Thành đạt trong sự nghiệp

4 . Tìm lại nghệ thuật lắng nghe đã mất



Hãy trở thành một người khao khát lắng nghe. Hãy lắng nghe nhiều hơn nói. Hãy học từ những người thông minh hơn bạn.

Âm thanh làm nhiễu khả năng lắng nghe của bạn

Điều này xảy ra khi giới trẻ bắt đầu thích làm nhiều việc cùng một lúc. Họ xem tivi, nhắn tin, lướt web, nói chuyện điện thoại, nghe nhạc và làm bài tập cùng một lúc. Họ có sự dàn trải về ý thức mà chúng ta không dễ gì hòa nhập được bởi các cơ quan cảm thụ của họ luôn mải mê tìm kiếm điều gì đó tốt hơn hay khác lạ hơn. Trong thế giới ngày nay, nếu bạn là một người tẻ nhạt, sẽ không có ai muốn nghe bạn cả.

Nghệ thuật lắng nghe đã bị mất đi. Nghệ thuật thấu hiểu những ý tứ sâu xa đằng sau một cuộc nói chuyện thì đã biến mất mãi mãi. Phép ẩn dụ và phép châm biếm ngầm đã bị quên lãng. Nhưng sự cần thiết phải lắng nghe trong kinh doanh vẫn tồn tại và bạn nên xác định rõ điều đó quan trọng đến thế nào.

Trước tiên, hãy tìm hiểu khía cạnh khoa học và nghệ thuật của sự lắng nghe.

Khoa học lắng nghe – nghệ thuật thấu hiểu

Hệ thống sự thấu hiểu được biểu diễn như sau:

Khoa học lắng nghe và thấu hiểu

Đó là lý do tại sao quá trình quan sát và tập trung lại quan trọng. Và đừng vội đoán trước những gì người khác sắp nói. Hãy để họ tự nói ra.

Nhiều năm trước, trong một lần chán nản, tôi đã gây ra một cuộc trao đổi thật tệ hại:

Anh ta: Anh có thể để cho tôi được nói không?

Tôi: Nói làm gì cơ chứ? Tôi biết anh định nói gì và tôi không đồng ý với anh.

Bây giờ, tôi cố gắng tiếp thu và lắng nghe những điều người khác nói nhiều hơn, và một việc khác cũng quan trọng không kém là cố gắng suy nghĩ để hiểu hết những điều họ muốn nói.

Tại sao lắng nghe lại quan trọng với sự nghiệp của bạn

Thành công trong sự nghiệp có thể gói trọn trong hai việc: bạn làm công việc của mình tốt đến mức nào và bạn có được mọi người yêu mến hay không? Để làm hai việc này và đặc biệt là việc thứ hai thì những kỹ năng lắng nghe là vô cùng quan trọng. Nhờ những kỹ năng đó mà bạn nghe đâu đó có tin rằng: “Chúng tôi sắp sửa tăng lương gấp đôi cho anh, và chúng tôi cũng chuẩn bị đề bạt anh lên.” Cũng chính nhờ những kỹ năng này, kết hợp với các hành động của bạn, một ngày nào đó thông tin này sẽ trở thành hiện thực.

Đối với nhiều người, nếu họ không phải là đang ở chế độ “truyền” thì họ tự coi mình đang ở chế độ “nhận”. Nhưng điều này không đúng – thật ra họ đang ở chế độ “không để ý đến cái gì” thì đúng hơn.

Nhưng để là một người lắng nghe tốt, bạn cần phải cố gắng rất nhiều. Bạn cần phải cố gắng như trong câu chuyện sau đây:

Vài năm trước, tôi gặp một người phụ nữ. Cô ấy từng được đào tạo tại Procter & Gamble một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thực hành tiếp thị. Cô ấy phải thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn chuyên sâu với khách hàng và đã được dạy để làm việc đó mà không cần ghi lại điều gì trong lúc phỏng vấn. Thật sự thì những cuộc phỏng vấn như thế thường tốt hơn rất nhiều và nội dung cũng phong phú hơn so với khi cô phải dùng băng ghi âm hoặc sổ tay. Cô ấy nói rằng cô được dạy lắng nghe người được phỏng vấn bằng cách nhìn thẳng vào họ và thật sự tập trung vào những gì họ nói, nhờ đó cô ấy có thể nhớ được đầy đủ và chính xác những gì diễn ra trong buổi phỏng vấn.

Hãy thử làm việc đó với chính bản thân bạn. Trong vòng nửa tiếng, bạn sẽ có khả năng thâu tóm thông tin một cách tuyệt vời mà ít ai có được. Bạn thậm chí có thể nhớ lại cả những cử chỉ và biểu hiện trên gương mặt của người nói.

Hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu những điều người khác nói, cả những ý tưởng mà người đó muốn truyền đạt (và hãy nhớ tất cả những điều đó). Đây chính là chìa khóa cho sự thăng tiến trên con đường sự nghiệp của bạn.

Tại sao phải làm như vậy?

Bởi vì nếu bạn lắng nghe và ghi nhớ những gì người khác nói, bạn có thể học được điều đó và hiểu sâu hơn những gì bạn đang làm. Bởi vì những người biết lắng nghe thường được người khác yêu thích và muốn cùng sát cánh trong mọi việc. Bởi vì những người luôn lắng nghe là những người thông minh hơn những kẻ chỉ biết nói suốt ngày. (Người ta cũng tin rằng những người biết lắng nghe là những người có suy nghĩ sâu sắc.)

Bàn chuyện công việc ở những nơi ồn ào sẽ không hiệu quả

Sẽ là vô vọng nếu bạn cố lắng nghe trong một nhà hàng đông đúc và ồn ào, nói chuyện công việc trong bữa trưa như thế sẽ không mang lại kết quả. Tôi tin rằng rất nhiều cơ hội kinh doanh đã bị mất đi trong những hoàn cảnh như thế.

Có một kịch bản kinh điển như sau: “Đáng ra tôi không nên nói với anh điều này và thật sự là tôi sẽ chối phắt ngay nếu anh có nói một lời nào về nó nhưng anh nên biết rằng…” bị cắt ngang bởi câu mời của anh bồi: “Thưa các quý ngài, các ngài đã muốn gọi món chưa ạ? Thực đơn đặc biệt hôm nay có món…” Kịch bản cố ý hớ hênh để lộ thông tin đáng ra có thể giúp bạn rất nhiều trong thương vụ này cuối cùng đã thành công cốc vì chưa ai nghe được thông tin gì cả.

Michael Douglas đã nói rất xác đáng trong bộ phim Wall Street (Phố Wall) rằng: “Bữa trưa là dành cho những kẻ rỗi việc.”

Nhìn vào mắt người đối diện để giúp bạn tập trung hơn

Nhìn vào mắt người đang nói chuyện sẽ có hai cái lợi:

1. Bạn sẽ có được sự chú ý của người nghe và một phần khả năng điều khiển diễn biến của buổi nói chuyện.

2. Bạn sẽ lắng nghe họ đúng cách và hiểu được cũng như ghi nhớ chính xác những gì họ nói tất cả.

Nếu biết lắng nghe, bạn sẽ là người chiến thắng

Hãy cho mọi người thấy bạn là người biết lắng nghe. Gần đây, tôi được nghe về một người đang gặp vấn đề với ông chủ của mình – “Cô ấy lúc nào cũng ở trong trạng thái ‘truyền’.” Những người ở trạng thái “nhận” sẽ thâu tóm thông tin tốt hơn và nhanh chóng thích ứng với các thử thách, các vấn đề hơn những người khác. Họ cũng thường đáp ứng nhanh những yêu cầu của mọi người. Và căn cứ vào trực giác thì những người biết lắng nghe thường là những người tốt bụng và tế nhị hơn.

Những người biết lắng nghe nghe điều bạn nói bởi họ có thể chứng minh điều đó

Không có gì làm cho người khác thích thú hơn là đưa ra những nhận xét hay phản hồi về những điều họ vừa nói với bạn. Điều đó thể hiện rằng những gì họ nói đáng để bạn quan tâm và, hơn thế nữa, bạn thật sự nhớ được tất cả những gì họ đã trình bày.

Sức mạnh của lắng nghe nằm ở sự tập trung cao độ

Nếu bạn có thể nói to thì chắc bạn cũng nghĩ rằng mình có thể lắng nghe cặn kẽ. Tôi gọi đó là lắng nghe chủ động. Nó đòi hỏi sự luyện tập khá vất vả cộng với sự tập trung cao độ. Nếu bạn đến nhà hát và chỉ ngồi đó và để cho tất cả các ca từ trôi tuột qua tai thì chắc bạn sẽ nhanh chóng ngủ gật. Lắng nghe chủ động đòi hỏi bạn phải có tư thế ngồi thẳng hướng về phía trước và thái độ cực kỳ chú ý – muốn nghe được tất cả những gì đang diễn ra chứ không phải thách thức các diễn viên trên kia phải cuốn hút được bạn. Bạn sẽ bị cuốn hút khi bạn bắt đầu nghe chủ động, còn nhiệm vụ của diễn viên là biến những gì đang diễn ra thành sự cổ vũ, khích lệ.

Kẻ thù của sự lắng nghe ở ngay trong đầu bạn

Khi tìm hiểu về quy trình của sự lắng nghe, Tiến sĩ Bart Sayle – người đã giảng dạy về “Suy nghĩ Bứt phá” tại các công ty và tập đoàn lớn trong những năm 1990, đã nói rất nhiều về vấn đề này trong một khóa học về sự sáng tạo. Khóa học này dựa trên những kiến thức từ Hiệp hội Dấu mốc tại Mỹ. Ông nói rằng trong mỗi chúng ta đều có một con người tí hon được gọi là: “Anh đã lắng nghe rồi.” Anh ta là một kẻ nóng tính, thường xuyên nói rằng: “Yeah, yeah – chúng ta đã nghe hết những chuyện này rồi – hãy tiếp tục đi thôi – tôi sẽ nói gì tiếp đây nhỉ (tiện thể thì khi nào đến lượt tôi vậy?) – trời đất, có phải là anh ta vẫn đang lảm nhảm gì đấy không?” Bạn có thể cải thiện kỹ năng mà tôi gọi là lắng nghe một cách chủ động bằng việc làm cho gã tí hon kia ngậm miệng lại.

Cách đối phó với những người không biết lắng nghe

Hãy quan sát cách cư xử của các chính trị gia, các phóng viên báo chí và truyền hình, các phát ngôn viên cấp cao của các công ty – họ lúc nào cũng trong trạng thái “truyền”. Rất nhiều người trong số họ không bao giờ lắng nghe; họ đã có câu trả lời và quyết định về những suy nghĩ của mình trước khi buổi phỏng vấn diễn ra và vì thế tất cả những câu hỏi chuyển lên cho họ sẽ bị coi là những lời chỉ trích nặng nề.

Giờ đây, liệu bạn có thật sự mong đợi rằng mọi người sẽ tin vào những chuyển biến tốt đẹp dưới chính quyền này, đặc biệt là trong phạm vi bộ phận của bạn không? Khi chúng ta đã nghe hết những chuyện này và một số đồng nghiệp của bạn đưa ra những ý kiến trái ngược làm bạn cảm thấy lo lắng. Các cử tri thì đang nói những điều ngược lại và tuần trước, ngay cả chính bạn cũng suýt nữa phải xin lỗi trong chương trình này…

Hỡi ôi, hãy thử cố gắng tách nghĩa xem họ muốn nói điều gì và bạn nên nhớ rằng những phát biểu kiểu này sẽ được tuôn ra với tốc độ 250 từ trong một phút. Nó cũng giống như dạng câu hỏi: “Anh thôi đánh vợ từ khi nào?” và các câu trả lời xuất sắc có thể là: “À, đúng, họ không phải, họ không, không phải thế, tôi không.”

Bạn đối phó với những người không bao giờ lắng nghe bằng cách cư xử thật lịch thiệp và phần nào đồng tình với họ. Câu nói: “Anh nói rất đúng về điều đó NHƯNG…” sẽ làm họ phát điên lên và bạn sẽ giành được quyền kiểm soát. Về cơ bản, bạn có thể làm được điều đó là do bạn biết lắng nghe và biết giữ cân bằng trong cuộc sống.

Việc áp dụng những điều này thật sự quan trọng khi bạn tham gia các cuộc họp. Trong những dịp đó, nếu bạn không cẩn thận, tất cả các nguyên tắc về lắng nghe cũng sẽ không có hiệu quả.

Lắng nghe trong một cuộc họp cũng giống như tung hứng với những con lươn

Không ở đâu mà lắng nghe lại quan trọng như trong các cuộc họp. Không ở đâu mà những thói xấu của cái miệng lại hiển nhiên vượt mặt những cái tai như trong các cuộc họp. Thế nên cư xử đúng đắn, tích cực và luôn luôn sẵn sàng trong các cuộc họp có thể là một trong những bàn đạp quan trọng nhất cho bánh xe sự nghiệp của bạn.

Hãy quan sát tất cả những gì đang diễn ra. Đôi khi, những điều không được nói ra lại quan trọng hơn những điều được nói. Hãy để ý các cử chỉ của cơ thể. Khi một người khoanh tay – đó là biểu hiện của sự thù địch. Khi một người vò đầu bứt tóc – họ đang bối rối. Khi một người che miệng – rất có thể họ đang nói dối…

Các cuộc họp là chiến trường của những nhân cách và thành kiến – và cả những chuyện bi hài.

Cách thể hiện là một người biết lắng nghe trong các cuộc họp

Chúng ta nên quan tâm tới điều này vì các cuộc họp là một phần quan trọng trong cuộc sống và cách cư xử tại những nơi như vậy có thể trở thành yếu tố quyết định sự nghiệp của bạn. Trong những lúc như thế này, bạn cần áp dụng nghệ thuật lắng nghe và tốc độ thấu hiểu.

Chuẩn bị trước

Hãy đọc những giấy tờ liên quan đến cuộc họp trước khi bạn đến tham dự. Hãy chuẩn bị trước tất cả mọi thứ. Như thế, bạn sẽ không phải cố gắng theo đuổi nhịp độ của cuộc họp và có thể dành trọn thời gian để lắng nghe một cách chủ động.

Đơn giản hóa các thông điệp để giúp bạn nắm bắt nội dung cuộc họp dễ dàng hơn

Thông qua các tài liệu liên quan, hãy tự viết các ý chính của cuộc họp ra giấy để bạn có thể tập trung vào những vấn đề then chốt và lắng nghe tốt hơn.

Thả lỏng bản thân

Sự vui vẻ có thể giúp bạn tập trung tốt hơn. Những cuộc họp với thái độ nóng giận hiếm khi giải quyết được việc gì mà chỉ làm tăng áp lực cho những người tham gia. Và khi bị áp lực, người ta không thể lắng nghe tốt, dù chỉ bằng một nửa lúc bình thường.

Tránh cố gắng ghi điểm vì nó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

Đừng trở thành một kẻ hóng hớt thông minh. Mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó nếu bạn liên tục sửa lỗi cho người khác khi họ phát biểu, hoặc lên giọng kiểu như anh chàng Pooter: “Hãy làm theo thứ tự, chủ tọa nói trước.” Những kẻ ghi điểm không bao giờ lắng nghe trừ khi đó là một cơ hội hay là một sai lầm gì đó. Những kẻ này khiến cho việc lắng nghe của người khác cũng xấu đi.

Đừng tỏ ra khiếm nhã vì điều đó có thể khiến người khác sao nhãng

Đừng thì thầm to nhỏ với người bên cạnh. Đó là một cử chỉ xấu và khó chịu, nó khiến mọi người cố gắng nghe bạn nói thay vì để ý đến diễn biến cuộc họp.

Đừng tỏ ra bác học vì điều đó khiến mọi người bối rối

Và khi bối rối, mọi người bắt đầu lục tìm trong các ngăn trí nhớ của mình để lấy thông tin và vì vậy sẽ ngừng lắng nghe. Hãy cố gắng trình bày thật đơn giản, trong sáng và đi thẳng vào vấn đề. Hãy nghĩ cho những người đang lắng nghe bạn.

Lắng nghe, quan sát và suy nghĩ về những gì đang diễn ra

Quan sát những gì đang diễn ra và cố gắng hiểu được sự tác động qua lại giữa mọi người trong cuộc họp. Các cuộc họp thường ẩn chứa nhiều lớp tình tiết chính trị. Ai không tin tưởng vào ai? Ai đang cố gắng gây ấn tượng với ai? Ai là người có tính bảo thủ và ai là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro? Ai là người đang có nguy cơ đi xuống?

Ai đang thăng tiến? Người ta đang nói cái gì? Những điều gì còn chưa được nói ra?

Điều này thật sự có nghĩa là gì?

Nơi để phát biểu cũng là nơi để lắng nghe

Các cuộc họp vẫn thường là khía cạnh tồi tệ nhất của đời sống tại các công ty hay văn phòng nhà nước. Rất nhiều người tin rằng họ có thể sống bằng cách tham gia vào các cuộc họp và các cuộc họp là những sự kiện quan trọng nhất trong công việc của họ. Một vài người còn tự hào khi có thể sống sót qua 50 cuộc họp trong một tuần, bằng cách rời cuộc họp này sớm hơn một chút để kịp giờ cho cuộc họp kia và luôn luôn phải có điện thoại di động bên mình để nhắc việc. Họ dành rất nhiều thời gian ngồi khúm núm trong chiếc ghế phòng họp và ngủ gật hoặc thì thầm với người bên cạnh.

Các cuộc họp cũng có thể trở thành khía cạnh tốt nhất của đời sống công sở nếu đó là nơi mà các quan điểm được chia sẻ và tranh luận cùng nhau, những xung đột cơ bản được làm rõ và giải quyết. Khi người ta coi họp bàn là để lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp và để hiểu những gì họ nghĩ thì các cuộc họp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm lại nghệ thuật lắng nghe và thấu hiểu ý kiến của người khác – cho dù nghệ thuật này bây giờ đã bị mai một đi.

Và nếu bạn muốn hiểu quy trình này rõ ràng hơn, hãy thử những điều sau đây:

Lắng nghe tốt giúp cải thiện trí nhớ

Càng lắng nghe tốt, trí nhớ của bạn sẽ càng tốt hơn bởi vì bạn sẽ chủ động tập trung hơn vào những điều đang được nói đến (hãy nhớ lại người phụ nữ đến từ Procter & Gamble). Ghi chú ít hơn và tập trung lắng nghe nhiều hơn cũng sẽ giúp bạn trở thành một người đồng hành tốt hơn.

Nhìn vào người nói giúp lắng nghe tốt hơn

Kỹ thuật lắng nghe quan trọng nhất là nhìn thẳng và tập trung vào người đang nói chuyện với bạn – đặc biệt là đôi mắt của họ vì điều đó không những khiến họ cảm thấy hài lòng mà còn giúp bạn hiểu rõ những gì họ đang nói thay vì chỉ tập trung lắng nghe.

Hãy trở thành “một đài phát thanh”, suy nghĩ về hai trạng thái “truyền” và “nhận”

Hãy đặt bản thân vào chế độ “nhận” nếu bạn không ở chế độ “truyền” – hãy thu nhận tất cả những gì mọi người xung quanh đang truyền đến bạn. Có một quảng cáo rất hay của Phòng luyện nghe Berlitz, trong đó có cảnh một anh lính canh bờ biển người Đức đang làm nhiệm vụ.

Ngay sau đó một giọng nói bằng tiếng Anh đầy hoang mang cất lên từ đài phát thanh:

“Cấp báo, cấp báo… tàu chúng tôi đang chìm dần.”

Anh ta cố gắng để trả lời lại: “Đây là người canh gác bờ biển.”

Giọng nói từ đài phát thanh nghe tuyệt vọng hơn: “Cấp báo, chúng tôi đang chìm, chúng tôi đang chìm.”

Một thoáng bối rối trên nét mặt anh lính canh, và rồi anh ta hỏi lại: “Vậy các anh đang chìm à?”

Lắng nghe phải luôn luôn đi kèm với thấu hiểu.

Lắng nghe giúp bạn trở thành người hòa giải

Khi bạn đưa ra những ý kiến phản hồi về cuộc nói chuyện của bạn với những người khác thì họ sẽ biết rằng bạn không chỉ ở đó và ghi nhớ tất cả những gì họ nói mà bạn còn thấu hiểu họ. Những người biết lắng nghe trở thành những người hòa giải rất tốt bởi vì họ thật sự nắm được vấn đề của cuộc tranh cãi.

Đưa ra những câu hỏi phù hợp giúp hỗ trợ việc lắng nghe

Bạn cũng cần gợi ý hay đặt câu hỏi cho những người đang nói chuyện với bạn để có thể luôn hướng họ vào chủ đề chính và có được những ý kiến tốt nhất từ họ. Đây là những câu hỏi “mang tính xây dựng” – nó trái ngược với những câu hỏi mà các phóng viên thường đưa ra.

Lắng nghe là bước đệm cho sự thăng tiến

Một thủ thuật quan trọng để thăng tiến trong sự nghiệp là hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh. Và lắng nghe chính là cách để giúp bạn làm được điều đó. Tuy nhiên, bạn phải giải mã và hiểu được những thông tin đã thu thập được. Những người thật sự biết lắng nghe hoàn toàn khác với những kẻ hóng hớt luôn cố tỏ ra thông minh. Họ – những kẻ chỉ thích ghi điểm không bao giờ làm việc tốt ở trạng thái “nhận” vì họ luôn sẵn sàng đưa ra những lời châm biếm cay độc và xen vào lời nói của người khác bởi họ cho rằng ý kiến của họ tốt hơn.

Sự thống trị của các phương tiện thông tin đại chúng và những cơ hội được tham gia vào các chương trình như vậy (có thể là được phỏng vấn hay xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế) đã khiến cho thế hệ ngày nay tin rằng họ cần phải luôn luôn ở chế độ “truyền”. Hãy đi ngược lại chiều hướng đó, hãy là một người lịch thiệp biết lắng nghe và bạn sẽ phát triển tốt hơn trong sự nghiệp của mình.

Những điều nên suy nghĩ:

• Không phải vô lý mà chúng ta được ban cho hai cái tai mà chỉ một cái miệng.

• Liệu lắng nghe có phải là điều thật sự quan trọng không? Câu trả lời chắc chắn là có.

• Biết lắng nghe chủ động, thật sự lắng nghe những gì mọi người đang nói và hiểu được ý của họ có thể biến đổi sự nghiệp của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.