Nước Nhật mua cả thế giới
II – Phần 8
Nền dân chủ Nhật Bản: một thứ chủ nghĩa duy vật nguy hiểm?
Yukio Shimanaka cho rằng nền dân chủ phương Tây được sao chép vào xã hội Nhật Bản, có nguy cơ tạo ra một hệ thống chủ nghĩa xã hội duy vật đặc biệt nguy hiểm cho thế giới. Nó sẽ tiêu diệt nốt những truyền thống Nhật Bản. Mặt khác, nó còn làm cho người Nhật trở thành những kẻ chỉ còn biết hướng về sản xuất và tiêu thụ. Một bàn đạp cho cuộc chinh phục hung hãn, mù quáng các thị trường thế giới.
“Nếu nước Nhật cứ tiếp tục đà này, nó sẽ chinh phục hết các thị trường. Người Nhật sẽ cư xử với thế giới như những con voi trong rừng già: chúng không hề lúc nào nghĩ đến sự có mặt của các loài thú khác. Chúng tôi chỉ có suy nghĩ là làm việc hết sức mình, và, như những con voi, chúng tôi lao về phía trước, không bao giờ nghĩ đến bao nhiêu cây cối ngã rạp trên đường chúng tôi qua, không quan tâm đến những tàn phá mà chúng tôi gây ra.”
Tự nhận mình là người theo chủ nghĩa truyền thống, không hề là điều dễ dàng ở Nhật.
“Ông xem, khi một người vừa nói điều gì bênh vực sự tôn trọng truyền thống, người đó bị liệt vào phe hữu! Thật là cố chấp.”
Yukio Shimanaka bỗng phá lên cười. Ông nói đến Đảng Xã hội Nhật và lãnh tụ Đảng, bà Takako Doi, một phụ nữ, theo ông, chẳng hiều gì về nền văn hóa cổ Nhật Bản.
“Chẳng hạn, tại sao những phụ nữa của Đảng Xã hội Nhật lại công kích Kabuki? Là vì trên sân khấu không có nữ diễn viên. Thật lố bịch và điên rồ! Đó chính là truyền thống duy nhất của những nhóm nghệ sĩ Nhật thế kỉ XV còn sót lại. Với sân khấu Nô cũng vậy. Ở Pháp, như ông biết, vào trước thế kỉ XV, các vai phụ nữ đều do những diễn viên nam đóng. Chỉ sau đó mới có các diễn viên nữ, vào thời Molière. Người Nhật đã bảo tồn truyền thống đó. Các ông thì đã bỏ nó rồi. Còn tôi, tôi cho rằng gìn giữ lại là điều quan trọng.”
Makoto Kuroda: sức mạnh của nước Nhật không phải là vĩnh cửu
Makoto Kuroda đã trải qua nhiều chức vụ danh tiếng, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương, nguyên tổng giám đốc MITI, ông đã giữ vai trò chủ chốt trong điều hành đường lối công nghiệp của Nhật. Nguyên là đại diện Nhật đàm phán với Hoa Kì về các vấn đề thương mại, vào lúc cao điểm của cuộc chiến tranh mậu dịch có nguy cơ đe dọa cả Tokyo và Washington, ông là một trong số những nhân vật hòa giải chính đã bảo vệ “hòa bình” cho cả hai bờ Thái Bình Dương. Cố vấn đặc biệt của Tổ chức kinh tế Nhật Bản, cố vấn của nhiều công ty tài chính và công nghiệp tư nhân, Makoto Kuroda hoàn toàn có thể tự hào về sự nghiệp đặc biệt sáng chói của mình. Khi ông nói, ông tỏ ra rất tự tin.
“Vào lúc này, khi đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh, nước Nhật trở nên hùng mạnh. Chúng tôi đang trội hơn phương Tây của các ông một chút. Chúng tôi còn có thể duy trì ưu thế này trong vài năm nữa. Chúng tôi đang dẫn trước các ông. Chúng tôi đã tiến hành tốt việc thích nghi với hoàn cảnh mới, với việc ứng dụng các cải tiến công nghệ mới. Nhưng, ông biết đấy, cơ may của chúng tôi đã ở về phía sau. Nó không còn mang lại hiệu quả tốt đối với nền kinh tế Nhật. Đã hết rồi cái thời hạ giá dầu thôi, vốn tạo nhiều thuận lợi cho chúng tôi về kinh tế. Chúng tôi cũng còn gặp may, nhưng chúng tôi đã trở lại hoàn toàn cảnh bình thường. Vâng, đúng thế… Chúng tôi còn khá mạnh và tiếp tục còn mạnh, và chúng tôi đã nắm giữ được xu thế phát triển kinh tế trên thế giới. Nhưng những điều kiện thành công của chúng tôi trước đây thì nay không còn tác động như trước nữa.”
Xã hội già nua nhất thế giới
“Còn nhược điểm chủ yếu của chúng tôi, vắn tắt đó là tình trạng đầu cơ tín dụng, đầu cơ địa ốc. Chính sách tiền tệ và tài chính của chúng tôi có nguy cơ gây ra lạm phát. Theo nghĩa đó, tôi cho rằng việc hạ tín dụng từ cuối năm 1989 không nhất thiết là một điều xấu. Đó là một sự sửa sai cần thiết, một sự điều chỉnh lành mạnh. Tuy nhiên, giá nhà đất cứ tiếp tục tăng. Hiện tượng này gây căng thẳng xã hội. Nước Nhật may mắn biết đến một xã hội bình quân, ở đó mỗi người đều cảm thấy mình ở vào tầng lớp trung lưu. Điều trước đây rất có lợi cho sự phát triển kinh tế thì nay đang trở thành vấn đề. Đó là một những nhược điểm của chúng tôi. Một nhược điểm khác có ảnh hưởng cơ bản hơn, đó là cơ cấu dân số. Đến đầu thế kỷ sau, chúng tôi sẽ là một xã hội già nhất thế giới. Người Nhật trong tuổi lao động sẽ phải gánh nặng thêm: số người già về hưu sẽ nhiều hơn. Liệu chúng tôi có thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của những người già ấy không? Tôi không biết.”
Có phải nước Nhật đang dẫn đầu mọi lĩnh vực?
Makoto Kuroda nói:
“Chắc là không. Chẳng hạn, chúng tôi rất lạc hậu trong lĩnh vực không gian. Trong lĩnh vực vũ khí cũng vậy. Vì chúng tôi cấm xuất khẩu vũ khí, thị trường chúng tôi bị co hẹp và chúng tôi cũng không sản xuất cái gì ra hồn trong lĩnh vực này. Lĩnh vực hàng không cũng không phải là thế mạnh của chúng tôi. Để khắc phục sự chậm trễ trong lĩnh vực này, chúng tôi phải đầu tư lớn. Người Mỹ và người Châu Âu các ông đi trước chúng tôi trong các lĩnh vực đó. Nhưng, chúng tôi đang muốn đuổi kịp các ông. Chúng tôi đã tiến hành các chương trình hợp tác với Mỹ và Châu Âu. Nhưng ở đây, mục tiêu của chúng tôi không phải là dẫn đầu, mà chỉ đơn giản là khắc phục tình trạng chậm trễ của chúng tôi.”
Tôi đường đột đặt một câu hỏi mà nhiều nhà công nghiệp phương Tây đã đặt ra: phải chăng những nhà kinh doanh lớn của Nhật thương lượng với nhau để phân chia “cái bánh thị trường thế giới”, nhằm tránh một cuộc đụng đầu tiêu diệt lẫn nhau? Nói cách khác, phải chăng ở Tokyo người ta có ý định đi đấn thỏa thuận bí mật, như ở phương Tây người ta thường có ấn tượng về những trục chiến lược của cuộc chinh phục ở nước ngoài nhằm tránh những tình huống cạnh tranh mà các nhà công nghiệp Nhật phải trả giá đắt? Chẳng hạn như ông chủ Nissan, Toyoto và Honda cùng đứng trước một quả địa cầu, tại một cuộc họp tuyệt mật, để phân chia thế giới?
Makoto Kuroda nhìn tôi trước khi trả lời:
“Không. Những nhà công nghiệp Nhật không thương lượng với nhau về những vấn đề như thế. Điều đó không thể có. Cạnh tranh là một cuộc chơi tự do. Thế giới trở nên hẹp. Những nhà công nghiệp của chúng tôi cảm thấy nhu cầu phải mở những đơn vị sản xuất ở nước ngoài, gần thị trường tiêu thụ hơn. Đó là xu thế chung ở nước chúng tôi. Mở một xí nghiệp ở nước ngoài sẽ có lãi hơn là duy trì những cơ sở xuất khẩu của chúng tôi. Và trong quá trình phi địa phương hóa này, tình hình cạnh tranh trong nội bộ nước Nhật cũng rất khắc nghiệt. Không thể có loại thương lượng như thế. Không thể đồng ý với hình thức đó. Không có những cuộc họp tuyệt mật. Đúng là như chỗ tôi biết có một số người Mỹ ngây ngô quả quyết rằng chúng tôi có những thỏa hiệp giữa những tập đoàn lớn với nhau. Nhưng điều đó không đúng. Chỉ có cạnh tranh. Và chính đó làm nên sức mạnh của chúng tôi.”
Tôi chuyển qua một câu hỏi mà tôi đã biết câu trả lời của ông: nước Nhật có muốn chinh phục thế giới, như bà Edith Cresson nói không? Hoặc như Roger Fauroux nghĩ? Nếu xe hơi Nhật bán được nhiều hơn, phải chăng chỉ đơn giản vì xe Nhật tốt hơn và rẻ hơn?
“Fauroux có lý 100 %. Còn điều bà Cresson nói thì trừu tượng quá. Tôi hi vọng chỉ đại diện cho một thiểu số những nhà lãnh đạo của các ông. Bà đại diện cho M.Calvet! Và không đại diện cho ai khác!”
Makoto Kuroda phá cười làm tôi hơi lạnh xương sống.
“Tôi luôn tự hỏi tại sao bà Cresson lại có quan điểm như vậy. Bà trước là Bộ trưởng ngoại thương. Với tư cách đó, bà đã đến Nhật. Như vậy bà không thể không biết về nước Nhật. Vậy mà bà đã nói lên những điều ngu xuẩn như vậy! Tại sao? Tôi thật sự tự hỏi mình như vậy.”
Tôi trả lời là ở Châu Âu, rõ ràng những khoản đầu tư của Nhật đã giết chết nhiều ngành công nghiệp Pháp. Tôi kể ra ví dụ về nước Anh mà người ta nói là đã bị tư bản Nhật xâm lược mất rồi.
Makuto Kuroda đáp:
“Tôi có thể đảm bảo với ông rằng nước Nhật không hề có ý định thống trị lực lượng công nghiệp thế giới. Đúng là chúng tôi đang cố gắng để trở nên mạnh. Nhưng không hề có ý định thống trị. Về lập luận cho rằng nước Nhật có thể kiểm soát được nền kinh tế của một quốc gia khác, thì lịch sử đã chỉ ra rằng việc đóng cửa biên giới không bao giờ tăng cường nền kinh thế quốc gia. Chính sách bảo hộ làm quốc gia đó yếu đi, hơn là làm cho nó mạnh lên. Ông có tin rằng công nghiệp điện tử của nước Pháp bây giờ mạnh hơn trước không?”
Châu Âu năm 1992 không làm nước Nhật sợ hãi
Nước Nhật có lo sợ Châu Âu năm 1992 sẽ trở thành pháo đài bảo hộ không?
Makoto Kuroda đáp không chút do dự:
“Ý tưởng về năm 1992 bản thân nó tồn tại chỉ vì những nhà lãnh đạo của ông cho rằng Châu Âu cần một sự cạnh tranh ngày càng tăng, vì Châu Âu đụng đầu với những biến đổi công nghệ lớn. Tôi cho rằng những nhà lãnh đạo này rất đỗi thông minh khi dặt năm 1992 như một thời hạn đích. Nhiều người Châu Âu các ông cũng khác đấy. Hãy xem cách Châu Âu lôi kéo được sự chú ý của toàn thế giới! Một vài người Mỹ báo động rằng các ông đang xây dựng một pháo đài ở Châu Âu. Nhưng tôi, tôi nói rằng Châu Âu không có cách nào trở thành pháo đài. Lý lẽ sống còn của năm 1992 chính là cần phải cạnh tranh nhiều hơn. Tại sao các ông lại thỏa mãn với một thị trường 320 triệu dân? Thị trường ấy không đủ. Thị trường phải là cả thế giới. Nhưng hãy cảnh giác với những quan chức của các ông ở Bruxelles. Có những người quá thông minh, quá nhiệt tình đến mức muốn sử dụng cả giới hạn của cuộc thương lượng có được, để thông qua những luật lệ hạn chế và những quy định kĩ thuật ngu xuẩn, những quy định về nội dung địa phương trong sản xuất phi địa phương hóa của nước ngoài, về việc chống phá giá, hay xí nghiệp gia công. Hãy cảnh giác với những cái đó. Rất nguy hiểm!”
Đột nhiên, Makoto Kuroda đưa mắt lo lắng nhìn máy ghi âm của tôi. Ông giả bộ bị bất ngờ, hay là như tôi nghĩ, ông đã biết rõ là máy đang chạy? Ông kêu lên: “Ồ, ông ghi âm à!” Rồi ông phá lên cười.
Phương Tây không có bài học nào dạy cho Nhật
Với một sức mạnh về kinh tế như vậy, liệu nước Nhật có cần giữ một vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế về mặt chính trị và ngoại giao hay không? Khi tôi đặt ra câu hỏi đó với ông, liệu Makoto Kuroda cảm thấy như đây là một cái bẫy? Liệu ông có bác bỏ như mọi lần không?
“Ông nghĩ rằng chúng tôi cần phải lên tiếng ở những lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực kinh tế ư? Nhưng ông nên hiểu rằng chúng tôi không muốn dùng sức mạnh để áp đặt quan niệm triết học của chúng tôi cho người khác. Trên bình diện kinh tế, quốc tế đã được quốc tế hóa. Sức mạnh của thị trường đã phá đổ các biên giới; mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn chia thành 160 nước có chủ quyền. Và còn có một vài nước còn khá ngây thơ nghĩ rằng họ có thể ngăn trở sự tự do trong trao đổi kinh tế. Trong một cuộc chơi kinh tế có tính toàn cầu này, đúng là chúng tôi đã cố gắng phát động lý tưởng về nền kinh tế dân tộc và muốn đạt tới một thế mạnh công nghiệp nào đó. Nếu không có một sức mạnh công nghiệp thì chúng tôi không thể vươn đến một mức sống tốt hơn. Nhưng điều cần phải làm không phải chúng tôi giành phần to hơn trong cái bánh; mà chính là có một cái bánh to hơn để cho mỗi người đều có thể có phần mình ngon hơn!”
Ông nói tiếp:
“Còn về chính trị, triết học, văn hóa, người Pháp luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ”
Tiếng cười của Makoto Kuroda quả có tính trêu chọc. Nhưng ông nói đúng.
“Người Trung Quốc xưa kia cũng đã tự xem là trung tâm của vũ trụ. Người Mỹ cũng vậy, họ trở thành hơi kì quặc khi họ bắt đầu nghĩ rằng xã hội Mỹ là phải tốt nhất thế giới và cách làm của họ có giá trị phổ biến! Còn những người Nhật chúng tôi, chúng tôi không có ý định ấy. Người Pháp chắc là rất tốt, nhưng họ đâu phải là ưu tú nhất! Người Trung Hoa có thể cống hiến nhiều điều rất hấp dẫn, nhưng chúng tôi không có ý định theo gương họ. Còn người Mỹ, họ đưa ra nhiều điều thú vị. Nhưng phải chăng họ chờ đợi chúng tôi thay đổi xã hội để chúng tôi có quan hệ tốt với họ ư? Ông thấy đấy, mỗi quốc gia có nền văn hóa riêng, một hệ thống giá trị riêng, truyền thống riêng, lịch sử riêng. Đó là lý do tại sao tôi lại chịu khó trả lời khi người ta nói rằng, nước Nhật thay vì giữ im lặng, cần phải đóng một vai trò tích cực hơn trong nền chính trị thế giới. Lúc này chúng tôi tỏ ra thụ động. Chúng tôi ở thế thụ cảm với người khác. Bởi vì chúng tôi cố giữ hòa hợp với mọi người. Có gì xấu đâu?”
Okita Saburo: Thế giới ngày mai sẽ thành thế ba cực
Nguyên bộ trưởng Bộ ngoại giao, chủ tịch Viện nghiên cứu chính trị đối nội và quốc tế của Nhật, Okita Saburo là nhân vật thuộc hàng lão làng của nền ngoại giao Nhật Bản. Hiểu biết của ông về thế giới là đáng học tập. Ông đã thăm Trung Quốc 20 lần. Sinh ở Mãn Châu – Trung Quốc, lúc xứ này còn nằm dưới ách đô hộ của Nhật, ông thuộc nhóm số ít những nhà chính trị Nhật Bản đã làm nên lịch sử nước Nhật sau chiến tranh. Vào độ tuổi hơn 70, ông không chút kiêu ngạo về quá khứ. Chỉ mãn nguyện về một cuộc sống trọn vện với một sứ mệnh đã hoàn thành. Tuy nhiên không có chuyện ông về hưu. Ông thuộc số những con người chỉ chịu chết khi đang còn làm nhiệm vụ. Tôi biếu ông một món quà làm kỉ niệm của nước Pháp. Rất nhạy cảm, ông lục tủ sách và tặng tôi bốn cuốn sách ông viết về nền kinh tế Nhật và vai trò của nước Nhật trên thế giới. Ông nói chậm, vẻ mệt nhọc. Ông dè xẻn cử chỉ. Nhưng ông nói tiếng Anh thông thạo, trong sáng.
Nhiều người nói rằng trung tâm địa lý chính trị thế giới sẽ chuyển sang Châu Á vào thế kỷ tới. Sau thế kỷ của Hoa Kỳ, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Châu Á – Thái Bình Dương chăng?
“Tôi không tin điều đó có thể xảy ra. Những người nói điều đó đã quan sát thấy tỷ trọng của Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đang lớn dần trên thế giới. Nhưng hiện nay, chúng ta cũng đang chứng kiến việc xây dựng Châu Âu năm 1992 và mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Châu Âu với Đông Âu, kể cả với Liên Xô. Đây có thể tạo ra một sức mạnh làm hồi sinh Châu Âu. Tôi chờ đón một sự tăng trưởng kinh tế năng động ở Châu Âu cũng như ở Thái Bình Dương. Tầm quan trọng tương ứng của chúng sẽ phát triển trong tương lai. Thế giới sẽ tổ chức lại theo ba cực kinh tế chủ đạo: Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á.”
Nước Nhật không thể thống trị thế giới
Mục tiêu cuối cùng của Nhật là có là thống trị thế giới không?
Okita Saburo mỉm cười:
“Đó là một nhận xét thật ngu xuẩn! Đúng là chúng tôi có đạt được những tiến bộ đều đặn về công nghệ. Nền kinh tế của chúng tôi đã ghi được nhiều điểm và đang tăng trưởng với nhịp độ tương đương với Châu Âu hoặc Châu Mỹ. Nhưng về lâu về dài, tôi đồng ý rằng nước Nhật có thể bị kẹt với các nước Châu Á đang phát triển nhanh hơn. Ông hãy thử để mắt đến số lượng hàng hóa Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Đông Nam Á trên thị trường chúng tôi. Tình trạng cạnh tranh mặt hàng điện tử đang rất gay gắt ở Mỹ. Các nền kinh tế ở phần còn lại của Châu Á đang lao vào quá trình khắc phục sự chậm trễ so với Nhật. Ngoài ra có một yếu tố có thể làm sống dậy nền kinh tế Hoa Kỳ. Bây giờ một số đông người Mỹ đã nói: ‘Chúng ta phải thức dậy! Hỡi những người Mỹ, hãy thức dậy!’ đại loại là có những khẩu hiệu tương tự! Cách đây không lâu, một biên tập viên tờ New York đã nói: ‘Đối với Hoa Kỳ, tuôn ra lời rủa xả chống lại Nhật Bản chẳng có nghĩa gì. Điều quan trọng là ở chính người Mỹ!’ Châu Âu cũng vậy. Có gì tích cực trong tuyên bố của bà Cresson không? Tuôn ra lời rủa xả nước Nhật, như thế là tích cực ư? Ngược lại, có hại cho Châu Âu, cũng như nước Pháp. Thay vì như thế, những người Châu Âu các ông hãy thức dậy! Và hãy liên kết sức mạnh của chúng ta, những người Nhật, những người Mỹ và những người Châu Âu, để cống hiến cho sự phát triển ở những vùng chậm tiến nhất của thế giới.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.