Phớt Lờ Tất Cả Bơ Đi Mà Sống
4. Ý tưởng tốt thường có tuổi thơ lẻ loi.
Đây là cái giá mà bạn phải trả, bao giờ cũng vậy. Không thể nào tránh được.
Trong chương này, tần suất nói về kinh doanh sẽ tương đương với “sáng tạo.” Và xin nhắc lại, hai vấn đề này hiếm khi tách rời nhau.
Khi tôi nói “Bơ đi mà sống” thì không có nghĩa là bơ tất cả mọi người, mọi lúc, và mãi mãi. Không, ý kiến phản biện của mọi người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đương nhiên rồi. Nói đúng hơn, trong thời gian ban đầu, ý tưởng càng tốt thì càng “kỳ cục” đối với người khác, kể cả những người mà bạn yêu quý và kính trọng. Vì vậy, lúc đầu sẽ có một khoảng thời gian bạn phải nỗ lực một mình, không có đến một phần mười số người ủng hộ cần có. Chuyện này hoàn toàn bình thường và bạn cần phải lường trước. Sau mười năm kể từ ngày tôi bắt tay vào việc, dường như vẽ “biếm họa trên lưng danh thiếp” là công việc không có tính toán, xét theo những gì nó mang lại cho tôi, cả về cảm xúc lẫn sự nghiệp. Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ lúc mới bắt đầu vẽ, phản ứng chung khi tôi cho mọi người xem tác phẩm trên lưng danh thiếp toàn là gãi đầu. Chắc chắn rồi, một số người nghĩ rằng chúng cũng ít nhiều thú vị và một số thì không, nhưng ngay cả với những người bạn thân nhất của tôi, dường như chúng chỉ là một bài tập hoàn toàn phi thương mại, phù phiếm trong thế giới ở New York mà tôi đang sống. Hạnh phúc thay, thời gian đã chứng minh điều ngược lại.
Và xin nhắc lại một lần nữa, từ bài học đầu tiên của chúng ta, đừng quên: Ý TƯỞNG TỐT SẼ THAY ĐỔI CÁN CÂN QUYỀN LỰC TRONG QUAN HỆ. ĐẤY LÀ LÝ DO TẠI SAO Ý TƯỞNG TỐT LUÔN BỊ VÙI DẬP TỪ TRONG TRỨNG NƯỚC. Tin tốt là tạo ra một ý tưởng hoặc thương hiệu chống lại Quyền lực Hiện thời có thể mang lại nhiều niềm vui và là việc rất đáng làm. Tin xấu là không phải vô cớ mà người ta gọi chúng bằng cái tên Quyền lực Hiện thời – chúng nắm quyền kiểm soát, chúng có quyền lực. Đấy là lý do tại sao vấn đề bán một ý tưởng mới cho toàn thể công chúng đôi khi lại dễ như ăn kẹo so với việc bán một ý tưởng mới trong chính nhóm của bạn.
Điều này cần phải được tính trước: bạn thường quan tâm đến việc vị sếp hoặc khách hàng lớn nhất có gạt bỏ ý tưởng của bạn hay không chứ không để ý đến việc những độc giả hoàn toàn xa lạ cũng ghét ý tưởng đó. Đây là lý do tại sao hầu hết thành viên các nhóm ở bất cứ ngành nghề nào cũng đều quan tâm đến mối quan hệ quyền lực trong giới của mình hơn những gì khách hàng có thể coi là thú vị và hữu ích.
Và tất nhiên, khi ý tưởng của bạn bắt đầu vượt qua được “tuổi thơ lẻ loi”, có thể bạn sẽ phải vượt qua một trở ngại mới. Tôi muốn nói đến hội chứng “Tôi muốn tham gia một cái gì đó! Ồ, khoan đã, không, không phải thế.”
Từ trước đến nay, tôi đã chứng kiến điều này rất nhiều, lúc một mình lúc với người khác. Cuối cùng thì ý tưởng của bạn cũng tỏ ra hiệu quả, có vẻ thu hút được chú ý của mọi người, và bỗng nhiên cả đám người ra sức xin vào nhóm, ra sức xin tham gia triển khai.
Và ngay khi họ vừa đặt được chân vào nhóm, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra họ chẳng hiểu tí gì về ý tưởng của bạn, họ chỉ muốn có mặt trong hàng ngũ chiến thắng. Và lạ nhất là dường như họ cũng chẳng buồn phá hoại ý tưởng của bạn như trước đây nữa, với mục đích duy trì vị thế xã hội mà họ vừa thiết lập được. Có lẽ đây là hành vi kỳ lạ nhất của con người mà tôi từng chứng kiến tận mắt trong lĩnh vực kinh doanh, và nó phổ biến đến mức đáng kinh ngạc.
Xin nhắc lại một lần nữa, điều này cần phải được tính trước. Ý tưởng tốt không tồn tại trong môi trường chân không mà tồn tại trong bối cảnh xã hội. Và không phải ai cũng có kế hoạch làm việc giống bạn.
Thời thanh niên của ý tưởng tốt cũng lẻ loi không kém.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.