Nước Nhật mua cả thế giới

PHẦN MỘT: TỪ BẠI TRẬN ĐẾN PHỤC THÙ – I. Một nước Nhật tủi nhục



Sự bất hạnh trả lại cho con người những phẩm hạnh mà sự sung túc lấy mất.

E. Delacroix, nhật ký.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945. Cái ngày ấy sẽ mãi mãi khắc ghi trong ký ức của mọi người dân Nhật.

Lúc ấy là khoảng hơn bốn giờ chiều. Một cái tin sét đánh được những người nghe đài đem truyền từ nhà này sang nhà khác suốt cả nước: Nhật hoàng Hirohito đã chấp nhận đầu hàng. Chính Tenno, thiên tử, thiên hoàng, dòng dõi của nữ thần mặt trời Amaterasu… đã công bố điều đó với thần dân mình. Điều không thể hình dung đã diễn ra! Điều không thể tưởng tượng nổi đã trở thành hiện thực! Đế quốc Mặt trời mọc, vốn ấp ủ giấc mơ thống trị toàn châu Á, nay đành cúi đầu bại trận. Giọng của “Thiên hoàng” được cả nước Nhật tôn kính vang lên đĩnh đạc và nghiêm trọng:

“Sau khi đã suy nghĩ chín chắn về những xu hướng chung của thế giới và về các điều kiện hiện nay của Đế chế chúng ta, Trẫm, với tư cách Hoàng đế, quyết định giải quyết tình hình hiện nay bằng một biện pháp không bình thường. Trẫm đã ban lệnh cho chính phủ công bố với bốn nước: Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô rằng, Trẫm đã chấp nhận các lời lẽ trong bản tuyên bố của họ.”

Tất cả đều đã rõ. Chiến tranh đã kết thúc. Nước Nhật bất khả chiến bại đã phải cúi đầu. Lòng kiêu hãnh điên cuồng của một dân tộc đã bị bẻ gãy. Con sư tử đã phải quỳ gối. Đồng minh đã thắng. Khắp nơi, dân Nhật đã khóc ròng. Giới quân sự thì tuyệt đại đa số đã tuân theo lệnh của hoàng đế, nhưng hàng chục sĩ quan cao cấp đã mổ bụng tự sát. Thà harakiri còn hơn chịu nhục nhã. Thà chết còn hơn bị mất mặt.

Bởi lẽ tuyên bố Postdam đã rành rành: Nước Nhật chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Đất nước sẽ bị quân đội Hoa Kì chiếm đóng. Chính phủ sẽ bị phân rã và đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Các tướng lĩnh quân sự có trách nhiệm về cuộc chiến sẽ bị đưa ra xét xử.

Lệnh đầu hàng đã được ký ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên chiến hạm “Missouri” của Hoa Kì đậu trong cảng Tokyo. Tướng Mc Arthur là ông chủ mới của nước Nhật. Điều khủng khiếp nào đã buộc Nhật hoàng phải chấp nhận điều không thể chấp nhận ấy? Để quân đội Thiên hoàng phải chịu đựng điều không thể chịu đựng được? Và để mỗi người dân Nhật phải gánh chịu những điều không thể gánh chịu được?

Chúng ta sẽ không thể hiểu được nước Nhật ngày nay nếu không hồi tưởng lại những sự kiện lịch sử gần đây và không tìm lại những truyền thống của dân tộc này. Bởi đáng lẽ có lần đất nước này đã từng mưu đồ thống trị cả phương Đông. Dựa trên một học thuyết nặng tính tôn giáo mang tên là “Đại thịnh vượng”, Nhật Bản đã từng lôi kéo các quốc gia và dân tộc Đông Á dưới sự lãnh đạo của nước Nhật cùng nhau xây dựng một khối thịnh vượng chung. Chính thứ chủ nghĩa dân tộc cuồng tín đó đã dẫn quân đội Thiên hoàng đi đến những nơi xa xôi nhất của châu Á cùng lá cờ Mặt trời mọc. Thậm chí có thể có những tướng lĩnh tự huyễn hoặc với ước mơ nước Nhật thống trị toàn thế giới. Thứ chủ nghĩa phiêu lưu ấy không phải hình thành từ hư vô, bởi có thể tìm thấy điều ấy trong rất nhiều cổ thư như Hakko Ichiu từng đề cập đến “sứ mệnh thiêng liêng” của dân tộc Nhật là “đặt tám phương hoàn vũ dưới cùng một mái nhà” để dựng lên sự hài hòa và phồn thịnh. Sự kích động mang tính tôn giáo ấy được dựa vào học thuyết shinkoku-shugi, theo đó Nhật Bản được nâng lên thành một “thiên quốc” cao hơn tất cả các nước khác và tổ tiên của người Nhật được nâng lên thành “dân tộc khai thiên lập địa” mà minh chủ là Tenno, Thiên hoàng.

Một dân tộc bị huyễn hoặc bởi giới quân sự

Năm 1941, chính sách ngu dân điên rồ của một số tướng lĩnh quân sự cực đoan đã phỉnh phờ cả một dân tộc. Sự điên rồ và lừa bịp ấy đã kết thúc bằng một thảm họa cho dân tộc và một sự nhục nhã đến mức có lẽ người Nhật sẽ vĩnh viễn không còn dám mơ tưởng gì đến phiêu lưu quân sự nữa. Chính từ nỗi nhục nhã ê chề ấy, đã nảy sinh một khát vọng phục thù không thể cưỡng được mà 45 năm sau khi bại trận, đã ngày một trở nên rõ ràng hơn qua công cuộc tái thiết nước Nhật và qua ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của nó trên sân khấu quốc tế.

Nước Nhật đã như thế nào trước khi bước vào cuộc chiến tranh?

Từ ngày 27 tháng 9 năm 1940, ngày ký Hiệp ước thành lập phe Trục, nước Nhật đã trở thành đồng minh của nước Đức Hitler và nước Ý phát xít. Nhưng, từ lâu, chính phủ Mỹ đã không hề hoài nghi chút nào về khuynh hướng hiếu chiến của chính quyền Nhật Bản. Chính quyền này, cũng như quốc hội của nó, đã dần dần chuyển vào tay giới quân sự cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhất. Nhật hoàng quả có ý định ngăn cấm đất nước lao vào cuộc chiến tranh. Nhưng theo lời đồn, người ta đã giấu nhẹm không cho ông biết gì về thảm họa đang bao trùm lên nước mình. Một nhân chứng may mắn đã biết rõ những năm tháng cầm quyền của phe quân sự: đó là Robert Guillain, lúc ấy là thông tín viên của hãng thông tấn Havas, sau này trở thành hãng thông tấn AFP. Đến Tokyo năm 1938, ông đã theo dõi sát sự chuyển hướng đến chiến tranh của Nhật Bản. Cuộc tiến quân của Nhật Bản sang Trung Hoa, theo lời ông nói với tôi, đã phân hóa sâu sắc giới cầm quyền Nhật Bản: một cánh chủ trương sự hòa nhập hòa bình của Nhật Bản vào cuộc hòa nhạc của các dân tộc và một cánh khác, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đối kháng điên cuồng với phương Tây. Nhưng cánh ôn hòa đã không theo kịp cánh kia. Về phần nhân dân Nhật Bản, họ không hề hay biết gì về những hành động ghê tởm do quân đội Thiên hoàng gây ra. Là nạn nhân của trò lừa bịp của các tướng lĩnh, họ đã bị lợi dụng bởi lối tuyên truyền quân sự khá thô thiển.

“Mãi sau này, người dân mới hiểu được tất cả. Những chiến thắng quân sự chỉ là dịp để diễu hành ồn ào, để bốc đồng say sưa. Tất cả đều đã được sắp đặt. Việc chiếm Nam Kinh (Trung Hoa) chẳng qua cũng là dịp để rước đèn. Việc chiếm Hàng Châu cũng vậy. Nhờ những thước phim thời sự ta đã có thể xem lại những hình ảnh của chiến dịch xâm lược Trung Hoa. Ta có thể thấy những chú lính Nhật lùn hung tợn đang tiến vào một nước Trung Hoa già cỗi – rất già cỗi – rồi đập phá tan hoang. Thế nhưng chẳng ai biết đến những hành động tàn bạo ấy kể cả những tội ác ở Nam Kinh. (1) Tất cả những điều ấy, dân chúng Nhật chỉ mới thật sự biết đến từ năm 1968.”

[1] Cuộc thảm sát ở Nam Kinh đã khiến hàng ngàn dân thường bị chết trong vòng vài ngày. Lính Nhật đã hành động man rợ chưa từng thấy. Ví dụ, theo lời nhiều nhân chứng, trẻ em Trung Hoa đã bị ném tung lên trời rồi lính nhật dùng lưỡi lê đâm xốc lên.

Việc ký hiệp ước với Đức đã đánh dấu sự chuyển hướng triệt để của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản. Nó đồng thời cũng chứng tỏ sự bất lực của hoàng thân Kokoe Fuminaro (thủ tướng Nhật lúc bấy giờ) trước những yêu sách ngày một quá quắt của giới quân sự.

“Tất nhiên, bản thân ông ta cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc chiến Trung Hoa. Chính ông đã gây chiến với Trung Hoa. Cũng chính ông, sau đó, đã ký hiệp ước với Đức… Và, sau hôm ấy, người ta đã đọc thấy trên tờ Japan Times một mẩu tin bất ngờ: ‘Thủ tướng Kokoe đã ký kết một hiệp ước lịch sử với nước Đức và, sau lễ ký, ông đã khóc.’ Ông chống lại. Phải! Ông đã không bằng lòng với chiến dịch Trung Hoa. Ông luôn gây phiền hà cho đa số, với cái quốc hội đã thối nát và bị lũng đoạn trầm trọng bởi giới quân sự. Tất nhiên là rất thông minh, nhưng khi gặp những chuyện rầy rà, bao giờ ông cũng thúc thủ và lui bước… sau khoảng bồn hoặc năm ngày.”

Quả cũng có rất nhiều nhà trí thức Nhật Bản chống lại thứ chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản ở châu Á. Nhưng nước Nhật đã lún sâu vào con đường phát xít đến mức tuyệt đại đa số người Nhật, hệt như 75 triệu chú cừu non ngoan ngoãn, cứ cung cúc đi theo.

“Đó là một trạng thái mê muội chung trong toàn dân: Hãy ngừng suy nghĩ! Hãy ghi tên mình vào danh sách những người yêu nước và thức thời.”

Guillain kể lại.

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật Bản tuyên bố tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng một hành động ngoạn mục: tấn công Trân châu cảng, một chiến thắng rực rỡ đã được ăn mừng ầm ĩ ở Tokyo. Bị tấn công bất ngờ, hàng chục tàu chiến lừng danh nhất của hạm đội Mỹ đã bị dìm xuống biển sâu và một số lượng lớn máy bay Mỹ bị phá hủy. Toàn bộ diễn tiến của cuộc tấn công chỉ kéo dài trong vài giờ dưới tầm lửa phối hợp tuyệt vời của các máy bay dội bom và tàu chiến Nhật. Kể từ ngày ấy và nhiều tháng sau đó, được khích lệ bởi thành công ban đầu, nước Nhật đã xông lên từ cuộc chinh phục này đến cuộc chinh phục khác, từ chiến thắng này đến chiến thắng khác.

Thật ra, chủ nghĩa quân phiệt cũng chẳng có gì mới mẻ. Từ cuối thế kỷ trước, nước Nhật đã trải qua 25 năm chiến tranh. Hòn đảo Đài Loan thuộc Trung Hoa đã từng rơi vào quỹ đạo của Nhật Bản trong cuộc viễn chinh năm 1874. Nước Nhật đã tiến hành cuộc chiến đầu tiên với Trung Hoa từ năm 1894 đến năm 1895. Sau đó là đến cuộc chiến tranh với nước Nga từ năm 1904 đến 1905. Từ năm 1918 đến 1925, Sibérie lại trở thành sân khấu cho một cuộc xung đột mới với Nhật Bản. Triều Tiên cũng đã bị đặt dưới ách thống trị của Nhật Bản. Kể từ năm 1927, Nhật Bản lại tấn công Trung Hoa một lần nữa: chiếm đóng Giang Đông và Mãn Châu Lý thuộc phần lãnh địa của Trung Hoa. Kể từ năm 1937, Nhật Bản đã chiếm đóng toàn bộ phần phía Đông của Trung Hoa. Quân đội Nhật đã là thủ phạm của những vụ tàn sát kinh tởm. Nhưng, đối với chính quyền Tokyo, cuộc chiến ấy vẫn cứ là một cuộc thánh chiến, một cuộc chiến tranh giải phóng. Bởi lẽ, theo Tokyo, nước Nhật có sứ mệnh cao cả là cứu rỗi châu Á khỏi nanh vuốt của đế quốc Mỹ và Anh. Cũng chính những khẩu hiệu ấy lại được đem ra sử dụng cho cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Cuộc tấn công Trân Châu cảng không chỉ đơn thuần là một lời tuyên chiến với Hoa Kỳ và nước Anh. Nó còn đánh dấu sự mở đầu của một cuộc tiến công toàn diện trên tất cả các mặt trận ở Thái Bình Dương.

Giấc mộng bá chủ: “Đại thịnh vượng”

Từ sau năm 1941, quân đội Nhật đã mở rộng quyền lực của Thiên hoàng đến tận những vùng đất xa xăm của châu Á. Người Nhật giải thích với dân chúng sở tại rằng họ đến để đánh đuổi “bọn thực dân, đế quốc” da trắng. Vương quốc Mặt trời mọc đã có một vài thành tích. Tại Thượng Hải, cho mãi đến năm 1937, công viên ở bờ sông Hoàng Phố đã bị cấm không cho “chó và người Trung Hoa” bước vào. Sau khi chiếm thành phố này, người Nhật đã buộc người da trắng phải cúi đầu mỗi khi đi ngang qua công viên. Ngay từ đầu thế kỷ, chiến thắng quân sự của Nhật Bản trước người Nga đã có những tác động tâm lý dây chuyền lớn suốt châu Á. Lần đầu tiên, lịch sử đã chứng minh rằng người châu Á có thể đánh bại một dân tộc da trắng. Nước Nhật, vốn rất tự hào về điều đó, đã không bỏ lỡ dịp nhắc lại với những nước láng giềng. Song liệu có phải nhờ vậy mà nước Nhật nghiễm nhiên được giao sứ mệnh thay cho toàn châu Á?

Cuộc tấn công quân sự của Nhật Bản mở đầu tại Hồng Kông, một thuộc địa của nước Anh. Hòn đảo này đã rơi vào tay của Nhật Bản trước sức tấn công của hạm đội hoàng gia. Sau đó lần lượt đến Philippines, Guam, Singapour, Bắc Kỳ và Nam Kỳ của Việt Nam. Quân đội Nhật hoàng tiếp tục viễn chinh sang Malaixia, xâm nhập vào Miến Điện trong vịnh Xiêm La, vào Sumatra ở Indonesia và đảo Célèbes ở Bornéo. Là cờ Nhật “Hinomaru” với biểu tưởng mặt trời mọc, một hình ảnh được tôn thờ trên quần đảo Nhật Bản đã phấp phới bay trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương, nơi được xây dựng thành các căn cứ của hải quân hoàng gia. Nước Nhật muốn bành trướng thế lực của mình lên cả vùng Đại Á, từ Sibérie cho đến tận Ấn Độ. Nhường châu Âu cho Đức Quốc xã, vương quốc Mặt trời mọc chiếm lĩnh toàn bộ Đại Đông Á.

Ngay tại nước Nhật, việc dồn sức cho chiến tranh cũng diễn ra quyết liệt. Để nước Nhật có thể đảm đương vai trò “ngọn đuốc phương Đông”, trẻ em Nhật đã bị động viên từ năm mười hai tuổi, hàng trăm ngàn phụ nữ Nhật đã phải lao động trong các xưởng vũ khí. Rất nhiều phụ nữ đã phải chui rúc trong các hầm mỏ. Sinh viên Nhật không bị động viên đến xưởng máy thì phải ra chiến trường và nhiều người trở thành phi công. Tokyo và nhiều thành phố khác chìm ngập trong thiếu thốn và nạn chợ đen. Chế độ phân phối đã phải áp dụng cho các loại nhu yếu phẩm hàng đầu. Trong cuộc chiến Thái Bình Dương và cho đến khi bại trận, công nghiệp Nhật Bản đã chế tạo thành công 15 tàu sân bay, 1.115 tàu ngầm, nhiều tuần dương hạm, nhiều thiết giáp hạm, nhiều tàu vét mìn và nhiều loại tàu chiến khác cùng hàng chục nghìn máy bay tiêm kích, máy bay dội bom và các loại máy bay khác…, trong đó loại chiến đấu cơ nổi tiếng “zero” hoàn toàn do các kĩ sư của các phân xưởng Mitsubishi chế tạo. Khi các thất bại quân sự diễn ra liên tiếp và khi viễn cảnh thua trận ngày một rõ thì những cuộc xuất kích của các máy bay này trở thành những cuộc ra đi không trở về. Các máy bay Zero, do các kamikaze (“Thần phong”) điều khiển đã trở thành biết bao quả bom có người lái, lao thẳng xuống các mục tiêu của Hoa Kỳ, như một lần hy sinh cuối cùng cho Tổ quốc.

Sau những giây phút hân hoan ban đầu trước các thắng lợi đầu tiên, nước Nhật thời chiến đã sớm mất đi tất cả niềm vui sống. Các địa điểm vui chơi đều bị đóng cửa, thậm chí cả các quán nước cũng bị hạn chế nghiêm ngặt. Người ngoại quốc bị xem như mật thám và luôn bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng, bất chấp lòng tự hào và bầu không khí hăng hái xung quanh, chủ nghĩa anh hùng không phải lúc nào cũng hiện diện. Guillain hồi tưởng lại:

“Các thanh niên đã biến sắc khi nhận được lệnh động viên. Họ ghê sợ điều đó. Họ sợ nó một cách khủng khiếp. Gia đình thường làm mọi thứ lễ hội trong ngày đưa tiễn họ ở sân ga. Người Nhật được dạy bảo là phải khước từ mọi tập quán Tây phương. Phụ nữ không được để đùi trần và không được đeo nữ trang. Khắp thành phố mọc lên nhan nhản các tổ chức phụ nữ chuyên tố giác và bắt bớ. Các tổ chức này cũng làm cả nhiệm vụ thu thập các chữ ký nhằm động viên tinh thần các chiến sĩ đã lên đường. Có cái gọi là ‘chiếc đai một ngàn nút’ được đặt trên một tấm vải lớn thường mang biểu tượng vòng tròn đỏ của mặt trời mọc. Tất cả các thiếu nữ đi ngang qua đều được yêu cầu dừng lại trong năm phút để thêu tên của mình lên đó. Sau đó, các chiếc đai này sẽ được gửi đến cho các đơn vị ngoài mặt trận.”

Sau cái chết của Hirohito năm 1988, một câu hỏi bỗng cộm lên gây nhức nhối cho những người Nhật và những nạn nhân còn sống sót trong cuộc chiến: Nhật hoàng đã đóng vai trò cụ thể gì trong cuộc chiến và trong việc chuẩn bị chiến tranh? Có đúng Ngài là một bạo chúa, một tội phạm chiến tranh như một số người đã mô tả không? Bao quanh bởi một vài trung thần có toàn quyền định đoạt, phải chăng Hirohito đã cố tình đẩy đất nước đến sự cùng kiệt chỉ với mục đích duy nhất là áp đặt sự thống trị của mình trên toàn nhân loại? Chúng tôi không có ý định bào chữa cho những điều không thể bào chữa được. Nhưng, khi lùi lại phân tích giai đoạn đầy đau thương ấy và dựa trên các tư liệu đang dần dần được đưa ra công khai, các nhà quan sát nghiêm túc về Nhật Bản đều cho rằng Nhật hoàng, ngược lại, đã có kiềm chế bớt những nhà quân sự bốc đồng mỗi khi có dịp. Nhưng do bị cô lập bởi những người có thể cung cấp các thông tin thực tế và cảnh giác về các nguy cơ đang đe dọa, “Thiên tử” đã không kiểm soát được cả quân đội lẫn chính nội các của Ngài, mà khi ấy chỉ còn là một chính thể bù nhìn.

“Giới quân phiệt năng nổ đã nắm tất cả. – Guillain nói – Hiện nay đang có một luận điểm lệch lạc, thuần túy bịa đặt về mưu đồ của một nhóm nhỏ các nhân vật chóp bu và đầy tham vọng do hoàng đế cầm đầu. Không! Hoàng đế chưa bao giờ là như vậy. Ông luôn tìm đủ mọi cách để được thông tin về những chuyện diễn ra xung quanh. Về thực chất, đó là một nhà vua yêu nước, là người gìn giữ các truyền thống văn hóa của Nhật Bản với ước muốn trở thành một ông vua lập hiến. Trong nhiều năm trời, các bộ trưởng được dân bầu ra đã đến với ông và nói rằng: ‘Tâu bệ hạ! Vì sự an toàn của đất nước, xin Người hãy làm như thế này, thế kia.’ Đôi khi, Ông đã đặt ra các câu hỏi. Mà một khi hoàng đế đã đặt câu hỏi thì điều đó có nghĩa là Ông không bằng lòng. Nói cho cùng, Ông đã ghi dấu ấn như một con người yêu nước: không một ai tạo điều kiện cho Ông để có thể làm khác hơn thế.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.