói tiếp:
“Nước Nhật có một nhà tiểu luận, ông đã chết từ hơn 20 năm nay, là Oya Soichi. Một nhà văn tiểu luận vĩ đại. Ông rất thích nêu lên những cách ngôn. Một hôm, ông nói: ‘Người cánh hữu là bảo thủ, đó là người có đi ra nước ngoài. Người cánh tả, đó là người cả đời chỉ ở trong nước Nhật.’ Tôi cho rằng quả đúng như thế. Niềm hi vọng của tôi là ở lớp trẻ Nhật ngày càng đông đi du lịch nước ngoài: ở Pháp, ở Châu Âu. Mười năm trước đây, chúng chỉ đi Hawai, đảo Guam hoặc Hoa Kỳ, Los Angeles hay NewYork. Bây giờ tiếp xúc với Pháp, Đức, Châu Âu, tiếp xúc với nhạc viện, với nền văn hóa của các nước đó, chúng bắt đầu hiểu sự khác nhau giữa Nhật Bản với nhiều nước khác.”
Như vậy, việc Nhật Bản mở cửa ra thế giới cũng là một cơ may chăng?
“Vâng. Cuối cùng chúng tôi đã có cơ may thức tỉnh. Khá khó khăn và nặng nề. Nhất là khi người ta đang đắm mình trong sự sung túc vật chất, trong tiện nghi. Điều đó đang hủy diệt nền văn minh Nhật Bản.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.