Nước Nhật mua cả thế giới
III – Phần 2
Thành tựu kinh tế của Nhật Bản từ năm 1979 đến năm 1981 | ||||||
Chỉ số tăng trưởng thực của GNP | Chỉ số gia tăng lạm phát | |||||
1979 | 1980 | 1981 | 1979 | 1980 | 1981 | |
Nhật Bản | 5,9 | 5 | 3 ¾ | 3,6 | 6 ¼ | 5 ¼ |
Hoa Kỳ | 3,2 | – ¾ | ¾ | 11,3 | 10 ½ | 10 |
CHLB Đức | 4,5 | 1 ¾ | – ¼ | 4,1 | 5 ¼ | 4 |
Anh | 1,6 | – 2 ¼ | – 2 | 13,4 | 15 ½ | 12 |
OCDE | 3,3 | 1 | 1 | 8,6 | 11 ¼ | 9 ¾ |
Hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế của Nhật Bản: sau một thời gian dài tự mặc cảm rằng đất nước mình sẽ không bao giờ tiến được xa, người Nhật đã dần dần lấy lại sự tự tin. Mặc cảm tự ti trước người da trắng vẫn còn đó, nhưng đã bắt đầu mờ nhạt. Năm 1964, một cuộc thăm dò dư luận của NBC (Nippon Broad casting Corporation) cho thấy 65 % người Nhật được hỏi đã nghĩ rằng phương Tây “vượt” trên Nhật Bản về mặt kinh tế. Chỉ 17 % là có ý kiến ngược lại. Năm 1971, tình hình đã hoàn toàn đảo ngược: 40 % người Nhật cho rằng Nhật Bản “vượt” trên phương Tây so với 15 % ngược lại. Còn đối với người Tây phương, châu Á còn quá xa xôi và Nhật Bản thì còn quá nhỏ bé nên tham vọng của khu vực và đất nước này muốn giành ưu thế trên thế giới, đối với họ, vẫn chưa có gì nguy hiểm. Thế nhưng…
Hai điển hình cho sự thành công ngạo nghễ của Nhật Bản
Người ta có thể lên án Nhật Bản vì tất cả các trò lừa đảo trong thương mại và tất cả các trò phản trắc về tài chính. Nhưng ai cũng phải thừa nhận thiên tài của Nhật Bản trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo các sản phẩm tiêu dùng hấp dẫn và thực tiễn. Phủ nhận điều này sẽ là một sự lố bịch. Thái độ đó giống như con đà điểu vùi đầu xuống cát để từ chối nhìn thẳng vào sự thật. Hơn nữa, hàng hóa của Nhật Bản nói chung đều tốt. Đã từ lâu, chúng không còn đồng nghĩa với hàng dỏm nữa. Ngày nay, ta sẽ thấy lố lăng khi xem lại một đoạn trong bộ phim Mỹ Công chúa và cướp biển, trong đó Bop Hope đang ném một cái nhìn giận dữ lên khẩu súng bị kẹt đạn của mình và bực bội thốt lên: “Made in Japan!” Để minh họa cách thức mà Nhật Bản đã leo lên hàng đầu trong số các cường quốc công nghiệp của thế giới, chúng tôi xin chọn mô tả hai quá trình: quá trình phát triển của công nghiệp điện tử và quá trình phát triển của công nghiệp xe hơi. Thật ra, chúng tôi cũng có thể chọn những điển hình khác, vì các ví dụ về thành công của Nhật Bản phải nói là vô số.
Ngành đồng hồ chẳng hạn. Thử hỏi nhà sản xuất đồng hồ nào của châu Âu là không bị tổn thương trước những tiến bộ vượt bực của ngành đồng hồ Nhật Bản? Có thể khẳng định rằng không ai trong số đó là không bị tổn thương cả. Sự cạnh tranh bất ngờ của nhà chế tạo Nhật Bản – như la Seiko, Citizen hay các hãng khác – đã làm rung chuyển một cách dữ dội sự độc quyền của châu Âu, đến mức mà các hãng nổi tiếng, đã phải phá sản vì không còn khách mua. Không còn một pháo đài nào còn được dành lại cho châu Âu: từ đồng hồ đeo tay loại thường đến đồng hồ đeo tay loại cao cấp; từ đồng hồ báo thức loại phổ cập đến đồng hồ quả lắc trong nhà bếp; từ đồng hồ văn phòng cho đến các đồng hồ công cụ chính xác… Khắp mọi lĩnh vực người Nhật đều đặt dấu chung cuộc. Người Nhật là những người đầu tiên đã tung ra thị trường với số lượng lớn các loại đồng hồ điện tử Quart vận hành tốt hơn và giá rẻ hơn các loại đồng hồ chạy bằng cơ truyền thống. Người Nhật cũng là người đầu tiên bán ra các loại đồng hồ có ghi năm, tháng, trước cả khi các hãng Tây phương kịp nhận ra thảm họa để có thể ngăn chặn một sự xuất huyết, thì các hãng Nhật Bản đã tiêu diệt gọn một bộ phận cạnh tranh đáng kể nằm bên ngoài biên giới của mình. Đến năm 1990, trong số 753 triệu đồng hồ sản xuất ra trên thế giới, riêng đồng hồ Nhật đã chiếm 325 triệu chiếc. Ngành đồng hồ Thụy Sĩ chỉ còn 78 triệu chiếc. (7)
[7] Thống kê của hãng đồng hồ Citizen, hãng sản xuất đứng thứ hai trên thế giới.
Chuyện tương tự cũng đã diễn ra với xe máy. Các nhà chế tạo Nhật Bản đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường này từ cuối những năm 60. Cuộc đánh cược thật là khó khăn và liều lĩnh, bởi vì người Nhật không hề có kinh nghiệm đáng kể nào trong lĩnh vực này. Nhưng các samourai bước vào cuộc cạnh tranh này không thể nào chỉ dựa vào thị trường hạn hẹp của nước mình để mà sống. Để không phải thất bại một cách thảm hại, cần phải hấp dẫn được khách hàng Tây phương và xuất khẩu hàng loạt. Đối với các xí nghiệp của châu Âu và Hoa Kỳ, bầu trời khi ấy hãy còn rất xanh, không một áng mây. Norton, BSA, Triumph của Anh; Guzzi, Ducati của Ý và nhiều hãng khác nữa đã bán ra các loại xe mô tô và xe đạp gắn máy với một quy trình thiết kế và mẫu mã (Design) rất ít thay đổi so với hồi trước chiến tranh. Các kiểu dáng đề nghị chỉ có tính chất phụ thuộc và mỗi hãng tự điều hành lĩnh vực thương mại của mình. Động cơ bốn thì, thắng trống, ăn lái nhẹ và tạo cảm xúc mạnh ở những khúc quanh, đảm bảo không chảy dầu và rung động: các xe máy này đã là niêm vui của lớp trẻ sôi động. Khi mới xuất hiện trên thị trường, những chiếc xe máy đầu tiên của các hãng Nhật Bản Honda, Suzuki, Kawasaki và Yamaha không có gì là cách mạng sâu sắc. Nhưng người Nhật quả đã mang lại những sản phẩm cách tân. Bởi các xe máy của họ đều sạch sẽ, đều được trang bị bởi một động cơ mạnh, đều có gắn bộ khởi động điện và có nhiều chiếc được mạ crôm. Hơn nữa, những chiếc xe hào nhoáng với tiếng kêu như muỗi ấy lại dễ khởi động, mùa hè cũng như mùa đông. Yếu tố thuyết phục cuối cùng cho những ai còn do dự: giá của chúng quá rẻ!
Thành công của người Nhật diễn ra tức khắc và như sét đánh. Sức bán của các đối thủ cạnh tranh châu Âu cũng hạ xuống một cách đột ngột và vô phương cứu vãn. Vài năm sau đó, vẫn còn những quái xế châu Âu, với bộ ria mép và chiếc áo da dày, tiếp tục trung thành với những chiếc mô tô khổng lồ nhiều phân khối của Anh hoặc Ý. Đối với họ, các xe máy Nhật Bản kia không phải là những mô tô thực thụ, mà chỉ là một thứ xe đạp máy cho các cậu công tử con nhà giàu. Thế là, năm 1969, xuất hiện một loại mô tô Nhật Bản mang tên là CB 750 Honda. Đó là một chiếc xe bốn xi lanh, bốn thì, 750 phân khối với công suất lên đến 67 mã lực. Bản thân tôi cũng đã từng có một chiếc như vậy và phải thừa nhận rằng tôi đã dành cho nó tất cả lòng yêu mến. Nó rất đẹp, thanh lịch và chạy rất tốt sau gần 100.000 cây số đường. Kể từ 20 năm nay, chiếc xe đã mang đến một phát minh tầm cỡ: thắng đã ở bánh trước. Hơn nữa, nó có thể đạt đến 170 cây số/giờ một cách dễ dàng và an toàn. Kiểu xa này là một biểu tượng cho sự ưu việt của Nhật Bản trong lĩnh vực xe máy.
Kể từ thời điểm ấy, Nhật Bản là nước duy nhất ấn định các định chuẩn của xe máy cho các khách hàng Tây phương. Và hậu quả không lấy gì đáng ngạc nhiên đã diễn ra: lần lượt nối đuôi nhau, các nhà chế tạo châu Âu ngoại trừ hãng BMW đã phải đóng cửa. Thật ra, ở Hoa Kì cũng còn hãng Harley Davidson vất vả bán những chiếc xe máy của mình cho các người mua không sành điệu. Nhưng, ngoại trừ hãng này và hãng BMW của Đức và một vài cơ sở không đáng kể khác, công nghiệp xe máy của phương Tây đã ngưng tồn tại. Mặc dù vậy, người Nhật vẫn không hề giảm bớt mức xông xáo. Họ luôn tự khẳng định mình bằng một tinh thần không ngơi nghỉ. Tại sao vậy? Bởi vì sự cạnh tranh đã dời về nước Nhật và giờ đây nó đang diễn ra giữa những nhà chế tạo của chính xứ sở Mặt trời mọc…
Chúng ta cũng có thể nêu thêm trường hợp của ngành nhiếp ảnh: trước khi xuất hiện trên thị trường vào những năm 60 các máy ảnh Nikon, Asahi Pentax và Minolta, các nhà sản xuất máy ảnh của châu Âu và Hoa Kỳ đã trải qua những năm tháng huy hoàng. Người Pháp là vô địch trong lĩnh vực quang học. Người Đức bán các kiểu máy ảnh nổi tiếng là bền của mình. Người Mỹ tung ra hàng loạt các máy ảnh với giá hạ. Còn bây giờ thì sao? Chỉ còn duy nhất hãng Kodak là sống sót. Rất nhiều hãng đã bị sập tiệm. Nhiều hãng khác đang chới với do tiếp tục “cứng đầu” trước một sự thất bại không thể đảo ngược được. Trong lĩnh vực máy thu hình, công nghiệp sản xuất phim 8 mm đã lạc hậu từ lâu và được thay thế bởi các caméscope. Người Nhật hầu như là những kẻ duy nhất trên thị trường này. Họ đang chuẩn bị đè bẹp các nhà cạnh tranh châu Âu trong lĩnh vực vô tuyến truyền hình. Trong lĩnh vực máy ghi hình (magnétoscope), cuộc chơi đã phân định: chỉ có người Nhật, người Nam Triều Tiên và người Đài Loan.
Công nghiệp điện tử: người Mỹ bị đánh gục
Nhưng ta hãy tạm ngừng bản liệt kê này lại. Chúng tôi sẽ không đề cập tiếp đến các lĩnh vực điện gia dụng, lĩnh vực hi-fi, lĩnh vực văn phòng, lĩnh vực truyền thống… nói tóm lại là vô số các vật dụng của Nhật Bản đã trở thành quá quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống thường ngày ở nhà cũng như tại cơ quan.
Còn về điện tử thì sao? Ở Nhật Bản cũng như ở nhiều nước khác, chính nó đã tạo ra những tiến bộ kĩ thuật đầy ấn tượng mà người ta sửng sốt bắt gặp trong mọi lĩnh vực của công nghiệp nhẹ. Cũng chính ngành điện tử, trong những năm tới đây, sẽ tiếp tục hướng đạo cho đa số các phát minh kĩ thuật mũi nhọn. Ngành điện tử của Nhật Bản là một kiệt tác của sự thành công. Sự thành công ấy đã được tạo ra trên sự tổn thương của một nước khác: Hoa Kỳ… và đối với Hoa Kỳ, điều đó đã trở thành một thảm họa quốc gia.
Công nghiệp chế tạo điện tử của Nhật Bản là một anh hùng ca tuyệt vời. Đó là một cuộc chiến từng giờ từng phút giữa hai đối thủ rất khác nhau: một đối thủ phương Đông rất tỉ mỉ, nhanh nhẹn, thận trọng và liên tiếp thắng điểm. Chiến thắng của “anh ta” là điều không thể tin được cho đến điểm gút của cuộc đấu, vì những bất lợi của “anh ta” vào đầu cuộc đấu và vì những thành tích khiêm tốn của “anh ta” sau thảm bại 1945. Đối thủ kia, đối thủ phương Tây, là một đối thủ hăng hái, sáng tạo, nhưng lại vụng về, quá tự tin và không biết lường trước mục tiêu của cuộc đấu. “Anh ta” tin rằng đó là lối chơi tối ưu và đã bỏ qua những điểm dễ đạt được, cho tới một lúc mà mọi sự đều đã trở nên quá muộn màng.
Nước Nhật bị tàn phá bởi chiến tranh và thiếu thốn mọi kinh nghiệm, đã xuất phát chậm trễ trong cuộc cạnh tranh. Khởi đầu, chẳng ai thèm chú ý đến nó. Người Mỹ đã giữ một vai trò thống trị to lớn đến mức gã lùn Nhật Bản chắc chắn không thể khiến họ phải sợ hãi. Họ giữ cho mình một thái độ kẻ cả đượm nét khoan dung và đôi khi cả sự khinh rẻ.
Makoto Kikuchi, giám đốc trung tâm nghiên cứu của Sony đã nhớ lại thời kì ấy:
“Khi trung thực hồi tưởng lại những ngày ấy, tôi thường thấy nẩy ra hình ảnh so sánh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, giống như một giáo sư đang xoa đầu một cậu bé học sinh thần đồng đang học ở cấp I hoặc cấp II. Từ một đất nước với một nền văn hóa hoàn toàn khác lạ và bị đánh ngã trong chiến tranh, cậu bé ấy đã học tập một cách say mê và đã đạt được điểm cao. Đó chính là lý do vì sao các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ luôn quan sát chúng tôi với biết bao độ lượng.”[8]
[8] “A Worm’s Eye View of its Evolution” – Japanese Electronics, Simul International, Tokyo, 1983, tr.76.
Nhưng, cũng từ đó, David tí hon đã cả gan đương đầu và đã quật ngã chàng khổng lồ Goliath. Goliath đang giẫy chết và đã nhận ra David.
Những phát minh lớn về vật lý đều được thực hiện ở châu Âu. Chính ở đây đã xuất phát các định luật về âm thanh, về điện, về điện từ. Những ứng dụng của chúng ở cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này là điện tín, điện thoại, vô tuyến điện thoại và vô tuyến truyền hình. Nhưng lịch sử cận đại đã phải ghi nhận hầu hết các phát minh về điện tử hiện đại từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là phần công lao của Hoa Kỳ. Trên cơ sở các phát minh ấy đã diễn ra cuộc cách mạng lần thứ nhất, mà nếu không có nó, sẽ không có gì trở nên hiện thực cả: đó là sự ra đời của transistor. Được phát minh vào năm 1948, transistor có chứa một lượng tí hon chất germanium, silicium hoặc một thể nào đó có khả năng bán dẫn. Nó cũng thực hiện các chức năng hệt như bóng đèn điện tử: khuếch đại và hướng tín hiệu điện tử theo một chiều định sẵn. Nhưng transistor lại nhỏ hơn bóng đèn điện tử hàng trăm lần, ít bị nóng hơn, chỉ tiêu thụ một phần nhỏ năng lượng so với bóng đèn và nhanh hơn vô cùng. Thế là chiếc bóng đèn điện trở đã bị tuyên án tử hình. Những người phát mình ra transistor và John Bardeen, Walter Brattain và william Shockley. Cả ba đều làm việc trong phòng thí nghiệm của công ty Bell của Hoa Kỳ.
Ngày nay, đa số lớp trẻ có lẽ chưa bao giờ được thấy tiền thân của transistor. Về phần mình, tôi vẫn nhớ chiếc máy phát thanh chạy bằng bóng đèn của ông bà tôi. Ọc ạch, nóng rực, nặng nề và đồ sộ, nó chiếm cả một chiếc kệ trong gian bếp của các cụ tại Auvergne – một ngôi làng ở miền núi nước Pháp. Ai đó đã nhét vài tấm bưu ảnh vàng úa vì năm tháng giữa chiếc nẹp bằng kền, nhằm trang trí cho “con quái vật” và mảnh vải chùm chiếc loa phóng thanh. Vài tấm bưu ảnh khác được gắn bằng kim gút lên phần vỏ bằng gỗ của chiếc máy. Chiếc đài cũ kĩ này hiện vẫn tồn tại và vẫn chạy được. Tôi đã giữ nó như một vật bảo tàng. Đến khi trưởng thành, bản thân tôi cũng đã chơi lắp ráp một chiếc đài bằng galen. Trong những năm 50 và 60, trong các phòng thí nghiệm của mình, một số nhà khoa học Hoa Kỳ đã chế tạo thành công những chiếc máy tính chạy bằng bóng đèn. Những con “khủng long” ấy rất kém hiệu quả và tiêu tốn năng lượng một cách kinh khủng…
Sau khi transistor được tìm ra, ai là người đầu tiên mua lại bằng phát mình? Đó là người khổng lồ tương lai: SONY của Nhật Bản. Tuy vậy, vào năm 1948, nước Nhật vẫn còn gượng dậy rất khó khăn sau những tàn phá của chiến tranh… Nhưng, ngay khi tin tức về phát minh transistor được loan báo, các kĩ sư điện tử của MITI đã chú ý ngay đến mẫu tin mô tả phát minh trên báo chí và lập tức bắt tay vào nghiên cứu các khả năng ứng dụng nó trong công nghiệp. Nhưng do đâu họ lại dám mơ đến việc san bằng sự chậm trễ so với Hoa Kỳ? Đó là một điều dường như hoàn toàn không thể được, một điều không tưởng. Ở Nhật Bản, các phòng thí nghiệm khi ấy được chiếu sáng rất tồi, sưởi ấm cũng tồi và toàn bộ trang thiết bị chỉ là vài dụng cụ đo cũ kĩ may mắn còn sót lại sau chiến tranh. Không có các tài liệu khoa học để hướng dẫn các nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã ngủ lại trong các phòng ngủ tập thể dành cho 12 hoặc 15 người. Nhiều tháng sau đó, các kĩ sư Nhật Bản sáng giá nhất hãy còn uổng công “mổ xẻ” một vài chiếc transistor và diode mà các đồng nghiệp Hoa Kì đã hào phóng đưa tặng. Tinh thần người Nhật lúc ấy đã lại được nâng lên. Quá khứ đã ở sau lưng họ và họ chỉ còn nghĩ đến việc xây dựng tương lai. Sau nhiều cố gắng không kết quả, mãi đến năm 1953 những nghiên cứu của Nhật Bản về transistor mới đạt được những kết quả xứng đáng.
Năm 1959 là năm của cuộc cách mạng lần thứ hai trong lĩnh vực điện tử: sự ra đời của mạch tổng hợp. Các tác giả của phát minh này lại một lần nữa là người Mỹ: Robert Noyce của Fairchild, và Jack Kilby của Texas Instrument. Họ đã thành công trong việc gắn lên trên một bảng mạch nhiều chi tiết điện tử, bán dẫn và chất dẫn điện tống hợp trên một mô đun duy nhất. Mạch tổng hợp thể hiện những ưu điểm cần thiết của mạch dẫn và mạch in: nó choán ít chỗ hơn vì người ta có thể đặt nhiều chi tiết hơn vào một không gian cho sẵn, đồng thời vận hành tốt hơn và ít hao tổn năng lượng hơn do sự liên lạc giữa các chi tiết của mạch là trực tiếp và chắc chắn. Mạch tổng hợp đã làm giàu cho những người phát minh ra nó vì các ứng dụng của nó trong công nghiệp quả là rất tiện lợi: điện thoại, máy thu radio cực nhỏ, vô tuyến truyền hình, máy tính bỏ túi… tất cả đều phải nhờ cậy vào mạch tổng hợp. Hồi đầu những năm 60, hố ngăn cách có vẻ như lại càng được đào sâu hơn nữa giữa Hoa Kì với châu Âu và với Nhật Bản. Công ty IBM lừng danh của Hoa Kì đã chế tạo thành công chiếc máy tính điện tử thế hệ thứ hai.
Gần như cùng một lúc, một phát minh khác đã đem lại vinh quang cho hãng Intel của Hoa Kỳ: bộ nhớ điện tử. Đó là một bộ nhớ bên trong có lưu trữ thông tin dưới dạng các tín hiệu điện tử, trong khi chờ đợi lần xử lí tiếp sau. Bộ nhớ đầu tiên này có công suất 1 kilobit. Người ta có thể lưu vào và cất giữ trong đó đến 1.000 thông tin. Năm 1971, các nhà nghiên cứu Hoa Kì đã có một phát hiện mới trong lĩnh vực điện tử: bộ vi xử lý. Đó là một mạch duy nhất có mang đặc tính của máy vi tính nhưng lại có kích thước chỉ bằng đúng một con tem. Năm 1973, Intel đã chế tạo thành công bộ nhớ DRAM (Dynamic Random Access Memory) công suất 4 kilobit. Năm 1975, lại một bước tiến mới: từ đây, một bộ nhớ duy nhất có thể lưu trữ đến 16K. Từ lúc ấy, những công ty duy nhất đảm đương nổi việc chế tạo các tuyệt tác kĩ thuật này là các công ty Hoa Kỳ: Mostek, Intel, Motorola và Texas Instrument.
Trong lĩnh vực điện tử, người Mỹ có vẻ như bất khả chiến bại. Sự chậm trễ của châu Âu thật là kinh khủng. Nước Nhật hầu như không hề tồn tại. Như vậy, ở phương Tây liệu ai còn hạ cố chú ý đến một điều luật mà Nhật Bản đã công bố vào năm 1957? Điều luật ấy đã mở đường cho các biện pháp đặc biệt nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp điện tử. Trên thực tế, nước Nhật đã nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng sống còn của ngành điện tử. Điều luật nói trên của Nhật Bản đã loan báo với các tổ hợp công nghiệp Nhật Bản rằng, kể từ ngày ấy, ngành điện tử là một trong các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hi sinh tất cả để san bằng sự chậm trễ so với Hoa Kỳ. Việc thực hiện điều luật ấy đã rõ ràng: MITI, phối hợp cùng các nhà công nghiệp Nhật Bản, chọn ra các sản phẩm mục tiêu và định hướng các tuyến nghiên cứu. MITI sẽ nắm tay các nhà công nghiệp và tung họ vào chiến trường này. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ mọi khoản trợ cấp cần thiết. Các ngân hàng Nhật Bản được khuyến khích cho các nhà công nghiệp dũng cảm vay tiền. Những công ty được diễm phúc chọn ra là Fujitsu, Hitachi, Mitsubishi Electric, Nippon Electric Company (NEC), Oki và Toshiba. Đối với các nhà quan sát chăm chú (số này không nhiều), sự tương phản giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ thật đáng kinh ngạc: ở Hoa Kỳ, bất chấp tính chất chiến lược đặc biệt của ngành điện tử, khu vực tư nhân vẫn bị thả nổi một cách trơ trọi, nhân danh thứ triết lý tự do kinh doanh gần như tối thượng.
Trong vài năm tiếp theo đó, các công ty Hoa Kì vẫn còn tiếp tục chiếm lĩnh vị trí hàng đầu. Đầu những năm 70, chẳng phải IBM đã tung ra chiếc máy tính thế hệ thứ ba với bộ nhớ công suất lớn đến 16K đó sao? Trong khi đó, Nhật Bản vẫn còn đang phải cố gắng rút tỉa điều gì đó ở các máy tính thế hệ thứ hai đã lỗi thời. Cũng vì vậy, ở Tokyo, người ta đã thay đổi mục tiêu. Hiểu ra rằng việc cố gắng bắt kịp những chậm trễ trong lĩnh vực máy tính là vô ích khi nào còn chưa làm chủ được công nghệ bộ nhớ, MITI đã quyết định vào đầu năm 1975, tập trung các nỗ lực vào một loại mạch thần kỳ. Một năm sau, Nhật Bản đã cho thấy một dấu hiệu mới về quyết tâm của mình: một dự án lớn về phát triển các mạch tổng hợp siêu cao (VSLI) quy tụ MITI với gã khổng lồ của ngành vô tuyến truyền thông Nhật Bản NTT (Nippon Telegraph and Telephones) và 5 tổ hợp lớn (Hitachi, Fujitsu, Mitsubishi, NEC và Toshiba). Trong 5 năm, người Nhật đã làm việc như điên cuồng và đã đạt đến một ngàn bằng sáng chế. Từ đó, sự đối đầu để dẫn đến chiến thắng chung cuộc đã diễn ra trên lĩnh vực duy nhất: bộ nhớ điện tử. Mục tiêu chính của MITI thể hiện một sự táo bạo đến điên rồ: thiết kế và hoàn tất một bộ nhớ 64K trước Hoa Kỳ và trước năm 1980.
Về phần mình, Hoa Kỳ chưa bao giờ thực sự tìm cách bảo vệ nền công nghiệp của chính mình. Sinh viên và kĩ sư Nhật Bản đã được tiếp đón nồng nhiệt tại các trường đại học Mỹ. Makoto Kikuchi kể lại làm thế nào vào tháng 9 năm 1960, khi ông còn là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi, đã may mắn được nhận vào phòng thí nghiệm của Viện Công Nghệ Massachusett và từ đó có thể chiếm lĩnh, chỉ trong một thời gian ngắn, những tinh túy nhất trong công nghệ của Hoa Kì để đem về phục vụ cho đất nước mình. Các bằng phát minh cho các phát hiện mới nhất hầu như đều có thể moi được không mấy khó khăn. Sau này, người Mỹ đã giận dữ lên án Nhật Bản là đã do thám họ và đã sao chép một cách thô thiển các kĩ thuật của họ. Ở thời kì đầu phát triển ngành điện tử Nhật Bản, sự bắt chước quả là một điều tất nhiên. Chính người Nhật cũng sẵn sàng thừa nhận điều đó: Họ đã hình thành một hệ thống tình báo công nghệ độc nhất vô nhị trên thế giới. Nhưng ai là người thực sự chịu trách nhiệm? Phải chăng là các phòng thí nghiệm của Mỹ đã không chú ý bảo vệ các công trình của mình? Hay là những kĩ sư Nhật Bản vốn khao khát tri thức đã không ngại ngùng nắm lấy ngay những gì đã được trao tặng cho họ một cách hào phóng như vậy?
Vào cuối những năm 70, những đám mây đen đầu tiên đã tích tụ trên bầu trời của ngành điện tử Hoa Kỳ. Cơn giông rõ ràng chẳng còn xa xôi nữa. Bộ nhớ Nhật Bản đầu tiên với công suất 16K đã được đưa ra thương trường vào năm 1978. Không chậm trễ, nó đã chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ. Rất nhanh sau đó, các khách hàng Hoa Kì đã thừa nhận một điều: các bộ nhớ “made in Japan” vận hành tốt hơn rõ rệt so với các bộ nhớ “made in USA”. Điều này lại chứng tỏ một điều nữa: Nền công nghiệp Nhật Bản đã đạt đến mức làm chủ được các điều kiện cực kì hạn hẹp để chế tạo các mạch điện tử tốt hơn nền công nghiệp Hoa Kỳ. Các điều kiện ấy đặc biệt đòi hỏi phải tạo ra một loại vật liệu có độ tinh khiết gần như hoàn hảo (độ tinh khiết phải đạt tối thiểu 9,999999) trong các phòng cực sạch. Một lý do khác khiến không một khách hàng nào có thể bàng quan: bộ nhớ Nhật Bản rẻ tiền hơn. Người Nhật sẵn sàng thi hành chính sách phá giá; mặc dù chi phí sản xuất của họ cao hơn của Hoa Kỳ, họ vẫn bán trên thị trường Hoa Kì với giá hạ hơn giá cạnh tranh và cao hơn giá bán trên thị trường Nhật.[9] Tại chính nước Nhật, toàn bộ thị trường đều được dành cho hàng trong nước, nhờ những hàng rào hải quan hầu như không thể vượt qua nổi. Hệ quả logic của tất cả các biện pháp đó: chỉ cần hai năm, các bộ nhớ Nhật Bản đã đủ sức chiếm lĩnh 40 % thị trường thế giới.
[9] Clyde V.Prestowit Jr., Trading Places. How we Allowed Japan to take the Lead, Basic Books Inc., New York, 1988.
Năm 1980, MITI đã quá đủ cơ sở để hài lòng. Nền công nghiệp trong nước đã thực hiện được lời giao ước của mình và đã chế tạo thành công bộ nhớ 64K đầu tiên. Kể từ đó nhịp độ phát triển đã không ngừng tăng tốc. Cuối năm đó, người Nhật đã công bố một tin tức làm nổ tung các văn phòng các công ty chế tạo lớn của Hoa Kỳ. Không thỏa mãn với việc đưa ra bộ nhớ 64K đồng thời với Hoa Kỳ, NTT tuyên bố sẽ chế tạo bộ nhớ 256K đầu tiên của thế giới. IBM và AT&T (hai hãng chế tạo lớn nhất của Hoa Kỳ) cũng chỉ đạt được thành tích như vậy rất lâu sau đó. Bị rơi vào thế lúng túng, người Mỹ đã nhận ra rằng họ đã bị người Nhật qua mặt trong một lĩnh vực sống còn là điện tử. Trong các phòng thí nghiệm Nhật Bản, ngược lại, là một không khí hân hoan rộng khắp. Nhưng ở bên ngoài, sự khiêm tốn vẫn được duy trì rất nghiêm ngặt. Ngay cả khi ở Tokyo, mọi người đều hiểu rất rõ rằng năm 1980 đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc chạy đua Nhật Bản – Hoa Kỳ. Chí ít là trong lĩnh vực này, nước Nhật đã thực sự dẫn đầu cuộc đua và sẽ vĩnh viễn không rời bỏ vị trí ấy nữa. Dần dần, Nhật Bản đã “cuỗm” đi phần thị trường của Hoa Kỳ, đến mức mà việc sản xuất bộ nhớ của Hoa Kỳ ngày nay không còn nghe thấy tăm hơi gì.
Thị trường bộ nhớ điện tử trên thế giới | ||||
Nhật Bản | Hoa Kỳ | Châu Âu | Các nước còn lại | |
1980 | 23 % | 75 % | 2 % | 0 % |
1982 | 39 % | 58 % | 3 % | 0 % |
1984 | 54 % | 42 % | 5 % | 0 % |
1986 | 65 % | 27 % | 5 % | 3 % |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.