Nước Nhật mua cả thế giới
IV – Phần 4
Tỷ lệ tăng PNB |
|||||
1986 |
1987 |
1988 |
1989 |
1990 |
|
Nhật |
2,4 % |
4,3 % |
5,7 % |
4,8 % |
4,5 % |
CHLB Đức |
2,3 % |
1,8 % |
3,6 % |
4,4 % |
3,3 % |
Pháp |
2,1 % |
2,3 % |
3,4 % |
3,4 % |
3,2 % |
Mỹ |
2,8 % |
3,4 % |
4,4 % |
3,0 % |
2,4 % |
Anh |
3,3 % |
4,4 % |
4,3 % |
2,3 % |
1,4 % |
Trung bình OCDE |
2,7 % |
3,3 % |
4,4 % |
3,6 % |
2,9 % |
Nguồn: Cục kế hoạch hóa kinh tế Nhật – 1990: ước lượng của OCDE. |
Xuất khẩu tăng theo hàm số mũ
Sau chiến tranh, ngay khi vừa bắt đầu trở lại buôn bán với thế giới, nước Nhật công nghiệp chỉ có một ý tưởng trong đầu, một ý tưởng kiên định: xuất khẩu. Trong các phòng làm việc của MITI, trong hành lang các xí nghiệp lớn, trong các xưởng máy, đâu đâu cũng chỉ một khẩu hiện: xuất khẩu. Xuất nữa, xuất nhiều hơn, xuất mãi để làm giàu đất nước. Nhưng, để có thể tự túc và tích lũy của cải cho nước Nhật, phải thực thi một điều kiện: xuất nhưng không nhập. Hoặc, nhập càng ít càng tốt. Cấm nhập hàng tiêu dùng. Cũng chẳng cần phải thuyết phục dân chúng. Một cách tự phát, dân chúng Nhật hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp tái thiết đất nước. Kết quả là trong nhiều thập kỷ, sản phẩm nước ngoài dù cùng chất lượng cùng giá, không có cơ may nào có được khách hàng ở Nhật. Tình hình ấy tới nay vẫn còn đúng một phần. Ngoài những luật lệ mà MITI đặt ra để bảo hộ các ngành công nghiệp quốc gia, lại còn thêm tinh thần ái quốc hoàn toàn tự nhiên, không cưỡng ép của người dân Nhật – một tình cảm có lẽ chưa bao giờ có ở Mỹ.
Khởi đầu rất chậm, bởi vì hầu như hồi ấy ở Nhật tất cả đều thiếu. Để hoạt động, công nghiệp cần có nguyên liệu, năng lượng, máy công cụ và bộ phận rời. Thời kì thiếu thốn ấy kéo dài đủ để chính phủ và các xí nghiệp nắm được những công nghệ cần thiết, hầu tạo nên một tiềm lực sản xuất có khả năng cung ứng liên tục cho xuất khẩu hàng loạt. Rồi dần dần đến thời kì gặt hái những lợi lộc từ nỗ lực đã bỏ ra. Rồi đến thời kì sung túc đến sỗ sàng, gần như bẩn thỉu. Nhật và CHLB Đức là hai nước duy nhất trong số bảy nước giàu nhất phương Tây tích lũy được thặng dư mậu dịch suốt thời kì 1980-1989. Cả hai đã kết thúc năm 1989 với những con số kỷ lục.
Nước Nhật đã làm giàu như thế đấy. Nước Nhật, với 120 triệu dân, đã trở thành nhà buôn khổng lồ hàng thứ ba thế giới sau Mỹ và CHLB Đức. Trong thập kỷ 1970-1979, Nhật Bản có thặng dư mậu dịch tổng cộng 22 tỷ đô la. Chẳng phải tệ đối với một nước mà người ta cho rằng, hơn bất cứ nước nào trên thế giới, phải chịu đựng hai cơn sốt dầu lửa đặc biệt nghiêm trọng. Thực ra, vốn đã quen với thặng dư mậu dịch liên tục, Nhật Bản cũng đã ghi nhận bốn năm thâm hụt mậu dịch trong thời kì ấy. Nhưng, từ 1980, họ đã bay tới những đỉnh cao gây sửng sốt. Tổng kết ngoại thương Nhật thời kì 1980-1989 nói lên nhiều điều, bởi vì mức thặng dư tổng cộng lên tới 408,5 tỷ đô la!(32).
[32] Thống kê của Bộ Tài chính Nhật.
Chỉ riêng năm 1989, thặng dư mậu dịch của Nhật đã lên tới 77,13 tỷ đô la (33). Không biết có phải do áp lực của nước ngoài hay không, thặng dư mậu dịch của Nhật năm 1990 đã giảm xuống còn 63,9 tỷ đô la. Xuất khẩu tăng 3,9 % và đạt tổng cộng 280 tỷ đô la, trong khi nhập khẩu tăng 12,3 %, lên tới 216 tỷ đô la.
[33] Thống kê của Bộ Tài chính Nhật.
Ngay từ sau chiến tranh, Nhật Bản đã xuất khẩu sang các nước láng giềng gần gũi ở châu Á. Không có khoản lợi nhuận nào được coi là nhỏ cả và tất cả các vụ kinh doanh, dù khiêm tốn đến đâu, đều đáng thực hiện. Nhật không xem nhẹ nước nào. Ở khắp nơi, các con số không ngừng tăng vọt, dù lịch sử châu Á có những điều bất lợi đè nặng lên nước Nhật. Các chế độ chính trị khác biệt hoặc công khai thù địch không phải là những rào cản đủ để làm run sợ các thương gia Nhật. Sau khi nghiên cứu thị trường và những công tác thăm dò, trong nhiều trường hợp, chẳng mấy chốc Nhật Bản đã chiếm vị trí thống trị.
Chẳng hạn, với Trung Quốc, xuất khẩu của Nhật đã từ 84 triệu đô la năm 1962 tăng lên hơn 5 tỷ đô la năm 1980, thời điểm mà tất cả các tập đoàn lớn của Nhật có mặt trên đất Trung Quốc. Cuối những năm 80, xuất khẩu của Nhật gần tới mức 10 tỷ đô la/năm. Nhật bán sang nước Trung Quốc nghèo những nhà máy chìa khóa trao tay nhưng cả vô số sản phẩm tiêu dùng: xe hơi, điện tử nghe nhìn, dụng cụ gia đình. Trong mấy năm tôi ở Trung Quốc, biết bao lần tôi được nghe nói rằng người Nhật chỉ là những “con vật kinh tế”. “Với người phương Tây các anh, có thể nói chuyện về đủ thứ đề tài. Còn với người Nhật thì không thể nào được. Họ chỉ hiểu được ngôn ngữ làm ăn.” – một đồng nghiệp ở một tờ báo lớn Trung Quốc nói với tôi như vậy.
Châu Âu cũng là một bạn hàng quan trọng của Nhật Bản. Người châu Âu chúng ta, dù ở tuổi nào và vị trí xã hội nào, tất cả đều có lúc mua những sản phẩm của Nhật. Nhưng chính phủ Mỹ là người lót ổ cho các xí nghiệp Nhật thịnh vượng lên. Ra khỏi vũng lầy sau chiến tranh nhờ sự trợ giúp của Mỹ, Nhật Bản đã xây dựng tiềm lực các xí nghiệp của mình với sản phẩm xuất khẩu được thực hiện trên thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới. Thặng dư mậu dịch với Mỹ đã từ 15,8 tỷ đô la năm 1981 tăng lên 56,3 tỷ đô la năm 1987. Trong mười năm, kết số xuất nhập khẩu chỉ riêng với Mỹ đã mang lại cho Nhật 343,8 tỷ đô la. Từ 1985 đến 1989 Nhật Bản thực hiện 30,1 % xuất khẩu của mình với Mỹ, trong khi với toàn bộ khối CEE chỉ có 14,1 % và với Đông Nam Á và Đông Á là 28,4 % [34].
[34] Thống kê của Bộ Công nghiệp và ngoại thương Nhật (MITI)
Thâm hụt mậu dịch toàn cầu và riêng với Nhật Bản, của Mỹ (tỷ đô la) |
|||||||||
1981 |
1982 |
1983 |
1984 |
1985 |
1986 |
1987 |
1988 |
1989 |
|
Với Nhật |
15,8 |
16,8 |
19,3 |
33,6 |
46,2 |
55,0 |
56,3 |
51,8 |
49,0 |
Toàn cầu |
22,3 |
27,5 |
52,4 |
101,8 |
126,5 |
138,3 |
152,1 |
118,5 |
108,6 |
Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ |
Hậu quả tự nhiên của những thặng dư mậu dịch không ngừng lớn thêm ấy là nhiều nước trên thế giới liên tục chỉ trích Nhật, nhưng thường là không có kết quả. Vả chăng, những tranh chấp thương mại đã trở thành mối lo âu số một trong quan hệ tay đôi của Nhật với hầu hết các bạn hàng phương Tây. Trong một thời gian dài, Nhật Bản như một cô gái đồng trinh kêu gào mình tuyệt đối vô tội, để làm bộ như không nghe thấy những lời chỉ trích nhao nhao ngày càng gay gắt ở nước ngoài. Các chính phủ, đứng đầu là Mỹ, buộc tội Nhật Bản buôn bán không trung thực và bảo hộ mậu dịch trái với các quy định của GATT (Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan).
Nước Nhật khép kín, nước Nhật bị ghen ghét
Nhật Bản có phải là một thị trường khép kín không? Nhật nhập khẩu sản phẩm chế biến trị giá khoảng 3 % PNB. Tỷ lệ này là 7 % ở Mỹ, 14 % ở CHLB Đức cũ và 21 % ở Nam Triều Tiên. Đầu tư nước ngoài ở Nhật bằng khoảng 1 % tích sản của các xí nghiệp. Con số này ở Mỹ là 9 %, ở Anh là 14 % và ở CHLB Đức cũ là 17 %. Xuất khẩu ồ ạt của Nhật (và đặc biệt là thặng dư so với nhập khẩu) chắc chắn không làm vừa lòng nhiều nước. Cái ý nghĩ, dù đúng hay sai, rằng Nhật Bản khép kín và là một bạn hàng không sòng phẳng, theo thời gian, đã gây nên những phản ứng dây chuyền đi từ bực bội đến thù địch hoặc phẫn nộ công khai. Những phản ứng tai hại như thế đặc biệt rõ ở Mỹ. Dù vẫn còn một số người lạc quan kiên định, một cuộc điều tra do hệ thống truyền hình Mỹ ABC và báo Washington Post thực hiện chắc hẳn đã phải mở mắt cho họ: 75 % người Mỹ cho rằng sức mạnh kinh tế của Nhật là mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ; chỉ có 21 % cho rằng mối đe dọa chính là sức mạnh quân sự của Liên Xô[35].
[35] Thăm dò ý kiến 1.500 người, thực hiện trước chuyến thăm Mỹ của Mikhail Gorbatchev vào tháng 5/1990, Mainichi Shimbun, 8/1990.
Mọi người kết án Nhật Bản là thi hành chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Khắp nơi trên thế giới, những chính khách hàng đầu, bình thường dè dặt hơn, đã không ngần ngại kết án người bạn hàng quá tham lam này. Mỹ, tuy là đồng minh chiến lược của Nhật, nhưng nằm trong số những kẻ khai hỏa đầu tiên. Quả thật, thâm hụt của Mỹ trong buôn bán với Nhật đã vượt quá xa cái ngưỡng cho phép. Dưới áp lực của Quốc hội bất bình về cách cư xử của Nhật, các nhà lãnh đạo hành pháp Mỹ, dù còn thiện cảm với Nhật, đã phải đưa ra những lời cảnh báo rất cứng rắn. Thâm hụt buôn bán với Nhật trong năm 1989 bằng một nửa tổng số thâm hụt buôn bán của Mỹ. Vả lại, dường như Mỹ là nạn nhân chính của Nhật bởi vì năm 1989, dù thặng dư mậu dịch của Nhật có giảm 16,7 % so với năm 1988, thặng dư của Nhật trong buôn bán với Mỹ chỉ giảm 5,5 %, tức còn khoảng 55 tỷ đô la. Thặng dư mậu dịch của Nhật đối với Mỹ chiếm hơn 70 % tổng số thặng dự, so với 61 % vào năm 1988. Mặt khác, chính phủ Mỹ cũng có cái cớ tốt để buộc tội Nhật đóng cửa thị trường của mình cho các sản phẩm nước ngoài, bởi vì sản phẩm của Mỹ chỉ chiếm khoảng 1 % thị trường Nhật Bản trong khi sản phẩm của Nhật chiếm tới 10 % thị trường Mỹ.
Nichibei Senson wa Owateinei: chiến tranh giữa Nhật và Mỹ vẫn chưa kết thúc. Tựa cuốn sách của Jun Eto, giáo sư môn văn học đối chiếu tại Viện công nghệ Tokyo, đã nói lên bầu không khí đó. Cuối năm 1989, do các tranh chấp về buôn bán, Nhật Bản và Mỹ đã tiến gần hơn bao giờ hết – kể từ sau chiến tranh – đến một cuộc xung đột công khai mới. Cuộc xung đột có tính chất thương mại, có nguy cơ trở nên tệ hại hơn. Quốc hội Mỹ nổi nóng, đưa ra những lời buộc tội với giọng điệu gần với sự nhục mạ và tối hậu thư. Để dư luận chú ý, các nghị sĩ chẳng đã chà đạp và giận dữ đập nát, trước các ống kính truyền hình, những Radiocassette Toshiba trên các bậc thềm của điện Capitole đó sao? Cảnh tưởng khó tin ấy được các màn ảnh truyền hình ở Nhật chiếu rộng rãi, đã gây chấn động trong dư luận Nhật Bản. Tháng 10/1989, đại diện đặc biệt của tổng thống Mỹ về thương mại, Carla Hills, ngầm kết án Nhật Bản làm cho quan hệ thương mại quốc tế xấu đi. Tokyo đo lường được mối nguy, bởi vì vào giữa tháng 3/1990, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Taro Nakayama tuyên bố rằng quan hệ song phương Mỹ-Nhật có thể bị ảnh hưởng nghiệm trọng nếu chính phủ Mỹ không nhanh chóng được thỏa mãn về việc mở cửa thị trường trong nước của Nhật Bản. “Chúng ta phải ý thức rằng vấn đề này dẫn đến tình hình khủng hoảng trong quan hệ Nhật-Mỹ. Sự bất bình tại Quốc hội Mỹ tăng lên và chực bùng nổ.”, ông Nakayama đã nhấn mạnh như vậy trong một cuộc họp nội các [36]. Ngày hôm sau, Bộ trưởng thương mại Mỹ, Robert Mosbascher, bày tỏ hi vọng rằng Nhật Bản cuối cùng đã hiểu được sự “khẩn cấp” của một giải pháp. Nếu không muốn bị trả đũa nghiêm khắc, Nhật phải làm một cử chỉ nào đó.
[36] AFP, 13/3/1990
Những điểm tranh chấp chủ yếu là gì? Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Nhật trong những lĩnh vực nào là đáng trách nhất? Ở Washington, người ta đặc biệt nhấn mạnh đến: siêu máy tính, vệ tinh, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng và phân phối – những lĩnh vực mà rõ ràng Nhật duy trì những rào chắn mậu dịch đặc biệt không thể chấp nhận được. Trước sự phản đối ầm ĩ của Mỹ, ở Tokyo người ta áp dụng một kịch bản cổ điển. Trước hết, làm bộ như không hiểu gì cả và thực lòng phản đối. Sau đó, người ta khẳng định – phần nào đó có lý – rằng nếu sản phẩm của Mỹ không bán được trên thị trường Nhật thì lý do chính là vì chúng không tốt bằng các sản phẩm cùng loại của Nhật. Người ta thêm: nhất là các nhà công nghiệp Mỹ phải có những nỗ lực cần thiết để thiết kế và sản xuất những sản phẩm thực sự phù hợp với nhu cầu riêng của khách hàng Nhật Bản. Một chiến lược khác mà Nhật cũng đã quen dùng: tăng cường lobbying (vận động hậu trường) ở Washington để làm dịu bớt căng thẳng. Để đạt mục đích, người Nhật không ngần ngại thuê các cựu thành viên trong chính quyền Mỹ hoặc gia đình họ nhằm sử dụng các quan hệ của họ tác động hiệu quả lên quốc hội và chính phủ. Cuối cùng, ngày 28/12/1989, MITI ồn ào loan báo một chương trình mới khuyến khích nhập khẩu, được coi là “chưa từng có trong lịch sử thế giới”. Nhật đơn phương bãi bỏ thuế hải quan trên 1.008 mặt hàng công nghiệp và mỏ, đề ra những biện pháp khuyến khích tài chính đối với các nhà kinh doanh Nhật nhập khẩu sản phẩm chế tạo. Họ cũng thông qua khoản trợ cấp ngân sách tăng mạnh, lên tới 100 triệu đô la, nhằm khuếch trương nhập khẩu bằng cách thiết lập một mạng lưới thông tin cho các nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu và gửi các phái bộ thương mại ra nước ngoài.
Nhưng ở nước ngoài, người ta đã vượt quá điểm không thể trở ngược lại được. Trong khi ở Washington sự ầm ĩ tiếp tục gia tăng, người ta giải thích rằng các yêu sách của Mỹ là không thể đáp ứng được. Người ta nhấn mạnh: Nhật muốn phát triển công nghệ vệ tinh riêng của mình. Với máy siêu điện toán cũng vậy. Về xây dựng, Nhật vẫn bám lấy hệ thống đấu giá “thương lượng” là hệ thống cho phép các công ty Nhật bí mật họp với nhau để quyết định chọn đấu thầu: một hệ thống tệ hại ngăn cản xí nghiệp nước ngoài hoạt động trên thị trường xây dựng ở Nhật Bản. Còn về gạo, mà việc nhập khẩu vẫn bị cấm ngặt ở Nhật Bản, chính phủ Nhật khẳng định đó là một sản phẩm thiết yếu đối với an ninh của đất nước và sự tự túc về gạo vẫn là cần thiết. Mọi người đều biết: gạo nước ngoài rẻ hơn gạo của Nhật rất nhiều và nhiều nông gia Nhật sẽ phá sản tức khắc nếu sự cấm đoán nói trên được giảm nhẹ hoặc bãi bỏ. Nhưng, có một điều không nói thẳng ra mà ai cũng biết là đảng Dân chủ-Tự do cầm quyền từ sau chiến tranh đến nay nhưng đang bị giảm sút uy tín, không thể cho phép mình tiếp tục để mất lá phiếu của cử tri ở nông thôn.
Để gia tăng áp lực, Mỹ đặt Nhật Bản vào đầu danh sách đen những nước bị coi là buôn bán không sòng phẳng và lại dọa trả đũa về thương mại theo luật “siêu 301”. Ở Tokyo, người ta vẫn còn nhớ rõ sự trừng phạt của Mỹ hồi tháng 3/1987. Một nhân tố bên trong đã góp phần thuyết phục chính phủ Nhật rằng phải cấp bách tìm ra một giải pháp danh dự: đó là công luận Nhật Bản bắt đầu đồng tình với các yêu sách của Mỹ. Một cuộc thăm dò của nhật báo kinh tế Nihon Keizai Shimbun cho thấy 47 % người Nhật cho rằng yêu sách của Mỹ là có cơ sở trong khi 38 % có ý kiến người lại. 48,8 % người Nhật cho rằng phải đáp ứng tích cực các yêu sách của Mỹ. Đơn giản là vì người tiêu dùng Nhật Bản nhận thức rằng sự tự do cạnh tranh hơn nữa sẽ đưa đến giá cả hạ ở thị trường trong nước.
Thương lượng và vỡ mộng
Tháng 7/1989, Nhật Bản bị buộc phải đi vào thương lượng với Mỹ. Những cuộc thảo luận ấy, được gọi là “Sáng kiến về các trở ngại cơ cấu” đối với trao đổi thương mại (Structural Impediment Initiative), thường được gọi tắt là SII, là những cuộc thảo luận kéo dài và khó khăn. Ở Washington, nhiều lần người ta tin rằng sẽ không bao giờ ký được thỏa thuận và sự bùng nổ của cuộc chiến tranh thương mại là không thể tránh khỏi. Để kích thích nhu cầu nội địa Nhật Bản và làm cho nhập khẩu của Nhật ngang bằng với xuất khẩu, Mỹ đòi hỏi Nhật Bản tăng chi tiêu công cộng. Washington muốn chi tiêu công cộng của Nhật từ 6,3 % năm 1989 tăng lên 10 % PNB trong vòng ba hoặc bốn năm. Chính phủ Nhật, mà ngân sách dành cho chi tiêu công cộng được định là 7,1 % cho tài khóa 1990, kiên quyết từ chối lần cuối cùng đề nghị này. Họ khẳng định: yêu sách của Mỹ sẽ không tránh khỏi làm thay đổi lối sống của Nhật và đưa đến lạm phát.
Cuối tháng ba, đầu tháng tư 1990, sau khi Nhật Bản đã thực hiện những “nỗ lực cuối cùng”, theo Bộ trưởng Bưu điện và Viễn thông Nhật, Tokyo và Washington đã đi đến những thỏa thuận nguyên tắc cho phép siêu máy tính, thiết bị viễn thông và vệ tinh được vào thị trường Nhật. Từ nay, các cuộc đấu thầu công khai cung cấp vệ tinh được mở cho cả nước ngoài tham gia, trừ vệ tinh nhằm mục đích nghiên cứu. Ngày 5/4 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong quan hệ Mỹ-Nhật: Nhật Bản và Mỹ ký một “báo cáo tạm thời”, theo đó Nhật cam kết thay đổi một số cơ cấu của nền kinh tế. Nhật hứa tăng đáng kể chi tiêu công cộng trong khoảng thời gian mười năm nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công chúng (sân bay, hải cảng, công viên, hệ thống thoát nước, nhà ở). Tokyo cũng cam kết có biện pháp về mặt xã hội nhằm cải thiện chất lượng sống của dân chúng. Các ngành công nghiệp Mỹ được mời tham gia các chương trình này. Nhật cũng hứa sẽ thay đổi chính sách về nhà đất và bất động sản, nhằm tạo thuận lợi cho các hãng nước ngoài đứng chân được trên đất Nhật. Họ cũng thông báo sẽ xem xét lại luật pháp của Nhật về hệ thống thương nghiệp buôn bán sỉ, nhằm tạo thuận lợi cho việc mở những cửa hàng buôn bán lớn và sự xâm nhập của sản phẩm nước ngoài. Chính phủ Nhật hứa sẽ bãi bỏ độc quyền phân phối do một số tập đoàn lớn của Nhật thông qua hàng ngàn công ty nhỏ bán lẻ nắm giữ. Cuối cùng, Nhật loan báo tăng cường áp dụng chống độc quyền với một loạt khoản phạt vạ nặng hơn, nhằm làm nản lòng các công ty thỏa thuận ngầm với nhau.
Nhưng giới chức Nhật khó lòng che giấu sự cay đắng của họ khi bị đẩy đến những nhượng bộ như vậy, những nhượng bộ mà như người ta đoán trước là “giới hạn tối đa có thể chấp nhận được” đối với Nhật. Vậy thì vô ích nếu trong tương lai Mỹ lại muốn tấn công. Nhật sẽ không nhượng bộ nữa. Ở chỗ riêng tư, người ta nói với người phương Tây rằng từ nay Nhật sẽ không dễ dàng nhượng bộ những tối hậu thư mang tính bá quyền của Mỹ. Ngày hôm sau, Thủ tướng Nhật chào mừng thỏa thuận và nói rằng những điều khoản của nó nằm trong lợi ích của Nhật, Mỹ và của cả thế giới.
“Việc áp dụng các biện pháp này sẽ đòi hỏi những hi sinh của nhân dân Nhật”, ông tuyên bố. Nhưng “tôi tin rằng sự phát triển của các cải cách về cơ cấu nền kinh tế Nhật sẽ đóng góp lớn vào việc cải thiện chất lượng sống của người Nhật và những người tiêu dùng và sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta hòa hợp hơn với thế giới.”
Nhưng thỏa thuận không phải chỉ có một chiều. Mỹ cũng cam kết một số điều: giảm tình trạng nợ quá mức của người tiêu dùng Mỹ, giảm thâm hụt ngân sách quá nặng, cải tiến hệ thống giáo dục xuống cấp và sửa lại chiến lược quá thiển cận của các xí nghiệp Mỹ. Tuy vậy, Washington đã khước từ yêu sách của Nhật giới hạn việc sử dụng thẻ tín dụng ở Mỹ.
Phải chăng hai bên nói chung đã tránh được cuộc chiến tranh thương mại? Nhật Bản phải chăng đã làm hòa với thế giới? Không. Quốc hội Mỹ không để mình bị ru ngủ bởi những lời hứa. Nhật Bản chẳng đã đưa ra nhiều lời hứa suông đó sao? “Tôi đã thấy quá nhiều thỏa thuận nói nhiều mà thực hiện thì ít”, thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, chủ tịch ủy ban tài chính Thượng nghị viện, Lioyd Bentsen tuyên bố. Còn Richard Gephardt, lãnh tụ khối Dân chủ đa số ở Hạ nghị viện thì khẳng định: “Điều này, chúng ta đã từng thấy rồi. Chúng ta đang phạm sai lầm là chấp nhận những lời hứa.” Tuy vậy, ngay cuối tháng đó, Nhật được rút ra khỏi sổ bìa đen của Mỹ. Còn Carla Hills, để giải tỏa vụ chỉ trích của quốc hội, thề rằng Mỹ sẽ duy trì áp lực đối với Nhật. Nhưng cũng chính Carla Hills chắc phải cảm thấy mình bị lừa khi ba tháng sau đó, một quan chức Nhật tuyên bố rằng bà ta là người “dễ xoay chuyển” và chỉ cần một chút triết lý Đông phương để “làm yên lòng bà”. Sự ngộ nhận đó chứng tỏ bầu không khí đàn ông ngự trị mạnh mẽ ở Tokyo, là tác phẩm của tổng thư ký lâm thời đảng Dân chủ – Tự do Takayuki Sato, khi ông ta trở về Tokyo sau cuộc họp thượng đỉnh Houston, nơi ông ta đã tham dự một buổi tiệc chính thức cạnh bà Carla Hills. “Bà ta tỏ ra rất hài lòng khi tôi khen ngợi chồng bà. Dù sao, bà ta cũng chỉ là một phụ nữ”, Sato tuyên bố[37]. Thực tế, ngay từ tháng 6/1990, nhận thấy ít có tiến bộ trong các cuộc thương lượng buôn bán với Nhật, chính quyền Bush đã công khai đòi hỏi Nhật, phải tôn trọng các cam kết. Mỹ vốn sẵn sàng rút Nhật khỏi sổ bìa đen của họ, phải chăng đã bị mắc lỡm?
[37] TTX Kyodo, 18/7/1990.
Phần trong thị trường thế giới của các nước công nghiệp chủ yếu (%) |
||||||
Máy công cụ |
Xe hơi |
Tin học |
||||
1980 |
1987 |
1980 |
1987 |
1980 |
1987 |
|
Nhật |
11,9 |
18,9 |
23,3 |
25,6 |
12,4 |
21,3 |
CHLB Đức |
27,3 |
17,6 |
21,6 |
22,6 |
12,1 |
9,3 |
Mỹ |
12,7 |
9,0 |
11,5 |
9,4 |
31,0 |
22,0 |
Pháp |
6,2 |
3,8 |
10,5 |
7,4 |
6,6 |
5,7 |
Anh |
8,0 |
5,4 |
5,8 |
3,5 |
11,2 |
8,7 |
Ý |
7,1 |
8,5 |
5,0 |
3,9 |
6,3 |
3,4 |
Nguồn: Báo Libération, 11/1/1990 |
Đồng lòng chống Nhật
Ở châu Âu cũng như trên thế giới, từ từ mà chắc chắn, những thâm hụt trong buôn bán đã kết tinh sự bất bình. Ngay từ 1982, CEE đã xung đột với Nhật về vấn đề đầu máy vidéo bán phá giá, dưới cả giá thành, trên thị trường châu Âu. Ở Paris, chính phủ Pháp quyết định một hành động mạnh mà mọi người còn nhớ: vụ Poitiers. Từ nay, muốn vào thị trường Pháp, theo một quy định hải quan của Pháp, tất cả đầu máy vidéo Nhật bắt buộc phải thông qua kiếm soát hải quan ở Poitiers. Vì quân số của hải quan Pháp khá ít ở Poitiers, hàng núi đầu máy vidéo đã nhanh chóng chất đầy trong các kho. CEE còn tiếp tục đẩy sáng kiến của mình về hướng Tokyo. Mùa xuân 1984, CEE chính thức yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường của họ. Tháng giêng 1985, Thủ tướng Malaixia buộc tội Nhật Bản tiến hành chính sách đối ngoại “thực dân”. Nam Triều Tiên liên tiếp chỉ trích Nhật. Đài Loan, một người khổng lồ mới về buôn bán nhưng vẫn là một tên lùn về chính trị, do dự lâu trước khi than phiền công khai. Vốn đã bị cô lập trên thế giới về mặt ngoại giao, chính quyền ở Đài Bắc e ngại các hậu quả chính trị tiêu cực khi chỉ trích. Từ mấy năm nay, chính quyền Đài Loan cho rằng chén đắng họ uống đã đầy vì thâm hụt buôn bán với Nhật đã tới 7 tỷ đô la (số liệu năm 1989), và họ không còn ngần ngại tỏ sự bất bình công khai. Một quan chức của bộ kinh tế Đài Loan mà tôi không tiện nêu tên ở đây, trước mặt tôi đã không ngần ngại so sánh Nhật như một cường quốc bá quyền.
Ở Pháp, thậm hụt buôn bán với Nhật đã trở thành vấn đề quốc gia. Tất nhiên, Paris và Tokyo không thống nhất với nhau về các số liệu ngoại thương của hai nước. Đôi khi những dị biệt tới mức nực cười. Năm 1989, sự khác biệt giữa các số liệu của Pháp và của Nhật lên tới con số chóng mặt: 30,5 tỷ franc. Theo hải quan Pháp thì Pháp đã thâm hụt 29 tỷ franc. Nhưng, với chính phủ Nhật, Pháp đã thặng dư 1,45 tỷ franc. Lý do của khoảng cách này: Nhật không tính khối lượng xuất khẩu của họ thông qua một nước thứ ba.
Kết quả, đến lượt mình, Pháp tuyên bố giới hạn của sự chịu đựng đã bị vượt quá. Ngày 11/1/1990, Thủ tướng Pháp Michel Rocard ngay trước khi tiếp người đồng nghiệp Nhật Bản là Toshiki Kaifu ở Paris, đã tuyên bố bằng những lời lẽ chẳng mấy ngoại giao rằng Nhật Bản không “chơi đúng trò chơi” tự do mậu dịch. Những nỗ lực của Pháp từ 30 năm nay để ra khỏi chủ nghĩa bảo hộ “không hề có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải ngu đần và ngây thơ”, ông nói thêm Cùng ngày, trước mặt chính ông Kaifu, Francois Mitterrand đã ca ngợi “lao động cần cù, tính năng động và hiệu quả” của Nhật trong lĩnh vực buôn bán, nhưng đồng thời đã chỉ trích “vị trí thống trị” và sự không thể xâm nhập của thị trường Nhật Bản. Ngày 24/1, Jacques Delors, chủ tịch Ủy ban châu Âu, trách cứ Nhật không áp dụng cùng những nguyên tắc như Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. “Nếu người Nhật muốn nhận lãnh trách nhiệm thì họ phải áp dụng cùng những quy tắc như chúng ta, với bất kì giá nào”, ông khẳng định. Đầu tháng 3/1990, không lâu trước khi đi thăm chính thức Nhật Bản, người đứng đầu chính phủ Pháp tuyên bố với báo chí Nhật rằng sự mất cân bằng trong buôn bán Nhật-Pháp đã “tới mức khó mà chấp nhận được”.
Ở châu Âu, Pháp là nước chỉ trích Nhật mạnh mẽ hơn cả. Người Nhật đặc biệt bực bội và lo lắng nhận thấy rằng trong chính phủ Pháp tồn tại sự thù địch thẳng thừng và công khai đối với hoạt động của họ trên thế giới. Nỗi ám ảnh của người Nhật là bà Édith Cresson. Nắm Bộ Ngoại thương rồi Bộ về các vấn đề châu Âu cho đến đầu tháng 10/1990, bà đã ở những vị trí then chốt để tổ chức với hiệu quả tối đa một cuộc phản công nhắm vào chính sách buôn bán của Nhật. Không nghi ngờ gì, bà đã trở thành người phát ngôn dũng cảm nhất của cánh “cứng rắn” chống Nhật ở châu Âu; với họ, châu Âu phải khẩn cấp đoàn kết lại để đối phó với mối đe dọa Nhật Bản. Bởi vì, với bà Édith, không được phép nghi ngờ nữa: Nhật Bản đã bắt đầu đi chinh phục thế giới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.